Kỉ vật – Truyện ngắn của Ngô Xuân Tiếu

VHP: Giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn của cộng tác viên từ Thanh Hóa gửi ra
Nếu hài cốt này của cha mình, thì cuộc gặp gỡ của cha mẹ là tình cờ, nên mẹ chỉ kịp tặng cha lọn tóc và cái kẹp tóc? Nhưng tất cả chỉ là giả thiết. Liệt sĩ là ai? Câu hỏi luôn ám ảnh Sơn. Trằn trọc mãi anh thiếp đi trên võng giữa rừng Lào,  cạn đêm chưa tìm được câu trả lời chính xác…

VHP: Giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn của cộng tác viên từ Thanh Hóa gửi ra
Nếu hài cốt này của cha mình, thì cuộc gặp gỡ của cha mẹ là tình cờ, nên mẹ chỉ kịp tặng cha lọn tóc và cái kẹp tóc? Nhưng tất cả chỉ là giả thiết. Liệt sĩ là ai? Câu hỏi luôn ám ảnh Sơn. Trằn trọc mãi anh thiếp đi trên võng giữa rừng Lào,  cạn đêm chưa tìm được câu trả lời chính xác.

Mỗi khi vui, buồn Mận đem kỷ vật ra xem. Lòng tràn đầy cảm xúc bi hài, ngọt ngào, đắng cay… Chiếc dây chuyền bạc, các mắt xích như cuống rạ, được người thợ kim hoàn chế tác tinh vi. Một móng hổ cong như củ ấu, khắc chìm ba chữ nho bé xíu, anh bộ đội tặng Mận thay nhẫn cưới sau đêm ân ái giữa rừng…

Anh là cứu tinh, là chồng không giá thú trời sắp đặt. Năm tháng qua đi chiếc dây chuyền như bùa hộ mệnh giúp Mận vượt mọi thử thách nuôi con, thờ chồng. Mỗi lần nhớ anh, Mận lại hôn chiếc dây chuyền tìm sự chia sẻ. Mỗi khi đeo dây chuyền cho thằng Sơn, Mận ngắm con mà cánh mũi phập phồng… Khóc, như chưa bao giờ được khóc. Bởi thằng bé là hiện thân của mối tình giông bão đắng cay, cao đệp nhất đời cô!

Từ cõi chết trở về, Mận yêu anh say mê điên dại. Thấy mẹ khóc thằng Sơn cũng khóc. Không hiểu sao mỗi lần đeo dây chuyền cho nó mẹ lại khóc? Những lần sau nó tránh: Mẹ cất đi. Con không muốn mẹ khóc! Mận cười chua chát, ôm con trai bé bỏng vào lòng. Hôn lên cái trán dô bướng bỉnh của nó nước mắt đầm đìa, lặng lẽ nuốt vào trong.

Trước khi Sơn đi nghĩa vụ quân sự Mận quyết định trao chiếc dây chuyền cho con. Xúc động nói: Kỷ vật này cha con tặng mẹ. Nay, con lên đường tiếp bước cha hãy giữ kỷ vật, sống xứng đáng với người đã khuất! Tha lỗi cho mẹ chưa đưa con tìm về quê cha, chưa được công nhận con liệt sĩ. Không sao. Hãy sống hết mình vì quê hương, Tổ quốc thân yêu. Mất nước là mất hết!

Kỳ thi đại học vừa qua con thiếu một điểm. Nhưng, đường tiến thân duới đôi chân tuổi trẻ những người không mất lòng tin, thích khám phá, sáng tạo. Đại học không phải con đường duy nhất cho thanh niên lập nghiệp. Quân đội là trường đại học lớn – nhiều anh bộ đội Cụ Hồ thành những cán bộ xuất sắc của Đảng, Nhà nước, là gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Sơn nâng chiếc dây chuyền lên môi hôn, muốn uống cạn lời mẹ và hơi hướng của người cha đọng lại trong kỷ vật. Bất giác, lia đầu lưỡi vào cái móng hổ thấy mằn mặn… không rõ vị mồ hôi hay bụi thời gian. Nhưng, Sơn cảm thấy có cái gì đấy rất linh thiêng không thể gọi ra được. Sơn ôm mẹ, cố nén tiếng nấc từ sâu thẳm dâng trào khôn cầm nước mắt. Mận đặt nụ hôn lên vầng trán Sơn nghẹn ngào tiễn con lên đường nhập ngũ.

Trong buổi lễ giao quân, Mận ngắm con mặc quân phục ra dáng anh bộ đội Cụ Hồ. Khỏe mạnh cứng cáp, lớn hẳn lên. Vóc dáng Sơn giống bố như hệt. Cái dáng dong dỏng cao, gương mặt ưa nhìn, đôi mắt sáng, giọng nói ấm áp nụ cười tươi của bố nó không lẫn vào đâu được.

Tiễn con lên đường, ngôi nhà thêm trống vắng. Trận mưa đêm đổ xuống ràn rạt như người quăng cát sỏi lên tấm lợp, nước chảy ào ào ngoài ruộng bậc thang. Phía Tây thác đổ như đê vỡ…Nhìn qua ánh chớp bên cửa sổ nước suối lên rất nhanh. Mận rùng mình nhớ trận lũ quét khủng khiếp năm xưa đổ ập xuống đời cô giáo miền xuôi cắm bản:

Một buổi chiều thu trời oi bức ngột ngạt, quét dọn sân nhà xong Mận xuống suối tắm. Phía thượng lưu, chân thác có chỗ tắm khỏa thân. Một hõm đá rộng bằng hai gian nhà, vách dựng cao quá đầu người quây kín ba mặt. Nước đến ngang bụng trong vắt thấy rõ từng viên sỏi nhỏ. Cá chìm, cá nổi lượn lờ săn mồi.

Ngâm mình trong “bồn tắm thiên tạo” Mận cảm thấy sảng khoái. Nước suối  mát rượi như bàn tay người tình mơn trớn, vỗ về cơ thể trẻ trung nuột nà của thiếu nữ đương độ thăng hoa thật thi vị…Mận khóat nước lên cặp đào tiên, vuốt nhẹ đường eo mơn trớn đôi bồng đảo căng tròn, ngắm mình qua mặt suối trong. Mận hài lòng biết mình rất đẹp. Khát khao bờ vai, nụ hôn đôi lứa giữa núi rừng. Ít ra lúc này được người tỏ tình, âu yếm cầu hôn…

Mải mê tắm tiên, không biết hướng Tây có đám mây mưa trút nước kèm giông lớn bất ngờ lũ quét dữ dội. Rều rác, cây cối, bè mảng lao xuống vực ào ào… Không kịp phản ứng, nàng bị lũ cuốn đi trong chiều chạng vạng!

Xoáy nước hút xuống, tung lên thân thể va đập vào thác ghềnh đau đớn, Mận phải cắn môi không uống nước; đôi lúc chân chạm đất vội đứng lên liền bị sóng đẩy ra giữa dòng. Hoảng quá, nàng muốn kêu cứu nhưng không thể cất lời, không thể bơi vì nước chảy xiết, luồng nứa, cây rừng gẫy đổ vun vút trôi… đành buông xuôi thân phận cho lũ quăng quật trong đêm… Nàng chợt nghĩ, thế là hết!

May sao, trong lúc quờ quạng túm được khúc gỗ trôi nổi làm phao. Vội ôm   chắc thân gỗ may rủi mặc đời. Khúc gỗ cứ  trôi trong đêm khi chìm trong vòng xoáy, lúc nổi lên “ giã gạo” giữa dòng không biết bao nhiêu lần, chỉ biết lúc này mình còn sống.

Bỗng khúc gỗ khựng lại hai chân chạm đất, nàng vội đứng lên không bị sóng đẩy ra mừng quá, biết mình thoát chết! Nhưng không thấy lối vào bờ giữa đêm tối mênh mông sóng gió trên người không mảnh vải che thân.

Tiếng hổ đói gầm trong hang nghe rợn tóc gáy, côn trùng rên rỉ, thác đổ đinh tai lấn át mọi âm thanh bên bờ vực thẳm. Nàng bám chùm rễ cây ngâm mình trong nước suối lạnh nhiều giờ chân tay tê cóng đôi khi  đứng không vững. Mưa mỗi lúc một to, toàn thân run rẩy vì đói rét, cố bám chắc rễ cây chờ trời sáng.

Bỗng, một vệt đèn quét ngang mặt suối. Hy vọng cất thành lời, Mận cố la to: Cứu tôi với! Cứu tôi với…ới! Ánh đèn như tiếp sức, giọng Mận vang xa hơn. Dẫu từ chiều qua đến giờ không hạt cơm trong bụng. Đói rét, hoảng loạn… Ánh đèn pin tiếp niềm hy vọng, Mận cố kêu to hơn: Cứu tôi với! Cứu tôi vớ…ớ… ới! Ánh đèn pin từ sườn đồi loang loáng chiếu xuống suối mỗi lúc một gần. Tôi đang ở đơ…ây!…

Với sự nhạy cảm của người lính trinh sát anh bộ đội đi nhanh về phía có tiếng kêu cứu đứt đoạn. Ánh đèn pin vừa chạm mặt người bị nạn đã nghe tiếng kêu như van xin, hốt hoảng, tức giận: Ối, ối, tắt đèn đi, tắt đi! Trời ơi tôi không có áo quần. Mận vừa khóc vừa la khản tiếng, hai tay che vùng kín cúi lom khom hướng về ánh đèn vừa mừng vừa thẹn…

Anh bộ đội thấy cô gái đầu tóc rã rượi run rẩy đứng bên kia vực, như bức tượng thiếu nữ khỏa thân. Anh pha trò hóm hỉnh để cô thích nghi với hoàn cảnh: Mưa gió quất tối mắt chẳng thấy gì…Anh rút dây rừng chắp nối buộc vào một đoạn cây ném sang bờ bên kia cho người bị nạn. Nói như ra lệnh: Nắm vững đầu dây để tôi kéo sang bên này! Coi như em đang mặc đồ tắm biển thi hoa hậu. Nào, nắm chắc đầu dây, tôi kéo đây. Thế, thế, được rồi, còn một đoạn nữa thôi.

Kéo cô gái vào bờ, anh bộ đội mở ba lô đưa quần áo cho Mận và khuyên: Mặc vào kẻo bị cảm lạnh! Nước lũ buốt lắm cài khuy vào, áo mưa đây. Em thành nữ quân nhân rồi, chững chạc lắm. Hai người cùng cười, như không có chuyện gì xảy ra. Mận mặc áo mưa xong, lẽo đẽo theo anh đi lên sườn núi nơi có lều canh nương bỏ không. Lều lợp lá cọ, vách nứa. Sàn lát ván cao hơn mặt đất chừng hai mét. Cột, xà bằng gỗ chắc chắn. Đây là chỗ nghỉ qua đêm anh lính trinh sát đánh dấu trên bản đồ quân sự, trước khi cắt rừng tìm đường hành quân cho trận đánh mở màn chiến dịch…

Trời vẫn mưa, anh nhen lửa sưởi, đun nước uống trước khi ăn bữa tối. Hai người nhìn nhau vừa xa lạ vừa thân tình, thật bi hài!… Ăn xong, hai người ngồi uống nước gạo rang anh lính rót từ chiếc bi đông đeo bên hông. Nhấp ngụm nước anh cất lời phá không khí trầm lặng:

– Em tên gì, sao nên nông nỗi này?

– Em tên Mận, họ Đào, giáo viên cấp một dạy ở bản Na Khay. Đang tắm bị lũ cuốn may được anh cứu thoát. Cảm ơn anh nhiều lắm! Mận nói bằng ánh mắt trìu mến, e thẹn ngấn lệ trước ân nhân.

– Nghe giọng nói em là người miền xuôi, đâu phải dân bản Na Khay?

– Vâng, quê em ở Xứ Thanh.

– Thế, các cụ ở nhà còn khỏe mạnh cả chứ?

– Cha em là công an trên điều vào Nam từ năm một ngàn chín trăm sáu hai. Thi thoảng có người từ trong Nam ra cho biết ông vẫn khỏe, do đặc thù công việc ông không gửi thư được. Vài năm nay không có tin tức gì. Em tốt nghiệp trung cấp sư phạm, được phân công lên dạy học ở đây mấy năm nay. Mẹ em ở với cậu út, tại thị trấn Thành Trung.

– Em chưa biết tên ân nhân, anh đi đâu qua đây?

– Anh là Nguyễn Xuân Trường, người Hà Nội. Cắt rừng tìm đường tiến quân cho đơn vị. Lều canh nương này anh chọn làm điểm nghỉ qua đêm. Ngày kia anh về đơn vị báo cáo cấp trên về đường xuất kích. Bọn anh phải giấu mọi dấu vết đường hành quân cho đến khi ta nổ súng!

Mưa to quá, anh vừa đến đầu suối lia đèn tìm lối đi nghe tiếng kêu cứu, chạy vội xuống vực gặp em. May, mưa giông lớn nước chảy mạnh hổ dữ chui vào hang mừng cho em không chui vào bụng cọp. Mận rùng mình cười chua chát, nức nở khóc mừng thoát chết.  Khóc vì thân thể lõa lồ trong hoạn nạn…

Quá nửa đêm, mưa giông mỗi lúc một to. Rắn, chuột, cày bay, kiến…từng đàn  lao vào ánh lửa trong lều tránh lũ, không cách gì đuổi chúng ra. Hình như lúc này chúng  không sợ người. Cũng chẳng còn hơi sức cắn xé nhau. Kể cũng lạ, rắn không bắt chuột, từng đàn cuộn khúc trên xà nhà; cày bay rúc đầu vào góc nhà với chuột nằm chen chúc tránh mưa. Phải chăng, chúng cần “ hòa giải” lúc gặp thiên tai nên không sát phạt nhau!? Đêm đã khuya người mệt rã rời sau một ngày đường vất vả với bao cảm xúc vui buồn. Trường mắc võng cho Mận xong, anh bẻ mấy cành lá đuổi đàn kiến, tìm chỗ nằm cho mình. Nhưng càng đuổi chúng càng kéo đến đông hơn. Ngoài rừng nước ngập ngang đầu gối, suối chảy như vỡ đập…

Cuối cùng, anh treo tấm ván sàn lên xà nhà cách mặt sàn chừng năm mươi phân. Nằm trên “giường treo” tránh đàn kiến chuột dưới sàn, nhưng Trường không ngủ được. Cứ nghĩ đến hình ảnh Mận không quần áo đứng dưới vực lúc chiều… bản năng đàn ông trỗi dậy căng cứng… chưa thể hóa giải. Mấy lần Trường đi lại võng Mận, nhưng đi vài bước lại quay về “ giường treo” sợ Mận phản đối thì bẽ mặt… Bỗng, Mận hoảng hốt giãy nẩy la thất thanh trên võng: Trời ơi! Cứu tôi với! A…anh Trường ơi!… Trường chạy lại, một con cày bay ướt sũng rúc đầu vào nách Mận tránh mưa rét. Sẵn cái đèn pin,Trường khỏ vào đầu con cày nó nhảy ra khỏi võng. Mận ôm riết lấy Trường, người run bần bật khóc nức nở vì hoảng sợ. Hai người ôm nhau mặc đàn kiến, lũ chuột dưới chân… Hơi ấm từ hai trái tim tuổi trẻ lan truyền đến từng tế bào mỗi người… mọi nỗi kinh hoàng bay biến.

Trời đã tạnh mưa. Đàn kiến – côn trùng mẫn cảm với thời tiết kéo quân ra trước, lũ cày bay, chuột, rắn… lục tục ra khỏi lều canh nương. Trường nhóm lại bếp lửa, hai người ngồi bên nhau hình dung mọi việc vừa xảy ra thật khó lường: vừa hoảng sợ, ngượng ngùng… ôm nhau vui sướng. Bỗng Mận nghẹn ngào khóc, Trường choàng tay ôm Mận vào lòng, vuốt nhẹ mái tóc nàng an ủi:

– Anh xin lỗi vì những phút giây đường đột vừa qua!

– Không – anh không có lỗi. Mận nâng vạt áo lau nước mắt- em đang nghĩ … nếu không gặp anh chắc em trôi ra biển rồi.

– Nín đi em, hoạn nạn đã qua. Mai anh đưa em về bản Na Khay, mọi việc sẽ ổn!

– Làm sao anh biết nơi đó?

– Anh có bản đồ ghi rõ mọi ngõ ngách khu vực này.

Trường nhớ hình ảnh Mận khỏa thân đứng dưới vực lúc chập tối và khi con cày bay rúc vào nách nàng. Rồi hai người chẳng cần tỏ tình ôm nhau… thấy lòng rạo rực, nhìn Mận đắm đuối…

– Anh nhìn gì em ghê thế?- Mận hỏi.

– Em đẹp thế này sao lại không ngắm. Mắt anh đa tình lắm phải không?

Mận đấm thùm thụp vào vai Trường, cười nói: “Anh chết đi, tự dưng để người ta… “mất ăn mất ngủ” thật “đáng” ghét!”…Bốn mắt nhìn nhau như thôi miên. Mắt trộn trong ánh mắt, môi tìm đến làn môi…

– Cảm ơn em cho anh nụ hôn đầu đời- bao năm rồi anh chỉ có trong mơ! Dẫu ngày kia phải hy sinh cũng mãn nguyện…

Mận giơ ngón trỏ lên môi:

– “Sụyt!” Anh đừng nói gở. Trời dẫn anh đến với em. Chúng ta đã có nhau dẫu thế nào em vẫn là vợ anh trọn kiếp!

Trường nâng bổng nàng lên như con búp bê, hôn tới tấp lên môi, má Mận trong hơi thở gấp gáp cuồng si. Xong, anh đặt nàng nằm xuống sàn bên bếp lửa bập bùng, run rẩy mở cửa khu vườn cấm…Chàng ghé vào tai nàng nói điều dự cảm:

– Nếu có con trai đặt tên là Sơn – Nguyễn Trường Sơn; con gái là Mơ – Nguyễn Thị Mơ, em nhé!

-Vâng. Em cũng mong như vậy. Và con chúng ta sẽ khôn lớn thành người!…

Không ngờ sau cuộc gặp giữa rừng, “ Anh hùng cứu mỹ nhân” nên duyên đêm ấy là cuộc chia ly không có ngày về! Hạnh phúc, đau thương, Hy vọng… ám ảnh suốt đời cô giáo Mận!

Trước khi xốc ba lô lên đường, Trường trao Mận chiếc dây chuyền: “ Chiếc dây chuyền này cha trao cho anh lúc lên đường ra trận. Nay tặng em thay nhẫn cưới. Hãy giữ vật gia bảo này mai sau trao cho con chúng ta!”. “Anh ơi, em lấy gì tặng anh? Chỉ sót cái kẹp tóc bằng nhựa trên đầu, anh cầm lấy. Mận cắt một lọn tóc cùng cái kẹp tóc trao cho Trường, nước mắt giàn giụa…

Cuộc chia ly đã mấy chục năm gậm nhấm tâm hồn Mận. Khóc nhiều hơn cười. Anh hi sinh năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, trước ngày toàn thắng.

***

Trên đất nước triệu voi, Nguyễn Trường Sơn đối chiếu bản đồ với thực địa tìm đồng đội. Tổ ba người của K92 vừa cắt rừng đến, họ trèo đèo, lội suối  phát cây tìm kiếm mấy ngày nay ở tọa độ này. Địa phương cho biết ở đây có năm mộ bộ đội Việt Nam được dân bản chôn từ năm một ngàn chín trăm bẩy lăm.

Khi ở bờ suối lên, một con chim giống chim vàng anh bay chập chờn trước mặt Sơn, có lúc nó đậu lên vai anh cất tiếng hót như “khóc” như “cười” như  “trách móc”… Muốn bắt con chim nhưng không cách gì túm được. Một linh cảm kỳ lạ mách bảo Sơn: Có lẽ đồng đội hóa chim dẫn ta tìm họ cũng nên!? Tổ ba người dừng lại thắp hương bên bờ suối. Ba anh em quỳ xuống khấn: “Lạy vong linh các anh hùng liệt sĩ. Hãy đưa đường chỉ lối cho chúng tôi đón các anh về nước. Chiến tranh đã lùi xa, các anh lẫn vào đất đá trong rừng sâu núi thẳm thật khó tìm. Khôn thiêng giúp chúng tôi! Tính đến năm hai ngàn không trăm mười bốn cả nước còn hai trăm ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Người sống đau lắm các anh ơi!”

Con chim hót mấy tiếng như  “khóc” bay vụt vào bụi cây bên bờ suối đập cánh phành phạch. Có lẽ do linh cảm, ba anh em lao tới chỗ con chim sa, thấy một mô đất nhô lên như cái nón úp. Một anh lính trong tổ tìm kiếm dáng thư sinh nói:   “gò mối đấy!”- Anh lính có cái mũi sư tử,  bộ râu quai nón ôm cái cằm vuông quả quyết:  “gò mối” cũng đào! Sơn đồng tình, động viên anh em khai quật. Không ngờ trời hướng cho họ tìm được ngôi mộ chôn vội cách mặt đất năm mươi phân. Bộ xương bọc ni lông, bên trong là tấm võng bạt. Hài cốt sạch sẽ ngã mầu vàng nhạt. Một đầu đạn AR.15 găm vào hộp sọ. Một túi ni lon hàn kín miệng trong có lọn tóc, một kẹp tóc bằng nhựa khắc chìm ba chữ: ĐTM. Lọn tóc, kẹp tóc của người yêu, hoặc vợ liệt sĩ bị đầu đạn AR.15 của Mỹ biến thành kỷ vật chiến tranh! Nhưng liệt sĩ là ai? Ngoài những kỷ vật trong lòng ngực anh không còn gì!

Đêm ấy Sơn không chợp mắt, anh nghĩ đến con chim mầu vàng dẫn đường quay lại bờ suối rồi bay vào bụi cây có ngôi mộ. Phải chăng, cha dẫn đến nơi ông nằm? Cái kẹp tóc và lọn tóc trong túi ni lon của ai? Ba chữ khắc trên kẹp tóc có thể hiểu là “Đào Thị Mận”!? Hay đây là kỉ vật mẹ tặng cha? Sao không thấy mẹ nói chuyện này? Chính mẹ cũng chưa có địa chỉ của cha, chỉ biết ông là người Hà Nội!

Nếu hài cốt này của cha mình, thì cuộc gặp gỡ của cha mẹ là tình cờ, nên mẹ chỉ kịp tặng cha lọn tóc và cái kẹp tóc? Nhưng tất cả chỉ là giả thiết. Liệt sĩ là ai? Câu hỏi luôn ám ảnh Sơn. Trằn trọc mãi anh thiếp đi trên võng giữa rừng Lào,  cạn đêm chưa tìm được câu trả lời chính xác.

Năm ngoái, K92 cử Nguyễn Trường Sơn về thủ đô Hà Nội tập huấn công nghệ ADN nhằm xác định danh tính đồng đội ở mộ tập thể và các yêu cầu khác. Từ trong rừng về thủ đô Hà Nội với Sơn cái gì cũng mới, cũng đẹp, cuốn hút ngỡ ngàng. Anh đi trên phố Hàng Bạc, những tiệm vàng bạc, đá quý, các cửa hiệu kim hoàn chế tác đồ trang sức thủ công truyền thống rất tinh vi, bầy trong tủ kính óng ánh. Sơn chợt nghĩ đến chiếc dây chuyền anh đang đeo muốn giải mã ba chữ nho bé xíu khắc trên móng hổ nói gì?

Như có người dẫn Sơn vào hiệu kim hoàn này. Chủ hiệu một ông lão khoảng bẩy lăm tuổi, dong dõng cao, da dẻ hồng hào, tóc trắng như cước, bộ râu năm chòm bạc phơ dài chấm rốn. Đôi mắt sáng ẩn dưới cặp lông mày xanh, phảng phất nỗi buồn thoắt ẩn, thoắt hiện. Ông cười tươi đón khách, kéo ghế mời Sơn ngồi.

-Tôi có thể giúp cháu việc gì?- Ông chủ tiệm ân cần hỏi anh lính trẻ.

– Cháu muốn biết ba chữ nho khắc trên móng hổ này nói gì thưa ông. Ông lão đón chiếc dây chuyền từ tay Sơn đặt dưới kính lúp có độ phóng đại lớn. Nâng lên, đặt xuống nhiều lần. Sắc mặt ông tái dần bán tín, bán nghi thị giác của mình sau lăng kính. Ngẫm một lúc ông soi lại lần nữa. Kết quả không thay đổi! Ông linh tính có điều gì khác thường như thần giao cách cảm. Người ông toát mồ hôi, nhưng kịp chấn tĩnh, khẳng định: Ba chữ nho này chính tay mình khắc tên con trai “Nguyễn Xuân Trường” trên móng hổ! Sao anh bộ đội này có được? Hay, trước lúc hy sinh thằng Trường gửi đồng đội vật gia bảo này? Hoặc, anh bộ đội mua ở đâu?…

– Xin lỗi, tên cháu là gì?- Ông lão chủ tiệm hỏi.

– Dạ, cháu tên Sơn – Nguyễn Trường Sơn, thưa ông.

Nét mặt ông bừng sáng, nhẩm đọc chậm từng chữ: “ Nguyễn Trường Sơn.”

– Cháu cùng họ với ông! Dây chuyền này do cha mẹ cho, hay bạn tặng cháu?

– Của cha tặng mẹ thay nhẫn cưới, mẹ trao cho cháu lúc lên đường nhập ngũ.

Ông lão hồi hộp hỏi:

– Cha mẹ cháu tên gì? Có thể cho ông biết không?

– Cha cháu là Nguyễn Xuân Trường, hi sinh năm bảy mươi lăm. Mẹ là Đào Thị Mận, giáo viên cấp một đã về hưu.- Rồi anh kể về hoàn cảnh gia đình…

Ông lão chợt nghĩ: Sao họ tên lại trùng hợp với Trường đến thế…. Chân tay ông lão run rẩy, mắt đỏ hoe ậng nước. Nhưng ông kìm chế được. Ông lấy khăn mùi xoa lau mắt kính ướt nhòe, lặng đi vài phút… nhìn chằm chặp vào anh bộ đội như muốn ghi hình ảnh con trai mình. Và ông nhận ra hai người này giống nhau như hai giọt nước!

Cuối cùng ông thử lại Sơn, đưa ngón tay trỏ vào tấm ảnh phóng to một thanh niên khoảng hai mươi tuổi rất đẹp trai, hỏi:

– Cháu biết người trong ảnh này không?

– Thưa ông, cháu chưa gặp người này bao giờ!

Ông lão nghĩ: có thể cha nó hi sinh khi con chưa chào đời!? Chả thế mà Sơn và Trường trong ảnh giống nhau đến thế! Ông ôm Sơn thổn thức: “Cha cháu đấy! Nguyễn Xuân Trường là con trai ông! Trời ơi, cháu đích tôn của tôi đây rồi! Bà nó ơi!…”  Hai ông bà ôm cháu khóc như mưa./.

N.X.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder