CHÚ HẢI QUÂN
Vững vàng trên đảo nhỏ
Bồng súng gác biển trời
Áo bạc màu nắng gió
Chú mỉm cười rất tươi
Giữa trập trùng xa khơi
Hải âu vờn quanh chú
Bên đảo đá chơi vơi
Dạt dào ngàn sóng vỗ
Dù nắng mưa bão tố
Các chú vẫn hiên ngang
Bao tàu thuyền qua đó
Kéo còi chào ngân vang
Lá cờ đỏ sao vàng
Phấp phới bay trong gió
Ước mai ngày như chú
Giữ yên biển quê hương.
HOÀI KHÁNH
Tác giả Hoài Khánh (1963 – Hải Phòng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) được ghi nhận “là cây bút của tuổi thần tiên” (Mai Văn Phấn). Nhà thơ từng thử sức ở nhiều thể loại văn học nhưng thành công được ghi nhận hơn cả là mảng thơ thiếu nhi.
Bài “Chú hải quân” rút từ tập thơ “Đồng hồ báo thức” (NXB Hội Nhà văn – 2020) là một sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Hoài Khánh. Tác giả hóa thân vào em nhỏ và bằng cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên đã tái hiện chân dung, công việc thường ngày của chú hải quân. Qua đó, em nhỏ bày tỏ niềm mến thương, kính phục và mong ước sau này được tiếp bước các chú hải quân “giữ yên biển quê hương”.
Viết về chú hải quân là một đề tài không mới. Song so với bài thơ cùng tên của thi sĩ Vân Đài in trong sách Tiếng Việt của lớp 2 bậc tiểu học trước đây, Hoài Khánh đã đưa đến cho bạn đọc hình ảnh mới về người chiến sĩ hải quân thời bình. Dùng thể ngũ ngôn rất hợp với phương thức tự sự, lời thơ thuần Việt dung dị, những câu thơ đầu đưa bạn đọc tới thăm chú bộ đội hải quân:
“Vững vàng trên đảo nhỏ
Bồng súng gác biển trời
Áo bạc màu nắng gió
Chú mỉm cười rất tươi”.
Chỉ vài câu thơ, chân dung lính đảo được vẽ lên bằng ngôn ngữ chân thực, sống động và gần gũi. Đó là người chiến sĩ “vững vàng” giữa thiên nhiên biển trời phóng khoáng, chắc tay súng canh giữ biển đảo quê hương. Nơi đây, thời tiết khắc nghiệt, mưa dữ cùng nắng gắt đã khiến quân phục người lính “bạc màu”. Đó cũng là dấu ấn của những vất vả, gian lao thường ngày các chiến sĩ phải đối mặt. Điều đáng quý là chú hải quân không chút kêu ca phàn nàn, không buồn phiền hay khó chịu mà ngược lại “Chú mỉm cười rất tươi”. Nụ cười – món quà tuyệt vời, sứ giả của sự thân thiện, biểu hiện của niềm hạnh phúc từ nội tâm, nụ cười “rất tươi” của chú hải quân là điểm sáng của cả bài thơ, xua đi những mệt mỏi, gian lao, lan tỏa niềm vui đến mọi người. Chân dung chú hải quân là tâm điểm hiện lên lồng lộng giữa bức tranh biển “trập trùng” sóng biếc thật đáng yêu vô cùng:
“Giữa trập trùng xa khơi
Hải âu vờn quanh chú
Bên đảo đá chơi vơi
Dạt dào ngàn sóng vỗ”.
Hình ảnh chim hải âu bay vờn quanh người lính đảo gợi tả cuộc sống thanh bình, khơi gợi quan hệ thân thiện giữa con người và thiên nhiên, môi trường. Cho dù ở nơi xa đất liền, thời tiết khí hậu có khắc nghiệt đến đâu, nắng mưa bão tố có thử thách lòng người và cuộc sống còn thiếu thốn đến thế nào, các chú hải quân “vẫn hiên ngang” như những cột mốc sống của chủ quyền Tổ quốc. Mỗi khi có tàu thuyền trong nước hay bạn bè quốc tế đi qua “Kéo còi chào ngân vang”, đem đến âm thanh tươi vui, hào hứng cho cả một vùng biển đảo rộng lớn.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh lá cờ Tổ quốc rực rỡ trên nền đỏ sao vàng “phấp phới” bay giữa đảo quê hương như một sự khẳng định sống động về mốc giới biển Việt Nam trong niềm phấn khởi, tự hào:
“Lá cờ đỏ sao vàng
Phấp phới bay trong gió”.
Là người yêu mến và thấu hiểu sâu sắc tấm lòng các bạn nhỏ, nhà thơ nói hộ nguyện vọng tha thiết của các em:
“Ước mai ngày như chú
Giữ yên biển quê hương”.
Niềm khao khát được đi tiếp con đường, làm tiếp nhiệm vụ cao cả của các chú hải quân ở các em thiếu nhi truyền cho người đọc tình yêu và niềm tin ở lớp trẻ. Các em nhất định sẽ kế tục và phát huy xứng đáng truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của thế hệ cha anh.
Bài thơ là khúc ca dạt dào tình thương mến và tri ân người chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời là áng thơ chan chứa tin yêu đối với thế hệ măng non. Bài thơ đã được tuyển chọn trong sách Tiếng Việt lớp Ba tập II (Bộ sách Cánh diều).
N. T. T.