Lửa bên sông – Truyện ngắn của Nguyễn Một

Tôi lập cập rút điếu thuốc đưa lên môi ông nhanh nhẹn bật lửa mồi cho tôi và nói:
– Tôi bỏ thuốc từ lâu rồi, nhưng lúc nào cũng có bật lửa trong túi, phải biết giữ lửa anh ạ, đó là bí quyết tồn tại của dòng họ tôi.
Trên sông một giọng hò lanh lảnh cất lên: Hò ơi! Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai…
Hoàng hôn trùm tấm lụa vàng xuống Cù Lao…/.

Tôi lập cập rút điếu thuốc đưa lên môi ông nhanh nhẹn bật lửa mồi cho tôi và nói:
– Tôi bỏ thuốc từ lâu rồi, nhưng lúc nào cũng có bật lửa trong túi, phải biết giữ lửa anh ạ, đó là bí quyết tồn tại của dòng họ tôi.
Trên sông một giọng hò lanh lảnh cất lên: Hò ơi! Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai…
Hoàng hôn trùm tấm lụa vàng xuống Cù Lao…

LỬA BÊN SÔNG

Rồng chầu xứ Huế ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong đổ lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây…
(Ca dao)

Con sông từ thượng nguồn vượt qua bao gành thác vẫn cố giữ được dòng, vậy mà về hạ lưu bỗng dưng rẽ làm đôi. Cũng may hai nhánh sông kịp tìm nhau sau đoạn đường ngắn. Cuộc chia tay ngắn ngủi của dòng sông đã tạo ra cồn đất nhỏ này, người ta gọi nó là Cù Lao. Tôi thích Cù Lao mỗi chiều xuống, thành phố nơi tôi mới về sống quá ngột ngạt, đầy tiếng ồn và bụi bặm. Cuối tuần tôi thường nguồi uống cà phê ở quán Hải Âu để tìm chút không khí trong lành.
Quán nằm sát mé sông, không gian thoáng đãng và êm đềm. Tôi ngồi từ lúc mặt trời vừa xuống để ngắm cây cối bên Cù Lao dần phủ lớp nắng vàng rực rỡ, ngồi cho đến khi toàn bộ vùng đất nổi lên giữa hai nhánh sông chuyển dần qua màu tím thẫm. Vào giờ ấy, bao giờ quán cũng đón một người đàn ông đã đứng tuổi, ông vào quán kêu li cà phê đen không đường và nhìn đăm đắm qua bên kia sông. Ông hút thuốc không đầu lọc, thứ thuốc lá thịnh hành hồi thập niên tám mươi, bây giờ ít người hút. Bộ quần áo ông mặc trên người đã bạc màu nhưng sạch sẽ và được ủi kĩ nên trông khá tươm tất. Sợi dây nịt da mềm oặt có lẽ nó được dùng hơn chục năm nay trông như cái bảng đen cũ kĩ tróc sơn. Tôi quan sát tỉ mỉ và cố đoán ông làm nghề gì nhưng không thể đoán được, thầy cũng không phải, thợ cũng không đúng. Gương mặt ông lúc nào cũng ưu tư và đầy nếp nhăn, hẳn là một người khó tính. Tôi bắt chuyện với ông nhờ vào lần tôi bỏ quên bật lứa và mượn của ông. Hoá ra ông khá cởi mở, chứ không như tôi tưởng. Tất nhiên mãi sau này tôi mới thân với ông, nhưng mối quan hệ khởi sự từ chuyện cái bật lửa. Ông bảo cuộc đời ông ít khi quên cái bật lửa. Cù Lao nơi ông sinh ra, lớn lên, hạnh phúc và khổ đau có nhiều chuyện vui, buồn từ ngày tổ tiên vào đây lập nghiệp. Cuộc đời qua bao thăng trầm nhưng cái bật lửa ông luôn nhớ mang bên mình, vì rằng theo lời truyền lại của dòng họ thì nhờ câu chuyện này mà cụ tổ của ông đã còn mạng sống mà lập nghiệp tại vùng đất nổi duy nhất của miền Đông Nam Bộ. Ngày xưa, trước khi Lễ Thành Hầu đặt chân đến đây, Cù Lao đã có người ở. Dân ngoài Quảng đi thuyền mấy ngày đêm gặp con sông lớn, ngược nước độ nửa ngày, thuyền đến vùng sông rộng và êm như mặt hồ, nước lại sâu, ghe thuyền có thể vào tận bờ. Trên đất liền, đất đai trù phú cây cối xanh tốt trên trời cò bay trắng như mây, dưới đất từng bầy nai đủng đỉnh xuống bến sông uống nước. Dân di cư biết đây là đất lành bèn trụ lại. lập nghiệp. Cù Lao là vùng đất khởi đầu khi dân ngũ Quảng đặt chân đến xứ này lập nghiệp. Cù Lao còn lạ ở chỗ, dù cho nước sông dâng cao đến mấy cũng không ngập. Cụ tổ nhà ông là thanh niên miệt ngoài, tổ chức nông dân khởi nghĩa trả thù bọn cường hào ác bá, bị thất bại đã “một mình một ngựa” rong ruổi phương Nam… Câu chuyện về cụ tổ mà ông kể cho tôi nghe có thể ông thêu dệt thêm, nhưng khá hấp dẫn, nên tôi nghĩ cần ghi lại, biết đâu sau này có dịp dùng tới. Việc ghi chép những câu chuyện dân gian là kinh nghiệm quý báu của một đàn anh truyền lại cho tôi. Chuyện kể như sau:
*
* *
Trước khi mặt trời khuất sau ngọn núi, Nguyễn phải vượt qua được khu rừng này. Đây là khu rừng nổi tiếng nhiều cọp nhất miền Đông Nam Bộ. Hơn mười ngày ròng rã Nguyễn băng rừng chạy về hướng Nam. Sư phụ, của chàng, vị sư già chùa Quảng Long, giúp chàng trốn thoát khỏi sự truy nã của quan quân. Ông nói với Nguyễn:
– Hướng Nam là con đường sống duy nhất. Cứ theo con đường này mà đi, không được quay trở lại với bất kì lí do gì.
Ông đặt vào tay chàng con ngựa ô hoang dã của vùng sơn cước mà ông đã thuần phục và dặn:
– Con hãy đi mãi, đi đến cho khi nào tuấn mã này gục ngã, con có thể định cư ở đó. Hãy cưới vợ, sinh con, mở mang bờ cõi, hãy quên mọi hận thù. Đừng làm chuyện dại dột nữa, dòng họ chỉ còn một mình con.
Nguyễn quỳ lạy thầy, rồi lên đường Nam tiến. Hàng chục ngày đường, chàng chỉ men theo cánh rừng, đi đường chính, chàng sợ quan quân bắt gặp. Trong hành trang mà người thầy kính yêu chuẩn bị cho Nguyễn, có một thứ ông dặn chàng phải hết sức cẩn thận giữ gìn. Cái vật tạo ra lửa, vị sư già tốn khá nhiều công sức để chế ra. Ngày ấy, muốn có lửa, mọi người phải dùng con dao chẹt vào đá để bắt lửa qua bùi nhùi. Dựa trên nguyên lí ấy, vị sư già chế ra cái bật lửa mà chỉ cần quay nhẹ thanh sắt, viên đá sẽ phát những tia lửa mạnh, có khả năng đốt cháy dây bùi nhùi rất nhanh. Nhờ cái vật kì diệu ấy cùng lưỡi kiếm sắc và cánh cung trên vai, chàng đã sống được những ngày qua. Ban ngày chàng đốt lửa nướng thịt, ban đêm chàng đốt lửa xua đuổi thú rừng. Bất kì giống thú dữ nào thấy ánh lửa cũng tránh xa. Vị sư già vừa là cha, là mẹ, là thầy của chàng. Lớn lên Nguyễn mới biết, thầy đã cứu chàng, giọt máu duy nhất của dòng họ một thời lừng lẫy, thoát khỏi họa tru di vì tội phản loạn. Ông chăm sóc dạy dỗ cho Nguyễn chu đáo, nhưng dứt khoát không cho chàng xuống tóc, ông bảo chàng còn một sứ mệnh quan trọng phải thực hiện trong cuộc đời này. Khi Nguyễn được truyền dạy những truyện kĩ võ học “Thiếu lâm Bắc phái”, ông mới tiết lộ cho chàng biết thân phận của mình. Ông cho Nguyễn xuống núi và dặn chàng hãy cố duy trì lại dòng họ của chàng, một dòng họ oanh liệt không đáng bị diệt vong. Khi xuống núi, ông trao cho Nguyễn một bức thư và dặn chàng tìm đến nhà thầy đồ Ngạn là bạn tâm giao của sư thầy, mỗi lần ông lên núi đánh cờ và đàm đạo với sư thầy Nguyễn vẫn hầu bên cạnh. Nay không hiểu sao sư thầy lại cho Nguyễn về ở với thầy đồ Ngạn. Suốt đêm Nguyễn trằn trọc trong căn nhà vách đất. Chàng không ngủ được vì ánh mắt long lanh và đôi má ửng đỏ của nàng Gấm lúc dọn phòng cho chàng. Từ nhỏ đến giờ sống trong lời kinh tiếng kệ, Nguyễn chưa có dịp đứng gần một cô gái, hoá ra vẻ ngoài duyên dáng, phái nữ còn có mùi thơm kì diệu. Gấm ra khỏi phòng từ lâu mà trong phòng còn phảng phất mùi hương. Nguyễn nghĩ, chả trách sao trong sử sách chàng đọc có biết bao anh hùng mất nước vì mĩ nữ. Sáng hôm sau, thầy đồ Ngạn gọi Nguyễn lên nhà trên, chàng quỳ bên án thư, kể từ hôm nay con là rể nhà này. Nhà ta có ba mẫu ruộng con hãy học cách trở thành nông dân, sau khi thành thạo con gái ta thuộc về con.
Nguyễn mấp máy:
– Thưa thầy…!
Ông khoát tay:
– Những điều con đã học được ở sư thầy để làm người, chứ không phải để làm quan, con phải nhớ sứ mệnh của mình mà sư thầy dặn dò chứ, hãy phục hồi lại dòng họ, tên con là Phan Nguyễn, nhưng con là họ Nguyễn chứ không phải họ Phan, nhớ lấy điều này!
Nguyễn vâng dạ lui ra. Lúc đầu chàng cũng buồn, những năm tháng trui rèn võ nghệ và học chữ thánh hiền, Nguyễn không ngờ cuối cùng trở thành một nông dân. Chàng nén tiếng thở dài khi nghĩ về nàng Gấm, dù sao thì Nguyễn cũng có một người vợ đẹp… Thế rồi từ đó, Nguyễn trở thành chàng trai cày. Ngày ngày, sau giờ lao động vất vả, Nguyễn được chăm sóc bởi bàn tay dịu dàng của người con gái xinh đẹp nhất làng. Thời hạn ở rể ba năm đã gần hết, Nguyễn mơ ngày ngày cùng Gấm nên vợ, nên chồng. Nhưng số mệnh đã không cho chàng sống một cuộc đời bình thường. Một hôm, đang cày nốt đám ruộng bỗng trong làng có tiếng la hét, ngôi nhà của cha vợ lửa bốc ngùn ngụt. Nguyễn vứt cày chạy về, quan quân lố nhố trước hiên nhà, Gấm bị ba bốn tên lính vác bỏ lên xe ngựa. Cha vợ Nguyễn nằm gục trên vũng máu, một tên quan đặt chân lên người ông, ngạo nghễ nói với dân chúng:
– Những kẻ âm mưu phản loạn phải chết.
Không kiềm chế được, cụ hương trưởng buột miệng:
– Muốn chiếm đoạt con gái người ta, nên mới vu vạ, chứ thầy Ngạn mà phản loạn gì, quan quân gì mà tàn bạo.
Xoẹt! Lưỡi gươm sáng loáng bay qua cổ cụ già khi cụ vừa dứt câu, cụ gục xuống, đôi mắt mở trừng trừng.
Â…y! – Nguyễn hét lên một tiếng lớn, chàng giật phắt lưỡi gươm từ tay một tên lính, ánh gươm loang loáng như sao băng, tên tiểu quan gục ngay tại chỗ bởi nhát gươm thần tốc. Bọn lính tháo chạy toán loạn, nhưng trước khi rút chúng kịp mang theo nàng Gấm và giết chết một số dân làng. Với lòng căm phẫn cực độ, sau khi chôn cất cha vợ, Nguyễn tụ tập dân làng rút vào núi lập căn cứ, chuẩn bị đối phó với tên tuần phủ tàn ác mà chàng biết thế nào hắn cũng trả thù dân làng. Cuộc khởi nghĩa kéo dài chưa được một tháng thì tan rã. Những người nông dân không quen xa rời ruộng đồng và chưa được rèn luyện đã dần bỏ ngũ. Trận quyết chiến cuối cùng với quan tuần phủ, quân Nguyễn thất bại thảm hại, may mắn chàng thoát chết…
Miên man với chuyện cũ, Nguyễn đã đến bìa rừng. Hoàng hôn vừa buông xuống, trước mặt chàng là làng mạc, chàng đã đến được nơi có người ở. Lác đác khói lam dè dặt bay lên từ những nóc nhà tranh ven sông. Dòng sông rộng mênh mông, ghe thuyền tấp nập, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy một bóng quân lính nào của triều đình. Nguyễn an tâm buông cương, có lẽ đến nay chàng đã thoát chết khỏi vùng tầm nã của tên quan phủ. Dừng ngựa bên sông, Nguyễn định bụng sẽ vào nhà chùa nào đó xin nghỉ qua đêm. Không biết xứ nào mà con gái ăn mặc rất lạ, quần áo gọn gàng khỏe mạnh, không mớ bảy mớ ba như quê chàng. Họ chèo thuyền trên sông, chở đầy những chiếc nồi đất, lại có thuyền chở nhiều loại trái cây trông rất lạ. Dưới sông bỗng vang lên tiếng hò lanh lảnh:
– À… ơi… Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai… Nước sông trong đổ lộn sông ngoài. Thương người xứ lạ lạc loài đến đây…
Một chiếc thuyền khác lại vang lên câu hò:
– À… ơi… Đồng Nai gạo trắng nước trong… Ai đi đến đó lòng không muốn về.
Những câu hò dìu dặt làm xao động lòng chàng trai trẻ, thì ra đây là xứ Đồng Nai, một nơi mà trước đây lúc còn hầu rượu sư thầy, chàng nghe thầy đồ Ngạn nói loáng thoáng về vùng đất trù phú. Sau khi bình luận ông thường ngâm nga: Làm trai cho đáng thân trai, Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng. Đang phân vân không biết đi về đâu trong lúc trời tối dần, bỗng một cụ già lại gần hỏi chàng với giọng thân thiện:
– Con đi từ đâu tới mà trông xơ xác thế kia?
Nguyễn lễ phép thưa:
– Dạ con từ xứ Quảng đến đây!
Đoạn chàng tóm tắt hoàn cảnh của mình cho cụ nghe, cụ vuốt râu cười:
– Thế thì con nên ở lại đây mà lập nghiệp, miền đất này bao dung lắm, chứa chấp hết thảy ai muốn đến với nó.
Nói xong ông đưa chàng xuống thuyền, chở qua bên kia sông. Nơi ông lão ở là Cù Lao màu mỡ, cây cối xanh tốt, thuyền cập bến ông nói:
– Đất ở đây còn rộng lắm, con tha hồ mà khai phá làm ruộng làm nương.
Nguyễn trở thành công dân vùng cù lao từ đấy. Sau bảy năm cật lực khai phá chàng trai tạo nên một cơ ngơi khá khang trang. Nguyễn khai phá cả một vùng đất mênh mông, khu vườn của chàng trồng đầy đủ cây trái miền Nam. Ông lão đưa Nguyễn về đây đã gả cô con gái út cho chàng. Lễ cưới xứ này diễn ra nhẹ nhàng, chứ không lễ mễ như ở quê chàng. Nhẹ nhàng như ngày đầu về đến căn nhà của ông, ông nói với bà: “Tôi đã tìm được chồng cho con út rồi bà ơi!” Bà hỏi lại: “Người tốt chứ?” Ông cười khà: “Chỉ cần nhìn qua là biết người tốt”. Vợ chàng không đẹp bằng Gấm nhưng nàng rất khỏe mạnh và mắn đẻ, nàng sinh cho chàng cả thảy bốn trai, ba gái, đứa nào cũng tròn trúc như trái bưởi và mạnh khỏe như cá sấu sông Đồng Nai. Dòng họ Nguyễn được phục hồi ngay trên mảnh đất nằm giữa dòng sông này…
*
* *
Ông kể say sưa cho đến khi trăng ngã qua bên kia cầu Gành, rọi dải sáng vụn vỡ xuống dòng sông, bên sông leo lét những ngọn lửa nhỏ phát tử những cây đèn bão của đám người câu đêm. Quán đã vắng khách, cô hầu bàn lục đục dọn dẹp, chúng tôi ra về. Chuyện của ông còn dông dài về việc khai phá đất đai, chuyện cụ tổ đánh cướp, bắt sấu… Những chiến công của cụ tổ khá hiển hách. Thường thì khi kể về những câu chuyện xa xưa, hàng trăm năm, người ta hay tô vẽ, thậm chí bịa đặt thêm cho nó có vẻ huyền thoại hơn, nên tôi chỉ chắt lọc những điều tôi cho là thật. Đêm ấy, tôi thức thêm vài giờ để ghi lại. Buông bút, tôi rút điếu thuốc, quờ tay trên bàn tìm cái bật lửa, mới chợt nhớ, trong câu chuyện ông chưa hề đả động gì đến cái bật lửa, mà ông cho rằng: Nhờ nó cụ tổ của ông còn mạng sống?
Đêm ấy! Câu chuyện của ông đi vào giấc mơ của tôi. Không hiểu thần kinh của tôi có vấn đề gì mà hễ ban ngày cứ đọc một cuốn sách, hay nghe một câu chuyện lạ, là y như rằng đêm tôi nằm mơ về chuyện ấy. Giấc mơ luôn xuất hiện những tình tiết kì quái .Trong giấc mơ, tôi thấy tôi chính là chàng trai họ Nguyễn kia, tôi cũng cưỡi ngựa, đeo kiếm ở cái thời xa xưa ấy, lạc vào một xứ sở mọi rợ.
Con tuấn mã có vẻ mệt mỏi, bờm rủ xuống, hai bên mép sủi bọt, nó âm thầm rảo bước trên con đường mấp mô, hun hút và tối tăm, tôi buông cương để con ngựa dưỡng sức, bỗng khu rừng âm u rộ lên những tiếng gầm rú, tôi rút soạt lưỡi gươm ra khỏi vỏ, lười gươm loáng lên ánh thép xanh rợn người. Những con thú dữ đổ ra vây quanh tôi. Phản xạ sinh tồn, tôi vung gươm, lưỡi gươm chạm đến đâu, máu loang đến đấy. Những tiếng gầm rú mỗi lúc càng ma quái hơn. Tôi giật mạnh dây cương, con tuấn mã thu tàn lực vọt lên phía trước, dường như nó cũng biết chủ nó đang rơi vào con đường chết. Những con thú dữ ngày càng đông, chúng đuổi theo con ngựa. Tôi rạp người trên mình ngựa vượt khỏi cánh rừng âm u, trước mặt là trảng cỏ tranh vàng úa, khô như rang, lũ thú rừng vẫn nườm nượp đuổi theo sau lưng. Trong giây phút nguy cấp ấy trong đầu tôi bỗng bật lên chữ “lửa”. Đúng rồi, ngọn lửa có thể làm chùn bước lũ thú dữ, tôi nhảy xuống ngựa và đánh lửa. Ngọn lửa bùng lên, đám cỏ tranh cháy hừng hực, ngọn lửa tràn như những ngọn sóng dữ, liếm dần đám cỏ tranh… Ngọn lửa phủ kín cả khu rừng, phủ luôn cả người tôi, nóng hầm hập, tôi vùng vẫy tuyệt vọng giữa đám cháy. Còn lũ thú dữ nhe hàm răng trắng ởn, đạp lên ngọn lửa mà đi, chúng gầm rú tiến dần về phía tôi, miệng đỏ như máu…
Tôi bật dậy mồ hôi đẫm người, ướt như tắm, trong giấc mơ tôi là chàng trai Nguyễn khỏe mạnh kia. Nhưng thực tế tôi là kẻ ốm yếu, hàng đêm vẫn thường bị những cơn ác mộng hành hạ như vậy. Đó là di chứng của trận ốm thập từ nhất sinh, do sốt rét rừng hồi năm tám mươi, tôi theo cha tôi vào rừng đốt than. Bữa ấy trời mưa dầm dãi, bầu trời nứt toác ra, nước trút xuống như thác đổ, người tôi mềm oặt tựa cọng bún tàu ngâm nước, cha tôi tưởng tôi đã chết, ông cõng xác tôi về để trước hiên nhà, chờ trời tạnh thì mang đi chôn. Mẹ tôi đi đào củ chụp về, bà ôm tôi vào lòng gào khóc, có lẽ do được hơi ấm của mẹ truyền qua, tim tôi đập trở lại. Cha mẹ băng mưa, đưa tôi đến trạm xá. Tôi sống lại với thể chất èo uột. Những cơn ác mộng của tôi, làm mẹ lo lắng, bà đi hết chùa này đến chùa kia, thậm chí bà đến cả cha đạo để xin nước thánh về cho tôi uống. Cả Phật lẫn Chúa cũng không xua được những cơn ác mộng hành hạ tôi hàng đêm. Sau này lớn lên, tôi quen dần và những giấc mơ giúp tôi giải toả ấm ức hàng ngày, cuộc sống mang lại cho tôi. Đêm nào không nằm mộng, ngày hôm sau người tôi uể oải và không làm được việc gì cho ra trò.
Hôm sau, trở lại quán, tôi hỏi ông về chuyện cái bật lửa mà ông chưa kể cho tôi nghe. Ông trầm ngâm rồi nhìn tôi:
– Tôi xin lỗi là không tiết lộ chuyện ấy được, đó là một câu chuyện buồn, một bí mật chỉ có những người trong dòng họ tôi mới biết mà thôi, xin anh thông cảm.
Tôi chợt nhớ giấc mơ của mình, đó là một giấc mơ ghê rợn, nó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài.
Ông rút một điếu thuốc không đầu lọc châm lửa, rồi cứ thế cầm trên tay cho tàn dài trắng rớt xuống dòng sông, li cà phê đen nguội ngắt, ông thở dài tâm sự:
– Anh ạ, chuyện như thế, dòng tộc tôi sinh sống đã nhiều đời trên mảnh đất này, trải bao năm tháng lịch sử, mảnh đất cụ tổ khai phá chia năm xẻ bảy, nhưng vườn bưởi ven sông nơi đặt nhà thờ cụ tổ thì luôn được gìn giữ truyền lại cho nhánh thứ nhứt dòng họ, đến đời tôi thì mất anh ạ!
Ông đưa cả li cà phê đen không có đường uống một lần như người ta uống rượu, rồi ông kể về chuyện cuộc đời của ông, lần này tôi cũng ghi lại, nhưng để dùng làm tư liệu viết báo. Câu chuyện của ông nêu đúng như lời ông kể thì ông bị oan!
*
* *
Theo lời dạy của cha, Nguyễn Trí theo học ngành sư phạm, chưa hết năm thứ nhất trường Đại học sư phạm thì có lệnh “tổng động viên”. Hàng ngày, bọn cảnh sát dã chiến và quân cảnh lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, học sinh các trường đại học đều phải tham gia lớp dự bị sĩ quan. Trí bị bắt đưa vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Cha anh phải cắn răng cắt ba mẫu đất trong khu đất hương hoả, chạy cho Trí khỏi phải đi quân dịch. Miếng đất nằm bên bờ sông, hàng năm đón nhận phù sa từ thượng nguồn đổ về nên trái bưởi to như đầu người, ngọt lịm. Ngài tỉnh trưởng nhiều lần đánh tiếng muốn mua một vài mẫu để ngài xây biệt thự cho cô vợ bé, ông nhất định không bán. Nhưng lần này ông đành phải xuôi tay. Anh ruột của Trí đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên rừng Mã Đà, ông cố giữ thằng con trai duy nhất để sau này có người thờ cúng tổ tiên. Ba tuần trong quân trường, Trí được cho về địa phương với cái giấy miễn dịch của ngài tỉnh trưởng cấp. Bây giờ ngài tỉnh trưởng đã mãn nguyện, một nửa khu vườn của dòng họ Nguyễn đã thuộc về ngài. Sau bốn năm dùi mài kinh sử, Trí tốt nghiệp sư phạm với tấm bằng loại ưu. Anh xin về dạy ngay trên Cù Lao, nơi ngày xưa ông sơ, ông cố, ông nội anh đã từng dạy học. Ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, cùng đội ngũ thầy giáo, Trí nô nức đón mừng niềm vui đất nước giải phóng. Lúc đầu Trí cũng lo không biết mình còn được đứng trên bục giảng nữa hay không, nhưng ít hôm sau, Uỷ ban quân quản mời thầy cô giáo tập trung cải huấn, để anh chuẩn bị khai giảng năm học mới. Trí vui mừng khôn xiết, thế là anh vẫn được chính quyền cách mạng tin dùng. Cuộc đời Trí hẳn sẽ êm ả trôi đi với “bảng đen phấn trắng, hoa phượng sân trường” nếu anh không quá cả nể. Gia đình có truyền thống cách mạng, anh ruột là liệt sĩ nên thầy Trí được đưa vào diện quy hoạch. Ông bí thư chi bộ xã năm lần bảy lượt mời thầy Trí tham gia chính quyền địa phương và rồi anh tham gia chính quyền mới. Buổi sáng làm việc ở xã, buổi chiều lên đứng lớp, ban đêm dạy bổ túc cho cán bộ, thầy Trí rất khổ sở với lớp học “không biết ai lấy nỏ thần của An Dương Vương!” Thời bấy giờ các thầy cô giáo gọi các lớp bổ túc như thế, nó xuất phát từ câu chuyện lan truyền trong giáo giới rằng: “ Thầy giáo dạy văn, tranh thủ sau giờ giảng thầy thử kiểm tra kiến thức đám học trò, thầy hỏi: Các anh chị có biết ai là người lấy cắp nỏ thần của An Dương Vương không? Sau một hồi im lặng, một học viên đỏ mặt đứng lên quát: “Thầy hỏi thế là có ý gì? Lớp chúng tôi toàn cán bộ đi học có ai tham nhũng như thế đâu!!!”.
Lớp thầy Trí chủ nhiệm, do đồng chí chủ tịch xã làm lớp trưởng, ông là người triệt để cách mạng nên học hành khá nghiêm túc, chỉ tiếc lâu quá không cầm viết nên bàn tay cứ cứng quèo. Lớp trưởng có giọng nói oang oang như chuông đồng, giờ làm việc cũng như giờ học, lúc nào ông cũng kè kè cây súng ngắn bên hông! Ba Chuông có sở thích uống máu bò nóng, trong xã có ai làm đơn xin mổ bò, ông xin họ cho ông bát tiết đầu tiên, ông xuống tận nơi cầm bát tiết nóng uống đánh ực rồi đưa tay chùi hai mép đỏ lòm. Trẻ con trong xã khóc nhè dỗ không nín, bà mẹ hét lên: “Ông Ba Chuông kìa!”, thế là trẻ nín khe, đố đứa nào dám tỉ tê. Khi có ai làm cho ông giận dữ, ông hăm dọa bắn nát óc người đó, nhưng chưa ai thấy ông bắn bao giờ. Có lần đám thanh niên đánh nhau, can không được ông rút súng nhưng không bắn mà chọi vào giữa đám trẻ, khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy toán loạn. Khẩu súng văng ngay vào hũ nước mắm của bà Tư bán bánh bèo, làm ông phải chùi rửa hàng giờ liền. Tính tình bộc trực và đôi khi thô lỗ nên ông không được lòng cán bộ trong xã. Ông Ba Chuông rất kính trọng thầy Trí, việc gì cũng hỏi ý kiến thầy, thầy góp ý ông cẩn thận ghi chép vào sổ tay. Dạo ấy mọi thứ đều quốc doanh hoá, muốn giết thịt con heo cũng phải xin phép, nhưng ở Cù Lao, ông Ba Chuông cho phép nhân dân tự do mổ bò, mổ heo để cung cấp cho nhân dân trong xã. Nhiều cuộc họp trong uỷ ban ông bị chỉ trích về tội hữu khuynh! Ba Chuông đứng lên gay gắt:
– Thời chiến tranh dân đói đã đành, bây giờ hoà bình muốn ăn miếng thịt cũng không được hay sao?
Buổi chiều ngồi uống rượu với thầy Trí, ông kể:
– Thầy biết không, hồi trong căn cứ Bàu Hàm giặc bao vây ba tháng, anh em ăn chuối xanh vàng cả mắt, tôi mò về ấp mang theo khẩu B40 dộng thẳng mấy quả vô trong đồn bọn địa phương quân, bọn chúng sợ vỡ mật, tôi vào ấp nhờ cơ sở của ta móc nối với vợ tên tướng ngụy mua cả đoàn cam nhông gạo. Lúc ấy phải linh động như thế mới thắng được giặc Mỹ chứ cứng ngắc như giờ có mà ăn cám!
Đùng một cái ông Ba Chuông bị bắt về tội tổ chức vượt biên, khi bị còng tay, ông nói với thầy Trí:
– Tôi bị oan, tôi không có sao đâu, thầy đừng lo?
Hai hôm sau, thầy Trí cũng bị còng tay vì có chứng cứ thầy là đồng bọn của Ba Chuông. Sau hai năm bị giam cầm vụ án sáng tỏ, ông Ba Chuông và thầy Trí được tha về. Ông Ba Chuông hàng ngày chèo thuyền đi câu lươn ven sông không màng chuyện thế sự. Khu vườn thầy Trí đã được trưng dụng gần hết chia cho cán bộ xã. Mấy năm liền hỏi xin lại đất nhưng cán bộ xã cứ hẹn lần. Thầy vác đơn kiện khắp nơi, tỉnh chuyển về huyện, huyện chuyển về xã, xã bảo để chờ xem xét. Không được bố trí công tác, không có việc làm, thầy Trí ngồi nhà viết đơn thuê cho dân Cù Lao. Văn hay chữ tốt, được dân tin cậy nên thầy viết hàng chục lá đơn từ chuyện tố cáo cán bộ xã tha hoá đến chuyện li dị của những cặp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Năm sau thầy Trí bị bắt lại vì chuyện xúi giục dân chúng gây rối! Bảy tháng tám ngày ở tù thầy lại được cho về với lệnh tạm tha! Không bỏ cuộc, thầy tiếp tục theo kiện đòi lại mảnh đất hương hoả. Hàng chục năm trôi qua, nợ nần chồng chất, thầy Trí bỏ xứ về thành phố làm đủ nghề để kiếm tiền sinh sống và kiên trì đi tìm công lí…
*
* *
Mấy năm sau khi nghe câu chuyện của ông, tôi không ra quán Hải Âu uống cà phê, vì ngày ấy, tôi bốc đồng hứa với ông rằng tôi sẽ viết một bài báo bảo vệ cho ông. Thực hiện lời hứa, tôi đã bỏ ra nửa tháng trời tìm hiểu viết bài phóng sự có tựa là: Hành trình đi đòi lại mảnh đất hương hoả của một công dân. Nhưng khi nộp bài, đồng chí tổng biên tập báo, nơi tôi công tác, phê ngay dòng chữ đỏ chót trên góc: Không có căn cứ, phi lí, không sử dụng! Năm lần bảy lượt ông đến toà soạn tìm, tôi mắc cỡ lẩn tránh. Thời gian trôi qua với bao nhiêu chuyện sôi động xảy ra quanh mình, tôi dần quên ông. Hôm nay, tôi qua Cù Lao vì nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo tỉnh bạn đi du lịch vườn Vài năm gần đây, trái bưởi Biên Hoà phục hồi danh tiếng, nhờ nông dân bên Cù Lao trồng lại những giống bưởi một thời làm rạng danh đất Biên Hoà. Chính quyền địa phương đưa chúng tôi đến khu vườn mà theo họ là lí tưởng nhất trong vùng. Khu vườn rộng trên ba mẫu đất nằm sát bên sông. Chúng tôi đi thuyền đến khu vườn. Những cây bưởi đường lá cam, trái tròn căng mọng lá sà xuống tận mặt nước. Một cán bộ xã cho biết chủ nhân của khu vườn được nhân dân trong vùng tôn xưng là hảo hán miệt vườn. Ông là người đầu tiên quyết tâm phá bỏ tất cả các cây trồng khác trong vườn để trồng bưởi. Tôi khá ngỡ ngàng khi gặp lại ông, người chủ vườn bưởi nổi tiếng đất Cù Lao. Khi đoàn khách tham quan ra về tôi xin phép nán lại để xin lỗi ông chuyện ngày xưa. Ông đưa tôi ra bờ sông, với tay hái trái bưởi vỗ nhè nhẹ và bảo:
– Trái này không có hột!
Rồi ông nhanh nhẹn gọt vỏ, múi bưởi mọng nước lộ dần. Ông nói:
-Cuối cùng tôi cũng tìm được công lí anh ạ! Chờ anh không được, tự tôi ra Hà Nội tìm đến tận văn phòng thanh tra Nhà nước. Rất may thanh tra đã về tận nơi xem xét giải quyết, ba tháng sau tôi được giải oan, nhà nước trả lại khu vườn cho tôi. Ngành giáo dục có mời tôi lại dạy nhưng tôi nghĩ mình đã già rồi, kiến thức mai một không theo kịp bọn trẻ nên ở nhà làm vườn.
Nghe chuyện của ông tôi chợt thấy mình hèn, bấy lâu nay tôi cứ ảo tưởng làm nghề báo của mình là nghề có thể cải tạo được xã hội. Thực ra tôi chưa bao giờ theo cái gì cho đến cùng. Bài viết xong đăng được thì đăng, không thì thôi, tôi chưa bao giờ quan tâm đến số phận những con người trong bài viết của mình. Mới mấy năm không gặp, ông giàu lên trông thấy, ngôi nhà hai tầng trắng loá giữa vườn bưởi chi chít quả. Hệ thống tưới trong vườn, ông bố trí hệ thống phun sương bằng máy, ánh mặt trời xuyên qua lớp nước tạo nên vô số cầu vồng lấp lánh như bồng lai tiên cảnh. Thấy tôi mê mải ngắm khu vườn, ông vỗ vai tôi:
– Chú làm nhà báo chắc chú biết câu này của Đức Khổng tử: Nước nhà có chính trị hắc ám mà mình phú quý thì đáng xấu hổ. Nước nhà có chính trị tốt mà mình nghèo hèn thì đáng xấu hổ!
Tôi lập cập rút điếu thuốc đưa lên môi ông nhanh nhẹn bật lửa mồi cho tôi và nói:
– Tôi bỏ thuốc từ lâu rồi, nhưng lúc nào cũng có bật lửa trong túi, phải biết giữ lửa anh ạ, đó là bí quyết tồn tại của dòng họ tôi.
Trên sông một giọng hò lanh lảnh cất lên: Hò ơi! Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai…
Hoàng hôn trùm tấm lụa vàng xuống Cù Lao…/.

N.M

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder