Mưa mùa hạ – Truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Lược

Trời mưa, trên đường có một kẻ đầu trần đang thong thả bước dưới làn mưa xối xả. Những giọt nước mưa….

Trời mưa, trên đường có một kẻ đầu trần đang thong thả bước dưới làn mưa xối xả. Những giọt nước mưa mát lịm chảy tràn gập trên gương mặt không xinh đẹp. Đôi mắt màu nâu mở to bình thản nhìn những ánh chớp xé ngang dọc bầu trời. Dưới mái hiên những ngôi nhà ven đường, nhiều đôi mắt trú mưa tò mò nhìn ra. Một người nào đó chợt thương cảm. “Tội nghiệp, chắc cô bé bị tâm thần”.
Kẻ tâm thần đó là tôi.
Tôi có một thói quen điên rồ là thích đi một mình dưới mưa. Đầu không mũ, chân không dép và thậm chí còn không thèm mặc áo… mưa. Hồi còn ở quê, mỗi lần thấy tôi bêu mưa là Thảo – người chị ruột cùng ra đời một ngày với tôi – thường trêu chọc: “Nước mưa không rửa sạch được lớp bụi than của người Quảng Ninh đâu”. Tôi ngấm nguẩy véo von: “Trắng gì trắng bủng trắng xanh. Chẳng thà đen kít cho anh vừa lòng”. Tuy là chị em sinh đôi nhưng tôi không giống Thảo. Chị có gương mặt dịu hiền, làn da trắng và đôi mắt buồn mênh mang. Thảo giống mẹ tôi. Chị còn thửa hưởng của mẹ cả tính nhút nhát và yếu đuối. Những đêm mưa nghe tiếng sét là chị ôm chặt lấy tôi run rẩy: “ Lạy trời, mong nó đừng đánh trúng nhà mình”. Tôi cười khanh khách rồi vùng khỏi vòng tay chị ra sân tắm mưa. Mặc chị la ầm ĩ trong nhà. Một lần, tôi kéo Thảo ra mưa. Đêm đó chị tôi bị cảm vì lạnh.
Trời vẫn mưa. Giờ đây chị đang làm gì, chị Thảo? Chắc hẳn chị đang ngồi run rẩy giữa bầy trẻ con mà chị yêu thương ? Tôi cố mường tượng ra khuôn mặt tội nghiệp của chị.
Sau ngày giỗ đầu của mẹ, bố tôi dẫn về một người đàn bà trẻ hơn ông hàng chục tuổi. Bố bảo: “Từ nay, cô Hoa sẽ là mẹ của hai con.”. Thảo buồn bã chấp nhận điều đó. Còn tôi không cam chịu và dễ tha thứ như chị. Vì thế mà tôi ra đi. Đêm chia tay, chị khóc: “Thảo muốn đi với Hiền nhưng Thảo sợ. Rồi đây cuộc sống sẽ ra sao ?’. … Tôi gắt: “ chị thì cái gì cũng sợ. Đêm sợ ma, ngày sợ trộm cướp. Mưa sợ sấm sét. Suốt ngày rụt cổ trong cái vỏ ốc sợ hãi ấy mà nhìn ra cuộc đời thì chỉ toàn ma quỷ…”. Thảo nấc lên. Tôi vội vàng ôm lấy chị an ủi: “Thôi , đừng lo cho em nữa. Anh Mạnh đã hứa sẽ xin việc cho em. Em sẽ sống bằng sức lao động của chính mình”.Thảo van xin: “Bố thương em. Cả dì Hoa cũng rất yêu em”. “Không, em ở lại chỉ là cái gai trong mắt mọi người”.
Hôm sau, tôi ra ga. Chỉ mình Thảo ra tiễn tôi. Bố đã lấy cớ đi làm từ rất sớm nên tôi không kịp từ biệt bố. Thảo nói gấp gáp trong hơi thở: “Lên đó, Hiền nhớ giữ gìn sức khoẻ . Hãy thận trọng khi chọn một người làm bạn”. Tôi cười thầm khi hiểu nỗi lo của Thảo.
Lên thành phố được một tháng, tôi nhận được lá thư dài chứa chan tình cảm của Thảo. Tôi viết cho chị mấy dòng: “ Hiền khoẻ. Đang học việc may vá bao bì đựng… con người.Lương không cao chỉ đủ nuôi cơ thể, còn chút ít nuôi lợn nhựa. Sinh hoạt hàng ngày: Sáng ăn cơm rồi đi làm, trưa ăn cơm bụi, chiều lại làm tiếp. Tối ăn xong thì xem tivi. Đêm: ngủ. Hết. TB: Cho em gửi lời hỏi thăm bố. Chúc chị ăn no – ngủ khoẻ”. Chị Mai, con bác Hà, vô tình đọc được hai là thư tôi để trên bàn. Chị cười ngặt nghẽo : “Trời ơi, hai chị em sinh đôi mà như hai cực trái đất”.
Một lần, bác Hà dịu dàng bảo tôi: “Con hãy gọi bác là mẹ. Dù sao bác cũng là chị ruột của mẹ con”. Tôi buồn bã lắc đầu, không nói gì. Đêm đó khuôn mặt hiền từ của mẹ hiện về trong giấc mơ của tôi. Lại một lần khác, tôi nghe anh Mạnh nói với chị Mai: “…. Thật tội cho con Hiền. Em là con gái em phải gần gũi và quan tâm nhiều đến nó…”. Tôi đẩy cửa bước vào: “Cảm ơn! Em không cần ai thương hại mình đâu”.
Nhật ký hàng ngày không hẳn chỉ có những chuyện như tôi viết thư cho Thảo. Giờ nghỉ buổi trưa, tôi vẫn thường đi lang thang dưới hàng phượng vĩ bên hò Tam Bạc. Một buổi trưa vắng vẻ, đôi chân tôi bước vô định. Những giọt nắng chảy tràn qua kẽ lá rơi thành những đốm trắng tròn xinh. Tôi hứng lấy một đồng tiền vàng ấy và thích thú ngắm nhìn nó lấp lánh trên tay. Chợt có tiếng cười sau lưng, tôi quay lại. Một anh chàng có làn da cùng chủng tộc với tôi đang nhăn nhở khoe hàm răng khấp khểnh khá duyên dáng. Bên cạnh anh ta là đống đồ nghề sửa xe. Tôi vênh mặt khiêu khích: “Anh cười gì?”. “Tôi ngạc nhiên vì có một kẻ mơ mộng hơn mình”. Tôi giận dữ  quăng “đồng tiền” xuống đường khi thấy trên bàn tay lem luốc của anh ta cũng có một bông hoa nắng đang nhảy múa. “Em đi làm ở trong kia phải không? Thỉnh thoảng anh vẫn thấy em lang thang trên con đường này. Nhà em ở đâu? Em làm gì vậy?”. “Tôi còn học. Anh hỏi gì lắm thế?”. “Ô! Em học gì?”. “Học vào đời”. Tôi đáp không cần suy nghĩ. ánh mắt anh ta ánh lên một cái nhìn thích thú. “Em học những gì ?” .” Học cách kiếm tiền và tiêu tiền. Hơn nữa còn biết đánh giá những con người như anh”. Nói xong, tôi bỏ đi không thèm ngoái lại.
Hôm sau, tôi không thấy anh chàng chữa xe đâu nữa. Tôi ngạc nhiên vì không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng rồi cũng dần quên đi chuyện đó.
Một buổi tối, anh Mạnh nhờ tôi đến trung tâm ngoại ngữ đón chị Mai. Tôi đến sớm nên đành đứng cổng chờ. Chị Mai có rủ tôi đi học nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn chị mất tiền mua kiến thức cho tôi. Vả lại tôi phải dành thời gian và chút tiền bạc dành dụm đượcđể thực hiện kế hoạch bí mật của riêng mình. Chị Mai thở dài: “Nếu em không chịu học thì mãi mãi em chỉ là cô công nhân bình thường”. Tôi cười, nụ cười nửa miệng vì chị Mai không hiểu tôi. Trước đây, hai chị em tôi chưa kịp tốt nghiệp trung học thì mẹ tôi ra đi. Thảo bỏ học, còn tôi cũng cố lấy được tấm bằng tốt nghiệp loại trung bình dù tôi học khá. Cô chủ nhiệm an ủi khi tôi đến chào cô để hôm sau giã từ đất mẹ: “Em là đứa con gái cứng cỏi, cô tin em sẽ vượt lên trên số phận. Hãy cố gắng vươn lên trên cuộc sống bằng chính nỗ lực của mình”.
Một giọng nói cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: “Em cũng đi học Anh?” Tôi ngạc nhiên vì không tin vào mắt mình nữa. Có một phép màu nào đó đã biến anh chàng chữa xe lem luốc thành một thanh niên tri thức bảnh bao xách cặp đứng trước mặt tôi. Sau phút bất ngờ tôi lấy ngay được bình tĩnh: “Anh có quái gì mà tôi phải học?”. Vừa lúc đó chị Mai ào ra: “Hiền, em đến lâu chưa ? A, chào thầy Lâm!”. Tôi tròn mắt nhìn chị Mai đang tíu tít “Thầy, thầy… em, em “ với chàng thanh niên xấp xỉ tuổi chị. Ông thầy giáo liếc mắt qua tôi: “Cô em của Mai thật chẳng Hiền chút nào”. Hình như lần đầu tiên trong đời, câu nói đó đã chạm vào dây thần kinh “xấu hổ” của tôi. Đêm đó, tôi nghĩ hơi nhiều về người thầy giáo của chị Mai. Câu nói của chị luẩn quẩn trong đầu tôi: “Thầy Lâm là sinh viên Đại học Hàng Hải, kém chị hai tuổi nhưng đã có bằng Đại học ngoại ngữ khoa tiếng Anh”.
Thời gian qua đi, tôi và Lâm đã là bạn. Cũng như chị Mai , tôi gọi anh ấy bằng thầy. Tôi kể cho Lâm nghe về người chị gái cùng tuổi. Anh cười: “Thảo của em chắc không bao giờ dám di chết một con kiến đâu nhỉ?” “Chị Thảo là cô nuôi dạy trẻ, chị ấy có một trái tim người mẹ”. Thế còn em, trái tim cô công nhân may chắc là được chắp vá bằng những mảnh vải vụn phải không?” . Nghe Lâm giễu cợt, tôi liền trả đũa: “Còn thầy thì sao ? Trái tim to tướng của nhà hàng hải có thể đựng được mấy tấn hàng buôn lậu?”. Lâm cười khẩy: “Em nghĩ về tôi như thế ư?”. “Thầy cũng là một con người. Cũng là một cái thùng không đáy”. Lâm nhìn tôi, thở dài: “Em cần phải thay đổi cách nhìn đời. Nếu không cuộc đời em sẽ toàn màu xám”.
Một hôm, chị Mai nhìn mớ tóc lơ lửng của tôi, cười ranh mãnh: “Phải thưởng huân chương cho thầy Lâm vì tác phẩm này”. Tôi trịnh trọng: “Thưa chị, hiệu cắt tóc của em đóng cửa mấy tháng rồi. Hôm nay em mới tìm được hiệu mới, mai em sẽ cắt”. Chị Mai cụt hứng : “Đừng cắt, Hiền ạ. Em để tóc dài trông sẽ hiền lành duyên dáng hơn”. “Không cực Bắc không thể làm cực Nam”. Tôi đáp rồi thích thú nhìn bộ mặt chưng hửng của chị Mai. Một phần tôi là đứa con gái bướng bỉnh luôn thích làm những điều trái ngược với  khuyên của người khác. Nhưng lần này vì mải lao vào kế hoạch bí mật riêng nên tôi đã quên đi mái tóc của chính mình.
Tôi vẫn lang thang một mình với cơn mưa cuối hạ. Những đốm lửa đỏ rực cháy suốt mùa hè đã sắp tàn. Thành phố hoa phượng của tôi đang chuẩn bị vào thu. Đây đó trên vòm phượng xanh còn rơi rớt lại vài bông phượng lẻ loi, đơn độc. Mưa tạnh. Bầu trời xanh hơn. Tôi trở về nhà với bộ quần áo ướt dính. Thảo đón tôi ở nhà bác Hà. Trên môi chị là nụ cười rạng rỡ. “Sao chị không báo trước để em ra ga đón?”. “ Chị muốn tự  mình đi đến với em. Muốn dành cho em một sự bất ngờ”. Nói rồi Thảo kéo tôi vào phòng khách. Đập vào mắt tôi là mười tám ngọn nến lung linh. Thảo nhìn tôi: “Cách đây mười tám năm, có hai cô bé đã sinh ra. Cô chị giống mẹ, còn cô em giống cha. Dù hình thức và tính nết có khác nhau nhưng hai chị em rất thương yêu nhau”. “Và bác muốn hai con mở rộng tấm lòng để đón nhận tình yêu thương của mọi người”. Bác Hà nói và đặt lên bàn hai gói quà xinh xắn. Chị Mai trao cho tôi bó hoa phượng: “Thầy Lâm đi thực tập. Đây là quà thầy tặng Hiền”. Tôi ôm bó hoa rực rỡ và đọc dòng chữ  bằng tiếng Anh trên mảnh giấy nhỏ. Nhưng tôi chẳng hiểu gì. Chị Mai giải thích: “Thầy Lâm tặng em mùa hạ của thầy”. Tôi bối rối nhìn cánh hoa mỏng manh đang rực cháy trên tay rồi nhìn Thảo. Trong đôi mắt chị tôi thấy có một dấu hỏi dành cho chủ của những bông hoa phượng. Tôi chưa kịp nói gì thì anh Mạnh xuất hiện. Anh đặt lên bàn hai tờ giấy và nói: “Anh tin em sẽ đứng vững trên đôi chân của mình. Và anh muốn biết tại sao em chọn Y và Hàng hải?”. Tôi trân trối nhìn hai tờ giấy gọi nhập học. Thảo nhanh nhảu: “Hiền chọn Y là vì căn bệnh của mẹ em. Còn Hàng hải? Dù sinh ra trên thành phố Cảng nhưng em và nó chưa bao giờ nhìn thấy biển”. Chị Mai tròn mắt nhìn đôi mắt chợt buồn vừa cúi xuống của Thảo rồi nhìn tôi: “Sao em không nói gì? Từ đây xuống Đồ Sơn đâu có xa? Mà thôi, sinh nhật hai em, chị xin được tặng một chuyến đi tới biển.
Giờ đây tôi đang đứng trước biển.

Sau phút choáng ngợp ban đầu tôi tự thấy mình quá bé nhỏ. Biển mênh mông và hiền lành. Gió giao mùa làm vai Thảo rung rung . Tôi ôm lấy chị. Ngày mai, Thảo sẽ lại về làng quê bình yên với bầy trẻ con đáng yêu của chị. Còn tôi sẽ là sinh viên trường Y. Đêm qua, trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe Thảo thì thầm: “Một bác sĩ không thể có trái tim chứa đầy hận thù, oán trách… “ Tôi hiểu câu nói của Thảo. “Đúng là bố không có lỗi khi lấy một cô gái nông thôn quá lứa nhỡ thì hơn chị em mình chục tuổi. Và người con gái đó cũng không độc ác như những bà gì ghẻ trong cổ tích”. “Vậy là em đã hiểu? Bố là đàn ông, bố không thể sống cô đơn đến cuối đời.. “  “Vâng. Bố không có lỗi gì cả”.
Thảo nắm tay tôi chỉ về phía con tàu trắng xa mờ. Tôi tự nghĩ: “Biết đâu thầy Lâm lại chẳng có mặt trên con tàu ấy”. Nghĩ đến Lâm, tôi thấy tiếc cho quyết định của mình. Nhưng thôi, hãy một lần nghe theo lời khuyên của mọi người.
Chị Mai kêu lên: “Sắp mưa rồi”.
Gió ầm ào. Trong phút chốc mưa trắng nhoà mặt biển. Tôi bình thản đếm bước chân mình trên cát. Thảo vẫn đi bên tôi.

N.H.L



Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder