“Có câu thơ Mở miệng để ngân nga/ Tôi thích đọc những câu thơ để cho mình Mở mắt”. Với đề từ cho thơ như vậy, chắc chắn tác giả phải là người có duyên nợ văn chương. Chỉ nói về con số: 18 tập sách và hàng chục giải thưởng, cũng đủ thấy ông là người đa tài…
VHP trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Thảo Nguyên về nhà thơ Kim Chuông.“Có câu thơ Mở miệng để ngân nga/ Tôi thích đọc những câu thơ để cho mình Mở mắt”. Với đề từ cho thơ như vậy, chắc chắn tác giả phải là người có duyên nợ văn chương. Chỉ nói về con số: 18 tập sách và hàng chục giải thưởng, cũng đủ thấy ông là người đa tài…
VHP trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Thảo Nguyên về nhà thơ Kim Chuông.
Nhà thơ Kim Chuông
Từ khi là sinh viên ngành ngữ văn, tôi đã tâm huyết với định nghĩa: “Thơ là tiếng nói của trái tim đến với trái tim”. Quả thực, “Thơ,” “Nữ hoàng nghệ thuật,” có sức hấp dẫn, lay động hồn người đến kỳ lạ.
Ở mỗi độ tuổi, người đọc thường gặp mình, thấy mình trong sự hòa đồng, sẻ chia ở những bài thơ khác nhau, của những tác giả khác nhau.
Với Kim Chuông, nhà thơ của Hải Phòng, của Thái Bình quê tôi, của cả nước. Thi sĩ đã có tới 18 tập thơ lần lượt trình làng.
Phải nói, ngay từ những ngày còn thơ trẻ cho đến bây giờ, khi cuộc đời đã đi qua nhiều trải nghiệm, tôi vẫn thích, vẫn ấn tượng với những bài thơ ông viết.
Nếu một thuở, tôi yêu thơ Kim Chuông ở những bài thơ trong trẻo, dạt dào, tươi non trong cảm xúc. Những bài thơ với cái nhìn tinh tế, ngộ nghĩnh được in trên các trang văn nghệ, in trong tập thơ đầu tay mang tên Tình yêu mùa gặt (1975), in trong sách giáo khoa lớp Một, lớp Ba, cho lứa tuổi học trò… Thì bây giờ, những vần thơ trữ tình, lãng mạn, giàu khát khao, day trở của “nhà thơ lãng tử,” tài hoa và đào hoa”(*) này, càng làm tôi thêm mê đắm.
Với nhiều tuyến, nhiều chiều trong suy tư, phát hiện. Trong cái đa diện, đa thanh ở sự vật vã, kiếm tìm, của người viết, thực tình, tôi muốn đọc hoài, đọc mãi những bài thơ, những câu thơ của ông và ám ảnh trước nỗi buồn diết da, giàu triết lí nhân sinh, giàu cảm sầu, hệ lụy trước thân phận, kiếp người.
“Văn học là nhân học.” Là tấm gương soi để mỗi ai lại được gặp, được thấy cái bóng dáng chính mình trong đó. Qua nhiều tập thơ, đặc biệt là những bài trong tập Ở một góc cuộc đời, Và bắt đầu từ tôi. Và, gần nhất là Những bài thơ mùa xuân… Thơ Kim Chuông vẫn là cội nguồn của hồn thơ dễ rung, dễ đa sầu, đa cảm. Ví như, đây là chút nỗi niềm trong bâng khuâng, thương cảm, trong mối liên hệ cái cá thể “là Ta,” với ai đấy, khác ta, đi giữa cuộc đời này:
Bến đi đắp lại thác ghềnh
Mưa đi tìm lại ngọt lành hương cây
Đến như đá ở đất này
Cũng tìm nhau, kết bạn bầy làm đôi
(Buổi ấy)
Bởi, cái da diết, nao lòng kia khi con người ngắm trông vũ trụ, ngắm trông chính mình và tự thức:
Bạc tiền chưa phải gì đâu
Con tim mới nói chiều sâu hồn người
(Câu thơ tặng bạn)
Hoặc:
Một mai mấy chốc đã già
Buồn ơi ta chẳng có ta trên đời
(Câu thơ tặng bạn)
Nỗi buồn se, xa xót là thế, nhưng không bi ai, sầu muộn, thơ Kim Chuông vẫn “là khoảng xanh” của tiếng lòng yêu thương, thiết tha, độ lượng. Thơ với sự bùng nổ của ngôn thi. Ngôn ngữ thơ giản dị, giọng thơ nhẹ đằm. Những phát kiến, lý giải, qua triết lí mang chiều sâu của suy tư, trải nghiệm luôn bao trùm, thấm lắng ở những tầng cảm xúc kết tinh. Nỗi cô đơn trong thơ Kim Chuông thực sự làm nên sức ám ảnh. Người đọc cảm nhận cái ngùi ngùi, thương cảm và rưng rưng trước những cảnh ngộ :
Mình ta một bến, một sào
Dưới chân một đất, trên cao một trời
Tứ thời, ta một ta thôi
Một ta với đất trời ngồi nhâm nhi.
(Ba ta một lứa bên trời)
Hoặc:
Đêm nay bong bóng một mình
Một mình ta gọi cho thành ba ta
(N.tr)
Hoặc :
Ta không biết ốm đau gì
Lạy Giời ta ốm ai đi chợ chiều
Ai lo cho bữa cơm nghèo
Ai nâng giấc những đêm nhiều trống canh
(Một mình)
Rồi, có những câu nhà thơ không than thở mà vẫn làm nghẹn trái tim người đọc, hình ảnh một người cô đơn đợi chờ trong vô vọng, thật da diết, mà thương !
Chỉ còn ta đợi ta thôi
Đêm thông thênh quá ta ngồi thông thênh
Đợi ta, ta nhận ra mình
Lòng ta ở đám mây bồng bềnh xa
(Đợi)
Chỉ với hai từ “thông thênh” được láy lại trong nghệ thuật “điệp từ” ở một câu thơ mà ta thấy cả một trời cô đơn trong đó.
Đó là khi:
Ngàn năm người ở bên người
Lại tìm nhau suốt một đời chưa xong
(Tự bạch)
Hoặc:
Đời còn có phút này ư?
Mà ta lại đánh rời từ tay ta
(Gửi Hoàng)
Hoặc:
Tôi không khóc nỗi mất còn
Mà tôi khóc tháng năm tròn chắp se
(Gửi người lạc bước)
Hoặc:
Bây giờ ngồi ngắm cơn mưa
Lòng ta còn lạnh bốn mùa không em
(Tự vấn)
Chạm vào miền tâm sự sâu kín, thơ Kim Chuông vọng lên cái đa chiều, phong phú trong nỗi niềm thi nhân, có khi là nỗi buồn thật mơ hồ, se sẽ:
Hình như chỉ một lần này
Bến sông với chuyến đò đầy biệt tăm
(Hình như)
Hoặc, có khi là những trở trăn, tự cảm:
Cái còn, cái mất biết đâu
Tôi tương tư cả hai đầu đa mang
(Lại viết về em)
Nhà thơ tự thú: Bởi mình đa tình nên tự chuốc lấy bao nỗi buồn giữa cuộc đời dâu bể:
Bởi tôi đa tình cho đêm ấy trăng nghiêng
Hoặc
Tôi tự mình góp lửa, tự nhóm nhen
Để làm khổ ngọn gió chiều cuối phố
Để trời lặng tôi vẫn còn giông tố
(Tự bạch)
Là thế. “Tự tôi làm chua xót mãi tôi thôi.” Vâng. Nghệ sĩ là vậy. Tâm hồn thi nhân là một vùng biển rộng mà cảm xúc là những con sóng cứ xô, cứ réo rắt thì thầm ngay cả những khi trời yên biển lặng. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Cái án phong lưu khách tự mang”.
Còn Kim Chuông thì tự thấy:
Người đa tình đến thế là tôi
Nào em đã nói gì trong xa lắc
Phần mơ mộng tôi nhận về mình hết
Xin trao em hoa nở giữa tay cầm
(Tự bạch)
Đọc thơ Kim Chuông, người ta luôn có cảm giác như được nghe những lời tâm tình thủ thỉ, đầy lôi cuốn trong bâng khuâng, tiếc nuối:
Hoa vẫn đợi còn em thì cách biệt
Tôi chạnh lòng gọi mãi cánh hoa xưa
(Về một loài hoa )
Từ cổ chí kim, nỗi cô đơn của con người đã được nhiều người viết, xã hội càng hiện đại, mối quan hệ càng rộng mở, càng nhiều niềm vui, càng có nguy cơ dẫn con người đến cô đơn. Với những nỗi buồn thăm thẳm, đặc biệt là những người có tâm hồn nghệ sĩ, sống yêu thương, nhân ái. Kim Chuông đã đắm mình trong “chớp bể mưa nguồn” ấy. Nhà thơ đã viết những dòng thơ như những tiếng thổn thức của lòng mình. Tiếng thổn thức ấy hòa với tiếng lòng của người đọc tạo nên sự đồng điệu của trái tim đến với trái tim. Sự phát hiện, giãi bày của Kim Chuông là đặc sắc và có phần mới mẻ. Bởi lẽ, vẫn biết cô đơn là bệnh của con người, song phần lớn thơ ca xưa và nay thường viết về nỗi cô đơn, sự đợi chờ của những người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ trong “Hòn vọng phu” “Cung oán ngâm khúc” hay “Chinh phụ ngâm,” trong “Tự tình” của Hồ Xuân Hương; “Người đàn bà ngồi đan” của Ý Nhi… Từng lấy đi bao nhiêu nước mắt người đọc. Nhưng dẫu sao, phụ nữ vẫn được coi là “phái yếu,” nên nỗi cô đơn, nỗi buồn của họ có lẽ là thường gặp. Hơn thế, đàn ông vốn là phái mạnh, nước mắt, nỗi buồn thường lặn vào trong, ít khi thổ lộ, nhất là một người đẹp, đa tài, đào hoa như Kim Chuông, bóng hồng quanh thi nhân nào đâu có thiếu. Vì vậy, những vần thơ tự bạch của Kim Chuông giúp ta hiểu hơn, cảm thông hơn và càng trân trọng hơn nỗi buồn, nỗi cô đơn của những đấng mày râu. Bởi, chỉ có những tâm hồn đẹp, yêu chân thành mới có những phút giây dày vò, quặn thắt và yếu mềm như thế.
Thơ Kim Chuông đi vững trên nền truyền thống. Nhà thơ không gào thét, không cố tạo ra những cách tân xa lạ về hình thức mà vẫn đủ sức chinh phục người đọc. Cái mới trong thơ Kim Chuông chính là sự quen gần của giọng điệu, của khả năng khái quát hóa, điển hình hóa, của sự vận động mạnh mẽ của cảm xúc với cái sâu sắc của ý tưởng văn chương. Bởi, thơ hay là thơ được viết bằng trái tim run rẩy của thi sĩ với sức va chạm, lắng sâu vào trái tim người đọc.
Và, tôi. Và công chúng rộng lớn, tự khi nào, đã thực sự đem lòng quý yêu, trân trọng thơ của “chàng Kim.” Thơ của nhà thơ đào hoa và tài hoa, của mảnh đất Thái Bình, của Hải Phòng, của thi đàn đất nước!
Bình Phước, tháng 2 năm 2016
T.N
________
(*) Nhận xét về Kim Chuông và thơ của các nhà thơ
Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Trọng Tạo, Võ Bá Cường và Đinh Nam Khương
Liên hệ: Thảo Nguyên
Giáo viên Trường TH Kim Đồng – Bù Gia Mập , Tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0984.399.192