
– Không được hại An Hoà hầu!
Đó là Mạc Đăng Dung. Biết không địch nổi, Nguyễn Kính quay ngựa. Đăng Dung cũng không đuổi theo..(tiếp kì 19).
– Không được hại An Hoà hầu!
Đó là Mạc Đăng Dung. Biết không địch nổi, Nguyễn Kính quay ngựa. Đăng Dung cũng không đuổi theo. (tiếp kì 19).
Hôm sau, không phải Hoằng Dụ mà chính quân Sơn Tây tấn công trước. Nguyễn áng bên phải, Hoàng Duy Nhạc bên trái, Nguyễn Kính đi giữa. Kỵ binh toàn dùng ngựa Tam Đảo, Ba Vì, Tản Viên, giống ngựa ta lai với ngựa Mông Cổ, Thổ Phồn từ đời nhà Trần, con nào con nấy như mãnh hổ. Hoằng Dụ sai Công Lương đón đánh Nguyễn áng, Công Đống đánh Duy Nhạc còn mình cùng mấy tì tướng đi giữa. Gần trưa, quân Hoàng Dụ bị dồn tới bờ hồ nước lớn gọi là hồ Đồng Mô. Hoằng Dụ thét lớn: “Chỉ vài bước lùi nữa là chúng ta bị rơi xuống hồ hết, sao không cố đánh để mà sống?”. Quân Dụ quyết chiến nên quân Sơn Tây phải lui.
Trong một tuần, hai bên đánh nhau mấy trận liền, không phân được thua. Vừa lúc ấy, Trịnh Tuy và Lê Do ra tới Từ Liêm. Nguyễn Kính, Trịnh Tuy từ hai phía đánh lại, Hoằng Dụ và Đăng Dung thua to. Hoằng Dụ nhằm phía Đông mà chạy, mũ vướng cành cây rơi mất. Nguyễn Kính cứ nhằm người cưỡi con ngựa trắng khoang đen mà đuổi. Một tì tướng của Hoằng Dụ thấy vậy liền đổi ngựa cho chủ. Nguyễn Kính đâm chết viên tướng ấy mới biết mình bị mắc lừa nhưng ngay đó lại nhằm người không có mũ, râu tóc bạc phơ để đuổi, trong khi đuổi dừng lại bắn ba phát tên, một mũi trúng lưng Hoằng Dụ. Dụ cắn răng nhịn đau đeo tên mà chạy. Kính lại nhằm bắn con ngựa của Hoàng Dụ, đến phát thứ hai thì trúng, con ngựa đau quá lồng lên hất Dụ ngã xuống đất. Nguyễn Kính vứt cung phóng giáo tới. Bỗng từ bên đường một viên tướng từ đâu chặn lấy mũi giáo của Kính:
– Không được hại An Hoà hầu!
Đó là Mạc Đăng Dung. Biết không địch nổi, Nguyễn Kính quay ngựa. Đăng Dung cũng không đuổi theo.
Hoằng Dụ chạy thẳng tới phường An Hoa và bến Thái Cực bên bờ Nhị Hà, quân sĩ biết vậy cũng lục tục đến đấy, mười phần chỉ còn ba, bốn. Tự liệu không thể thắng được Nguyễn Kính và Trịnh Tuy, trong khi đó có tin từ Thanh Hoa, Trịnh Duy Liệu cùng Trịnh Duy Thuân, Trịnh Duy Duyệt chia quân làm ba đường tiến đánh Tống Sơn, Hoằng Dụ liền dâng biểu tạ tội lên Chiêu Tông rồi không đợi chỉ dụ, ngay ngày hôm đó rút về Thanh Hoa. Về đến Tống Sơn mới biết tin họ Trịnh đánh Tống Sơn chỉ là kế nghi binh của Trịnh Tuy. Từ đó Hoàng Dụ trở nên u uất, cùng với vết thương do trúng tên của Nguyễn Kính chưa khỏi hẳn và tuổi cao khiến trở bệnh, lúc đầu còn nhẹ, sau mỗi lúc thêm trầm trọng. Biết không qua khỏi, Hoằng Dụ gọi Nguyễn Kim vào dặn:
– Cha đã trải qua đến sáu đời vua, những tưởng qua được năm Đoan Khánh, năm Hồng Thuận, đến năm Quang Thiệu thì được thấy anh quân, triều đình sẽ vững lên, ai ngờ mỗi lúc một thêm xuống dốc. Vua Quang Thiệu là người hiền đức nhưng không gượng lại được với thời vận. Từ chuyện chia rẽ trong hoàng tộc đời Đoan Khánh nay thành chuyện cát cứ phân liệt. Cha mang ân lộc triều đình rất nặng nên bao nhiêu năm nay cúc cung tận tuỵ hàn gắn, vua sai đi đâu đi đấy không kể tuổi tác, ai ngờ lực bất tòng tâm, đã vỡ lại càng làm vỡ thêm! Trần Chân ngày trước có là cái gì, Kính, áng càng không là cái gì, ru rú một góc Sơn Tây nào ai biết tới! Mạc Đăng Dung ngày trước cũng có là gì, chẳng qua chỉ là kẻ võ biền ở vệ Thiên Vũ, chỉ biết chăm chắm lo cho trấn Sơn Nam chứ có đi được đâu, vậy mà bây giờ chỉ nghe tên y thôi, bọn Quốc công, Quận công đại thần đã khiếp vía, nhà vua cũng phải e nể. Tình thế đã vậy, đáng lẽ lúc này các hoàng thân và đại thần phải ráng sức xây đắp thì lại phá thêm, nhân lúc rối ren đục nước béo cò âm mưu dựng người của mình lên để dễ bề sai khiến. Tệ hại nhất là bọn họ Trịnh. Trách chúng mà lại giận hoàng gia vì nguyên do cái tội phân liệt, làm cho thiên hạ chia rẽ. Cơ sự rối ren là chính tại hoàng gia đồi bại và tự hại mình, như Tương Dực đấy, bỗng chốc giết 15 hoàng thân. Con ạ! Thanh Hoa là đất dành cho kẻ anh hùng, ra Bắc, vào Nam tiến thoái đều thuận tiện; Đông thì biển, Tây thì nước Lão Qua, khắc ẩn khắc hiện khôn lường, gặp khi khốn cùng muốn chạy cho thoát thì không ai làm gì được. Triều đình bây giờ như căn nhà bao nhiêu cột cái cột quân cho đến rường xà đều mục ruỗng hết cả, tài của con gấp mười lần cha, nếu thấy không thể vực lại được triều đình thì hãy học cái cách của nhà Trần ngày trước mà thay đổi nó đi, đừng cố như cha mà nhọc công. Con cũng đã hơn 50 tuổi rồi, thời gian không còn nhiều đâu!
Nói xong, Hoằng Dụ thở dốc một hồi, ngực căng lên, mắt trợn ngược, tắt thở. Nguyễn Kim báo tang lên triều đình, vua Chiêu Tông nghe tin vô cùng thương xót, ban chỉ truy thăng làm Thái sư Trừng Quốc công.
*
Năm Quang Thiệu thứ tư (1519), vua Chiêu Tông sai Vũ Xuyên hầu Mạc Đăng Dung làm Đô đốc, được phép điều quân các nơi để đánh dẹp Lê Do, Trịnh Tuy, Nguyễn Kính. Đăng Dung sai người mang lệnh đi Sơn Nam, Hải Dương, Kinh Bắc, trong chưa đầy một tháng, các nơi mang quân về đông tới một vạn. Đăng Dung chia làm hai đường, đường thuỷ ngược sông Hồng tiến đánh Sơn Tây, đường bộ đánh Từ Liêm.
Mạc Đăng Dung cho người bí mật mang thư tới gặp Nguyễn Kính, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và khuyên đầu hàng triều đình. Nguyễn Kính thấy tình hình đã khác nên bằng lòng án binh bất động, ai thắng thì theo. Đăng Dung liền đánh thẳng vào hành điện của Lê Do và Trịnh Tuy ở Do Nha. Trịnh Tuy sai người lên Sơn Tây cầu cứu Nguyễn Kính, lúc đó mới biết Kính khoanh tay ngồi yên. Trịnh Tuy, Nguyễn Sĩ thấy bất lợi bèn chạy về Thanh Hoa để bảo toàn lực lượng. Lê Do, Nguyễn áng chạy vào núi Viên Nam, sau này bị bắt ở đấy.
Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc xin hàng, giao hết binh lực cho triều đình, Đăng Dung dâng biểu xin vua tha tội cho họ rồi thu nạp làm thuộc tướng.
Xét công lao cứu giá, vua Chiêu Tông phong Mạc Đăng Dung làm Minh quận công, từ đó Đăng Dung ở lại kinh đô, chức Hữu đô đốc Tổng trấn Hải Dương tâu vua giao cho Nguyễn Bỉnh Đức. Vì Sơn Tây không có ai trông coi, Đăng Dung dâng sớ tiến cử Vũ Hộ làm trấn thủ. Vua bằng lòng cho Vũ Hộ tạm quyền coi giữ nơi này. Mấy năm sau, Vũ Nghiêm Uy nổi dậy ở Đại Đồng, Tuyên Quang, Đăng Dung tâu vua cho Vũ Hộ mang quân đi đánh. Vũ Hộ đánh được, bắt sống Nghiêm Uy đem về kinh trị tội, bấy giờ Chiêu Tông mới tin cậy cho Vũ Hộ làm Tổng trấn Sơn Tây, ban tước Quỳnh Khê bá.
Cuối năm, Phạm Gia Mô gả con gái mình cho Mạc Chính Trung, con trai con trai thứ của Mạc Đăng Dung. Đầu năm sau Đăng Dung gả con gái lớn là Ngọc Thọ cho Nguyễn Quốc Hiến. Cả hai đám cưới các quan trong triều đến mừng không thiếu một ai. Ngay Thái hậu và nhà vua cũng cho người mang quà mừng tới. Cuối năm, Đăng Dung tâu Chiêu Tông cho Nguyễn Quốc Hiến giữ binh trấn Sơn Nam, nhà vua chuẩn y.
Thiên hạ thái bình được một thời gian thì có tin từ phương Bắc báo về: Dư đảng của Trần Cảo năm xưa chưa trừ diệt hết nên nay con Cảo là Trần Thăng nổi lên chiếm giữ Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, chặt đứt con đường sang sứ Bắc quốc, tình hình rất nguy ngập.
15
Hai đại thần là Nguyễn Hiến, Phạm Thứ cùng hai Đô lực sĩ là Nguyễn Thọ, Đàm Cử một hôm vào gặp Chiêu Tông. Họ nói: Quanh kinh đô có bốn trấn thì hai nơi Sơn Tây, Hải Dương tay chân Đăng Dung nắm giữ; Sơn Nam thuộc Dung một nửa nhưng là một nửa quan trọng vì Quốc Hiến nắm binh lực, chỉ còn mỗi Kinh Bắc là không. Nếu nhà vua không có cách chặt bớt vây cánh của Đăng Dung thì sau này tai hoạ sẽ khó lường. Chiêu Tông bảo:
– Nguyễn Bỉnh Đức ở Hải Dương, Vũ Hộ ở Sơn Tây tuy là người của Đăng Dung, Nguyễn Quốc Hiến ở Sơn Nam cũng là người của Đăng Dung, sao trẫm lại không biết cơ chứ. Nhưng họ có được những quyền ấy là do triều đình, do trẫm chứ đâu do Đăng Dung. Họ mang ơn trẫm chứ không mang ơn Đăng Dung nên điều các khanh nói trẫm lưu ý nhưng không lo. Đăng Dung có công với triều đình, chỉ trong vòng ba năm mà đánh đông dẹp bắc, thu phục Sơn Tây, diệt được Lê Do, đuổi được Trịnh Tuy. Vũ Hộ thì lấy lại được Tuyên Quang khiến thiên hạ hơn một năm nay yên ổn, nay vô cớ rút dây động rừng, khác nào đang không lại đi xui người ta nổi loạn!
Nguyễn Hiến tâu:
– Dẫu sao bệ hạ cũng nên phòng xa. Con người ta thường có tính tự kiêu, mấy năm nay Đăng Dung lập nhiều công lao, không thể không tự kiêu mà sinh thói càn rỡ. Y chẳng đã giết Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự vì làm trái ý y đó sao! Cho nên cần phải ngăn ngừa trước thói càn rỡ của y đi. Nay con Trần Cảo là Trần Thăng đang chiếm giữ Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, chi bằng hãy điều Đăng Dung đi đánh dẹp ngay vào mùa đông này. Mạn ấy giá rét, quân sĩ sẽ cực kỳ gian khổ, có khi còn chết vì rét nên dẫu có thắng được Trần Thăng hay không họ cũng sẽ đem lòng oán giận Đăng Dung, gây tiếng xấu cho y khiến y bớt huyênh hoang, tự kiêu, tự mãn, lúc đó triều đình sẽ dễ bề sai khiến, tay chân của y triều đình cũng dễ bề điều khiển.
Nhà vua nghe theo, bèn triệu Đăng Dung vào cung bàn về việc chinh phạt Trần Thăng. Đăng Dung tâu:
– Trần Thăng không thể không đánh dẹp nhưng chờ tới hơn tháng nữa mới ra quân thì đúng vào mùa đông, mạn Bắc rất rét, thần e quân sĩ sẽ gian khổ. Vậy nên bây giờ còn đang thu, xin bệ hạ cho thần hành quân ngay.
Chiêu Tông không ngờ Đăng Dung lại sốt sắng như vậy nên bảo:
– Liệu chuẩn bị có kịp không?
– Thần nghĩ là kịp. Quân triều đình vừa đánh thắng quân phản loạn mấy xứ nên khí thế đang hăng, năm nay lại được mùa nên thóc lúa nhiều, quân lương đầy đủ.
Chả nhẽ lại cản trở nên Chiêu Tông bằng lòng, trong bụng nghĩ sẽ tìm cách dềnh dàng cung cấp lương thảo để Đăng Dung phải lưu lại lâu dài trên mạn Bắc, ít nhất là hết cả mùa đông sang đầu mùa xuân. Ngay hôm sau, Đăng Dung đến điện Quỳnh Vân nhận chỉ đi đánh Trần Thăng.
Mạc Đăng Dung bàn với Lễ Bộ thượng thư Phạm Gia Mô:
– Tôi sắp cầm quân lên mạn Bắc, nơi ấy vừa xa vừa lạ, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, lâu dài. Việc ở kinh đô đã giao cho Đăng Doanh, có gì cậy ông một tay. Tôi cũng đã dặn Vũ Hộ, Nguyễn Bỉnh Đức và Nguyễn Quốc Hiến các điều, có việc ông và Đăng Doanh sẽ gọi họ.
Phạm Gia Mô nói:
– Làm gì cũng phải chính danh mới thuận. Tôi tiếng là đứng đầu một bộ, hàm nhị phẩm nhưng chỉ trông coi việc lễ nghi, tế tự, yến tiệc, học hành, thi cử, khâm thiên, y viện chứ các việc quốc gia đại sự đâu có được tham gia, bởi từ xưa đến nay quyền ấy thuộc về năm phủ, các văn thần không liên quan đều không được tham dự. Nhưng năm phủ lâu nay làm được gì? Từ khi ông tham gia bàn chính sự còn khá chứ trước đây toàn hạng bất tài, xiểm nịnh và vụ lợi nên sinh ra những lời sàm tấu, vua càng nghe càng làm cho đất nước kỷ cương rối loạn. Sắp tới tướng quân đi xa, nhiều chuyện các phủ bàn bạc Đăng Doanh và tôi không được biết thì làm thế nào?
– Tôi sẽ tâu với vua sung ông vào Chính sự viện, Mạc Quyết giữ đạo Túc vệ, Đăng Doanh giữ điện Kim Quang.
Gia Mô nói:
– Được thế thì tốt. Còn tướng quân phải có quyền lực mạnh mới được, mặc dù quyền lực ấy tướng quân đã có nhưng cũng phải danh chính ngôn thuận. Mai tôi vào triều sẽ dâng bản bảo cử tướng quân làm Tiết chế, toàn quyền điều binh khiển tướng trong thiên hạ, có thế mới được.
Phạm Gia Mô đem việc bàn với một số đại thần, cùng nhau viết bản bảo cử tâu vua phong cho Mạc Đăng Dung làm Tiết chế các doanh thuỷ lục quân 13 đạo. Vua nghe theo và còn ban thêm cho Đăng Dung chức Thái phó.
L.V.K
(còn tiếp)