Làng Đông Môn, cái nôi ca trù đất Cảng

Theo các vị cao niên địa phương, nghệ thuật ca trù xuất hiện ở Đông Môn…

 

Theo các vị cao niên địa phương, nghệ thuật ca trù xuất hiện ở Đông Môn khoảng hơn 200 – 300 năm nay (muộn nhất là từ thế kỷ XVIII). Hơn thế nữa ở Đông Môn có đền thờ tiên sư, tiên thánh (gọi là phủ từ hay đền Ca công) mà hàng năm ngày hội chính mở vào 24-3 âm lịch, “con cháu nhà thánh” ở các nơi như Hà Nam, Phủ Lý, Bắc Ninh, Kinh Môn, Kim Thành…về làm lễ rất đông. Vào thập niên 30-40 của thế kỷ trước, trong làng xuất hiện nhiều ca quán do những gia đình, dòng họ đứng ra thành lập và lấy nghiệp hát làm nghề kiếm sống…  Ca trù là một môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ta, có từ lâu đời, với nhiều tên gọi khác nhau như hát ả đào, hát cửa đình, hát nhà tơ… Có nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật ca trù có từ thế kỷ XV. Tập thể tác giả sách “Lịch sử Việt Nam” tập I (Uỷ ban Khoa học xã hội xuất bản năm 1971), căn cứ kết quả nghiên cứu của các bộ môn như: lịch sử, nghệ thuật, mỹ thuật.. lại cho rằng hát ả đào đã xuất hiện từ thời Lý (?). Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, hội viên Hội VNDG Việt Nam (Chi hội Hải Phòng) cho rằng: Qua rà soát thần tích làng Đào Đặng, tổng Cao Lương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thấy làng này thờ Trần Liễu. Chuyện bà Đào làng này mở ca quán thời thuộc Minh, tuyển ca nương có tinh thần yêu nước, cam đảm, lừa bọn quan quân nhà Minh uống rượu say khướt rồi bỏ vào bao liệng xuống sông. Các làng thờ Tổ nghề ca trù Đinh Dự và vợ là Mãn Đường Hoa công chúa như: Đông Môn tổng Lương Kệ, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương thờ ở phủ từ (từ của phủ Kinh Môn gồm 7 huyện); Lỗ Khê tổng Hà Lỗ, huyện Từ Sơn, xứ Kinh Bắc; làng Cung Chúc tổng Viên Lang, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) thờ tượng 2 tổ nghề ở miếu. Trong chiến tranh chống Pháp (1945-1955), miếu, đình làng đã bị phá hủy. Hai bản sắc phong năm Chiêu Thống thứ 2 (1788) cũng bị mất. Nghệ thuật ca trù ở đây đã thất truyền. Hai làng Lỗ Khê tổng Hà Lỗ, huyện Từ Sơn và làng Thanh Lương tổng Khương Tự, huyện Thuận Thành, xứ Kinh Bắc đều nổi tiếng về nghệ thuật ca trù và có đền thờ tổ nghề Đinh Dự – Mãn Đường Hoa công chúa. Nhưng theo Linh Chi trong Địa chí Hà Bắc, các làng này có tục thờ thần Bạch Mi (lông mày trắng), một dâm thần mà tác giả truyện Kiều mô tả rõ. Nghệ thuật ca trù nước ta có từ thế kỷ XV có căn cứ hơn. Cũng theo Ngô Đăng Lợi, tất cả các làng có nghề hát ca trù nước ta đều thờ vợ chồng tổ nghề là Đinh Dự và Mãn Đường Hoa công chúa. Bản thần tích hai vị ở đền Ca công làng Lỗ Khê do Đông Các Đại học sĩ Đào Cử vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn năm Hồng Đức thứ 7 (1476) cung cấp: Về đời vua Lê Thái Tổ có người họ Đinh tên Lễ, người động Hoa Lư, huyện An Khánh, phủ Trường Yên, đạo Thanh Hoa (tức Thanh Hoa ngoại trấn, nay thuộc tỉnh Ninh Bình) theo vua Lê dấy nghĩa ở Lam Sơn, theo vua chống đô hộ nhà Minh 10 năm. Vợ ông là Trần Thị Minh Châu, vốn dòng thi lễ, một đêm nằm mơ thấy con rắn xanh lọt vào lòng, rồi mang thai. Đến ngày mồng sáu tháng tư năm Qúy Tỵ (1413) sinh một trai diện mạo khôi ngô đặt tên là Đinh Dự. Khi Đinh Lễ đem quân đánh giặc Minh đã dựng đồn trại ở lang Lỗ Khê, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Đinh Dự học vấn tinh thông, cầm kỳ thi họa, xướng họa hơn người. Một hôm Đinh Dự đến chỗ cha đóng quân, thăm chùa Thiên Thai gặp cô thiếu nữ Đường Hoa sắc đẹp như tiên giáng trần. Hai người kết duyên chồng vợ. Có lần vua mắc bệnh nặng, hai vợ chồng đến đàn hát cho vua nghe, vua khỏi bệnh nên phong cho chức tước, ban cho 4 chữ “Sinh từ tự điển” – nghĩa là được thờ khi còn sống. Bức hoành phi ghi 4 chữ trên, hiện đền Lỗ Khê còn giữ…

Về thời gian xuất hiện của nghệ thuật hát ca trù còn có ý kiến khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất về thời điểm phát triển cao của nó là vào thế kỷ XVIII – XIX. Nhiều nhà thơ sành thơ nôm cũng là những tác giả của nhiều bài hát nói khá phổ biến như Nguyễn Công Trú (1778-1858), Cao Bá Quát (? – 1855), Nguyễn Quý Tân (1811-1856), Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), Trần Tế Xương (1870 – 1907), Phan Bội Châu (1867 – 1940)…Ca trù vốn là một thứ nhạc vui. Xã hội cũ dùng nó vào dịp lễ nghi, khánh tiết, khao vọng, cưới xin, yến tiệc. Các nhà nho còn quan niệm ca trù là thú chơi thanh nhã của tao nhân, mặc khách. Ca trù được tổ chức chặt chẽ thành “phường”, “giáo phường” do trùm phường và quản giáp cai quản. Tham gia hát ca trù ít nhất gồm 3 người: một ca sĩ là nữ gọi là (đào hay ca nương) hát theo lối nói và phách lấy nhịp (phách là một nhac cụ làm bằng gỗ hoặc tre, được gõ bằng 2 que); một nhạc công nam giới gọi là (kép) đệm đàn đáy cho người hát- đàn đáy là một loại đàn cổ dài gồm 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn; một người chơi trống hoặc đánh trống chầu gọi là (quan viên- thường là tác giả bài hát). Sự tán thưởng của quan viên qua bài hát, người hát biểu hiện bằng cách, đánh vào thành trống nhiều lần biểu hiện đắc ý, nếu không hài lòng với người hát, quan viên đánh 2 nhịp trống. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, hát ca trù là một nghề kiếm sống của người dân ở Đông Môn, xã Hoà Bình (Thuỷ Nguyên). Theo ông Trần Bá Sự – nguyên Chủ nhiệm CLB ca trù Đông Môn thì- ca trù xuất hiện ở Đông Môn từ đầu thế kỷ XIX, người đưa ca trù về Đông Môn là cụ kép đàn Tô Tiến Trọng – là trùm phường của một giáo phường Kinh Môn (Hải Dương) thuộc ty giáo phường Bắc Thạch (Bắc Ninh). Được sự đồng ý của giáo phường Kinh Môn, ông trùm phường Tô Tiến Trọng đã rước thần tượng, chân nhang và sắc phong nhị vị tổ nghề Đinh Dự Thanh Xà đại vương – Mãn Đường Hoa công chúa về  phủ từ Đông Môn để bốn mùa hương khói. Khi về Đông Môn, cụ Tô Tiến Trọng đã dạy ca trù cho người thân trong họ, con em trong làng ngoài xã, biến làng Đông Môn thành một ca quán nổi tiếng khắp cả nước. Ở Đông Môn, nhiều vọng tộc lớn như: Tô, Phạm, Nguyễn…duy trì tục lệ mỗi khi có đứa trẻ lớn lên đều được ông bà, cha mẹ truyền nghề theo lối truyền miệng để trở thành “ca nương”, “kép đàn”…Sau khi được ông Tô Tiến Trọng dạy cho nghề hát ca trù, nhiều gia đình, dòng họ tự đứng ra thành lập các giáo phường (bố đàn con hát, cháu đánh trống). Người thì mở cơ sở hát tại nhà, có người lên Hà Nội, sang Hải Phòng, ra Quảng Yên. Cũng có người đi hát trong hàng tổng, hàng huyện, hàng tỉnh từng đợt theo lời mời của những nơi cần. Đào, Kép ở Đông Môn nổi tiếng đàn ngọt hát hay. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Đông Môn có những đào nương có giọng hát tốt như bà Hỗ, bà Tân, bác Xuyến…và những người đàn giỏi như cụ Bốn, cụ Bút, ông Tăng, ông Nghị…Nhà hát của cụ Cửu Tuế, người Đông Môn mở ở Khâm Thiên (Hà Nội) nổi tiếng nhờ có nhiều đào kép có trình độ nghệ thuật cao tuyển chọn ở quê nhà đưa lên. Đối với những người ham mê ca trù thuở trước, có lẽ cái tên Quán Bà Mau đã trở nên rất quen thuộc bởi nơi đây một thời từng là nơi tụ hội của các đào hát, kép đàn có tiếng của Hải Phòng như: kép Phượng, kép Cổn, kép Thìn, đào Khầm, đào Thắm, đào Út… Lúc bấy giờ, ngoài làng Đông Môn – Thủy Nguyên là nơi thờ tổ nghề ra, các ca quán thường tập trung tại hai khu vực chính trong nội thành là Cánh gà trong – dọc đường Dư Hàng Kênh và Cánh gà ngoài – dọc đường Lạch Tray. Vào canh hát, các đào nương mặc áo the thâm, tóc vấn cao ngồi xếp bằng đĩnh đạc giữa phản; kép đàn thì đơn giản hơn có thể mặc áo sa hay áo the tùy ý, ôm đàn đáy ngồi vắt chân chữ ngũ bên trái đào nương. Cho dù quan viên sang hèn gì thì các canh hát cũng phải đĩnh đạc, chỉn chu và giữ được nề nếp, phong cách nghề. Phủ từ (ngôi từ của hàng phủ) – nhân dân trong vùng quen gọi là đền Ca công tuy không lớn nhưng xinh xắn, đẹp đẽ. Đồ thờ, tế khí, nghi trượng đẹp vào loại nhất huyện. Năm 1968 do lâu ngày không sửa chữa, đền bị dột nát, hợp tác xã phải dỡ đi, đồ thờ bị hư hỏng gần hết, chỉ còn bộ ngai, phù điêu thần tượng nhị vị Ca công và hòm sắc chuyển về đình Đông Môn. Về thần tích, thần phả đều bị thất lạc, chỉ còn bản thần sắc đời Gia Long (1802 – 1819), nội dung cho biết, hai thần Ca công ở Đông Môn được vua Gia Long phong tặng 2 lần, một lần vào ngày 15-2 năm Giáp Tý (1804) được tặng chữ đẹp (mỹ tự) và ngày 15-6 năm Gia Long thứ 9 (1810) được thăng trật. Thần sắc cũng cho biết vợ chồng công chúa này vốn là chính thần thuộc ty giáo phường Bắc Thành thờ và được các triều đại trước khen tặng (lịch triều bao tặng) về công lao dạy nghề. Lòng sắc ghi: Thánh nữ tiên sư trinh tĩnh từ hụê phương dung cẩn khiết khuông hành Mãn Đường Hoa công chúa – Quốc tế tiên sư thông minh dũng quyết anh uy trợ quốc dịch vụ giáo dân thần khoan minh mẫn Đinh Thanh Xà đại vương. Theo lệ cổ, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày hội đền Ca công được tổ chức đều đặn hàng năm. Chương trình ngày hội gồm hai phần chính. Ban ngày, sau khi làm lễ thánh có cuộc thi hát giữa nghệ nhân các vùng nhằm mục đích đua tài, trao đổi kinh nghiệm. Đây còn là dịp kiểm tra tay nghề, lựa chọn kết nạp hội viên mới. Người muốn ra nhập giáo phường phải qua đào tạo theo hình thức truyền nghề (các nghệ nhân cũ trực tiếp kèm cặp với thời gian ít nhất là 2 năm cho người học đàn, 3 năm cho người học hát). Trước ngày hội người phụ huynh hay người đỡ đầu người muốn xin ra nhập giáo phường phải trình trước ông thủ bạ của giáo phường và nộp một khoản lệ phí nhỏ. Ban ngày hôm lễ chính có dành thời cần thiết cho người xin nhập giáo phường biểu diễn trình nghề trước nhà Thánh và đông đảo hội viên. Việc kiểm tra tay nghề trong lễ “mở xiêm áo” cho các cô đào trẻ tuy nhẹ nhàng, không quy định thể thức, tiêu chuẩn chặt chẽ, những công chúng đều là những nghệ nhân sành sỏi, trình độ thẩm âm cao, luôn có ý thức giữ gìn uy tín nghề nghiệp của nhà thánh nên muốn vượt qua “cửa” này đòi hỏi phải có quá trình khổ luyện, thực sự say mê nghề hát. Chương trình buổi tối ngày hội là nghi lễ tế thánh được cử hành nghiêm trang, trọng thể. Người tham gia từ chủ tế, bồi tế…cho đến người phục vụ buổi tế phải là hội viên chính thức do giáo phường cắt cử. Người ngoài dù chức tước, địa vị xã hội thế nào cũng không được dự tế. Lễ phẩm không có gì đặc biệt gồm hương đăng, hoa quả, xôi thịt… chi phí do các đệ tử đóng góp. Tiếc rằng, do chiến tranh loạn lạc, từ khoảng những năm 1950 ca trù Đông Môn bị dần mai một.

Với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, năm 1993 chính quyền địa phương đã đứng ra thành lập CLB ca trù Đông Môn thuộc (xã Hoà Bình) với sự đóng góp của nghệ nhân hát ca trù Tô Thị Chè (dạy hát), ông Tô Văn Nghị (kép đàn) và rất nhiều những người đam mê ca trù cùng tham gia. Ông Trần Bá Sự – nguyên Chủ nhiệm CLB ca trù Đông Môn nhớ lại: “Nhận thấy môn nghệ thuật truyền thống của ông cha ngày càng bị mai một, địa phương đã xin chính quyền xã thành lập CLB lưu giữ và truyền lại nghề cho các lớp con cháu trong làng. Những ngày đầu thành lập, do thiếu người chúng tôi đã vận động toàn bộ đội tế nữ quan, tế nam quan của đình làng vào hoạt động. Nhạc cụ trang bị cho CLB những ngày đầu là chiếc đàn đáy mua của nghệ nhân Nguyễn Văn Hãn ở Hải Phòng về sửa lại, trống và phách do thành viên trong CLB đóng góp trang bị cho việc dạy học và sinh hoạt của CLB…”. Về quá trình khôi phục nghệ thuật ca trù ở Hải Phòng, nhà sử học tài danh Ngô Đăng Lợi nhớ lại: Nhà nghiên cứu Giang Thu (một trong những hội viên sáng lập của Chi hội VNDG Việt Nam thành phố Hải Phòng) là người có công đầu bỏ sức, bỏ tiền xây dựng CLB ca trù Hải Phòng. Ngày 30-7-2002, Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Đào Trọng Vinh ký Quyết định số 139 QĐ/SVHTT thành lập Tổ sưu tầm ca trù Đông Môn, gồm: ông Đoàn Văn Chương, Phó giám đốc sở VHTT làm Tổ trưởng; các tổ viên gồm các ông bà: Đỗ Ánh, Trưởng phòng VHTT cơ sở; Lê Thị Thu, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính; Phạm Khương – Chủ tịch Hội VNDG Hải Phòng kiêm Chi hội trưởng chi hội VNDG Việt Nam; Giang Thu, hội viên Hội VNDG Việt Nam (Chi hội Hải Phòng). Trở lại từ buổi đầu, năm 1997, hai bác Mạnh Thu, Giang Thu và tôi (Ngô Đăng Lợi) thấy cần khôi phục, bảo tồn, phát huy văn nghệ dân gian phong phú, đặc sắc của Hải Phòng nên đã có đơn xin Giám đốc sở VHTT Hồ Chu cho thành lập CLB ca trù. Do tình hình chính trị – xã hội lúc ấy phức tạp nên lãnh đạo sở giao cho Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm Vũ Văn Du ra quyết định thành lập CLB ca trù trực thuộc Nhà văn hóa trung tâm. CLB có các tổ chuyên môn: sưu tầm thơ ca dân gian, trong đó có hát nói. Bác Giang Thu và tôi (Ngô Đăng Lợi) là Phó chủ nhiệm. Sở dĩ tôi có vinh dự này vì năm 1985, đồng chí Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải nghiên cứu về nghệ thuật ca trù Đông Môn, huyện Thủy Nguyên. Tôi đã về Đông Môn gặp các nghệ nhân già, khảo sát cặn kẽ phủ từ thờ hai vị tổ nghề…và viết bài đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 3 năm 1985. Ba chúng tôi đã tòm gặp các ca nương lão luyện mời vào CLB; các cụ sẵn sàng tham gia, nhưng có cụ kêu sức yếu, tuổi cao. Đặc biệt có cụ nổi tiếng một thời, vợ lẽ của một ông tri phủ khen chúng tôi nhiệt tình, có trách nhiệm, lại giới thiệu bạn đồng nghiệp cũ, nhưng cụ kiên quyết không tham gia, còn con cháu cụ kiên quyết phản đối không muốn nhắc lại nghề cô đầu cùa bà mẹ. Lại còn khó khăn về đạo cụ, bác Giang Thu phải về quê ở Thái Bình đốn hạ cây mít ở nhà thờ tiểu chi mình để làm vỏ trống chầu; tôi giới thiệu cụ Ngô Duy Thẫm làng Trà Phương, một phụ huynh học sinh trường cấp II Kiến Thụy. Cụ Thẫm là nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng lại giữ được chiếc đàn cổ, cụ vui lòng tham gia và tặng CLB cây đàn gia bảo…Do cùng chí hướng nên chỉ một thời gian ngắn nhiều nghệ nhân lão luyện như: cụ Trần Phương Thảo, nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng, cựu tù chính trị Côn Đảo (CLB thiếu người chơi đàn nguyệt, cụ xin phụ trách và truyền nghề cho lớp trẻ); cụ Nguyễn Thị Chín, ca nương nổi tiếng quê ở Đông Môn; cụ Đào Thị Thẩm, nghệ nhân ca trù quê chốn tổ Lỗ Khê; cụ Phạm Văn Biện, nghệ nhân chơi đàn nức danh đất Cảng; cụ Trần Trọng Quế, tay đàn đáy lão luyện; cụ Tô Thị Chè, danh ca hậu duệ của dòng họ có công đào tạo ca nương của làng cổ Đông Môn; cụ Phạm Quanh Thanh, nhà giáo quê làng Dư Hàng, am hiểu âm luật, nổi tiếng cầm chầu; bác Nguyễn Thị Ngọc Bích ở Kiến Thụy tích cực tham gia, lại khuyên con cái tham gia học tập kế thừa nghề của tổ tiên; nghệ sĩ chèo Đỗ Quyên chuyển sang ca trù đã khổ luyện thành tài, góp công xây dựng nghệ thuật ca trù của thành phố; nghệ sĩ Lê Thị Thanh Vân, nghệ sĩ tuồng cổ…Lớp trẻ có Quỳnh Nhung, Đỗ Thị Bích Hạnh, Đỗ Thị Bích Thảo, Phạm Thị Hạnh…nhiệt tình với CLB, với nghệ thuật ca trù nay đều đã thành danh. Năm 1998, bác Giang Thu đề xuất thành lập CLB Ca trù và Dân ca, được Nhạc sĩ Vũ Thiệu Loan, Giám đốc sở VHTT, Chủ tịch Hội LHVHNT Hải Phòng khuyến khích, tạo điều kiện, lại phân công nhạc sĩ Phạm Khương, Chủ tịch Hội VNDG Hải Phòng trực tiếp chỉ đạo, vận động nghệ sĩ tuồng Doãn Tích cùng nhiều nghệ sĩ các Hội chuyên ngành cộng tác. CLB ngày càng được công chúng mến mộ qua các buổi công diễn, qua giới thiệu của báo Hải Phòng, báo ANHP, Đài PTTH Hải Phòng…Năm 1999, bác Giang Thu được Hội VNDG Việt Nam tài trợ kinh phí để biên khảo sách Nghệ thuật ca trù ở Hải Phòng, rồi công trình Hội mở mặt, hát đúm Hải Phòng (đều được ấn hành năm 2003). Nhà nghiên cứu Giang Thu còn được Bộ VHTT tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng; Hội VNDG Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VNDGVN… Sau 20 năm hồi sinh và phát triển, nhờ được sự dạy bảo của các nghệ nhân tâm huyết với ca trù, đến nay CLB ca trù Đông Môn, CLB Ca trù – Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng đã dần tìm lại vị thế của mình là. Nhiều nghệ nhân, ca nương, kép đàn, trống chầu của CLB ca trù Đông Môn và CLB ca trù Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng đoạt Huy chương vàng, Huy chương bạc trong các hội diễn ca trù toàn quốc, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” quốc gia. Tiêu biểu là ca nương Đỗ Quyên, Tô Thị Ninh, Hoàng Minh Khánh, Nguyễn Thị Hằng, Phạm Thị Liên; kép đàn Tô Văn Tuyên, Phạm Thị Liên…Các nghệ nhân Tô Thị Chè, Nguyễn Văn Hãn… được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”…Đặc biệt, mới đây ca nương Đỗ Quyên (Nguyễn Đỗ Quyên), Chủ nhiệm CLB Ca trù – Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú…

Trần Phương

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder