Ký ức hoa đào – Tản văn: Đinh Thường

 

Hẳn có nhiều cách lý giải về tục chơi đào ở nước ta. Nhưng với tôi, điều đó không thực quan trọng khi nó đã trở thành một phong tục đẹp và tôi tin vào sự trường tồn của nó. Thiết nghĩ bảo vệ và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng là biện pháp thiết thực, không thể thiếu nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta.
1. Chưa biết đích xác tục chơi đào có tự bao giờ, nhưng theo cuốn sách “Hoa và cây cảnh” – NXB Văn hóa dân tộc, 1993 của Kỹ sư Đào Mạnh Khuyến thì có truyền thuyết kể rằng: “Hoàng đế một trong ba ông vua thời Tam hoàng ngũ đế bên Trung quốc nằm mộng thấy đi chơi miền Đông Hải, dưới gốc có cây đào lớn có hai vị thần là Thần thủ và uất luật thường đánh đuổi hổ báo, ma quỷ để cứu người. Khi tỉnh lại, nhà vua sai lấy gỗ đào tạc tượng 2 vị thần đặt ở trong nhà và lấy cành đào cắm trong nhà vừa trang trí, vừa làm cho ma quỷ sợ. Rồi từ đó có tục chơi hoa đào…”.
Còn ở nước ta, trong ký ức của lớp người sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp hẳn không bao giờ quên hình ảnh những chuyến tàu hỏa, những chiếc xe buýt xuất phát từ Hà Nội chật ních người, vẫn ưu ái chở theo dăm ba cành đào giữa chất chồng hành lý theo ai đó về quê ăn Tết. Hay bóng dáng những người đàn ông những chiều giáp Tết, gò lưng đạp chiếc xe cà tàng, gác ba ga phía sau ngất ngưởng vài ba hộp mứt, mấy bó lá dong xanh và cành đào nụ còn chúm chím…

2. Rõ ràng tục chơi hoa đào ở nước ta đã có từ lâu. Không những thế tự cổ chí kim, hoa đào còn đi vào văn học nghệ thuật như một lẽ tự nhiên, chứng tỏ nó rất gần gũi thân thuộc với cuộc sống con người.
Với thơ ca:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
(Ca dao)
Một đóa đào hoa khá tốt tươi
Cành xuân mơn mởn thấy xuân cười
Đông phong ắt có tình hay nữa
Kín tiễn mùi hương dễ động người.
(Đào hoa thi bài 1 – Nguyễn Trãi).

Sân đào lý mây lồng man mác
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng
(Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều).

Hoa đào trước ngõ em qua
Sớm nay bỗng ướm cành hoa vào mùa.
(Hoa đào nở sớm – Chế Lan Viên).

Yêu hoa đào, ngắm hoa mai
Tôi về nam gửi hồn ngoài Thăng Long.
(Hoa đào năm ngoài – Trần Mạnh Hảo).

Trong thơ ca các tác giả thường dùng hình tượng cây cối, hoa cỏ không đơn thuần chỉ để tả cảnh, mà thông qua đó để gửi gắm lòng mình. Với sắc hoa đào tươi rói, mơn mởn mỗi độ xuân về cũng vậy, có bao nhiêu bài thơ về hoa đào thì có bấy nhiêu cung bậc tình cảm được thể hiện, có khi mộc mạc, chân thành, nhưng cũng có khi thầm kín, càng đọc càng day dứt. Phải chăng bởi thế mà thơ ca về hoa đào dễ làm lay động lòng người?
Trong số những bài thơ hay về hoa đào, có một bài thơ khá nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học mà lớp người lớn lên sau thời kỳ đổi mới hầu như ai cũng biết. Đó là bài thơ “Anh về cùng mùa hoa” của nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927-2013) nói về cây đào Tô Hiệu lừng danh:
Rớt xuống trang thơ tôi
Cánh hoa đào phớt đỏ
Chiều Sơn La lặng gió
Tôi nghe hoa thì thầm

Tôi nghe nụ nảy nầm
Từ kẽ tường nhà ngục
Trở trăn và khó nhọc
Trong giá lạnh mùa đông

Cái hạt non anh trồng
Nở mùa đào cộng sản
Nụ hoa chúm chím hồng
Khoảng trời bừng nắng rạng

Trái tim người cách mạng
Sẽ không héo bao giờ
Gieo ý nhạc vần thơ
Cho mai sau hát mãi

Trang thơ tôi đằm lại
Giữa nhà tù Sơn La
Tô Hiệu ơi có phải
Anh về cùng mùa hoa?”.

Còn gì ý nghĩa hơn khi qua bài thơ ấy, tấm gương kiên trung của người cộng sản, một lòng một dạ đấu tranh, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc lan tỏa, hun đúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục gánh vác sứ mệnh của cha anh để lại!
Lại có truyền thuyết kể rằng: Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) trên đường tiến quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào còn vương mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, Vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đào đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân, tặng công chúa Ngọc Hân. Chi tiết này không những đã được thể hiện trên sân khấu, mà còn được đàm luận trên nhiều bài viết hoặc đi vào thơ ca như một biểu tượng cho mối lương duyên “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”:
Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu!
Đào phi theo ngựa về cung nhé!
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào.
(Cành đào Nguyễn Huệ – Chế Lan Viên).

Với âm nhạc: Chỉ cần gõ cụm từ “bài hát về hoa đào”, ta sẽ có ngay 177 kết quả, trong khi đó “bài hát về hoa sen” chỉ có 53. Thế mới biết hoa đào được yêu thích đến nhường nào.
Ấy là chưa kể đến lĩnh vực nhiếp ảnh, hội hoa, múa, điêu khắc, thời trang… Có vô vàn hình ảnh hay họa tiết hoa đào được tạo dựng qua bàn tay, khối óc tài hoa của các bậc nghệ sĩ mà đến máy điện toán cũng chả dễ gì thống kê nổi.

3. Với tôi, việc chơi đào mỗi khi Tết đến, xuân về được xem như một nhu cầu tự nhiên. Trong ký ức của tôi còn ngổn ngang không biết bao nhiêu hình ảnh gắn với hoa đào:
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi còn bé lắm. Nhà tôi nghèo, mái tranh vách đất. Trước cái sân tam hợp chỉ có vài ba cây cau và một cây đào do ông nội tôi trồng. Điều rất lạ là anh em chúng tôi thường mong hoa đào nở. Bởi hoa đào nở là Tết, Tết là bố tôi sẽ về, chúng tôi sẽ được mặc áo mới, sẽ được mừng tuổi… Sau này lớn lên tôi mới hiểu tâm lý trẻ con nó thế.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cây đào buổi đầu đời của tôi vẫn còn hiện hữu trong ký ức. Cây đào ấy không to lắm, cái gốc chỉ nhỉnh bằng cái gốc tre làng nhưng năm nào cũng cho dăm ba cành to bằng cái chuôi liềm. Mùa hè thu thì biêng biếc lá xanh, cuối đông đầu xuân thì chi chít những nụ. Tôi cũng không biết cách thức chăm sóc cây của ông tôi như thế nào, chỉ mang máng nhớ lúc thì ông tôi tỉa cành, khi thì cắt ngọn, lúc thì lại vặt lá và có năm lại quét vôi trắng đã tôi lên thân cây… Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là vào những tiết hè nóng nực, ông tôi xách sẵn thùng nước để cạnh gốc cây, anh em tôi thay nhau múc từng gáo một tưới tới khi gốc cây sũng nước mới thôi… Để rồi một sớm đông giá buốt, chúng tôi tranh nhau khoe với ông cây đào đã ra nụ, cứ như thể chỉ duy nhất chính mình mới là người phát hiện.
Thích nhất là những chiều 30 Tết, sau khi được tắm rửa, diện vào bộ quần áo vải xanh còn thơm mùi hồ, quây quần bên nồi bánh trưng đang đỏ lửa giữa sân, anh em tôi chăm chú theo dõi từng cử chỉ khi ông tôi bày biện, trang trí bàn thờ. Sau khi lau sạch chiếc bàn thờ cũ kỹ và vệ sinh mấy món đồ thờ mộc mạc, ông tôi bắt đầu cắm đào. Ông dùng con dao bài sắc lẹm vừa mài ban sáng khoanh tiện từng cành trên cây cỡ ngón tay người lớn, rồi chia thành 2 bó. Thấy có mỗi chiếc bình (thực ra là chiếc hũ sành bọc giấy đỏ), tôi thắc mắc: Ông ơi, ông cắm 2 bình ạ? Ông tôi nhìn tôi trìu mến: Ừ, ông cắm cho nhà chú nữa! Những năm tháng đó, chú tôi đang phục vụ trong một đợn vị pháo cao xạ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại mặt trận Quảng Bình. Nhiều năm sau, khi ông tôi không còn nữa, một lần về thăm nhà vào dịp Tết, chứng kiến cảnh chú tôi mang cành đào trịnh trọng lên thắp hương gia tiên, tôi nghẹn ngào phải quay mặt đi lau nước mắt.
Trở lại với việc cắm đào của ông tôi năm ấy. Sau khi cho nước vào bình, ông tôi chọn 3 cành to hơn cắm về ba phía, rồi nhặt những cành nhỏ còn lại cắm chèn vào. Thấy thế anh em tôi mỗi người cũng nhặt lấy một cành cùng ông hoàn tất tác phẩm. Bình hoa đào được đặt lên bàn thờ, tự dưng tôi thấy nhà mình ấm áp lạ thường. Hình như những chiếc nụ lấm tấm kia đang hé nở từng li một, có thể chỉ ngày một ngày hai nó sẽ ra quả trĩu trịt… Giữa lúc tôi còn đang mải đeo đuổi những ý nghĩ ngô nghê của mình thì có tiếng ai đó hỏi xin đào. Tiếng ông tôi nói vọng ra như có lỗi rằng đã hứa cho ông nọ, ông kia rồi. Chiều muộn bác hàng xóm và cậu út tôi sang chặt đào, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng họ hỏi xin ông tôi từ vài tháng trước. Có điều làm anh em chúng tôi không vui là họ đi xin mà chặt toàn cành to, thấy vậy ông bảo: Không sao các cháu, rồi nó sẽ lên cành mới đẹp hơn…!
Lần duy nhất Tết không có hoa đào mà tôi còn nhớ được. Đó là sau nạn lụt năm 1971, làng tôi ngập gần lút mái, toàn dân phải tản cư lên núi, lên đê. Vài tháng sau nước rút, hầu hết những cây lưu niên trong vườn đều rụng lá rồi chết… Tết Nhân Tý – 1972, từ Hà Đông bố tôi về. Ông chọn một cành cây khô nho nhỏ, rồi lấy giấy đỏ, giấy vàng làm thành những bông hoa đào, cắm lên bàn thờ. Thấy thế, ông nội tôi bảo: Giải pháp tình thế!… Sau đó bố tôi đi B để lại cho anh em chúng tôi nỗi khao khát tình cha con cho tới tận ngày giải phóng Miền Nam.
Gần bốn chục năm nay, kể từ khi có gia đình riêng, năm nào tôi cũng chơi đào. Năm thì đi chợ hoa ở trung tâm thành phố, năm thì sang Đặng Cương (An Dương), có năm lại sang tận Minh Đức (Thủy Nguyên) ngắm hoa đào. Không phụ thuộc thu nhập cao hay thấp, Tết nào tôi cũng chỉ mua một cành đào vừa với không gian nhà mình. Tôi quan niệm: Không có đào là không có Tết! Dường như các con tôi cũng đồng cảm với tôi, khi ở xa thì hỏi thăm bố mẹ đã mua đào chưa, lúc về gần thì đi chợ mua đào cùng bố. Ôi! Hạnh phúc làm sao khi một thú chơi tưởng như dân dã mà đầm ấm yêu thương:
Khi tôi nhận thức được xung quanh
Cây đào trước ngõ đã rủng rỉnh sắc hồng
như má các cô dân công liên xã về ở trọ
Hình như có tích chuyện từ thời Tam hoàng ngũ đế
Nên tiền nhân trồng cây đào, đất chật chẳng đắn đo

Cứ Tết đến, chặt đôi cành cắm lọ
Hương vị ngày xuân sầm sập vào nhà
Tháng giêng dài theo lễ hội
Trái đào non như chiếc chuông nhỏ tươi xinh
thỉnh vào mùa đợi khách tâm giao.

Thời loạn lạc cái đói và đạn bom rình rập
Mỏng manh phận người nhưng rạng rỡ niềm tin
Cây đào già cỗi đấy mà tà ma phải sợ
Mái rạ lại yên bình sau ghềnh thác chiến tranh

Sự sinh tồn có quy luật riêng của nó
Là cỏ, là cây gắng có ích cho đời
Cây đào già rồi cây đào chết
Người sau không quên trồng những cây đào mới
để niềm tin và điều thiện mãi sinh sôi.
(Cây đào trước ngõ – Đinh Thường).

4. Đối với tất thảy những ai đã từng lên biên giới phía Bắc khi Tết đến, xuân về hẳn không khỏi xốn xang trước bạt ngàn sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận… như khảm vào sắc xanh của rừng, của núi để tạo nên một bức tranh kỳ vĩ ngập tràn hào khí biên cương… Và rồi để ao ước ngày trở lại. Vượt qua thăm thẳm dốc đèo, bất chợt gặp những ngôi nhà nhỏ lúp súp, cửa đóng im ỉm, nhưng trước cửa là một cây đào đang cưỡng lại gió đông, lấm tấm khai hoa khiến ta tin rằng ở đó không chỉ có sự sống, mà còn là một nền văn hóa đã và đang trường tồn theo năm tháng.
Năm nay, tháng 11 khi dịch bệnh Covid-19 vừa lắng xuống, BCH Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại Mộc Châu (Sơn La). Đã ở giữa mùa đông, nhưng thời tiết còn khá nóng. Đoạn đường từ huyện Vân Hồ tới thị trấn Mộc Châu dài 48 km thi thoảng hai bên đường lại lóe lên những vạt hoa dã quỳ vàng sẫm, rung rinh trước gió như mời gọi du khách khiến ai nấy đều phấn chấn. Song lòng người bỗng chùng xuống khi chạm phải những cây đào, cây mận đang trổ hoa rực rỡ. Có người thốt lên: Cây kia mà về Hải Phòng đúng Tết nguyên đán thì được 5-7 tấn thóc. Ôi, cái sự mất mùa nào mà chẳng đem lại rủi ro!
Tự dưng, ý nghĩ về chủ trương cấm đào rừng của Chính phủ năm trước cứ đeo đẳng trong đầu óc tôi. Cấm chặt đào phá rừng là đúng, nhưng làm sao để phân biệt được rạch ròi đâu là đào rừng, đâu là đào nương, đào rẫy để cho chủ trương của Chính phủ được thực thi nghiêm minh, để cho đời sống của những người dân vùng cao bớt nhọc nhằn, đứt bữa…?
Thế rồi câu chuyện quốc hoa của các văn nghệ sĩ trong đoàn làm tôi liên tưởng tới loài hoa anh đào của xứ Phù Tang. Ừ nhỉ, tại sao ta không quy hoạch những những vùng đồi chuyên canh đào hoa để mỗi độ xuân sang đưa về xuôi xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao? Tại sao ta không thiết kế những thôn bản hay con đường chuyên trồng đào, mận để thu hút khách du lịch tới check in?…
Tại sao? Tại sao?… Cứ tại sao mãi thành ra ý nghĩ của tôi đi vào ngõ cụt. Giữa lúc ấy bản nhạc phổ thơ “Tây tiến” của cố nhà thơ Quang Dũng từ bên đường vọng lại đưa tôi trở lại với hành trình thăm khu di tích Trung đoàn 52…
5. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, bất chợt tôi lại nghĩ về cách hình thành những con đường. Hình như Lỗ Tấn đã từng nói: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Quả thực, nếu không có những bước chân của “đoàn quân không mọc tóc”, của đồng bào biên cương thì sao có con đường Tây tiến huyền thoại!? Và cái thú chơi đào dân dã kia nếu không được lưu truyền lâu đời trong nhân dân thì sao thành nét đẹp văn hóa mỗi độ Tết đến xuân về!?…
Hẳn có nhiều cách lý giải về tục chơi đào ở nước ta. Nhưng với tôi, điều đó không thực quan trọng khi nó đã trở thành một phong tục đẹp và tôi tin vào sự trường tồn của nó. Thiết nghĩ bảo vệ và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng là biện pháp thiết thực, không thể thiếu nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta.

Tháng 11/2021
Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder