Theo ban tổ chức, tác phẩm tham dự bao gồm tiểu thuyết hoặc truyện ngắn do công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước sáng tác. Tổng giải thưởng chính thức gần 2,5 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
Đối với tiểu thuyết, ban tổ chức trao 1 giải đặc biệt trị giá 400 triệu đồng, 1 giải nhất 300 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 150 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 100 triệu đồng…
Trong khi với truyện ngắn, cuộc thi có 1 giải đặc biệt trị giá 200 triệu đồng, 1 giải nhất 150 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 100 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 50 triệu đồng…
Ban tổ chức sẽ trao thêm giải phụ cho tác giả trẻ, tác phẩm được yêu thích nhất… Bên cạnh đó, truyện ngắn hoặc tiểu thuyết được yêu thích sẽ được chuyển sang thể loại Podcast để độc giả dễ tiếp cận.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dòng văn học viết về người lao động hội tụ hàng trăm tác giả lớn với nhiều tác phẩm giá trị. Nhưng qua thời gian, đặc biệt sau đổi mới, vai trò người lao động, người công nhân “hơi lùi lại”, “ra bên rìa ngoại biên” dù trước đó rất mạnh mẽ.
“Do đó, Hội Nhà văn thống nhất cần có công việc, kế hoạch đưa người lao động trở lại thành một trong những nhân vật trung tâm của văn học cùng với những nhân vật khác”, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.
Về ý kiến chỉ có 2 năm để tác giả nộp tiểu thuyết, ông Bình Phương cho rằng nhiều nhà văn đã có nghiền ngẫm, dự định viết về người lao động nhưng chưa có cú huých khởi phát nên cuộc thi là cơ hội để nỗi đau đáu đó trở thành sự thật.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Công đoàn Việt Nam, COVID-19 phát lộ nhiều câu chuyện về công nhân như những cuộc sống sẻ chia đồ ăn ở xóm trọ, công nhân đi truyền hóa chất buổi sáng chiều đi làm…
Do vậy, cuộc thi là cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác những tác phẩm khắc họa số phận, cuộc sống người lao động trong và ngoài nước, đồng thời khích lệ, động viên công nhân hăng say đổi mới, sáng tạo.
“Công nhân là những con người đóng góp thầm lặng để xây dựng từng tòa nhà khang trang, tạo ra từng đồng đôla xuất khẩu… Qua cuộc thi, xã hội sẽ thấu hiểu, chia sẻ hơn với người công nhân. Từ đó, cuộc sống sẽ bớt nỗi buồn, niềm vui nhân lên”, ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.
Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn diễn ra trong 2 năm. Thời hạn nhận bài từ tháng 11-2021 đến hết tháng 8-2023.
Lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào quý 4 năm 2023. Theo ban tổ chức, lễ phát động cuộc thi ngày 23-11 là hoạt động thiết thực hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.