Ký trên hành trình đổi mới – Đỗ Hải Ninh

Sự phát triển phong phú và đa dạng của các thể ký thời đổi mới là một minh chứng sinh động về tính dân chủ trong văn học. Với tư cách là một thể loại nhạy bén, ký có khả năng đáp ứng một cách cao nhất nhu cầu được biết, được nói sự thật- hệ quả tất yếu của trào lưu dân chủ. Khả năng đối thoại, đề xuất  những kiến giải riêng trên cơ sở trải nghiệm của cá nhân đã tạo nên chiều sâu nhận thức và sức hấp dẫn của thể loại. Đó cũng chính là những yếu tố quan trọng nhất tạo nên tính mở của ký trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay

 

Sự “hồi sinh” của phóng sự

Phóng sự là thể ký biểu hiện rõ nhất tính trung gian giữa văn học và báo chí, xuất hiện ở nước ta vào khoảng đầu thế kỷ XX khi hoạt động báo chí phát triển. “Không bị cản trở bởi hàng rào văn chương”, phóng sự có khả năng thâm nhập đời sống một cách trực tiếp, đồng thời giúp cho văn học tiếp nhận, cập nhật nhanh chóng hiện thực muôn mặt của cuộc sống, nhất là những nghịch lý, cái tiêu cực. Sau hàng loạt phóng sự thành công của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang, Trọng Lang… thời kỳ 1930-1945, đến giai đoạn 1945-1975, do định hướng của nền văn học phục vụ kháng chiến, phóng sự hầu như vắng bóng, nhường chỗ cho các thể ký khác như tuỳ bút, ký sự.

Từ đầu thập kỷ 80, những biến động trong đời sống xã hội trong đời sống xã hội với những thành công và thất bại, tích cực và tiêu cực của giai đoạn giao thời đã nảy sinh nhu cầu nhìn thẳng vào sự thật, phơi bày sự thật, tạo chất liệu cho thể phóng sự hồi sinh với tất cả sự sắc bén của nó. Trước thực tế sáng tác, nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh: “sự phục hồi và nở rộ một thời gian của thể phóng sự khoảng giữa những năm 80 (trong đó có một số phóng sự đặc sắc) chứng tỏ văn học ta đã nhận ra hiện thực mới và quyết xông vào chiếm lĩnh nó bằng một phương thức có hiệu quả nhất”(1). Hàng loạt phóng sự ra đời thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng: Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc), Chuyện ông vua lốp, Lời khai của bị can (Trần Huy Quang), Người đàn bà quỳ (Trần Khắc), Làng giáo có gì vui (Hoàng Minh Tường), Tiếng kêu cứu của một vùng văn hoá (Võ Văn Trực), v.v… Hiện tượng bùng nổ phóng sự đã gây nên những “cơn địa chấn”, không chỉ tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội hoá, tác động mạnh đến nhận thức, tình cảm của đông đảo bạn đọc.

Phóng sự được đón nhận một cách nồng nhiệt trong cao trào đổi mới bởi nó đã chọn được thời điểm “nhập cuộc” thích hợp. Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, với tinh thần “nói thẳng nói thật” và ý thức nhận thức, đánh giá thẳng thắn những khuyết điểm yếu kém, dũng cảm chống tiêu cực và những tệ nạn xã hội, văn học và báo chí đã được giải phóng khỏi nhiều cấm đoán, nghi kị để hào hứng tham gia vào đời sống. Phóng sự là thể loại thích hợp nhất trong việc thể hiện sự chuyển đổi mô hình cấu trúc xã hội bởi với ưu thế của mình, nó có thể đi đến tận cùng những mâu thuẫn đang nảy sinh, những vấn đề xã hội phức tạp và những mảng hiện thực trước đây thường bị che lấp, né tránh, đáp ứng nhu cầu thông tin về sự thật vốn là nhu cầu cấp bách trong đời sống đang từng bước dân chủ hoá.

Hơn nữa, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho phóng sự  có khả năng thu hút người đọc là bởi các nhà văn không chỉ dừng lại miêu tả người thật việc thật đơn thuần mà cái quan trọng hơn là các tác giả đã biết gia tăng tính nghệ thuật qua việc tổ chức, lựa chọn các chi tiết, tái hiện không khí và khắc hoạ chân dung nhân vật, sự kiện một cách sắc nét. Nếu phóng sự chỉ dừng lại ở tính chất báo chí thuần tuý thì nó chỉ có ý nghĩa thời sự nhất thời. nét đặc sắc của phóng sự thời đổi mới là đã tích cực hướng tới những giá trị nhân bản và chiều sâu nhận thức, đánh thức người đọc suy ngẫm về các quan hệ, các giá trị nhân sinh. Nó có ý nghĩa phản tỉnh xã hội, giúp con người ý thức sâu sắc về bản chất hiện thực và có khả năng nhận thức sâu hơn chính bản thân mình. Ngoài việc tố cáo, phản ánh tiêu cực, phơi bày những vấn đề bức xúc của xã hội, phóng sự đi sâu phân tích thực trạng đời sống nhân dân và số phận cá nhân. Cái đêm hôm ấy đêm gì lần đầu tiên đem đến cho người đọc sự thực về cuộc đời người nông dân sau bao nhiêu năm theo cách mạng lại quay trở về với đói nghèo, thiếu thốn, phải đối mặt với lớp cường hào mới ở nông thôn, nạn áp bức bóc lột về bản chất không có gì thay đổi so với chế độ cũ nhưng lại được che đậy bởi những danh từ mới. Người đọc không chỉ nhận thấy nỗi khốn khó của người nông dân trong những năm Tắt đèn trước đây mà hoá ra, sự thống khổ ấy lại đang hiện hữu bằng xương bằng thịt ngay trong lòng chế độ mới. Đó mới là điều cay đắng nhất, chua xót nhất mà tác phẩm này gợi lên trong lòng người đọc. Lời khai của bị canChuyện ông vua lốp chỉ ra những bất cập của cơ chế quản lý quan liêu qua câu chuyện đầy cảm động về một con người có tâm, có tài, làm giàu một cách lương thiện nhưng lại bị khép tội, bị tịch thu tài sản, bị ngồi tù vì tội đã tận dụng phế liệu của nhà máy cao su để sản xuất ra những chiếc lốp tốt hơn cả lốp quốc doanh. Đói nghèo thiếu thốn là tình trạng chung của xã hội nhưng trong Làng giáo có gì vui lại diễn ra một nghịch lý hết sức bi hài, giáo viên vừa dạy học vừa phải làm thêm đủ nghề mà vẫn đói nghèo hơn cả nông dân, có thể gọi họ là những nông dân đi dạy học. Phóng sự thể hiện khuynh hướng nhận thức lại hiện thực, nhận thức lại cơ chế xã hội và số phận cá nhân bằng sự phán xét tỉnh táo. Ngòi bút phóng sự của các nhà văn trong giai đoạn này không chỉ dũng cảm mà còn giàu tâm huyết bởi vậy tác phẩm của họ được đông đảo người đọc đón nhận, sẻ chia.

Phải nói rằng phóng sự hồi sinh có ý nghĩa xã hội to lớn, là bằng chứng rõ nhất về không khí đổi mới dân chủ thực sự, đồng thời tạo niềm tin cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả giới văn nghệ sĩ. Nó không chỉ tham gia trực tiếp vào công cuộc chống tiêu cực một cách nhanh nhạy, sắc bén mà còn đóng góp vào quá trình đổi mới văn học như là một bước chuyển tất yếu. Phóng sự chính là bước khởi động cho cuộc chạy tiếp sức của tiểu thuyết ở chặng đường tiếp theo. Từ đầu những năm 80, sự xuất hiện một số tiểu thuyết có khuynh hướng đấu tranh chống tiêu cực mang hơi hướng phóng sự của Nguyễn Mạnh Tuấn (Đứng trước biển, Cù lao tràm) đã đem lại một sắc thái mới mẻ, đáng chú ý giữa dòng chảy chung của văn học đang vận động theo trào lưu mới. Khí thế sôi sục của nó đã có khả năng kích thích, thôi thúc người cầm bút khoan sâu vào những vỉa tầng hiện thực mới. Và một điều không thể phủ nhận, phóng sự chính là nơi tích luỹ chất liệu đời sống cho văn học. Với sự hồi sinh của nó, văn học trở nên đầy ắp sức sống, ngồn ngộn chất phù sa của hiện thực đời thường.

Khác với giai đoạn 1932-1945 hầu như mỗi phóng sự được triển khai trên nhiều kỳ báo, có dung lượng lớn, đề cập đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau, phóng sự ở giai đoạn sau 1986 không dài hơi, tập trung vào những vấn nạn, những thực trạng bức xúc, nhức nhối nhất của đời sống. Có thể nói tại thời điểm đó, thể loại này đã hoàn thành sứ mệnh của nó và về sau dù vẫn được sự quan tâm của cả người viết và người đọc nhưng bên trong đã có sự chuyển hướng. Sự chuyển hướng đó không rõ rệt nhưng có thể thấy được qua sự so sánh với phóng sự thời kỳ đầu đổi mới ở các vấn đề, sự kiện, sắc thái biểu đạt…Ở chặng đường tiếp theo, tiếp tục xuất hiện thêm nhiều cây bút phóng sự đáng chú ý như Minh Chuyên với tập Người lang thang không cô đơn, Huỳnh Dũng Nhân với Ăn tết trong rừng chó sói, Tôi đi bán tôi, Xuân Ba với Mọi linh hồn đều được đưa tiễn, Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt, Đỗ Doãn Hoàng với 27 phóng sự. Phóng sự đã đáp ứng được nhu cầu đưa nhanh những thông tin “nóng”, kịp thời mổ xẻ các vấn đề xã hội bức xúc và phân tích những hiện tượng phức tạp của đời sống. Bên cạnh khuynh hướng biểu dương, phát hiện những gương mặt điển hình trong xu thế đổi mới và hội nhập, phần lớn các phóng sự bám sát mặt trái của đời sống xã hội, nhất là những tệ nạn, hay lối sống, ứng xử nhuốm màu thực dụng, tàn nhẫn, thiên về phóng sự điều tra… Thành công của thể loại trên chặng đường sau này chủ yếu ở ngôn ngữ hiện đại sống động, linh hoạt, sắc sảo, giàu tính thời sự… Tuy nhiên nó cần sự lật trở vấn đề một cách sâu sắc hơn, kết hợp nhuần nhuyễn chất báo chí với chất văn học, tránh lối viết chạy theo sự kiện giật gân, thoả mãn thị hiếu dễ dãi của một bộ phận người đọc.

So với các tiểu loại ký khác, phóng sự là mảng nhạy cảm hơn cả, được ví như là ăng ten thu lượm tất cả tín hiệu phát ra từ đời sống. Do ảnh hưởng của thời đại công nghệ thông tin hiện nay ưu thế của phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình trên các phương tiện truyền thông có phần lấn át phóng sự văn học và cũng chưa có cây bút nào đạt được thành tựu nghệ thuật xuất sắc như ở giai đoạn 32-45 nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là sự ra quân đồng loạt gây hiệu ứng xã hội và giá trị thẩm mỹ sâu sắc.

Sự nở rộ của hồi ký

Văn học Việt Nam trước 1945 đã có những cuốn hồi ký tự truyện khá đặc sắc như Thời thơ ấu (Nguyên Hồng), Cỏ dại (Tô Hoài), Cai (Vũ Bằng). Cùng với thời gian và sự trưởng thành trong nghiệp viết, nhiều nhà văn có ý thức nhìn lại cuộc đời cầm bút, có nhu cầu trình bày ảnh hưởng, những thăng trầm trong đời văn của mình qua hồi ký, chia sẻ những kỷ niệm, những tình cảm sâu đậm của bạn bè văn nghệ sĩ: Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan), Bước đường viết văn (Nguyên Hồng), Tự truyện (Tô Hoài) Ta đã làm chi đời ta (Vũ Hoàng Chương), Hồi ký (Đặng Thai Mai) Bốn mươi năm nói láo (Vũ Bằng )… Đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thể hồi ký thực sự nở rộ với số lượng phong phú: Từ bến sông Thương (Anh Thơ) Cát bụi chân ai, Chiều chiều (Tô Hoài), Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá (Bùi Ngọc Tấn), Nhớ lại (Đào Xuân Quý), Hồi ký song đôi (Huy Cận), Nhớ nghĩ chiều hôm (Đào Duy Anh), Bạn bè một thuở (Bùi Hiển), Tầm xuân (Đặng Anh Đào)…

Hồi ký trở thành thể loại đáng chú ý khi văn học đổi mới đã và đang đi qua thời điểm cao trào, tiếp tục vận hành trong không khí dân chủ hoá của đời sống văn học. Bằng cách chuyển tải riêng, thầm lặng nhưng cũng giàu giá trị biểu cảm, hồi ký thâm nhập vào đời sống và nhanh chóng chiếm lĩnh độc giả. Lý giải nguyên nhân nở rộ của hồi ký trước hết có thể vin vào điều kiện lịch sử xã hội, đó là những biến động và thăng trầm của thời đại trong suốt thế kỷ XX đã tạo ra một thế hệ người viết có nhu cầu “cuối đời nhìn lại”. Không khí cởi mở và dân chủ tạo điều kiện cho nhà văn có cơ hội bộc bạch, hé lộ những nỗi niềm gan ruột, những trăn trở suy tư của cái tôi, những bí mật riêng tư, thậm chí không ngần ngại đụng chạm đến những điều trước đây bị coi là cấm kỵ. Đồng thời hồi ký cũng đáp ứng nhu cầu của thế hệ người đọc cần hiểu, chiêm nghiệm quá khứ, đánh giá lại lịch sử, “đi tìm thời gian đã mất”. Chính vì vậy, thể hồi ký có được sự gặp gỡ giữa người đọc và người viết với khát vọng khám phá thế giới và chính mình.

Nhìn từ quá trình vận động nội tại của văn học, đây là sự tìm tòi thể loại có khả năng thích ứng với tâm thế của nhà văn, với nhu cầu được giãi bày và khuynh hướng tự vấn đang ngày càng phổ biến trong văn học ta. Sự phát triển của thể loại hồi ký cũng chứng tỏ kinh nghiệm cá nhân đang trở nên có giá trị hơn và hồi ký chính là một cách nhìn trực diện vào cái tôi của người viết. Với cá nhân mỗi nhà văn, bằng hồi ức về cuộc đời mình, ông ta chẳng cần phải tìm kiếm thế giới ở đâu xa mà ở chính trên gương mặt đầy dấu ấn thời gian của mình. Viết hồi ký cũng là một cách sòng phẳng với quá khứ bởi dù có nhớ và quên, thật và giả, chủ quan và khách quan… thì nhà văn cũng không thể lẩn tránh được chính mình. Có lẽ đấy là lý do chủ yếu để văn học thời đổi mới tìm đến thể hồi ký như là tìm đến một cách tiếp cận  không chỉ với hiện thực bề mặt mà còn với hiện thực bên trong đầy phức tạp và bí ẩn của con người.

Nếu như những cuốn hồi ký cách mạng trước đây thường chú trọng đến sự kiện lịch sử đặc biệt có tác động lớn đến quá trình phát triển xã hội và ý thức con người thì những cuốn hồi ký văn học thời đổi mới quan tâm hơn đến sự chiêm nghiệm lịch sử và số phận cá nhân trong lịch sử. Với cái nhìn từ bên trong, hồi ký có thể bộc lộ con người nhà văn và thời đại ông ta một cách độc đáo, đáng tin cậy. Mỗi nhà văn có một con đường đi đến với văn học, thu nạp đời sống theo một cách riêng, với những thành công và thất bại khác nhau mà với thể hồi ký, ông ta có cơ hội phơi trải đời mình và lòng mình lên trang giấy. Mặc dù đó là thế giới riêng tư được cảm nhận tuỳ theo cách của mỗi cá nhân nhưng qua cái nhìn hồi cố của tác giả, lịch sử của một thời đã qua, với những ảo tưởng, mất mát, bi hài… đã được giãi bày, tự nghiệm một cách đau đớn mà thấm thía. Cát bụi chân ai, Chiều chiều đều phảng phất  nỗi niềm trăn trở về cuộc đời, từ những “vụ án” văn chương đến chuyện “đi thực tế”, những mưu toan trong cuộc sống của nhà văn đến dấu ấn những sự kiện long trời lở đất hằn lên cuộc đời họ… Những cuộc đời và số phận “cùng một lứa bên trời lận đận” của một lớp văn nghệ sĩ trong Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá cũng phần nào cho thấy bóng dáng thời đại mà họ sống bởi nhà văn đã biết thông qua số phận cá nhân để làm hiện lên cái hồi ấy, cái thời ấy nó thế, không thể khác. Nhớ lại không chỉ là câu chuyện làng văn nghệ, là sự thật diễn ra đằng sau cánh gà của sân khấu chính trị mà còn thể hiện quan điểm, chiêm nghiệm về lịch sử, văn chương, cuộc đời. Hồi ký đổi mới đã chứng tỏ thái độ thẳng thắn, trung thực, tinh thần tự đánh giá, dám đối diện với quá khứ, đầy sự tự tin vào trải nghiệm cá nhân. Tô Hoài khẳng định: “Viết hồi ký là một cuộc đấu tranh để thấy ra sự thật”. Đây là một dịp tổng kết lại cuộc đời, thời đại mình bằng nhận thức tỉnh táo chứ không phải để tự tô vẽ cho chính mình. Hàng loạt tác phẩm hồi ký thời kỳ đổi mới được người đọc theo dõi một cách nghiêm túc đã cho thấy cái thật luôn có sức hấp dẫn và cần thiết với con người. Chính cái thật mang giá trị chiêm nghiệm lịch sử và số phận cá nhân đã tạo nên chiều sâu tư tưởng trong hồi ký thời đổi mới khiến nó vượt lên trên những cuốn sách tự truyện thông thường.

Thế giới mà hồi ký mở ra là quá khứ gần xa mang đầy tính chủ quan của nhà văn. Nhưng cái chủ quan ấy phải xuất phát từ cái khách quan của tình thế, sự kiện. Qua những trang viết, các nhà văn làm sống lại ký ức về thời đại của họ, những bức chân dung bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời mỗi cuốn hồi ký cũng là một bức chân dung tự hoạ của nhà văn. Hồi ký văn học thời đổi mới đã khắc hoạ đậm nét chân dung những “nhân vật lớn” trong làng văn như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính,… Mỗi con người ấy mang một cuộc đời riêng với hình hài, cá tính, phong thái độc đáo. Qua ngòi bút Tô Hoài, người bạn vong niên Nguyễn Tuân là một tính cách không giống ai, ngang tàng, kiêu hãnh mà vô cùng yêu sống, trân trọng cuộc đời. Trong các hồi ký của mình, Tô Hoài khắc đậm đời tư của giới văn nghệ sĩ bằng các chi tiết rất đời thường, từ sự nhếch nhác trong sinh hoạt đến những va chạm khúc mắc trong xử thế. Nguyên Hồng vừa đa cảm, tinh tế vừa luộm thuộm, xô bồ lại vừa thẳng thắn, cương trực. Cũng vẫn là Nguyên Hồng ấy nhưng trong cái nhìn của lớp đàn em như Bùi Ngọc Tấn lại hiện lên mộc mạc, chân thành, giàu yêu thương và đầy ưu tư. Đó là những bức chân dung hết sức sống động, chân thực. Nói chân thực bởi vì trong dòng ký ức cuộn chảy, ngồn ngộn chi tiết, lan man cà kê các câu chuyện, vẫn có một mạch ngầm xâu chuỗi đó là sự thống nhất ngôn ngữ và tính cách, đối thoại và hành xử của mỗi nhân vật đều khiến ta thấy đúng là con người ấy, nhân vật ấy không thể khác đi được.

Thời gian của hồi ký là quá khứ, quá khứ trong tâm tưởng người viết với một độ lùi thời gian nhất định. Và chính cái thế giới hoài niệm này đã trở nên lung linh trong các hồi ký của Tô Hoài. Cái ngã sáu Hàng Kèn – ngã sáu đường đời chập chờn ánh đèn của hàng ông lão cà phê “bít tất” ấy cứ trở đi trở lại với những kỷ niệm gợi nhớ bao nhiêu gương mặt, bao nhiêu chuyện đời. Tiếng gọi nghé văng vẳng trong Chiều chiều như thực như hư của cuộc đời đầy ngẫu nhiên và bất định, mà cuối cùng “mỗi khi mơ màng lại cái chuyến về Thái Bình này, là thật hay là chiêm bao”, chính người viết cũng chẳng phân định nổi. Hồi ký Tô Hoài vì thế có cái mênh mang của cảm xúc, sâu thẳm của suy tư. Những ký ức của Tô Hoài không được trần thuật theo trình tự biên niên mà có vẻ lan man, rối rắm, nhớ đâu kể đấy. Nhưng sự tỉ mỉ, tinh tường trong những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện nghề đã cho thấy khả năng trần thuật linh hoạt của Tô Hoài chính là cái tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho Cát bụi chân ai, Chiều chiều.

Sự chuyển biến của tư duy văn học sau 1975 được thể hiện ở khuynh hướng “phi sử thi hóa”, đưa văn học trở lại với “quỹ đạo” đời thường. Cũng nằm trong dòng mạch đó nhưng do sự giới hạn của thể loại, hồi ký tự nó tạo nên những đặc trưng riêng nhờ chất giễu nhại và giọng tự thú, tự vấn. Không phải ngẫu nhiên mà hồi ký là nơi lưu trữ những câu chuyện thật nhất, đời nhất của văn nhân, nghệ sĩ. Chẳng hạn Thượng đế thì cười khởi phát từ một câu chuyện bi hài của cặp vợ chồng về già trái tính trở nết để viết về cuộc đời mình nhưng không phải để tôn xưng hay trình bày cái tôi mà như là một cách tự trào, với cái cười giễu nhại. Trong hồi ký Tô Hoài luôn ẩn giấu nụ cười thâm trầm mà tinh quái của ông, bình thản kể chuyện cũ, tự giễu mình và thời mình nhưng cũng đầy chua chát, xót xa. Khi so sánh với hồi ký của Vũ Bằng, Văn Giá nói đến khả năng “tiểu thuyết hoá hồi ký” trong các hồi ký Tô Hoài. Tiểu thuyết hoá hồi ký không có nghĩa là không tôn trọng tính xác thực của sự kiện mà chủ yếu thể hiện ở việc tạo không khí sống động, hình tượng nhân vật, cho đến sự thăng hoa của cảm xúc, hoài niệm, nhất là sắc thái ngôn từ đa dạng và chất giọng giễu nhại. Đây là một thể nghiệm thành công của hồi ký thời đổi mới.

Nhiều nhà văn lựa chọn hồi ký bởi quan niệm về thể loại đang được nới rộng. Đối với những cây bút “cao tay”, đọc hồi ký của họ cũng giống như đọc tiểu thuyết vậy. Cát bụi chân ai, Chiều chiều, là những hồi ký mà cũng có thể coi như những tiểu thuyết về cuộc đời và thời đại nhà văn đã trải qua. Ngược lại, cuốn Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải được ghi là “tiểu thuyết” nhưng sự chân xác của các chi tiết tiểu sử và sự kiện lịch sử qua hồi tưởng của nhà văn với tư cách là người tham dự khiến ta có thể gọi tác phẩm này là một cuốn hồi ký đích thực. Một số thể tài khác có liên quan chặt chẽ với hồi ký như tự truyện, tiểu thuyết tự thuật, chân dung văn học đã cho thấy sự gần gũi và khả năng chuyển hóa giữa các thể loại văn học này. Những tác phẩm như Miền thơ ấu (Vũ Thư Hiên), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán) mang dáng dấp truyện nhưng chúng hầu như vận dụng thao tác, kỹ thuật của hồi ký là hồi tưởng với hướng ghi lại dấu ấn thời thơ ấu qua đôi mắt trong trẻo của tuổi thơ, đó cũng là một cách tìm về cội nguồn, tìm về chính mình, được nhiều nhà văn sử dụng thành công. Sự nới rộng quan niệm truyền thống của thể hồi ký khiến cho quá khứ được đặt trong trạng thái động, biên độ của thể loại mở tới những thể nghiệm và khám phá mới .

Hồi ký thời kỳ đổi mới đã để lại những tác phẩm có sức sống lâu bền vượt lên tầm những cuốn sách mà ở đó người viết muốn đánh bóng tên tuổi mình và “câu khách” bằng việc thóc mách chuyện đời tư của những nhân vật nổi tiếng. Những thành công khá rực rỡ đã khẳng định vai trò và vị trí của thể loại, hồi ký vẫn là một sức hút kỳ lạ đối với độc giả, một cánh cửa luôn mở rộng chờ đợi những thế hệ nhà văn kế tiếp.

Tản văn và et –xe (essai)

Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về tản văn cũng như những biến thể của nó(2). Ở đây chúng tôi quan niệm tản văn là loại văn ngắn gọn, hàm súc, với khả năng khám phá đời sống bất ngờ thể hiện trực tiếp tư duy, tình cảm tác giả, bao gồm cả tạp văn, tuỳ bút, văn tiểu phẩm. Tản văn có thể là những áng văn giàu chất trữ tình cũng có thể thiên về tính chính luận nhưng điểm mấu chốt là trong đó bao hàm một thái độ đánh giá của cá nhân người viết. Một dạng ký gần gũi với tản văn là essai (có thể được dịch là tiểu luận, thí luận) được chuyển hoá vào một số bài tuỳ bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp văn của Nguyễn Khải, chúng tôi vẫn tạm xếp trong phần này.

Trong văn học Việt Nam, đã từng có một số tác giả thành công với tạp văn như Ngô Tất Tố, Huỳnh Thúc Kháng, hoặc tuỳ bút như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Tạp văn của Nguyễn Khải từ đầu thời kỳ đổi mới cho đến Nhàn đàm của Hoàng Phủ Ngọc Tường những năm cuối của thập kỷ 90 đã cho thấy khả năng theo sát các vấn đề chính trị, xã hội với tính chính luận sắc bén, triết lý sâu sắc. Gần đây, so với các thể ký khác, tản văn đang trở thành mối quan tâm đối với độc giả như món ăn tinh thần hàng ngày cần thiết và có xu hướng được lựa chọn nhiều hơn cho các cây bút. Ngày càng có nhiều chuyên mục nhàn đàm, tản văn, tạp văn… trên các tờ báo và nhiều cuốn sách ra mắt với sự góp mặt của đông đủ các thế hệ: Nguyễn Khải (Tạp văn), Đỗ Chu (Tản mạn trước đèn), Nguyên Ngọc (Tản mạn nhớ và quên, Lắng nghe cuộc sống, Nghĩ dọc đường) Thảo Hảo (Nhân trường hợp chị thỏ bông), Tạ Duy Anh (Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối), Nguyễn Ngọc Tư (Tạp văn), Mạc Can (Tạp bút)….

Với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại thông tin và diễn tiến của nhịp sống hiện đại, tản văn trở thành thể loại có ưu thế bởi tính chất ngắn gọn, có thể chớp được một ý nghĩ, một khoảnh khắc suy tư, một thoáng liên tưởng mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả, nhờ vậy nó đến được những khía cạnh sâu xa một cách bất ngờ và tác động trực tiếp tới tư duy, tình cảm người đọc. Ngay từ khi viết phần ký và tiểu luận trong Nhập môn văn học và phân tích thể loại, Hoàng Ngọc Hiến đã đặt câu hỏi: Phải chăng có thể mở rộng ý nghĩa của sự khẳng định thể loại tản văn đối với lịch sử phát triển của ký để có một nhận định chung về sự biến đổi của ý thức văn học những năm gần đây”(3). Đúng là khi hướng tới tản văn, văn học đã chú ý hơn đến tính tư tưởng trong nhận thức các vấn đề xã hội và sự đa dạng hoá quan niệm qua cách thể hiện suy nghĩ độc lập và cách kiến giải riêng.  Những tản văn có giá trị thường mang tính tư tưởng sâu sắc, được dồn nén trong dung lượng ngắn nên dễ kích thích khả năng suy nghĩ, đối thoại của người đọc. Cũng chính vì thế tản văn đòi hỏi ở người viết sự tinh tế và sắc sảo cũng như sự sáng tạo trong lối viết. Một lý do nữa khiến cho tản văn trở nên hấp dẫn, đó là trước những vấn đề của hoàn cảnh xã hội phức tạp, sự đan xen của nhiều nền văn hoá, sự đảo lộn các giá trị… quan điểm riêng của mỗi người, sự phản hồi của mỗi cá nhân là cần thiết. Và cuối cùng cũng vẫn là nhu cầu bộc lộ của bản thân nhà văn, nói như Mạc Ngôn: “Một nhà văn khi đã viết truyện, tiểu thuyết, thường phải làm ra vẻ chững chạc hoặc thần bí, độc giả rất khó nhìn thấy bộ mặt thật của anh ta thông qua cuốn truyện, song, đối với loại văn chương tạp nham mà ta có thể gọi là tản văn hoặc là tuỳ bút hoặc cũng có thể là tạp văn này thì khi viết, tác giả thường quên giấu giếm, cho nên dung mạo thật sự của anh ta rất dễ lộ ra”(4).

Tản văn có khuynh hướng triết luận chiếm một phần khá lớn, thường mang tính xã hội hóa cao. Từ khoảng năm 1974, tạp văn của Nguyễn Khải trên báo Nhân Dân với những suy ngẫm cảnh báo về một triết lý sống vị kỷ, vô trách nhiệm đang hình thành nhất là sự thức nhận về khoảng cách thế hệ như Một người ủng hộ lực lượng trẻ, Chúng tôi chăm sóc những tài năng, Nói về một người bạn trẻ… đã được dư luận đón nhận nồng nhiệt. Tiếp tục gắn bó với tạp văn ở chặng đường tiếp theo khi công cuộc đổi mới đang diễn ra sôi nổi, Nguyễn Khải thể hiện những trải nghiệm của cá nhân về con người và thời gian, cả những hoài nghi và xác tín một cách chân thành nhất. Nhàn đàm của Hoàng Phủ Ngọc Tường thực chất là những bài tạp văn đưa ra kiến giải riêng của nhà văn về cuộc sống, xã hội, nhân tình thế thái mà qua đó ta được gặp một con người dồi dào vốn sống, văn hoá, tri thức và đầy ý thức trách nhiệm. Năm 2004, tập Tản văn Thảo Hảo đã gây xôn xao dư luận bằng sự nhạy cảm trước những vấn đề nóng bỏng đang được xã hội quan tâm như giáo dục, hôn nhân, giao thông… và khả năng nhận biết từng chi tiết nhỏ của cuộc sống hàng ngày với tinh thần công dân tích cực, thẳng thắn. Tản văn không chỉ là câu chuyện thủ thỉ tâm tình của người già, mà còn là những trang viết sâu sắc, giàu trí tuệ cũng như cảm xúc, đến được với nhiều người đọc ở nhiều thế hệ. Bên cạnh đó cũng có tản văn giàu chất trữ tình bộc lộ cảm xúc, suy tư về văn hóa, phong tục, cảnh sắc thiên nhiên đất nước và con người như Tản mạn trước đèn, Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối… Cả hai dòng tản văn trên, dù thiên về sự tinh tế, đậm chất thơ hay có tính chính luận đều đem lại cho văn học thời kỳ đổi mới khả năng bao quát nhiều vấn đề lớn cũng như nắm bắt những điều nhỏ nhặt nhất với nhiều kiến giải sắc sảo, phong phú.

Tuy là thể loại khá tự do nhưng sự linh hoạt trong nghệ thuật viết  cũng chính là một thế mạnh tạo nên sự hấp dẫn của tản văn thời đổi mới. Trong Nhàn đàm của Hoàng Phủ Ngọc Tường những ý tưởng được triển khai theo sự tưởng tượng miên man, từ cái trừu tượng liên hệ tới cái cụ thể, từ kinh nghiệm đời thường vươn tới khái quát triết học. Thảo Hảo là cây bút tài tình trong nghệ thuật kết cấu và lập luận với những thủ pháp phản đề, liên tưởng, suy luận. Tản văn của chị đa giọng điệu, vừa giễu nhại, châm biếm, hài hước vừa giàu tính triết luận. Tuy dung lượng ngắn nhưng tản văn có sức nén lớn, dồn chứa tư tưởng và quan điểm người viết, tác động trực tiếp đến người đọc một cách hiệu quả.

Thay lời kết

1. Sự phát triển của ký từ sau đổi mới là một quá trình phức tạp nhưng có tính quy luật, nó chứng tỏ khát vọng không ngừng tìm tòi để tự thích ứng của các thể loại. Bên cạnh những thể ký nổi bật đã nói ở trên, cũng cần quan tâm đến đóng góp của bút ký với những cây bút tài hoa như Hoàng Phủ Ngọc Tường, băng Sơn, Văn Cầm Hải… Đáng chú ý hơn là vào những năm gần đây, sự xuất hiện của một số cuốn nhật ký chiến tranh như Nhật ký Chu Cẩm Phong, Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm đã thu hút được nhiều tầng lớp độc giả khác nhau. Đây là những tác phẩm giúp người đọc hiểu sâu hơn sự cao thượng và nhân văn của con người trong chiến tranh. Đó là chưa nói đến chuyện một số cây bút trẻ  đã sử dụng thể nhật ký trong tác phẩm như là một sự chuyển hoá thể loại như Chuyện của thiên tài (Nguyễn Thế Hoàng Linh) hay Bài học đầu tiên (Trần Thị Hồng Hạnh)… Rõ ràng, trong sự vận động chung của văn học, ký không tự bó mình trong những khuôn khổ “bất di bất dịch” mà có sự chuyển hoá để thu nạp “dưỡng chất” mới từ mối tương tác với các thể loại văn học khác.

2. Sự phát triển phong phú và đa dạng của các thể ký thời đổi mới là một minh chứng sinh động về tính dân chủ trong văn học. Với tư cách là một thể loại nhạy bén, ký có khả năng đáp ứng một cách cao nhất nhu cầu được biết, được nói sự thật- hệ quả tất yếu của trào lưu dân chủ. Khả năng đối thoại, đề xuất  những kiến giải riêng trên cơ sở trải nghiệm của cá nhân đã tạo nên chiều sâu nhận thức và sức hấp dẫn của thể loại. Đó cũng chính là những yếu tố quan trọng nhất tạo nên tính mở của ký trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay1

__________________

(1) Nguyên Ngọc: Văn xuôi sau 1975 thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển. Tạp chí Văn học, số 4-1991, tr.10.

(2) “Trung Quốc gọi tản văn là để phân biệt với vận văn và biền văn. Những bài viết không phải thơ từ ca phú khúc thì đều gọi là tản văn. Nhưng ngày nay, tản văn mọi người ưa đọc, ưa viết có phạm vi hẹp hơn nhiều, thông thường chỉ loại mỹ văn, tiếng Trung Quốc là “nhứ ngữ tản văn” (tản văn thủ thỉ tâm tình)”. Nguồn: vi.vikipedia.org./wiki/ Giả Bình Ao.

(3) Hoàng Ngọc Hiến: Nhập môn văn học và phân tích thể loại. Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr.101.

(4) Mạc Ngôn: Tạp văn Mạc Ngôn (Võ Toán dịch). Nxb. Văn học, H, 2006

Nguồn: Nghiên cứu văn học, số 11/2006

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder