Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
VHP đã và đang giới thiệu Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước. Kỳ này VHP xin được giới thiệu bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về Tuyển tập thơ thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
VHP đã và đang giới thiệu Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước. Kỳ này VHP xin được giới thiệu bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về Tuyển tập thơ thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước.
Sau bản tin chiều đài Tiếng nói Việt Nam ngày 5-8-1965, bữa cơm tối trong mọi văn nhà Hà Nội hôm ấy đã không còn là bữa cơm của thời bình nữa. Báo Văn Nghệ ra số đặc biệt. Hai trong các bài thơ số báo ấy còn lưu mãi trong ký ức văn học: Sao chiến thắng của Chế Lan Viên và Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ. Sức lay của thơ vào trái tim người đọc là lòng yêu đất đai xứ sở: Một đảo vắng Hòn Ngư còn chớp lệ/ Một rặng núi Kỳ Sơn từng lắm lúc mưa nguồn (Chế Lan Viên). Một dạng xúc cảm mới xuất hiện và duy trì trong thơ cho đến hết cuộc chiến, ấy là sự chia ly. Trên cái nền chia ly trận mạc ấy một thế hện nhà thơ nảy sinh và phát triển. Ấy là thế hệ những chàng trai cô gái xuất thân từ các gia đình nông dân ở nông thôn hay cán bộ công nhân viên chức ở thành thị, bước qua ngưỡng cửa nhà trường trung học là vào ngay cuộc chiến tranh dai dẳng và ở mức ác liệt chưa từng có.
ĐẶC ĐIỂM CỦA NỀN THƠ
Vị chiến trận thành đặc trưng tâm hồn
Nếu ở cuộc kháng chiến lần thứ nhất 1946-1954, phong vị kháng chiến của thơ không phải từ các cây bút gạo cội từng nổi tiếng trên văn đàn công khai của phong trào Thơ Mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Anh Thơ… mà lại do những người trước đó gần như chưa được biết đến hoặc tên tuổi còn khá mờ nhạt như Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… thì ở cuộc kháng chiến lần hai này, cũng thuộc về những tên tuổi mới. Đó là Thu Bồn, Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuậm Cầm, Hữu Thỉnh, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo… họ là những người lính thực sự. Bên cạnh họ là những người làm thơ cùng với làm thợ, làm khoa học, làm báo, dạy học… như Tạ Vũ, Thanh Tùng, Nguyễn Xuân Thâm, Ngô Văn Phú, Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Thanh Nhàn, Ý Nhi…
Ba thế hệ nhà thơ cùng tác nghiệp. hai thế hệ đầu rất nhiều thi sĩ tài năng: thế hệ viết từ trước cách mạng: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Yến Lan… đã nối lại được những đặc sắc của bút pháp giai đoạn trước với cảm xúc mới và đang trên đà sáng tạo; thế hệ kháng chiến lần thứ nhất có bị tổn thất qua các cuộc đấu tranh tư tưởng, nhưng những Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông… đang thời hoàn thiện. Nhưng tại sao vị hiện thực chiến trường lại lưu giữ trong thơ lớp trẻ. Giải thích, có thể tìm từ nhiều ngọn nguồn. Nhưng thực tế: lớp trẻ là người ra trận. Họ sống cuộc sống chiến tranh không chỉ trong tâm, trong trí mà trong cả toàn thân xương thịt. Họ cảm nhận cuộc sống chiến trường bằng mắt thiếu ngủ, bụng thiếu ăn, chân mỏi, lưng đau, vết thương nhức buốt và bao nỗi thương cha nhớ mẹ. Trong khi lớp thi sĩ đàn anh nghiêng về bình luận cuộc chiến. Huy Cận nghĩ về Ngã ba Đồng Lộc trong các khái niệm ngã ba của đời người. Chế Lan Viên lại càng nghĩ và… suy nghĩ, Tố Hữu qua nước non ngàn dặm mà nét sống mang vị thật của đời vào thơ mới chỉ đôi ba nét vài chàng lính trẻ măng tơ/ nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi. Thế mạnh của các ông là chiêm nghiệm, là nhận thức, là tổng hợp, khái quát. Bài thơ của các ông sâu và rộng. Đó là ưu điểm nhưng nó lại thiếu sức cựa quậy của đời sống thật, với các chi tiết vốn có của những ngày thường sinh động, của tâm trạng tươi ròng trong những khoảnh khắc hiện thực xã hội, những ý thơ không thể ngồi nghĩ ra mà phải có mặt trong hiện hữu mà chộp lấy. Lớp người lớn tuổi không dễ để có mặt đủ ở những chân trời góc bể của chiến tranh. Đấy là lợi thế của lớp trẻ. Thơ của họ có sức miêu tả chiến tranh. Phạm Tiến Duật phát hiện trong đám nữ thanh niên xung phong đi lấp hố bom đêm mà anh gặp ở đường vận tải 559: đại đội trong đêm đi lấp hố bom áo em hình như trắng nhất. Lấp hố bom, vá đường cho xe chạy, việc đất đá lấm láp, hơn nữa làm trong đêm, không ánh lửa, sao em lại diện pô pơ lin pha ni lông trắng? Nghĩ buồn cười mà ứa nước mắt. Con gái, ai mà không có nhu cầu làm đẹp. Nhưng ở rừng núi Trường Sơn bom đạn này, em biết làm đẹp vào lúc nào. Bộ đồ sáng giá là cái áo sơ mi trắng, chỉ có thể diện vào lúc đi làm, dù là làm đất đá, làm trong đêm. Thanh Thảo cũng có câu thơ vào loại “bi tráng”: So với trời xanh và rừng già chúng tôi trẻ nhất. Trẻ mà so với trời với đất thì chả nghĩa gì. Nhưng không so thế thì so với ai? Cuộc sống thời chiến, trừ vài năm đầu mỹ lệ hoá theo sách vở, theo tưởng tượng Giã nhà đeo bức chiến bào ra, nay đã nhanh chóng thấm vào mọi vui buồn thường nhật của những nhà thơ tuổi chiến binh. Một vùng rừng gợi nhớ làng quê Cũng vương tóc rối chân gà/ Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây/ Cũng quần áo ướt phơi dây? Cũng gầu múc nước… ô hay! Cũng làng (Phạm Tiến Duật). Đằng sau niềm cảm thán ngạc nhiên ấy là nỗi nhớ thương nung nấu cuộc sống yên bình, quê kiểng, mẹ cha. Đấy là cái sâu thẳm của cả một thời đại đã lắng và đọng vào mỗi câu thơ khoảnh khắc. Nguyễn Đức Mậu có thơ về giấc ngủ theo đội hình đánh giặc của đơn vị. Hình tượng của thơ là hình ảnh thực của đời anh lính bộ binh tạm nghỉ lúc hành quân. Nhưng cái thực ấy lại đựng trong lòng nó một khái quát đặc thù của chiến tranh hiện đại. Bộ trưởng y tế thời ấy, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đề xuất: Mỹ cấp cứu chiến thương nhanh nhờ trực thăng, ta muốn nhanh hơn thì cấp cứu tại chỗ. Người lính đã thường trực chiến đấu ngay cả khi ngủ, bừng mắt là đã có đội hình tại chỗ để tấn công. Hữu Thỉnh ghi như kể lại lòng mình khi xe tăng đơn vị anh đánh vào Phan Thiết, nơi người anh ruột của mình đã hy sinh:
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe.
Em một mình đứng khóc ở sau xe, câu thơ hay mà không một người thơ nào muốn có. Chưa bao giờ sáng tạo nghệ thuật lại trĩu nặng với bi thương số phận đến vậy. Đấy không còn là chuyện làm thơ mà là sống một lần nữa, để không bao giờ quên được, cái phần ta đã sống với chiến tranh. Hoàng Nhuận Cầm ghi nhanh buổi tất niên, lính chiến trường đón tết: Lính tráng cởi truồng lội sông đón tết. Muốn đón tết phải sang đơn vị bạn bên kia sông. Muốn quần áo tinh tươm khô ráo đón xuân thì phải thế thôi. Thơ của những ngưòi thơ song sinh cùng với lính nên vị chiến trận mới thành đặc trưng tâm hồn của họ. Trong cuộc kháng chiến lần trước:
– Nằm kề bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
– Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
Có tiếng gà gáy xóm
Là thơ của Chính Hữu, Hồng Nguyên chứ không thể, đã không thể, là của Thế Lữ hay Lưu Trọng Lư, của Xuân Diệu hay Chế Lan Viên… chỉ đơn giản vì chất trữ tình ấy với các chi tiết hiện thực ấy đã không thuộc về đời của các ông. Bây giờ văn học sử như lập lại nhịp đặc trưng của mười năm trước. Chiêm nghiệm xã hội hoặc chiêm nghiệm lịch sử đúc vào những mệnh đề câu mới là thế mạnh của các đấng bậc này:
Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi, bờ sông
Đến lúc tột cùng, là dòng huyết chảy.
(Xuân Diệu)
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chếthoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra.
(Tố Hữu)
Đấy là những ý thơ ca ngợi người chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Trỗi, đều viết vào tháng 10-1964. Thơ hay. Nhưng là cái hay của sự cả nghĩ, của tổng hợp, đúc kết, không phải là cái hay khúc khích, sinh động của miêu tả, trần thuật.
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Đây là một câu trong bài thơ mở đầu cho chặng thơ kháng chiến lần hai của Chế Lan Viên. Nó thoát thai từ trận thắng đầu ngày 5-8-1964. Nó phác nên vóc dạc chung của nhà thơ trong cuộc chiến. Nhưng tôi muốn mượn nó để vận vào các nhà thơ khai sinh từ cuộc chiến tranh này. Họ vào thơ đồng lúc với vào trận, hoặc ngược lại, ra trận cùng lúc với làm thơ và ở phía nào, ngay từ buối đầu ấy, họ cũng đã ngang tầm với đòi hỏi của thời cuộc.
Thời kháng chiến lần I, những năm đầu, lớp nhà thơ cha anh họ còn phải qua chặng nhận đường. Nhận đường, chữ dùng của Nguyễn Đình Thi để chỉ một cuộc vận động lớn trong giới viết nhằm đưa tư tưởng, tình cảm văn chương vào quỹ đạo tinh thần kháng chiến của toàn dân. Hồi ấy, tiêu chí đánh giá chất lượng, xét tặng giải thưởng văn chương nghệ thuật đều lấy ý thức phục vụ và tác dụng giáo dục làm đầu, rồi mới đến giá trị nghệ thuật. Có người coi cái chặng nhận đường ấy là một cuộc lột xác Sang bờ tư tưởng ta lìa ta, Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà (Tế Hanh). Ta lìa ta nên cả những nhà thơ đã nối danh mới có chuyện cắt đứt với thành tựu quá khứ. Cả người viết thâm niên lẫn người viết mới nhập cuộc đều bắt đầu một cuộc lên đường. Đường mới và bước đi, người đi cũng mới. Tránh sao khỏi chập chững. Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh… trở nên vụng dại, thô thiển đến kinh ngạc. Còn các cây bút trẻ, nhất là ở những tác giả xuất phát từ giới dân cày hay thợ thuyền, ngay ở những bài được biểu dương hay được vào giải thưởng cũng còn nhiều tì vết. Biểu dương là biểu dương hướng đi, biểu dương tiềm lực chứ chưa phải là biểu dương vào sự toàn bích của bài thơ. Nhưngh ở cuộc kháng chiến lần II này, hầu hết các cây bút trẻ đến với thơ đều đã qua trường trung học, một số qua đại học. Còn nền thơ thì đã hình thành vóc dáng, người thơ đi đã thành đường. Các kiện tướng của phong trào Thơ Mới lúc này đã lấy lại phong cách sở trường của mình trong phương pháp sáng tác mới và trở thành một động lực thúc đẩy tính chuyên nghiệp cho cả nền thơ. Ngưỡng nghệ thuật của các bài thơ đăng tải trên báo chí đã được nâng cao. Bạn viết trẻ Bùi Minh Quốc vào năm ngồi học lớp 9 hệ trung học 10 năm, đưa đăng bài thơ Lên miền Tây, thì vài năm sau bài thơ đã vào sách giáo khoa và thành đề thi tốt nghiệp trung học cơ sở. Ngay ở chặng đầu, Ca Lê Hiến đã có Nhớ mưa quê hương, Nguyễn Mỹ: Cuộc chia li màu đỏ, Xuân Quỳnh: Sóng, Bằng Việt: Bếp lửa, Nguyễn Khoa Điềm: Những em bé lớn trên lưng mẹ… Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm chùm thơ đầu đến với đông đảo công chúng là chùm thơ được giải nhất Báo Văn Nghệ. Vào cuối cuộc chiến tranh và chặng hậu chiến ngay sau đó, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo tự tin tung hoành trong các trường ca có sức ôm chứa sâu và rộng hiện thực chiến tranh bi tráng. Vào cuộc vững chãi, vững chãi trong tư duy và vững chãi trong cảm xúc, phong cáh chuyên nghiệp sớm bộc lộ ngay từ những bài thơ đầu. Đó là nét trội của lớp nhà thơ hình thành trong khác chiến chống Mỹ.
Có thể nói thành tựu của lớp nhà thơ này đã đẩy cao hơn những thành tựu đã được bắt đầu từ lớp nhà thơ xuất hiện trong kháng chiến lần I. Chúng ta hãy so sánh trong một vài tương quan. Về đề tài, bài Viếng bạn của Hoàng Lộc và bài Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu là đồng dạng. Nhưng ở bài của Hoàng Lộc cả tình và ý thể hiện trên một mặt phẳng xác định từ hai nhân vật, anh và tôi. Bài của Nguyễn Đức Mậu thể hiện trên không gian ba chiều, chiều sâu tạo nên do cây trầm, một sáng tạo của người viết bổ sung cho hiện thực. Giọng thơ cảm động như bài trên nhưng trong miêu tả hiện thực đã có yếu tố biểu tượng, tạo một thủ pháp bình luận kín đáo, nâng tầm vóc của nhà thơ của nhân vật trong thơ.
Cùng đề tài chia ly, cuộc chia ly trong Thăm lúa (1950) của Trần Hữu Thung là lời kể thật thà, đơn tuyến, tình cảm nhân vật dừng lại ở ưu điểm chân thật như ngoài đời. Trái lại Cuộc chia ly màu đỏ là một sáng tạo trong kết cấu, đan xen trữ tình và tự sự, bình luận và miêu tả, hiện thực và siêu thực với một tứ thơ cheo leo và cáh làm mới văn phạm câu thơ của trào lưu hiện đại:
Ấy là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
(…) Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình và nói đến ngày mai.
Hiện thực trong thơ kết tinh cao hơn hiện thực ngoài đời. Đó đã là chỗ đến của thơ thế hệ này. Sự chân thật không chỉ là giống như thật mà phải cho thấy phẩm chất của hiện thực, khuynh hướng phát triển của hiện thực. Những bài thơ tốc tả như ký hoạ trong loạt bài bức tranh sinh hoạt vui hóm hỉnh của Lê Kim, Minh Tiệp thuở chín năm giờ đã phát triển thành một khuynh hướng chuyển tải hiện thực rất sáng tạo, nói được nỗi đau của chiến tranh cùng với tầm vóc cao của cả tâm hồn người trong trận. Tập thơ Vầng trăng và những quầng lửa của Phạm Tiến Duật có ý nghĩa mở thêm đường cho chủ nghĩa hiện thực của thơ ca cứu nước. Thuở trước tầm vóc yêu nước, hy sinh hiện ra trong bi và tráng còn rất nghi lễ:
Giữa trời thét một tiếng vang
Cho thân tan với giang san nước nhà
(Phạm Tất Đắc)
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Quang Dũng)
Giờ đây anh lính đường 559, Phạm Tiến Duật, cứ tưng tửng đùa đùa mà sử thi hoá đời sống:
Không có kính ừ thì không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buông flái ta ngồi
Mà đúc kết chiến tranh:
Thế đấy giữa chiến trường, nghe tiếng bom rất nhỏ.
Bài thơ Những em bé lớn lên trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, ngay cái đầu đề đã mang phẩm chất của tư duy khái quát, đầy tính hình tượng. Triết lý nhưng dễ cảm nhận trực giác. Phương pháp sáng tác ấy ở cuộc kháng chiến lần trước mới chỉ manh nha ở đôi ba cây bút tài năng. Giờ đây có thể thấy trong cả một đội ngũ: Nguyễn Duy: Hơi ấm ổ rơm, Hữu Thỉnh: Tiếng cuốc kêu, Vũ Quần Phương: Trước biển, Bằng Việt: Bết tô ven và âm vang hai thế kỷ, Xuân Quỳnh: Gió Lào cát trắng, Lưu Quang Vũ: Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm bác Khánh, Phạm Ngọc Cảnh: Tấm ở trong nhà… Thành tựu ấy không phải một ngẫu nhiên. Có sự chuẩn bị của cả một nền thơ qua nhiều năm trăn trở, trồi thụt để nhận đường, có hỗ trợ quan trọng của giáo dục để mỗi thanh niên vào đời được qua trung học, và quan trọng hơn là sự chuẩn bị của xã hội: niềm lạc quan, tự tin, tự chủ của toàn dân sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh Không có gì quý hơn độc lập tự do và lời bộc bạch của bà mẹ Suốt chở đò dưới bom qua sông Nhật Lệ: Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua là sự chuẩn bị tinh thần rất lớn cho vóc dạc một thế hệ nhà thơ. Lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Mỹ, ngay khi xuất hiện, đã được đứng trên nền thành tựu của lớp cha anh, những nhà thơ của kháng chiến chín năm và lớp “tiền chiến”, và trên nền niềm tự tin dân tộc sâu sắc của thể chế xã hội, để phát triển.
NHÌN LẠI MỘT LỘ TRÌNH
Cuộc chiến mở ra khắp nước tính từ ngày 5-8-1964 và kết thúc vào ngày 30-4-1975. Tính ngày tính tháng là trên 10 năm. Nhưng một thế hệ nhà thơ hình thành với thời cuộc ấy thì lại có thể tính chờm lên trước đó, ngay những năm sau thắng Pháp, chặng 1955-1964. Những nhà thơ này có thơ đăng trước cuộc chiến nhưng phong cách thơ của họ bộc lộ đầy đủ lại nằm trong cuộc chiến và nội dung thơ của họ chủ yếu cũng là hiện thực của đời sống chiến tranh, như Thái Giang, Ngô Quân Miện, Vân Long, Nguyễn Xuân Thâm, Hải Như… Với các tác giả viết từ Miền Nam như Giang Nam, Thanh Hải… thì cuộc chiến hình thành nên họ có thể tính từ sau hiệp định Giơ ne vơ. Lại có trường hợp phải tính lùi về phía sau, bởi có tác giả, sau chiến tranh nhiều năm, khi tác giả đã mất gia đình mới công bố thơ như trường hợp Phùng Khắc Bắc. Nhưng trong đại cục, được xếp vào lớp nhà thơ này là những ai có thơ đăng trong chặng 1964-1975. Những người viết sau 1975, nnếu tác giả là người tham gia cuộc chiến và nội dung thơ vẫn là đời sống chiến tranh, thì có thể xếp vào lớp nhà thơ này. Khi tập tuyển này ra đời nhiều người trong thế hệ này vẫn sung sức viết, có thể còn có những thành tựu mới. Nhưng nói chung và theo kinh nghiệm thực tiễn, vóc dáng của từng tác giả hay diện mạo của cả lớp cũng bộc lộ khá đầy đủ.
Với họ, chiến tranh là đề tài, là chủ đề, là nguồn cảm xúc đầu tiên của thơ họ. Họ có một bắt đầu chung ở chỗ đó nhưng nhanh chóng, họ toả ra những hướng phát triển khác nhau. Chỗ chung nhất của họ là đề tài (chiến tranh). Nhưng chỗ khác biệt thì không chỉ do đề tài mà còn do chủ đề tư tưởng, khuynh hướng cảm xúc và nghệ thuật thể hiện. Họ là lớp được “hưởng lợi” từ quốc sách đổi mới, hội nhập với nhiều trào lưu thơ thế giới, nên về thi pháp họ được tung hoành trong một biên độ rất rộng.
Nói về cái chung giữa họ (đề tài chiến tranh) cũng là nói tới một quá trình phát triển của nền thơ. Khi tiếng súng bắn máy bay Mỹ vang lên từ các ụ pháo phòng không và trên mỗi mái nhà dân thì cả nền thơ tự tin và chủ động bước vào không gian chiến tranh. Những bài thơ của các cây bút trẻ ở chặng đầu còn khai thác vào khía cạnh thơ mộng rất học trò để hình dung chiến tranh. Chủ đề hành quân có mặt trên hầu hết các trang thơ báo chí. Hành quân qua làng xóm đẫm hương kỷ niệm, hành quân qua tiếng ru đêm, tiếng gà trưa, rồi đồng bãi tre pheo, mái trường tuổi thơ, con đê tuổi nhỏ… Lá nguỵ trang cũng chọn lá bưởi lá chanh cho nhiều khêu gợi. Người nghe tiếng gà cục tác phải là anh bộ đội đang trên đường ra trận để thơ dễ thời sự hoá một cảm xúc vĩnh cửu. Hương hoa bưởi quen thuộc trong chiếc khăn tay thành hương đưa tiễn chàng trai nhà bên ra trận của cô gái ngoại ô. Tiến đưa và hành quân thành gương mặt phổ biến của chiến tranh những năm đầu chỉ vì chất liệu thơ ấy dễ lất từ trong kỷ niệm quê làng đẫm hương tuổi thơ thân thuộc. Máy bay Mỹ leo thang, bom đạn lan rộng dần. Đổ nát, thương vong đã vào nhiều thành phố, rồi vào cả Hà Nội, Chất hiện thực của cuộc sống chiến đấu tăng nhanh trong thơ. Cao cả hào hùng và đau thương bi tráng đã thành hiện thực nhỡn tiền. Tất cả đòi vào thơ. Ngưỡng cảm xúc của người đọc đòi hỏi các nhà thơ Nhìn chiến tranh đừng he hé mắt nhìn (Chế Lan Viên). Thơ tố cáo tội ác giặc, thơ căm thù: Em Dần chết với hai củ khoai trong túi áo (Nguyễn Xuân Thâm). Rồi thơ vào trận, vào trận để chiến đấu chứ không phải để làm thơ. Nguyễn Đức Mậu, lính bộ binh, trong đêm rừng lạ, múc nước suối uống thấy mát lành sáng mai mới thấy có tử thi, 5 đồng đội lính thông tin bị phục kích, thi thể nằm rải rác trong cánh rừng đêm qua anh chỉ thấy đon đóm bay mơ mộng. Thanh Thảo chán ứ những mỹ từ ước lệ, anh muốn mang vào thơ cái vốn thực có của chiến tranh: Những thanh gươm yên ngựa Giờ đã cũ mèm rồi Bài ca của chúng tôi Là bài ca ống cóng. Nguyễn Duy cũng xếp lại các thứ thánh thần để tìm về người dân quê thầm lặng nhưng lại có sức trụ lại nơi bom đạn ác liệt:
Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay mất cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.
Mười năm sau, 1979, thì thơ không bọc quanh người lính lá bưởi lá chanh ngọt ngào hương nguỵ trang mơ mộng mà, như Y Phương đã thấy, hiện thực sâu sắc hơn và thơ cũng nghệ thuật hơn:
Ngô rang
Nước suối
Khẩu súng đeo quanh người
Người đeo quanh núi
Đóng góp lớn nhất của Phạm Tiến Duật trong mảng thơ Trường Sơn là cách mở rộng dung lượng cho thơ. Từ xoong nồi xủng xoảng cho đến đêm nằm mơ nói mớ vang nhà của các cô thanh niên xung phong đều đã vào thơ, thành thơ. Đích thực đời và đích thực thơ. Một cáh tân có tính cách mạng về chất liệu thơ, từ bỏ mỹ lệ hoá, rất khoa học và hiện đại.
Với người hy sinh không cần đề cao “bất tử” như người ta quen nói: anh sẽ thành xanh trên hàng cây, thành vàng trong nắng, thành trắng trong mây… Người nói cứ nói, còn sống vào hiện thực, nhà thơ trẻ Bế Kiến Quốc, tự đối diện lòng mình, xót đắng cô quạnh và cao cả hơn nhiều: cả thế gian vắng vẻ và anh thì ngồi một mình trong nắng ngắm mây cao. Ba mươi năm ngày chống chiến tranh phá hoại, 5-8-1994, Vũ Quần Phương lắng nghe từ mười ngôi mộ Ngã ba Đồng Lộc:
Những kỳ vĩ xin dành cho sử sách
các chị nằm thương cha nhớ mẹ
cha lưng còng, tóc mẹ trắng như mây.
Gánh nặng của chiến tranh trút trên vai người lính đã đành mà trút trên vai người hậu phương mới khủng khiếp. Một bước phát triển thể loại: ấy là loạt trường ca xuất hiện vào cuối cuộc chiến và thời hậu chiến, có tính tổng kết sự kiện chiến tranh, tổng kết tình cảm người trong trận. Hai trường ca trội nhất Những người đi tới biển của Thanh Thảo và Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh thổ lộ chân thực tâm tình sâu kín của lớp người ra trận và những hy sinh thầm lặng rất lớn lao của hậu phương, của người mẹ người vợ thay con thay chồng nuôi nhà nuôi nước trong nỗi đau dằng dặc của chờ đợi, cô đơn và tang tóc. Đề tài chiến tranh còn trang sang nhiều năm sau. Bản lĩnh sống của người lính và bản lĩnh sáng tạo của thế hệ cầm bút ấy đã giúp họ nhìn thẳng và thể hiện gương mặt chiến tranh và cái giá phải trả cho chiến thắng.
Trong quá trình trưởng thành của lớp nhà thơ này, một đặc điểm mà mới nhìn tưởng như một nghịch lý. Ấy là tính dân tộc, tính nhân dân xuất hiện khá sớm và ngày càng sâu đậm trong thơ của lớp nhà thơ “tân học” này. Du học Châu Âu về, nhưng Bằng Việt ngay ở chặng thơ đầu, đã kết hợp được cả hơi hướng lãng mạn lẫn cổ điển thuần Việt của cha ông để biểu hiện cảm xúc đã ít nhiều hội nhập với thế giới của mình. Thanh Thảo tốt nghiệp đại học ở thủ đô có cái nhìn trân trọng và đầy phát hiện ở cái dáng ngồi chờ ăn bún rất đậm sắc dân chúng muôn đời của các bà mẹ Khơ me. Xuân Quỳnh, Thanh Nhàn, Mỹ Dạ táo bạo, e lệ khác biệt nhau nhưng đều chung nét nữ tính dân tộc trong chiều sâu cảm xúc. Hữu Thỉnh những năm đầu, tìm đề tài trong cảm xúc về nông thôn, sâu nặng tình gia đình quê hương làng mạc. Sau này, ngay đến chất liệu thơ, cách nói và cả phương pháp tư duy, anh cũng vận dụng ca dao tục ngữ, mượn cụ thể để nói trìu tượng và ngược lại. Thể thơ lục bát truyền thống đến thế hệ này lại có sự phát triển theo hai chiều đương đại hoá nghịch ngợm và quay lại nét xưa thuần hậu rất hài hoà duyên dáng trong các bài của Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh. Phẩm chất dân tộc phải chăng do tính chất và bản lĩnh của cuộc chiến bốn mươi thế kỷ cùng ra trận tác động, kích thích. Lớp thơ vào nghề trong chiến tranh đã huy động mọi sở trường trong tiềm lực truyền thống của nền thơ dân tộc. Thống nhất đất nước và rồi quốc sách Đổi mới, họ chủ động và bình tĩnh tiếp nhận thành tựu của những nền thơ mà trước đây, do điều kiện chính trị, xã hội còn là cách bức, xa lạ. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, có sự phân hoá, thay bậc đổi ngôi, thậm chí có người bỏ nghề, nhưng cái vết hằn họ lưu lại trong nền thơ đất nước chắc chắn càng ngày càng dễ thấy.
CHỖ THƠ CÒN PHẢI ĐẾN
Đây là đòi hỏi đối với cả thế hệ. Nó không phải là một khuyết điểm. Nó là mặt sau của cái huân chương. Trong chiến tranh chấp nhận phương thức sống: Tất cả để chiến thắng! Nhà tan cửa nát cũng ừ thì việc hao hụt của thơ cho chiến thắng hẳn cũng được người thơ tự nguyện chấp nhận. Trong đó, một hao hụt đầu bảng là sự phiến diện. Một phiến diện tự giác. Như người con ra trận giấu cha mẹ ở hậu phương thương tích chiến trường của mình. Và cha mẹ cũng giấu con những bện tật, những thiếu đói mà mình đang chịu. Tất cả chỉ để yên lòng người đánh giặc. Yên lòng để chiến thắng. Nước mắt dành cho ngày gặp mặt (Nam Hà). Thơ, không chỉ của thế hệ này, đã giấu đi nước mắt. Đấy là một thất thiệt cho phẩm chất phản ánh của thơ, đôi lúc nó làm mờ đi tính khốc liệt vốn có của chiến tranh, do vậy làm mờ theo phẩm chất anh hùng của một dân tộc, ý chí hy sinh vì nghĩa lớn của người dân, người lính. Thiếu sót ấy có một chỗ để thể tình, để chia xẻ là xét đến tình thế lịch sử cụ thể. Một phiến diện của thơ để tiết kiệm xương máu của người. Thua trận thì mọi hy sinh đều nước lã ra sông. Thơ của lớp nhà thơ này đã cùng với cả nền thơ tạo nên ý chí, nghị lực thống nhất của toàn dân. Nó nén tiếng khóc, giấu vết thương, cắn răng phất ngọn cờ xung trận. Cái dáng phất ngọn cờ, có lúc, thật sự vượt quá sức lực của nó nhưng lại thêm sức cho đội ngũ. Thơ chúng ta, của mọi thế hệ, đều làm được việc cần làm cho chiến thắng là nhờ lý tưởng cao cả của cuộc chiến đấu: độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Thiếu lý tưởng ấy, thơ mất tự tin ngay, không thể có sức mạnh. Hôm nay, sau bốn mươi năm, những hố bom vết đạn đã liền trên mặt đất, nhiều người không còn thấy chiến tranh và nhiều hơn nữa là những người không biết đến chiến tranh, đến cái giá của chiến tranh, họ đòi thơ một phản ánh hiện thực đầy đủ và lạnh lùng. Những nhà thơ khai sinh thơ cùng cuộc chiến, họ là người trong cuộc. Họ đã góp xương máu và góp cả sự nghiệp sáng tạo của họ cho chiến thắng. Họ phức tạp hơn nhưng cũng phong phú hơn. Họ giàu hơn trong cách nhìn cách nghĩ.
Phục vụ lợi ích nhân quần luôn luôn là mục đích của mọi nền thơ chân chính. Nhưng buộc thơ phải xả thân cho những lợi ích thiển cận thì lại là tính vụ lợi rất hại cho cảm xúc thơ vốn cần trong sáng, hồn nhiên. Chính tính vụ lợi cận thị ấy đã làm nảy sinh những phê phán nặng nề và không chính xác (về Vòng trắng, Sẹo đất…) đã làm thui chột của thế hệ này chút ít, một hướng cảm xúc, một tiềm lực, một tài năng.
Nửa thế kỷ trôi qua, với tất cả những được, những mất ấy, thế hệ thơ hình thành trong khác chiến chống Mỹ vẫn là thế hệ đông đảo nhất, có sức hút bền dai và nhiều tên tuổi đã thành cây bút chủ lực cho cả đội ngũ sáng tác sầm uất hôm nay.
Hà Nội, ngày 15/1/2014
V.Q.P
(Nguồn Tuyển tập thơ thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014)