Hội thảo “Tác phẩm hay – đích đến và giải pháp” do Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa được tổ chức tại Thái Nguyên. Mỗi ý kiến tham luận của các nhà văn đều là những lời trăn trở đích thực về nghề viết của mình. Với bạn đọc, rất có thể sẽ có nhiều tâm sự gan ruột hơn thế (!?). Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn giới thiệu một số tham luận để bạn đọc cùng chia sẻ.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Tống Ngọc Hân!
Nhà văn Tống Ngọc Hân – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Xin phép toàn thể hội nghị cho tôi được trao đổi một số ý kiến về nội dung “Làm thế nào để có tác phẩm hay”.
Trước hết, tôi muốn nói quan điểm của tôi về tác phẩm hay. Tác phẩm hay, theo tôi là tác phẩm khiến người đọc thấy thỏa mãn chứ không phải người viết ra thấy thỏa mãn. Tôi xin phép chủ quan nêu ra hai yếu tố cơ bản quyết định việc tạo dựng một tác phẩm văn học hay. Đó là tâm và lực của nhà văn.
Thứ nhất. Cái tâm của nhà văn là gì? Đó là cái tâm với đồng bào mình, quê hương đất nước, tổ quốc mình. Có tâm để băn khoăn trăn trở xem xã hội cần chúng ta làm gì? Chúng ta đang nói tiếng nói của giai cấp nào? Liệu chúng ta có làm được không? Từ trước đến giờ, những trọng trách giao đặt lên nhà văn thường không được cụ thể hóa bằng những văn bản hay quy định nào cả. Mỗi nhà văn đều tự đặt ra những quy định riêng cho mình trong quá trình tự tìm chỗ đứng của mình trong lòng độc giả. Nếu chúng ta chọn làm đại diện cho nhân dân, nghĩa là chúng ta phải thay họ nói lên những khao khát, ước mong về một cuộc sống công bằng, bác ái, ấm no và hạnh phúc. Hơn cả, chúng ta cũng phải khiến họ hiểu, ai là người đem đến cho họ cuộc sống tốt đẹp ấy? Không ai, ngoài chính bản thân họ. Cái tâm của nhà văn cần nhất là ở chỗ này. Bằng những hình tượng văn học chúng ta dựng lên trong tác phẩm, độc giả của chúng ta đọc, soi mình vào và tìm thấy những bài học có giá trị. Nghĩa là ta phải nói trúng những vấn đề họ quan tâm, họ cần lý giải, cần phân định. Cái này, dân gian còn gọi là “gãi đúng chỗ ngứa”. Đã là người viết chuyên nghiệp, hẳn các nhà văn đều biết chọn đúng chỗ mà gãi. Một khi, tâm trí anh, ngòi bút anh hướng về phía quần chúng nhân dân đông đảo thì anh luôn được đón nhận, cổ vũ và ghi nhớ. Trong số chúng ta, mỗi người có những sở trường khác nhau về việc chọn lựa đề tài để khai thác. Và thời gian chúng ta dành cho văn chương hay cũng khác nhau. Sở dĩ, phần lớn chúng ta chưa thể chuyên nghiệp được là bởi, số người sống được bằng văn chương còn rất ít. Số người khấm khá lên được nhờ viết lách lại càng hiếm. Trong cuộc sống, chúng ta phải kiêm nhiệm rất nhiều vai, chính vì thế mà không ít những nhà văn tuổi đời cao nhưng số lượng tác phẩm lại ít hơn những tác giả trẻ. Những tác giả mới viết. Kinh nghiệm ít ỏi của họ, chưa đủ để họ nhận định ra xu thế mới của thời đại, nhưng họ lại tràn trề cảm hứng thể hiện. Trong cảm hứng dâng trào thì thích gì viết nấy, thích gì kể nấy, có bao nhiêu vốn liếng, cơ hồ muốn một sớm một chiều trút hết lên giấy. Nghĩa là viết để thỏa mãn chính bản thân mình trước đã. Thể hiện một cái tôi đầy dũng khí trước đã. Viết xong đọc lại và thấy tương đối hài lòng với bản thân. Nếu độc giả ào lên cổ xúy, tán dương, thì hiển nhiên là thích vô cùng. Già còn thích khen chứ huống gì trẻ. Đàn ông cũng thích khen chứ chả riêng đàn bà. Khen con anh giỏi nhỉ có khi không sướng bằng khen truyện anh hay nhỉ. Nhưng nếu bị độc giả chỉ ra những chỗ chưa được thì anh lại ngay lập tức bị tổn thương. Hoặc anh sẽ xù lông như con nhím để tự bênh vực che chở cho những đứa con tinh thần vừa chào đời của mình. Hoặc anh sẽ lẳng lặng thu vén mình và văn vẻ mình chui vào vỏ ốc để ẩn đi, lánh xa dư luận một thời gian. Yên ổn lại tiếp tục. Đam mê này đâu dễ bỏ. Mà dễ bỏ thì hoặc chưa phải là đam mê, hoặc chưa hẳn là văn chương. Sau vài năm, có thể là lâu hơn, đến một lúc nào đó, tự thân người viết nhận ra rằng, chuyện độc giả thấy hay trong khi ta không thấy hay, hoặc chỗ này ta thấy hay thế mà độc giả không khen, là lẽ thường. Những tác phẩm văn học đề cao cái tôi cá nhân, không hướng về phía nhu cầu thưởng thức của độc giả nó giống như một bức thư nhưng dán lên tường, chứ không gửi cho ai cả. Tác phẩm văn học hay giống như một bức thư mang thông điệp đẹp đẽ, cấp thiết mà rất nhiều người muốn nhận được từ nhà văn.
Thứ hai. Bên cạnh cái tâm của nhà văn, yếu tố quyết định nên một tác phẩm văn học hay, theo tôi là Lực. Mà ở đây phải là cái lực tương xứng với cái tâm. Lực bao gồm ba yếu tố. Tài năng, vốn văn và bản lĩnh nhà văn.
Cái tài trong văn chương lạ lắm. Dường như, nó là một sự trời cho. Trời cho con người những năng khiếu bẩm sinh để anh có nền tảng phát triển những sở trường. Có người thì trời cho nhiều, có người thì trời cho ít. Văn chương là một bộ môn nghệ thuật đặc thù mà nếu thiếu tài năng, không bao giờ trở thành nhà văn, chứ chưa nói đến việc sáng tác ra tác phẩm hay. Tuy nhiên, chỉ với những thứ trời cho ấy, chúng ta không biết nhân lên, không biết làm cho nó sinh sôi, lớn mạnh lên bằng tài năng, sáng tạo và sự trau dồi, thì sớm muộn, trời cũng đòi lại những thứ ấy. Năng khiếu cộng với sức sáng tạo của nhà văn tạo thành văn tài. Nhưng chỉ có văn tài mà thiếu bút lực thì cũng không khiến nhà văn đáp nổi cái tâm của mình. Bút lực của nhà văn là do vốn văn quyết định. Vốn văn lại là những tinh túy chắt lọc từ vốn sống. Với những người có tài, sau khi chọn lựa, phát hiện ra một đề tài hấp dẫn. Người ta thường phác ra trong đầu những phương án để cân nhắc chọn lựa một dự án văn chương phù hợp. Ta sẽ viết một tiểu thuyết, một truyện dài, hay chỉ một truyện ngắn đây? Ví dụ như tôi, người chuyên viết truyện ngắn, nhưng đứng trước một đề tài khá lớn như quyền lực, tôi cũng quyết định sẽ viết tiểu thuyết. Giống như công tác chuẩn bị để xây một căn nhà vậy. Một căn nhà cấp bốn lợp ngói thì hẳn sẽ ít vật liệu hơn căn nhà xây ba tầng, đổ mái dựng tum. Một căn nhà ba tầng ắt phải khác với một biệt thự, biệt phủ, lâu đài. Càng to càng đẹp thì càng phải tốn công, tốn của. Văn chương cũng thế. Vốn liếng anh nghèo, ít ỏi, thì đừng mong có những công trình bề thế, nguy nga. Mà so sánh như thế cũng là khập khiễng. Đối với vật chất, ví như thiếu tiền để làm nhà, anh có thể thương lượng với ngân hàng, bạn bè để vay mượn. Nếu không hiểu về ngày giờ, phong thủy, địa lý thì anh thuê thầy về tư vấn. Bản vẽ anh thuê thiết kế, thợ thi công anh cũng thuê được nốt. Anh chỉ cần đợi người ta làm xong và ôm quần áo đến là anh thành chủ nhân. Nhưng văn chương thì nghiệt ngã hơn cả ngàn lần. Sau khi viết xong Huyết Ngọc, tôi có cảm giác mình kiệt quệ, đến trống rỗng, vì công trình này ngốn của tôi một số vốn liếng khổng lồ. Tôi không nhờ vả được ai cả, một thân một mình lo liệu. Từ hạt cát tới cái đinh. Từ viên sỏi đến viên ngói. Tôi phải vào vai thầy địa lý, thầy phong thủy, thầy cúng để tìm cho công trình của tôi một vị trí khả quan. Tự tôi vào vai kiến trúc sư rồi tự tôi làm thợ, vừa mộc vừa xây, vừa trát vừa lợp, kiêm nhiệm hết. Cứ tỉ mẩn vừa làm vừa tính toán, miệt mài, ngày khỏe làm nhiều, ngày mệt làm ít. Ốm quá thì nghỉ. Sau chín tháng thì Huyết Ngọc được chuyển đến nhà xuất bản. Đấy, tôi ví dụ thế. Viết tiểu thuyết mệt hơn cả xây nhà. Hao tâm tổn lực. Ai lực khỏe thì tác phẩm của họ đồ sộ, bền vững và đẹp. Muốn có một cuốn sách hay, nhà văn phải biết huy động hết tài năng, sức sáng tạo cộng với thứ bẩm sinh trời cho để mà tạo ra được một tác phẩm ưng ý. Đọc một tác phẩm hay, độc giả phải trầm trồ về cái tài dựng truyện, tài hư cấu, tài kết cấu, tài chỉ đạo đội quân nhân vật, tài sử dụng tiếng Việt, tài sử dụng kho ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian. Ví dụ, một vấn đề hệ trọng như việc dỡ đình làng cổ bằng gỗ ra để đổ cột bê tông và xây mới chẳng hạn. Anh không thể nào lại kể theo cái lối hời hợt, tầm phào “câu chuyện làm quà” được. Mà hẳn phải là một sự dàn dựng công phu. Phải rất đầu cuối, có lớp lang, cấu tứ, tình huống và rất nhiều chi tiết sống động liên quan đến cả tập thể bao nhiêu con người kia chứ. Anh không dụng công, không chuẩn bị chu đáo thì người nghe sẽ không thấy hết được cái ý tứ sâu xa của sự thay thế, giao thoa cũ và mới kia như thế nào. Những người thiếu hụt về vốn sống, vốn văn hóa bản địa thì họ thường rất khéo ở chỗ dùng kỹ thuật chữ nghĩa, chờn vờn mây gió trăng hoa, dẫn dụ người đọc đến những quang cảnh cách xa cái đình ngổn ngang ấy cả trăm thước. Hằng đống câu văn vô thưởng vô phạt bóng bẩy nhưng mùi mẫn tiếc thương được đổ vào cho đầy câu chuyện. Chỉ những người am hiểu đến từng lỗ mọt đục, từng thớ, từng vân gỗ, từng nét hoa văn chạm trổ, từng mảnh ngói vỡ, từng viên gạch rạn, thì mới dám lờ hết trăng sao, vứt hết mây trời mà nhảy vào đống ngổn ngang ấy để vẽ lại đến tỉ mẩn từng căng ti mét khiến người nghe phải sởn da gà, phải hét lên và đổ lệ. Người đọc chờ đợi sự xuất hiện những tác phẩm hay là chờ đợi để được thưởng thức những điều mới lạ mà họ chưa từng biết tới, chờ đợi sự kiến giải những vấn đề mà họ chưa có manh mối nào để tháo gỡ cả, họ chờ đợi để được học hỏi, mở mang từ những điều nhà văn trình hiện trong tác phẩm. Vậy thì, nếu nhà văn không học, không đọc, không trải nghiệm, không trau dồi, không tích lũy, thì lấy gì để mà dụ dỗ lôi cuốn người đọc đây? Sáng tác và sáng tạo để thỏa mãn người đọc cơ mà, chứ có phải để thỏa mãn người viết đâu. Viết văn mà lực mỏng, hay còn gọi là eo hẹp vốn liếng thì vất vả, anh giật gấu vá vai, vay mượn, người đọc tinh ý là biết ngay. Có người, khi thấy trên bàn của tôi có rất nhiều sách không liên quan gì đến văn chương thì ngạc nhiên hỏi. Và tôi luôn thừa nhận. Đúng là nhiều bộ sách lớn của văn học thế giới tôi chưa đọc, nhưng tôi rất chăm đọc sách sử, tướng số, chiêm tinh, phong thủy, địa lý, văn hóa dân gian, báo chí, xem phóng sự…Vì thật sự, với một người viết văn như tôi, vốn liếng dành cho văn chương hay còn gọi là vốn văn, tôi phải hoàn toàn chủ động trước khi bắt đầu viết một tác phẩm mới. Chứ không như trong kinh doanh, túng bí có thể vay mượn ai đó. Tôi nghĩ, các nhà văn khác cũng giống tôi thôi, khi sáng tác văn chương cần một lượng kiến thức tổng hợp rất lớn. Nhiều người hỏi tôi vốn liếng ở đâu mà nhiều thế? Tôi nói rằng ngoài những trải nghiệm bắt buộc của số phận ra, phần còn lại là do tôi tích lũy, bồi đắp bằng việc đi, đọc, học…Cũng nhiều người mới viết phát ngôn khá ấn tượng. “Viết truyện không khó, chỉ cần tưởng tượng và hư cấu là xong”. Thực ra, đấy là họ nghĩ, viết văn thì chỉ cần tài năng là đủ. Mà không biết rằng, để đi được con đường dài trong văn chương, bắt buộc anh phải trường vốn, phải thật sự giàu có về kiến thức, tri thức. Những anh nghèo vốn văn thường hay “vụng chèo khéo trống” để che giấu những hạn chế. Anh biết anh phải dùng cả xiếc, cả ảo thuật, cả trí tưởng tượng rất lớn để những con chữ của anh có thể khiến người đọc bỏ qua, hoặc không nghi ngờ anh. Qua thời gian, anh tưởng rằng cái trò ấy vẫn tiếp tục qua được mắt người đọc và anh tiếp tục công phu với chữ nghĩa và nghĩ rằng viết văn quá dễ, chỉ cần ngồi một chỗ tưởng tượng là xong, chỗ nào bí thì lên mạng tìm vài phút là có cả đống kết quả. Rồi phong cách sáng tác ấy ăn sâu vào anh từ lúc nào anh không biết. Đến độ, khi biết mình nhạt, anh cảm thấy bế tắc không biết thoát ra bằng cách nào. Tôi là độc giả, đọc văn là tôi biết, tác giả ấy có chịu khó vận động không? Có đi, có đọc, có nghe, có trải nghiệm không? Tôi không nói trải nghiệm đem đến cho nhà văn những tác phẩm văn học hay. Mà tôi nói, trải nghiệm đem đến cho nhà văn sự tự tin khi sáng tác, sáng tạo. Những người không có nền tảng kiến thức vững chắc thì thường khó sáng tạo ra được những tác phẩm hay. Có người nói, chính sự trải nghiệm, chính thói nệ thực giết chết sáng tạo. Cá nhân tôi không nghĩ vậy. Trải nghiệm là nền tảng chắc chắn nhất cho mọi sự sáng tạo. Nó ví như người đàn ông dù không tấc sắt trong tay nhưng biết dựa vào thế núi thì kẻ thù không hại anh được, tác phẩm của anh không chết được. Còn anh có giỏi võ đến đâu, kiếm anh sắc đến đâu, những đường quyền có đẹp đến đâu, sáng tạo đến đâu, nhưng chỗ anh đứng biểu diễn là một mom đá ngay bên miệng vực thì thậm chí, chỉ một tiếng chim trời bay trên đầu cũng khiến anh giật mình trượt chân mà rơi xuống chứ không nói đối thủ ra đòn. Đứng giữa nơi chênh vênh mà trụ vững thì chỉ có thể là thiên tài
Yếu tố cuối cùng để làm nên cái lực, theo tôi là bản lĩnh hay còn gọi là lòng can đảm của nhà văn. Viết văn mà cần đến lòng can đảm hay sao? Đúng thế đấy. Bởi vì, trước hết, nhà văn phải dám viết, dám chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra đã rồi mới nói đến việc có được tác phẩm hay. Thường thì, khi nhà văn đã chọn viết cho nhân dân, cho quần chúng lao động. Thì những gì nhà văn quan tâm đến cũng là những gì mà Đảng, nhà nước, chính quyền quan tâm đến. Nhà văn thường có xu hướng giải quyết những mâu thuẫn xã hội bằng cái tình, tình người. Còn chính quyền thì đương nhiên giải quyết mọi mâu thuẫn xã hội bằng pháp luật. Nhà văn bảo vệ nhân dân bằng ngòi bút, chính quyền bảo vệ nhân dân bằng pháp luật. Chính điều này tạo ra những giới hạn trong sáng tác. Chỉ có điều, trong phạm vi quyền hạn mình, nhà văn được phép viết gì, phản ánh gì và đâu là giới hạn? Nếu như cứ nhăm nhăm nhìn vào cái giới hạn và sợ sệt, tránh né thì văn chương sẽ không có đột biến nào cả. Theo tôi biết, những nhà văn dũng cảm “rút ruột ra mà viết” về những vấn đề nước sôi lửa bỏng mang tính chất thời cuộc là những nhà văn không để ý đến cái giới hạn nào cả. Tự anh cho phép mình được tự do sáng tạo trong cái không gian vẫn còn mặn mòi vị máu, mồ hôi, nước mắt của đồng loại, trong cái không khí vẫn còn những tiếng kêu than đau đớn vì oan trái bất công… Những nhà văn cứ viết và nghĩ mình sẽ tự chịu trách nhiệm với những điều mình viết ra. Có giời đất chứng giám cho cái tâm mình là đủ. Quý hóa biết chừng nào, ngưỡng mộ biết chừng nào những nhân cách ấy, những bản lĩnh ấy. Và tác phẩm của một trong số họ, với những người như mình, thậm chí không chỉ là tác phẩm hay mà nó còn là tác phẩm lớn, truyền tải những thông điệp, giá trị tư tưởng lớn đến người đọc và có một sự ảnh hưởng rõ rệt tới dư luận. Tác phẩm hay là tác phẩm đánh thức được những phản kháng, đấu tranh đã ngủ yên. Ở đây là phản kháng và đấu tranh với những thói hư tật xấu từ chính bản thân mỗi người đến tập thể người và tới cả xã hội. Trong đó hàm chứa những yếu tố chính trị mà người viết phải nắm bắt vững và thể hiện một cách công bằng nhất quan điểm của mình. Văn chương chỉ có hai thái cực, hay hoặc không hay, nhưng tất cả đều đáng đọc. Còn nữa, nhà văn cần đến lòng can đảm để loại bỏ đi những mảng hiện thực nham nhở đen tối nếu sự xuất hiện của nó ảnh hưởng đến danh dự của tổ quốc, quyền lợi của dân tộc và có thể khơi sâu mâu thuẫn xã hội. Tôi đã nghĩ thế. Và một ngày nào đó, nếu tìm thấy một đề tài vừa sức và cần đến sự dũng cảm để lên tiếng thì tôi cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, đến giờ này, nếu ai đó có hỏi tác phẩm nào của tôi được tôi cho là hay thì tôi xin trả lời là, tác phẩm hay của tôi chưa được tôi viết ra.
T.N.H