Mùa hè, những trận mưa ào ào trút xuống Kiến An, thị xã nhỏ bé của một thời thơ ấu. Ngày ấy, phía trước nhà là đầm nước, ruộng trồng lúa và rau muống chứ không phải nhà cửa san sát như bây giờ. Mỗi khi mưa, tôi và anh trai thường tranh nhau ngồi bên cửa sổ. Ở đó có thể nhìn con đường hướng lên núi Thiên Văn để xem thác nước từ vách núi đổ xuống. Trong mắt tôi, thác nước như một chú bạch mã bất kham đang tung bờm sải vó, hí những tiếng ngân rền trên hoang mạc. Nước tràn ngập thị xã, ập vào những ngôi nhà tre vách đất như nhà tôi. Hai anh em bì bõm đùa nghịch trong sân…
Bố mẹ tôi sinh ba năm đôi nên anh cũng chỉ hơn tôi tuổi rưỡi. Tôi nhanh lớn lên cũng chẳng bé hơn anh là bao. Những đêm hè nằm ngửa trên chiếc chõng tre, tôi thấy hàng ngàn ngôi sao li ti. Mỗi ngôi sao kia bà tôi bảo nó sẽ ứng với một con người cụ thể dưới mặt đất. Trong muôn vàn vì tinh tú đó chắc có bà, cha mẹ, anh trai và tôi. Sao có ngôi mờ, ngôi sáng, có ngôi nhấp nháy, ngôi nào sẽ là tôi… Cứ vậy tôi chìm vào giấc ngủ với bao dự định, hoài bão, ước mơ…
Lớn lên, những ký ức đó theo tôi đi khắp mọi nẻo đường. Những trận chiến khốc liệt ở mặt trận Quảng Trị, Đường 9, Khe Sanh. Những chiều miệt mài trên đường hành quân mưa rừng, nắng lửa. Những trận đánh và thắng như lũ nguồn cuốn phăng đi mọi đồn bốt địch, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn tháng tư năm 1975…
Ở tuổi xế chiều trở về với ngôi nhà thân yêu, với thị xã nhỏ bé đã thành quận. Nhìn lại cuộc đời chợt nhận ra thời gian trôi nhanh quá.
Hôm nay:
“Tóc đã bạc
Râu đã dài
Ánh hoàng hôn đã xuống
Sóng bồn chồn
Gió lạnh lùng
Xô màn tối vào đêm
Bóng ai tựa
Trước hoàng hôn
Trầm ngâm dáng núi…
Đọng hồn xa xưa…”
Trích: DÁNG ĐÁ
Mẹ tôi đi chợ hàng xáo, chè tươi, sắn tầu, bắp ngô… gọi là “mua đầu bán cuối” sống qua ngày. Bố thì đi làm xa có khi tận Bàng La, Đồ sơn, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, An Lão… lâu lâu mới về. Hai anh em tôi hàng ngày vẫn chờ mẹ. Bởi bao giờ về mẹ cũng có quà cho chúng tôi. Khi là chiếc bánh đa, quả ổi, củ ấu… thời gian cứ thế trôi đi. Vì lẽ đó thị xã Kiến An, núi Thiên Văn chính là một phần cuộc đời tôi. Tôi yêu Kiến An, yêu núi Thiên Văn. Đã có một thời chúng tôi trồng thông trên Thiên Văn, Cột Cờ, nay chúng đã thành những vạt rừng xanh tốt. Bao ký ức ùa về như cơn lốc trong trái tim tôi. Những điều đó cho tôi niềm đam mê, khao khát. Phải sống, làm việc, phải cháy hết mình cho quê hương, đất nước. Tôi hiểu, tôi đang nợ Kiến An, nợ Thiên Văn nhiều lắm. Trong cơn khát nợ tôi vẫn luôn vì Thiên Văn, với Thiên Văn chung sống. Từng nhành cây ngọn cỏ, từng quán lá đơn sơ, những nụ cười hồn hậu… tất cả đều đem đến cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc.
Sớm sớm… chiều chiều… có bao bước chân đã quen từng thước núi. Bao kỷ niệm buồn vui, đang từng phút, từng giờ ngấm sâu vào mỗi con người, để trở thành cái ta trên mọi miền đất nước. Hi vọng những người con của Kiến An sẽ làm rạng danh quê hương, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đó có xóm núi Tây Sơn, Khúc Trì, Văn Đẩu. Ở đó có Kha Lâm, Cựu Viên, Lãm Hà, Bắc Sơn, Phù Liễn, trung tâm khí tượng thủy văn, trường đại học Hải Phòng. Chảy qua Kiến An là hai nhánh sông Lạch Tray và Đa Độ. Giữa trung tâm có hồ Hạnh Phúc, cũng là nơi đặt cơ quan hành chính quận. Trường học sinh Miền Nam số 11 trước kia chính là đầu não của ngành nông nghiệp Hải Phòng. Nơi đó Bác Hồ đã đứng nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong tỉnh khi Bác về thăm Kiến An (1960)… còn bao địa danh khác đã làm nên một Kiến An bất khuất, thân thương.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống đường phố như bàn cờ, nhà nhà như những dãy contener xếp lên nhau chạy dài hun hút ta mới thấy vẻ đẹp kỳ thú của mảnh đất mà xưa kia Mạc Thái Tổ đã chọn làm nơi đóng quân để bình ổn Giang Sơn Xã Tắc. Dù còn nhiều khó khăn tôi vẫn vinh dự, tự hào được là một người dân gốc của thị xã xa xưa. Viết đến đây lòng tôi cứ bồn chồn xao xuyến, muốn làm một điều gì đó cho quê hương. Kiến An ơi Người đang làm cho lòng ta bốc cháy. Ước gì ta có một sức mạnh phi thường để biến thị xã nhỏ bé này thành một trung tâm du lịch xanh, một lá phổi xanh giữa đồng bằng Bắc Bộ. Khách sạn, cáp treo, bể bơi, đường đi bộ, những xa lộ rộng dài, trung tâm văn hoá, dịch vụ ẩm thực, hồ câu cá, nhà sàn ven sông… du khách có thể nghỉ ngơi ăn dưỡng quanh năm. Từ đây có thể về phía nam thăm khu di tích Nhà Mạc, đi về phía Tây Bắc thăm núi Vọ, núi Voi hay bơi thuyền trên sông Đa Độ trong mát giữa mùa hè oi ả…
3/6/2018
L.H.T