Công sở đìu hiu. Xí nghiệp vắng ngắt. Các lễ hội đông nghịt với chen lấn và xô đẩy. Sau kỳ nghỉ tết dài dằng dặc, năm nào cũng vậy, gần hết ba tháng mùa xuân, cả nước lại lao vào các ngày hội hè, lễ lạt.
Không khí lễ hội ùa vào các cơ quan, xí nghiệp, mỗi căn nhà, trong các cuộc trà dư, tửu hậu và tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hết hôm nay khai mạc lễ hội này lại ngày nọ mở cửa lễ hội kia.
Hội làng, hội xã, hội miếu, hội đền…
Theo một con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 lễ hội. Tức là bình quân lớn nhỏ mỗi ngày trên dải đất hình chữ S này có khoảng 25 lễ hội. Một con số khổng lồ, không khỏi phải suy nghĩ.
Đành rằng lễ hội là văn hóa của mọi dân tộc trên thế giới. Song ở ta gần đây, một số nhà văn hóa cho rằng lễ hội đang có biểu hiện biến tướng “thương trường” và tà thuật.
Không ít lễ hội hiện nay người đi lễ thì mang nặng tâm niệm cầu danh, cầu lợi, làm ít hưởng nhiều… Nhà tổ chức thì đặt cả “tâm trí” lẫn “tâm linh” vào sự nặng nhẹ, nhiều ít của “hòm công đức”.
Đã không ít biểu hiện “làm ăn” của “công ty nhà chùa” trong cái mà dân gian gọi là “thị trường thần thánh”.
Cách đây ít lâu, trả lời phỏng vấn VietNamNet (Bài Đừng biến tín ngưỡng thành cuồng si), PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học đã cảnh báo: “Niềm tin tâm linh có thể cho con người thêm sự quân bình, thanh thản trong cuộc sống, chứ không phải lên đền, chùa, phủ chỉ để cầu chức vụ, cầu tiền bạc bằng mọi giá. Nhìn cách người ta chen chúc ở các đền, chùa, phủ hiện nay ở nhiều nơi ở đồng bằng Bắc bộ, dễ có cảm giác đây là chốn để làm “kinh tế” với thần thánh, nó khác với truyền thống xưa kia…”.
Một nhà khoa học khác, Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ còn muốn gộp tết dương với tết âm làm một và dẹp bớt lễ hội: “Chúng ta cần sử dụng thời gian cho hợp lý. Trong lúc thế giới đang cạnh tranh rất mạnh mẽ nhưng mình cứ mãi bám theo hội hè, cúng bái…”.
Kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những năm gần đây. Đáng lý phải cần mẫn lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm thì ngạc nhiên thay, cả nước ngập tràn trong không khí du xuân, lễ lạt.Và càng tiếc hơn, có một lễ hội rất đáng được nhân rộng đến mọi làng, mọi xã, mọi cấp, mọi ngành thì nó lại diễn ra ở một miền quê hẻo lánh, lâu nay rất ít người biết đến. Đó là lễ “Minh thệ” ở đình làng Hòa Liễu xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) diễn ra vào ngày 14/giêng hàng năm.Tại đây, sau các nghi thức cầu cúng thánh thần sẽ là lời “minh thệ”: “Tất cả chức sắc chức dịch, bô lão và nhân dân; từ kẻ sĩ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người nào lấy của công về làm của tư xin thần linh đả tử y như lời thề”.
Trên BLOG cách đây mấy ngày, Nhà báo Lê Chân Nhân mong ước lễ hội “chống tham nhũng” này được tổ chức ở tầm lớn hơn, quan chức cấp to hơn và phải hô vang lời thề “không tham nhũng”.
Còn mình thì ao ước, giá như lễ hội Minh thệ đông như lễ hội Đền Trần hay Bà Chúa Kho thì hay biết bao nhiêu?
B.H.T