
Chương trình Lễ hội truyền thống Văn chương Việt Nam lần thứ IV do Trung tâm Nghiên cứu văn chương (Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) tổ chức đã diễn ra trang trọng, vui tươi, sôi nổi, đầy hào hứng, vào Sáng Thứ hai 29-8-2022, tại hội trường Khách sạn Bộ Xây Dựng (Khu 2 Đồ Sơn – Hải Phòng). Đây là điểm mốc nhìn lại 9 năm hoạt động vừa qua của Trung tâm và càng có ý nghĩa khi được diễn ra đúng dịp chào mừng Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Hơn 150 đại biểu của gần 20 Câu lạc bộ nghiên cứu và sáng tác văn chương, Câu lạc bộ thơ, Trang thơ đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Phú Yên, Hải Phòng đãtới dự.
Phát biểu khai mạc và đánh trống khai hội cùng màn múa cờ rực rỡ, nhà thơ Hương Thu – Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn chương Việt Nam – khẳng định giá trị trường tồn của những áng thơ văn bất hủ gắn với những sự kiện hào hùng của dân tộc, bày tỏ niềm tự hào khi mới đây Tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã tôn vinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam là Danh nhân văn hóa thế giới.
Sau khi đón nhận Quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm phụ trách phía Bắc, nhà thơ Lê Ngọc Anh đã trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động 9 năm của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn chương Việt Nam. Kể từ khi thành lập đến nay, không chỉ thành lập được nhiều đơn vị Thành viên với sự phê duyệt của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Luôn luôn bám sát các hoạt động của các đơn vị, để kịp thời hướng dẫn hoặc giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đơn vị được sinh hoạt tốt nhất, Trung tâm còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa có ý nghĩa như: Chương trình Lễ Hội truyền thống Văn chương Việt Nam, các chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc giao lưu văn hóa giữa các đơn vị bạn trong và ngoài trung tâm, tổ chức nhiều chương trình nói chuyện chuyên đề về các vấn đề văn học, như: Chương trình Hội thảo về thơ Lục bát, Buổi nói chuyện chuyên đề: Thơ Đường luật và những điều cần đổi mới, v.v … Trung tâm đã tổ chức thành công tốt đẹp 2 cuộc thi thơ bốn câu, mở rộng trong toàn quốc và cuộc thi thơ Đường luật thất ngôn bát cú, nhận được phản hồi tốt từ cộng đồng. Trung tâm biên soạn công phu tập VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM ĐẶC BIỆT, nội dung cung cấp nhiều tư liệu quý giá, nhằm hỗ trợ cho việc sáng tác của Thành viên nói riêng và những người yêu thích sáng tác nói chung. Thành quả đáng ghi nhận nhất là Tập VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM dù rất khó khăn, nhưng Ban giám đốc Trung tâm vẫn cố gắng duy trì xuất bản hàng quý, đến nay đã được 24 tập. Thu hút nhiều thành viên và cộng tác viên tham gia, tạo được một không gian văn học đầy yêu thích cho mọi người. Công trình biên khảo cuốn “ Thơ Đường luật Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI” đã và đang được hoàn thành, đây là một công trình có giá trị về văn học, dự kiến phát hành trong quý đầu của năm 2023. Trung tâm đã giới thiệu 53 thành viên sinh hoạt ưu tú, để được công nhận và cấp thẻ Hội viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Tới đây, Trung tâm cố gắng khoảng cuối tháng 5/2023,mở Trại hướng dẫn sáng tác mở rộng cho toàn Hội viên và Thành viên sinh hoạt trong cả nước mở nhiều chương trình giao lưu, kết nghĩa giữa các đơn vị trong và ngoài trung tâm để kết nối, và thắt chặt tình đoàn kết giữa các thành viên trong Trung tâm, trao đổi kiến thức về tổ chức và sáng tác để nâng tầm hoạt động cho từng đơn vị thành viên. Trung tâm sẽ xây dựng lại nhân sự khối văn phòng và phục hồi việc xuất bản tạp chí Văn chương Việt Nam trong năm 2023.
Nhân dịp Lễ hội này, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Thơ Đường luật lần thứ Nhất do Tạp chí Văn chương Việt Nam phát động trong năm 2019 – 2020. Cuộc thi đã thu nhận hơn 4000 bài thơ Đường luật của hơn 500 tác giả trong cả nước dự thi. Kết quả, có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 16 giải Khuyến khích.
Tiếp đó, đại diện Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu văn chương thành phố Hải Phòng, Câu lạc bộ Nghiên cứu và sáng tác thơ Đường luật Việt Nam, Câu lạc bộ Thơ lục bát Đất Phương Nam, Câu lạc bộ thơ Sông Hàn – Đà Nẵng và đơn vị Nghiên cứu văn chương tỉnh Phú Yên đã lần lượt báo cáo những thành tích nổi bật của đơn vị mình trong thời gian qua. Nhân dịp Lễ hội lần này, Liên hiệp Hội UNESCO Việt Nam tiến hành khen thưởng cho một số tập thể và cá nhân tiêu biểu của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn chương Việt Nam. Hơn chục tiết mục đọc thơ, hát văn, tốp ca, tốp múa đã được biểu diễn trong chương trình Lễ hội.
Trước đó, vào tối Chủ nhật 28-8-2022, tại khu vực sân khấu ngoài trời, đã tưng bừng diễn ra buổi Gala Dinner giao lưu văn hóa 3 miền Bắc – Trung – Nam của Tổ quốc, với 20 tiết mục độc thơ, múa, hát văn, dân vũ. Các tiết mục tập trung ca ngợi Tổ quốc quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc và miền đất, con người Hải Phòng. Một cuộc thi sáng tác nhanh cũng được phát động tại đây và đã trao giải trong chương trình Lễ hội.
Nhà thơ Lê Thị Tâm Chung – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu văn chương Hải Phòng – cho biết: lẽ ra Lễ hội được tổ chức dịp cuối năm 2020, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid – 19, nên đến nay mới thực hiện được. Là đơn vị đăng cai tổ chức, Hải Phòng đã tích cực góp phần vào thành công của Lễ hội và có đông đại biểu tham gia, trong đó có các nhà thơ Hoài Khánh, Trịnh Toại, Phúc Hữu và dịch giả Nguyễn Ngọc Châu.