Lẳng lặng rót đầy bia vào cốc mọi người, dồn hết sức bình sinh, tôi gượng đứng lên, kính cẩn:
– Xin mời chú, mời cậu, mời các ông trăm phần trăm! Tất cả những cái ơn các cụ đưa ra chưa đủ! Còn nhiều ơn nữa, xin cứ thêm vào! Con xin thề trả cho đến chết…!
Lẳng lặng rót đầy bia vào cốc mọi người, dồn hết sức bình sinh, tôi gượng đứng lên, kính cẩn:
– Xin mời chú, mời cậu, mời các ông trăm phần trăm! Tất cả những cái ơn các cụ đưa ra chưa đủ! Còn nhiều ơn nữa, xin cứ thêm vào! Con xin thề trả cho đến chết…!
Cách đây ít năm, khi tôi ngoài tuổi 40 và mới về nghỉ chế độ “một cục”. Một hôm Bạch – thằng cháu họ đến nhờ tôi một việc mà theo nó là tối cần thiết, ngoài tôi ra, không ai làm được. Điệu bộ xun xoe và kiểu nói khẩn cầu thái quá của nó làm tôi giật mình cảnh giác: tôi phải tự liên hệ đến những gì mình có được từ lúc sinh ra làm người đến giờ. Đó là cái ngỡ ngàng của người chưa một lần trong đời là nhân vật quan trọng, chưa được ai nhờ việc gì đáng kể bao giờ. Sau một hồi nghe nó vòng vo Tam quốc về mối quan hệ “máu đào hơn ao nước lã”, tôi trấn tĩnh và đủ tỉnh táo chộp lấy cơ hội hiếm có trong đời: được làm oai với người khác! Điềm tĩnh pha trà, tôi mời nó ngồi vào chiếc ghế mây rách mướp phía đối diện, ra bộ chăm chú lắng nghe. Chả biết cái mặt tôi lúc ấy nghiêm nghị thế nào chứ trong đầu đang rối tung những mưu toan kiếm sống, bởi số tiền trợ cấp “một cục” đã hết từ lâu.
Mải suy nghĩ về sự bấp bênh của đời mình lúc tuổi già, tôi quên bẵng sự có mặt của Bạch dễ vài phút, đến lúc hắn hỏi giật giọng: “Chú giúp cháu được không?” thì tôi bừng tỉnh. Nhìn cái mồm hắn há to, đôi gò má nhô cao, sạm đen vì dầm mưa dãi nắng bên hai hõm má, tôi mủi lòng:
– Nói cụ thể xem nào?
Chuyện của hắn tóm lược như sau:
Vợ chồng hắn muốn xây lại cái nhà trên nền đất cũ, tường Ba-panh, mái lợp tôn. Cái nhà ấy là bước ngoặt lớn trong đời, khi ngót chục năm qua, 4 nhân mạng nhà hắn chui rúc như lợn lai kinh tế trong cái nhà cũ, tường cắm dóc, trát bùn rơm, mái giấy dầu thủng lỗ chỗ, vừa dột vừa nóng mà hắn ví von như cái thùng hắc ín. Đầu tiên tôi chột dạ… nghe hắn bai bải kể khó, kể khổ, tôi phác thảo lý do từ chối: biết đâu hắn tưởng món tiền về một cục của tôi nhiều lắm và còn nguyên, ai đó trong họ mách hắn sang vay. Tôi nhẹ người khi nghe thủng chuyện, hắn nhờ tôi mỗi việc: rạng sáng ngày thứ năm, sang đặt cho hắn cây nóc với lý do là đời người có ba việc lớn: tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Trong khi duy vật, duy tâm chưa ngã ngũ, các cụ thì bảo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành!”. Thầy Bất cũng dạy thế. Tuổi tôi rất hợp với chỉ tiêu thầy chọn.
Tôi chẳng thích gì cái cảnh đêm hôm mò mẫm, leo lên giàn giáo được ghép bằng mấy mảnh gỗ bập bênh, mấy cây tre cong queo, bước thấp bước cao, khấp kha khấp khểnh, nửa đi, nửa bò như đưa võng. Nhỡ chẳng may trượt chân, rơi đánh “bộp” xuống đất thì toi đời. Nhưng lại tiếc, bây giờ mới được một lần làm người quan trọng, hắn lại là con cháu trong nhà, nên tôi nhận lời.
Nói chung, việc đặt cây nóc giúp hắn có khó khăn, nhưng với tôi, một công nhân lao động cơ bắp, cũng hoàn thành tốt đẹp. Khi tôi tụt xuống đất an toàn trời cũng vừa sáng. Vợ Bạch bầy mâm đồ cúng ra giữa nền nhà lổn nhổn gạch vỡ vừa lúc thầy Bất tìm đến.
Câu chuyện này xảy ra cuối thời bao cấp, khi mà miếng cơm gạo sổ không độn còn là cả ước mơ, nói gì miếng mỡ, miếng thịt . Chả thế một lần, sau mấy đêm chầu chực xếp gạch nhận nốt ở cửa hàng thực phẩm, bốn chiều sau vợ tôi xách về một cân thịt lợn trắng bệch. Tôi đang quạt lò, cái loại bếp lò đốt bằng than cám trộn với bùn, tròn và bèn bẹt như bãi phân trâu.
Lại nói, khi đặt miếng thịt vào rổ trước mặt tôi như khẳng định một chiến công, thị biến đi đâu đó. Tôi biết tỏng thị đi tảo thêm củ su hào hay vài cái củ cải để kho độn với thịt cho nó dôi. Còn tôi, tay cầm cái quạt nan rách tướp, quạt lấy, quạt để. Khói than, khói củi nghi ngút, cùng mùi khăn khẳn của một con ốc chết lẫn trong bùn khi nháo trộn với than bốc lên. Trời dần tối, mảnh sân nhà tôi xám xịt vì khói, trong lúc bụng tôi đói ngấu giữa lúc gió mùa đông bắc rét buốt ruột từng đợt ào về. Bỏ quạt, tôi với con dao xẻo luôn một miếng thịt vuông vuông cỡ bao diêm, rồi quơ cái móc lò bằng sắt 6 hình chữ L, cắm miếng thịt vào đầu móc. Một tay cầm quạt ra sức quạt, một tay quay miếng thịt trên bếp. Mùi khen khét của than, mùi chua chua, thum thủm của củi ướt, mùi khăn khẳn của con ốc thối, không át nổi mùi thơm của thịt nướng với những giọt mỡ cháy xèo xèo giỏ giọt xuống bếp than, nhìn mà tiếc đứt ruột. Không cần biết sống chín, chẳng cần lo bẩn sạch, cũng chẳng dò nóng nguội, khi miếng thịt đầu móc lò đen sì vì ám gio, ám khói, tôi lôi tuột nó ra, thổi phù phù qua quýt, rồi đưa thẳng vào miệng. Một dòng nước ấm nóng, béo ngậy và ngọt lịm chảy vào họng, trôi xuống dạ dầy, đến đâu đã đời đến đấy. Tôi cứ ngậm miếng thịt trong miệng cho đến lúc nó bã hẳn ra mà không dám nuốt, cũng không dám xẻo thêm lần nữa vì sợ lạm quá vào phần suất của vợ con.
– Ơn ai ?-Vợ tôi đứng sững trước mặt ,nhìn tôi đờ đẫn vì khoái khẩu,hỏi đểu. Tôi chẳng lạ gì bởi chính tôi là người sáng tác ra trò này mỗi khi vợ chồng cao hứng, bắt gặp ở nhau sự sung sướng.
– Sao phải ơn ! – Tôi sổ toẹt.
– Ai đi mua! – Vợ tôi vặn vẹo.
– Cả nhà sướng! – Tôi hoá giải.
Chẳng phải vô cớ tôi kể đoạn này mà không có dụng ý. Chẳng biết vợ chồng thằng Bạch trả công xem mạch, đặt hướng cho thầy Bất bao nhiêu, nhưng tôi biết tỏng: là thầy gì đi nữa thì ông cũng nằm trong đám nhân quần của một thời thiếu thốn, cũng thèm nhạt như ai. Cháu tôi nhà nghèo, lễ mọn nhưng mâm cúng đặt nóc phải có thịt, có xôi, và có hoa quả. Ông đến đúng lúc, được tiếng chu đáo, có trách nhiệm, lại được bữa sáng nhờn nhẫy không mất tiền.
Khi vợ Bạch thái xong miếng thịt mồi đặt vào mâm, cả ba chúng tôi đã an toạ trên những viên gạch. Thằng Bạch xoa tay:
– Xin mời chú, xin mời thầy thụ lộc…!
Tôi rót rượu ra từng chén trong lúc Bạch xun xoe:
– Thưa chú, đây là thầy Bất! Việc xem mạch, đặt hướng, tính ngày, chọn giờ, từ khi động thổ đến lúc đặt nóc đều nhờ một tay thầy tâu bẩm với Thổ công, Táo quân đấy ạ! – Hắn bả lả – Mai này vợ chồng cháu ăn nên làm ra là nhờ công lớn của thầy, của chú!
Quay sang thầy Bất, Bạch giới thiệu tôi qua quýt:
– Thưa thầy, đây là ông chú họ đằng vợ cháu!
Tôi thầm trách thằng Bạch. Chỉ có lời giới thiệu mà rành rẽ chú họ với chú ruột. Xong nhà rồi có ăn nên làm ra không mà đã vội cảm ơn. Đời tôi đến giờ, có được cái đếch gì đâu, mà đầy mình ơn huệ, dại gì ngứa cựa như nó, móc thêm vào những cái ơn tận đẩu tận đâu. Giả sử một ngày nào đó, đời tôi khá giả, cũng như nó, tôi phải ơn những gì nữa đây?
Tôi cầm chén rượu dưới mâm, kính cẩn đặt vào tay thầy Bất. Đó là một người đàn ông ngoại tứ tuần, đôi mắt nhỏ nhưng tròng mắt lờ đờ rất kém linh hoạt, biểu hiện của người luôn căng thẳng khi làm việc tâm linh. Cẩn trọng từng lời khi truyền đạt thông tin của thần thánh hay người thân từ cõi khác tới người nhà trên dương thế.
– Kính thầy một chén! – Tôi nói!
– Xin mời ông – Thầy đáp lễ.
Cả ba chúng tôi nâng chén, ực một tợp khai mào, rồi đồng loạt đặt xuống mâm để thằng Bạch rót tiếp loạt nữa. Kể ra, là người dưng thì hôm nay tôi phải được đặc biệt tiếp đãi. Nhưng là chú nó, thầy Bất đến, thành thử từ chỗ thượng khách, tôi tụt xuống vai chủ nhà, khi chai rượu nửa lít rót đến lượt thứ hai đã vơi một nửa, khuôn mặt tròn trịa của thầy Bất chưa có ánh hồng và đôi mắt lờ đờ cũng chưa thấy biểu hiện linh hoạt trước cái gió rét của một sớm cuối đông. Nhìn đĩa thịt mồi được vợ Bách lạng mỏng bày lùm lùm trên cái đĩa con, tôi phải tự kiềm chế, không dám nhất loạt “đồng khởi” với thầy, sợ quá tay thì không còn gì để gắp.
Thay cho chào hỏi, thầy nâng cốc, tợp một hớp, ề à:
– Cho tôi được hỏi: ông cầm tinh con gì?
Thật may, mấy tháng gần đây tôi thường chiêm nghiệm về cuộc đời mình, mới để tâm đến lịch âm và 12 con giáp. Tôi vội trả lời:
– Dạ thưa… tôi tuổi Mùi, con dê ạ!
– Còn bà xã? – Thầy hỏi tiếp!
– Cũng thế, dê cả ạ!
– Tốt – thầy Bất gật gù – lấy vợ cùng tuổi, nằm duỗi mà ăn!
Thực ra, tôi chẳng tin gì ba cái thứ tử vi bói toán. Cả nhà tôi quanh năm suốt tháng cơm độn ngô, khoai, mì mạch. Thức ăn thì rau già, cá ươn như thức ăn của lợn mà phải lao động cật lực mới có, lấy đâu ra cái kiểu “nằm duỗi mà ăn” như lời thầy nói.
Thầy Bất nhìn mặt tôi chăm chú, buông tiếng thở dài:
– Ông bị ẩn tướng! Hai tai: một to, một bé, khác nhau một tám một mười, lại còn bên thấp bên cao…!
Dừng một chút như để thăm dò thái độ, tay mân mê đôi đũa nhằm một miếng thịt trên đĩa, thầy phán:
– Nói vậy, nhưng ông đừng buồn! Tuổi già ông không khổ, thậm chí còn giầu nữa kia…
Tôi thừa biết giầu có bay bẩy loại giầu. Anh nhà văn giầu tưởng tượng, giầu chữ nghĩa, người có chức quyền thì giầu mưu mô. Loại dân thường như tôi chắc chắn chỉ là giầu tiền, giầu của. Tôi cười nhếch nhác:
– Thầy cứ động viên khéo! Cái loại 4 đời cu ly như tôi, cơ nào giầu được!
Thầy Bất nhìn tôi nghiêm nghị:
– Cơ trời, ông sao biết được! Nhỡn tiền ra đấy, khối những ông lãnh đạo chóp bu, cũng xuất thân từ giai cấp công nhân, văn hoá lớp 3, lớp 4…
Tôi đâm ra cảnh giác, nhìn mặt thầy Bất thăm dò: với kinh nghiệm nghề nghiệp, liệu có phải như người đi câu rắc thính để dụ cá, thầy đang bỏ bùa tôi chăng?
Nhìn đĩa thịt và chai rượu sắp hết, tôi gọi vợ chồng thằng Bạch đến cắt ngang câu chuyện:
– Việc giúp vợ chồng mày đã xong! Chú về!…
Tôi gật chào thầy Bất, khệnh khạng bước ra ô cửa để trống, khi những tia nắng ban mai xiên thủng lùm cây trứng cá, chếch vào nhà như những cây gậy. Thầy Bất vóng theo:
– Đừng quên tôi nhé!
Ngày tháng qua đi. Tôi trầy trật với mưu sinh sau ngày về một cục. Vợ chồng thằng Bạch đã xong nhà và ổn định làm ăn. Chuyện gặp gỡ giữa tôi và thầy Bất đã vào dĩ vãng. Thỉnh thoảng soi gương, cạo râu, tôi thấy hai tai mình cũng cái to, cái bé, bên thấp, bên cao như lời thầy Bất nói.
Một hôm thằng Bạch đến chơi. Chẳng biết có phải tôi ngồi trong cái nhà vừa thấp, vừa tối, hay từ ngày vợ chồng tôi quyết định giảm tối đa khẩu phần ăn trong gia đình, hòng kéo dài chu trình “nhỏ dần đều” túi tiền, thân thể tôi teo tóp như thằng nghiện cớm nắng, làm thằng Bạch giật mình:
– Chú ốm à? Trông sọp lắm!
– Ốm gì! – Tôi uể oải – ốm ăn!
Thằng Bạch ngồi phịch xuống cái ghế mây, đảo mắt nhìn khắp lượt nhà tôi, buông thõng một câu:
– Như nhà trọ xóm liều – bỗng nó quay sang tôi, hào hứng – cháu bàn với chú thế này: cháu biết một mảnh đất ngoại thành người ta cần bán, rộng lắm, có cả ao nữa. Chú bán quách cái nhà này đi rồi mua nó để tăng gia…
Nhiều lần túng cùng, vợ chồng tôi có nghĩ đến việc này, nhưng chưa dám quyết. Đâu chỉ thay đổi chỗ ở, mà còn thay đổi cả một phương thức kiếm sống. Tôi lưỡng lự:
– Tao biết gì về nông nghiệp!
Thằng Bạch phá ra cười, rồi nhăn mặt:
– Được tất! Coi như chú đi một vòng tròn, về tại điểm xuất phát của cha ông!- Đột nhiên cao hứng, nó ê a một câu lục bát, chẳng biết nhặt được từ đâu:
“Qua rồi cái tưởng cao xa
Cội nguồn ta vẫn chỉ là nông dân”.
Rồi nhìn tôi thúc giục – hôm nay cháu rỗi! Chú khoá cửa, cháu đưa chú đến đó thăm quan.
Thằng Bạch đèo tôi bằng chiếc xe đạp khung dựng ậm ạch. Ra khỏi ngoại ô thành phố khoảng 3 cây số, từ đường nhựa nó ngoặt vào đường làng. Tôi đưa mắt nhìn hút lên trên. Chạy song song với đường làng là đường máng nước được ghép bằng bê tông mà phía bên kia cơ bản là ruộng lúa.
Thấy tôi ngơ ngác, thằng Bạch giải thích:
– Đây là đường máng dẫn nước từ sông về cho nhà máy nước thành phố! Tuổi nó xấp xỉ tuổi chú đấy!
Càng vào sâu, đường đi càng nhỏ lại và ghồ ghề hơn, khoảng cách giữa các làng cũng thưa hơn. Được hơn cây số, Bạch dừng lại bảo tôi:
– Tới rồi!
Thằng Bạch dắt xe đi trước mở đường. Cả hai leo lên đường máng nước bằng một lối mòn, đủ đặt bàn chân. Những cây hoa dại đan cành vào nhau từng đoạn che lấp cả lối đi, chứng tỏ đã lâu không có người qua lại.
Vốn là người làng, thằng Bạch hỏi một người đàn bà đang giũ một cái tã lót đầy phân trẻ con vàng ệch xuống dòng nước trong máng, nơi không có tấm đan đậy mặt.
– Cụ Thân có ở đây không cô Lan!
Vứt cái tã đã vò sạch sang bên cạnh, chị ta với một cái quần bết bùn choả xuống dòng nước:
– Cụ về làng với con rồi!
Thấy tôi nhún vai, Bạch cười hề hề:
– Chú về đây, chỉ riêng nước sinh hoạt đã đỡ bao nhiêu sức lao động!- nó nhướng mắt hút dọc đường máng – làng nào cũng có bốn năm bến giặt giũ, tắm rửa như thế! Chỉ cần bỏ đi một tấm đan đậy mặt… nước trong lắm!
Người đàn bà giặt xong, vơ đống tã và quần áo đi về làng. Bạch nhanh nhẩu:
– Chú cứ tự nhiên tìm hiểu – nó chỉ tay sang bên kia đường máng – cháu tranh thủ rửa cái xe!
Dắt xe đạp đến chỗ người đàn bà vừa rời đi, Bạch dựng xe, lột cái yên nhựa làm gáo, múc nước dội ào ào. Bụi đất cùng dầu đen ở xích xe loang trên mặt nước.
Theo tay Bạch chỉ, trước mắt tôi là một cánh đồng. Nhiều thửa ruộng lúa đã lên xanh. Ngay dưới chân tôi, một khu đất cao hơn mặt ruộng vài chục phân, chạy bám theo đường máng nước đến hơn hai chục mét. Chu vi khu đất ngăn cách với các thửa ruộng bằng một vòng đường biên trồng toàn những chuối là chuối. Chuối nhiều và xanh đến mức che khuất một gian nhà nhỏ đắp đất, lợp rạ, chắc là chỗ chui ra chui vào của cụ Thân.
– Ngót ba sào chú ạ!
Thằng Bạch đã rửa xe xong, vần ngửa xe đạp nằm chềnh ềnh trên đường máng phơi nắng, đứng cạnh tôi quảng cáo.
Bỗng tiếng mõ cốc cốc và tiếng ê a như tụng kinh, khấn vái vang lên phía sau ngôi nhà đất. Tôi vội nhìn: sau vườn chuối là một cái gò, nổi lên một cái miếu bên một cây si. Thằng Bạch giải thích.
– Xưa kia, làng cháu là một. Năm sáu mấy gì đó, Nhà nước làm đường máng nước này, chia làng làm hai. Lại đến năm tám mấy, làng bên Tây đi vùng kinh tế mới, trơ ra cái miếu thờ. Cụ Thân được cử ra trông coi. Nay cụ già, về ở với con, nên muốn bán đi…
Tôi thắc mắc:
– Thế từ bây giờ ai trông coi miếu?
Thằng Bạch chặc lưỡi:
– Ông Trưởng thôn đảm nhận! Ngày rằm, mùng một ra quét dọn và thắp hương – nó nhìn tôi thăm dò – nếu chú về đây thật thì xin làng việc ấy mà tích thêm công đức…!
Rồi thằng Bạch giục tôi:
– Chú cháu mình xuống xem cho kỹ! Thầy Bất và ông trưởng thôn đang cúng trên miếu, cũng xuống bây giờ…
Tôi ngờ ngợ:
– Thầy Bất nào?
– Thầy Bất hôm cháu cất nhà, chú sang đặt cây nóc, cùng ngồi uống rượu, chú quên rồi sao?
Tôi đã nhớ ra. Trong sự đảo lộn của cuộc sống, tôi và thầy Bất có thể phải gặp nhau như một cơ duyên. Ông ta là chú thằng Bạch và là người làng này, tôi là chú vợ nó. Việc mua bán, nếu thành công, nguồn gốc liệu có phải tính từ thầy Bất. Tôi rất ngại chuyện mang ơn, nhất là cái ơn không có thực và xuất phát từ tận đẩu, tận đâu. Không muốn đối mặt với thầy Bất lúc này, tôi giục Bạch:
– Thôi, không phải xuống! Chú xem thế đủ rồi! Chú về bàn lại với thím, hay dở sẽ báo mày!
Trong lúc thằng Bạch dựng lại chiếc xe đạp trên mặt máng nước, tôi lẩm bẩm:
– Ở đây, chú sẽ là Rô-bin-sơn!
Đúng như thằng Bạch nói, đời tôi đã đi một vòng tròn. Bầu đàn thê tử nhà tôi về đất ấy đã hơn chục năm. Tôi trở thành lão nông thực sự: Vườn rộng trồng chuối, trồng cam. Ao rộng dưới thả cá, trên thả muống, thả bèo đủ người ăn, lợn ăn. Tuy chưa có cơ khá giả nhưng cũng không quá thiếu thốn như ngày ở phố.
Việc trông nom cái miếu ông trưởng làng giao cả cho tôi. Ngày rằm, mùng một hàng tháng nếu không có ai đến lễ, vợ chồng tôi lên thắp vài nén hương để cho ngôi miếu bớt cô quạnh. Thỉnh thoảng người làng có việc kêu cầu, thường mang hương hoa, phẩm oản mời thầy cúng đến làm lễ. Đôi ba lần có người mời thầy Bất. Cúng xong, đâu cũng đôi ba lần thầy vào nhà tôi uống nước. Tôi tiếp thầy như một người quen, vô tình gặp lại, chẳng mấy mặn mà.
Tôi những tưởng mình đã an phận thủ thường làm một lão nông đến hết đời thì thành phố quy hoạch mở rộng. Một con đường trải nhựa rộng bốn làn xe chạy và được tôn cao, nối thành phố với huyện lỵ chạy dọc theo đường máng nước. Nhà tôi tính nhanh, có 7 lô đất mặt đường. Nghiễm nhiên, tôi thành kiều đất. Liền đó, một khu công nghiệp mọc lên, làng bên đông phải di dời đến khu chung cư mới, còn trơ lại bên này là đất của tôi và cái miếu của làng. Khỏi phải nói những người làng cũ, nhất là đám con cụ Thân nhìn tôi với con mắt thế nào, khi họ rời làng ra đi. Ngày ngày, từng đoàn xe tải chở cát đen lấp ruộng, lấp làng, cắn đuôi nhau, ầm ầm lao đến, làm cho vườn chuối, vườn cam nhà tôi phủ dày một lớp bụi vàng quạch. Địa thế nhà tôi càng trở nên quá đẹp khi cơn sốt đất lại dấy lên sau mấy năm im lắng, mỗi ngày mỗi giá tăng nhanh. Khách thành phố, người xe máy, kẻ ô tô dạm hỏi mua đất ngày càng đông. Tôi bận rộn trong việc giao tiếp, thành thử lợn bỏ đói, ốm chết dần. Chuối, cam trong vườn rụng nát dưới gốc.
Cuối năm, khu công nghiệp hoàn tất, tôi bán 2 lô đất lấy tiền xây một căn nhà 3 tầng. Từ xa trông lại, nhà tôi trông lừng lững như một lâu đài, với những bức tường sơn xanh da trời, lấp lánh cửa kính kiểu Hàn Quốc và mặt tiền cong cong, nhọn nhọn nhái kiểu vương miện hoa hậu.
Hôm khánh thành tôi làm mấy mâm. Kể ra, với túi tiền bây giờ, với ngôi nhà to vật vã và tầm cỡ như vậy, như vợ tôi bàn, phải làm vài chục mâm đãi khách mới xứng tầm. Nhưng tôi gạt đi: mình là anh dân thường gặp may, không tài cán gì, cả đời chẳng tin gì, cũng chẳng ơn ai, khuếch trương làm gì cho mệt.
Bữa tiệc tổ chức vào buổi trưa một ngày cuối năm có nắng, có gió, rất đẹp về thời tiết. Gọn nhẹ mấy mâm thế thôi, mảnh sân rộng ba chục mét vuông nhà tôi đã đầy xe đạp, xe máy. Thực khách không ngớt lời ca ngợi vợ chồng tôi ăn ở hiền lành, được trời cho lộc, từ hôm khai móng đến ngày khánh thành, thời tiết thuận lợi, thật âm phù dương trợ. Tôi bả lả bắt tay đáp lễ từng người rồi giao cho vợ tôi và thằng Bạch xếp mâm – Riêng tôi ngồi tiếp mâm các cụ thượng của gia đình gồm ông chú ruột vợ, vốn là cán bộ cấp Sở đã nghỉ hưu; ông cậu ruột tôi, một ông lão bán kem rong, cũng về một cục như tôi, nhưng sớm hơn, vào thời điểm lãi suất ngân hàng lên đến 12% trên tháng, ông Tổ trưởng nhân dân xóm tôi ở cũ trong phố, ông trưởng thôn của cái làng giờ đã thành mặt phẳng bê tông khu công nghiệp và đại diện cao nhất cho chính quyền sở tại là ông khu trưởng dân cư, và cuối cùng là thầy Bất.
Tôi mở bia rót vào từng cốc trong lúc các cụ thượng lấy giấy lau bát. Tôi kính cẩn đặt cốc vào tay từng người:
– Con kính cậu, kính chú, kính các ông sức khoẻ!
Tất cả chạm cốc. Cậu tôi làm một hơi rồi đặt cốc xuống mâm, nổ một câu khơi mào, giọng ôn nghèo kể khổ:
– Cậu mừng lắm! Bố mẹ cháu chắc giờ này cũng ngậm cười nơi chín suối – Mắt cậu ngân ngấn – cái ngày cháu giấu vợ cho cậu mấy bò gạo sổ, đùm trong cái tã thằng cu, ấn vào thùng kem, nằm mơ cũng chẳng được thế này!
Đỡ cốc bia tôi vừa rót tiếp, cậu nói như dạy bảo:
– Vợ chồng cháu bây giờ là niềm tự hào của gia tộc. Ngày rằm, mùng một ngày giỗ Tết, phải hương nhang chu đáo, cẩn thận, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ, độ trì…
Tôi vâng dạ rối rít, bởi lời nói chí phải của cậu. Chưa biết trả lời ra sao thì ông tổ trưởng nhân dân xóm cũ chêm vào:
– Kể mãi thời bao cấp làm gì! Bị đẩy về một cục, quá khốn khổ! Nhưng cái khó ló cái khôn, mới tìm đến đất này! Theo tôi phải cảm ơn sự sáng suốt của cơ chế! Cảm ơn cái chế độ một lần…!
Ông trưởng thôn gắp một miếng nem rán, định đưa lên miệng liền dừng lại, đưa mắt nhìn mọi người, hai chân xếp bằng rung rung:
– Các cụ nói thế chỉ đúng một phần! Theo tôi phải ơn con đường! Có nó dân thôn mới thoát cảnh ngửi đít trâu, thành người phố!
Nghe câu nói của ông trưởng thôn, tôi tự ái! khốn nạn, tôi từ phố về quê ông, nay các ông ra phố, đảo lộn tùng phèo. Tôi định ra nhời “Còn cái miếu, các ông bê luôn ra phố cho rồi!” nhưng lại thôi.
Không thèm dò ý tứ, ông trưởng thôn tợp thêm ngụm bia, quay sang ông khu trưởng dân cư, giọng ề à vẻ hài hước:
– Tôi nói, đúng không ông tân quan!
Như gãi đúng chỗ ngứa, ông khu trưởng dân cư giơ tay kéo lại cái mũ be-rê mầu vàng da bò mất núm như cái bánh rán bẹp trên đầu, gật gù giọng kẻ cả:
– Tôi đang tại chức, họp hành liên miên, nên rõ hơn ai! – Quay sang tôi, ông nói như ra lệnh – chú phải tạ ơn khu công nghiệp, rõ chứ… khu công nghiệp! Ơn phường cho phép làm nhà!
Quay sang chú vợ tôi đang cho hai ngón tay vào trong miệng, bận rộn vì một vật thể lạ giắt trong răng, ông hỏi, tranh thủ sự đồng tình:
– Nghe nói trước kia ông là quan thi đua, ông thấy tôi nói đúng không?
Ông chú vợ tôi rút tay khỏi miệng, bỏ dở công việc đang làm, tuyên bố hùng hổ như đóng đinh:
– Theo tôi, phải ơn thời mở cửa, ơn đổi mới!
Quay sang tôi đang rót tiếp bia vào những cốc đã vơi, chú hỏi như ra lệnh:
– Anh là người trong cuộc, đùng một cái thành Kiều đất! Từ tim, óc, anh nói đi,anh ơn gì?
Tình thực, tôi không chuẩn bị trả lời những câu hỏi như thế. Làm được nhà mới, a dua theo thiên hạ, tôi làm mấy mâm mời thân thích đến ăn. Tôi đâu ngờ, tiệc mừng tân gia chuyển hướng như một cuộc bình công, luận tội, một cuộc tố khổ thế này. Mà lạ, những cụ khác, phẩm trật chức tước trước kia bé tẹo, gán ghép cho tôi những cái ơn vớ vẩn đã đành, chứ chú vợ tôi, nghe đâu ngày còn đương chức, mỗi lần đứng diễn thuyết trước đám đông quần chúng lao động, vẫn thao thao bất tuyệt, bắt họ phải chịu ơn trời biển nào đó một cách vô tư kia mà. Sao hôm nay cũng vòng vo Tam quốc, không dám nói toẹt cái ơn mà trước kia ông hay diễn thuyết.
Tôi chưa biết trả lời ra sao trước một núi ơn huệ ấy, thì vợ tôi bê đĩa nem rán đến, tiếp thêm vào mâm các cụ. Tôi giả vờ bã lã, chuyển mũi tấn công sang thị:
– Này, mình ơi, các cụ đang hỏi: được như bây giờ, vợ chồng mình phải ơn ai?
Được lời, các cụ nhao lên:
– Đúng đấy! Anh chị ơn ai?
Vợ tôi ớ ra, mặt ngây độn trước tình huống bất ngờ. Tôi khích lệ – mình giỏi đối đáp lắm kia mà!
Quả thực nhiều đêm, vợ chồng sinh hoạt với nhau xong, tôi nằm vật xuống giường. Thấy thị nằm thẳng cẳng đầy thoả mãn, tôi lật người, ghé miệng vào tai thị thì thầm:
– Ơn ai?
– Sao phải ơn! – Thị trả lời sổ toẹt.
Tôi kể công:
– Ai làm cho sướng!
– Cả hai cùng sướng – Thị cào bằng.
Tôi dấn thêm, cố kỉnh:
– Đây quỳ toạc đầu gối!
– Thì đây chịu nặng hàng giờ…
Tôi cứng họng, bỏ cuộc trước biệt tài đối đáp của thị.
Bây giờ, tôi nhìn thị cầu cứu.Mắt tôi nhìn như muốn nói: mình dở chiêu cả hai cùng sướng, cào bằng cho tôi vụ ơn oán này. Thị lẳng lặng sẻ nem vào đĩa dưới mâm, ỏn ẻn trả lời các cụ:
– Việc ấy phải hỏi nhà cháu!
Thị sang mâm khác, bỏ mặc tôi trơ khấc một mình với các cụ. ông chú vợ tợp một ngụm bia, bất ngờ quay sang tôi, cật vấn:
– Trả lời đi! Thật trong tim óc, anh ơn ai?
Lưỡi tôi như cái thìa i-nốc trong miệng. Nếu nói thực bụng rằng tôi đếch ơn gì sất thì các cụ phật ý, bỏ đũa mà về thì bữa tiệc của tôi hỏng bét, mà ào ào nhận ơn tất tật, thì tôi không muốn. Xưa nay tôi không phải loại người như thế.
Bỗng thầy Bất vỗ đùi đánh “đét” một tiếng, làm bát đũa dưới mâm nảy lên. Giơ bàn tay vừa vỗ đùi, thầy chỉ vào tôi:
– Được đổi đời, ông phải ơn tôi!
Mặc các cụ trong mâm ngơ ngác, thầy nhìn tôi hất hàm:
– Mười mấy năm trước, ông này nghèo rớt mồng tơi, tôi đã phán: tuổi già ông ta rất giầu, dù 2 cái tai bên to, bên bé, bên thấp, bên cao… tôi đã tiếp thêm sức mạnh, tin tưởng ở tương lai cho ông ta mà không lấy đồng nào.
Trời ơi, tôi ngán quá! Chuyện ấy đã không nằm trong bộ nhớ của tôi từ lâu. Tôi với ông không phải thân tình. Gặp nhau ở nhà thằng Bạch, uống với nhau chén rượu. Theo thói quen nghề nghiệp, ông quăng ra vài câu tướng số, may mà đúng.
Công xem mạch đặt hướng, chọn ngày giờ khi động thổ, tôi đã trả rồi, thậm chí hậu hĩnh nữa. Hà cớ gì ông bắt tôi lội ngược dòng, nhớ việc xa xưa để giờ đây ngông nghênh tính sổ với tôi!
Một cơn bực bõ bỗng cuồn cuộn trong tôi. Làm con người dù giầu, nghèo, sướng, khổ vẫn phải nhớ ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên, như ông cậu bán kem của tôi nói đầu bữa tiệc là muôn đời đúng. Còn tất cả các ơn khác mà các ông đây nhao lên, gán cho tôi thì quá nực cười. Cái được của tôi chỉ là may mắn, là một mẩu rất nhỏ vãi ra từ bàn tiệc cơ chế chứ có trong danh mục được ân sủng hay ban phát nào đâu.Khi cuộc sống luôn sôi như chảo mỡ trên bếp lửa hồng, bên văng qua, bên ném lại, tôi may mắn lọt khe mà được. Tôi đưa mắt nhìn ông trưởng thôn đang nhồm nhoàm miếng thịt trong mồm mà thương hại: dân làng ông giờ phiêu tán nơi đâu mà cái miếu nhỏ của làng thui thủi nép bên nhà tôi, phải nhờ cậy một thằng ngoại tộc như tôi nhang khói. Liệu nó còn tồn tại bao lâu, có còn là điểm đến của con cháu làng ông trong tương lai. Lại cái ông khu trưởng dân cư với cái mũ be-rê mất núm như cái bánh rán bẹp trên đầu kia nữa, ông cũng như các bạn đồng liêu, rất thích khoác thêm ơn nghĩa lên đám con dân vốn đã đầy mình ơn nghĩa.Tôi nhìn lại khuôn mặt các cụ thượng: liệu đã may mắn cho bàn dân thiên hạ chưa khi họ không còn trong vị trí điều hành. Đang ăn của tôi đây, uống của tôi đây, ông còn nặn ra được cái “Ơn phường cho phép làm nhà…”. Máu trong người tôi rần rật bốc lên mặt, tôi muốn hét thật to, thật thẳng vào mặt họ: “Ơn cái con…!” . Nhưng tiếc bữa tiệc vì thế mà loạn lên, tôi ghìm lại được. Quay sang thầy Bất, tôi đấu dịu, vẻ khinh miệt:
– Thầy biết: Đức tin trong tôi thấp lắm!
Lẳng lặng rót đầy bia vào cốc mọi người, dồn hết sức bình sinh, tôi gượng đứng lên, kính cẩn:
– Xin mời chú, mời cậu, mời các ông trăm phần trăm! Tất cả những cái ơn các cụ đưa ra chưa đủ! Còn nhiều ơn nữa, xin cứ thêm vào! Con xin thề trả cho đến chết…!
Nói xong, tôi sùi bọt mép, mắt trợn ngược như người trúng gió. Tôi lảo đảo, ngã ngửa ra sau, suýt đập đầu xuống đất. May có thằng Bạch đưa tay ra đỡ./.
Trại Chuối, tháng 02 năm 2010.
L. V. C.