Mạc Đăng Dung – tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê – Kì 14

Nay Khắc Xương nhắc lại chuyện cũ làm Công Vụ không khỏi bật cười khi nhớ lại những trò dơi chuột của mình. Nhưng Khắc Xương bàn việc trừ diệt Trần Cảo để lập công thì Công Vụ nghe ngay…(Tiếp kì 14)

Nay Khắc Xương nhắc lại chuyện cũ làm Công Vụ không khỏi bật cười khi nhớ lại những trò dơi chuột của mình. Nhưng Khắc Xương bàn việc trừ diệt Trần Cảo để lập công thì Công Vụ nghe ngay. (Tiếp kì 14)

12

Trần Cảo người trang Dưỡng Chân, huyện Thuỷ Đường, sức khoẻ hơn người, thuở hàn vi sống bằng nghề đi rừng, ngày ngày lên núi hạ cây bán cho người ta. Một lần con trâu kéo gỗ bị sa xuống hố, Cảo thay trâu xoay vần thế nào mà tự mình đem được cả cây gỗ lim lớn xuống núi, từ đó tiếng đồn về sức khoẻ của Cảo lan khắp nơi. Có người khuyên Cảo đi thi tuyển Đô lực sĩ, có khi trúng Trạng nguyên võ, Cảo nói: “Ta một là làm vua để mọi người bám theo ta, hai hoặc là làm thợ sơn tràng bám theo đít trâu; quyết không vác dù vác kích đánh xe ngựa hầu ai!”. Lớn lên Cảo làm chức giám tại điện Thuần Mỹ ở kinh đô. Chức ấy có nhiều người và làm đủ mọi việc lặt vặt, riêng Cảo thì là “Xã đường thiêu hương quan”, chuyên việc thắp hương, đốt vàng mã.

Lúc ấy ở chợ Rãng thuộc Dưỡng Động bỗng xuất hiện một người lôi thôi rách rưới như ăn mày nhưng không xin xỏ ai bao giờ, y không cần ăn chỉ uống nước lã mà vẫn sống, lang thang hết chỗ này đến chỗ khác lảm nhảm nói những điều chẳng ai hiểu: “Trời vàng sắp tắt, trời đen hiện lên”, “Phương Đông có khí thiên tử”, “Ông đầu trọc Đế Thích giáng sinh ứng với điềm giời”, “Quỳnh Lâm sinh vương, Thuỷ Đường sinh thánh”. Khoảng một tuần thì không thấy dị nhân đó đâu nữa…

Cũng trong thời gian này Trần Cảo chán cái chức thiêu hương, bỏ về quê. Được ít tháng thì vùng Đông Triều, Thuỷ Đường bỗng xảy ra động đất, núi nứt toác ra lở xuống làm đổ nhà đổ cửa, chết rất nhiều người, những người may mắn sống sót thì không còn nhà cửa, tiền bạc, kéo nhau đi ăn xin đầy đường. Trần Cảo thấy vậy bèn đem thóc gạo trong nhà ra phát cho dân nên nhiều người mang ơn và rất cảm phục. Thấy nhiều người theo mình, dựa vào chuyện động đất và lựa theo lời của dị nhân, Cảo bèn lên chùa Quỳnh Lâm cạo trọc đầu, mặc áo đen vừa xưng là Đế Thích giáng sinh, vừa nhận mình là cháu năm đời của vua Trần Thái Tông và là ngoại thích của Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Cảo còn tung ra câu ca: “Đất trời chuyển rung, Đông A phục quốc” để thu phục lòng người. Các vị sư sãi và Phật tử ai cũng biết Đế Thích là vị chúa tể trên thiên đường nhưng dân gian lại chỉ biết ông này giỏi về môn đánh cờ, nên Cảo tìm một người chơi cờ cực giỏi tên là Đình Tá, đối đãi cực hậu để mình đi đâu người này theo đi đến đấy, vác lọng hầu mình chơi cờ. Cảo toàn chơi cờ ngoài nắng, trên lọng dùi một lỗ nhỏ cho ánh nắng đi qua và in một chấm nhỏ trên bàn cờ, cứ cái chấm ấy in vào đâu Cảo lại đi quân cờ đến đấy nên đánh ván nào cũng thắng. Vậy là từ các Phật tử đến bàn dân thiên hạ ai cũng tin Cảo là Đế Thích giáng sinh. Cả một vùng dọc hai bờ sông Bạch Đằng, tả ngạn thì Đông Triều, hữu ngạn thì Thuỷ Đường đều theo Cảo. Sau Đình Tá trở thành tướng của Cảo.

Dưới trướng Trần Cảo có con trai là Trần Thăng và Phan ất, Công Uẩn, Công Chinh, Đình Ngạn, Đình Nghệ, Đình Bảo, Đình Tá, Đoàn Bố, Thọ Sơn. Từ quân đến tướng ai cũng cạo trọc đầu xưng là quân nhà Phật. Phan ất còn có tên là Đồng Lợi, người Chiêm Thành, vốn là gia nô của Trịnh Duy Đại; thấy Phan ất to lớn, khoẻ mạnh, vợ lẽ của Duy Đại rất thích liền thông dam với y, chuyện vỡ lở, ất phải bỏ trốn. ất đã to lớn, da dẻ lại đen xạm nên được gọi là Hắc Tượng tướng quân, nổi tiếng dũng mãnh và có tài đi bộ cả ngày giời không biết mệt. Công Uẩn, sư chùa Quỳnh Lâm, chính là người bày cho Trần Cảo lên chùa, cạo trọc đầu, mặc áo đen. Uẩn nói: “Tướng quân họ Trần. Chùa Quỳnh Lâm khởi tạo từ đời Lý, sau lại được vua Trần Anh Tông chọn làm thiền viện cho Pháp Loa thiền sư ngồi giảng kinh, làm vang danh cho thiền phái Trúc Lâm. Tướng quân muốn thành tướng nhà Phật như các vị La hán để cứu nhân độ thế thì chỉ có đến đấy mà thôi. Khi rỗi thì du ngoạn phong cảnh vì chùa chính là “thiên Nam đệ nhất danh lam”, lại có pho tượng là một trong tứ đại khí của nước ta, mà từ đây muốn tới chùa Vân Yên hay Báo Ân cũng gần…”. Theo Trần Cảo nổi loạn, Công Uẩn vẫn mặc áo cà sa, đeo tràng hạt và xưng là Hoà thượng…

Cù Khắc Xương lúc đó đang giữ vệ Thiên Bồng phong thanh biết chuyện liền bàn với Trần Công Vụ:

– Chúng ta xuất thân còn cao hơn Đăng Dung, sau mười năm bây giờ Đăng Dung đã là Phó tướng Tả đô đốc trấn thủ cả xứ Sơn Nam trong khi đó chúng ta cứ lẹt đẹt lận đận mãi. Chưa kể cái tội từ thời vua cũ, nếu vua Quang Thiệu hỏi đến cũng không tránh khỏi rắc rối. Nay Trần Cảo mua chuộc nhân tâm mưu toan phản nghịch là cơ hội để chúng ta lập công, ông thấy thế nào?

Khắc Xương nhắc lại chuyện từ thời vua cũ làm Công Vụ đang uống nước cũng phải phì cười. Năm ấy Cù Khắc Xương đang làm Đô chỉ huy sứ Hải Dương, Công Vụ là Phó Đô chỉ huy sứ. ở trấn có làng không hiểu tại sao đàn bà mấy chục người lấy chồng mà mãi chẳng có con, chuyện xôn xao đến cả huyện cả trấn. Một hôm Công Vụ dẫn tới ba thầy cúng thầy thuốc là Đỗ Thao, Tử Ký và Văn Vận. Sau vụ lập đàn cầu mưa ở Sơn Nam, Đỗ Thao bị triều đình thải hồi, Lê Toản bị điều đi nơi khác, Lê Quảng Độ có ý bao che cũng không được. Mạc Đăng Dung trở thành Tổng trấn Sơn Nam. Từ đó Đỗ Thao xưng là Tản Nhân cư sĩ, bỏ nhà cửa vợ con đi khắp nơi, gặp được Tử Ký và Văn Vận, nhanh chóng  trở thành bộ ba tâm đầu ý hợp, lang thang đây đó, gặp chỗ nào có thể loè người được thì giở ba tấc lưỡi và mọi thủ thuật để lừa người ta. Thấy ở Hải Dương có làng đàn bà không có con, họ tới xem thế đất, thắp hương bấm quẻ rồi bảo là tại ma quỷ, phải xây đền thờ và mời thầy cúng, đồng cốt đến trừ tà ma. Khắc Xương và Công Vụ nghe theo, bèn thu tiền bạc, thóc lúa, gà rượu của dân chúng rồi rêu rao đàn bà ai không có con đến để Tử Ký, Văn Vận và Đỗ Thao chạy chữa. Mấy người mạnh dạn đến chữa, về chỉ một tháng sau đều có thai, nghe tin, đám đàn bà lâu có con lũ lượt kéo đến, không những làng nọ mà nhiều người tận Thăng Long, Kinh Bắc, Sơn Tây, thậm chí tận Thanh Hoa, Nghệ An cũng tìm đến. Lúc đầu chỉ Tử Ký, Văn Vận, Đỗ Thao đứng ra chữa, sau Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ học được cách cũng bỏ cả việc quân nhận chữa. Ai đến chữa cũng mang theo chín bọc cơm, cúng bái rồi thì thầy thuốc và con bệnh chia nhau ăn hết  ăn hết cơm, con bệnh được đưa vào buồng kín, ở đấy thầy thuốc đốt lá bọc cơm làm thuốc cho con bệnh uống. Một lúc sau con bệnh ra về, sau đó nhiều người thụ thai. Tất nhiên cũng có người không thể thụ thai nhưng chẳng ai phàn nàn bởi thuốc chữa có thể hiệu nghiệm với người này mà không với người khác, đó là điều bình thường, hơn nữa không phải ai đến bọn họ đều nhận chữa cả, có người họ bắt mạch rồi từ chối!

Nhưng rồi chuyện vỡ lở. Có một người đến chữa ở Trần Công Vụ tố cáo rằng y cho chị ta uống nước hoà tro lá bọc cơm, uống vào tắc cổ không kêu không nói gì được mà người bỗng ham muốn rừng rực, thế là Công Vụ mặc sức giở trò. Chả trách mười người đến chữa thì bảy người thụ thai và cũng chả trách tại sao người ta lại đồn rằng Khắc Xương và Công Vụ chữa còn hay hơn cả Tử Ký, Văn Vận, Đỗ Thao, chẳng qua bởi Xương và Vụ là tướng võ nên khoẻ hơn, một ngày đêm có thể “chữa” được dăm người còn ba gã kia cố lắm ngày cũng chỉ được ba người rồi bở hơi tai! Bây giờ mới biết tại sao đám đàn bà con gái khi từ buồng bệnh đi ra mặt mũi ai cũng có vẻ khác thường, người như là xấu hổ, người lại như thể vừa được ăn một bữa ngon, nhưng hỏi thầy thợ chữa thế nào thì chẳng một ai hé răng! Và cũng bây giờ mới biết tại sao năm gã thầy lang thầy cúng khốn nạn ấy chỉ nhận chữa cho những ai trông được mắt chứ hạng đui què mẻ sứt thì chúng giả cách bắt mạch qua loa rồi từ chối thẳng cánh ngay từ đầu. Đúng là có cháy nhà mới ra mặt chuột.

Từ chuyện nọ sang chuyện kia, những người chồng khốn khổ mới thú nhận với vợ rằng hồi bé bị bệnh quai bị, không hiểu lây từ ai và lây cho ai mà trẻ con cả làng mắc bệnh, người ta bảo ai quai bị thì vô sinh!

Vỡ lở ra, người nhẫn nhục, người ngậm đắng nuốt cay nhưng cũng có người không chịu nổi, gia đình sinh ra lục đục, tan nát. Bọn Khắc Xương bị kiện lên tận triều đình, Đỗ Thao phải chạy đến nhờ cậy Lê Toản là người trong hoàng tộc, cả bọn mới thoát tội.

Nay Khắc Xương nhắc lại chuyện cũ làm Công Vụ không khỏi bật cười khi nhớ lại những trò dơi chuột của mình. Nhưng Khắc Xương bàn việc trừ diệt Trần Cảo để lập công thì Công Vụ nghe ngay.

Khắc Xương và Công Vụ chia làm hai đường kéo tới Đông Triều. Chưa đánh, quân Trần Cảo đã tan tác chạy hết vào rừng. Lúc ấy cũng đã chiều, Khắc Xương cho hạ trại để quân sĩ nghỉ ngơi, định sáng ra sẽ đốt rừng buộc bọn phiến loạn phải ra đầu hàng.  Không ngờ đang đêm quân Trần Cảo từ trong núi kéo ra, không biết đông bao nhiêu mà cả dãy Đông Triều tiếng hò hét vang động như trời long đất lở, tên cuộn bùi nhùi lửa bắn như châu chấu vào lều trại. Trong chốc lát cả một vùng lửa cháy ngút trời, quân triều đình quẳng gươm giáo đeo cả lửa trên lưng trên đầu mà chạy. Quân Trần Cảo thừa thế truy kích, đến sáng thì đuổi tới Chí Linh. Quân Khắc Xương, Công Vụ  qua được sông Kinh Thầy bấy giờ quân của Cảo mới chịu dừng.

Trần Cảo đứng trên đê nhìn quân khởi nghĩa, nói lớn: “Nhà Lê đã đến ngày  tận số, vua thì vua quỷ vua lợn, anh em giết hại lẫn nhau, quan lại ô trọc, thuế khoá nặng nề, dân chúng lầm than khiến trời đất cũng tức giận mà núi rung đất lở. Sấm truyền “Đông A phục quốc”, nay đã đến lúc nhà Trần trở lại. Ta là Đế Thích giáng sinh, cháu năm đời của vua Trần Thái Tông, vậy nên xưng là Thiên ứng cho ứng với điềm trời. Tất cả hãy theo ta, ai có gươm có giáo thì dùng gươm giáo, ai không có thì nhổ răng bừa làm giáo lấy dao đi rừng làm gươm lấy đòn gánh đòn càn làm binh khí, cha gọi thêm con, anh gọi thêm em, vợ khuyên chồng, dọc đường gọi thêm bè bạn, dân chúng, thẳng tới Đông Kinh diệt hết bọn vua quan ô lại rồi vui cùng vui, phúc cùng hưởng. Từ đây qua sông là thẳng tới Nhĩ Hà, bên kia đã là Đông Kinh, anh em hãy tiến về Đông Kinh!”.

Nghĩa quân hò reo như sấm, vào rừng chặt bương làm bè vượt sông, lên bờ đội theo bè lấy nó để đỡ tên nỏ, rầm rập đổ về Gia Lâm. Dọc đường dân chúng nô nức đi theo,  khi tới bờ Bắc sông Hồng quân đã đông tới hàng vạn, một vùng Hải Dương rạp xuống như cỏ gặp gió không thể nào chống cự nổi. Sự việc xảy ra vào tháng Ba năm Hồng Thuận thứ 8 (1516).

Sang tháng Tư, Trần Cảo đem quân ở Tiên Du, Quế Dương, Gia Lâm trấn Kinh Bắc đánh vào bến Bồ Đề. Nhà vua sai Lại Thúc Mậu đem quân qua sông. Thúc Mậu thắng được trận đầu, đến trận sau thua to, ba tướng là Phùng Trấn, Trịnh Khổng Chiêu, Trịnh Ngạc kẻ chết trận kẻ bị Cảo bắt giết. Thúc Mậu phải vứt hết mũ áo giả làm thường dân mới thoát chết.

Đó cũng chính là lúc Trịnh Duy Sản làm phản giết Tương Dực và Nguyễn Hoằng Dụ phóng hoả đốt phá kinh thành. Vua Chiêu Tông vừa được Duy Sản dựng lên ngôi đã vội tất tả dời về Tây Kinh, để Lê Quảng Độ thống lĩnh quân đội ở lại cùng với Trịnh Duy Sản và Nguyễn Hoằng Dụ giữ kinh thành. Trần Cảo sang sông, quân triều đình không chống nổi. Duy Sản chạy lên Sơn Tây cầu cứu con nuôi là Trần Chân. Hoằng Dụ xuôi thuyền theo sông Hồng chạy xuống Thiên Trường, Lý Nhân. Lê Quảng Độ, bị vây bốn mặt, thấy thân cô thế cô bèn xin hàng Trần Cảo.

Quân Trần Cảo chiếm được kinh thành, thừa thắng tiến xuống phía Nam thì bị Phó tướng Tả Đô đốc Tổng trấn Sơn Nam là Mạc Đăng Dung chặn lại ở gần Kim Bảng. Thấy địa thế bất lợi, một bên là sông, một bên là cánh đồng ngập nước, quân Đăng Dung lại sẵn sàng chiến đấu, Cảo cho lui quân, để Đình Ngạn, Đình Nghệ, Đình Bảo, Đình Tá ở lại chia nhau đóng quân làm bốn trại ở Cổ Lãm, Tốt Động, Chúc Động, Ninh Kiều, giữ mặt Nam rồi quay lại Đông Kinh để làm lễ đăng quang.

Trần Cảo xưng vua, đặt niên hiệu là Thiên ứng, lập con trưởng là Trần Thăng làm Thái tử, phong thưởng cho những người có công. Lê Quảng Độ trở thành đệ nhất công thần, được Cảo ban cho quốc tính, việc gì Cảo cũng hỏi đến Quảng Độ khiến Độ không khỏi so sánh với lúc còn hầu hạ bốn đời vua Lê. Một hôm Trần Cảo hỏi việc gì nên làm trước việc gì có thể làm sau để ngôi cao mau vững? Quảng Độ thưa:

– Nên cho ngay người làm đầu mục sang sứ Bắc quốc cầu phong để danh chính ngôn thuận, cùng lúc cho người phủ dụ dân chúng và cho quân mở rộng thế lực. Để mở rộng thế lực cần cho người đi Sơn Tây thu phục Trần Chân, Chân cùng họ với bệ hạ chắc nhanh chóng nghe theo. Mạn Đông, mạn Bắc đã vững, được Chân sẽ vững thêm mạn Tây, từ đó đánh xuống Sơn Nam diệt Đăng Dung, rồi đóng quân kiên cố ở Tam Điệp và chặn giữ các cửa sông. Được vậy thì từ Thanh Hoa trở vào muốn đánh lúc nào cũng được. Chẳng mấy chốc Tây Đô cũng về tay bệ hạ, cả giang sơn lại thuộc nhà Trần.

Trần Cảo vỗ tay:

– Thật là trời cho khanh về với trẫm! Khanh chính là Trương Lương, Gia Cát Lượng của trẫm!

Nhưng Trần Cảo vui mừng quá sớm. Mạn Tây, Thiết Sơn bá Trần Chân dù có họ hàng xa với Cảo nhưng không chịu theo Cảo, lại theo cha nuôi là Trịnh Duy Sản kéo quân từ Sơn Tây xuống đóng ở Hoàng Hoa. Trần Chân vốn là Đô lực sĩ, đỗ Trạng nguyên võ thời vua Tương Dực, dưới trướng có hai anh em Nguyễn Kính, Nguyễn áng cũng là những tướng võ. Từ lâu Trần Chân đã muốn về kinh đô nhưng không có cớ, nay thấy dịp tốt nên vừa hạ trại xong đã tiến đánh Trần Cảo. Cảo sai Hắc Tượng tướng quân Phan ất đem quân từ Thanh Oai lên đánh, hai bên gặp nhau ở bãi tập bắn. Phan ất thách đấu tay đôi. Trần Chân sai Nguyễn Kính ra đối địch, giữa chừng thấy Kính đuối sức, Trần Chân sai Nguyễn áng ra tiếp sức. Một mình Phan ất đánh với cả hai mà không hề tỏ ra nao núng. Trần Chân nóng mắt quát hai tướng lui, tự mình địch với Hắc Tượng. Cả Trần Chân và Hắc Tượng đều sử dụng đại đao, những nhát chém va chạm nhau toé lửa. Đoàn Bố thấy chủ tướng khó thắng nổi Trần Chân liền vẫy quân ùa lên. Quân Sơn Tây cũng thúc trống giáp chiến. Hai bên đánh nhau từ xế trưa đến xẩm tối, quân Trần Chân dần dần núng thế phải lui về giữ trại Hoàng Hoa.

Mạn Nam, Nguyễn Hoằng Dụ cùng anh em Mạc Đăng Dung dựa vào sông Hồng, khi tiến đánh lên tận Thường Tín, khi thoái lui xuống giữ Lý Nhân và trại Cổ Lộng, hai lần phải theo thuyền chạy ra biển nhưng lại cũng hai lần đánh tan mấy trại địch. Đích thân Lê Quảng Độ một lần cầm quân đánh Đăng Dung, bị Mạc Quyết bắn ngã ngựa, tí nữa thì bắt sống được. Do vậy quân Trần Cảo không thể vượt qua được Sơn Nam để vào đánh Thanh Hoa.

Chính lúc đó, sau khi tổng động viên trai tráng tâm phúc ở ba phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia trấn Thanh Hoa, quân triều đình giương cờ “Huynh đệ chi binh” chia làm hai đường thuỷ bộ rầm rộ kéo ra Bắc. Quân ra tới Sơn Nam, Nguyễn Hoằng Dụ, Mạc Đăng Dung đón vua, cùng bàn việc thu hồi kinh sư. Để tăng khí thế ba quân, vua Chiêu Tông sai Hùng Quốc công Lê Nghĩa Chiêu làm bài hịch để dụ thiên hạ, lời lẽ hào sảng đến mức nghe đọc lần đầu ai cũng thấy sôi sục. Quân sĩ ai cũng thuộc lòng những câu như:

“Hỡi quan viên và trăm họ ở các xứ Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn

Nam, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Lạng Sơn, An Bang

Đã gội ơn ưu sủng của triều đình

Đều mang lòng trung cần của liệt sĩ

Trời không thể có hai mặt trời, dân không thể thờ hai vị vua, phải

sáng suốt nhận chân điều đó

Làm tôi quý nhất một chữ trung, làm con quý nhất một chữ hiếu, chớ

manh tâm theo giúp đảng gian…”

Quân của Trịnh Duy Sản, Nguyễn Văn Lự, Nguyễn Hoàng Dụ thì oang oang đọc những câu sau:

Ngày 15 tháng này, xuất phát từ Tây Đô

Thống suất đệ tử chi binh trong ba phủ

Chiêu mộ dũng sĩ hào kiệt khắp bốn phương

Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản thống lĩnh ức vạn quân hùm sói,

từ các phủ Thiên Quan, ứng Thiên kéo ra

An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ chỉ huy muôn vạn đội cọp beo,

từ các phủ Thiên Trường, Lý Nhân xốc tới.

Chính dinh có Phú Bình hầu uy lực sấm rền sét nổ

Phó dinh thì Bình Hoà hầu thế quân thác đổ triều dâng.

Thấy quân triều đình đông và nghe tin các trại tiền phương ở Chương Mỹ, Thường Tín đầu hàng, Trần Cảo rút về giữ Hoàng thành. Quân triều tiến thẳng đến cửa Đại Hưng. Trong khi đó Mạc Đăng Dung qua sông Hồng ở mạn Sơn Nam, sang đánh Phố Hiến, Khoái Châu. Biết khó giữ nổi kinh đô, Trần Cảo sai Lê Quảng Độ ở lại giữ thành, nói dối rằng mình đi Đông Triều điều quân, rồi chạy đi Chí Linh không trở lại nữa. Quân triều đình vào Đông Kinh, bắt được Lê Quảng Độ giam lại chờ ngày xét xử rồi vượt sông Hồng truy kích. Phan ất bỏ ngựa, xuống bộ lội ruộng, luồn rừng, chỉ trong một ngày đêm mà chạy được từ Gia Lâm đến tận Đông Triều. Quânảtiều đình chia làm hai ngả: Trịnh Duy Sản bình định mạn Bắc Hải Dương, Trịnh Tuy bình định Kinh Bắc, trong khi đó Mạc Đăng Dung tiếp tục thu hồi đất đai mạn Nam Hải Dương. Tháng Tám năm ấy Phan ất bị bắt, đóng cũi đem về kinh chém.

Vua Chiêu Tông nghĩ Lê Quảng Độ vốn trong hoàng tộc, chiếu theo gia hệ thì còn là chú Chiêu Tông, lại thờ bốn đời vua không mắc lỗi gì, quan tước đến cực phẩm, lại có công đưa mình lên ngôi, chỉ bởi thân cô thế cô mà buộc lòng hàng giặc rồi đâm lao đành theo lao nên Chiêu Tông có ý tha, đày lên mạn ngược làm lao dịch. Các đại thần mỗi người một ý, Trịnh Duy Đại, Trịnh Duy Sản muốn giết, Nguyễn Văn Lự, Nguyễn Hoằng Dụ muốn tha. Đang phân vân thì nhận được biểu từ Sơn Tây của Thiết Sơn bá Trần Chân và từ Sơn Nam của Vũ Xuyên bá Mạc Đăng Dung. Biểu của Trần Chân viết:

“Thần tuy có họ hàng với Trần Cảo, y cũng có cho người dụ thần theo nhưng thần quyết không theo. Trước kia cũng quyết không theo Trần Tuân. Vì vậy thần run sợ ngõ hầu bệ hạ tra xét cho thần được yên dạ.

(Còn tiếp)

L.V.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder