Mộ gió – Lê Mạnh Thường

Lê Mạnh Thường là Hội viên Hội VHNT Hải Phòng, Phó Chủ nhiệm CLB  tác giả trẻ của Hội NVHP, anh đồng thời còn là một chiến sỹ trong lực lượng cảnh sát biển, người luôn có mặt với vai trò Phóng viên trên các con tàu của lực lượng suốt những ngày Trung Quốc điều Giàn khoan 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam

vanhaiphong – Lê Mạnh Thường là Hội viên Hội VHNT Hải Phòng, Phó Chủ nhiệm CLB  tác giả trẻ của Hội NVHP, anh đồng thời còn là một chiến sỹ trong lực lượng cảnh sát biển, người luôn có mặt với vai trò Phóng viên trên các con tàu của lực lượng suốt những ngày Trung Quốc điều Giàn khoan 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Lê Mạnh Thường viết khỏe, rất nhiều tác phẩm của anh đã công bố trên Tạp chí VNQĐ, Báo Văn Nghệ…

Nhân dịp chào mừng ngày thành lập QĐND Việt Nam, trang Văn trẻ trân trọng giới thiệu một truyện ngắn mới viết của anh

Mộ gió


Chiều muộn. Mặt trời như đĩa than sắp tàn đang dần chìm xuống làn nước thầm thẫm ngoài kia. Hoàng hôn nhuênh nhuếnh phủ bầm cả một góc biển. Những chiếc ghe lớn đang ậm ịch hướng ra khơi để thức đêm cùng sóng. Mấy mảnh ghe câu nhỏ xíu thì loi choi chạy vào bờ như đám trẻ con đang nháo nhác tìm mẹ. Màn đêm từ từ kéo chiếc áo choàng lên trùm kín lấy cái xóm đảo heo hút nằm bên hốc núi này.

Bãi Thương- tên của xóm đảo, được quây ba bề bởi bãi cát trắng lốp. Sau lưng là núi đá. Những tảng đá xám xịt, trơ lì bao đời nay như thách thức với nắng gió nơi đây. Nước ngọt được trông chờ vào lòng thương của ông Trời cho nên nhà nào cũng xây sẵn bể hứng nước mưa to tổ chảng nằm chình ình giữa mảnh sân nhỏ nhà mình. Một vài dây muống biển loe ngoe bò trên mấy cái cọc sắt làm hàng rào luôn phải oặt mình vì gió. Xóm không lúc nào là không ngớt gió. Gió cứ nhằng nhẵng như mụ đàn bà lắm lời, than vãn suốt cả ngày mà vẫn không thèm ngơi nghỉ. Ban đêm, gió từ ngoài xa ập vào hốc núi phát ra âm thanh u u đến rợn người.

Lão Tám nhiều lúc phát bực mình vì cái món đặc sản gió hào phóng quá mức ở đây.

Gian nhà nhỏ gió lùa thông thênh. Ắng lặng. Thi thoảng có tiếng mấy mảnh tôn trên mái bị gió nhổ lên đập xuống nghe loạch xoạch như đứa trẻ con đang nghịch trò gõ ống bơ. Chiếc nón lưỡi trai cáu bẩn ngoắc trên chiếc đinh đóng vào gốc phong ba khô đặt giữa nhà cũng bị gió lay làm đung đưa như chiếc quả lắc đồng hồ trông ngồ ngộ.

Ngồi bên xị rượu sắp cạn và mấy mảnh khô mực cứng quèo, lão Tám nhướn mắt nhìn ra xa. Cữ này, ngoài đó anh em bạn bắt đầu thả thúng. Họ lại phiêu dạt mỗi người một phương để bắt đầu đêm làm việc mới. Lạ thật, lần nào cũng vậy, hễ ngồi trong thúng câu là ai nấy đều phải đối mặt với những âu lo và căng thẳng rập rình. Thủy thần, hà bá có thể bắt đi bất cứ lúc nào giữa màn đêm hoang lạnh. Chỉ đến khi trời sáng, được đoàn tụ với tàu mẹ thì cái tâm trạng đó mới tạm qua đi. Cầu cho sóng lặng, biển yên để anh em còn có dịp trở về với vợ con, chòm xóm. Cái nghề bạc chi mà bạc rứa nờ! Lão Tám đưa ly rượu lên môi tợp một phát đánh ực rồi thở dài.

Lão thừ người nhớ lại, có phải xa ngái chi đâu, mới hơn dăm tháng trước đây thôi, Năm Đại, một bạn câu trên tàu của lão cũng bị sóng nuốt mất xác. Không ai ngờ, biển lại cướp mất cái thằng luôn khiến dân bãi Thương phải kiêng nể vì đã có thừa kinh nghiệm với gần hai mươi năm lăn lộn cùng nghề câu mực. Đến giờ, lão vẫn không thể nào lý giải được nỗi oan nghiệt ập đến với con tàu của mình một cách hết sức khó hiểu như vậy. Nhanh thiệt, nhanh như trở bàn tay! Lão lẩm bẩm. Chuyến đó, tàu lão đi câu ngoài khu vực đảo Kiều Ngựa, chóp ngoài quần đảo Trường Sa.

Biển Trường Sa bữa đó rất yên bình. Lặng sóng. Thúng đã thả được hơn tiếng đồng hồ. Lão ngồi ngậm thuốc rê trên ca bin. Vừa ngước mắt nhìn trời, nhìn biển vừa nghe anh em bạn câu ở các thúng í ới gọi Icom qua lại trao đổi tình hình với nhau rôm rả. Năm Đại hồ hởi khoe câu được rất nhiều mực. Nó vui lắm. Lão cũng mừng và lẩm nhẩm tính, cứ đà như bữa nay thì chuyến đi này sẽ vô mánh. Anh em bạn câu sẽ có tấm có miếng đưa về cho vợ con. Vậy mà, vừa quá nửa đêm thì gió tới, rồi mất liên lạc với Năm Đại luôn. Chết mẹ rồi! Lão Tám chột dạ. Lão liên tục gọi Icom cho Năm Đại nhưng không có tín hiệu trả lời. Anh em bạn câu nháo nhác. Lão gọi cho mấy thúng câu gần vị trí của Năm Đại chèo đến xem tình hình ra sao. Ai cũng nghĩ là không có chuyện gì xảy ra, chỉ bị trục trặc bộ đàm chút xíu thôi, cái này thường gặp mà.

Khoảng ba giờ sáng, một cơn dông bất ngờ ập đến. Sóng xô thúng trôi tứ phía. Mưa ràn rạt như roi quất vào mặt. Lão Tám nổ máy tàu mẹ sấp ngửa lao đi tìm từng thúng câu. Vần vũ một hồi lâu, lão đã thu được hai mươi chín thúng. Còn chiếc thúng cuối cùng của Năm Đại biến mất hoàn toàn. Ròng rã ba ngày trời, lão cho tàu quần thảo khắp khu vực để tìm kiếm nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Năm Đại đâu. Biết là vô vọng nên lão đã gọi đàm vào bờ báo hung tin cho gia đình biết để lập bàn thờ gọi hồn. Lão chết lặng. Chờ cho anh em rắc gạo xuống biển tạ từ, lão ra lệnh cho tàu về bờ làm lễ tang cho Năm Đại.

Từ khi biết tin bị nạn, dân bãi Thương có hai mốt ngày để ngóng chờ. Đó là những ngày sầu thảm nhất đời của những thân nhân người gặp nạn trên biển. Tội nghiệp thằng Năm Đại. Nó chết đi bỏ lại con vợ quanh năm ốm yếu và hai đứa con còn tuổi ăn tuổi học. Mấy mẹ con chúng nó biết làm chi để sống đây? Lão Tám quặn lòng.

Sau hai mốt ngày ngóng chờ trong tuyệt vọng, bà con trong xóm mỗi người một tay xúm vào lo việc cho Năm Đại. Lão Tám sai đám thanh niên lên núi moi đất sét về nhào trộn kỹ. Đích thân lão đi mời ông Tư Suyền thầy cúng về nặn hình nhân. Tư Suyền căn cứ vào hình dáng của Năm Đại rồi vắt đất nặn ra một bức tượng như người thật. Xương cốt được làm từ cành dâu, ruột bằng lòng đỏ trứng gà, lòng trắng trứng rải khắp tượng thay cho huyết tương của Năm Đại. Ở làng biển này, việc làm hình nhân đã trở thành niềm an ủi rất lớn đối với cha mẹ, vợ con, gia đình có ngư dân chết mất xác trong những chuyến ra khơi. Nghi lễ linh thiêng này đã có tự ngày xưa.

Bên bàn thờ được lập trên bãi biển, Tư Suyền và gia đình Năm Đại quỳ gối rì rầm khấn nguyện. Tư Suyền ngồi đọc hết mấy cuốn sách cúng trong khói nhang nghi ngút. Vẫn cái giọng khê nồng đặc trưng, di chứng của việc uống rượu cúng triền miên tháng này qua năm khác, Tư Suyền gọi hồn đầy ma mị: “…Cõi u minh khó lòng tưởng tượng/ Chất trong chất đục phong hóa từ đầu/ Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây/ Hướng đi mơ màng dễ lạc bến/ Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu/ Thủy phủ khiến sức nước ngưng/ Buổi sáng trong veo như trang điểm/ Cho hồn các vị tựa hàng tiên/ Tiếng sóng động đông đài/ Tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt/ Ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được hàm ơn…”.

Sau khi Tư Suyền gieo hai đồng tiền xin keo, con Thắm gào vọng ra biển: “Chư thần chiếu thả chồng con về không? Năm Đại ơi, anh ở mô? Về với mẹ con em đi, anh ơi!”. Vẫn chỉ có tiếng sóng xé lòng vọng lại. Nhoài người lên bàn thờ, người đàn bà tóc tai rũ rượi, hai hốc mắt thâm quầng ôm lấy linh vị chồng lảo đảo quay về nhà đặt lên chiếc quan tài đã liệm tượng. Đám tang với hình nhân đất sét của Năm Đại được cả làng đến tiễn đưa trong nước mắt. Đau đớn rứa là cùng!

Lão Tám phải cắn chặt răng để khỏi bật lên tiếng nấc xót thương. Lão không muốn mọi người nhìn lão với hình ảnh yếu mềm, ủy mị. Nếu sợ biển thì ai sẽ là người dám ra biển đây? Không ra biển thì biết lấy cái chi mà ăn, mà sống? Lão cần phải cứng rắn, phải đối đầu với sóng dữ. Lão nuốt giọt rượu đắng ngắt vào ngực. Lão không thể bỏ biển được. Mặc cho nghề câu mực biển xa bạc như rứa, cực như rứa nhưng hễ xa biển một ngày là lão lại nhớ quay quắt. Một ngày không ra khơi là lão cứ bồn chồn, bần thần như mắc bệnh. Lão như bị say đất, chẳng làm được chi ra hồn. Biển đã ở trong máu của lão.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này là lão phải nghỉ vài ngày để đi thăm thằng Tiến. Lão tính, ngày mai xong việc rồi lão sẽ đi nhờ tàu thằng Tư Thạnh để ra con tàu của mình đang câu ngoài đó. Anh em bạn câu đang rất cần lão bởi lão là linh hồn trong mỗi chuyến ra khơi. Họ cần bản lĩnh, kinh nghiệm đã được đánh đổi bằng cả một đời sống chết cùng biển của lão.

*

Đêm khuya. Gió vẫn lẽo nhẽo kêu than. Nằm trên chiếc giường xiêu vẹo gần bằng tuổi mình, mỗi lần lão Tám trở mình thì chiếc vạc giường lại rên lên tiếng khọt khà khọt khẹt nghe ghét đui. Quái lạ, hôm nay xương cốt lão đau nhức lạ thường. Giấc ngủ đến với lão cứ chập chà chập chờn trong mùi tanh nồng của gió biển. Bỗng lão cảm thấy người mình rung rung, rồi nhẹ bẫng. Toàn thân lão như bị một cơn gió lạ nhấc bổng lên rồi đưa ra khỏi ngôi nhà bé tin hin của mình. Lão cứ bung biêng, chới với giữa không trung. Lão muốn kêu lên mà không tài nào mở miệng ra được. Thôi kệ, đến đâu thì đến, chết bỏ. Lão dần buông xuôi cái ý định chống cự của mình.

Cơn gió đưa lão ra với khu nghĩa địa của bãi Thương. Trong ánh sáng nhập nhòe ma quái, những ngôi mộ gió nằm bên nhau câm lặng. Phía sau là những ngôi mộ thật, cũ có, mới có đan xen nhau. Tất cả quây quần lại thành một xóm âm phủ bên mép biển. Bầy lân tinh cứ trêu ngươi trước mặt lão. Hễ lão lại gần thì chúng lại vụt bay ra xa hơn.

Lão bước chậm rãi qua từng ngôi mộ gió đã bị bay gần hết cát. Chúng giờ chỉ còn là những núm cát lùm lùm nằm chơ vơ trong bóng đêm hoang lạnh. Trên từng phần mộ còn trơ lại những chân nhang bạc phếch như đời ngư phủ. Từng đám dây muống biển bò lên thân mộ. Những chiếc lá xanh thơ dại khẽ rung rinh như hòa nhịp vào khúc oán ca của gió. Lão vừa đi vừa cúi khom người để sờ tay lên từng ngôi mộ. Miệng lão lẩm bẩm:

– “Đây là thằng Tèo Anh này. Mày bị gió thổi úp thúng!”.

– “Đây là thằng Bảy “cù léc” này. Mày ngủ gục bị rớt xuống biển. Thương mày quá Bảy ạ. Mới mười sáu tuổi đầu mà đã phải bỏ ba má, bỏ các em mày mà đi!”.

– “Đây là thằng Mẫn này. Mày bị tàu lạ đâm nát thúng, mất tiêu. Tàu lạ là tàu mô hả Mẫn? Mày nói với tao rằng con đi chuyến này về xong là cưới vợ. Ông Tám nhớ hôm đó ở nhà dự đám cưới con nghe! Tao nhớ lắm Mẫn ạ, chỉ tiếc là mày đã không thực hiện được cái dự định đời người kia của mày, Mẫn ơi!”.

– “Đây là lão Hinh này, Nguyễn Hinh, bằng tuổi mình. Tưởng một đời lênh đênh biển giả rồi về chết trên trảng cát nhà mình, ai ngờ, số ông cũng như mấy thằng con, thằng cháu kia cả mà thôi ông Hinh ơi!”.

Lão ngậm ngùi đi tiếp.

– “Năm Đại! Mày có lạnh không? Nhanh thiệt! Mới hôm nào tao, mày và anh em bạn còn nhậu với nhau. Giờ lại ra nông nỗi này hả mày, Năm Đại?”.

Lão ngồi xuống cạnh Năm Đại. Nước mắt ứa ra khuôn mặt chai sần của lão. Lão khóc. Tiếng khóc ban đầu chỉ thút thít, rồi lão khóc tu tu như đứa trẻ. Năm Đại là người để lại cho lão nhiều tình cảm nhất vì lão là người dang tay đón nó về con tàu của mình làm bạn câu, đến nay đã mười lăm năm rồi. Năm Đại mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mấy anh em nó đi làm thuê khắp xóm để kiếm cái bỏ bụng. Lão đã đứng ra lo liệu cho nó và con Thắm thành vợ thành chồng. Hai đứa chúng nó coi lão như người cha của mình. Khi chúng nó có con, hễ tàu về bến là hai đứa trẻ chạy xuống vừa gọi ba vừa cúi đầu, vòng tay chào ông nội. Lão Tám cười khà khà, khen con Thắm giỏi. Chồng đi biền biệt quanh năm, ở nhà biết rèn dạy con cái lễ phép. Được!

Chừng ấy năm cùng nhau bươn bả trên biển, lão Tám và Năm Đại có quá nhiều phen cận kề cái chết. Cứ qua mỗi lần hiểm nguy lại trui rèn thêm cho lão và Năm Đại bản lĩnh của mình. Lão Tám đưa cánh tay sần sùi lên lau nước mắt. Lão không thể nhớ hết được những đận lão và Năm Đại đã phải trải qua trong cái nghiệp mưu sinh của mình.

Cái lần đó, lão và Năm Đại ngồi thúng câu gần nhau, nửa đêm bỗng có con cá to như gốc cổ thụ nổi lên quật đuôi vào thúng, vậy là cả hai bổ nhào xuống nước. Hai người rướn hết sức, vừa sải tay bơi thật nhanh vừa đảo mắt tìm thúng. May mà cuối cùng cũng vồ được chiếc thúng nửa nổi nửa chìm đang dập dềnh trên sóng. Bò được lên thúng lại phải ra tay tát nước cật lực để thúng nổi. Mệt đứt hơi nhưng lão và Năm Đại đều thở phào vì mạng sống vậy là còn giữ được.

Có lần đang câu thì đột nhiên xuất hiện một bầy bốn năm con cá mập lù lù vây xung quanh thúng. Chúng cứ lượn lờ như bóng ma. Lão Tám và Năm Đại người cứng ngắc như tượng đất sét. Nếu chỉ cần một cử động nhỏ là sẽ tiêu đời ngay tức khắc. Lão Tám vừa liếc nhìn bầy cá mập đang uy hiếp thúng câu vừa lẩm nhẩm khấn thầm: “Tội mà, tôi làm ăn, các ông đi đi cho tôi nhờ”. Quả thật, lời khấn của lão Tám thật linh nghiệm. Một lúc sau, bầy cá từ từ bỏ đi. Thiệt là hú vía.

Lão lại nhớ, hai năm trước, khi chuyến biển về cập bến an toàn, Năm Đại mới rủ rỉ kể cho lão nghe chuyện hôm nó đang câu mực cách thúng bạn khá xa.

– “Hôm đó, biển tối đen như hũ nút. Trên thúng của con chỉ le lói chiếc đèn dầu và âm thanh khọt khẹt của chiếc máy Icom. Vừa rít xong hơi thuốc và đang cắm cúi câu bỗng nhiên con nghe đâu đó có âm thanh phát ra. Cái tiếng gì đó ban đầu rất nhẹ nhàng, mơ hồ rồi bỗng trỗi dậy như một cơn cuồng phong. Trong màn đêm đen kịt, sóng dựng lên một bức tường nước mờ mờ ảo ảo. Chiếc thúng của con bị một con sóng đưa lên thiệt cao rồi lại dìm xuống biển nhiều lần. Con cứ tưởng mình xuống tận âm ti địa ngục rồi. Hồn vía không còn nữa. Trong cơn hoảng loạn, con vừa ngụp lặn vừa buột miệng cầu khấn trời đất, ông bà xin tha mạng. Con cũng không hiểu nổi, vừa dứt lời thì bỗng nhiên con sóng quái lạ kia cũng chịu rút luôn. Hú hồn!”.

– “Mày có xạo không Năm?”.

– “Trời đất, từ hồi nào đến giờ con có biết nói xạo là gì đâu. Con mà nói xạo thì không dám ở tàu chú Tám nữa!”.

– “Ừa, hỏi vậy thôi chứ tao tin mày. Nhưng mà sao giờ mày mới nói?”.

– “Dạ… con không dám kể ngay lúc đó vì sợ anh em bạn câu mất tinh thần”- Năm Đại giải thích.

– “Cái thằng… được!”- Lão Tám vỗ đánh “bốp” vào vai Năm Đại cười khoái chí…

“Chú Tám ơi..!”. Có tiếng gọi văng vẳng bên tai lão. Lão giật mình nhìn quanh. Đúng là tiếng của nó rồi, thằng Năm Đại. Xung quanh cát vẫn trắng rợn người. Dưới ánh lân tinh nhập nhòe, dãy mộ gió vẫn nằm câm lặng.

– “Tao đây, Tám “cô đơn” đây. Năm Đại, mày đâu rồi?”.

– “Con đây, con đang nằm cạnh chú Tám đây nè. Chú không nhìn thấy con đâu. Con lạnh lắm chú Tám ơi!”.

Lão chống tay lên ngôi mộ. Mắt cay xè.

– “Chú Tám!”.

– “Tao đây, Năm Đại!”.

– “Chú có nhớ cái chuyến tàu mình đi câu biển Hoàng Sa không?”.

– “Trời, mày hỏi chi lạ rứa Năm Đại? Cả đời tao đi biết bao nhiêu chuyến ngoài đó mà kể. Nhớ răng hết được!”.

– “Chuyến gặp bão đó, chú Tám!”.

– “À, tao nhớ, nhớ chứ, mày!”.

– “Con phục chú Tám lắm, thiệt đó!”.

Câu chuyện của lão Tám và Năm Đại có phần rôm rả hơn chút đỉnh. Rặt chuyện ngoài biển. Nghe Năm Đại nhắc tới chuyến gặp bão ở Hoàng Sa, lão Tám nhớ ngay liền. Chuyến đó, tàu lão phải chạy vào gần đảo Bạch Quy để tránh gió. Cơn bão lao đến như con quái thú. Sóng to, gió lớn liên tiếp ập tới như muốn bổ đôi, nhấn chìm chiếc tàu mỏng lét xuống đáy biển. Lão Tám cùng anh em phải nổ máy chạy hết tốc lực ngược với hướng gió để tránh cho tàu khỏi bị lật. Cái chết đến thật cận kề. Mọi người đã cùng nhau dè sẻn từng nhúm gạo sống, ăn cháo cầm hơi suốt ba ngày liên tục để chống chọi với tử thần. Thật hên, cuối cùng thì bão cũng tan. Phút giây hãi hùng đã qua, ai nấy đều rũ rượi. Chiếc tàu xác xơ, trụi thùi lụi trông thật thảm hại.

Trưa hôm sau, khi chuẩn bị quay về bờ, lão ra lệnh thả thúng để vào đảo. Anh em bạn câu nhiều người ngăn cản lão vì sức lực đã tàn. Vả lại, cái quan trọng hơn là vào khu vực đó rất nguy hiểm. Sự ám ảnh của lần bị tàu tuần tra bắt được, bị chúng nó thu hết đồ nghề và đòi tiền chuộc mấy năm về trước vẫn chưa thể phai nhòa trong tâm trí họ. Không chết thì cũng no đòn. Vừa mang tật vào thân vừa mất hết của cải!

Lão lừ mắt:

– “Thôi, tụi bay khỏi bàn lùi. Năm Đại, theo tao!”.

Nói là làm, lão cầm theo bó nhang, xị rượu và cái bao tải rồi cùng Năm Đại nhảy xuống thúng chèo vào đảo.

Đứng trên bãi cát vàng rực uốn lượn hình chữ S, đôi mắt lão Tám sáng lên. Trong khóe mắt nhăn  nheo ấy có giọt nước rưng rưng đang dần rịn ra trên khuôn mặt cháy đen vì nắng gió. Lão lập cập đặt xị rượu và cắm bó nhang nghi ngút khói xuống trảng cát mênh mang. Cả hai quỳ xuống sì sụp khấn vái thổ địa, hương linh ông bà, các thế hệ cha anh ngày xưa đã nằm lại quần đảo này để trấn giữ một vùng cương thổ địa đầu Tổ quốc.

Tiếng lão ngân lên uất nghẹn trong gió: “…Tế nhơn độ vật, gởi ích quần lê, anh minh mạc trạng, công đức vô cùng, hữu cầu tất ứng…”(*). Rồi lão đứng dậy nhìn ra xa. Lão khoát tay chỉ cho Năm Đại biết: “Hướng này là đảo Ông Già này. Xa kia là đảo Trụ Cẩu nghe mày. Tít mờ kia là Phú Lâm..!”. Lão gọi to những cái tên thân thương ấy bằng cả nỗi xót xa, ai oán khôn cùng.

Lúc sắp tàn nhang, lão chắp tay lầm rầm xin phép rồi ra hiệu cho Năm Đại xúc đầy một bao tải cát vàng hoe. “Đây là đất đai hương hỏa của ông bà mình, mình phải đem về thờ cúng!”. Lão giải thích với Năm Đại.

Trước khi ra về, lão không quên nhặt thêm mấy vỏ ốc, một ít trứng rùa vương vãi và vài mảnh san hô dưới mép biển làm kỷ niệm.

Năm Đại vừa vác bao cát ra thúng vừa cười nhăn nhở: “Con phục chú Tám lắm, thiệt đó!”. Lão Tám nheo mắt nhìn Năm Đại rồi tủm tỉm buông câu chửi: “Thằng cha mầy, không phải nịnh tao!”. Cả hai bỗng cười vang. Tiếng cười sảng khoái vút cao giữa mây nước Hoàng Sa mênh mang vô tận…

Số cát vàng đó, lão chia cho anh em bạn mỗi người một ít đem về đổ vào bát nhang đặt ngoài bàn thiên để thường xuyên nhang khói.

Nghĩ lại, lão thấy lòng thanh thản lạ lùng…

*

Lão Tám chống tay lên mộ Năm Đại rồi uể oải đứng dậy vẫy tay chào nó. Lão lảo đảo đi theo đám ma trơi dẫn đường. Gió lạnh găm vào từng múi thịt nhão ẩn sau manh áo mặn chát vị muối. Lão vẫn len lỏi bước đi trong tiếng sóng đơn côi.

Đây rồi, lão khựng lại rồi mừng rỡ reo lên như đứa trẻ vừa tìm được mẹ:

– “Út Dịu ơi, tôi đây mà!”.

Lão quỳ xuống úp mặt lên cát. Hai cánh tay lão dang rộng sải theo chiều dài ngôi mộ. Chắc giờ này Út Dịu đang ngủ say dưới lớp cát sâu toèn hoen này.

Lão nhắm mắt lại. Đôi vai rung lên. Tiếng nấc nghẹn bật ra từ đôi môi khô khốc: “Tôi khổ lắm Út Dịu ơi! Bà có biết không, Út Dịu?”.

Câm lặng. Giọt nước mắt của lão thấm vào mặt mộ làm mấy hạt cát bé xíu quện lại với nhau. Mới đó mà đã bốn mươi hai năm rồi. Nhanh thiệt…

Ngày ấy, cứ mỗi chuyến biển trở về, Út Dịu lại bế con chạy xuống bến đón lão. Út Dịu nhìn lão bằng gương mặt rạng ngời nhưng ngân ngấn nước. Lão vừa xoa xoa đầu thằng cu Tiến vừa cười xuề xòa: “Người ta mới đi có hơn tháng chứ mấy mà đã lo!”. Út Dịu tức tối đấm vào ngực lão thùm thụp bắt đền. Lão thương Út Dịu vô cùng.

Lão Tám và Út Dịu đều lớn lên ở bãi Thương. Cái xứ khốn khó cơ cực này đã đưa hai con người bất hạnh đến với nhau. Cha và anh trai lão đã bỏ mạng ngoài khơi trong một chuyến đi lưới chuồn. Con tàu đã không chạy về bờ kịp khi cơn bão bất ngờ ập đến. Lúc đó lão mới mười lăm tuổi. Còn cha Út Dịu cũng bị sóng nhấn chìm cùng con tàu  câu cá ngừ. Mấy năm sau, em trai Út Dịu lại bị tai nạn khi lặn biển. Hai chân bị liệt nằm một chỗ, tiền bạc cứ thế đội nón ra đi mà vẫn không biến chuyển được gì. Sống mà như chết.

Những tháng ngày sống bên nhau, lão Tám cảm thấy hạnh phúc nhất đời. Lão thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cái xóm đảo heo hút này đã ban tặng Út Dịu cho lão. Út Dịu quả là một người vợ chịu thương chịu khó và yêu lão hết mực.

Nhớ hồi còn mang thai thằng Tiến, bụng mang dạ chửa như vậy mà cứ đến hai giờ sáng là Út Dịu đã dậy xắn quần quá gối lội cát xuống bến lấy cá tôm gánh ra chợ bán. Có nhiều hôm tất tả gánh cá đi còn bị miểng hàu, miểng điệp bén như lưỡi dao cắt đứt chân tứa máu làm lão nhói hết ruột gan. Ngày này qua tháng khác, Út Dịu không lúc nào ngơi nghỉ để chăm chút cho cái gia đình nhỏ bé của mình. Lão Tám rất an tâm. Út Dịu và thằng Tiến là chỗ dựa, là điểm tựa vững chắc nhất cho lão trong những chuỗi ngày rong ruổi giữa đại dương mênh mông.

Cái năm đó, sau chuyến biển dài ngày trở về, lão choáng váng rồi ngã khuỵu khi biết Út Dịu đã bỏ cha con lão mà đi sau một cơn cảm lạnh đột ngột. Lão như điên như dại chạy ra mộ Út Dịu mà gào mà thét cho nhẹ bớt nỗi đau đời.

Lão đã mấy lần định bỏ nghề biển vì nỗi đau ập đến quá lớn, khó nguôi ngoai. Nhưng rồi mãi mà chẳng thực hiện được, lão lại phải ra biển. Lão không thể để thằng Tiến đói cơm được. Nó phải lớn lên, phải học hành và đi khỏi nơi đây, cái nơi đã đem đến cho lão biết bao đau thương, xa xót. Lão đã quyết định như vậy trong một đêm thức trắng ôm con.

Thằng Tiến cứ thế lớn lên bằng tình thương của lão và sự cưu mang của bà con bãi Thương. Sống trong cảnh mẹ mất, cha ở miết ngoài biển nên thằng Tiến tự lập rất cao. Mỗi lần về bến, nghe Tiến khoe được cô giáo cho điểm cao là lão Tám mừng quýnh. Lão ôm con vào lòng âu yếm nó, vuốt ve nó để bù lại những ngày nó phải vắng cha. Lão tuyệt đối không bao giờ cho thằng Tiến bước chân xuống tàu. Lão không muốn đời nó phải trói với con tàu như lão, như những người đàn ông ở cái bãi Thương này. Cái quyết định của lão sắp thành hiện thực rồi. Thằng Tiến của lão sắp được đi khỏi bãi Thương rồi. Càng nghĩ lão càng phấn chấn lạ thường.

Vậy mà, thằng Tiến con lão đã hơn hai mươi năm nay chưa một lần trở về thăm lão, thăm bà con bãi Thương. Cái nơi đã nuôi nấng nó, chăm bẵm nó trong những tháng ngày nó mất mẹ, cha nó còn ở tít ngoài khơi.

Cái thằng, tệ thiệt!

*

Tang tảng sáng. Mặt trời từ dưới biển đang dần ngoi lên. Gió mát rượi. Lão Tám khoác chiếc túi vải trên vai, đầu đội mũ lưỡi trai bước ra khỏi cổng. Lão rảo bước nhanh đi xuống bến cá. Hôm nay thằng cháu chạy ghe chở lão vào bờ.

Xuống gần đến bến, lão bắt gặp mấy đứa con gái đang gánh cá đi ngược lên. Thấy lão, chúng ngơ ngác nhìn một lúc rồi nhao nhao:

– “Ôi, ông Tám! Ông Tám! Hôm nay nhìn ông Tám ngộ ghê, thiệt đó!”.

“Ơ cái tụi này! Ngộ cái chi?”- Lão gắt vui.

– “Thì nhìn ông Tám ngồ ngộ, thiệt mà!”.

– “Ông Tám ơi, hay là bữa nay ông vô bờ hỏi vợ hả ông Tám?”

– “Ông Tám bữa nay đẹp “chai” quá đi thôi!”.

– “Đẹp “chai”? Đẹp “chai” cái thằng cha mầy!”- Lão phì cười quát lại tụi trẻ.

Chúng nó vừa bước đi vừa cười hư nắc nẻ sau câu chửi yêu của lão.

Bước xuống ghe, lão giục thằng cháu chạy nhanh vào bờ để kịp bắt xe đò lên thành phố. Bây giờ, lão mới cúi xuống nhìn lại. Chắc là tụi nó ngạc nhiên vì hôm nay lão vận đồ lịch sự ấy mà. Nhưng mà chúng mày không hiểu được đâu, mấy đứa trẻ ạ. Lão lặng im. Chiếc áo trắng cộc tay này lão phải mất mấy hôm vừa cắt cắt, may may mới thành được đó. Lão đã dỡ tung bộ quân phục của thằng Tiến mà đồng đội nó gửi về hồi xưa để may lại thành chiếc áo cho mình. Lão muốn thằng Tiến lúc nào cũng luôn ở bên mình. Chiếc gốc phong ba khô để giữa nhà lão cũng đem từ ngoài đó về để coi như nó đang ở trong ngôi nhà của nó.

Lão ngồi bên con trai. Xung quanh, những ngôi mộ đều tăm tắp được ốp đá granito nơi nghĩa trang thành phố sáng bừng trong nắng sớm. Bảy ngôi mộ gió quây quần bên nhau dưới gốc bàng trước mặt tượng đài. Có một vài vòng hoa tươi dựng cạnh. Chắc là của các cơ quan, đoàn thể đến viếng. Lão đoán vậy.

Hôm nay là ngày giỗ của mấy đứa.

Lão Tám thắp nén nhang thơm lên ngôi mộ gió của con. Tay lão run run vuốt ve tấm bia ghi dòng chữ “Liệt sĩ Phan Tiến. Quê quán:… Sinh 1960. Hi sinh: 14- 3-1988 tại đảo Gạc Ma- Quần đảo Trường Sa”.

Bên cạnh lão, những mái đầu bạc trắng cũng đang lụi cụi thắp nhang khấn vái những ngôi mộ gió linh thiêng của những đứa con…

13/4/2012

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder