Ký ức dòng sông – Đinh Thường

 

Nhà thơ Nguyễn Đình Minh: Tôi đọc Đinh Thường rất nhiều và có một mảng đề tài ở tập thơ nào anh cũng không dứt nguôi ngoai đó là đề tài về kỷ niệm chiến tranh và anh là người lính tham dự một phần cuộc chiến ấy. Và đến khi đã già đã giã từ súng đạn nó vẫn “ám” vào vần thơ anh. Mỗi câu thơ bọc vẻ ngoài non tươi chứa một hàm ngôn nghẹn ngào đâu đớn “Tôi có cảm giác như cỏ xanh dối gian giấu đi những mảng tường thành đổ nát/ dưới đáy chiến hào nào máu trộn bùn còn đó chưa phai”. Ngay cả trong “Ký ức dòng sông” bên cạnh cái nhịp yêu thương và tràn đầy khát vọng vẫn có những hoài niệm man mác buồn. Và hiện thực đau đớn diễn ra trong đời thực (Đôi khi không phải) đã làm ngòi bút anh trĩu nặng…
Đinh Thường mạnh về “Lục bát”, nhưng khi làm thơ tự do anh nói được nhiều hơn. Ở đó, những thông điệp anh muốn truyền tải, đặc biệt sự cảm và nghĩ dày và ấn tượng. Có lẽ đây là một hướng đi mới mà thi sỹ đang muốn hướng về sự khoáng đạt?
Trân trọng giới thiệu chùm thơ của Đinh Thường.

 

TẬP TÀNH VĂN CHƯƠNG

Lính hưu trang phục để dành
Giã từ súng đạn, tập tành văn chương
Đêm mơ vấp sóng trùng dương
Câu thơ thấp thỏm cung đường tuần tra

Vô duyên hiu hắt về già
Chỉn chu, cao đạo… chẳng ma nào cần
Chạnh lòng hai chữ nhân tâm
Lời văn còm cõi, nâng tầm được sao?

Bạn yêu tâng bốc “thi hào”
Kẻ ganh độc miệng, liệt vào dạng điên
Thế gian quay quắt đồng tiền
Làm sao an phận ngoan hiền được đây?

Hành trang đời lính tròn đầy
Lẽ nào xanh chín tuổi này người ơi!
Đành lòng bút pháp vẽ vời
Góp gom câu chữ rong chơi nẻo tình.

Ngày 1/5/2013

 

MÂY TRẮNG TRÊN BẦU TRỜI THÀNH CỔ

Chẳng hiểu vì sao
tôi cứ mãi bị ám ảnh bởi những đám mây trên bầu trời Thành Cổ1
Không biết trời có tinh lọc chúng không mà sao trắng thế?

Cô hướng dẫn viên thuyết minh về tám mươi mốt ngày đêm
Bao cặp mắt đỏ hoe trước những khói lửa ở nơi này
Tôi có cảm giác như cỏ xanh dối gian giấu đi những mảng tường thành đổ nát
dưới đáy chiến hào nào máu trộn bùn còn đó chưa phai.

Thông điệp nào lý giải cho nụ cười của người chiến sĩ kia2 bất tử?
Hẳn không ngoài ý nghĩa Thống nhất – Tự do!
Rất có thể trong số hàng ngàn trẻ trai trước khi ngã xuống
Có người đã nhìn thấy những áng mây trắng trên bầu trời lửa đạn và mơ về sắc trắng tinh khôi…

Ôi! Những đám mây trắng trên bầu trời Thành Cổ
Có phải ước nguyện của Người ra đi không trở lại hiện về?

________
1- Thành Cổ Quảng Trị nơi xảy trận giao tranh quyết liệt kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 19/09/1972) giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa dưới sự hỗ trợ của Quân đội Mỹ.
2- Bức ảnh “Nụ cười bên Thành Cổ Quảng Trị” của Đoàn Công Tính.

9/2012 – 1/2015

 

KÝ ỨC DÒNG SÔNG

Có dòng sông khởi nguồn từ đất Cảng
Nối những rộng dài trụ vững yêu thương
May mắn cho ai đã neo tình sóng nước
Để một đời ký ức dậy mênh mang.

Trang sách mở nhắc đầu nguồn Trạm Bạc
Cánh buồm nâu thấp thoáng ước mơ xa
Bao thân phận nổi nênh, ghềnh thác
Góp với tên sông định vị Hải Phòng.

Lứa chúng tôi lớn lên trong khói lửa
Ngọn sóng trào trấn giữ khoảng bình yên
Tam Bạc chảy như suối nguồn sinh lực
Nên tranh, thơ và khúc hát nhiệm màu.

Người ngoại quốc đến, đi như định mệnh
Đêm trở trời còn mơ gọi tên sông
Người từng trải: sông có tình có nghĩa
Thiện ý chảy tràn lấn át gian manh.

Chiều nay tôi đưa em về Tam Bạc
Gom sắc phượng hồng thắp sáng mùa yêu
Cầu Hạ Lý, Ca-rông(1) chòng chành dĩ vãng
Phố ven sông biết trẻ hoá cho mình.

Ơi con sông, mạch máu hồng đất Cảng
Lặng lẽ khiêm nhường nuôi dưỡng hồn tôi
Tam Bạc chảy cho duyên tình sắc phố
Ký ức cuộc đời – ký ức dòng sông.
_______
1. Những chiếc cầu treo bắc qua dòng Tam Bạc một thời.

Hải Phòng, tháng 6/2016

 

TRƯỜNG SƠN
NGHE TIẾNG CHIM CHIỀU

Tìm con, về với Trường Sơn
Tiếng chim khắc khoải… chắc cơn cớ gì?
Đài cao vạt nắng nhu mì
Chiều xô bóng mẹ, vân vi lẽ đời

Ngổn ngang lòng, lá xanh rơi
Khói nhang mẹ thắp ngát nơi anh nằm
Tuổi tên lạc bấy nhiêu năm
Rừng xa quần tụ xót đằm thời gian

Mẹ như trôi giữa đại ngàn
Vớt cơn bóng xế gắn hàn nỗi đau
Lặng thầm kẻ trước người sau
Tạc vào sông núi sắc màu kiên trung

Trường Sơn mưa xối, nắng nung
Mỏng manh dáng mẹ trập trùng phù vân
Bàn chân lần lữa bàn chân
Chim chiều giãi tiếng mấy lần xót xa…

 

ĐÔI KHI KHÔNG PHẢI

Chiếc màn gió không che nổi gió
Cửa đóng rồi, trang trí đấy thôi
Quyển sách hay bày trên bàn để đọc
Bụi bám dày vì có ai giở nó đâu…

Điều lẩn quẩn mang tên hình thức
Cũ lắm rồi! Ai dám đổi thay?
Cũng chẳng phải chuyện bây giờ mới nói
Nói nhiều rồi chẳng mấy người nghe.

Chuyện phải, đôi khi không phải
Hao người, mất của mới nhận ra
Tự cổ chí kim vẫn thế
Biết rồi… rồi biết cũng còn xa.

Hải Phòng, ngày 19/2/2019
Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder