Mạc Đăng Dung – tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê – Kì 13

Đúng lúc ấy Thái sư Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ tuần du Sơn Nam. Lúc nghị sự, Quảng Độ hỏi chuyện vòi rồng ra sao, chuyện lập đàn cúng tế là thế nào mà để dân ta thán? Câu “hải nhập địa táng” nghĩa là sao? Lại có người nói từ khi Đăng Dung về đây đất trời mới dở chứng. (Tiếp kì 13)…

Đúng lúc ấy Thái sư Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ tuần du Sơn Nam. Lúc nghị sự, Quảng Độ hỏi chuyện vòi rồng ra sao, chuyện lập đàn cúng tế là thế nào mà để dân ta thán? Câu “hải nhập địa táng” nghĩa là sao? Lại có người nói từ khi Đăng Dung về đây đất trời mới dở chứng. (Tiếp kì 13)…

11

Sau khi chiếm được cả một vùng suốt từ Đông Triều – Kinh Bắc đổ lên Bắc Giang, Lạng Sơn, quân Trần Cảo đánh xuống Hải Dương, chuẩn bị qua sông Hồng, đánh sang Sơn Nam. Lo sau đó giặc Cảo sẽ từ hai mạn Bắc, Nam cùng đánh Thăng Long, vua Chiêu Tông vội triệu tập triều thần họp bàn. Phú Bình hầu Nguyễn Văn Lự nói:

– Sơn Nam không những là cửa ngõ phía Nam kinh thành mà còn như cái yết hầu nối Đông Kinh với Tây Kinh. Đã mất hạ lưu sông CáI, lại mất Sơn Nam thì quan quân cả mặt thuỷ lẫn mặt bộ không còn đường lui về Tây Kinh mà quân Tam phủ trong đó dẫu muốn ra cứu cũng không có lối! Đấy là chưa kể mất Sơn Nam thì trước sau cả Đông Kinh và Tây Kinh cũng không còn. Vậy phải có tướng giỏi giữ Sơn Nam mới được.

– Binh hùng tướng mạnh bây giờ một mặt phải lo giữ kinh đô, mặt khác phải lo lên mạn Bắc đánh giặc, lấy ai giữ Sơn Nam được?

Nguyễn Hoằng Dụ tâu:

– Thần xin tiến cử một người giữ được Sơn Nam, đấy là Vũ Xuyên bá Mạc Đăng Dung. Nay cho Dung làm Phó tướng Tả đô đốc coi việc binh nhung còn Tổng trấn, Phó tổng trấn thì cứ để cho Lê Toản, Đỗ Thao.

Trịnh Duy Sản nói:

– Phải lắm! Hồi trước đánh Trần Tuân không có Đăng Dung giúp sức chưa chắc giặc đã tan nhanh như vậy. Nhưng Đăng Dung đi Sơn Nam thì vệ Thiên Vũ không có ai nắm giữ, vậy Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy có thể đảm đương được.

*

Mạc Đăng Dung nhận chỉ của triều đình, liền giao gấp công việc ở vệ Thiên Vũ cho Trịnh Tuy rồi đi ngay Sơn Nam. Đăng Dung dâng biểu xin cho Mạc Đốc, Mạc Quyết cùng đi. Những chính biến vừa qua khiến ba anh em thấy cần luôn luôn ở bên nhau. Thừa Chính sứ, Tổng trấn Sơn Nam là Lê Toản tiếp họ ở trấn phủ. Cùng tiếp là Phó tổng trấn Đỗ Thao.

– Nghe nói Đô chỉ huy sứ ngày trước cũng từng theo văn nghiệp?- Lê Toản hỏi Đăng Dung.

Đăng Dung đáp:

– Vâng, nhưng rồi nhà nghèo nên tôi phải bỏ dở việc học hành. Trong ba anh em tôi thì chú Quyết đây được học hành nhiều hơn cả.

– Ba anh em ngày trước đi biển, vậy mà cố đeo đuổi đèn sách cũng là đáng phục.- Lê Toản khen nhưng bằng giọng có phần coi thường.

Đỗ Thao khủng khỉnh phụ hoạ:

– Đáng phục quá đi chứ. Nhưng từ khi theo nghiệp võ chữ nghĩa có khi rơi vãi gần hết chả biết chừng. Ngay chúng tôi đều tiến sĩ xuất thân cả nhưng từ khi bận việc quan, văn chương phú lục sao nhãng, chữ nghĩa thánh hiền cũng trả lại thánh hiền ối ra. Nhưng mà thôi, được cái nọ thì mất cái kia. Chữ nghĩa bề bề như chúng tôi thì anh nào anh ấy mang tiếng dài lưng tốn vải, võ biền sức vóc như Phó tướng với hai lệnh đệ đây thì xông pha trận tiền lấy đầu tướng giặc dễ như lấy đồ trong túi! Người ta kể hồi là Đô chỉ huy sứ, Phó tướng chỉ lia nhẹ một nhát đao mà đầu Nguyễn Nghiêm đã rơi ngay xuống đất, chúng tôi nghe mà dựng hết tóc gáy! Nghiêm tự xưng là Hắc Hổ tướng quân chắc chắn không thể loại thường.

Lê Toản nói:

– Chúng tôi không quen việc quân, vừa rồi kiêm nắm binh nhung cũng là bất đắc dĩ, nay được người như Đô chỉ huy sứ gánh vác, thật như trút được gánh nặng.

Đỗ Thao bảo:

– Vâng, mong thế nhưng còn phải chờ xem. Bởi việc nắm binh nhung cần đủ cả nhân, trí, dũng, nghĩa, tín chứ chỉ có riêng dũng là không đủ. Như tôi đây này, học hành trông lên chẳng bằng ai nhưng trông xuống dám ngộ nhận chẳng ai bằng, thi Hương đậu Giải nguyên, vậy nên lúc đầu ngỡ mình như Bàng Thống đời Tam Quốc công việc mấy tháng trời dồn đống hỏi đến mới ra tay, nửa ngày là xong. Ai ngờ vào việc mới biết được lúc thảnh thơi hiếm lắm, tính lại lông bông, vậy nên mới quyết về nhà vui thú điền viên, uống rượu, đánh cờ, câu cá, làm thơ ngông giải khuây! Nhưng khổ! Có thoát được chốn quan trường đâu cơ chứ, có người tâu lên triều đình rằng sao lại để thủ khoa thi Hương mới ba mươi mấy tuổi đầu trốn việc quan đi ở chùa, thế là triều đình lại gọi, vậy nên bây giờ lại mũ mãng cân đai, suốt ngày đâm sấp dập ngửa lo cho dân!

Thấy Đỗ Thao vẻ như khiêm tốn mà lại khinh bạc, Mạc Đốc vốn nóng tính, nghe tức đầy ruột, trong khi đó Đăng Dung vẫn nhẹ nhàng:

– Lúc nãy Đỗ huynh quá lời! Chém được tướng giặc hay không cũng là nhờ cái khí của bề trên có vượng hay không. Thiên tử đem quân phiên trấn và dân binh từ Thanh Hoa ra, nhiều người vừa mới rời tay cày tay cuốc, mà lại thắng được quân Túc vệ sung mãn của bạo chúa, ấy không phải là mạnh thắng yếu mà bởi đại nghĩa thắng hung tàn, cái sáng thắng cái tối, vượng khí thắng u khí. Chúng tôi thắng được tướng giặc chính là nhờ vượng khí của thiên tử.

Đỗ Thao nhếch mép cười:

–  Nhân nói đến vượng khí, tôi trộm nghĩ vượng khí còn nhờ phúc ấm của tổ tông. Làng tôi có nhà ấy, đời cụ đánh dậm, đời ông đánh dậm, đến đời cha cũng lại đánh dậm, tưởng khốn khó chẳng thể ba đời, ai ngờ đến đời con vẫn lại đánh dậm, may sao tới đời cháu có khá hơn, được làm thằng mõ. Cóc cóc gõ mõ “chiềng làng chiềng xóm, trời hanh khô cẩn thận củi lửa đề phòng hoả hoạn!”, làm như không có hắn thì cháy cả làng!

Lê Toản và Đỗ Thao cùng cười. Mạc Đốc tái mặt. Biết anh sắp nổi cơn tam bành, Mạc Quyết ngồi cạnh liền đá khẽ một cái vào chân để ngăn lại nhưng không kịp:

– Dám hỏi, đời trước các cụ nhà huynh để cho con cháu phúc ấm thế nào? – Mạc Đốc hỏi Đỗ Thao.

– à, đã hỏi thì tôi chẳng giấu, có thế nào nói thế ấy. Mong các cụ linh thiêng đại xá. Cụ tổ bảy đời nhà tôi là Hoàng giáp Đỗ Mục. Nhưng sau cụ thì con cháu vất vả lận đận. Mãi đến đời ông của tôi mới qua được thi Hương. Sau, cha tôi nhờ gắng công dùi mài kinh sử nên được Đồng tiến sĩ xuất thân. Cứ hỏi cụ Đỗ Mục, cụ Đỗ Lộc, trấn này ai cũng biết. Còn tôi, nhờ phúc ấm của cha ông nên cũng gọi là bằng anh bằng em. Có thế tôi mới dám giúp việc quan Tổng trấn đây. Còn quan Tổng trấn thuộc hoàng tộc, khỏi phải nói nhiều, khắc hiểu.

Mạc Đốc nói:

– Dám hỏi, các quan anh có biết cụ Tiết Phu, Trạng nguyên đời Trần, người bên trấn Hải Dương là ai không?

Lê Toản bảo:

– Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ai mà chẳng biết, cụ còn là hậu duệ cụ Đình nguyên Mạc Hiển Tích đời Lý. Thời cụ Mạc Hiển Tích chưa định danh các giáp đại khoa nên gọi thế chứ cụ chính là Trạng nguyên. Thế như…

– Cụ Mạc Tiết Phu là tổ bảy đời anh em chúng tôi! Còn cụ Mạc Hiển Tích là tổ mười sáu đời.

Đỗ Thao ngẩn người ra rồi bỗng dưng rũ áo đứng dậy, ật cổ cười ha hả:

– Hôm nọ tôi có anh bạn đến chơi, cũng là đến tạm biệt vì mới được bổ làm quan tận Lạng Nguyên. Khi ra về tôi đọc một bài thơ, mời anh ấy hoạ lại, anh ấy chịu. Thực ra bài thơ ấy tôi làm đã lâu, thách hoạ đến chục người, chả ai hoạ được. Nay nhân có mấy vị hậu duệ quan Trạng Mạc Tiết Phu ở đây, tôi xin múa rìu qua mắt thợ, đọc nghe cho vui: “Âm dung tiếp hậu hội kỳ thâm/ Hậu hội kỳ thâm kính dĩ tâm/ Tâm dĩ kính tâm kỳ hội hậu/ Thâm kỳ hội hậu tiếp dung âm”. Nghĩa nôm na là: Sau cuộc gặp gỡ này sẽ còn nhiều lần nữa, lần gặp sau hẳn còn xa, niềm kính yêu vẫn nhớ trong lòng, lòng càng kính yêu hơn sau lời hứa hẹn, sau lời hứa hẹn chắc lại được họp mặt chuyện trò. Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây, thật duyên kỳ ngộ, bài thơ vừa đọc giá mà được dùng để tiễn anh em Đô chỉ huy sứ thì hợp hơn nhưng mà để thay cho lời cáo biệt của tôi cũng chẳng sao. Bây giờ xin phép tôi về!

Lê Toản nói:

– Đỗ huynh cũng từng mời tôi hoạ, tôi chịu. Câu sau nào cũng lặp lại mấy chữ của câu trước nhưng cả bài ý tứ lại thông thoát. Cái hay cái khó của bài thơ là ở đó.

Đăng Dung nói:

– Quan Tổng trấn là tiến sĩ còn chịu nữa là chúng tôi, hoạ sao được.

Nhưng Mạc Đốc vẫn quyết không chịu, Đỗ Thao đã bước một chân qua ngưỡng cửa còn bị Mạc Đốc túm tay kéo lại:

– Đỗ huynh khoan hẵng, sao vội thế. Tôi xin đọc hai câu sau đây thay cho lời thoái thác vì đã không hoạ được bài thơ huynh vừa đọc. Cả hai câu đều của cổ nhân, tôi chỉ mượn để đọc, chứ không dám mạo nhận là của mình vì sợ có người biết lại cười là đạo văn!  Câu thứ nhất là của chính Mạc Tiết Phu. Lần ấy, phụng mệnh đi sứ Bắc quốc, vì mưa nên bị chậm, đến cửa quan muộn, quan coi ải ra vế đối là “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quý khách quá quan”, bắt phải đối mới mở cửa cho vào. Hắn vừa ra đối khỏi miệng, quan Trạng đã đáp ngay: “Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (*).Câu này tôi thường dùng khi ai ra đối mà mình không đối lại được. Câu thứ hai là của cụ Trạng Lương Thế Vinh, do thầy đồ Trà Phương dạy anh em tôi, bảo nếu ai làm thơ thách hoạ mà mình không hoạ được thì đọc nó. Câu này đáp lại bài thơ của Đỗ huynh rất hợp. Câu ấy như sau: “Lái ngữ văn từ hiềm tự chuyết/ Bồi hồi nhĩ nhật tống quân thâm”(**). Nghĩa của nó không cần diễn giải, hai ông đã rõ, nhất là câu thứ hai Đỗ huynh càng rõ.

Mặt Đỗ Thao xạm lại, đi đứng hấp tấp thế nào mà vấp phải ngưỡng cửa tí ngã, ra đến cổng lại vấp cái nữa! Mạc Đốc phá lên cười khoái trá. Đăng Dung kín đáo lừ mắt nhìn em rồi nói với Lê Toản:

– Chúng tôi có gì không phải, mong quan Tổng trấn bỏ quá cho.

Đỗ Thao đi rồi, Mạc Đốc mới bảo Lê Toản:

– Quan Tổng trấn chắc biết bài thơ ông Phó trấn đọc lúc nãy là của ai chứ?

Lê Toản bảo:

– Đỗ Thao tính khí ngông nghênh mà lại đa ngôn đa sự. Bài thơ ấy đi đâu hắn cũng đọc để thách người ta hoạ, thực ra có phải thơ hắn ta đâu mà có từ 50 năm nay nhưng ít ai biết. Đấy là thơ Bình An đọc để từ biệt Lương Thế Vinh và cũng là thách Trạng Lường hoạ lại. Còn bài “Lái ngữ văn…” là của Lương Thế Vinh đáp lại Bình An vào chính hôm ấy. Tôi biết nhưng cứ kệ hắn, làm như không biết. Hôm nay hắn lại đem ra loè, không ngờ lại bị một vố điếng đời! Thật khâm phục chư đệ cũng biết bài thơ ấy.

Mạc Đốc bảo:

– Tôi đã nói là của thầy đồ Trà Phương dạy chúng tôi.

Dọc đường Mạc Đăng Dung trách Mạc Đốc:

– Chú hiếu thắng quá, tính khí ấy không có lợi.

– Em không chịu được cái đồ hủ nho coi thường anh em mình.

– May mà chỉ là Đỗ Thao. Phải người trong hoàng tộc như Lê Toản có khi phiền!

– Nhà Lê này giờ đây có ra gì, anh em còn giết nhau đến tàn tệ, còn cho nhau vào súng bắn tan xác, xưa nay chưa thấy bao giờ!

Đăng Dung nghiêm mặt:

_______________

(*): Nghĩa toàn bộ hai vế đối: Qua cửa quan chậm, quan coi cửa đóng cửa, mong khách đi qua cửa/ Ra vế đối trước thì dễ, nhưng đối lại mới khó, xin nhường tiên sinh đối trước.

(**) Dịch nghĩa: Văn chơi chữ tôi quả là dốt/ Lòng bồi hồi tiễn anh lên đường.

– Từ nay em không được nói năng như thế! Cần phải biết kiềm chế. Ngày trước đấu võ ở trấn để đi thi Đô lực sĩ nếu em không nóng vội thì đã chẳng bị thương, bây giờ đã không chỉ là anh hộ vệ. Đã vậy, khi giận thì tím tái mặt mày. Em xem, Lưu Bị nóng giận, vui buồn không lộ ra nét mặt, người như thế mới khéo. Còn như Nguyễn Tịch đời Tấn khi tiếp khách, vừa ý với ai thì con mắt bèn xanh, ghét ai con mắt lộ toàn lòng trắng, phỏng có hay gì. Thầy đồ Trà Phương dạy anh em ta: Người đời mượn chuyện “mắt xanh” là cốt ước lệ chứ đâu phải khen Nguyễn Tịch! Lại nữa, vua nước Tống thời Chiến Quốc cậy khoẻ đi so tài cử đỉnh với kẻ bày tôi của mình, bị đỉnh rơi gãy chân mà chết. Xét xem, phỏng hay ho gì! Em nên lấy các chuyện đó mà răn mình. Lúc này lại đang rối ren, nay bãi bể mai nương dâu khó lường, nên giữ mình chờ thời thì hơn. Đến như chúa sơn lâm cũng có lúc phải co hết móng vuốt thu mình trong bụi rậm nữa là.

Mạc Đốc nín lặng, nhớ tới hôm Thái sư Lê Quảng Độ đến chơi trước khi anh em họ đi Sơn Nam. Quảng Độ bảo: “Quan lại gần đây tệ quá, quốc nạn từ thời vua trước nay gần như thành lệ. Quan huyện nộp 1000 quan được thăng một bậc, nộp 2000 quan thăng liền hai bậc! Anh em Đô chỉ huy sứ về Sơn Nam tiếng thì đứng sau quan Tổng trấn, nhưng thực ra anh hùng nhất khoảnh vì binh quyền nắm hết trong tay. Thời buổi này vậy là đáng kể lắm! Chính tôi tiến cử ông với Hoàng thượng. Anh hùng xin chớ quên anh hùng đâu đấy!”. Khi ấy Đăng Dung đáp: “Tôi làm gì thì làm cũng luôn luôn nhớ, bên trên có quan Tổng trấn, trên nữa có các vị Quốc công, cửu trùng thì đức Hoàng thượng.”.  Quảng Độ gật gù ra chiều ngẫm nghĩ nhưng không bảo sao. Hắn đi rồi, anh em Đăng Dung ngồi bàn chuyện mãi, không hiểu Quảng Độ nói vậy có ý gì, răn đe, vòi vĩnh, hay dò xét? Mạc Đốc nổi nóng. Mạc Quyết trầm ngâm. Nhưng rồi cả Mạc Đốc lẫn Mạc Quyết đều thừa nhận Đăng Dung trả lời khéo, khiến Quảng Độ cũng không hiểu ý tứ ra sao.

Nhưng nếu chỉ những chuyện tương tự như chuyện Quảng Độ cũng không đáng ngại, đằng này, thế sự đang rối như tơ vò, đặt người ta vào sự sống, cái chết. Việc đám ngoại thích cũ của Uy Mục đế không chịu yên, cả hai xứ Đông Ngàn và Thuỷ Đường đều chống đối là điều vẫn biết; việc đồng đảng của Trần Tuân vẫn không thôi kháng cự là điều đã dự đoán trước; nhưng việc mới đây quân vệ Vũ Lâm của Thân Duy Nhạc tiếp sức cho đám Đông Ngàn là điều không ngờ vì Duy Nhạc vốn là người yên phận. Quân Đông Ngàn và Vũ Lâm đánh xuống tận Gia Lâm khiến triều đình phải cho dỡ cầu phao sông Cái để cản bước chúng. Các hoàng thân quốc thích, các quan đại thần, Tổng trấn các xứ ngoài mặt thì tuân phục trong bụng dường như người nào cũng có những toan tính riêng. Người ta sống với nhau cứ phải đề phòng nhau. Nên bụng để ngoài da, thẳng ruột ngựa như Mạc Đốc lúc này là điều nguy hiểm.

Một hôm vòi rồng hiện lên ở phía biển, cứ thế lừng lững lan vào đất liền, lúc đầu thì trắng sau

rồi đen, bao nhiêu nhà cửa mỏng mảnh đều bị bốc lên, cuốn đi. Dân chúng chưa hết hoảng loạn thì một cơn mưa như trút nước đổ xuống, không chỉ nước mưa mà cả bùn đất và cơ man nào là cá, chó mèo, rơm rạ, nhiều nhất là cá. Hình như tất cả những gì vòi rồng cuốn lên dọc đường trước đó đều trút xuống. Mưa tạnh, trời trong trở lại cũng là lúc sân sướng đường sá cả một vùng nhầy nhụa và nhung nhúc cá mú, trong khi đó rất nhiều hồ ao lại bị hút cạn trơ đáy.

Người lớn thắp hương xì xụp khấn vái, trẻ con hò nhau ra đường bắt cá. Những con vật nhem nhuốc con thì chạy, con thì kêu, con thoi thóp chết ngáp trong bùn đất nhớp nháp.

Lê Toản và Đỗ Thao chắp tay sau lưng từ cửa phủ đăm chiêu nhìn ra.

– Điềm gở rồi đây!- Đỗ Thao bảo – Không lập đàn tế cúng tử tế thì khó mà sống nổi.

– Lập đàn thế nào?

– Rồi tôi sẽ nói. Nhưng trước hết phải biết vì đâu mà mưa xuống đa phần là cá mà hầu hết là cá biển.

– Thì vòi rồng từ biển vào.

– Bề ngoài thì thế bên trong lại khác. Căn nguyên là bởi “hải nhập địa táng”, biển vào đất liền, đất thành mồ mả. Tất có kẻ nào là dân thuyền chài làm hại.

– Anh em nhà Mạc Đăng Dung hay sao?

– Tôi không biết! Trước hết phải lập đàn chay, dâng toàn bánh trái, cúng tế ba ngày, trai tân gái tơ 72 người đêm ngày thay nhau túc trực bên đàn, mỗi đợt 36 người. Cờ tua rua ngũ sắc đủ 36 chiếc. Ông đồng bà cốt không được thiếu. Nếu sau ba ngày mà có mưa lớn rửa sạch bùn nhơ thì được, không thì lại ba ngày nữa, cứ thế đủ ba lần sáu là 18 ngày mà vẫn không mưa là phải tính cách khác.

– Cách khác là thế nào?

– Chưa thể biết trước được.

Lê Toản lo lắng đến bần thần. Đỗ Thao đa ngôn đa sự nhưng nhiều điều đáng tin. Lê Toản từng chứng kiến tài chiêm tinh của hắn. Một lần hắn ngắm trời sao rồi bảo: “Sao Ngưu phạm vào vị trí sao Tất, nước nhà sắp có tang”, hai hôm sau nghe tin vua Túc Tông mất. Một lần khác hắn nói: “Đẩu tinh không được sáng, mà Hoả tinh thì lại quá đỏ, phen này lành ít dữ nhiều, ắt binh đao tang tóc”. Y như rằng ít lâu sau xảy ra chuyện Giản Tu công với Mẫn Lệ công rồi cái hoạ Trần Tuân và từ đó đến nay cái nạn giặc giã, binh đao khôn nguôi.

Lê Toản giao cho Đỗ Thao lo mọi việc. Lính tráng xẻ gỗ dựng đàn, các phủ huyện lo gạo thóc, lo chọn trai tân gái tơ. Cả trấn tất tả xuôi ngược, lại đang lúc mùa màng bận rộn nên không tránh khỏi những lời kêu ca oán thán. Mạc Đăng Dung phàn nàn với Lê Toản rồi lại chất vấn Đỗ Thao nhưng không xong, binh lính vẫn phải hạ đến năm cây gạo, xẻ ra thành làm gỗ dựng đàn, công việc không vất vả lắm nhưng trái với nghĩa vụ.

Đàn cao bảy tầm người nên gọi là đàn thất tinh. 18 đôi trai gái xếp hàng hai bên, người nào người ấy cờ quạt. Đỗ Thao trang nghiêm mặc áo tế đi trước, 18 đôi trai gái khác bưng lễ vật theo sau cùng hắn lên đàn. Đỗ Thao vung gươm, rảy nước, chắp tay thành kính tụng niệm. Cứ thế khoảng nửa giờ thì hắn xuống đàn, nhường việc cho đồng cốt múa may.

Dân chúng nhiều người vui lòng bỏ việc đồng áng đến chầu quanh đàn. Ông già bà cả nghiêm trang, thành kính. Trai gái được dịp cọ xát nhau, liếc mắt đưa tình lem lém. Trẻ con vui thú chạy nhảy hò hét. Nhưng chỉ được một chốc một nhát vào lúc sáng sớm. Trời càng về trưa càng nắng như đổ lửa. Đỗ Thao và đồng cốt còn được nghỉ chứ đám trai tân gái tơ hầu đàn cứ phải thay nhau suốt ngày suốt đêm nên dần dà mệt mỏi, vừa đứng vừa ngáp, đến hôm thứ ba tưởng chừng sắp rũ ra cả.

Suốt ba ngày vẫn không thấy mưa!

Ba ngày tiếp theo vẫn không thấy mưa! 36 cô hầu đàn đã mấy cô say nắng.

Ai không chịu được nắng thì giao việc về đêm mát mẻ. Lại mấy cô bị gió máy nên cảm lạnh. Đỗ Thao nổi cáu: “Nông dân nông diếc cái chó gì mà cứ như tiểu thư cái giá cắn làm đôi kiêng nắng sợ gió không bằng!”. Có người bảo Thao: “Thế đấy, đi làm đồng, trên mưa dưới nắng chẳng sao vì có lúc người ta còn được vào chỗ rợp, còn được cử động chân tay, được chuyện trò rôm rả, đây thì đứng như phải tội, ai mà chịu được!”.

Dân chúng dần dần vãn vì việc gặt hái còn chưa xong, vì thất vọnh, chán nản.

Sang ngày thứ bảy vẫn không mưa. Lê Toản bảo Đỗ Thao:

– Kiểu này phải tính cách khác thôi.

– Ông chưa nóng nước đã đỏ gọng, đã đủ 18 ngày đâu!

–  Cứ tính cách khác đi.

– Được, tôi sẽ nói, nhưng liệu có làm được không. “Hải nhập địa táng” chính tại đám dân thuyền chài chứ còn gì nữa. Anh em Đăng Dung phải đi nơi khác mới xong. Không phải tôi tức tối gì anh em họ mà việc phải thế.

– Tôi với ông coi việc dân chính, anh em họ coi việc quân nhung, tiếng là họ đưới quyền nhưng thực ra mỗi người một việc, họ lại do triều đình bổ về.

– Thiếu gì cách để triều đình thuyên chuyển họ đi nơi khác. Cốt sao dân chúng được yên, mùa màng hoà thuận. Tổng trấn cứ để tôi lo việc này.

Sang ngày thứ mười vẫn không mưa, trời lúc nào cũng trong veo, cả ngày không một gợn mây, nắng thì gắt. Đám gái tơ gần như không một ai chịu nổi, cánh trai tân cũng sắp kiệt sức. Lê Toản phải tìm gấp mấy chục cô gái khác để thay, trai thì bắt lính thế chân. Đám đồng cốt cũng tỏ ra mệt mỏi nên múa hát qua loa rồi kiếm cớ thoái thác. Đỗ Thao mỗi sáng chỉ lên đàn một lúc, lại vào lúc sáng tinh mơ nên như vẫn còn sức. Cứ thế hết 18 ngày, vẫn không mưa.

Dân chúng người kêu, người trách, trách cả Lê Toản, Đỗ Thao lẫn Đăng Dung, không từ một ai.

Đúng lúc ấy Thái sư Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ tuần du Sơn Nam. Lúc nghị sự, Quảng Độ hỏi chuyện vòi rồng ra sao, chuyện lập đàn cúng tế là thế nào mà để dân ta thán? Câu “hải nhập địa táng” nghĩa là sao? Lại có người nói từ khi Đăng Dung về đây đất trời mới dở chứng.

Đỗ Thao nói:

– Thưa Quốc công, đúng là trước kia Sơn Nam chẳng có chuyện gì, từ khi quan Binh trấn về đây mới thấy vòi rồng, thế chả phải lòng giời không thuận sao? Lập đàn cúng tế là vì vậy. Câu “hải nhập địa táng” khắp trấn đâu đâu cũng thấy nói đến cũng chả ứng với việc quan Binh trấn về đây thì là gì ?

Mạc Đốc trừng mắt nhìn Đỗ Thao. Đăng Dung mỉm cười:

– Thưa Quốc công, tôi thường nghe: Nhân, nghĩa, trung, tín là bốn điều thánh nhân thường làm luôn; quái, lực, loạn, thần là bốn điều thánh nhân không nói tới. Tôi bốn điều thánh nhân thường nói không phạm điều gì. Còn làm việc quái đản, dùng bạo lực bắt dân chúng phải bỏ công việc mùa màng, chợ búa, phải góp tiền góp gạo, bắt nam thanh nữ tú ra đày nắng khiến nhiều người ốm đâu, oán thán, gây mầm loạn rõ ràng, rồi mượn chuyện quỷ thần làm điều vô lối, tất cả điều ấy là lành hay dữ, so sánh với vòi rồng cuốn đi mấy mái nhà, bốc đi mấy con cá, hút mất mấy ao nước cái nào hại hơn? Mà sao lại đồng nhất chuyện thiên tai với việc người gây ra?

Lê Quảng Độ bảo:

– Thiên tai là chuyện của giời, liên hệ mà bảo đấy là điềm này điềm nọ, ứng với người, nghe có vẻ khiên cưỡng. Nhưng từ xưa đến nay đã nhiều chuyện tương tự xảy ra nghiệm thấy đúng nên không cần phải lý giải, mà lý giải sao nổi thiên cơ bí ẩn, chỉ biết là như thế, vậy thôi.

Mạc Đốc nói:

– Thưa Quốc công, hiện nay bốn phương loạn lạc, may mà trấn Sơn Nam được yên ổn, giữ cho cái yết hầu của đất nước không sao. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ cứ mượn chuyện thiên tai mà làm những việc quái đản như lập đàn vừa rồi thì chẳng sớm thì chầy đất này cũng không còn là nơi yên ổn được mãi.

Lê Quảng Độ đập bàn quát:

– Đây là chốn công đường, ai cho phép ngươi nói năng càn rỡ như thế?

Mạc Đăng Dung nhẹ nhàng:

– Bảo là càn rỡ thì là càn rỡ, bảo là lời nói thẳng thì là lời nói thẳng. Tôi thiết nghĩ kẻ lấy quái đản lừa nhau, lấy quỷ thần doạ nhau, lấy mưu mô để hại nhau, mua quan bán tước để cầu lợi, kẻ ấy mới đáng gọi là càn rỡ. Tôi có bằng chứng rằng Phó Tổng trấn đây ngày trước có phải thích tự do phóng túng mà cáo quan về ở ẩn đâu mà vì tội hối lộ nên bị bãi bãi chức, ai đưa 70 hộc thóc thì chạy cho hàm tòng cửu phẩm, 200 hộc hàm chánh thất phẩm. Vừa rồi việc lập đàn cúng tế cũng vậy. Lúc đầu thì không, sau thấy người ta sợ bị đày nắng, mới bày trò hối lộ: Ai nộp 5 quan thì cho về, ai nộp 10 quan thì cho miễn không phải cầm cờ hầu đàn. Thử tính xem, 72 người, 18 ngày, số tiền gom góp đâu có nhỏ. Xin Quốc công minh xét.

Đỗ Thao toát hết mồ hôi. Lê Quảng Độ lái sang chuyện khác:

– Nay giặc Cảo đánh kinh đô đã rất rát. Chúng đem binh từ Tiên Du, Quế Dương, Gia Lâm đánh thẳng vào bến Bồ Đề, quân của Hoằng Dụ đang rất khốn đốn. Nhà vua phải thân chinh để động viên binh sĩ, sai Lại Thúc Mậu qua sông đóng ở Gia Hạ. Cảo chạy lên Trâu Sơn, không ngờ đó là quỷ kế, Phùng Trấn, Trịnh Khổng Chiêu, Trịnh Ngạc đuổi theo giặc bị phục binh của chúng giết hết. Nay triều đình sai Hùng Quốc công Lê Nghĩa Chiêu đi Sơn Tây gọi Thiết Sơn bá Trần Chân về cứu, còn tôi đến đây là để dẹp đường cho vua dời về Tây Đô. Vậy nên các ông chuẩn bị. Tôi phải trở lại kinh đo ngay giờ, không thể ngồi với các ông được lâu.

Từ đấy giữa Lê Toản, Đỗ Thao với anh em Mạc Đăng Dung không thể hoà hoãn được.

Lê Quảng Độ về kinh được ít lâu thì xa giá nhà vua qua đất Sơn Nam để vào Tây Đô. Quan Hiệu uý là Vũ Hộ do theo đoàn xa giá mà gặp lại anh em Mạc Đăng Dung. Thấy vậy, Vũ Hộ xin với triều đình cho ở lại Sơn Nam. Nhà vua thuận cho, Vũ Hộ trở thành thuộc tướng của Mạc Đăng Dung từ đó. Cứ không bận việc quân ba anh em Đăng Dung lại cùng Vũ Hộ đàm đạo rất tâm đầu ý hợp. Vũ Hộ cho rằng “thực túc binh cường”, quân không được ăn no lấy đâu mà mạnh được, vậy nên tăng cường cho quân lính làm ruộng vì quanh Sơn Nam còn nhiều chỗ đất tốt mà lại để hoang do không có người khai khẩn. Vũ Hộ lại bảo trong chiến trận không gì bằng đánh vào lòng người, Trương Lương chỉ đêm đêm thổi tiêu mà quân Hạng Vũ không còn bụng dạ nào cầm gươm giáo nữa là vì vây; ngày trước Trần Tuân còn bây giờ là Trần Cảo đều từ tay không mà làm triều đình phải khốn đốn, ngoài việc triều đình suy thoái, còn do chúng được lòng người, do đó phải yêu dân thương lính để khi cần hô một tiếng cả ngàn vạn người đồng thanh theo mình… Nhưng bàn đi bàn lại cả hai đều thấy Lê Toản và Đỗ Thao chính là những kẻ cản trở mọi ý đồ.

Thân sinh anh em Mạc Đăng Dung là Mạc Hịch mất từ năm Hồng Thuận thứ 7 (1415), thấm thoát đã đến kỳ đoạn tang. Hồi đó ở Cổ Trai có một bãi cỏ tên là Sao Sa. Có lẽ bởi đêm đến sương trên đám cỏ phản chiếu ánh trăng ánh sao mà lấp lánh nên bãi có tên như vậy. Giữa bãi có một cái giếng cạn. Mạc Đăng Dung nói với các em: “Chỗ này phong quang, nhìn ra biển, phía xa là dãy núi Đồ Sơn, ta đưa cha về đây cho mát mẻ. Lại sẵn có cái giếng cạn, không phải đào”. Ba tháng sau mối đùn lên nên mộ bỗng chốc biến thành một cái gò lớn. Lúc bấy giờ anh em Đăng Dung đang ở xa không biết nhưng ở nhà thấy thế, ai cũng lo lắng. Một hôm có ông lão râu tóc bạc phơ không hiểu người đâu tìm đến nhà, nói với bà Hịch: “Chồng bà được táng chỗ cái giếng cạn ở bãi Sao Sa phải không? Chọn được chỗ đất tốt như thế thì chỉ có trời mách bảo! Nghe nói có bốn câu kệ nói về chỗ ấy như sau: “Trong giếng cạn này/ Có huyệt rất tốt/ Phát quí tám đời/ Chưa ai được sốt”. Bây giờ chỗ mộ lại biến thành gò nữa. Tốt quá! Lấy núi Đồ Sơn làm án, lấy đáy bể làm minh đường, thật là vững chắc nhá. Nhưng sau này vẫn cần phải đắp một cái gò nữa để trấn phương Bắc thì mới thật sự yên tâm.”. Bà Hịch hỏi tại sao, đắp cái gò ấy ở chỗ nào, bao giờ thì đắp; ông này chỉ bảo: “Yên tâm, tất sẽ đâu vào đấy” và nhất định không nói gì thêm rồi đi mất. Sau này khi lăng được xây, người trong vùng gọi chỗ đất ấy là Mả Lăng, cái tên Sao Sa từ đó bị quên dần. Khu Mả Lăng về sau cây cối tự nhiên mọc lên xanh tốt, chim chóc kéo đến, ai cũng lấy làm lạ.

L.V.K

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder