Làm thơ sưởi ấm lòng mình – Nguyễn Quốc Hùng

 

Bạn đọc biết nhiều về Hoài Khánh với những bài thơ hay dành cho thiếu nhi, nhưng ít ai biết tới mảng thơ dành cho người lớn của anh. Nghề làm biên tập chương trình ở một đài phát thanh – truyền hình địa phương khá tất bật, nên Hoài Khánh không có nhiều thời gian để đi nhiều và viết khỏe. Khi có cơ hội đi công tác nơi xa, anh cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc nghệ thuật và hi vọng viết lên những câu thơ trải lòng mình về đất, về người, về những trạng huống cuộc đời mà anh trải nghiệm, suy tư. Anh sáng tác không nhiều, mỗi năm chỉ viết dăm ba bài. Tập thơ “Sưởi ấm những ngày xa”, là ấn phẩm thứ hai của Hoài Khánh dành cho người lớn, chỉ có 42 bài mà anh đã sáng tác trong ngót 40 năm qua.

Hoài Khánh như vừa đi vừa tâm sự về một hành trình thơ của mình, về những kỷ niệm vui buồn trong đời làm báo, viết văn, gắn liền với nhiều chuyến đi công tác, đến với những miền đất đáng nhớ trong và ngoài nước. Dường như Hoài Khánh đến nơi nào cũng đều ghi lại những vần thơ. Đấy là ngôi chùa tháp Tường Long của vùng biển Hải Phòng quê anh: “Chiều xuân núi Ngọc sương buông/ Mải leo dốc vấp tiếng chuông ngang trời”, lên miền Quan họ:“Bởi chưng câu hát bỏ bùa” & “ngồi chết lặng giữa mùa hội Lim”, tới tận vùng cao địa đầu Tổ Quốc:”Hồn nhiên Quản Bạ/ Dâng tình trời mây/ Và ngồi chết lặng/ Cùng chiều ngất ngây”. Cùng nhau xuống tận miền sông nước An Giang: “Bầu trời thơm mùi thiếu nữ/ Bùn đất lên mây nhờ những cây tràm”… Đấy là những câu thơ xúc động khi anh tới những vùng đất từng khốc liệt khói lửa chiến tranh nơi ngã ba Đồng Lộc hay vùng đất khói lửa Quảng Trị năm xưa: ”Gió ban đêm Quảng Trị cũng hiền”  rồi “Dõi phía Trường Sơn như thể ngồi thiền”. Hoài Khánh còn dẫn bạn đọc sang thăm Thủ đô Thái Lan dự lễ hội thả đèn lồng: “Trăm ngàn ngọn nến thắp lung linh đêm Bangkok/ Chiếu sáng hàng vạn người đứng chật bờ sông”.

Phần lớn những bài trong tập thơ “Sưởi ấm những ngày xa” Hoài Khánh viết bằng trực cảm. Đặc điểm của thơ trực cảm là đơn nghĩa. Chính vì vậy, để có được ngôi nhà thơ vững chắc, đòi hỏi kĩ thuật phải vững vàng và sáng tạo, từng con âm phải xuyên qua mọi thứ bao phủ bên ngoài để phát hiện ra bản chất sự vật. Trong bài thơ “Nghiêng bên chiều Đồng Lộc”, Hoài Khánh nhìn thấy “Tiếng chim mắc võng trên cây/ Hồn người ru sợi nắng gày đung đưa”. Trực cảm của tác giả nhìn thấu không gian và thời gian bằng những con âm trong trẻo vừa dân gian vừa hiện đại, đọng lại cảm xúc hoài niệm về sự hy sinh của mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Đề tài này, đã có không ít áng thơ, văn hay. Bài thơ này của Hoài Khánh chắc hẳn là một trong số đó: ”Hố bom rạch đất năm xưa/ Giờ mơn mởn cỏ như vừa vá xong/ Vòm mây trinh nữ bềnh bồng/ Chở lời ai hát trôi trong trời chiều”. Hay như những câu chữ tả thực nhưng hình ảnh rất tượng trưng “Người Mông đứng hiên ngang/ Chân đóng đinh vào núi” (Gặp ở Mã Pì Lèng).

Hoài Khánh bền bỉ sáng tác thơ cho thiếu nhi và mảng thơ này là sở trường sáng tác của anh. Điều đó khiến ta dễ hiểu trong những tác phẩm thơ cho người lớn của Hoài Khánh, vẫn gặp một phương pháp thiết kế chung cho “ngôi nhà thơ” là dùng nhiều biện pháp tu từ ngữ âm để tạo nhịp điệu và âm hưởng thích hợp “Lúc lắc tận đỉnh đồi/ Gật gù đôi gà đứng”  (Bên hòn Trống Mái). Núi ngoài đời thì tĩnh nhưng vào thơ lại động bằng những từ láy “lúc lắc, gật gù”. Hay “Nắng sằng sặc ùa ra bốn phía/ Rừng núi tềnh ềnh xanh”  (Bích Động) phép điệp vần của câu thơ gợi cảm giác thiên nhiên gần gũi, giống như con người vậy. Hoài Khánh hay dùng phương pháp so sánh, nhân hóa: “Nắng tươi y hệt gái chưa lấy chồng” (Lên chùa tháp Tường Long) hoặc “Những đứa bé ở trần lấm lem bùn đất/ Trên sình lầy tiếng hát hóa chim bay”  (Cô giáo vùng sâu)… Với tư duy sáng tác này, thơ của Hoài Khánh động bởi thanh âm của con chữ, dễ truyền cảm những ý thơ cho người đọc.

Trong tập thơ “Sưởi ấm những ngày xa” không chỉ có những bài được Hoài Khánh sáng tác bằng trực cảm mà còn không ít những bài, những câu thơ, ý thơ được rút từ trong sâu thẳm lòng tác giả mang nặng những suy tư về nhân tình thế thái, những rung động riêng của mình: “Trinh trắng ban khuya đâu dễ tỏ/ Ngát hương góc tối cũng khó tường” (Hoa quỳnh) hoặc “Cả đời bưng bát cơm ăn/ Mấy khi đứng ngắm lúa xuân trổ đòng”  (Viết cho ngày sinh)… Hoài Khánh còn có những ý thơ, những bài thơ cảm động và xót xa khi anh hoài niệm về người bạn đời chung thủy của mình vừa khuất bóng chưa lâu. Có lẽ Hoài Khánh đang làm thơ trước hết để tự sưởi ấm lòng mình trong quãng đời còn lại với không ít thiệt thòi, cô lẻ.

Sáng tạo trên các thể thơ truyền thống, qua 5 tập thơ dành cho thiếu nhi và 2 tập thơ dành cho người lớn, trên “đô thị thơ” ngày nay Hoài Khánh đã xây đắp được không ít những mảnh lấp lánh của câu thơ hay và ý thơ hay. Tập thơ “Sưởi ấm những ngày xa” là lời tâm tình của Hoài Khánh với bạn bè đồng nghiệp và công chúng yêu thơ về góc riêng tư, về năm tháng buồn vui cuộc đời và những chuyến đi theo dặm dài đất nước của riêng anh. Lời tâm tình ấy khá bình dị, nhẹ nhàng, mộc mạc như chính anh giữa đời thường, nhưng thật đáng trân trọng.

N.Q.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder