Những nguy cơ làm nước nghèo, quân yếu
Phần đầu của bài thi như một bản cáo trạng hiện thực; tác giả chỉ ra tệ nạn lãng phí, xa hoa diễn ra từ xóm thôn đến huyện phủ… tạo thành “cái chén không đáy”. Trong xã hội “con buôn” tự ý đặt giá “chẹt lợi”, nhà giàu đặt nợ lãi… thao túng giá cả thị trường; bên cạnh đó chính quyền cấp địa phương nhũng nhiều đục khoét dân lành; chính quyền cấp cao “trong thì Bộ, Viện, Tự, Các ngoài thì tỉnh, phủ, châu, huyện” phình to bộ máy công quyền làm ít mà hưởng lợi nhiều từ tiền thuế của dân, tác giả đặt câu hỏi “Đem số thuế khóa rất hẹp hòi mà cung đốn cho bọn nhân viên rất phiền nhũng, thì của cải làm sao mà không hao tán?”. Nguyễn Khuyến cũng đồng thời chỉ ra một nguyên nhân quan trọng khác đó là chính sách nửa vời của Triều đình, khi thuận theo cấp dưới dừng quyết định “ tinh giản bộ máy”, ông viết: “Nhiều lần triều đình đã sức phải gộp người lại hoặc bớt người đi, nhưng…việc ấy rút cục phải nửa chừng đình chỉ.”. Trong khi đó phương thức bổ nhiệm quan lại thì bằng nhiều cách thức không chuẩn mực, theo đó ngoài chính thống là khoa bảng thì “Đường lối vào quan rất nhiều”: do ấm sinh, do lại điển, do quân công, do quyên tiền…
Trong bài thi, Nguyễn Khuyến đã chỉ ra những nguyên nhân làm cho quân đội suy yếu. Trước hết là nạn tham nhũng, các tân binh phải nộp tiền “ vọng trại”, tiền “ công liễm” mỗi người hàng trăm quan; trong khi đó người chỉ huy được binh lính cung phụng nhà cửa và mọi thứ chi tiêu khác. Trong quân doanh, mọi thứ đều phải có tiền và tiền có thể thay quân lệnh: “ Có người đã cho phép họ về nhưng còn tạm lưu lại để đòi hỏi lễ vật. Đến như đến phiên sai phái, có thể lấy tiền mà thay, đến kỳ thao diễn có thể lấy tiền mà thuê”. Bên cạnh đó là kỷ luật lỏng lẻo coi thưởng phép Vua “có nhiều người nhiều lần đào ngũ, còn nhất luật cho là bị thất lạc. Có người thua trận, làm hỏng việc, vẫn chỉ khép vào tội nhẹ”.
Chọn người, dùng người bằng “Tín”
Bài “Văn sách thi đình” của Nguyễn Khuyến có cấu tạo logic như các luận văn hiện đại: nêu thực trạng và đề xuất giải pháp cải biến thực trạng đó. Những giải pháp của tác giả rất quyết liệt: chống thói xa hoa lãng phí, trấn áp cường hào bóc lột đàn áp dân lành. Đặc biệt ông có cái nhìn thấu đáo trong việc xây dựng cơ quan hành pháp với cách “giảm biên”, hoặc “sáp nhập” để bộ máy công quyền gọn nhẹ đỡ tốn tiền dân: “ ở các nha môn trong kinh, ngoài tỉnh, tùy chỗ nhiều việc, chỗ ít việc, hoặc chỉ để năm, sáu người, hoặc chỉ để một, hai người; hoặc hai huyện gộp lại làm một huyện, hoặc ba huyện gộp làm hai huyện”. Ông bàn về cách thức xây dựng nguồn nhân lực cho bộ máy chính quyền bao gồm rất nhiều bước khoa học mang tầm cỡ vĩ mô. Theo đó có đủ quy trình từ tuyển chọn, thử việc bổ nhiệm, luân chuyển và khen thưởng kỷ luật…như chương trình quản lý hiện đại thế kỷ 21. Đặc biệt, ông còn đề xuất cả bộ phận “thanh tra nhà nước” do viên quan uy tín làm “ truất trắc sứ “ (Một chức thanh tra) liên tục làm việc ở các “Đạo” để xử lý sai phạm.
Không là nhà quân sự, nhưng Nguyễn Khuyến tỏ ra nắm vững nhiều phương pháp xây dựng quân đội. Trong bài, ông đề xuất xây dựng hệ thống hương binh địa phương (quân dự bị) và cấp kho vũ khí để luyện tập khi cần thì huy động, cách làm này không hao tốn kinh phí của Triều đình. Bên cạnh đó là việc điều động có thời hạn lính đi làm nghĩa vụ để rèn kỷ luật quân đội chính quy. Nhưng trước sau, Nguyễn Khuyến vẫn coi trọng việc thực hiện kỷ luật nghiêm minh chống tham nhũng trong quân đội. Ông bày tỏ: “ việc quân phải lấy nghiêm làm chủ… kỷ luật không nghiêm tội ở người quản suất thần xin nghiêm cấm việc thu tiền của lính, ai phạm tội nhất định giết chết, nêu rõ phép huấn luyện ai trái lệnh nhất định bị tử hình”.
Một phần trọng yếu của bài luận này tác giả bàn về chữ “Tín”. Trong lời bàn của ông chữ “Tín” tức là “đích thực” và “có cái ý “xác thực không thể sửa chữa, dứt khoát không thể thay đổi” và lấy “Tín” để chọn người đồng thời cũng lấy “tín” để dùng người. Nguyễn Khuyến tinh tế, sắc sảo và thực tiễn khi chỉ ra cách dùng “Tín” để tạo ra “công hiệu”, theo đó,“Việc “được người” thật là quan trọng. Nhưng khi có “được người” rồi mà vẫn không thi hành được là vì chưa dùng được chữ Tín. Trong điều Tín của ông vua, chỉ có thưởng phạt là tối quan trọng. Có thế mới cổ vũ được mọi người, vang động được cả bốn phương.” Trong quan niệm của tác giả chữ “Tín” là pháp luật trong điều hành xã hội với nội hàm Triều đình dùng nó để phân rõ công tội, khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, không có chỗ cho “vùng cấm”, chỗ của cầu may. “Như vậy lấy đó mà lập pháp, pháp nhất định lập. Lấy đó mà thi hành chính sự, chính sự nhất định được thi hành” và “Hiệu lệnh nghiêm minh, chính là đem chữ Tín ra để đặt làm hiệu lệnh. Chế độ dứt khoát chính là đem chữ Tín ra đặt làm chế độ. – tác giả viết.
Gần 150 năm trôi qua, trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc ấy và hoàn cảnh xuất thân của Nguyễn Khuyến với đầy rẫy những gian khó giữa một làng quê nghèo, đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam, song tài năng và tấm lòng lo nước, bản lĩnh, nhân cách của Nhà Nho thương dân, đã hun đúc nên một bài luận hội đủ những tiêu chí của bài thi “thủ khoa” kỳ thi Đình năm 1871. Theo dòng chảy lịch sử, những đặc điểm của xã hội Việt nam đã có rất nhiều biến chuyển đổi thay, hiện đại và văn minh hơn. Tuy vậy thông điệp trong “Văn sách thi Đình” của Nguyễn Khuyến vẫn còn có những điều mang tính thời sự buộc chúng ta phải suy ngẫm./.
Nguyễn Đình Minh