Lầu chim én- Truyện ngắn của Bão Vũ

Nguyễn Dữ nhăn mặt:
– Thưa thầy, con nghĩ, Văn Chính có miệng lưỡi độc địa mà làm sứ quan như thầy nói thì sẽ chỉ gây mất hòa khí giữa nước mình với nước người, dẫn đến họa binh đao mà thôi. Người như Chính hợp với chân thư lại Hình bộ, chuyên việc bức cung, ngụy biện, áp đảo tội nhân…

 

 

 

Nguyễn Dữ nhăn mặt:
– Thưa thầy, con nghĩ, Văn Chính có miệng lưỡi độc địa mà làm sứ quan như thầy nói thì sẽ chỉ gây mất hòa khí giữa nước mình với nước người, dẫn đến họa binh đao mà thôi. Người như Chính hợp với chân thư lại Hình bộ, chuyên việc bức cung, ngụy biện, áp đảo tội nhân.

Chừng cuối giờ Dậu, chiếc xe ngựa vượt qua ngọn đồi thấp đi vào một thị trấn nghèo với những ngôi nhà lá lụp xụp lấp loáng ánh đèn. Cơn mưa từ cuối giờ Thân đã nặng hạt hơn rơi lộp độp trên lớp vải sơn lợp mui xe. Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi gã đánh xe ngựa:
– Đến đâu rồi? Ta chẳng nhìn thấy gì cả.
– Bẩm quan Thị lang, đây là thị trấn Gia Phúc thuộc địa phận Hải Dương (1).
Nguyễn Bỉnh Khiêm thở dài:
– Thế là đã về đến đất nhà. – Ông vén rèm nhìn qua cửa xe tối đen. Những giọt mưa rơi xiên trong ánh sáng đèn nến vàng đục hắt ra từ những khuôn cửa sổ méo mó của dãy nhà lá xiêu vẹo dựa dẫm vào nhau. Thị trấn Gia Phúc này ông vẫn qua lại, bây giờ trong cơn mưa đêm trông lạ lẫm như một nơi nào đấy. Ông thoáng một ý nghĩ buồn cười: Một cơn mưa thường, một buổi tối như những buổi tối khác, thế mà chỉ cách vài trượng ta chẳng nhận ra cái nơi quen thuộc. Vậy mà người đời cho rằng ta có thể nhìn thấu tới năm thế kỷ sau.
Nguyễn Bỉnh Khiêm lay vai một người trẻ tuổi dáng thư sinh ngồi bên cạnh, đang ngủ gà gật:
– Văn Chính này. Đến Gia Phúc rồi. Dừng ở đây nghỉ qua đêm, mai đi tiếp.
Văn Chính, học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, như choàng tỉnh, nhìn quanh:
– Thưa thầy vâng ạ. Chỗ này có mấy nhà trọ, ta đến cái quán đằng kia ăn uống, rồi nghỉ lại. Quán ấy cũng tươm tất, có phòng ngủ sạch sẽ. – Rồi Chính bảo xà ích: – Rẽ trái, lên sườn dốc. Cái nhà gỗ có tầng lầu kia kìa.

 

Chiếc xe ngựa vòng tránh một vũng bùn lớn dưới chân gò, chậm chạp leo lên một đoạn đường vòng dốc thoai thoải, rồi dừng trước ngôi nhà gỗ hai tầng lưng chừng gò có đèn treo soi sáng tấm bảng gỗ đề ba chữ Nôm “Quán Dê núi”.
Có một người đội nón lá khoác áo tơi đứng trước cửa quán, im lặng dưới mưa, như con bù nhìn. Khi chiếc xe ngựa của thầy trò Nguyễn Bỉnh Khiêm dừng lại, người bù nhìn ấy vội đến bên mở cửa xe cúi mình cung kính:
– Con chào thầy ạ.
– Ai đấy? – Nguyễn Bỉnh Khiêm nheo mắt hỏi người đứng sấp bóng ánh đèn cửa quán. Văn Chính nhanh nhẹn nhảy xuống xe thân mật vỗ vai gã bù nhìn, rồi đưa tay đỡ Nguyễn Bỉnh Khiêm bước xuống:
– Thưa thầy, là Nguyễn Dữ người xã Đỗ Tùng, thuộc huyện Gia Phúc này đấy ạ. Hôm nọ lên kinh, khi qua đây, con ghé thăm anh ấy, có nói việc thầy cáo quan về quê. Chắc anh Dữ đoán thầy trò ta ngày giờ này sẽ về đây, nên đến chào.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhận ra Nguyễn Dữ, học trò của mình, ngạc nhiên hỏi:
– Sao anh biết đúng ngày giờ ta về đến đây?
Nguyễn Dữ lễ phép cúi đầu vái, làm chiếc áo tơi kết bằng lá móc khẽ sột soạt:
– Dạ thưa thầy, con biết anh Chính tuy là kẻ phóng túng nhưng lại… túng tiền, còn thầy là bậc liêm quan chẳng dư dả để đãi anh ấy nhiều, nên Chính chỉ có thể lưu lại kinh đô không quá ba ngày, đủ ghé qua Hàng Trống và xóm Yên Hoa mỗi nơi một đêm. Con đoán thầy sẽ theo”Lịch xuất hành” của Khổng Minh chọn ngày “Đường Phong” để về, còn giờ khởi hành sẽ là “Tiểu Các” theo phép “Lục Nhâm tiểu độn” của Lý Thuần Phong (2). Xe đi từ kinh đô về đây hết chừng ba canh giờ. Hôm nay lại gặp tiết Cốc Vũ, có mưa nên xe sẽ chậm hơn nửa canh, phải giữa giờ Dậu mới đến đây. Con đã đặt sẵn quán này bữa ăn và phòng nghỉ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm lắc đầu:
– Chỉ biết sơ vụ mà tính ra ngày giờ để đứng đón ở đây. Thật ta chẳng bằng lớp các anh.
Văn Chính cười:
– Thầy cứ nói thế. Cũng là thầy dạy chúng con đấy ạ. Mà Nguyễn Dữ lại là người thông thái hơn bọn con, trong đầu luôn nghĩ ra những chuyện quỷ quái để viết thành bộ “Truyền kỳ mạn lục”, thì điều này là rất nhỏ mọn đối với anh ấy.
Nguyễn Dữ nín cười, vờ cúi lau nước mưa trên mặt, đưa mắt ra hiệu đe gã đồng môn về câu nói vừa rồi. Gã đánh xe ngựa ngạc nhiên nhìn Nguyễn Dữ:
– Vậy ra cậu là người viết sách “Truyền kỳ mạn lục” lưu truyền lâu nay trong dân gian? Lũ trẻ con nhà cháu đêm nào cũng bắt kể những chuyện ấy, rồi sợ không dám đi tè mà vẫn cứ đòi nghe.
Nguyễn Chính bật cười lớn, bảo gã đánh xe:
– Đúng là bậc kỳ tài Nguyễn Dữ đây. Anh cứ nhìn cho thỏa thích đi, chẳng phải ngày nào cũng được tận mắt nhìn thấy của quý hiếm thế này đâu.
Gã đánh xe ngựa gật gù tặc lưỡi ra vẻ thán phục lắm:
– Thảo nào mà đoán trước được ngày đi giờ đến của người ở xa hàng trăm dặm. Nhưng… thưa quan Thị Lang, nhỡ hôm cậu Chính ghé thăm cậu Dữ này lại báo trước ngày giờ ngài về qua đây, rồi nhờ cậu Dữ ra quán đặt ăn, đứng đón, thì…
Cả ba thầy trò ngẩn ra rồi cùng bật cười lớn. Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy tay áo lau mắt. Ông đã ngoại ngũ tuần, gặp chuyện vui buồn dù nhỏ đều có thể ứa nước mắt:
– Cuối cùng thì chính ba thầy trò Trạng này lại thua kém một tay xà ích kia.

 

Họ bước vào quán. Nguyễn Dữ đưa mọi người đến bên cửa sổ có kê cỗ bàn ghế ghép bằng trúc trông rất thanh nhã. Gã đánh xe giao ngựa cho nhà quán chăm sóc rồi xin phép được ngồi bàn riêng biệt. Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo:
– Không phải giữ ý. Giờ ta đã là thường dân, suốt hơn trăm dặm đã thành thân quen, chú cứ ngồi cùng thầy trò ta cho vui. Mà từ giờ đừng một điều quan Thị lang, hai điều quan Thị lang, người ta nghe không ra lại nghĩ ta là ông quan thị.
Lũ hầu bàn vội thắp thêm đèn nến rồi bưng rượu cùng các món ăn đến. Nguyễn Dữ rót rượu vào các chén, mời:
– Thưa thầy, ở đây có quán này tuy khả dĩ hơn các quán khác nhưng cũng chỉ có rượu là uống tạm được thôi ạ. Còn thức ăn thì đầu bếp quê thô vụng chẳng thể bằng các cao lâu đất kinh kỳ. Mời thầy cùng các huynh đệ dùng bữa đạm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo Nguyễn Dữ:
– Anh chẳng phải khách sáo. Ta biết đất này có rượu Nam Sách ngon nức tiếng. Còn giống dê núi Chí Linh ở đây là nguồn thịt quý, tuy các quán dân dã không quen chế những thức cầu kỳ tinh tế, nhưng món tái với hầm cũng khá.
Văn Chính lại có dịp châm chọc Nguyễn Dữ:
– Vâng, thưa thầy, hôm con qua đây đến thăm nhà Dữ, anh ấy cũng nói là nhà chả có gì ăn, chỉ có mỗi cái bản mặt anh ấy dùng để đãi con. Lại còn đem bài thơ “Vô đề” của thầy ra để trốn bữa cơm đãi bạn đồng môn:
Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi:
– Ta có mấy bài “Vô đề”. Anh nói bài nào?
Chính thưa:
– Dạ thưa thầy, là bài:
Mừng nhau chỉ có cái… mặt không
Nhiều thì chẳng có, ít chẳng thông.
Hươu, nai vẫn đợi trên rừng Bắc,
Thu, vược đang chờ dưới bể Đông.
Nam Sách rượu nồng mà thiếu nậm,
Tây Chân quýt ngọt mới đâm bông(3)
…..
Nguyễn Bỉnh Khiêm bật cười, không nghe hết bài thơ, hỏi Nguyễn Dữ:
– Có chuyện đó không?
Dữ nhăn nhó:
– Thưa, oan con quá. Hôm Văn Chính đến nhà, quả là con có đọc bài thơ của thầy cho vui. Còn Chính thì cứ nằng nặc đòi ăn thịt con gà chọi của con. Cực chẳng đã, con phải gạt nước mắt giết con Thần Kê rất quý để đãi Chính. Thế mà bây giờ anh ta lại… Được rồi, sau đây con sẽ soạn thêm thiên truyện thứ hai mươi mốt cho bộ “Truyền kỳ mạn lục” đặt tên là “Quái hồ thư sinh” nói về gã học trò tham ăn, đã nuốt chửng nửa con gà chọi đến nỗi bị hóc xương chết, biến thành một con cáo bụng bé mà miệng rất to, chuyên rình bắt gà vịt của dân lành. 
Ngôi quán vang tiếng cười của mấy thầy trò. Sau một tuần rượu, Văn Chính nói:
– Thưa thầy, Nguyễn Dữ ra đây đứng đội mưa chờ đón thầy trò ta để tiếp đãi, một phần cũng do anh ấy có một sở nguyện đấy ạ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo Nguyễn Dữ:
– Điều này ta đã độn biết trước rồi: Khởi hành giờ Tiểu Các, đến giờ Dậu, cung Nô sẽ có Vũ Khúc ngẫu tinh đồng chiếu với sao Ân Quang. Vậy trên đường đi hôm nay có môn đệ tiếp đãi, rồi nhờ cậy chuyện văn chương. ý anh định nói với ta về bộ sách “Truyền kỳ mạn lục” phải không?
Nguyễn Dữ giương mắt ngạc nhiên nhìn thầy học thán phục:
– Thầy đúng là bậc thần cơ diệu toán. Chúng con học suốt đời cũng không hết thuật của thầy. Quả là con muốn được thầy chỉ giáo và sau này khi đem bộ sách ấy làm bản khắc in, xin thầy phủ chính, sửa chữa ngôn từ cho.
– Ta có đọc một bản do đám nho sinh chép lại theo lời người ta truyền tụng. Khá khen cho anh, chỉ với hai mươi đoản thiên mà thấy được đó là pho tuyệt bút. Ta đưa cho tiến sĩ Lương Vũ Lân đọc. Ông ấy bình rằng, tuy chưa phải là chính bản nhưng cũng thấy được cốt cách của một “Kim cổ kỳ thư”.
Nguyễn Dữ vội đặt chén rượu xuống bàn, thưa:
– Thầy quá khen. Con cũng chỉ lượm nhặt những sự lạ trong thiên hạ, tinh tuyển, sắp đặt lại cho câu chuyện mạch lạc, tuần tự. Rồi thêm thắt tình tiết và ít câu thơ theo lối các cổ thư, cho người đọc đỡ ngán.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nhíu mày:
– Ta từng đọc nhiều truyện truyền kỳ chí quái Trung Hoa như pho “Sưu thần kí” của các ông Can Bảo, Thương Tuấn, Câu Đạo Hưng và Đào Uyên Minh đời Tấn. Cả bộ cổ tịch “Sơn Hải Kinh” từ đời Tiên Tần về các thần thoại, địa lý, vu thuật, tông giáo, cổ sử,… cùng tập “Thái Bình Quang ký” ta cũng đọc qua. Vậy có phải anh cũng đọc những sách ấy nên bị nhiễm mà viết “Truyền kỳ mạn lục”?
Nguyễn Dữ cúi mặt:
– Thưa, con chẳng dám qua mắt thầy. Quả là con có được người nhà của một vị sứ quan từ Trung Hoa về cho đọc vài chương chép tay bộ “Thái Bình Quang ký” của Bùi Hình đời Đường viết về những sự tích kỳ lạ, và con đã chịu ảnh hưởng lối hành văn biến ảo với ngôn từ tinh vi, hoa mỹ của sách ấy. Còn “Sưu thần ký” thì con mới chỉ nghe nói đó là khuôn thước của những tiểu thuyết thần tiên ma quái, mà chưa được đọc. Bộ “Sơn Hải kinh” thì con chưa nhìn thấy bao giờ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nói:
– Chỉ học qua vài chương “Thái Bình Quang ký” mà viết ra được những thiên truyện kỳ ảo như vậy là giỏi lắm. Nhưng, ta hỏi, do đâu mà những câu chuyện trong “Truyền kỳ mạn lục” thường có bóng dáng một mỹ nhân?
Văn Chính chợt phì cười, vội buông chén, ho sặc sụa, phải lấy vạt áo che miệng cho rượu khỏi vung vãi. Rồi nói với Nguyễn Dữ:
– Nguyễn Dữ ơi, sao huynh không nhớ sư phụ của chúng ta là bậc “Trên trời chỉn chín tầng cao, tai nghe một mảy tơ hào biết ngay” mà cứ cố lấy chữ nghĩa che đậy lấp liếm làm chi. Bởi vì, cũng vẫn là thầy ta, có câu: Dẫu hay muôn chước ngàn lời… Dối thầy, thầy trị xoay trời được đâu. – Chính quay sang thầy học chắp tay: – Nhân vui chuyện, xin thầy rộng lượng cho phép con được mạo phạm một đôi chữ của thầy để nói cho Nguyễn Dữ dễ hiểu (4).
Nguyễn Bỉnh Khiêm vuốt chòm râu thoáng những sợi bạc, bảo Văn Chính:
– Lần này thì ta khen Văn Chính có tài ứng biến. Nếu chịu làm mệnh quan triều đình, anh có thể đi sứ nước người được. Còn Nguyễn Dữ, ta hỏi lại, do đâu mà mỗi câu chuyện thần quái anh viết luôn có bóng dáng một mỹ nhân khả ái?
Nguyễn Dữ lúng túng:
– Dạ thưa,… thầy từng dạy chúng con, mọi sự trong trời đất thảy đều tuân luật âm dương, tương khắc. Con cũng nghiệm thêm rằng, mọi chuyện trọng đại trên đời từ trước đến nay đều có nữ nhân tham dự. Bắt đầu từ thời Bàn Cổ khai thiên, chính bà Nữ Oa đã lấy bùn đất nặn ra con người, rồi lấy đá vá lại bầu trời bị thủng… Sau đấy Hậu Nghệ lừng lẫy bắn hạ chín mặt trời trừ hỏa tai cho nhân gian cũng có nàng Hằng Nga bên cạnh trợ giúp. Kế đến nàng Đát Kỷ đã khiến Trụ Vương mê muội tàn bạo bá trị, làm tan tành cơ nghiệp nhà Thương…
Văn Chính ngắt lời Nguyễn Dữ:
– Huynh kể những chuyện cổ tích mà ai cũng biết ấy làm gì. Trả lời ngay vào câu hỏi của thầy đi. Đệ xin phép thầy nói rõ thêm: Phải chăng huynh luôn có một hồng nhan tri kỷ bên mình để gợi cảm hứng cho việc viết ra những chuyện thần kỳ? Và mỹ nhân ấy rất gớm ghê, luôn khắc chế huynh khiến huynh vừa mê đắm vừa kinh sợ, nên các truyện của huynh đều có những yêu nữ.
Nguyễn Dữ nhăn mặt:
– Thưa thầy, con nghĩ, Văn Chính có miệng lưỡi độc địa mà làm sứ quan như thầy nói thì sẽ chỉ gây mất hòa khí giữa nước mình với nước người, dẫn đến họa binh đao mà thôi. Người như Chính hợp với chân thư lại Hình bộ, chuyên việc bức cung, ngụy biện, áp đảo tội nhân.
Văn Chính cười to:
– Dữ huynh an tâm, nước nhà sẽ thái bình thiên thu, vì đệ sẽ mãi mãi chỉ ở bên thầy hầu trà rượu, để học thầy cái sự nhàn mà thôi. Còn việc của huynh mới đáng ngại, vì huynh cứ viết những chuyện ma quái làm trẻ con không đi giải đêm được, sẽ gây ra họa xú uế cho mọi nhà. Bây giờ, huynh đừng đánh trống lảng, hãy chịu khó trả lời thầy đi.
Đến lúc này Nguyễn Bỉnh Khiêm mới thấu đáo sự minh tuệ của mình trong việc từ quan. Ông nghĩ, hai môn đồ của ta đang ngồi đây chỉ vừa qua tuổi thiếu niên cũng muốn tìm đến sự nhàn tản, an vui thanh bần. Mười tám kẻ lộng thần ta hạch tội trong sớ dâng vua vừa rồi chỉ là loài ký sinh trùng có trong mọi cơ thể, nhất là những cơ thể bệnh hoạn. Thời nào, nơi nào cũng có chúng, chẳng thể tiệt trừ. Lũ lộng thần, bọn gian thần là thành tố tự nhiên của mọi thể chế. Vua không nghe ta cũng là lẽ tự nhiên. Ta muốn phế triệt chúng khác nào một người mà lo việc nhặt cỏ dại cho cả vùng thảo nguyên. Ta chủ trương giáo cải con người để ổn định trật tự của chính thể. Còn Nguyễn Dữ, gã học trò giỏi của ta đã bộc lộ trong tác phẩm của y kỳ vọng cải tạo thể chế để bảo vệ sinh quyền và nhân phẩm của con người. Y mong muốn một xã hội mà chúng dân được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng và tình nhân ái.

Gã đánh xe ngựa đã ăn uống xong, vẫn ngồi hóng chuyện, thỉnh thoảng gọi thêm các thức cho cuộc rượu của ba thầy trò. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc gã:
– Chú vất vả cả ngày, cứ lên phòng nghỉ trước, thầy trò ta còn ngồi lát nữa. Hôm nay mười tám, trăng hạ tuần sắp mọc. Ta muốn nhìn lại cảnh quê dưới ánh trăng.
Gã đánh xe vâng lời đi lên lầu. Đúng lúc ấy một luồng ánh sáng rực rỡ từ ngoài cửa sổ chiếu vào bàn rượu làm mờ cả những ngọn đèn dầu lạc treo quanh. Trăng hạ tuần đã mọc vượt khỏi đỉnh gò sau quán. Mưa đã tạnh, bầu trời đêm trong trẻo. Qua khuôn cửa sổ lớn, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn thấy cách đấy vài chục thước trên đỉnh gò bóng một mái lầu vượt lên khỏi đám cành cây khô đen thẫm. ánh trăng soi lấp loáng những họa tiết hoa văn ốp men sứ đẫm nước mưa trên nóc toà lầu. Ông hỏi Nguyễn Dữ:
– Hình như trên kia có dinh thự của ai đó?
– Thưa, đấy là nhà một thương gia cự phú họ Trần, chuyên cung cấp đồ gốm sứ cho cung đình và các phủ đệ trên kinh đô.
Văn Chính hỏi:
– Sao dinh cơ của cự phú mà xung quanh cây cối chết khô, âm u không ánh đèn nến như nhà hoang vậy?
Dữ đáp:
– Nhà này ông ấy làm cho bà vợ lẽ lấy chỗ đi về các lò sứ vùng này. Còn dinh cơ chính ở kinh đô. Bà vợ lẽ đã chết từ ba năm nay, chỉ còn cô con gái riêng của bà ấy tuổi mới mười tám và người nhũ mẫu già, nên nhà cửa hoang tàn.
Văn Chính lại hỏi:
– Các bà vợ lẽ thường trẻ đẹp. Vợ lẽ đại phú gia phải thuộc hàng quốc sắc thiên hương. Cô con gái đang tuổi phát sắc, chắc là rực rỡ lắm?
Nguyễn Dữ cười:
– Huynh chỉ bằng vào vài trải nghiệm phàm tục của mình mà suy đoán vậy. Thực ra bà vợ lẽ này không phải là mỹ nhân, mà là một nghệ nhân ở kinh thành, bà ta đã có con riêng, nhưng có tài đàn địch, thi họa. Phú gia họ Trần lấy bà đưa về đây để lo việc thẩm định quản lý mặt hàng gốm sứ trước khi chở về kinh. 
Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn đăm đăm về phía ngôi nhà trên gò, bỗng ngậm ngùi:
– Ban ngày chắc là cảnh sắc chốn ấy cũng hoang liêu cô tịch, chẳng hợp với một cô gái đang thì xuân sắc.
Vẻ mặt Nguyễn Dữ thoáng buồn:
– Vâng. Mấy năm nay phú thương họ Trần không ngó ngàng đến nên ngôi nhà như bỏ hoang, ngày đêm im lìm. Chỉ có lũ chim én kéo đàn về làm tổ. Ngày trở gió én bay ra rợp trời.  
Văn Chính ngẫm nghĩ rồi ghé tai Nguyễn Dữ:
– Đệ đã trộm đoán ra lời đáp cho câu hỏi ban nãy của thầy về tác phẩm trứ danh “Truyền kỳ mạn lục” của huynh rồi.
Nguyễn Dữ mỉm cười, đáp lại Văn Chính:
– Kẻ ma mãnh như huynh thì có thể nghĩ ra mọi thứ chuyện bậy.
Ba thầy trò đã chếnh choáng say. Họ ngưng chén, dùng đồ tráng miệng hầu bàn đem đến. Rồi Nguyễn Dữ đứng lên lễ phép:
– Giờ đã muộn, mời thầy và anh Chính lên gác trên nghỉ. Con về qua nhà lo chút việc, sáng mai con sẽ đến hầu thầy.

 

Nửa đêm, trời đổ cơn mưa nhỏ, tiếng mưa nhẹ thì thào như tiếng gió. Trong giấc ngủ chập chờn, Nguyễn Bỉnh Khiêm thoáng nghe như có tiếng đàn hát lẫn trong mưa. Ông lắng tai. Chỉ là tiếng mưa gió lùa nhẹ qua khe cửa. Nhưng rồi lại rõ là tiếng hồ cầm, loại hồ trung thường dùng để hoà âm cùng giọng của kép trung, kép trầm, hoặc giọng của đào trung, những ca nương có giọng thổ. Ông tỉnh ngủ hẳn. Đúng là tiếng hồ cầm đang diễn tả những âm điệu ưu tư, trầm mặc, với giai điệu rất buồn. Rồi hồ cầm lặng đi, vang lên tiếng thập lục cầm. Nguyễn Bỉnh Khiêm biết rõ loại đàn này. Nơi kinh thành, chỉ những ca lâu sang trọng dành cho các vị công hầu, các vương tôn công tử mới có ca công dùng thập lục cầm. Mười sáu sợi tơ được gẩy bằng móng đồi mồi phát những âm thanh đồng tấu nghe như đua chen mà hòa hợp. Âm sắc của loại đàn này vốn trong trẻo tươi sáng lảnh lót, nhưng giữa đêm mưa thanh vắng nơi hoang vu này lại như nỗi day dứt, réo rắt tha thiết lắm.
Rồi có tiếng hát vẳng đến, giọng nữ thổ, nghe mệt mỏi, buồn bã, chán chường:
Từ xa Kinh khuyết bấy lâu
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai…

Nguyễn Bỉnh Khiêm giật mình. Trời, sao lại có “Tỳ bà hành” ở chốn quê giữa đêm mưa buồn này? Chả lẽ có người tri âm tri kỷ biết ta ở đây nên đem thơ họ Bạch ra an ủi.
Chốn cùng tịch lấy ai vui thích
Tai chẳng nghe đàn địch cả năm…
Tiếng cầm ca lúc gần lúc xa lẫn trong tiếng mưa xạc xào.
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối
Cuốc kêu sầu, vượn hót véo von
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn
Lần lần tay chuốc chén son ngập ngừng
– Văn Chính à… Có nghe thấy gì không, Chính? – Nguyễn Bỉnh Khiêm khẽ gọi. Rồi ông ngồi dậy nhìn sang giường Văn Chính. ánh trăng trong mưa chiếu lờ mờ căn gác. Tấm màn quây quanh giường Văn Chính bất động. Gã thanh niên đang tuổi ăn ngủ. Sớm mai sẽ hỏi Nguyễn Dữ về chuyện này. Ông nằm xuống, kéo chăn đến tận cằm, mơ màng chìm trong tiếng đàn hát.
Tỳ bà nghe dạo canh khuya
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai…
(5)
Nguyễn Bỉnh Khiêm thiếp đi, cho đến khi Văn Chính khẽ lay vai ông:
– Thưa, đã đến giờ… Mời thầy dậy rửa mặt dùng điểm tâm.
Nguyễn Dữ đã chờ dưới nhà. Mấy thầy trò ăn điểm tâm xong, Nguyễn Dữ kính cẩn nâng trước mặt Nguyễn Bỉnh Khiêm một hộp gỗ sơn đen:
– Thưa thầy, con đã chép lại một bản chính của bốn tập “Truyền kỳ mạn lục” kính nhờ thầy đọc và phủ chính giúp con trước khi làm bản khắc (6). Cũng nhân thầy về trí sĩ, con biếu thầy hai bộ ấm chén trà và nậm rượu bằng sứ Chu Đậu, Mỹ Xá để dùng hàng ngày. – Nguyễn Dữ không quên châm chọc người bạn đồng môn, quay sang đưa chiếc hộp gỗ cho Văn Chính giữ, rồi nhắc:
– Đây là bộ đồ ẩm trà tửu đệ đặt riêng lò gốm chế tác rất công phu để thầy dùng. Khi huynh pha trà rót rượu hầu thầy phải chuyên tâm cẩn trọng, dù có mỹ nữ ngang qua mặt cũng không được liếc ngang liếc dọc, kẻo làm sứt vỡ thì phí.
Mấy thầy trò lại cười. Chợt Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi hai môn đồ:
– Khoảng giữa giờ Tý đêm qua, có ca nương đàn hát “Tỳ bà hành” đâu đây. Văn Chính có nghe thấy gì không?
Chính vội thưa:
– Con đi đường trường mệt, lại uống say nên ngủ không biết gì ạ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi Dữ:
– Ta nghe ca nương vừa gảy đàn thập lục vừa ca giọng thổ, lại có hồ cầm phụ họa, thiện nghệ như ở ca lâu chốn kinh kỳ. “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị là bản trường ca, ít người thuộc. Quanh đây có ai giỏi như vậy không?
Nguyễn Dữ thưa:
– Thưa thầy, có lẽ mấy người chuyên nghiệp cầm ca qua đây, nghỉ lại quán bên cạnh, lạ chỗ không ngủ được, ngồi đàn hát cho đỡ buồn chăng?
Nguyễn Bỉnh Khiêm gật gù lẩm bẩm:
– Có lẽ thế. – Rồi ông bảo người đánh xe, – Đến giờ xuất hành rồi, ta đi thôi. – Ông đặt tay lên vai Nguyễn Dữ, ân cần – Ta sẽ nhuận sắc cho bộ sách của con. Nhưng con vẫn nên tự chỉnh lại đôi chỗ. Những thiên nào, đoạn nào nhận thấy giống trước tác của người khác, dù của các bậc đại gia, thì phải sửa lại cho có sắc thái của riêng mình. Rồi ta sẽ chỉ ra những phần con đã viết giống như “Tiễn đăng tân thoại” của Cù Hựu đời Nguyên. (7)
Văn Chính đỡ Nguyễn Bỉnh Khiêm lên xe. Nguyễn Dữ bùi ngùi bái biệt.

 

Khi chiếc xe ngựa men theo con đường vòng chân gò rẽ ra đường cái quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm ngước nhìn lên đỉnh gò. Ban ngày thấy rõ mái toà lầu rêu phong với những bao lơn vắng lặng và những khuôn cửa sổ đen im lìm. Từ đám cành cổ thụ khô xám khắc rối rít trên nền trời mây, những con chim én bay vụt lên liệng quanh. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận ra “Quán Dê núi “ đơn độc giữa sườn gò, chẳng có túp nhà nào kề bên để có thể từ đấy vọng đến phòng ông tiếng đàn hát. Ca nương đêm qua chắc là ở tòa lầu hoang phế kia. Chú mục nhìn kỹ, ông thấy một bóng áo xanh nhỏ nhắn đứng trên đỉnh gò bên một gốc cổ thụ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm mỉm cười nhớ đến Yến Tử Lâu trong thơ Bạch Cư Dị. Ông hình dung ra một nàng Tiểu Yến Tử cầm ca điêu luyện trong ngôi lầu Chim én hoang tàn đã gợi cảm hứng cho người học trò tài hoa của ông viết nên bộ sách “Truyền kỳ mạn lục”.
Văn Chính đã gục đầu ngoẹo cổ, ngáy, người nhún nhảy theo nhịp vó ngựa. Vẫn cái tật ăn không biết no, ngủ không biết đủ của tuổi tráng niên. Gã đánh xe ngựa ngoái lại thấy bộ dạng Văn Chính, mỉm cười khẽ nói:
– Thưa quan Trạng, sáng nay cháu dậy sớm xuống nhà xem ngựa xe thế nào, thì thấy cậu Chính cùng cậu Dữ từ trên đỉnh đồi xuống, cả hai mặt mũi phờ phạc, khăn áo ướt sũng, chắc suốt đêm các cậu ấy đi chơi bên ngoài đến sáng mới về.
Lại vẫn là gã xà ích lật tẩy chuyện tưởng là cao siêu kỳ bí của những người nhiều chữ. Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy thú vị về hai môn đồ của mình. Ông hình dung ra nàng Tiểu Yến Tử lớn lên trong tiếng đàn ca của mẹ, bây giờ sống cô độc trong ngôi lầu hoang vắng chỉ có lũ chim én làm bạn. Ông nhớ trong thiên “Gặp gỡ ở vườn Tây” của bộ “Truyền kỳ mạn lục”, Nguyễn Dữ có hai câu thơ hay:
Khả hận Đông Hoàng tư trước ý,
Nhất chi tiều tụy nhất chi xuân
( Khá trách Chúa Xuân thiên vị lắm
Một cành bỏ héo, một cành xuân)

Con đường chạy về phía Đông, gần trăm dặm nữa sẽ đến đất Vĩnh Lại có ngôi làng Trung Am. Cỗ xe ngựa gõ móng hướng về phía ấy, nơi những đám mây trắng./.

 

Cuối năm Canh Dần

 

B.V

 


(1) Thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm, và huyện Gia Lộc gọi là Gia Phúc, huyện Vĩnh Bảo gọi là Vĩnh Lại, đều thuộc Hải Dương.
(2) Lý Thuần Phong đời Đường giỏi thiên văn lịch số.
(3) Đặc sản: Rượu ngon Nam Sách (Hải Dương),
quýt ngọt Tây Chân – Nam Trực (Hà Nam) (4) Nguyên 2 câu trong thơ Sấm của Trạng Trình: Dẫu hay tấn chước ngàn lời/…Đương thời đời trị xoay vần được đâu… 2 câu cách nhau, Văn Chính sửa lại cho vần và hợp ngữ cảnh.
(5) Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị đời Đường, bản dịch của Phan Huy Vịnh.
(6) Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký viết:“Dữ ở ẩn không làm quan, viết Truyền kỳ mạn  lục, phần nhiều được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính (sửa chữa) trở thành“thiên cổ kỳ bút”.
(7) Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Truyền kỳ mạn lục, bốn quyển do dật sĩ Nguyễn Dữ soạn, đại khái bắt chước Tiễn đăng tập của một nhà nho đời Nguyên”
Tư liệu lịch sử:
Năm 1535, lúc 45 tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi và đậu Trạng nguyên, vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm Tả Thị lang Đông các Học sĩ. Làm quan được bảy năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan về quê trí sĩ. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như Cử nhân Nguyễn Dữ- tác giả Truyền kỳ mạn lục, Thượng thư Bộ Lễ Lương Hữu Khánh, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Quốc công Nguyễn Quyện, Thượng thư Bộ Hộ Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Trương Thời Cử, Tiến sĩ Đinh Thời Trung, Hàn Giang Phu tử Nguyễn Văn Chính…

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder