Lý luận phê bình văn học Việt Nam đổi mới – Cấu trúc tam tài và thế hệ F – Phan Tuấn Anh

Mặc dù không phủ nhận những cố gắng và tâm huyết của các nhà văn giai đoạn 1975 – 1986, nhưng rõ ràng đất nước đã bước sang một thời đại mới, với những vấn đề quan thiết mới, nếu văn học vẫn vận hành theo lối cũ thì không tránh khỏi sự nhàm chán, thiếu khả năng sáng tạo.

1. Cấu trúc tam tài

Có thể chia sự vận động và phát triển của văn học Việt Nam sau 1975 thành ba giai đoạn, gắn với ba hệ hình văn học cơ bản là tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại liên quan đến những đặc trưng nghệ thuật, điều kiện (condition) về văn hóa và chính sách quản lý văn nghệ của các cấp lãnh đạo. Ba bước chuyển hệ hình (paradigm) này gắn với ba giai đoạn cơ bản tạm phân chia là 1975 – 1986, 1986 – 1999, 2000 – 2016 mặc dù những đặc tính của các giai đoạn có thể chồng lấn và kế thừa lẫn nhau. Ba giai đoạn này có những khác biệt, thậm chí đối lập, phủ định một cách sâu sắc, nhưng lại có những mối quan hệ biện chứng hữu cơ không thể tách rời mà chúng tôi gọi là cấu trúc tam tài. Theo đó, văn học 1975 – 1986 mang tính anh hùng ca, sử thi hướng thượng, hướng đến cái cao cả, cái siêu việt ở bên trên, nên tôi gọi là giai đoạn văn học hướng thiên. Văn học 1986 – 1999 là văn học Đổi mới, quay về lại với cuộc sống thời bình, với những mối quan tâm đời tư nhưng nhân bản, nên tôi gọi đó là giai đoạn văn học quy địa. Văn học 1999 đến nay (2016) lấy con người bản thể cá nhân làm trung tâm khảo cứu trong một bối cảnh tin học hóa và toàn cầu hóa, nên tôi gọi đó là nền văn học trọng nhân.

  • Thiên: Giai đoạn từ 1975 cho đến 1986, có thể nói nền văn hóa/học nước nhà vẫn vận động và viết theo quán tính cũ, tức vẫn mang đầy đủ những đặc trưng của một nền văn hóa/học kháng chiến như giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Bắc. Về văn hóa, chúng ta vẫn giữ nguyên nền tảng văn hóa bao cấp, mang đặc trưng kinh tế thời chiến tranh, với những biểu tượng điển hình là cửa hàng mậu dịch và hợp tác xã. Về văn học, chúng ta vẫn độc tôn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, với sự nhấn mạnh và đề cao “mô hình phản ánh” và “cấu trúc đồng đẳng” mà triết học Marxist, cụ thể là mỹ học Gyorgy Lukacs đã đề xuất. Theo Trương Đăng Dung, văn học Việt Nam giai đoạn này vẫn vận hành theo tư duy hệ hình lý luận văn học tiền hiện đại­(1). Hạt nhân tư tưởng cho kiểu tư duy văn nghệ này, có thể được xem xuất phát từ tuyên ngôn trong cương lĩnh Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Trong đó, đề cao nhiệm vụ cần phải “làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng… làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”.

Như Phong (1917 – 1985) – một nhà lý luận phê bình tiêu biểu của giai đoạn này trong tuyển tập Bình luận văn học viết: “Phải luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lê và nêu rõ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể nhất của lý luận cũng như thực tiễn công tác văn nghệ; là không mệt mỏi đấu tranh chống những quan điểm sai lầm văn nghệ bất cứ từ đâu tới, để gạt bỏ những cản trở vướng víu lệch lạc cho sự nghiệp văn nghệ của cách mạnglà phải xây dựng các cơ quan công tác văn nghệ vững mạnh về tư tưởng…”(2). Tiểu luận viết vào tháng 2 năm 1975 ấy cũng có thể đại diện cho diện mạo của lý luận phê bình văn học Việt Nam từ 1975 đến 1986, với hàng loạt những tượng đài, lá cờ đầu như Hà Xuân Trường, Trường Chinh, Vũ Đức Phúc, Tố Hữu, Nguyễn Khải, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ… Cách hiểu và cắt nghĩa văn học theo lối tiền hiện đại này không phải không có tính khoa học và cơ sở thực tế. Tuy nhiên, một khi độc tôn, loại trừ hay phủ định tất cả những lý thuyết văn học khác, phủ nhận mọi trào lưu trường phái văn học phi hiện thực xã hội chủ nghĩa là “tư sản, đồi trụy, phản động” thì lại trở nên khiên cưỡng, cứng nhắc, thiếu sức sống.

Những nhà văn tiêu biểu trong giai đoạn 1975 – 1986, mặc dù trưởng thành sau chiến tranh, nhưng đa phần vẫn thuộc về hệ hình tư duy văn học tiền hiện đại, trong quan niệm sáng tạo của họ chủ yếu vẫn đề cao đặc tính phản ánh và chức năng dụng hành của văn học đối với hiện thực xã hội. Quan niệm sáng tạo nổi tiếng của Sóng Hồng (Tổng Bí thư Trường Chinh): “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ – Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”; hoặc bài thơ Khán thiên gia thi hữu cảm nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp – Mây gió trăng hoa tuyết núi sông – Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, vẫn có thể xem là “kim chỉ nam” của sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ thế hệ sau chiến tranh này. Mặc dù không phủ nhận những cố gắng và tâm huyết của các nhà văn giai đoạn 1975 – 1986, nhưng rõ ràng đất nước đã bước sang một thời đại mới, với những vấn đề quan thiết mới, nếu văn học vẫn vận hành theo lối cũ thì không tránh khỏi sự nhàm chán, thiếu khả năng sáng tạo.

  • Địa: Nhằm đưa đất nước hội nhập với thế giới, Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra như một cơn mưa cập thời với tinh thần dân chủ, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Có thể nói, Đại hội VI của Đảng là một trong những Đại hội tạo ra bước ngoặt tư tưởng lớn, là Đại hội để lại di sản cách tân và đổi mới mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, những thành tựu mà cho đến tận hơn 30 năm sau chúng ta vẫn còn được thừa hưởng. Trên phương diện kinh tế, chính trị, Đảng đã chủ trương cải cách nền kinh tế theo cơ chế thị trường, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, tạo ra những đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc. Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam không còn đơn cực (phe xã hội chủ nghĩa) mà tiến hành đối ngoại đa cực, xem mọi quốc gia đối tác là bè bạn, chủ trương “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” ngay cả với Hoa Kỳ và những nước đồng minh của họ trong chiến tranh. Trên địa hạt văn nghệ, văn học, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – con người tinh anh mở đường cho Đổi mới, trong cuộc gặp gỡ lịch sử với văn nghệ sĩ tại Hà Nội vào ngày 6 – 7 tháng 10 năm 1987, đã tuyên bố “Cởi trói” cho văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. “Các đồng chí có nói nhiều đến sự “cởi trói”. Có như vậy mới phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực của các đồng chí. “Cởi trói” như thế nào? “Cởi trói” nói ở đây trước hết tôi nghĩ rằng Đảng phải cởi trói. Cởi trói trong lĩnh vực tổ chức, chính sách, trong các quy chế, chế độ”(3). Từ định hướng mới mẻ, dân chủ này trong sáng tạo, chúng ta thấy các quan điểm lý luận văn học cũng có những đổi mới từng bước, chòng chành vỡ ối chuyển dạ chậm rãi, nhưng chắc chắn và rõ rệt. Đầu tiên là xu hướng đổi mới chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, giãn nới tối đa phạm vi của hiện thực thành hiện thực của tâm trạng hay hiện thực tâm lý, hiện thực huyền ảo. Sự tiếp nhận nhiều hứng khởi, tạo ra những cách tân mới mẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism) Mỹ Latin với những tác gia như G.G.Márquez, J.L.Borges, M.V.Llosa, A.L.Carpentier, J.Amado… trong văn học Việt Nam trong hơn 30 năm qua, thực chất là một quá trình chỉ có thể thực hiện nhờ những thành tựu của Đổi mới. Hàng loạt những trào lưu nghệ thuật thuộc chủ nghĩa hiện đại ở phương Tây như chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa Đa đa, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện sinh… hoặc các bộ môn khoa/triết học như văn học so sánh, xã hội học, phân tâm học, chủ nghĩa hình thức, hiện tượng học, mỹ học tiếp nhận… cũng được tái tiếp/thừa nhận, cũng như được giảng dạy, nghiên cứu trong môi trường hàn lâm và học đường. Theo Nguyễn Văn Dân: “Có thể nói, nhiều lý thuyết và phương pháp trước đây được coi là vùng cấm kỵ thì nay đã được phổ biến rộng rãi, hầu như không còn sự hạn chế nào trong việc tiếp cận kho tàng lý luận văn học của thế giới… Thậm chí, có những quan niệm trước đây bị phê phán kịch liệt… nay đã được tiếp thu một cách cởi mở và áp dụng vào thực tế nghiên cứu văn học”(4).

Bên cạnh đó, việc chất vấn, phản biện về nguyên lý phản ánh của văn học cũng được đặt ra mạnh mẽ và riết róng. Tiêu biểu là cuộc tranh luận giữa Trần Đình Sử và Lê Ngọc Trà về vấn đề văn học phản ánh hiện thực hay là văn học nghiền ngẫm hiện thực. Những quan điểm mới mẻ về mối quan hệ giữa văn học với hiện thực của Lê Ngọc Trà trong các tiểu luận như “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực” (1988) đăng trên báo Văn nghệ và tuyển tập Lý luận và văn học (1990), thực chất là khát vọng đổi mới nền văn học nước nhà, mà trước tiên là đổi mới lý luận văn học. Mục đích giãn nới, hoặc xóa bỏ nguyên lý phản ánh không đơn thuần được/bị khuôn gọn trong địa hạt văn chương, mà thực chất, là một ẩn dụ về khát vọng dân chủ và đổi mới đất nước. Đổi mới theo nghĩa này, tức là phương Tây hóa và đa nguyên hóa quan điểm lý luận văn học. Lê Ngọc Trà viết năm 1988: “Thế là rốt cuộc sau nhiều năm do dự, thì thầm, lần đầu tiên chúng ta đã có can đảm nói to lên, nói công khai một sự thật: “Văn học cách mạng của chúng ta còn nghèo nàn… Tình trạng nghèo nàn của văn học cách mạng trong mấy chục năm vừa rồi có nhiều nguyên nhân: sự lãnh đạo đối với văn nghệ, mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ… Song theo chúng tôi, còn một mặt quan trọng nữa và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn cần “tháo gỡ” trong nhận thức của giới lãnh đạo, sáng tác và cả lý luận phê bình, đó là vấn đề văn học và hiện thực”(5). Đọc kĩ lại các tiểu luận của Lê Ngọc Trà, được in trong tuyển tập Lý luận và văn học, ta thấy sự tranh luận, trao đổi mà ông chủ ý không nằm trong địa hạt thuần túy của văn học, mà rộng hơn, muốn thay đổi quan điểm lãnh đạo văn học của Đảng, cũng như mở rộng không khí dân chủ trong đời sống xã hội, để nhà văn có thể nói thật, nhìn thẳng vào cuộc sống, tránh quan điểm thô thiển về văn nghệ tòng thuộc chính trị một cách máy móc. “Một nền văn học thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn sẽ góp phần quan trọng cho quá trình dân chủ hóa xã hội, làm lành mạnh các sinh hoạt chính trị trong đời sống… Bởi vậy đứng ở đâu trong cuộc đấu tranh này – đó là cả một thử thách đau đớn, là thước đo cách hiểu văn chương, quan niệm về con người và chính ngay nhân cách của những ai đang cầm bút hôm nay”(6).

Trong giai đoạn Đổi mới sau 1986, chúng ta cũng thấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với tư cách là một trào lưu nghệ thuật và đặc biệt là một phương pháp sáng tác đã không còn độc tôn như trước. Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn được nhấn mạnh, thì đến Nghị quyết trung ương 05 khóa VIII năm 1998, đã không còn nhắc đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trên cả phương diện trào lưu và phương pháp sáng tác(7). Lúc này, Đảng chủ trương “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác”. Những nhà nghiên cứu như Lã Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân… đã đưa ra ý kiến cần xóa bỏ sự độc tôn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một phương pháp sáng tác có vai trò lãnh/chỉ đạo hoạt động sáng tác văn nghệ, có quyền đứng trên mọi trào lưu và phương pháp sáng tác khác. Thực tiễn đời sống lý luận văn học nước nhà thời Đổi mới dù lặng lẽ, không phát ngôn chính thức, nhưng đi cùng với việc tái nhận thức và tái tiếp/thừa nhận các trào lưu sáng tác phương Tây hiện đại, đã đặt lại vị trí chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong tính lịch sử của nó, tức có hạn chế, có thành tựu và bình đẳng với các trào lưu nghệ thuật còn lại trong tiến trình văn học.

Đi cùng với sự “giải thiêng” phản ánh luận và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, là quá trình nhận thức lại những chức năng và thuộc tính của văn học. Nếu như trước đây, những chức năng nặng về giáo huấn, đạo đức và đấu tranh giai cấp được đề cao thì từ Đổi mới trở đi, những chức năng như thẩm mỹ, giải trí và tự biểu hiện được nhấn mạnh. Trong Nguyên lý lý luận văn học của Timophiev (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1962) văn học được xem có ba chức năng cơ bản là: 1/ nhận thức, 2/ giáo dục và 3/ thẩm mỹ. Trong Lý luận văn học của Gulaiep (Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982), một trong những cuốn sách lý luận văn học đầu tiên ở nước ta(8) và tạo được ảnh hưởng lớn đến giới lý luận văn học Việt Nam, cho rằng văn học có các chức năng: 1/ giáo dục; 2/ nhân đạo; 3/ đấu tranh chống tiêu cực và kẻ thù. Trong giáo trình Lý luận văn học (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997 – tái bản lần 1 từ lần xuất bản đầu tiên năm 1986-1988) của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phương Lựu chủ biên, văn học có bốn chức năng 1/ nhận thức; 2/ giáo dục; 3/ thẩm mỹ; 4/ giao tiếp (phần này do Lê Ngọc Trà viết, do đó ông vẫn giữ nguyên quan điểm này trong cuốn Lý luận và văn học (1991)). Trong giáo trình Lý luận văn học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nxb Giáo dục, in lần đầu năm 1993, được tái bản nhiều lần, năm 2007 tái bản có chỉnh sửa) do Hà Minh Đức chủ biên, đề xuất 6 chức năng 1/ Nhận thức và dự báo; 2/ Thẩm mỹ và giải trí; 3/ Giáo dục và giao tiếp. Mặc dù, như ta đã thấy, đi cùng với quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới tư duy lý luận văn học, các chức năng “mới” như giải trí, thẩm mỹ dần được đưa vào, rồi trở nên “được” bình đẳng hóa so với những chức năng cơ bản truyền thống như giáo dục, nhận thức, đấu tranh giai cấp, tuy nhiên, phải đến cuốn Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999) của Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương thì vấn đề chức năng văn học mới được tái nhận thức một cách mạnh mẽ. Các tác giả lập luận đanh thép: “Nhưng qua đây có thể thấy nhà thơ không hề coi thường việc “mua vui”, việc giải trí bằng văn chương… Thành kiến đối với chức năng giải trí, “mua vui” của văn chương nghệ thuật, có thể có nguồn gốc từ một quan niệm sống khắc khổ, phiến diện, từ chỗ coi nhẹ chính ngay ý nghĩa của trò chơi và sự nghỉ ngơi, giải trí của con người trong cuộc sống. Trước đây, lí luận văn nghệ ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa hầu như không đề cập đến chức năng giải trí của văn chương nghệ thuật”(9). Như vậy, ta có thể thấy càng về sau, thì các chức năng như thẩm mỹ, giải trí, tự biểu hiện… lại càng được nhấn mạnh. Thậm chí, chức năng thẩm mỹ trước đây bị giới nghiên cứu còn nhiều ngại ngần, e dè, nay với thành tựu Đổi mới, lại được đặt vào trung tâm của các chức năng văn học, Phương Lựu còn xem đó là chức năng có vai trò hệ thống cấu trúc nên/của các chức năng còn lại.

Vấn đề những thuộc tính văn học cũng có những chuyển biến, thay đổi. Lý luận văn học Việt Nam trước 1986 đề cao tính đảng của văn học, xuất phát từ những quan điểm được ghi lại trong các sách kinh điển của Marx, Engels và Lenin bàn về văn học nghệ thuật. Những nhà lý luận văn học nước ta, ảnh hưởng trực tiếp từ lý luận Xô viết, mà tiêu biểu là Malencov với nhận định nổi tiếng: “Điển hình văn học là phạm vi thể hiện của tính đảng cộng sản trong văn học”(10), đã từng xem tính đảng như một thuộc tính tất yếu và phổ biến của văn học. Nguyễn Lương Ngọc, Trần Văn Bính, Nguyễn Văn Hoàn trong Văn nghệ và chính trị (1961) viết: “Chúng ta kiên quyết bảo vệ nguyên tắc tính đảng trong văn học của Lê-nin, chống lại mọi mưu đồ phủ nhận tính đảng của văn học nhưng một mặt khác, chúng ta cũng đề phòng lối hiểu thô thiển, phiến diện về nguyên tắc đó”(11). Nếu như những bộ sách lý luận văn học như Cơ sở lí luận văn học do Nguyễn Lương Ngọc chủ biên (1980) và cả trong những tiểu luận, bài phát biểu của giới lãnh đạo từ Đại hội III của Đảng (1960) cho đến trước 1986, tính đảng trong văn học được đề cao, thì sau 1986, tính đảng chỉ được đề xuất như là một thuộc tính của trào lưu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chứ không còn được xem là thuộc tính phổ biến của văn học nói chung nữa. Có thể thấy các bộ giáo trình lý luận văn học của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học tổng hợp Hà Nội trong những lần tái bản sau này năm 1997, 2007, 2008… đã không còn đưa “tính đảng” vào phần nguyên lý chung, mà chỉ đề cập đến những thuộc tính phổ quát của văn học như tính nhân dân, tính dân tộc, tính quốc tế, tính giai cấp mà thôi. Phần tính đảng không bị xóa bỏ hẳn, mà như trên đã nói, được điều chỉnh lại đưa vào trong phần Tiến trình văn học (tập 3 của bộ Lí luận văn học do trường Đại học Sư phạm Hà Nội viết, Phương Lựu chủ biên), nằm trong những đặc trưng tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Lý luận văn học cũng như quan niệm sáng tạo của nhà văn thời kỳ sau 1986 còn có nhiều đổi mới, cách tân mạnh mẽ trên phương diện phục hưng tính chủ thể, con người cá nhân trong văn học. Nếu như văn học kháng chiến và cả văn học 1975 – 1986 vẫn chủ yếu đề cao cái ta, cái nhân dân, cái dân tộc, cái giai cấp đặt trong bối cảnh và tâm trạng thời chiến, thì văn học Việt Nam từ 1986 trở đi quay trở lại với nhịp sống đời thường, với cảm hứng đời tư thế sự quan tâm sâu sát hơn với thân phận cá nhân, bi kịch bản thể. Do đó, Nguyễn Khải – một trong những tượng đài của văn học kháng chiến về cuối đời đã cất tiếng nói đòi Đi tìm cái tôi đã mất: “Trong suốt ba chục năm chiến tranh, mỗi người Việt Nam đã quên hẳn những nhu cầu vật chất và tinh thần của riêng mình để được cùng sống như mọi người, cùng cảm nghĩ như mọi người, sống cùng sống chết cùng chết… Còn thời bây giờ là một xã hội mạnh ai nấy lo, người người lấn chen nhau, tranh cướp nhau vì những tham vọng không được kìm nén, kỷ cương cũ bị xoá bỏ, kỷ cương mới chưa kịp hình thành, mọi sự đều phải làm lại từ đầu từ quốc kỳ, quốc ca, quân kỳ… Nhưng xem ra chả có mấy ai than thở về hiện trạng hỗn loạn, họ cảm thấy thoải mái, bằng lòng với cuộc sống đầy bất trắc của hiện tại vì lần đầu tiên họ được lựa chọn cách sống của mình, thắng thua tự mình gánh chịu, cũng là lần đầu họ biết nhận ra cái “bản lai diện mục” của chính họ”(12).

Nguyễn Minh Châu – một tượng đài khác của văn học kháng chiến cách mạng thì viết điếu văn để tiễn đưa một nền văn học cũ đã mất hết sức sống và sự sáng tạo trong bài báo nổi tiếng đăng trên báo Văn nghệ số 49 và 50 năm 1987 với tựa đề Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa. “Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế”(13). Bài báo của Nguyễn Minh Châu đã mở ra một chương mới cho văn học Đổi mới, cả về cảm hứng sáng tạo lẫn quan niệm nghệ thuật về con người.

Nhờ những giãn nới, cách tân nói trên trên phương diện lãnh đạo văn nghệ, lý luận văn học hay quan niệm sáng tác, mà văn học Việt Nam thời kì Đổi mới đã có nhiều thành tựu mang tính cách mạng hệ hình so với khoảng 15 năm trầm lắng, trì trệ trước đó. Với những cây bút xông xáo, đổi mới triệt để và đầy khiêu khích như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Quang Thiều, Dương Hướng, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Trường… cả nền văn học Việt Nam đã thực sự rẽ qua một lối khác, mang tên hiện đại. Như vậy, về thực chất, văn học Việt Nam từ 1986 cho đến cuối thế kỷ XX đã được viết, nghiên cứu theo tư duy hệ hình lý luận văn học hiện đại. Về văn hóa, chúng ta đã bước sang thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng, với biểu tượng văn hóa là những cửa hàng bách hóa tư nhân, những chợ và siêu thị do kinh tế tư nhân làm chủ. Về văn học, chúng ta đã cởi mở hơn các trào lưu nghệ thuật phương Tây, mà biểu tượng là tiến trình tiếp nhận chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Hạt nhân tư tưởng của văn nghệ thời kì này, có thể gói gọn trong phạm trù “cởi trói” của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, hay nói như Nguyễn Khải, là thời đại đi tìm những cái tôi đã bị đánh mất. Nếu như văn học giai đoạn 1975 – 1985 (tiền hiện đại) lấy trung tâm là tác giả, với hai phương pháp nghiên cứu chủ yếu là xã hội học và tiểu sử học, thì văn học giai đoạn Đổi mới (hiện đại) lấy văn bản làm trung tâm, với phương pháp thi pháp học, tự sự học làm cơ bản. Có thể nói trong giai đoạn này, những cống hiến về mặt lí thuyết làm thay đổi hệ hình lý luận văn học nước nhà của Trần Đình Sử và những học trò của ông (và phần nào đó là của những người đồng thời với Trần Đình Sử như Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Anh Đào, Nguyễn Xuân Kính, Phan Ngọc, Nguyễn Phan Cảnh…) là quan trọng nhất, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng, mặc dù những người tiền nhiệm như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Trinh, Nguyễn Thái Hòa, Vương Trí Nhàn… đã có tìm hiểu ít nhiều về thi pháp.

Xem xét lại những sáng tạo văn học thời kì này, chúng ta cũng có thể thấy rõ việc coi trọng tính đa nghĩa của văn bản, trò chơi của ngôn ngữ được nhấn mạnh. Theo Lã Nguyên trong tiểu luận Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, truyện ngắn của hai tác giả này được viết theo mô thức tư duy ngôn ngữ mới là mô thức đồng dao và mô thức câu đố để từ bỏ lối tư duy dụ ngôn truyền thống(14). Hai mô thức này, về thực chất là sự tách rời giữa chữ và nghĩa, giữa lời và vật, nó là một quá trình làm rỗng nghĩa theo nguyên lý trò chơi dân gian. Văn học Việt Nam đổi mới nói chung và Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài nói riêng thường xuyên có những tên nhân vật, những tựa đề không liên quan, thậm chí đối lập so với bản chất của nhân vật hay cốt truyện. Trong truyện có những bài thơ, bài hát được lai ghép, những đối đáp rời rạc, thiếu tương hợp, logic, những cốt truyện lỏng lẻo, phân mảnh hay thậm chí không có cốt truyện như các sáng tác của Nguyễn Việt Hà hay Nguyễn Bình Phương. Ngoài ra, những từ tục tĩu, suồng sã, hài hước, đời thường cũng xuất hiện nhiều trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái… biến văn bản trở thành trò chơi đa thanh của ngôn ngữ.

Nhân: Quá trình đổi mới về kinh tế, chính trị, đối ngoại vẫn được tiếp tục từ cuối thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng thập niên cuối cùng của thế kỷ XX trên địa hạt văn học chúng ta không còn chứng kiến sự xuất hiện của những tác phẩm và tác gia lớn có tính cách tân Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài… Trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu văn học và nhà văn cho rằng, nền văn học nước nhà đã bước qua giai đoạn “hậu – đổi mới”. Hậu – đổi mới được các nhà nghiên cứu sử dụng theo nhiều nghĩa, trong đó có hai ý kiến cơ bản, một ý kiến cho rằng hậu – đổi mới tức là chính thức chuyển mình sang hậu hiện đại, ý kiến còn lại xem hậu – đổi mới là quá trình tăng cường sự lãnh đạo của các cấp quản lý, tăng cường kiểm duyệt báo chí, mà giai đoạn 1986 – 1999 chúng ta đã từng có được. Về niên biểu xác định hậu – đổi mới, có người xem là từ 1989, 1992, 1994 đến nay, có người lại xem là từ 2006 đến nay với những tiêu chí riêng, chưa đi đến sự thống nhất. Thậm chí, nhiều người xem không có hậu – đổi mới, đó thực ra chỉ là lập luận mang tính chính trị, còn thực ra chúng ta vẫn đang trong thời Đổi mới, người khác thì lại xem thực ra Đổi mới đã là Hậu đổi mới (hậu hiện đại).

Về ý kiến của cá nhân tôi, những thành tựu về văn học nghệ thuật có từ thời Đổi mới cho đến nay vẫn được kế thừa và phát triển. Đã không có một sự thay đổi lớn nào từ tầm vóc lãnh đạo vĩ mô văn nghệ của các cấp, tuy có thể vẫn tồn tại một vài ngộ nhận, sai sót hoặc hiểu lầm cục bộ. Nhưng những sai sót ấy, nếu có, là chuyện bình thường ở mọi nền văn học dân tộc, hoặc nằm trong giới hạn tất yếu của mỗi thời đại. Bằng chứng là văn học Việt Nam vẫn tiếp tục những thành tựu dân chủ, hội nhập và tích cực xích lại gần với trình độ văn học thế giới, đặc biệt là trên phương diện lý luận văn học. Không gian dân chủ, đối thoại vẫn được duy trì, bằng chứng là một loạt những tác phẩm bị đồn đoán “có vấn đề” như Hạt cơ bản (M.Houllebecq), Chuyện nông trại (G.Orwell), Chưa đủ để gọi là khoảng khắc (Lê Minh Phong), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (Nguyễn Vĩnh Nguyên)… rốt cuộc vẫn không bị thu hồi hay tác giả, nhà xuất bản không chịu bất kì hình thức kiểm điểm nào. Không hẳn quan điểm hay quan niệm nghệ thuật của các tác phẩm trên là trùng khớp với đường lối lãnh đạo văn nghệ, nhưng việc cho phép những tiếng nói khác, cho phép giới thiệu những quan điểm tư tưởng mới nhằm tham khảo, phản biện khi cần thiết trong đời sống văn học, tri thức nước nhà là rất quan trọng, đó là một thành tựu của Đổi mới đã được duy trì cho đến nay. Nhiều nhà văn bị xem “dính án” văn chương và hoặc “có vấn đề” ở giai đoạn đầu thế kỷ XXI như Nguyễn Quang Lập, Nhã Thuyên, Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ… vẫn được tiếp tục xuất bản sách, nhận giải thưởng là một ứng xử đầy nhân văn và dân chủ. Người viết “sai sót” trên địa hạt nào thì chịu trách nhiệm ở địa hạt đó, còn việc sáng tạo nghệ thuật là quyền thiêng liêng của tác giả. Nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội đã được trao cho nhiều nhà văn trước đây đã từng bị treo bút, bị án văn chương Nhân văn – Giai phẩm, hoặc ngày nay có những quan điểm chính trị khác, có thể kể ra một số ví dụ như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung, Nguyễn Xuân Khánh…

Những chủ đề tưởng chừng như “cấm kỵ” trước đây như đồng tính, loạn luân, cải cách ruộng đất, chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) với Trung Quốc, chiến tranh biên giới Tây Nam (1978 – 1989) với Campuchia… lần lượt được những tác phẩm văn học đề cập đến một cách trực diện và dưới cái nhìn nhân bản như Biết đâu địa ngục thiên đường (Nguyễn Khắc Phê), Hoang tâm, Xác phàm (Nguyễn Đình Tú), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Ba người khác (Tô Hoài)… chứng tỏ rằng mỗi nền văn học/hóa vẫn luôn có những cấm kỵ (taboo) riêng, nhưng ít ra trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI, văn học vẫn được phép phản ánh những vấn đề quan thiết của dân tộc, trong quá khứ và cả trong hiện tại. Những thành tựu của sáng tạo văn học giai đoạn này, trên phương diện đề tài và chủ đề, là có nhiều bước tiến quan trọng so với giai đoạn 1986 đến cuối thế kỷ XX.

Trên phương diện lý luận văn học và mỹ học, những thành tựu từ Đổi mới vẫn được tiếp tục kế thừa và có nhiều bước phát triển mới. Các chức năng văn học tiếp tục được nhận thức lại, và quan điểm mới nhất trong bộ giáo trình Lý luận văn học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Phương Lựu chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm, 2008) đó là sự thừa nhận đa chức năng của văn học (mục 5.2. Tính đa dạng và thống nhất trong chức năng văn học), dựa trên nhu cầu tiếp nhận phong phú không giới hạn của người đọc. Đây là một bước phát triển mới của tư duy lí luận văn học Việt Nam bởi sự ứng dụng mỹ học tiếp nhận vào lý luận văn học. Những trường phái nghệ thuật phương Tây hiện đại tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn qua những công trình như Mười trường phái lý luận phê bình văn học đương đại phương Tây (Nxb Giáo dục, 1999), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (Nxb Văn học, 2001) của Phương Lựu, Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX của Lộc Phương Thủy chủ biên (Nxb Giáo dục, 2007), Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật của Nguyễn Văn Dân (Nxb Khoa học xã hội, 2013)… và cho phép tái bản lại nhiều công trình lý luận – phê bình văn học đã được xuất bản trong chế độ miền Nam trước 1975.

Đặc biệt, sự tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại có thể xem là thành tựu lớn nhất của giai đoạn này. Công cuộc tiếp nhận và ứng dụng lý thuyết văn học hậu hiện đại ở Việt Nam ghi nhận công lao của nhiều người, trong đó có Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Đào Tuấn Ảnh, Ngân Xuyên, Lê Huy Bắc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Inrasara, Lã Nguyên, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Minh Quân, Thụy Khuê, Bùi Văn Nam Sơn… Thành tựu này có hai ý nghĩa, thứ nhất chủ nghĩa hậu hiện đại là trào lưu đương đại ở phương Tây, có niên biểu xuất hiện gần như mới mẻ nhất, tiếp cận trào lưu này sẽ đưa văn học nước nhà bắt kịp nhanh nhất với trình độ văn học thế giới. Thứ hai, bản chất của hậu hiện đại là đả phá các đại tự sự, chấp nhận tiếp biến chủ nghĩa hậu hiện đại tức đã chứng minh cho không gian dân chủ được mở rộng về mặt bản chất cả trong xã hội lẫn văn chương. Dĩ nhiên tiến trình tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam khoảng gần 20 năm qua, mà đặc biệt là 15 năm đầu thế kỷ XXI có nhiều biến cố, khúc quanh và cả sự kì thị, hiểu nhầm, phủ định. Nhưng có thể nói cho đến nay, văn học hậu hiện đại Việt Nam đã sinh tạo hình hài, đang dần trở thành luồng văn học tiên phong nhất, đem lại nhiều hứng khởi sáng tạo và thành tựu văn chương với những cây bút như Mai Văn Phấn, Nhật Chiêu, Inrasara, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Phong Điệp, Đặng Thân, Uông Triều, Trịnh Sơn, Lê Minh Phong…

Cũng cần kể đến đó là sự xuất bản, giới thiệu những trước tác triết học kinh điển phi Marxist, thậm chí có nhiều quan điểm mang tính đối thoại với triết học Marx, hoặc thuộc về những trường phái triết học mà trong quá khứ chúng ta đã từng phê phán, phủ định. Tiêu biểu nhất là Tủ sách tinh hoa của Nhà xuất bản Tri thức với hàng loạt những công trình triết học kinh điển như Triết học của tự do (Nicolai Alexandrovich Berdyaev), Tất định luận và tự do lựa chọn (Isaiah Berlin), Bốn tiểu luận về tự do (Isaiah Berlin), Chính thể đại diện (John Stuart Mill), Bàn về tự do (John Stuart Mill), Émile hay là về giáo dục (Jean-Jacques Rousseau), Khảo luận thứ hai về chính quyền (John Locke), Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (Karl Popper), Hoàn cảnh hậu hiện đại (J.F.Lyotard), Dân chủ và giáo dục – Một dẫn nhập vào triết lý giáo dục (John Dewey), Chủ nghĩa tự do truyền thống (Ludwig von Mises), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (Max Weber)… Có thể nói, sự thay đổi về nhận thức luận từ hiện đại chuyển sang hậu hiện đại ở Việt Nam trước tiên không phải xuất phát từ những đổi mới về cơ sở hạ tầng kinh tế, mà là do sự tiếp nhận những luồng triết học mới mẻ đến từ phương Tây. Những công trình triết/mỹ học này, đã tạo ra sự tác động mạnh mẽ hơn bất kì kiệt tác văn học đương đại hay công trình lí luận văn học nào trên thế giới (đã được dịch) đối với sự đổi mới và dịch chuyển hệ hình văn học Việt Nam từ hiện đại sang hậu hiện đại. Một thành tựu khác đó là chúng ta đã chấp nhận dịch và giới thiệu những công trình lý luận văn học nước ngoài kinh điển, mà tiêu biểu là Lý luận văn học của R.Wellek và A.Warren (Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2009).

Như vậy, có thể nói, văn học Việt Nam từ cuối thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI đã được viết, nghiên cứu theo tư duy hệ hình lý luận văn học hậu hiện đại. Về văn hóa và kinh tế, đất nước cũng bước sang một thời kì mới có tên toàn cầu hóa (globalization), với biểu tượng kinh tế là những trang web bán hàng qua mạng và siêu thị trên nền tảng internet. Văn học hậu hiện đại Việt Nam, theo tôi, đặc trưng và điển hình nhất là những tác phẩm được viết trên nền tảng mạng, sau đó được xuất bản nhưng vẫn mang đầy đủ những đặc trưng của một nền tảng văn học mạng/máy tính (compu(in)ter(net) literature) như Ma net hay 3339 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân, hoặc bản dịch cuốn Anh chàng xe điện của Hitori Nakano (Nxb Hội nhà văn, 2011)(15). Chính vì vậy, có thể nhận định rằng mặc dù những di sản Đổi mới từ 1986 đến nay là vẫn còn nguyên những giá trị, nhưng văn học đầu thế kỷ XXI sẽ có những đặc trưng và quy luật riêng, chính vì vậy, cần thiết phải phân kỳ văn học Việt Nam mười lăm năm trở lại đây thành một giai đoạn mới. Giai đoạn này có thể xem là văn học giai đoạn toàn cầu hóa hay văn học hậu hiện đại. Chúng ta sẽ còn quay lại phân tích kĩ hơn những điều kiện cho ra đời nền tảng văn học mới này trong phần 2 của tiểu luận.

Tư duy lý luận văn học hậu hiện đại lấy người đọc làm trung tâm của đời sống văn học. Do đó, tôi xem đặc trưng của việc chuyển hệ hình từ văn học hiện đại sang văn học hậu hiện đại ở Việt Nam đầu thế kỷ XXI có công lao rất lớn của việc tiếp nhận lí thuyết về người đọc nói riêng và mỹ học tiếp nhận (Reception Esthetis) nói chung. Bắt nguồn từ triết học Hiện tượng học của E.Husserl và Tường giải học của Heidegger, Gadamer, mỹ học tiếp nhận mà cụ thể là trường phái Konstanz của Wolfgang Iser và Hans Robert Jauss đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam vào giai đoạn cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI. Nhiều nhà lý luận, phê bình văn học đã có công lao trong việc dịch, giới thiệu và ứng dụng mỹ học tiếp nhận (tiếp nhận văn học) vào Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến Nguyễn Văn Trung trong Lược khảo văn học (1968) trước giải phóng, sau đó đến công lao của một loạt những nhà khoa học như Hoàng Trinh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Huỳnh Vân, Nguyễn Lai, Nguyễn Thanh Hùng, Huỳnh Như Phương, Phan Trọng Luận, Đỗ Lai Thúy… nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến Trương Đăng Dung. Trương Đăng Dung không phải là người nghiên cứu đầu tiên về mỹ học tiếp nhận, nhưng là người chuyên chú nhất và có những nghiên cứu chuyên sâu nhất, đi từ những nền tảng triết học tận nguồn như hiện tượng học hay tường giải học. Tiểu luận đầu tiên nghiên cứu về mỹ học tiếp nhận của ông viết tháng 12/1996 đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học với tựa đề Tác phẩm văn học như là quá trình. Năm 1998, Trương Đăng Dung công bố chuyên luận đầu tiên là Từ văn bản đến tác phẩm văn học. Năm 2004, Trương Đăng Dung công bố chuyên luận quan trọng nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình nói chung và mỹ học tiếp nhận nói riêng đó là Tác phẩm văn học như là quá trình. Tất cả các công trình ấy đều tập trung nghiên cứu bản chất của ngôn ngữ, đặc trưng của quá trình thông diễn văn bản, bản chất của sự đọc, nghĩa và ý nghĩa của văn bản… mà bao trùm và xuyên suốt nhất vẫn là nghiên cứu bản chất triết học của hoạt động tiếp nhận văn học.

Từ những công trình của Trương Đăng Dung, mỹ học tiếp nhận đã được nghiên cứu và chú ý thích đáng trong nghiên cứu văn học, bởi nghiên cứu của ông khác lối làm hớt ngọn, nói theo của một số người, để miệt mài dịch, nghiên cứu những nền tảng triết học bề sâu của trường phái tiếp nhận văn học. Do đó, nếu Trần Đình Sử có công lao quan trọng nhất trong cuộc chuyển đổi hệ hình nghiên cứu văn học Việt Nam lần 1 (từ tiền hiện đại sang hiện đại), thì Trương Đăng Dung có công lao nổi bật nhất trong cuộc chuyển đổi hệ hình nghiên cứu văn học Việt Nam lần 2 (từ hiện đại sang hậu hiện đại), dẫu họ luôn được may mắn đứng trên vai những người khổng lồ. Như vậy, có thể xem văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XXI là văn học toàn cầu hóa/hậu hiện đại. Thành tựu lớn nhất về mặt lí thuyết giai đoạn này là việc tiếp nhận lí thuyết mỹ học tiếp nhận, thành tựu lớn nhất về mặt sáng tạo giai đoạn này là những tác phẩm hậu hiện đại, mà điển hình nhất là những tác phẩm văn học mạng/máy tính của Đặng Thân.

  1. Những nhà lý luận phê bình thế hệ F

Một thời đại văn chương mới đã bắt đầu phôi thai từ cuối thế kỷ XX và ngày càng trở nên rõ rệt hình hài vào đầu thế kỷ XXI. Thời đại văn chương toàn cầu hóa hay văn chương hậu hiện đại của Việt Nam đầu thế kỷ này chứng kiến sự chung vai, tiếp sức chạy đua của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu. Từ những người nổi danh từ thời kháng chiến, cho đến thế hệ nhà nghiên cứu trưởng thành sau 1975 và đặc biệt là trưởng thành sau Đổi mới (1986). Mỗi thời đại văn học lớn vẫn thường sản sinh ra thế hệ văn chương mang đặc thù riêng của những điều kiện sinh quyển văn hóa, chính trị, kinh tế và quan niệm nghệ thuật mà họ sinh sống. Muốn hiểu về thế hệ nhà nghiên cứu trẻ, trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI mà chúng tôi gọi là thế hệ f, chúng ta cần hiểu về những điều kiện (condition) mà họ thuộc về, đó chính là điều kiện hậu hiện đại, mà ở Việt Nam cụ thể hơn chính là trong bối cảnh tin học hóa và mạng hóa. Nhờ tin học hóa/mạng hóa mà ở Việt Nam mặc dù chưa có hậu – công nghiệp, hay chủ nghĩa tư bản đa quốc gia như các nước phương Tây(16), nhưng cảm quan hậu hiện đại (postmodern sensibility) là đã hiện hữu một cách khá đầy đủ.

Ngược dòng thời gian, ta có thể thấy internet bắt đầu được biết đến và xây dựng nền tảng ở Việt Nam vào những năm 1991 – 1992, với vai trò quan trọng về mặt quản lí nhà nước của TS Mai Liêm Trực, lúc ấy đang là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và giáo sư Rob Hurle của Đại học Quốc gia Australia trên phương diện giới thiệu công nghệ. Năm 1992, email đầu tiên của Việt Nam với tên miền của Australia là hanoi@coombs.anu.edu.au ra đời và gửi bức thư điện tử đầu tiên đến thế giới. Năm 1994, nhóm nghiên cứu của GS Hurle đã tặng Việt Nam máy tính có kết nối mạng qua modem đầu tiên. Netnam là công ty cung cấp dịch vụ internet đầu tiên ở Việt Nam, với vai trò quan trọng của chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Bá Thái. Tháng 11 năm 1997, Netnam cùng VNPT và ba công ty khác trở thành những nhà cung cấp dịch vụ internet (IPS) đầu tiên ở nước ta, đánh dấu cho sự ra đời chính thức của mạng toàn cầu tại Việt Nam. Từ đó, việc sử dụng mạng internet để trao đổi, truy cập thông tin trở nên phổ biến trong xã hội, đến mức trở thành một nhu cầu thiết yếu và tối thiểu với đời sống hiện đại, nhất là khi smartphone và tablet ra đời. Tính đến tháng 3 năm 2012, theo Tổng cục thống kê, có đến 32,1 triệu người ở Việt Nam sử dụng internet, chiếm 35% dân số(17).

Nhưng phải đến đầu thế kỷ XXI, nền tảng văn học mạng/máy tính ở Việt Nam – sinh quyển tồn tại của các nhà nghiên cứu thế hệ f mới được khởi sinh qua các trang mạng xã hội. Khoảng năm 2003 – 2004, với sự ra đời của phần mềm iCMS, một trang web trong nước đã mở những diễn đàn mạng trao đổi đầu tiên cho người dùng, nhưng chủ yếu đề cập đến những vấn đề phi văn học. Sự xuất hiện của mạng xã hội (Social Network) tại Việt Nam, như vậy, chênh khoảng 6 năm so với tiến trình phát triển của mạng xã hội trên thế giới, nếu ta lấy điểm mốc năm 1997 – năm ra đời của mạng xã hội đầu tiên mang tên sixdegrees.com. Tuy nhiên, sự ra đời của cộng đồng văn học mạng tại Việt Nam, với hạt nhân là những cây bút trẻ gắn liền với sự ra đời của mạng xã hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng mang tên Yahoo! 360 °. Ra đời ngày 29 tháng 3 năm 2005, vào tháng 6 thì chính thức đưa vào hoạt động, mạng xã hội Yahoo! 360 ° nhanh chóng khẳng định vị trí thống ngự và quyền lực đặc biệt của mình trong cộng đồng blogger Việt Nam, bất chấp trên thế giới, myspace, opera, cyworld, xanga, mà đặc biệt là facebook và twitter mới là những mạng xã hội phổ biến và quyền lực nhất. Từ những nghiên cứu của David Kirkpatrick, chúng ta có thể thấy sự phát triển đặc thù của mạng xã hội tại Việt Nam. Trong khi các nước Đông Nam Á khác rất chuộng trang Friendster (ra đời tháng 2 năm 2003), thành viên của trang mạng xã hội từng lừng danh một thuở này có đến 60 % là cư dân Đông Nam Á, thì ở Việt Nam, chính Yahoo! 360 ° mới tạo ra hiệu ứng tham dự lớn, còn Friendster hầu như không tạo ra được ảnh hưởng nào. Thế hệ nhà văn trẻ viết trên nền tảng mạng đầu tiên ở Việt Nam hẳn đã bắt đầu thiết lập sự ảnh hưởng và tạo dựng cộng đồng đọc của mình dựa trên sự phổ thông và sức lan tỏa mạnh mẽ của Yahoo! 360 ° vào khoảng nửa đầu năm 2006 trở đi. Với một loạt những chức năng tùy biến nổi bật phù hợp với việc viết blog và thể hiện cái tôi như avatar (ảnh đại diện, cho phép tải lên đồng thời 4 avatar), blast (câu đề từ treo phía trên blog nhằm nêu tâm trạng), mà đặc biệt là theme (hình nền blog có thể thay đổi tùy biến theo thiết kế có sẵn hoặc tự thiết kế riêng cực kỳ màu sắc và cá tính), Yahoo! 360° thực sự đã chiếm vị trí quan trọng nhất trong việc hình thành cộng đồng văn học mạng tại Việt Nam.

Sự thành công đặc biệt của Yahoo! 360 ° còn phụ thuộc vào hoàn cảnh đặc thù tại Việt Nam đó là mọi người ai cũng hầu như sở hữu một hộp thư Yahoo và một công cụ chat Yahoo messenger. Trong khi ấy trên thế giới, ngày nay Yahoo! không phải là công ty cung cấp dịch vụ mạng có quyền lực, mà ngày càng bị uy hiếp và suy suyển bởi sự lớn mạnh không ngừng của hotmail (của Microsoft) và gmail (của Google). Tận dụng lợi thế đặc thù tại Việt Nam, Yahoo! 360 ° đã kết nối chức năng mạng xã hội của mình với hòm thư điện tử và công cụ chat lẫn các thư viện ảnh như Yahoo! Flickr, Yahoo! Photos hoặc một số dịch vụ khác như Yahoo! Local, Yahoo! Shopping, Yahoo! Travel và Yahoo! Games, Yahoo! Music để tạo nên một cộng đồng mạng xã hội/văn học mạng thành công nhất cho đến nay tại nước ta.

Yahoo! 360 ° trước tiên là một mạng xã hội, nhưng hầu như mọi người dùng đều xem nó là một blog, trong khi blog chỉ là một trong những chức năng mà Yahoo! 360° cung cấp. Sở dĩ có điều đó là bởi chức năng blog trên Yahoo! 360° luôn chiếm ưu thế, được bố trí giao diện lượng lớn trên wall của mỗi tài khoản cá nhân. Bộ công cụ gõ và trang trí cho những bài viết trên Yahoo! 360 ° cũng rất đa dạng, sinh động và thuận tiện cho người viết. Ngay từ năm 2005, những người dùng Yahoo! 360 °đã có thể sử dụng nhiều font chữ, size chữ, định dạng chữ, màu chữ tùy biến khác nhau, và đặc biệt là những icon đa đạng, ngộ nghĩnh nhiều màu sắc, cũng như tha hồ chèn ảnh, nhạc vào trong bài viết (những tác phẩm văn học) của mình. Trong khi đó, nhiều tính năng sinh động ấy cho đến nay vẫn không thể sử dụng trên nền tảng viết blog (note) của facebook, hoặc mới được cập nhật một cách dè dặt gần đây (việc sử dụng icon, theme, cover…). Chính Yahoo! 360 ° đã tạo tiền đề cho sự ra đời trào lưu văn học mạng đầu tiên, với những đặc tính như sử dụng lối viết chèn icon, ngôn ngữ teen kiểu Ka^’p ddo^. De^~ ddo.k (cấp độ dễ đọc); +)0^. k0^’ g4(nG’ +)0.k -!)u+0+k (cấp độ cố gắng thì đọc được)…. (trích từ 3339 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân), tạo ra cộng đồng người đọc đông đảo với những comment bình luận văn học sôi động và có tính tương tác cao giữa người đọc với người viết. Chính những nguyên tắc thẩm mỹ và thủ pháp nghệ thuật mạng mới mẻ này đã dần đi vào văn học viết với những tác phẩm có tính tiền phong của Đặng Thân như Ma net mà đặc biệt là 3339 [những mảnh hồn trần]. Một thế hệ blogger văn học trẻ đầu tiên, mà không ít người trong số họ đã nổi tiếng từ trước với những tác phẩm viết truyền thống, đã dần xác lập vị trí của mình trên Yahoo! 360 ° như Trang Hạ, Hà Kin, Trần Thu Trang… mà đặc biệt là Joe (một sinh viên ngoại quốc). Tác phẩm tiêu biểu nhất, gây được ảnh hưởng lớn nhất trên văn đàn trong “triều đại” của Yahoo! 360 ° chính là Chuyện tình New York của Hà Kin – một tác giả trẻ vốn là cựu sinh viên ngoại giao. Một tự truyện gây xôn xao trên thị trường xuất bản với tư cách tác phẩm văn học mạng đầu tiên được chính thức “điển phạm hóa” thành văn bản in, một tác phẩm truyền thông đa phương tiện (multimedia) có cả đoạn viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt, có đĩa audio nhạc tặng kèm sách do chính tác giả hát.

Trong bộ tiểu thuyết phiêu lưu kỳ ảo nổi tiếng của J.R.R. Tolkien với tựa đề Chúa tể của những chiếc nhẫn (The lord of the rings), tập hai với tựa đề Hai ngọn tháp (The Two Towers), tác giả đã kể về hai ngọn tháp Minas Morgul và Orthanc, biểu trưng cho quyền lực và cũng là thành trì của Sauron và Saruman. Câu chuyện ấy làm chúng tôi liên tưởng đến nền văn học mạng Việt Nam được kiến tạo trên hai ngọn tháp là Yahoo! 360 ° và facebook. Kể từ ngày 13 tháng 7 năm 2009 (ở Việt Nam là 19 tháng 8), Yahoo! chính thức đóng cửa mạng xã hội Yahoo! 360 ° do thế giới không ưa chuộng và nhiều lỗi. Với sự “tan rã” Yahoo! 360 °, cộng đồng blogger văn học mạng Việt Nam đã thực sự bị phân tán ra một loạt những “tiểu cộng hòa” khác qua các nền tảng do chính Yahoo! phát triển như Mash hoặc Yahoo! 360° Plus – một mạng xã hội dành cho thị trường Việt Nam, một số khác “đầu quân” cho wordpress, blogger, multiply, weblog… mà đặc biệt là các mạng xã hội “thuần Việt” là zing.vn, vitalk.vn và yume.vn. Chính vì vậy, nếu ngọn tháp đầu tiên dễ dàng xác định là Orthanc (Yahoo! 360 °), thì ngọn tháp thứ hai (Minas Morgul) cho đến nay vẫn còn chưa ngả ngũ bởi sự phân tán của cộng đồng viết trẻ trên các trang mạng xã hội như yume, wordpress, blogspot…

Tuy vậy, ngoài khuynh hướng chuyên nghiệp hóa “địa chỉ viết” bằng những web cá nhân thì có thể nói, ngọn tháp thứ hai khả dĩ thu hút nhiều cây bút ngón tay nhất chính là facebook. Bắt đầu từ sự tan rã của Yahoo! 360 °, cộng đồng blogger văn học trẻ Việt Nam đã thực hiện cuộc “di dân” quy mô (dù không triệt để) sang nền tảng facebook, cho dù mạng xã hội này không thực sự phù hợp và chuyên biệt cho việc viết blog văn chương. Có thể nói, những nhà văn trẻ hiện nay, dù có thể sở hữu một địa chỉ blog hay mạng xã hội khác, đều gần như đồng thời là một thành viên của facebook. Chúng ta có thể tìm thấy những nhà lý luận – phê bình thế hệ cuối 7x, 8x như Trần Thiện Khanh, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Tiến, Đào Nguyên, Đoàn Minh Tâm, Trần Ngọc Hiếu… trên nền tảng facebook. Mặc dù không có giao diện bắt mắt, tùy biến như Yahoo! 360°, các chức năng hỗ trợ viết tác phẩm văn chương mạng cũng khá nghèo nàn, khô cứng, nhưng bù lại, facebook lại có khả năng tương tác cao, tầm hoạt động thế giới, hiệu suất hoạt động ổn định và thuận tiện cho nhà lý luận – phê bình thế hệ f khi đưa ra những nhận định, bày tỏ tâm tư qua chức năng status, khả năng thu hút người đọc qua chức năng like và comment.

Một trong những ưu thế nổi bật đặc thù của facebook so với các trang mạng xã hội đình đám khác như myspace đó là trang mạng xã hội này buộc thành viên dùng tên thật, ảnh đại diện thật, tiểu sử thật. Khác với văn hóa “nặc danh” (anonymous) phổ biến trong các trang mạng xã hội khác, facebook khuyến khích người dùng công khai danh tính thật. Phương thức tìm kiếm, kết bạn của nó cũng dựa trên sự xác thực của cứ liệu tiểu sử như đã nói ở trên. Nhờ tính năng “xác thực” nhân thân này, mà sự xuất hiện của mỗi cá nhân (nhà lý luận phê bình) trên nền tảng (mạng xã hội facebook) đã trở nên chân thật hơn, trực tiếp hơn và đáng tin hơn bất kỳ những trang mạng xã hội khác. Giao diện đơn giản, thân thiện, tốc độ chu chuyển cao và dễ sử dụng với mọi người dùng, ai cũng góp phần giúp cộng đồng văn học mạng trên facebook phát triển, vì mọi đối tượng nhà lý phê bình, không cần có trình độ thành thạo sử dụng vi tính/mạng, cũng có thể dễ dàng sử dụng facebook.

Trong khi đó, Yahoo! 360 ° trước đây và myspace sau này do quá chú trọng đến hình thức giao diện, nên chỉ phù hợp với đối tượng những nhà văn trẻ. Mặt khác, chính nhờ những chức năng như like, comment, viết status mà đặc biệt là chức năng news feed (mọi hoạt động của mỗi cá nhân và bạn của họ sẽ được hiện lên thông báo trong phần wall “trang chủ” trên các tài khoản facebook bạn bè) đã giúp cho nhà lý luận phê bình thế hệ f tương tác một cách linh hoạt, tức thời với người đọc. Do đó, ngọn tháp thứ hai (Minas Morgul) trong cộng đồng compu(in)ter(net) literature xứng đáng thuộc về facebook. Tuy nhiên, sự trưởng thành và chiếm lĩnh văn đàn của những nhà lý luận phê bình trẻ phải tính từ thời điểm những trang mạng web chuyên về nghiên cứu văn học ra đời vào những năm đầu thế kỷ XXI. Theo Inrasara, trong không khí “hậu đổi mới”, những trang web văn chương từ trong nước đến hải ngoại đã lần lượt xuất hiện, tiêu biểu là tienve.org (2002), evan.vn (2004), vannghesongcuulong.org (2004) – năm 2007 đổi tên thành vanchuongviet.org, damau.org (2006)(18), lyluanvanhoc.com (2011 đến 2012), phebinhvanhoc.com.vn (2012 đến nay)… Chính thông qua những trang web chuyên văn chương, mà đặc biệt là chuyên về lý luận phê bình văn học nói trên, những nhà lý luận phê bình thế hệ f mới có được sân chơi và sự chú ý đúng mức từ phía công chúng. Có thể nói, từ những nền tảng tin học hóa và mạng hóa này, một thế hệ lý luận phê bình mới đã được ra đời.

Như vậy, trên dưới mười năm qua, văn đàn nước nhà đã/đang chứng kiến sự trưởng thành và chiếm lĩnh văn đàn của một thế hệ nghiên cứu văn học mới, trẻ trung đầy nhiệt huyết, dũng cảm dấn thân trong một lĩnh vực vốn dĩ vẫn thường dành cho những “cây đa, cây đề”, cũng như những hệ lụy và nguy cơ thường trực mà người viết phải đối mặt. Ngày nay, thật khó hình dung đời sống phê bình đương đại nếu thiếu đi những tiểu luận, công trình của thế hệ f. Nhưng trước tiên, họ là ai? Nhiều người định danh thế hệ lý luận phê bình mới này theo tuổi, tức 7x, 8x, 9x. Một số người khác, gọi tên thế hệ này dựa trên “cách viết đặc thù” của họ, là “thế hệ viết trên mười đầu ngón tay”. Chúng tôi lại muốn chọn cách định danh của Trần Thiện Khanh (xin xem phebinhvanhoc.com.vn) – một người nằm trong thế hệ, rằng đó là thế hệ phê bình f. f hẳn nhiên có nhiều nghĩa, có thể giải thích là fast (nhanh nhạy), fun (vui vẻ – hiểu theo lí thuyết trò chơi), fabulous (phi thường), hay f theo di truyền là nhằm chỉ các thế hệ (f1, f2…), nhưng theo chúng tôi, f trước tiên là facebook. Khi định danh một thế hệ phê bình facebook, tức chúng ta đang nói tới nền tảng viết của nó, tức viết trên nền tảng mạng. “Mười đầu ngón tay” chỉ dừng ở cách viết trên máy tính, “f” đi xa hơn bước nữa, viết bằng “ngôn ngữ nhị phân của máy tính” trên mạng internet. Lấy facebook làm biểu tượng, dĩ nhiên còn một ý nghĩa sâu xa khác, đó là cách thức kết nối và thể hiện sự quan tâm đặc thù của thế hệ này đối với đời sống văn học.

Theo David Kirkpatrick trong Hiệu ứng facebook và cuộc cách mạng toàn cầu của mạng xã hội (Nxb Thế giới, 2012), sở dĩ facebook được cả thế giới yêu thích, và nó trở thành phương tiện chính yếu giúp chúng ta giao tiếp trong thế giới phẳng, là bởi cách thức xác định bạn bè, cũng như cách thức thể hiện sự quan tâm, tán đồng đặc thù của nó. Facebook giúp ta dễ dàng tìm kiếm bạn bè theo nhiều cách, và chúng ta xác minh một ai đó chủ yếu dựa trên những friend của họ là ai. Tức mối quan hệ xã hội xác nhận bạn là ai, bạn có địa vị gì, tức giá trị của bạn tùy thuộc vào ai đang là bạn của bạn. Thứ hai, bằng cách lập các nhóm quan tâm, cũng như cách thể hiện sự tán đồng qua các comment, các tag, hoặc nút like ở các status, note, và đặc biệt là các ảnh. Mọi điều bạn quan tâm (like, tag và comment) đều hiện lên trên “tường chung” của những người bạn của bạn, facebook đã thực sự thay đổi cách thức chúng ta chia sẻ, tìm kiếm thông tin, cũng như cách tạo dư luận và định hướng người đọc. Theo nghĩa đó, chúng ta có thể kể ra hàng loạt những cây bút nghiên cứu thế hệ f nổi bật như Phạm Văn Ánh, Cao Việt Dũng, Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương, Mai Anh Tuấn, Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Mạnh Tiến, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Thanh Tâm, Phùng Gia Thế, Trần Ngọc Hiếu… Họ trước tiên, đa số đều sở hữu một tài khoản facebook, một số người có blog riêng nổi tiếng (ví dụ blog Nhị linh của Cao Việt Dũng), hoặc cả một trang web văn chương có tín thế (ví dụ phebinhvanhoc.com.vn của Trần Thiện Khanh). Tức họ viết và thể hiện tầm ảnh hưởng của mình lên sự viết trước tiên trên “thế giới mạng”, và sau đó, bao phủ lên “thế giới in”. Trước kia, khoảng đầu thiên niên kỷ này, “thế giới mạng” còn là một danh từ miệt thị, khinh khi, nhằm chỉ sự thiếu nghiêm túc, ít tinh thần học thuật, vàng thau lẫn lộn, tức phi hàn lâm và phi chính thống. Nhưng ngày nay, chúng ta lại càng thấm thía những lời tiên tri của J.F.Lyotard trong Hoàn cảnh hậu hiện đại (1979): “Từ đây có thể rút ra một điều dự đoán là tất cả những gì trong tri thức đã có mà không thể dịch ra bằng cách ấy (chu chuyển trên nền tảng mạng – PTA) sẽ bị loại bỏ, và việc định hướng cho các hướng nghiên cứu mới mẻ này sẽ tùy thuộc vào điều kiện là các kết quả cuối cùng có thể dịch được sang ngôn ngữ máy”(19).

Ngày nay, một nhà lý luận phê bình “mù chữ số” sẽ dần bị loại ra khỏi “cuộc chơi”, bởi tầm ảnh hưởng và tác động lên đời sống văn học của anh sẽ bị thu hẹp lại theo thời gian. Chúng ta từng thấy sự khốn đốn của các nhà xuất bản, hoặc sự sụp đổ của hệ thống báo chí in truyền thống tại phương Tây, ngay cả đối với những tượng đài báo in như Newsweek, The New York Times… cũng phải tuyên bố ngừng phát hành báo giấy để chuyển sang nền tảng báo mạng thì có thể dễ hiểu cho sự lên ngôi của nền tảng mạng. Do đó, một thế hệ được sinh ra, lớn lên, đọc, viết và kết nối lẫn nhau trong nền tảng mạng đương nhiên sẽ dần chiếm lĩnh đời sống văn học nói chung (chứ không đơn thuần là đời sống văn học mạng) nhanh hơn chúng ta tưởng. Họ trước tiên có lợi thế về tìm kiếm và chia sẻ tri thức, khi ngồi ở nhà nhưng có thể kiếm tìm sách trong toàn bộ các thư viện lớn trên quốc tế. Lợi thế đó dẫn đến sự cập nhật lý thuyết phê bình thế giới diễn ra một cách nhanh chóng, vượt khỏi quán tính nặng nề của công tác giới thiệu, kiểm định, dịch thuật, phát hành… của sách in truyền thống. Chúng ta có thể thấy thế hệ f thường xuyên hứng khởi, đam mê với các hệ lý thuyết mới (ít ra là mới ở nước ta) như: trò chơi, hậu hiện đại, nữ quyền luận, liên văn bản, hậu thực dân, môi trường luận, tân lịch sử, phân tâm học, hiện tượng luận, mỹ học tiếp nhận… Cũng nhờ nền tảng mạng, nên sự giao lưu tri thức và chu chuyển lý thuyết trở nên tức thì, bỏ qua giới hạn về không gian và thời gian, tạo điều kiện cho những nhà lý luận phê bình thế hệ f dễ dàng tạo ảnh hưởng lên nhau. Tôi xem xét quá trình “tạo ảnh hưởng” này từ hai góc độ. Thứ nhất, những công trình, tiểu luận nghiên cứu, phê bình của họ được đưa lên mạng, nên những người khác dễ dàng chia sẻ, tham khảo. Từ đó, chúng ta có thể thấy sự gần gũi, tương đồng đến kì lạ của các trường phái lý thuyết mà các nhà phê bình trẻ ngày nay theo đuổi: hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền luận… Thứ hai, họ đa phần đều là bạn bè của nhau trên thế giới mạng, có thể nói chuyện trực tuyến/tiếp với nhau bất kì lúc nào, đang ở bất kì đâu, nhờ vào facebook, yahoo, skype, twitter… Đặc trưng này giúp dễ dàng tạo nên những trường phái (écoles) phê bình trong tương lai. Dĩ nhiên, muốn tạo nên những trường phái phê bình còn dựa trên nhiều yếu tố khác, nhưng sự giao tiếp, sự trao đổi tư tưởng là điều kiện tiên quyết.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng nghiên cứu văn học thế hệ f vẫn phải đối mặt với “những con thủy quái hồ Loch Ness” – tức những khó khăn và nguy cơ trong thời đại viết của họ. Thứ nhất, so với mặt bằng chung của người đọc bình dân, những tác phẩm phê bình của họ thường vượt quá tầm đón nhận của độc giả bình thường. Bởi vì, khác với phê bình ấn tượng của Hoài Thanh, cũng khác với phê bình tiểu sử học hoặc xã hội học truyền thống, đa phần những nhà phê bình thế hệ f đều là phê bình lý thuyết (lấy lý thuyết làm đối tượng phê bình), hoặc ứng dụng những lý thuyết mới mẻ của phương Tây vào việc khảo cứu văn bản. Lối phê bình này kén người đọc, dễ tạo cảm giác khô khan, nặng nề, lại đòi hỏi người đọc phải có một tầm đón nhận nhất định, có sự tìm hiểu sơ bộ về lí thuyết. Thứ hai, nhằm truy cầu những cái mới có tính cách mạng, vượt chuẩn, lệch chuẩn, phù hợp với các lý thuyết mà họ theo đuổi, các nhà phê bình thế hệ f thường không chọn những tác phẩm dễ đọc, các best seller, những tượng đài cũ kĩ, mà chủ yếu lấy đối tượng khảo cứu là những tác gia, tác phẩm có sự phổ biến hẹp, hoặc nổi danh trên thế giới nhưng ở Việt Nam có thể còn vượt ngưỡng tiếp nhận với đa phần người đọc. Ví dụ, đối tượng quen thuộc của họ thường là những nhà văn đổi mới về sau như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân… ở Việt Nam hoặc Kafka, Márquez, Murakami, Houllebecq, … trên thế giới. Nhiều người đọc, trong đó có cả những nhà phê bình khác thế hệ không thể đọc, hoặc không thích những đối tượng nghiên cứu nói trên, từ đó, những công trình phê bình về nhóm đối tượng này cũng dễ bị loại ra khỏi tính hợp thức của sự đọc. Thứ ba, không thể không tính đến sự phức tạp của nền tảng mạng, nơi mọi tri thức, văn bản đều có quyền tồn tại, chu chuyển, chia sẻ. Từ đó, thiếu đi một chuẩn kiểm định, một chuẩn xuất bản, tức là đánh mất một bộ lọc quan trọng đối với những nghiên cứu lệch lạc, phiến diện hoặc đơn thuần không có giá trị. Thứ tư, khoảng cách thế hệ phê bình, mà cốt lõi là sự khác nhau về lý thuyết phê bình, dễ tạo ra những ngộ nhận, phê phán có tính quyền uy của những người đi trước với thế hệ f. Mặc dầu, không phải mọi phê phán đều thiếu bao dung và do “khoảng cách lí thuyết” gây nên.

Do vậy, muốn thoát khỏi sự truy bức của “những con thủy quái hồ Loch Ness”, những nhà phê bình trẻ thế hệ f cần những điều kiện sau: Thứ nhất, cần giới thuyết kĩ càng hơn, chi tiết hơn về các lý thuyết mà mình sử dụng, cũng như đối tượng mà mình khảo cứu. Cũng cần tính đến tầm đón nhận của người đọc cụ thể, tính chất khoa học cụ thể ở nơi (báo in, báo mạng, hội thảo, kỉ yếu…) mà công trình, tiểu luận của các nhà phê bình công bố nhằm điều chỉnh lối viết. Dĩ nhiên, việc thông hiểu các tác phẩm phê bình không phải dành cho mọi độc giả, nên chúng ta cũng không đòi hỏi viết phê bình ngày nay phải có trình độ ngang với kiểu viết tuyên truyền, cổ động như thời bình dân học vụ. Hiểu là một quá trình, đòi hỏi sự nỗ lực cả từ phía người đọc. Do đó, tôi tin rằng, cùng với sự đi lên của dân trí, sự phát triển nhanh chóng của khoa ngữ văn học, sự giao lưu, hội nhập với thế giới một cách toàn diện, những công trình phê bình của các nhà nghiên cứu thế hệ f sẽ không còn quá “bí hiểm” đối với người đọc trong tương lai gần. Thứ hai, nền tảng mạng là nơi khởi đầu, nhưng việc chính thức xuất bản thành tác phẩm in quy chuẩn, hoặc công bố tiểu luận trên các tạp chí khoa học hàng đầu, lại cần là đích đến của thế hệ f. Kết hợp cả nền tảng mạng và nền tảng xuất bản in, các nhà nghiên cứu thế hệ f sẽ vừa xác lập được tính chính thống, lại vừa thể hiện được tầm ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống văn học. Một loạt những công trình phê bình của các nhà nghiên cứu thế hệ f thời gian gần đây như Đoàn Ánh Dương, Hoàng Thụy Anh, Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Thanh Tâm, Lê Thị Dương, Ngô Hương Giang… chính là nỗ lực qui chuẩn hóa, chính thống hóa các công trình nghiên cứu của thế hệ f. Thứ ba, về khoảng cách lý thuyết giữa các thế hệ phê bình, chúng tôi tin rằng, cùng với sự du nhập sâu rộng với thế giới, sự giới thiệu, dịch thuật diễn ra gấp gáp, mau lẹ ngày nay, những lằn ranh và đường biên ấy sẽ dần bị xóa bỏ. Những nhà nghiên cứu thế hệ đi trước sẽ dần nhận ra, họ cũng từng một thời trẻ tuổi, cũng từng gánh chịu những nghi ngại cho các tìm tòi, khám phá có tính cách tân, lệch chuẩn của mình.

Tôi từng có một suy nghĩ thú vị thế này, có nhiều nhà nghiên cứu “trưởng lão” cứ làm như họ không có tuổi trẻ, tức sinh ra ngay lập tức đã già, đã trưởng thành, không bao giờ có những vấp váp, sai lầm. Nhưng đồng thời khi đó, trong tôi cũng nảy sinh một tiếng nói đối thoại lại. Đó là thế hệ f ngày nay cũng không mãi trẻ, không mãi cách tân và tìm tòi quyết liệt. Tức là, thế hệ f cũng sẽ già, sẽ bị lịch sử bỏ lại sau lưng nếu không dũng cảm dấn thân và ý thức một cách sâu sắc rằng họ cũng có những giới hạn và rồi cũng sẽ bị lịch sử bỏ lại sau lưng. Mọi sự tự mãn, ung dung trong vầng hào quang quyền uy và giáo điều mà thế hệ f sẽ (dần) xác lập được, rồi sẽ khiến họ bị tụt lại đằng sau một thế hệ nghiên cứu văn học mới, thế hệ G chăng? Lịch sử lý luận phê bình chẳng phải là lịch sử của những thế hệ phê bình gối đầu nhau xô đẩy về phía trước như những con sóng vỗ bờ hay sao?

______________________

(1) Về vấn đề này, xin xem thêm: Trương Đăng Dung (2011), “Khoa học văn học tiền hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 6.

(2) Như Phong (1964), Bình luận văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.367-368.

(3) Nguyễn Văn Linh (1987), “Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện với văn nghệ sĩ”, báo Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (ra ngày 17/10).

(4) Nguyễn Văn Dân (2015), Các lý thuyết nghiên cứu văn học – ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.92-93.

(5), (6) Lê Ngọc Trà (1988), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.34-35, tr.66-67.

(7) Về vấn đề này, xin xem thêm luận án tiến sĩ của Đoàn Ánh Dương, Văn học Việt Nam giai đoạn 1986 – 2000: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Học viện khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

(8) Có thể kể thêm một số cuốn như Bàn về văn học của Gorky (Nxb Văn học, Hà Nội, 1965), Cá tính sáng tạo của nhà văn với sự phát triển văn học của Khrapchenko (Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978).

(9) Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.19.

(10) Về vấn đề này, xin xem thêm tiểu luận: Tiếp nhận lí luận văn nghệ Mác Lê nin ở Việt Nam giai đoạn 1945 – 1986 của Trần Đình Sử, đăng tại

Tiếp nhận lí luận văn nghệ Mác Lê nin ở Việt Nam giai đoạn 1945 – 1986

(11) Nguyễn Lương Ngọc và…, Văn nghệ và chính trị,

http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/van-nghe-va-chinh-tri, truy cập ngày 5/3/2016.

(12) Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất,

http://www.viet-studies.info/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm, truy cập ngày 5/3/2016.

(13) Nguyễn Minh Châu, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa,

http://www.vietstudies.info/NhaVanDoiMoi/NguyenMinhChau_DocLoiAiDieu.htm, truy cập ngày 5/3/2016.

(14) Về vấn đề này, xin xem thêm tiểu luận của Lã Nguyên tại

http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nhung-dau-hieu-cua-chu-nghia-hau-hien-dai-trong-van-hoc-viet-nam-qua-sang-tac-cua-nguyen-huy-thiep-va-pham-thi-hoai1

(15) Về vấn đề này, xin xem thêm những tiểu luận của tôi, bao gồm: Phan Tuấn Anh (2012), “Anh chàng xe điện của Hitori Nakano – sự khiêu khích với những ranh giới”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1 & 2, tr.253-274; Phan Tuấn Anh (2013), “Đặc trưng ngoại biên hóa trong văn học hậu hiện đại – nhìn từ trường hợp Đặng Thân”, Tạp chí Sông Hương, số 239, tr.88-94. Phan Tuấn Anh (2016), “Ngôn ngữ nhị phân hay là tiên đoán của J.F.Lyotard về hoàn cảnh hậu hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3/2016.

(16) Theo quan điểm của những nhà triết học Marxist phương Tây như Fredric Jameson, tiêu biểu qua công trình Hậu hiện đại: logic văn hóa của chủ nghĩa tư bản hậu kì (1991). Xem trích dịch của Khương Việt Hà trong sách: Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.512-523. Toàn văn Fredric Jameson (1991), Postmodernism, or the cultural logic of late capitalism, Duke University Press, USA.

(17) Xin xem thêm http://dantri.com.vn/suc-manh-so/internet-da-vao-viet-nam-nhu-the-nao-1418677222.htm

và https://vi.wikipedia.org/wiki/Internet_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam

(18) Inrasara, Văn chương thành phố Hồ Chí Minh thời hậu đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu,http://4phuong.net/ebook/47364872/van-chuong-tp-ho-chi-minh-thoi-hau-doi-moi-khoi-dau-cho-mot-khoi-dau.html, truy cập ngày 5/3/2016.

(19) Jean Francois Lyotard (2007), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.63.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder