Khóc cho những giá trị đạo đức lụi tàn – Bài viết của Mai Thị Thùy Nhung

Gặp lại Tống Ngọc Hân trên Văn nghệ Quân đội, người đọc tiếp tục được trải nghiệm những di chuyển tinh thần về miền sơn cước để được nghe, được biết tiếng nói, chữ dùng, lối sống, quan niệm của đồng bào vùng cao; đặc biệt, được nhận hồi chuông cảnh báo để mà nhìn nhận, ngẫm ngợi về những được mất trong guồng quay công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đọc Tống Ngọc Hân lần này, người đọc không hề có cảm giác trùng lặp, quen nhàm, trái lại, được bất ngờ thú vị. Nếu Hồn xưa lưu lạc gần đây là không gian văn hóa dân tộc Mông, thì Lửa cười lửa khóc lần này là khung cảnh đời sống gia đình dân tộc Tày. Nếu Hồn xưa lưu lạc là tiếng kêu than, kêu cứu của bản sắc văn hóa, thì Lửa cười lửa khóc là tiếng nức nở, xót xa cho những giá trị đạo đức sắp sửa lụi tàn.

Về truyền thống hiếu nghĩa đối với bậc sinh thành, người lớn tuổi. Trong Lửa cười lửa khóc, ý thức chăm lo, kính trọng, phụng dưỡng người già trong một lớp thế hệ mới đang dần mai một. Điều đó được thể hiện rõ trong cách cư xử với chựa – người sinh ra ông nội. Một bên là người bố rất thương chựa, đi thì thôi, về đến nhà là xộc ngay lại chỗ chựa ngồi, cầm bàn tay chựa lên nắn nắn từng khấc xương. Một bên là cô con gái mười bảy tuổi không bao giờ ngồi gần chựa dù hồi bé, chựa cõng nó suốt; không bao giờ sờ tay vào cái áo đầy mùi khói của chựa, cũng không nhìn lâu vào đôi mắt mờ đục, đầy dử của chựa. Một đằng, người mẹ ngày ba bữa bưng cơm cho chựa; thi thoảng lau chùi, quét dọn chỗ chựa nằm; ngày nào cũng tắm cho chựa vào mùa nóng nực cũng như khi thấy chựa ngọ ngoạy trong chiếc áo bông vào mùa rét lạnh, và lúc nào cũng chu đáo nước tắm phải là nước vỏ cây núc nác pha ấm; tắm cho chựa rồi đến tắm cho ông bà nội tuổi đã tám mươi, mắt mờ tai nghễnh ngãng. Một đằng, cô con dâu chưa từng bưng cho chựa dù chỉ là một chậu nước rửa mặt hay lấy cái tăm mời ông bà nội, chứ đừng nói đến việc tắm, giặt cho chựa hay chăm sóc chựa lúc ốm đau, vệ sinh dây bẩn ra khắp chăn đệm. Cả dòng họ và bà con trong làng ngoài xã đều trọng vọng, kính nể chựa (trong bản, trong họ có cúng, có giỗ, có ma chay cưới hỏi, người lớn, trẻ con đi hết thì cũng nhớ đem phần về cho chựa), trong khi đó, cô con dâu lại ghê chựa, ghê người già, cô con gái thì thấy chựa ngồi lù khù bên lửa là giật mình hét toáng như thể gặp ma, đã thế còn vô lễ hỏi “Nếu chựa cứ già thêm nữa thì hóa con gì nhỉ?”. Trong khi bữa ăn của chựa được người già chăm chút, những thứ nạc nhất trong con cá, ngon nhất trong con gà là phần chựa, nhiều bữa, cả nhà qua quýt rau măng thì chựa cũng vẫn có quả trứng gà rán và một cốc rượu thì một người trẻ nào đó trong gia đình lại nhẫn tâm vùi bữa trưa của chựa vào nồi cám lợn để đến mức chựa chết vì đói… Thoáng nghĩ, truyền thống hiếu nghĩa với người lớn tuổi, người có công sinh thành đang như cái cầu trượt trò chơi trẻ con, một đầu ông bà, cha mẹ cố nâng giữ, xây đắp, một đầu cháu con lại thờ ơ, bỏ mặc cho tuột dốc. Thử hỏi, khi trong gia đình vẫn đang hiện diện những tấm gương kính hiếu như thế mà người trẻ còn hành xử như vậy thì các thế hệ sau nữa sẽ còn vô tâm vô tình đến mức nào?

Về thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Đối lập hình mẫu người mẹ truyền thống trọn đạo “tam tòng” (Làm vợ một “con giời” như bố, mẹ phải nhẫn nhịn nhiều lắm, làm cháu dâu một trưởng tộc đã tê liệt hết mọi cảm giác như chựa, mẹ phải vất vả nhiều lắm để lúc nào chựa cũng chỉn chu, thơm tho trước cháu con, họ hàng, làm con dâu của hai người tuổi đã cao ngất mà không được ở vào thế thượng tôn như ông bà nội, mẹ chưa từng được ngơi nghỉ bao giờ) là cậu con trai cán bộ xã với quan niệm chọn vợ tân tiến (lấy vợ cho mình chứ không phải lấy cho bố mẹ hay ông bà nội và chựa), là cô con dâu y sĩ xinh đẹp, hiện đại làm dâu bốn năm mà vẫn như khách quý, ghê cả cái chổi, con dao, cái cuốc, cái chuồng lợn, lên rừng thì sợ vắt, xuống suối thì sợ đỉa, là cô con gái nhanh nhảu học thói xấu, y hệt chị dâu… Dường như nhận thức về phẩm chất cần có của người phụ nữ trong gia đình đã phần nào bị cuốn trôi, mai một bởi guồng quay lốc xoáy của xã hội hiện đại, chẳng ai trong ba người con kia nhận ra được rằng năm gian nhà sàn mênh mông này, ấm hay lạnh là do những người đàn bà chứ không phải do lửa từ ba cái bếp vẫn đỏ rực suốt năm suốt tháng. Sự thay đổi ấy quá xa lạ, bất ngờ với những người cả đời sống trong nhà sàn, núp bóng rừng già và uống nước máng lần. Phải chăng giọt nước mắt âm thầm của mẹ, giọt nước mắt vo tròn lăn nhanh qua đôi gò má rám nắng của cha, giọt nước mắt rỉ ra loang loáng của ông, câu hỏi đau đáu của bà và hình ảnh ngọn lửa khóc chính là biểu hiện xót xa cho những giá trị truyền thống đành phải lui bước, đầu hàng trước đổi thay của con người và thời cuộc?
Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân quyến rũ người đọc bởi giọng điệu và vốn văn hóa đậm đà chất mạn ngược. Đó là những lối nói, lối ví von mộc mạc, gần gũi nhưng tinh tế, dí dỏm, giàu hình ảnh: củi con củi cháu; lửa cười lửa khóc; chựa như cái cây đã cạn nhựa; chựa ngọ ngoạy trong chiếc áo bông cũ như con sâu tìm cách chui ra khỏi kén; không gian nhà sàn, khi không có tiếng nói cười, giống như một khu rừng lúc vào thu; cuộc đối thoại ngắn ngủi của hai mẹ con giống như tiếng của những chiếc lá vàng đậu xuống thảm cỏ khô… Đó là những nét văn hóa thú vị đặc trưng vùng cao, từ việc thần bếp được mời về ngự trong cây gỗ to nhất, dài nhất, vừa vặn nhất vào chiều ba mươi tết để giữ cho hơi ấm nhà sàn đi hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, đến việc coi ngọn lửa thần bếp là thiêng nhất để thề thốt, hứa hẹn, chứng cho lòng dạ, rồi việc ví chín bậc cầu thang nhà sàn như chín cái vía đàn bà và bậc thang trên cùng là cái vía của những người đàn bà được làm mẹ…

Lửa cười lửa khóc, cũng như những truyện ngắn đã dự thi trên Văn nghệ Quân đội của Tống Ngọc Hân, là tác phẩm vừa truyền tải được thông điệp về nhân sinh, về thời cuộc, vừa được viết bằng một kĩ thuật chắc tay, điêu luyện, là tiếng nói đầy trách nhiệm của một công dân – nhà văn, là sản phẩm sáng tạo của một cá tính sắc nét.

M.T.T.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder