Nhiều thi nhân cũng đã làm thơ vịnh cảnh Phong Kiều cùng với tiếng chuông Hàn Sơn tự. Nhưng chưa một ai vượt qua được bài thơ của Trương Kế; do đó, bài thơ của ông đã được coi là danh tác lưu truyền thiên cổ.Trong lịch sử văn học thật hiếm có trường hợp như bài thơ Phong Kiều dạ bạc (1) của Trương Kế, chẳng những chỉ gây xôn xao dư luận ở nước Nam ta, mà cũng từng gây xôn xao dư luận cả ngàn đời nay tại chính nơi nó sinh ra.
Trong lịch sử văn học thật hiếm có trường hợp như bài thơ Phong Kiều dạ bạc (1) của Trương Kế, chẳng những chỉ gây xôn xao dư luận ở nước Nam ta, mà cũng từng gây xôn xao dư luận cả ngàn đời nay tại chính nơi nó sinh ra.
Năm 1997, trên Tạp chí Hán Nôm số 3, có bài của Trần Đắc Thọ Tư liệu mới về một bài thơ Đường nổi tiếng, nêu lên một loạt thắc mắc của các học giả Trung Quốc, phương Tây, Nhật Bản v.v… về nội dung bài Phong Kiều dạ bạc (PKDB) của Trương Kế, nhà thơ kiệt xuất cuối thời thịnh Đường (713-756). Ông Đắc Thọ không nêu xuất xứ tài liệu mà chỉ tóm lược một số thắc mắc của các học giả đó như sau (chúng tôi rút gọn thêm):
– Quạ không kêu về đêm
– Ô Đề là tên thôn
– Giang Phong, Ngư Hỏa đều là địa danh
– Sầu Miên là tên núi…
Ông Đắc Thọ còn cho biết thêm một thông tin nữa, do ông Trần Chung Ngọc đã đi thăm chùa Hàn Sơn vào cuối năm 1966 cung cấp, đó là Giang Phong là tên hai cây cầu: Giang Kiều và Phong Kiều. Hai cây cầu khá gần nhau…
Sau đó, ông Đắc Thọ có làm một thao tác khoa học là điểm lại một lượt các địa danh đã nêu và lọc đi phần thiếu logích. Ông không công nhận Ngư Hỏa là địa danh và Sầu Miên là núi. Ông chấp nhận Ô Đề là tên thôn. Còn về thuyết Giang Phong là tên hai cây cầu thì không thấy ông nói gì, nhưng khi dịch lại bài PKDB thì ông lại dịch là Cầu cổ, như thế là ông đã mặc nhiên thừa nhận Giang Phong là tên hai cây cầu.
Năm 2003, trong cuốn Bình giảng thơ Đường (Nxb. Giáo dục), tác giả Nguyễn Thị Bích Hải đã dịch câu Giang phong ngư hỏa đối sầu miênlà: Cây phong bên bờ sông, ngọn lửa đèn chài, (khách) ngủ với nỗi buồn. Đây là một lối trực dịch theo ngữ nghĩa, song thiếu hồn thơ, mà cũng thiếu logic vì đã ngủ làm sao còn nghe được tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
Năm 2004, trên Tạp chí Hán Nôm số 5, tác giả Nguyễn Cảnh Phức trong bài Một cách tiếp cận bài thơ Phong Kiều dạ bạc lại dịch câu thứ hai là: Rặng cây phong bên bờ sông và ngọn lửa trên thuyền chài đang đối diện với nhau mà ngủ một cách buồn rầu. Theo tác giả cho biết, thì sở dĩ dịch như thế là do tác giả đã phân tích và lý giải theo cấu trúc ngữ pháp của câu thơ. Chúng tôi cho rằng, không phải lúc nào, trường hợp nào dùng ngữ pháp hiện đại để mổ xẻ văn thơ cổ cũng đúng. Ở đây ai cũng có thể thấy ngay là cách dịch của Nguyễn Cảnh Phức “tây” quá, máy móc quá, và vô hình trung, đã xóa nhòa vai trò của chủ thể sáng tạo, tác giả, đồng thời là người khách lãng du đang “đối sầu miên”.
Về mấy địa danh Ô Đề, Giang Phong, Ngư Hỏa, Sầu Miên… như ông Trần Đắc Thọ đã nêu, theo chúng tôi cần phải ghi rõ xuất xứ; bởi lẽ trên một tạp chí khoa học như Tạp chí Hán Nôm, chúng ta không thể phát ngôn tùy tiện mà phải “nói có sách mách có chứng”. Nguồn phương Tây như ông Thọ nói thì chúng tôi chưa được biết, còn nguồn Nhật Bản và Trung Quốc thì chúng tôi có được đọc. Theo sách Giai thoại thơ Đường và tác giả của Hoài Anh (Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2002) cung cấp, thì Tạp chí Bella của Đài Loan, số 127, tháng 12 năm 1994, có đưa tin về một học giả Nhật Bản là Hà Tương Toàn Thứ Lang đi thăm chùa Hàn Sơn, và chính nhà sư Tịnh Không cai quản chùa Hàn Sơn đã cho ông khách Nhật biết Ô Đề là tên thôn, Sầu Miên là tên núi. Tuy nhiên, ông khách Nhật đã tỏ ý không đồng tình với cách giải thích của vị sư già coi chùa, và đã nói những lời thật hóm hỉnh: “Đối với cách giải thích này, tôi tuy có chút không thể hùa theo một cách cẩu thả, nhưng rốt cuộc thì, đây là lời người cai quản chùa Hàn Sơn, nên tôi cũng đành chấp nhận cách nói đó. Bởi vì chúng tôi là người Nhật, hoàn toàn không biết ở Tô Châu có Ô Đề thôn, Sầu Miên sơn, lầm về ý tứ cũng là việc bất đắc dĩ, tôi cũng đành lấy lý do không ngờ tới nên lầm mà tán đồng ý kiến của vị sư già. Thế nhưng tôi thì tôi nghĩ, dù sao chăng nữa, Tịnh Không sư phụ cai quản chùa Hàn Sơn cũng là người đời nay, biết đâu điều mà sư phụ nói cũng chỉ dựa theo truyền thuyết gần đây thôi, chứ không phải từ thời Đường mà Trương Kế sống”. Và sau đó, ông khách Nhật Bản đã chủ trương tìm đọc các sách cổ của người Trung Quốc viết để xem vấn đề này được giải thích như thế nào. (Theo một tài liệu do ông Nguyễn Quảng Tuân gửi cho chúng tôi, thì việc học giả Nhật Bản đi du khảo Hàn Sơn tự cũng được đưa tin trên World Express 94. Tin này đã được ông Trần Phò dịch ra tiếng Việt, và sau đó, ông Nguyễn Tất Phan dẫn lại trong bài “Nói thêm về bài thơ Phong Kiều dạ bạc”, đăng trên Tuần báo Văn nghệ số 29, ra ngày 17-7-2004).
Thực ra, việc địa danh hóa một số từ ngữ trong nội dung bài thơ PKDB không phải đợi đến thời điểm 1994 – khi du khách Nhật Bản thăm chùa Hàn Sơn và được sư ông coi chùa giải thích mới có. Đây đó trong một số thư tịch Trung Hoa viết về bài thơ PKDB của Trương Kế, sự việc này cũng đã được đề cập đến từ lâu. Chẳng hạn, Mao Tiên Thư đời Thanh từng cho rằng “Giang Phong” là tên chợ/ thị trấn, “Sầu Miên” là tên núi (江 楓 市名, 愁 眠 山名 ). Và ý kiến này cũng đã bị tác giả Trương Duy Minh bác bỏ trong sách Hàn Sơn tự (Nxb. Cổ Ngô Hiên, Tô Châu, 1993). Điều này không có gì là lạ; do chỗ bài thơ quá nổi tiếng, nên trong quá trình lưu truyền nó đã được dân gian truyền thuyết hóa và địa danh hóa luôn một số từ ngữ theo cách lý giải của họ. Folklore học gọi đây là cách giải thích theo từ nguyên học dân gian (étymologie vulgaire / populaire) và là hiện tượng có tính quy luật và có tính phổ quát trong văn hóa dân gian nói chung, trong địa danh học nói riêng.
Điều thú vị là ngoài hiện tượng địa danh hóa một số lời thơ, còn có hiện tượng thắc mắc về ngữ nghĩa. Chẳng hạn, theo sách Đường thi giai thoại (Nxb. Giáo dục Vân Nam, 2000), thì ngay từ thời Bắc Tống, nhà thơ kiệt xuất Âu Dương Tu (1007-1072) khi đọc câu “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” đã bình luận rằng: “Câu thơ hay lắm, song lúc nửa đêm không phải là lúc đánh chuông” (句 則 佳 矣 , 其 如 三 更 不 是 打 鐘 時) – Ý nói nội dung thơ không chân thực. Nhưng nhiều nhà văn nhà thơ lúc đương thời đã tỏ ý không đồng tình với Âu Dương Tu. Họ đã dẫn một số câu thơ có cụm từ “bán dạ chung / 半 夜 鐘 ” (chuông lúc nửa đêm) để chứng minh thơ Trương Kế là chân thực, trong đó có cả câu của nhà thơ lớn Bạch Cư Dị. Có tác giả còn nhận xét rằng, sở dĩ Âu Dương Tu nói thế là bởi ông chưa từng đến Ngô Trung (Tô Châu), chứ các chùa ở Ngô Trung hiện nay thực tế đều có đánh chuông lúc nửa đêm. Chúng tôi cũng đã tra cứu một số sử sách và từ điển chữ Hán cổ của Trung Quốc, thì đều có ghi cụm từ “bán dạ chung”, và giải thích đây là tiếng chuông chùa lúc nửa đêm để báo thời gian, còn được gọi là “phân dạ chung / 分 夜 鐘” (tiếng chuông chia đêm). Sách Nam sử còn ghi truyện Khâu Trọng Phu lúc trẻ ham học, khi đọc sách từng lấy tiếng chuông chùa kêu lúc nửa đêm làm giới hạn thôi học.
Theo thiển nghĩ, để hiểu một số hiện tượng trong văn hóa Trung Hoa, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của chính người bản ngữ. Đối với thơ Đường cũng vậy. Trương Kế là nhà thơ nổi tiếng thời Đường, do đó mà tất cả các tuyển tập thơ Đường, từ loại “Nhất bách thủ” (Một trăm bài) cho đến loại “Tam bách thủ” (Ba trăm bài) đều tuyển chọn bài PKDB của ông. Do đó, con đường ngắn nhất, khoa học nhất để hiểu các từ ngữ trong bài thơ là tìm đọc những chú giải của các nhà biên khảo người Trung Quốc. Theo hướng này, chúng tôi đã tìm đọc một số tuyển tập thơ Đường do các học giả Trung Quốc biên soạn như Đường thi nhất bách thủ (Trung Hoa thư cục, 1959), Đường thi tam bách thủ(Tân Cương Thanh thiếu niên xuất bản xã, 1997), Đường thi tam bách thủ (Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1999), và Đường thi tam bách thủ từ điển (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1999)… thì thấy các soạn giả đều chú giải thống nhất rằng: “Phong Kiều là tên cầu, ở ngoại thành phía tây thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô hiện nay. Điều thú vị là khi tra cuốn Từ nguyên (bản 1993), ngoài việc giải thích Phong Kiều là tên cầu, sách còn cho biết thêm, cái tên cầu này vốn xưa được viết với chữ “Phong / 封 ” là phong tặng, phong cương…, sau do tên bài thơ của Trương Kế mà chữ “Phong” lại được viết theo với nghĩa là cây phong (楓). Chúng tôi đã hơn một lần tới Tô Châu thì thấy trên thực địa cũng như trên sử sách và cả bản đồ hiện tại, chỉ có Phong Kiều, chứ không hề có cái gọi là Giang Kiều. (Kể cả lấy kính lúp cực đại căng mắt ra mà nhìn trên bản đồ / tư liệu mới của ông Trần Đắc Thọ, in trên Tạp chí Hán Nôm số 3-1997, cũng chẳng làm gì có hai chữ “Giang Kiều”. Còn về hai chữ “Giang phong” thì các bản chú giải đều giảng nghĩa là cây phong bên bờ sông. Cây phong còn gọi cây phong hương, tên khoa học là Liquidambar Formosana, thuộc loại cây cao to rụng lá, chiều cao có thể tới 40m, lá mọc đối, hình tựa bàn tay có 3 chẽ, viền mép lá có răng cưa nhỏ (cây non lá thường chẽ 5), trông tựa lá vông của ta, nên dân gian có người gọi cây vông Tàu. Trung Quốc, cây phong được phân bố từ lưu vực Hoài Hà tới miền tây Tứ Xuyên và trải dài xuống các vùng phương Nam. Đặc điểm của cây phong là có nhựa thơm, có thể dùng làm hương do đó có tên phong hương. Đặc biệt, khi trời sang thu, lá phong úa đỏ rất gợi cảm, nên văn học cổ điển Trung Hoa thường dùng cụm từ “Phong lâm / 楓 林” (Rừng phong) như là biểu tượng của mùa thu, các nhà thơ lớn đời Đường như Đỗ Phủ, Đỗ Mục… đều có thơ nói đến vẻ đẹp của lá phong mùa thu. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Các nhà bình điểm Trung Hoa đều cho rằng, chủ đề của bài thơ PKDB là tả cảnh đêm thu, vì thế mà nhà thơ nói đến “Giang phong” là hoàn toàn đúng với thủ pháp ước lệ, tượng trưng trong thi pháp thơ cổ điển Trung Hoa.
Nhân đây, chúng ta cũng nên biết rằng, đối với các văn bản thơ Đường cũng như các văn bản cổ Hán ngữ nói chung, người Trung Hoa hiện nay không phải ai đọc cũng hiểu. Do đó, các nhà biên soạn sách cổ thường cũng phải chú giải những từ ngữ khó hiểu; thậm chí có những văn bản còn phải dịch ra Trung văn hiện đại cho độc giả hiện nay có thể hiểu được. Như đối với hai chữ “ngư hỏa”, do chữ “ngư” (魚 ) là cá, đồng âm với chữ “ngư” (漁 ) là đánh bắt cá, nên ở sách Đường thi nhất bách thủ vốn nằm trong série sách phổ cập văn học cổ điển, hai chữ “ngư hỏa” (漁火) đã được chú thích rõ là: lửa đèn trên thuyền đánh cá (漁 船 上 的 燈 火 / ngư thuyền thượng đích đăng hỏa). CuốnTừ nguyên, 1993, cũng giải nghĩa như vậy. Đây là nghĩa chuẩn, do chính các học giả Trung Hoa, là người bản ngữ chú giải. Như vậy, rõ ràng không thể hiểu là “Ngư Hỏa sơn” như ai đó đã đưa tin thất thiệt. (Xem: Tạp chí Hán Nôm số 3-1997; Giai thoại thơ Đường và tác giảcủa Hoài Anh). Ngay hai chữ “Ô Đề” (烏 啼) cũng được Đường thi tam bách thủ từ điển chú thích rõ là: “Ô nha đề khiếu”/ 烏 鴉 啼 叫 (quạ kêu réo); bởi Trung văn hiện đại gọi quạ là “Ô nha, lão nha” (烏 鴉 , 老 鴉) mà không gọi là “Ô” (烏 ) như chữ Hán cổ. Như vậy, qua các bản chú giải của các học giả Trung Quốc thì “Ô đề” vẫn hiểu là quạ kêu, chứ không hiểu là “thôn Ô Đề” như ông Trần Đắc Thọ đã thừa nhận và đã dịch thành địa danh: Trăng lặn Ô Đề sương bát ngát. Ở đây, chúng tôi cũng muốn trao đổi thêm với ông Trần Đắc Thọ về cái ý thắc mắc “Con quạ có phải là giống chim đi ăn đêm đâu mà kêu về ban đêm” ? Theo chúng tôi, nói như ông Thọ chỉ là lẽ thường tình. Song sự đời bao giờ cũng “Có khi biến có khi thường”, ta không nên cứng nhắc chỉ nhìn sự vật theo lẽ thường. Quạ vốn không thường kêu vào ban đêm, nhưng rất có thể vì một lẽ gì đó chúng cũng kêu về đêm như một biến động khác thường chứ. Nhiều nhà thơ cổ điển Trung Hoa đã có nói đến hiện tượng quạ kêu đêm, chính Lý Bạch (701-762) cũng có hẳn một bài với tiêu đề “Ô dạ đề” (Quạ kêu đêm). Còn ở Việt Nam, chúng tôi biết chắc chắn là chưa đầy đủ, thì cũng có một số nhà thơ nói đến quạ kêu đêm. Ở thời Trần Minh Tông (1300-1357), nhà thơ Nguyễn Ức tuy không trực tiếp nói đến quạ kêu đêm, song đã nói đến quạ bay rối loạn trong đêm và “ý tại ngôn ngoại” cũng cho thấy tiếng quạ kêu trong đêm: “Dạ nguyệt lũ kinh ô nhiễu thụ”/ 夜 月 屢 驚 烏 繞 樹 (Trăng đêm nhiều lần làm kinh động lũ quạ bay vòng quanh cây) trong bàiKhách xá họa hữu nhân vận (Nơi quán khách họa vần thơ bạn). Lê Quang Định (1759-1813) trong bài Nghi Câu khách trung thất tịch(Đêm thất tịch ở quán khách Nghi Câu) cũng có câu: “Ngưu Nữ ảnh tà ô dạ tháo”/ 牛 女 影 斜 烏 夜 噪 (Sao Ngưu sao Nữ xế bóng, quạ réo trong đêm). Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889) trong bài Hộ giá hạnh Thúy Sơn cảm tác (Hộ giá vua thăm núi Thúy cảm xúc làm thơ) thì viết: “Sơn thụ nguyệt minh khan nhiễu tước / Giang phong sương mãn thính đề ô”/ 山 樹 月 明 春 繞 雀 , 江 楓 霜 滿 聽 啼 烏 (Trăng sáng cây đầu non, thấy đàn chim sẻ bay quanh / Cây phong bên sông sương nhuốm đầy, nghe bầy quạ kêu). Còn nhà thơ Quách Tấn, thế hệ thi nhân 30-45, cũng có bài với tiêu đề Đêm thu nghe quạ kêu, và ông đã kể rõ trong hoàn cảnh nào ông đã cảm xúc làm bài thơ này. Ông kể: “Đó là một buổi tối cuối thu năm Đinh Mão (1927), trăng mờ mờ, từ bến đò An Thái ven bờ sông Côn trở về nhà, qua một khúc đường vắng, tôi đã nghe thấy một bầy quạ thình lình kêu vừa rùng rợn vừa lạnh lùng…” (Tư liệu do ông Nguyễn Quảng Tuân cung cấp). Do tiếng quạ kêu đêm như thế đã khiến Quách Tấn liên tưởng tới hồn thơ Trương Kế, và ông đã viết:
… Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lãnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng…
(Tập thơ Mùa cổ điển, 1941).
Đối với hai chữ “sầu miên” ở câu thứ hai của bài PKDB, cả hai cách hiểu và dịch của Nguyễn Thị Bích Hải và Nguyễn Cảnh Phức đều có chỗ bất cập như chúng tôi đã nêu ở trên. Phải nhận rằng, đây cũng là từ ngữ khó hiểu, nên các học giả Trung Quốc đều quan tâm chú giải. BảnĐường thi tam bách thủ, Tân Cương, 1997, chú rằng, “Sầu miên: chỉ hoài trước lữ sầu thảng tại thuyền thượng đích du nhân”/ 愁 眠 : 指 怀 著 旅 愁 躺 在 船 上 的 游 人 (Sầu miên: chỉ người du khách mang nỗi sầu lữ thứ nằm thao thức trên thuyền). Bản Đường thi tam bách thủ, Thượng Hải cổ tịch, 1999, thì chú “Sầu miên: dạ sầu bất miên chi nhân” / 愁 眠 : 夜 愁 不 眠 之 人 (Sầu miên: chỉ người đêm buồn sầu không ngủ được). Như vậy, các nhà chú giải đều hiểu “Sầu miên” là chỉ người lữ khách đêm buồn sầu thao thức không ngủ được. “Sầu miên” là chỉ người chứ không phải chỉ sự vật như cách hiểu của Bích Hải và Cảnh Phức. Tuy nhiên, nếu cứ máy móc dịch theo mặt chữ, thì “sầu miên” là ngủ trong nỗi sầu tư. Song các học giả Trung Hoa đều chú giải theo ý “dạ sầu bất miên chi nhân”, có nghĩa là người lữ khách đêm buồn thao thức không ngủ được. Thiết nghĩ chú giải như vậy là hợp lý, bởi nếu đã ngủ say thì làm sao còn có thể nghe được tiếng chuông từ chùa Hàn Sơn vọng đến thuyền, vào lúc nửa đêm… Mĩ học cổ điển phương Đông là thế, hư mà thực, thực mà hư. Có ý kiến bình điểm cho rằng, ba chữ đối sầu miên là cụm từ then chốt trong toàn bài thơ để chốt lại một chữ sầu, khiến cho nỗi sầu cứ vấn viết, man mác mãi trong không / thời gian bao la, mờ mịt của trời / nước đêm thu… Quả thực, đó là một lời bình rất tinh tế.
Các du khách, kể cả người Trung Hoa, khi đến thăm Hàn Sơn tự đều nhận thấy ngôi chùa này không có gì đặc sắc về mặt kiến trúc, song chính là nhờ bài PKDB của Trương Kế mà khu vực Hàn Sơn tự trở thành thắng tích nổi tiếng trong / ngoài nước. Trong lịch sử, nhiều thi nhân cũng đã làm thơ vịnh cảnh Phong Kiều cùng với tiếng chuông Hàn Sơn tự. Nhưng chưa một ai vượt qua được bài thơ của Trương Kế; do đó, bài thơ của ông đã được coi là danh tác lưu truyền thiên cổ.
Người viết bài này đã hơn một lần đến thăm Hàn Sơn tự. Mùa thu năm 1999, trong chuyến du khảo Tô – Hàng, lại có dịp cùng ông Mai Quốc Liên đến chiêm bái Hàn Sơn tự. Điều thú vị là trong sân chùa có đặt tượng Trương Kế, mà tao nhân mặc khách, là các cô cậu sinh viên học sinh cùng các khách lữ du từ khắp mọi miền, theo tục lệ, ai đến đây cũng tới vuốt nhẹ vào bàn tay pho tượng, với ước nguyện muốn được truyền thêm chút năng lực sáng tạo. Người viết bài này đương nhiên cũng không ngoại lệ(2). Trao đổi với một vài du khách Trung Hoa, chúng tôi thấy họ đều tỏ vẻ thành kính, tự hào coi đó như một tục đẹp để luôn luôn tưởng nhớ và tôn vinh nhà thơ một cách bình dị, thiết thực. Mọi người ai cũng bảo, đến thăm Tô Châu mà không đến Hàn Sơn tự là coi như chưa đến Tô Châu, đến Hàn Sơn tự mà không vuốt tay chiêm ngưỡng tượng Trương Kế là coi như chưa hiểu cái hồn của thơ PKDB. Nhân đây, còn một chuyện cực kỳ thú vị không thể không nói, đó là thơ Trương Kế không chỉ ảnh hưởng đến thơ Việt, mà còn ảnh hưởng cả đến đời sống văn hóa – ngôn ngữ của người Việt. Số là cái bát to mà hiện nay miền Bắc gọi là bát ô tô, miền Nam gọi là tô, thìĐại Nam quấc ân tự vị (Saigon, 1895) của Paulus Của giải thích là: “Bát thành Cô Tô làm ra, bát lớn mà khéo”. (Cô Tô tức tên khác của Tô Châu, do phía Tây nam Tô Châu có núi Cô Tô nên dân gian cũng gọi Tô Châu là Cô Tô. Tuy nhiên, ý kiến của Paulus Của chỉ đúng một nửa. Theo ý kiến của giới ngôn ngữ học, thì đó là cái bát có vẽ cảnh Cô Tô, theo ý thơ Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự. Người miền Bắc nhân đó gọi là bát Cô Tô, sau gọi chệch là bát ô tô. Còn người miền Nam thì cũng từ cái tên bát Cô Tô mà gọi tắt thành bát tô, rồi tô. Xem thế, đủ thấy sức lan tỏa về mặt văn hóa của một kiệt tác văn học quả là sâu rộng lắm thay!
Nguyên văn bài thơ PKDB được khắc vào bia, do Văn Trưng Minh viết. Người viết bài này đang vuốt tay pho tượng Trương Kế.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 4 (71) năm 2005
vanhaiphong giới thiệu thêm tư liệu tham khảo.
Phong Kiều dạ bạc là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế (张继 Zhang Jì), tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756- đời vua Đường Túc Tông. Trương Kế tự là Ý Tôn, từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự… đặc biệt rất thích làm thơ. Bài thơ này là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, chỉ với nó ông đã được liệt vào hàng đại gia. Ông sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình.
Nguyên tác bài thơ Phong Kiều dạ bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn San.
Nguyên bản : 楓橋夜泊
月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船 Phiên âm : Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền |
Dịch theo nghĩa đen: Cầu Phong Đêm Neo Thuyền Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời Cây Phong ở bến sông, ánh đèn chài, trước giấc ngủ buồn Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San Nửa đêm, tiếng chuông chùa vọng đến thuyền của khách Bản dịch của Trần trọng Kim Quạ kêu trăng lặn sương rơi Lửa chài cây bãi đối người nằm co Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San Bản dịch của Tản Đà Trăng tà tiếng quạ kêu sương Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
|