Lưu Sơn Minh: ‘Đừng bịa đặt để viết tiểu thuyết lịch sử’

Sau khi ghi dấu ấn với nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, Lưu Sơn Minh mới đây gây chú ý khi cho ra mắt tác phẩm Trần Khánh Dư. Anh cho rằng viết thể loại văn học này không nên “nệ sử”, nhưng cũng không thể bịa chi tiết thêm thắt vào một nhân vật có thật.
Sau khi ghi dấu ấn với nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, Lưu Sơn Minh mới đây gây chú ý khi cho ra mắt tác phẩm Trần Khánh Dư. Anh cho rằng viết thể loại văn học này không nên “nệ sử”, nhưng cũng không thể bịa chi tiết thêm thắt vào một nhân vật có thật.
Từ khi anh cho ra mắt tiểu thuyết “Trần Quốc Toản” tới nay đã 8 năm. Điều gì khiến anh mất nhiều thời gian tới vậy để hoàn thành tác phẩm“Trần Khánh Dư”?

– Một trong những người thúc giục tôi viết nhiều nhất trong năm qua là bạn Minh Anh – học sinh phổ thông. Đó là một bạn đọc luôn hỏi tôi khi nào tác phẩm ra mắt để đọc.

Những năm qua tôi mải chơi nhiều nên giờ mới xong tiểu thuyết. Đây là tác phẩm này được viết bởi một nhà văn thiếu kỷ luật, viết về một nhân vật rất vô trách nhiệm với cuộc đời mình.

– Vì sao anh chọn Trần Khánh Dư làm nhân vật chính cho tiểu thuyết của mình?

– Khi cuốn Trần Quốc Toản được in, biên tập viên nhà xuất bản hỏi nhà văn Hà Ân – người thầy của tôi – rằng: “Lưu Sơn Minh có giống Trần Quốc Tuấn không?”. Nhà văn Hà Ân đã nói: “Anh này không giống Trần Quốc Tuấn, mà giống Trần Khánh Dư”.

Đây là lần đầu tiên tôi viết về nhân vật có sự tương đồng với mình. Tám năm tôi sống với nhân vật nhiều quá, nên càng ngày tôi càng nhiễm thêm những thói ngang ngược, bất chấp của nhân vật.

– Nhân vật Trần Khánh Dư hiện lên như thế nào qua trang viết của anh?

– Trần Khánh Dư là nhân vật đặc biệt, ngang tàng. Triều đình hiểu rõ ông, nên mới cho cai quản cảng Vân Đồn đầy rẫy nguy hiểm cạm bẫy, vừa lo biên cương lãnh thổ, giao thương, lo được cho cả đời sống đàn em… Ông có đủ thói hư tật xấu như trai gái, rượu chè… Ông có vụ lợi, có ngang ngược nhưng cũng đầy tài hoa… Đây là con người cô độc bậc nhất trong chính sử Việt Nam. Một nhân vật đặc biệt như vậy khiến tôi muốn đặt bút viết.

Khi sáng tác, tôi tự dìm mình vào nhân vật. Khi mình tự cảm thấy mình là nhân vật thì viết. Lúc viết truyện ngắn lịch sử đầu tiên, tôi ôn Đại Việt Sử ký toàn thư, đến mức mỗi chi tiết từ ngữ của cuộc sống hiện tại tôi đều nói, đặt theo quá khứ. Ví dụ những từ như “phàm”… được dùng trong cuộc sống.

– Bên cạnh hào khí Đông A, tác phẩm còn có những đoạn diễm tình. Đó là một chủ đích của anh để làm mềm tác phẩm như những tiểu thuyết ngôn tình đang được ưa chuộng?

– Tôi mừng quá nếu bạn đọc nghĩ vậy. Bởi như thế tôi đã bắt kịp hơi thở thời đại, vì trước nay tôi toàn nhận những nhận xét tôi viết khô, cổ, gai góc quá.

Sách có hai nhân vật nữ mà tôi dụng công xây dựng. Thị Thảo là nhân vật hoàn toàn hư cấu. Đó là một người hầu gái luôn sống bên cạnh, chăm lo trong những lúc cô đơn nhất của Trần Khánh Dư. Chăm lo tới mức có lúc ông phải suy nghĩ lại tình cảm của mình với cô ấy như thế nào.

Công chúa Thiên Thụy là con dâu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhà Trần sau khi thắng giặc, có bày tiệc đeo mo nang mừng chiến công. Trần Khánh Dư gặp Thiên Thụy, hai người lao vào nhau. Đặc thù cá tính hai con người đó đặc biệt nên tôi tập trung viết về họ.

– Từ những trang viết đầu tới nay anh luôn theo đuổi thể loại văn học sử. Vì sao anh chọn thể loại này?

– Có lẽ không phải tôi chọn tiểu thuyết lịch sử, mà là thể loại ấy đã chọn tôi để viết. Bởi trước nay, tác giả của tiểu thuyết lịch sử luôn là những nhà văn già, chín chắn, chứ không phải người vui đâu chầu đấy như tôi.

Tuy vậy, tôi yêu thích lịch sử từ bé. Ngày đó, ông ngoại đã mua một tủ sách lịch sử trong nhà, tôi đọc và yêu thích.

– Khi viết tiểu thuyết lịch sử, anh đặt ra cho mình những tiêu chí nào?

– Sách sử thường viết về các nhân vật một chiều cứng nhắc, các nhân vật thường được thần thánh hóa. Vì thế tôi muốn viết như cách để soi xét, đánh giá lại nhân vật. Tôi muốn kể về thân phận, con người lịch sử công bằng hơn.

– Cơ sở nào giúp anh tự tin rằng mình có thể đem lại sự công bằng hơn cho nhân vật lịch sử?

– Tôi không có ý định bịa ra các chi tiết để minh oan cho nhân vật của mình. Tôi giữ nguyên lịch sử, nhưng sắp xếp lại, lý giải các sự kiện, tư liệu cho hợp lý. Có lần tôi tới Quảng Ninh tìm tư liệu để viết tác phẩm này, tôi bắt gặp ngôi miếu thờ Trần Khánh Dư. Miếu của một nhân vật lẫy lừng vậy mà nhỏ bé hơn nhiều nơi thờ những vị tướng dưới quyền ông, lại lẻ loi chỉ một bát nhang, không vợ con thân thích bên cạnh. Tôi cảm nhận được sự cô độc của nhân vật nên khắc họa nhân vật với sự độc bước.
Lưu Sơn Minh: ‘Đừng bịa đặt để viết tiểu thuyết lịch sử’

– Viết tiểu thuyết lịch sử có khó khăn gì so với các thể loại văn chương khác?

– Văn chương luôn khó. Nhưng nếu bạn viết tâm lý tình cảm thì có thể thản nhiên vu khống cho nhân vật hư cấu. Còn tiểu thuyết lịch sử thì không. Ta không có quyền bịa về một con người, nhất là những con người vẫn còn đang được thờ phụng hương khói.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng văn chương có “tinh”, người viết không cẩn thận sẽ bị cắn vào tận xương tủy. Nhà văn phải giữ thái độ trân trọng với văn chương, với lịch sử. Ta phải có sự nghiêm túc khi cầm bút thì những nhân vật lịch sử mới đến với mình.

– Theo anh, tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi tố chất gì ở người viết?

– Ngoài thuộc lịch sử, có giọng văn, thể loại này đòi hỏi người viết vô vàn kiến thức. Để viết được, tôi phải tìm nhiều nguồn sách vở, sử liệu, thần tích thần phả, địa chí, phong thủy… Viết về một trận đánh, tôi còn cần cả kiến thức quân sự, đặt mình vào vị trí cả người điều binh khiển tướng như Trần Khánh Dư để phân tích tình thế, quyết sách…

Hơn cả, tôi nghĩ tố chất quan trọng là người viết tiểu thuyết lịch sử phải có trách nhiệm với nhân vật. Tôi không chấp nhận sự thoải mái hư cấu.

– Anh phân chia tỷ lệ chính sử, dã sử như thế nào trong tiểu thuyết lịch sử của mình?

– Những người viết mà cứ lấy sử liệu ra để thêm thắt vào, thì gọi là “sữa đặc pha nước sôi”. Tôi nghĩ nếu cứ viết theo lối dòng nào, chữ nào cũng là sử, thì chúng ta đã bỏ qua những nhân vật, số phận mà đằng sau họ là những biến chuyển kinh thiên động địa của lịch sử.

– Văn phong nào được anh chọn để viết tiểu thuyết lịch sử?

– Trước đây tôi cũng đưa vào tác phẩm giọng văn cổ, từ ngữ cổ. Điều đó khiến trang viết của tôi trở nên thô. Nhưng khi viết Trần Khánh Dư, tôi thấy ông là người thế kỷ 13 nhưng suy nghĩ như người thế kỷ 20. Vậy nên tôi viết thoáng hơn, chứ không gò mình vào thứ cổ văn như trước.

Thu Hiền
Nguồn Zing.vn

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder