Dẫu biết rằng xuân đến rồi xuân lại đi, theo quy luật của tạo hóa, mà sao trái tim ta cứ bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến đến lạ lùng!
Mỗi độ xuân về, những người con đi xa càng thêm da diết nhớ quê nhà. Quê hương không chỉ là nơi sinh ra, cho ta cất tiếng khóc chào đời, mà quê hương thẫm đẫm trong lòng mỗi người bằng văn hóa, bằng một miền kí ức tuổi thơ hằn sâu trong nỗi nhớ!
Xa quê, ra chốn thị thành đã mấy mươi năm có lẻ, mái tóc trên đầu giờ đã ngả màu sương mà hình ảnh quê hương luôn đau đáu trong trái tim tôi, nhất là những ngày Tết đến, xuân về. Cái rét đầu đông làm cồn cào nỗi nhớ, nuối tiếc bao mùa xuân đã trôi qua!
Nhớ lại những ngày áp tết, từ đầu làng cuối xóm nhà nhà tưng bừng không khí đón Tết, nhà nào cũng chọn những tàu lá chuối xanh mượt, rọc ra phơi cho heo héo; lá dừa cắt đầu, cắt đuôi gấp vuông bốn góc, xong lấy que tăm cài cho thành khuôn, chồng hai cái lên nhau là được một khuôn bánh chưng vuông vức. Nhà dù nghèo đến đâu cũng cố gói lấy dăm ba cái bánh chưng, và âu hành muối mới gọi là tết.
Rồi khắp thôn xóm rộn ràng hẳn lên. Đi đâu cũng thấy thoang thoảng mùi hương thơm của nếp cái hoa vàng, mùi ngai ngái của lá chuối, và đặc biệt là nhà nào cũng có cây mùi già tắm tất niên.
Trời ơi! Cái ngày ấy không biết đến bao nhiêu ngày mới được tắm, vì cái rét đến thấu xương, nhà tắm thì không có, che mảnh cót rách ở góc vườn, lại không có củi đun nước nóng, củi gộc tre chỉ để dành đến ba mươi tết mới được đem ra luộc bánh chưng và đun nước lá mùi tắm gội tất niên cho cả nhà. Mẹ bảo: Năm cũ phải tắm cho sạch sẽ, thơm tho con người mà trút hết cái cũ đi, để đón năm mới cho mọi điều may mắn.
“… Chẳng biết mấy tuần không chạm nước/ Cuối năm đón tết tắm tất niên/ Mẹ bảo hoa mùi khô gác bếp/ Tắm vào năm mới sẽ may hơn/ Cúi đầu mẹ gội từng gáo nhỏ/ Thơm không ngăn nổi gió ngang vườn…” (Vương Trọng)
Đêm hai chín tết, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, nồi bánh chưng sôi sình sịch, bếp lửa bập bùng tỏa ấm cả gian nhà lợp rạ. Trẻ con chúng tôi náo nức vui đến nỗi không ngủ được, thấp thỏm chờ đến chừng ba, bốn giờ sáng mẹ vớt bánh chưng cho mỗi đứa một cái bánh con, dĩ nhiên là không ăn, mà thổn thức ôm vào lòng rồi mới ngủ thiếp đi.
Quê tôi có tục lệ trước Tết vài tháng, dăm bảy gia đình rủ nhau nuôi chung con lợn, đến hai chín, ba mươi là giết thịt, Bộ lòng dồi xong, luộc chín rồi chia đều cho từng phần, mỗi nhà mang cái âu sành đi đựng nước xáo. Tôi đi lấy phần, trời ơi bụng đói cồn cào, nước miếng ứa ra, trên đường về chỉ muốn húp một húp nước xáo cho bỏ thèm. Nhìn trước, nhìn sau chỗ nào cũng có người, về đến đầu ngõ nhà mình không có ai, tôi húp một hơi quá đà, hết gần một nửa âu, bố bảo ai chia cho ít nước xáo thế hả con? Bị mẹ mắng toáng lên, tôi xấu hổ lặng lẽ không dám nhìn mẹ, tim đập thình thịch.
Trẻ con thời ấy chỉ ước gì mấy ngày áp Tết trôi thật nhanh, để sáng mồng một Tết được mặc áo hoa mới, và mấy đồng xu tiền mừng tuổi. Cái cảm giác sung sướng vui Tết đón Xuân ấy cứ bâng khuâng theo tôi đi suốt những năm tháng dài không thể nào quên!
Xa quê lâu lắm rồi, thời gian trôi đi nhanh quá! Hôm nay ngồi viết những dòng này, lòng dào lên bao cảm xúc, nước mắt ứa tràn. Hình ảnh quê hương lại gợi về với bao niềm thương nỗi nhớ, bao nỗi vui, buồn chìm nổi của một thời xa vắng đã qua! Hình ảnh mẹ, cha, họ hàng cô bác, những con đường, vẫn cây đa, giếng nước, sân đình, bờ tre, ruộng lúa, mùi ngai ngái từ nồi bánh chưng quyện với mùi củi khô sưởi ấm cả ngôi nhà… Sao mà gần gũi thân quen, hiện lên như cuốn phim quay chậm. Kí ức tuổi thơ chốn quê nghèo mãi găm vào nỗi nhớ không có gì làm phai mờ được…
“Nhớ miếng bánh đúc mẹ phần cho con/ Hồn quê đất tổ con mang/ À ơi tiếng võng dịu dàng ngày xưa/ Con giờ nắng ngả sang trưa/ Quê hương hai tiếng nắng mưa dãi dầu”.
Cái thời nghèo đói ấy mà sao ấm áp tình người, tình quê lạ lùng đến thế!
Mùa xuân đang đến ngoài bậc cửa. Nó cho ta cái khoảnh khắc giao mùa đầy hương vị của hơi thở đất trời đẹp đẽ và ý nghĩa biết bao. Cái hữu hạn của đời người hòa vào cái vô hạn của cuộc sống thiêng liêng, vĩnh hằng mà tạo hóa ban tặng cho con người mùa xuân tràn đầy sự sống.
N.T.T.N