Kiểu nhân vật bản năng trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà – Bùi Tuấn Ninh

 

Vanhaiphong.com: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Sống và làm việc tại Hà Nội. Quê gốc: Vỹ Dạ, Huế. Hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 8). Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Tốt nghiệp thủ khoa khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du.

 

Vanhaiphong.com: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Sống và làm việc tại Hà Nội. Quê gốc: Vỹ Dạ, Huế. Hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 8). Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Tốt nghiệp thủ khoa khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du.

Võ Thị Xuân Hà, một trong những cây bút nữ đã khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học Việt Nam đương đại với một phong cách riêng, độc đáo trong các sáng tác. Góp phần làm nên phong cách nghệ thuật này của chị là một thế giới nhân vật đa dạng, trong đó kiểu nhân vật bản năng (ở đây chủ yếu nói tới bản năng tính dục) xuất hiện khá phổ biến. Chính kiểu nhân vật này đã giúp Xuân Hà thể hiện được rõ hơn những góc khuất của tâm hồn con người, từ đó góp phần nâng tầm nghệ thuật cho mỗi tác phẩm của chị.

Với kiểu nhân vật này, trước tiên nhà văn xây dựng những con người mà bản năng thể hiện thành những khát khao chính đáng, rất nhân bản. Có thể kể đến lão Thoài trong truyện Cõi người. Đứng trước con bé Hoan, lão thấy: “Thời gian qua nó đã lớn phổng lên từ lúc nào. Tim lão đập mạnh” rồi sau đó “bàn tay lão già run và nhẹ nhàng dịch chuyển” (…). Lâu lắm rồi, lão không biết mùi hương cỏ mật và mùi nhang cháy trong đêm lại nồng nàn đến thế”. Đây là những dòng miêu tả cảm xúc của một người đàn ông đã luống tuổi khi gần gũi với một cô bé mới lớn. Nhưng hãy chú ý đó là bản năng chứ không hề phàm tục. Bởi những cảm xúc này bắt nguồn từ khát khao cháy bỏng về một gia đình và những đứa con của một đàn ông cô đơn, bất hạnh. Điều này rất đáng được trân trọng. Truyện Mây giăng thì kể về một cô gái quê trẻ tuổi người Côn Sơn, Hải Dương. Tình yêu đầu đời và thực sự của cô là với một anh chàng về làm dự án khảo sát làng văn hóa tại quê cô. Hai người quen nhau rất tình cờ khi chàng trai kia đến hiệu may của cô nhờ khâu lại cái quần. Và cũng chỉ ngay giây phút đó thôi cô gái đã nảy sinh tình cảm mãnh liệt với anh rồi sau đó “yêu anh ấy và cố tìm mọi cách để được gần gũi”. Thậm chí, dù không chắc anh chàng có yêu mình không, và hình như lại có người yêu trên Hà Nội, nhưng cô vẫn “quyết giành giật cho mình dù chỉ trong một thời khắc ngắn ngủi”. Tuy nhiên có điều, ở người phụ nữ này, ham muốn nhục thể không chỉ là bản năng mà còn là biểu hiện của tình yêu nồng cháy, bởi đến với người đàn ông kia là cô muốn khám phá và đi đến tận cùng bến bờ của một tình yêu thực sự, muốn “được biết thế nào là tình yêu của chính mình”. Chính những ý nghĩ này khiến tình yêu của cô vừa trần tục (chứ không phải phàm tục) lại rất cao đẹp và đầy chất nhân văn.

Ở một số hình tượng nhân vật khác, Võ Thị Xuân Hà lại miêu tả vấn đề tính dục như là một nhu cầu tự nhiên của con người. Truyện Xóm đồi hoa viết về cảm xúc của một gã chăn bò chừng mười chín tuổi khi sắp được lấy vợ: “Nhưng đêm cũng như lúc chiều chạng vạng, giấc mơ đàn ông cứ trỗi dậy trong tấm thân cường tráng của gã”. Cho nên khi nhìn thấy cô gái điếm trần truồng nằm ngủ trên đồi thì chỉ đến “Giây thứ ba gã lao tới như một con trâu điên. Quần áo trên người gã cũng tung bay trên đám cỏ gai”. Còn cô gái kia cho đến nửa đêm mà “Trong lòng cô như có ngọn lửa cháy sáng (…) với niềm hạnh phúc cứ trào lên không cưỡng nổi”. Những chi tiết rất giàu tính nhân văn bởi cho thấy trong sâu thẳm tâm hồn cô gái điếm có số phận bất hạnh này (sống lang thang vì bị bệnh cùi, một thứ dịch bệnh đang hoành hành trong xã hội đương thời, khiến chân tay cô lở loét), chất người lương thiện vẫn còn rất mãnh liệt. Nếu có cơ hội là nó lại bùng lên. Đọc Chuyện của con gái người hát rong ta cũng thấy có đoạn tả về những cảm xúc nhục thể đầu đời của cô thiếu nữ Út Kim: “Đình lấy tay khẽ phủi kiến trên tóc tui. Rồi bàn tay dừng lại như khẽ hỏi. Tui giả bộ ngó sang đàn kiến đang náo loạn. Tim tôi cũng náo loạn (…). Tui im lặng tận hưởng khoảnh khắc man trá của trái tim náo loạn”. Rõ ràng, với hai tác phẩm này, khi nhìn nhận vấn đề không bằng con mắt bị chi phối bởi các yếu tố luân lí, đạo đức phương Đông nhiều khi quá khắc nghiệt, chúng ta sẽ thấy vẻ đẹp thật tự nhiên của các nhân vật, với họ chuyện gần gũi về xác thịt cũng là một nhu cầu tất yếu, nó không làm các nhân vật xấu đi mà ngược lại, cho thấy trong bản thân họ cái chất người thật tự nhiên mà đáng quý.

Trong một số truyện ngắn của mình, vấn đề tính dục lại được Xuân Hà miêu tả như một nhu cầu nổi loạn, phá phách của người phụ nữ để thoát khỏi cuộc sống nhàm tẻ, bức bối. Nói về kiểu nhân vật này không thể không kể đến Diễm trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng, một cô gái rất cá tính và thậm chí có phần hoang dã. Khi đi săn cùng chồng trong rừng, cô sẵn sàng cởi hết quần áo để tắm mưa. Với chuyện chăn gối của vợ chồng, đây quả là một người đàn bà đầy sinh lực và khát khao, khi thì “đêm chúng tôi vẫn quấn lấy nhau như cặp rắn”, rồi lúc đi săn ở rừng “Chúng tôi lăn ra cỏ (…) ôm choàng lấy nhau, ngấu nghiến”. Những cảm xúc tình dục này ở Diễm không chỉ bắt nguồn từ nhu cầu có tính bản năng mà còn là ở sự khát khao một tình yêu tận độ, mãnh liệt. Vì thế, khi say nồng tình ái với người chồng, trong cô trỗi dậy cảm giác “thèm khát nhìn thấy tận mắt sức mạnh bí ẩn lôi cuốn người đàn ông và người đàn bà ràng buộc lấy nhau”. Ngoài ra, những hành động và cảm xúc trên của Diễm cũng là để “làm dịu những vết thương của kiếp đàn bà” – điều mà cô đang gặp phải khi làm dâu. Ngược lại với người vợ mạnh mẽ, cá tính, Thản dù là một người đàn ông có ngoại hình hấp dẫn nhưng tính cách thì có phần thụ động, yếu đuối khiến anh không dám bênh vực vợ mỗi khi Diễm bị bố mẹ chồng hoặc em chồng đè nén. Điều này làm cho cô trong mơ hồ lại nảy sinh tình cảm với Nẫm – người anh của Thản đã mất khi tham gia kháng chiến chống Mĩ – mặc dù Diễm chỉ được nghe Thản kể về anh mình. Nhưng có điều chúng ta cần chú ý, đây không phải là thứ tình cảm bắt nguồn từ ham muốn xác thịt tầm thường mà thiên về tinh thần, là sự mong muốn một chỗ dựa. Cho nên, lúc sinh nở, người mà Diễm nghĩ đến không phải là Thản, chồng cô, mà là Nẫm, qua sự tưởng tượng ra âm hồn người anh chồng này đến bên mình và “cúi xuống hôn con bé rồi đi đến bên tôi rờ rẫm cái cuống rau đỏ nòm”. Rồi lúc thiếp đi những ý nghĩ kì lạ lại trỗi dậy trong đầu người phụ nữ này: “Trong giây phút, tôi quên hết, quên Thản, quên những ngày nghỉ ở rừng. Tôi đắm đuối với hình ảnh người đàn ông đang mân mê những cuống rau, như thể anh ta đã thò vào sờ nắm được hết những mạch máu li ti chảy trong cơ thể tôi mà tình yêu của Thản chỉ chạm tới chứ không nắm được”. Những ý nghĩ này không chỉ thể hiện khát khao về một tình yêu tận độ trong tưởng tượng mà qua “hình ảnh người đàn ông đang mân mê những cuống rau” còn là mong muốn vẻ đẹp của con người ấy sẽ hiện hữu trong cuộc đời nàng qua đứa con của nàng với Thản. Nếu vậy, từ đây nàng sẽ thấy vững tin hơn, sẽ thấy cuộc đời bớt phần nhàm tẻ. Giấc mơ này của Diễm thật táo bạo, nó có yếu tố sắc dục nhưng vẫn chưa đến mức loạn luân. Bản lĩnh của nhà văn thể hiện ở đây khi tác giả không muốn dùng những yếu tố giật gân nhưng phản cảm, phản thẩm mĩ để thu hút độc giả. Cái tài, cái tâm và cả cái tầm của nhà văn là ở chỗ đó. Và cũng vì thế truyện mang đậm tính nhân văn chứ không hề mang yếu tố trụy lạc, loạn luân như không ít người thấy qua hình tượng nhân vật người vợ trong Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu sau này. Văn học là một loại hình nghệ thuật nhưng tác phẩm văn học chỉ thực sự là nghệ thuật chân chính khi những sáng tạo ấy cuối cùng nhằm tôn vinh những giá trị cao đẹp của con người. Có như thế tác phẩm mới có thể tồn tại cùng thời gian. Đàn sẻ ri bay ngang rừng của Võ Thị Xuân Hà nằm trong số những sáng tác như vậy.

Như đã nói, nhu cầu tính dục là một nhu cầu mang tính bản năng. Nếu con người không kiểm soát được sẽ dễ dẫn đến những hậu quả xấu. Trong không ít sáng tác của mình, ngoài việc trân trọng những bản năng tự nhiên chính đáng của con người, Võ Thị Xuân Hà còn miêu tả tính dục như là thứ bản năng xấu, khiến con người sa vào những hành vi tội lỗi hoặc gặp phải những bi kịch. Nhân vật Dân trong các truyện Năm hai ngàn lẻ x… và Những kẻ lãng mạn vốn bề ngoài tưởng hiền lành, ngờ nghệch nhưng thực ra lại là một kẻ rất đê tiện, xảo quyệt. Thời gian được làm cùng Mai khiến anh ta nảy sinh dục vọng dữ dội (chứ không phải tình cảm), có đêm “Anh ta đi như người mộng du. Cơn thèm khát của đàn ông dâng trong cơ thể trẻ”. Và khi bản năng thấp hèn lấn át lý trí, Dân đã quyến rũ Mai để thỏa mãn dục vọng rồi một thời gian ngắn sau lại nhẫn tâm ruồng bỏ người đàn bà tội nghiệp (người đã cưu mang hắn, đã chiều chuộng hắn hơn cả người chồng ngày trước) cùng cái thai bốn tháng để cao chạy xa bay với không ít tiền lấy được của cô cũng như việc y làm nghề dắt gái.

Cùng kiểu người như Dân là vợ chồng hai nhân vật Thanh và Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu trong Chuyện của con gái người hát rong. Thanh vốn xuất thân trong một gia đình giàu có ở xứ Huế, trước khi lấy vợ anh ta vốn nổi tiếng là một người đàn ông phong tình. Tuy đã có một người vợ đẹp như bà cung phi nổi tiếng thứ hai mươi mốt của vua Minh Mạng là cô Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu và một đứa con rất kháu khỉnh nhưng Thanh vẫn chứng nào tật ấy. Để thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình người đàn ông này sẵn sàng lạm dụng cả người hầu kẻ ở trong nhà. Trường hợp Sen, người phụ nữ tật nguyền là một ví dụ. Lòng dục bốc lên ghê gớm khiến Thanh không kìm được mình mà có thái độ lả lơi với Sen ngay cả khi cô đang tắm cho con anh ta. Và thời gian đầu “anh ta ham muốn tui (Sen – NV) đến phát cuồng. Anh ta chén tui như chén món thịt gà xé phay tui làm ngon hết biết cho hai người nớ ăn”, bởi theo lời Thanh thì Sen đã “làm cho anh ta được sống cuộc đời đàn ông thực sự” trong khi vợ Thanh – Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu lại “không biết làm tình”. Những lời nói này cho thấy thực chất Thanh chỉ dùng Sen để thỏa mãn nhu cầu sinh lí đồi bại của mình. Vì vậy, khi “Biết tin tui có thai, anh ta trợn mắt nhìn tui như nhìn loài rắn. Anh ta ném cho tui ít tiền, bảo đi viện làm cho gọn”. Thanh như vậy còn vợ anh ta – cô Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu – cũng chẳng hề kém cạnh. Núp trong vẻ bề ngoài của một bà chủ trẻ xinh đẹp, đài các là một nhân cách hết sức bệnh hoạn. Cô ta rất “thích đi hát karaoke trong phòng tối thui, để không nhìn thấy mặt chàng trai” mà Sen “đặt tiền cho người ta đưa đến cho cô. Anh chàng đó phải trẻ, phải khỏe, hơi thở phải thơm tho” để đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu sinh lý cho người phụ nữ này. Nhưng người đời đã có câu: Nhân nào quả ấy. Lối sống bệnh hoạn của hai vợ chồng Thanh đã gặp báo ứng đến khủng khiếp. Hóa ra, Sen chính là em của thiếu nữ đã gieo mình xuống dòng Hương chết cùng cái thai với Thanh khi biết tin anh ta chuẩn bị cưới Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu. Sen đến nhà Thanh xin làm người ở chỉ với mục đích tìm cách trả thù cho chị gái. Nhưng nào ngờ đến chính cô lại cũng yêu kẻ đã phụ bạc chị mình và khiến cho người mẹ vốn đã rất bất hạnh của cô phải chết vì quá thương con gái. Việc Sen trao thân cho Thanh không phải chỉ bởi sự ép buộc của Thanh mà còn bởi tình yêu của Sen với anh ta. Tuy nhiên, khi sự đê tiện và tàn nhẫn của Thanh lại được bộc lộ lúc biết cô có mang với hắn thì Sen vô cùng đau khổ. Cùng đường, nhân vật quyết định tự vẫn. Nhưng “Con bé Hàn Giao (con của vợ chồng Thanh – NV) bám tui như con vậy. Nên khi tui cùng đường, tui muốn mang nó theo (…). Chỉ còn cách đó là có thể làm cho anh ta và cái người đàn bà vô dụng kia đau đớn”. Oái oăm thay, đứa trẻ vô tội kia thì chết còn Sen lại được cứu sống. Vậy là đứa con có với Sen mà Thanh muốn nó không thể tồn tại thì sẽ lại được sống còn đứa bé đẹp như “tiểu thiên thần” của anh ta với Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu thì lại phải chết một cách oan ức, đau đớn. Sự quả báo thật vô cùng tàn khốc.

Có thể nói Võ Thị Xuân Hà đã dựa trên cơ sở là tư tưởng nhân bản rất sâu sắc khi đề cập đến vấn đề con người bản năng. Nhà văn tỏ ra rất thông cảm, thậm chí là trân trọng những khát khao tự nhiên nhưng chính đáng của các nhân vật. Tuy nhiên, ngòi bút của chị cũng không ngần ngại phê phán những con người bất chấp tất cả luân lí, đạo đức để thỏa mãn nhu cầu thấp hèn của mình và khiến cho nhiều người khác phải đau khổ. Tư tưởng này hoàn toàn chi phối các tác phẩm của Xuân Hà nên những truyện ngắn của chị khi đề cập đến đề tài này vẫn mang một vẻ đẹp thật sáng trong chứ không bị phê phán vì quá đề cao bản tính tự nhiên của con người hoặc dùng yếu tố sex để câu khách như không ít các sáng tác ra đời trong thời gian gần đây trên thị trường.

B.T.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder