Lưỡi không xương – Tản văn: Nguyễn Thanh Huyền

 

– Điên lắm! Trước tôi sòn sòn đẻ ba, bốn đứa. Hôm trước đẻ, hôm sau mặt đã phơi ngoài đồng, gánh lúa, rổ mạ, be bờ, nước ngập quá đũng bì bõm cắt lúa. Cắm cúi gặt, khi mặt trăng chiếu đỉnh, bóng người thu gọn, lúc đó mới ngóc đầu lên. Về đến nhà đứa túm đằng trước, đứa ôm đằng sau, đứa lôi ti bên này, đứa cắn nghiền bên kia, công việc ngập đầu có dám ca thán chồng con đâu. Vẫn cơm bưng nước rót, nuôi con khôn lớn trưởng thành. Thằng cả nhà tôi đi làm cả ngày, hễ về là “chổng mông” lau nhà, thổi cơm, có những đêm phải phi xe lên phố cổ để mua đồ tẩm bổ, con dâu nhà tôi nó đáo để, nó hành con trai tôi đấy mà… – Người đàn bà mặc áo xanh viền hoa đay nghiến.

– Ôi dồi ! Con dâu bà nó thế chứ. Con dâu nhà khác còn xin việc cho chồng, phải thờ chồng như thờ cha. Thiếu gì gái đẹp, tài giỏi lại chiều chồng, bà lấy vợ cho con hay rước của nợ vậy? – Người mặc áo nâu thêm dầu vào lửa.

– Cái mặt lúc nào cũng sưng sưng xỉa xỉa như muốn cắn người ta. Làm thì hậu đậu, nói năng thì lắp bắp, rửa mấy cái bát cũng làm vỡ. Mới có một “nhóc”mà lôi tha lôi thôi, lười chày thây, nó ăn bám con trai tôi. – Người mặc áo xanh hả hê kể tội.

– Phải biết kính trên nhường dưới, phụng dưỡng cha mẹ. Đảm đang tháo vác, đầu quang mặt sạch chứ. Số bà khổ rồi, khổ rồi! – Người mặc áo nâu bỏ lửng.

– Tôi vô phúc, vô phúc ấy mà. Nói xong người mặc áo xanh viền hoa dắt cậu bé chừng năm tuổi tiến về phía khu tập thể của một trường đại học gần đó mất hút vào ngõ.

Tiếng nguýt dài và cái nhìn khinh khỉnh đầy diễu cợt của người mặc áo nâu rơi tõm sau bước chân quay gót của người mặc áo xanh viền hoa… “Lỡm”, tưởng ngon lắm à, “phố” à, tưởng phố mà “to” à, thích coi thường ai thì được à…

Ngạc nhiên và sẵn tính tò mò, tôi hỏi bâng quơ chẳng mong lời giải đáp “Sao thế bác?!”

– Đấy cái bà Báo, cái bà vừa nói xấu con dâu ngất trời vừa dắt thằng nhỏ về đấy. Cùng cái “lò” quê mà chảnh chọe, ra oai. Xưa khác, nay khác. Chửa vượt mặt, chồng giúp vợ lại bảo con dâu hành con trai. Cháu nội mặc thây, chăm cháu ngoại, ờ “đồ ngoại” bao giờ chẳng xịn. Con dâu lỡ làm vỡ cái bát – mà bắt nó ráo rác, sùng lục hết ngõ ngách chợ, siêu thị để mua cái bát có mẫu mã, chất lượng giống như cái bát chót lỡ làm vỡ để đền trả… đấy. Cháu nội, cháu ngoại cùng một lớp học – đón đưa mỗi cháu ngoại, còn cháu nội thì phải nhờ giáo viên trông thêm giờ, mẹ nó tan sở sau hàng tiếng đồng hồ mới về đón được, nó nhịn nhục chứ vào “tay” bác, bác bỏ chồng từ lâu rồi. Chắc chồng con bé nó nhu nhược nên mới khổ vậy.

Nghe đến đây tôi càng ngạc nhiên, bất ngờ chất vấn: “Bác vừa đồng lõa, vào hùa với bác kia mà”… Tôi mới hỏi đến đây thì chiếc xe SH màu đỏ dừng trước quán gần chiếc bàn tôi đang ngồi uống cafe. Cô gái ngồi trên xe gọi với:

– Mẹ Văn, con biếu mẹ chín triệu, mẹ trả bác Báo tiền thuê cửa hàng đi nha. Nợ nần phiền hà lắm.

– Tôi thấy người mặc áo nâu mà tôi vừa chất vấn được cô gái đi xe SH kia gọi là Văn đưa cho một bọc tiền, bác cười hớn hở, vui mừng “cảm ơn con dâu”. Cô gái không trả lời, quay chiếc xe 180 độ phóng vút, nhả màu khói đen xám lại đằng sau…

Lắp ghép câu chuyện và sự xuất hiện của cô gái với cục tiền trên tay mang biếu để mẹ trả nợ khoản thuê cửa hàng đúng kì hạn, nếu không sẽ bị phá hợp đồng thuê, việc kinh doanh sẽ bị ngừng trệ, kéo theo việc lỗ nặng. Tôi hiểu và muốn nhấn mạnh, khẳng định lại một điều cũ nhưng không kém phần nguội lạnh: Tiền rất quan trọng, quan trọng hơn câu nói mà người đời ám chỉ “Tiền là tiên là phật”… “Phật” tôi chưa thấy nhưng “tiền là thước đo lòng người” là có thật!

Tôi lót tờ tiền tương giá dưới cốc cafe đã gọi nhưng uống dở, đứng dậy tiến đối diện với bác, đủng đỉnh nói: “Café bác bán đắng lắm, đắng như tình đời và lòng người vậy. Tiền, miếng cơm manh áo rất quan trọng, nhưng chỉ là thứ yếu kém lòng tự trọng, cái “tôi” của mỗi người”… Nói xong tôi rời khỏi quán, để mặc cái nhìn ngơ ngác và cái miệng muốn “phân bua”, giải thích điều gì đó của người đàn bà trong gió chiều đông hanh lạnh…

Sau một thời gian, trong một lần khảo sát thực tế nhằm viết bài quảng cáo thương hiệu cho một doanh nghiệp, tôi có đi ngang qua con phố nhỏ có quán cafe của bác. Theo quán tính và chút tò mò, tôi để ý thấy chiếc xe SH lượn qua rồi mất hút, thoang thoáng thấy người đàn bà dắt hai con nít ngang tuổi cười nói rối rít đi ra từ quán tiến về phía khu tập thể của một trường đại học gần đó nhìn quen quen, đặc biệt thấy biển hiệu của quán đã thay đổi , từ “Queen Coffe Van” rất sang chảnh, kiêu kì sang cái tên rất mộc, rất giản dị gần gũi “Văn – Cơm bình dân”… Tôi thoáng nghĩ: “Cơm bình dân” thì tốt rồi, bác ấy đã thay đổi, sống an bình, có tình, có tâm, tốt đẹp để “tốt đời, đẹp đạo” hơn chăng?! Đấy, đôi khi lời của thiên hạ “bâng quơ” mà có sức mạnh thuyết phục ghê gớm. Bác ấy thay đổi là do lời của tôi ám chỉ nói lần trước hay do những nguyên nhân khác? Nghĩ đến đây tôi cười “chắc mẩm” vơ vào “tài” công kích của mình, nhưng rõ ràng lòng thương người của tôi là có thật… rồi tôi lại nghĩ “Cơm bình dân” của bác mong sự thay đổi này sẽ đổi thay về “lượng” và cả “chất” đúng theo nghĩa đen của nó là bình dân, “bình thường” thôi chứ đừng “treo đầu dê bán thịt chó”, đừng kém chất lượng từ những thực phẩm ôi thiu trá hình bị “hô biến” bằng hóa chất và phẩm màu gây ung thư, bệnh tật tới khách hàng “bình dân” của xã hội… Mắt tôi đâu cấy vi khuẩn mà nhìn đâu cũng thấy kí sinh trùng, nghĩ đến đây tôi rùng mình, lạnh sống lưng. Cái rùngmình cho những suy nghĩ, suy diễn mang màu sắc không tưởng của tôi hay cái lạnh sống lưng, rùng mình đó khi nghĩ về lòng tham của người đời… Đúng như người ta thường bảo “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”… Tôi mỉa mai cười, cười “méo mó”, nụ cười xoáy quai hàm này có lẽ theo tôi suốt cuộc đời chăng?! Nụ cười mãn nhãn cho cách nghĩ, nụ cười mặn chua, đắng chát cho một phần nhỏ tâm tình người hiển hiện ngõ ngách đời trần và cho những ai có “Lưỡi không xương”.

N.T.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder