Lắng nghe ý nguyện của dân

Công cuộc đổi mới, mở rộng dân chủ…

Nhà văn VÕ KHẮC NGHIÊM

Công cuộc đổi mới, mở rộng dân chủ đã tạo ra những bước phát triển rất đáng mừng trong đời sống xã hội Việt Nam hơn hai mươi năm qua. Nhờ sự công khai tranh luận trên báo chí, tranh luận ở nghị trường Quốc hội… và lắng nghe tiếng nói phản biện đa chiều của nhân dân và sự tư vấn chân tình của bạn bè khắp năm châu mà nước ta đã vượt qua những thách thức khốc liệt trong quá trình hội nhập đầy gian nan giữa cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khắc phục được nhiều khó khăn, thiếu sót trong tổ chức – quản lý, giữ được sức tăng trưởng phù hợp, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống toàn dân…

Tuy nhiên đã có không ít tiếng nói phản biện đúng đắn mang tính dự báo đầy thuyết phục, đầy tâm huyết đã không được nghiêm túc quan tâm – thậm chí “bỏ ngoài tai”, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như dự án Bauxite, vụ Vinashin, đóng băng bất động sản, rối loạn ngân hàng, nợ xấu mênh mông v..v…

Ngày nay mọi quốc gia, mọi ngành nghề trên thế giới đều coi trọng phản biện – Nhiều thiên tài nổi danh nhờ tìm ra những định lý ngược. Phản biện mang nhiều ý nghĩa rộng lớn với sự cảnh báo, dự báo, những gợi mở sâu xa, những phát hiện mới mẻ giúp cho các dự án, các chủ trương, quyết sách lớn tránh được lãng phí, thiệt hại nặng nề.

Nhà nước ta đang mở cuộc vận động: toàn dân tham gia góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (1992). Cũng có thể nói là Nhà nước mời toàn dân tham gia phản biện. Lần đầu tiên người Việt ta được đọc toàn văn một bản Hiến pháp (1992) cùng bản dự thảo sửa đổi với 132 trang in khổ 18×24 trên giấy đẹp, phát cho mọi gia đình – một việc làm khá tốn tiền, công phu. Chỉ sau hơn 2 tháng đã có trên 20 triệu lượt ý kiến được tiếp nhận, tiếp thu mà theo Ban biên soạn dự thảo thì có nhiều đề xuất mới mẻ như làm rõ vai trò Chủ tịch nước, trao thực quyền cho Hội đồng Hiến pháp, viết điều 4 ngắn gọn, đúng kỹ thuật lập hiến…(Vietnam Net).

Không thể biết có bao nhiêu triệu người đã đọc kỹ bản dự thảo để có thể phát biểu chính kiến của mình, nhưng tôi biết khá nhiều cán bộ lão thành, nhiều nhân sỹ trí thức, nhiều nhà khoa học không chỉ đọc đi đọc lại nhiều lần mà còn say sưa trao đổi, tranh luận trong gia đình, với bạn bè… và thức thâu đêm, rút ruột ra viết nhưng ý kiến đầy sức thuyết phục. Cũng có những người lao động không đủ trình độ phân tích nhưng đã đặt ra những câu hỏi buộc ta phải suy ngẫm như: Sao không để dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước? Vì sao phải để điều này, bỏ điều kia thì có lợi gì cho nước, cho dân? Vì sao không làm Hiến pháp mới mà cứ sửa đổi mãi vậy?… Những câu hỏi đơn giản mà không dễ trả lời. Dù thế nào thì mọi ý kiến phản biện đều rất đáng được trân trọng, tiếp nhận, tiếp thu. Những gì chưa tiếp thu, không tiếp thu cũng cần có phản biện mang tính khoa học, lý luận chặt chẽ. Đừng “bỏ ngoài tai” hay nói lấy lòng. Không có phản biện chân chính sẽ không thể có dân chủ đích thực.

VKN

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder