The Goldfinch (771 trang) của Donna Tartt, The Luminaires (832 trang) của Eleanor Catton, và City on Fire – cuốn tiểu thuyết đầu tay dài 900 trang – là những cuốn sách làm mưa làm gió trong ngành công nghiệp xuất bản sách tháng qua…
Không chỉ được coi là năm của các nhà văn truyện ngắn như Alice Munro, Lynn Coady, Claire Vaye Watkins, làng văn học 2013 còn được chứng kiến sự trỗi dậy của những cuốn tiểu thuyết “khủng” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trên mọi mặt trận từ các giải thưởng sách danh giá lẫn thành công được ghi nhận về mặt thương mại, thậm chí có cuốn chưa ra mắt đã đắt khách, những cuốn sách “đè chết người” đang chứng tỏ sự hấp dẫn bất chấp độ dài. Tuy nhiên, hẳn không ít độc giả vẫn sẽ cảm thấy ngao ngán khi nhìn vào độ dày và cân nặng của chúng.
Nghệ thuật và thương mại
The Luminaire – cuốn sách dày nhất đã giành chiến thắng tại giải Man Booker
Nếu như tiền thưởng, danh tiếng và doanh số là ba tiêu chí để đánh giá mức độ hấp dẫn của một giải thưởng văn học thì Man Booker được coi là một trong những giải thưởng hoàn thành xuất sắc cả ba nhiệm vụ ấy.
Khi Eleanor Catton giành được Man Booker cho cuốn tiểu thuyết lịch sử dày 832 trang của mình, cô đùa rằng tác phẩm của cô là “cơn ác mộng đối với các nhà xuất bản”. Thậm chí nữ tiểu thuyết gia 28 tuổi còn chia sẻ cô đã buộc phải mua một chiếc túi mới để có thể nhét vừa cuốn sách.
The Luminaire (tạm dịch Những ngôi sao lấp lánh) không những đã giúp Catton lập kỉ lục khi trở thành tác giả trẻ tuổi nhất chiến thắng trong lịch sử giải thưởng văn học uy tín nhất vương quốc Anh mà còn phá kỉ lục về cuốn sách chiến thắng dài nhất từ Wolf Hall (674 trang) của Hilary Mantel.
Với tính nghệ thuật đã được khẳng định, thậm chí người ta còn cho rằng cuốn sách xứng đáng với danh hiệu tiểu thuyết lịch sử mới của New Zealand. Và theo như tờ thời báo New York, The Luminaire cũng là một trong những cuốn sách “gây bão” trong ngành công nghiệp xuất bản tuần qua. Có lẽ Catton và các nhà xuất bản của cô lại càng có thêm lý do để vui mừng khi bản thảo cuối cùng của cuốn sách “không bị đổ sụp dưới sức nặng trong phiên bản bìa mềm”.
Trong một diễn biến khác, một trong sáu giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp – giải Renaudot 2013 – đã được trao cho cuốn Naissance (tạm dịch Sinh ra đời) của Yann Moix. Một sự thật nghe khá hài hước về cuốn tự truyện dài 1150 trang và nặng 1,3 kg đã được tiết lộ rằng có lẽ giám khảo Jérôme Garcin là người duy nhất đã đọc xong toàn bộ tác phẩm.
Trong khi đó tờ BBC đưa tin cuốn The Goldfinch (tạm dịch Sẻ thông vàng) của nữ tiểu thuyết gia Donna Tartt đã trở thành cuốn sách của năm 2013 của hãng bán lẻ sách qua mạng danh tiếng Amazon. Cuốn tiểu thuyết kể về một cậu bé 14 tuổi sống ở Manhattan sau cái chết của người mẹ có độ dài 771 trang.
Danh mục những cuốn sách được yêu thích công bố hôm 7/11, được biên soạn bởi các biên tập viên tại các nhà bán lẻ trực tuyến của Amazon – hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới. Với hàng ngàn cuốn sách được rao bán với giá mềm nhất có thể và cơ sở dữ liệu đồ sộ về tác giả lẫn tác phẩm, Amazon còn được đánh giá thuộc top những trang mạng không thể bỏ qua dành cho người yêu sách.
“The Goldfinch là một kiệt tác sắc bén đầy cảm xúc” – bà Sara Nelson, giám đốc biên tập sách của Amazon nhận xét. Với độ dài gần 800 trang, đây chắc chắn không phải một cuốn sách dễ nuốt. Sau hơn 10 năm kể từ khi xuất bản cuốn sách thứ hai, Donna Tartt đã mang đến một cuốn tiểu thuyết đầy tham vọng được so sánh là tác phẩm mang phong cách Dicken của thế kỉ 21 và hứa hẹn sẽ thôi miên người đọc.
Nhà văn Donna Tartt và tác phẩm The Goldfinch
Chưa xuất bản đã đắt khách
Bằng chứng cho rằng xu hướng lựa chọn những cuốn tiểu thuyết có độ dài “khủng” đang hồi sinh càng thể hiện rõ rệt khi mới đây, hơn một chục nhà xuất bản hàng đầu nước Mỹ đã tranh nhau quyền phát hành cho cuốn sách dài 900 trang lấy bối cảnh ở thành phố New York thập kỉ 70.
Tờ thời báo New York đưa tin cuốn City on Fire (tạm dịch Thành phố trong biển lửa) của tác giả Garth Risk Hallberg, 34 tuổi, từng là cộng tác viên của các tờ đánh giá sách thời báo New York và The Millions. Các nhà xuất bản cho biết họ không thể tập trung vào việc gì cho tới khi đọc xong cuốn sách bên cạnh việc tung hô Hallberg sánh ngang với Michael Chabon và Thomas Pynchon.
Cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm bất thường dành cho một cuốn tiểu thuyết đầu tay khi mà 10 nhà xuất bản chào giá hơn 1 triệu USD để thương lượng quyền phát hành. Cuối cùng nhà xuất bản Knopf đã chiến thắng sau khi đưa ra mức giá gần 2 triệu USD.
Ông Sonny Mehta, chủ tịch kiêm tổng biên tập của Knopf, nói: “Đó là một cuốn tiểu thuyết lớn, bao quát và đầy tham vọng. Cuốn sách có được sự phong phú từ trong bản thân nó, đó là những gì tôi gần như có thể nhận xét ngay lập tức”.
Cũng giống như Catton hay Tartt, trong suốt sáu năm trời thực hiện tác phẩm của mình, Hallberg đã luôn bận tâm đến vấn đề độ dài. Hiện ngày xuất bản vẫn chưa được ấn định cụ thể. Phát biểu về cuốn sách, người đại diện của Hallberg, Chris Parris-Lamb nói:
“Có rất nhiều tiểu thuyết rất dài nhưng không nhiều cấu trúc sáng tạo bên trong. Chủ định và mục đích mà những cuốn tiểu thuyết có độ dài lớn đạt được là điều đáng lưu tâm”.
Ông cũng cho biết thêm, các sự kiện trong cuốn sách “xoay quanh một bí ẩn trung tâm: chính xác những gì đang xảy ra đằng sau cánh cửa thép bị khóa của một ngôi nhà bỏ hoang ở ngôi làng phía Đông”.
Những cuốn sách “lớn” luôn là một thách thức đối với mỗi tác giả để viết, với các nhà xuất bản trong công tác quảng bá và người đọc khi quyết định dành một khoảng thời gian lớn dành cho chúng. Với những tác phẩm vừa đáp ứng được các tiêu chí nghệ thuật vừa chứng tỏ được sự thu hút về mặt thương mại trên đây, dường như những cuốn sách thực sự có thể “gối đầu giường” đang được ưa chuộng và hứa hẹn mang đến cho làng văn học thế giới thêm nhiều nỗ lực sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc.
Mộc Miên
(Nguồn: VNQĐ online)