Kim Chuông – “Những bài thơ mùa xuân” – Đinh Thị Quý


VHP: Tập thơ “Những bài thơ mùa xuân” – NXB Hội Nhà văn, 2016 của nhà thơ Kim Chuông, ngay từ khi mới ra mắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Mới đây, tác giả Đinh Thị Quý đã có bài cảm nhận về tập thơ này. Nhân dịp năm mới, VHP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc hy vọng góp phần làm phong phú thêm hương vị mùa xuân.

VHP: Tập thơ “Những bài thơ mùa xuân” – NXB Hội Nhà văn, 2016 của nhà thơ Kim Chuông, ngay từ khi mới ra mắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Mới đây, tác giả Đinh Thị Quý đã có bài cảm nhận về tập thơ này. Nhân dịp năm mới, VHP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc hy vọng góp phần làm phong phú thêm hương vị mùa xuân.

Tác giả Đinh Thị Quý

 

Trước vũ trụ, “Mùa Xuân” mang ý nghĩa khởi nguyên cho hành trình mở ra chân trời lung linh, mới mẻ của vòng quay hoàng đạo. Mùa xuân thật đẹp trước con người, vạn vật, trước những áng văn chương muôn thuở lưu truyền. Từ câu thơ của Mãn Giác thiền sư chứa đầy trực giác và trải nghiệm: “Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ (Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa cười)… đến thơ nghiêng về nét vẽ, nét tạo dựng những bức tranh mùa xuân của Tản Đà, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính… Phải nói, những dòng “Thơ Thời” ấy mang dấu ấn khá riêng biệt trong dòng chảy lớn: “Thơ Đời”.

Sự kế thừa và đổi khác luôn làm nên bước chuyển tiếp và nối dài của gương mặt và âm hưởng thi ca.

Không thể làm một cuộc giải mã về sự phong phú, đa chiều của những bài thơ viết về mùa xuân của các thi nhân trên thi đàn đất nước. Nhưng, thật tình cờ, tôi đến với Kim Chuông trong sự hứng thú và cảm nhận những bài thơ của thi sĩ chỉ tập trung viết về một chủ đề Mùa xuân. Nó như một “đặc sản,” một “vốn liếng” giàu có của nhà thơ trước một đề tài, một phạm vi cuộc sống mà Kim Chuông từng dày công khai thác. Với một nửa tập thơ, phần lớn viết về “Mùa xuân” trong đặc tả, phát hiện và sáng tạo… Tôi thật sự cảm ơn nhà giáo, nhà thơ Bùi Thị Biên Linh, tác giả tập thơ “Ý nghĩ ban mai” vừa vinh dự được nhận “Giải thưởng Thơ” của Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2017, người đã tặng tôi tập thơ này.

Quả tình, tôi thực sự ngưỡng mộ và say sưa đọc Kim Chuông, ở “Những bài thơ mùa xuân” trước ngưỡng cửa xuân về. Bởi, hầu như, các bài thơ trong tập, bài thơ nào, câu thơ nào, thơ Kim Chuông cũng vượt lên lối tự sự, trực tả. Từ hiện thực bề bộn của thế giới quanh mình, thơ Kim Chuông luôn bước ra với những hình ảnh thật cô đặc, gợi cảm. Dường như, mỗi khi chạm đến xuân về, sợi dây nào đó trong hồn thơ Kim Chuông bỗng dào lên rung cảm:

Nửa còn đâu đó chút đông

Trong mong manh gió, trong không rõ ràng

Nửa mùa xuân đã ngập tràn

Trước hiên hoa nở đơm ngàn cành non.

 

Đấy là, “Trước mùa xuân”. Trước nét quan sát. Trước “nhãn tự.” Nó có từ cái ngắm nghía bên ngoài. Song, điều hệ trọng của hai tầng vận động khi từ “bề mặt”, thơ Kim Chuông đã tạo nên sức nhập hòa, xoáy xiết ở một phía là chiều sâu tâm tưởng. Câu thơ “kể và tả” được đan vào câu thơ “cảm và nghĩ” thế này:

 

Bóng đông chìm cuối đường mòn

Thì đây, trước mặt xuân còn đợi ta

Mình tìm mình dọc đường xa

Dễ chi mình gặp mình mà? Xuân ơi!

 

Đi trong lối mở ấy, ở bài thơ “Xuân”, “Vào xuân”, “Xuân cảm”, “Xuân sang” hay “Gặp ở xuân quê”… Kim Chuông luôn hướng thơ chảy dài trong nguồn mạch, trong sở trường, trong thế mạnh vốn có ở ông:

 

Lần theo từng bước xuân đi

Ngàn cây vào tuổi dậy thì cành non

Mưa bay làm dậy thì vườn

Nắng tơ làm dậy thì nguồn sông xa.

 

Và:

Xế chiều vào tuổi mẹ ta

Con tim thêm giọt nắng và gió đông.

 

Hoặc:

Trời như là mới một lần

Non như đứa trẻ đứng gần bên ta

Đất vừa như mới sinh ra

Xanh như hạt biếc đêm qua ai trồng.

 

Để rồi:

Ngày trôi về nút tận cùng

Cái cũ đi, lại xem chừng mới nguyên.

 

Hoặc:

Em ta mười sáu tuổi rồi

Ham vui, ôm cả đất trời mà yêu

Tuổi ta một nửa đang chiều

Hạt thơm đôi nhánh, bọt bèo đôi phen.

 

Hoặc:

Lẽ thường xuân sẽ về theo

Chiều đông đếm bước bao nhiêu lá vàng

Chỗ cuống hoa cánh lá tàn

Sớm xuân chùm quả mơ màng… mắt trông.

 

Và:

Người quê lo đẹp phần hồn

Đơn sơ cái vỏ nhưng thơm lõi trầm

Mùa xuân ở phía cánh đồng

Người làng quê có một dòng xuân riêng…

 

Viết về mùa xuân, thơ Kim Chuông với ngôn từ mộc mạc, bình dị, đậm chất dân dã mà tha thiết kì lạ. Cùng với những bài thơ viết về mùa xuân, Kim Chuông còn giành nhiều những trang viết về tình yêu, về ngẫm suy nhân tình thế thái.

Tôi thích câu thơ “Đùng đùng tôi bỏ nhà đi/ Thầy u cứ ngỡ việc gì lớn lao…” Khi nó chỉ vì cái cớ rất vu vơ, hồn nhiên, khi nhà thơ tự thú: “Tôi đi giữ lá cho cành/ Sợ cơn gió đến vô tình với cây/ Tôi đi tìm một bàn tay/ Nắm vào cho cả đêm nay bồi hồi…”.

Người đọc bắt gặp một Kim Chuông, đằng sau cái “đùng đùng… bỏ nhà ra đi” kia là hồn thơ mộng mơ, da diết. Là cả nỗi niềm cảm thương, day trở, khi thi nhân tự thốt lên nơi đáy lòng, rằng: “Mai xa vắng bóng trên đời / còn chăng câu hát của người đang yêu”. (Và, Lại viết về tôi nữa). Thơ Kim Chuông luôn đau đáu trước nỗi niềm, thân phận, trước tình đời, tình người với nhiều mối liên hệ qua suy tư, cảm nhận. Nhà thơ rưng rưng nhận ra, trước sự biến cải của tháng năm, vạn vật, khi:

 

Chỗ cuống hoa cánh lá tàn

Sớm xuân

chùm quả mơ màng…

mắt trông …

 

Để rồi, trước lòng mình, câu tự vấn bỗng vang lên trong chiều sâu “độc thoại”:

Đâu mùa xuân trái tim ta?

Sáng lên gương mặt

“Ai?”

Và “Ngày đi…”

 

Tôi thích cái giọng điệu thơ như thế của Kim Chuông. Một loạt câu hỏi tu từ, cùng lối thơ vắt dòng tạo nên sự linh diệu có được. Nó dễ gieo vào lòng người đọc cảm xúc, nghĩ suy, cả cái thổn thức, khắc khoải, cùng với câu trả lời mà mỗi ai đó phải tự “lấp đầy.” Đó là cách để người viết và người đọc “đồng hiện” mà nghệ sĩ sáng tạo đã thăng hoa, trải nghiệm ở thi pháp thơ mình.

Tôi cũng thích cái triết lý, khi nhà thơ “diện kiến” với “Đêm hội chèo xuân” với “vệt loang” mở hơn, từ cái “tĩnh,” cái cụ thể được vang động, khái quát sâu sắc:

 

Tôi đi xem tích chèo này

Để tôi hiểu với ngàn ngày… Ngoài tôi.

 

Vâng. Đêm hội chèo ấy. Tích chèo ấy, là cái đã qua. Cái đứng im. Vậy, cái ở ngoài tích chèo là “đời thực”. Là cái ta đang hướng nhìn và bước đi… “Chính Nó” mới là cái cần cho ta ở sự soi nhìn, cứu cánh nào đó.

Thơ Kim Chuông lúc nào cũng dạt dào và rực cháy ngọn lửa yêu thương. Lúc nào, hình ảnh “em” hoặc cụ thể, hoặc trừu tượng, nhưng sức lấp lánh luôn có được từ phát hiện ở cái bất ngờ ở ảnh hình, thi tứ. Nhà thơ luôn hóa thân vào mọi cảnh huống, mọi trạng thái tâm hồn để cảm nhận và bộc lộ hết mình.

Cái mô-típ, qua hai chiều xới lật thường được khơi sâu ở liên tưởng, ở các mặt đối lập và thống nhất làm nên một hệ thống, một nét đậm trong “tư duy thơ Kim Chuông”.

Ví như:

Cái đang đi nghĩa là đang trở lại

Cái muôn đời nằm ở mỗi phút giây.

Hoặc:

Mọi tồn tại đều đi qua hai phía

Nơi chính mình và nơi “Phía không ta”.

 

Hoặc:

Em thì tung tẩy gió mưa

Còn ta vừa “gánh Xuân”, vừa “gánh Ta.”

 

Hoặc ở những câu kết, thơ Kim Chuông bao giờ cũng để lại ấn tượng, đôi khi khá ám ảnh bởi cái “kết mở” khi trang viết khép lại.

Ví như:

Ngàn xưa ai? Gọi: “Xuân thì”!

Để ta biết gánh gồng gì vào xuân

 

Hoặc:

Xuân đi, xuân đến… Đã đành

Ta đi, ta đến, có thành “Xuân riêng”…?

 

Hoặc:

Mùa xuân làm một bước mà

một ta bước nữa sẽ là bước đôi.

 

Hoặc:

Ta về theo nét xuân xa

Em về theo nét “xuân a-còng” về…

 

Mùa xuân đồng nghĩa với “Tuổi trẻ – Tình yêu.” Và, những vần thơ viết về tình yêu của Kim Chuông cũng thật đắm say, thật tuyệt. Có lẽ, câu thơ: “Tơ non đến thế là cùng/ Bên tôi núi đá xem chừng cũng non”. Rồi: “Lưới mòn vớt cạn buồn vui/ Vớt lên thả xuống riêng tôi đắm chìm” trong bài thơ “Tôi và em” của Kim Chuông quả là độc đáo. Bởi, chàng thi sĩ si mê, đắm đuối này dễ đa mang, dễ đa sầu, đa hệ lụy đến mức:

Ta va vào ngọn gió mềm

về nhà mất ngủ bốn đêm, ba ngày.

 

Bởi:

Tính ta nông nổi, thật thà

Thấy mây là ngắm, thấy hoa là nhìn

 

Bởi:

Đời còn đâu lắm Thúy Kiều

Nên ta đã gặp là theo đến cùng…

Bởi:

Giàu làm chi lắm hồn ơi

Mình không thương nổi, thương người đẩu đâu.

 

Và, cũng bởi vậy, lúc nào Kim Chuông cũng run rẩy, cuống quýt, khi:

Em vừa đến đã về sao

Không cho anh nói câu nào thật ư?

Này em, này hãy từ từ

Nói xem như thế là như thế nào?

 

Quả là bất ngờ, bởi không ít ai đó khi đọc thơ Kim Chuông, cũng thấy hồn mình ngất ngây, đắm chìm vào thế giới ngôn từ mang vía hồn người viết.

Là người sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng đất đồng bằng. Bố tôi là “dân Chèo” đích thực. Kỷ niệm thời niên thiếu của tôi cùng đám bạn thường đạp xe hơn hai mươi cây số từ Nam Định sang Thái Bình trong những chuyến ngao du, khám phá những điều “mới lạ”. Đọc thơ Kim Chuông, tôi như được gặp lại những nhân vật quen thuộc, thân thương. Những làn điệu chèo đâu đó còn vương vấn nơi ruộng đồng, thôn mạc thật du dương, ngọt mát. Mỗi ngôn từ, mỗi hình ảnh thơ Kim Chuông đã đưa tôi trở về hoài niệm và đắm mình trong những giấc mơ xa lắc.

Tôi như lần nữa, được sống lại với tuổi thơ êm đềm và hiểu thêm về nhân vật trong tích chèo “Thị Màu” với cách nhìn lạ, mới mẻ và độc đáo của Kim Chuông.

Là giáo viên, lại yêu văn chương nghệ thuật, tôi từng đọc và thuộc nhiều thơ. Nhưng thơ Kim Chuông dễ làm người đọc xao lòng, và ám ảnh nhiều nữa.

Thơ Kim Chuông gây hiệu quả, hiệu ứng ở lối “kết thúc mở”. Ở mỗi bài, người đọc bắt gặp, “Kết thúc” đấy, nhưng không phải là sự khép lại. Mà, mạch nguồn cảm xúc lại tiếp tục từ đấy mở ra sự suy ngẫm lớn hơn về tình đời, tình người, về tình yêu, nhân thế.

Cái mới mẻ trong thơ Kim Chuông nằm ở cảm xúc, ở cách nhìn, cách nghĩ, cách phát hiện, kiến giải và những câu thơ “cá thể”, riêng biệt, dễ găm lại trong trí nhớ sâu xa…

Viết về “Mùa xuân”, thơ Kim Chuông không trừu tượng, xa xôi mà nhà thơ thường bám chặt những gì thật bình dị, đời thường.

Trước thềm Xuân Đinh Dậu này, xin trân trọng tri ngộ thi sĩ Kim Chuông với “Những bài thơ mùa xuân” những khoảnh khắc lấp lánh của cuộc hành trình mà Kim Chuông đã “Tìm được chính mình?” Để rồi, mỗi người đọc chúng ta cũng từ đó lại “tìm được chính mình” trong sự song hành, “đồng hiện”.

Đinh Thị Quý

GV Trường THPT Phước Bình, Phước Long, Bình Phước
ĐT: 0986028038; 0919930446
Email: dinhthiquy80@gmail.com.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder