– Nhưng lại có một người đang rất cần tướng quân, tướng quân có biết không? – Nguyễn Thế An chấm tay vào chén nước rồi viết ra bàn chữ “Mạc” và nói – Bỏ chỗ hẹp hòi đến nơi rộng lượng đó mới là kẻ sĩ… (Tiếp kì 24)
– Nhưng lại có một người đang rất cần tướng quân, tướng quân có biết không? – Nguyễn Thế An chấm tay vào chén nước rồi viết ra bàn chữ “Mạc” và nói – Bỏ chỗ hẹp hòi đến nơi rộng lượng đó mới là kẻ sĩ. (Tiếp kì 24)
18
Chiêu Tông trưng tập được khá nhiều binh mã, thấy Đăng Dung rút sang bên kia sông Nhị Hà liền dẫn quân trở lại Đông Kinh, lấy điện Thuỵ Quang làm ngự điện. Quan lại trung thành từ các nơi lại lục tục tới chầu, quân đội, lương thảo ầm ầm trên các nẻo đường dẫn về kinh đô, lực lượng lại mạnh lên. Nghe tin Lê Xuân lên ngôi, Chiêu Tông bực lắm:
– Thằng em ta không thấy thế là sai trái ư? Phen này ta không thể tha cho nó.
Lâm Xuyên bá, Thượng thư Bộ Hộ là Đàm Thận Huy thưa:
– Hoàng đệ lên ngôi không phải muốn thế mà chắc là do Đăng Dung sắp đặt.
– Dẫu có vậy thì nó cũng phải biết mà thoái thác chứ! Ngay hôm rời kinh thành, thấy không đem được nó đi trốn, ta đã nghĩ ngay nếu nó ở lại, thể nào cũng sẽ tiếm ngôi. Khi biết Lê Khoái mang theo được đại ấn, ta đã mừng. Không ngờ nó chẳng cần đến ấn tín cũng cứ lên ngôi. Láo thế thì tha sao được!
– Xin bệ hạ bớt giận để nghe thần nói hết đã. Giữa cái sống và cái chết, theo nhẽ đời người ta thường chọn cái sống. Vả lại về lý thì bệ hạ đã bỏ ngôi báu, cũng về lý thì nước một ngày không thể không có vua nên triều đình lập vua mới cũng là đúng. Việc này hẳn đã được Thái hậu thuận theo cho dù Thái hậu cũng chỉ nghe theo hoặc bị Đăng Dung ép buộc. Nay bệ hạ nên tập trung vào việc tiêu diệt Đăng Dung, diệt được rồi, với Hoàng đệ xử trí cũng dễ, thần nghĩ lúc đó Hoàng đệ sẽ sẵn sàng trả lại ngôi báu cho bệ hạ.
– Thôi được rồi. Thế đã biết Thái tử ở đâu chưa?
Tất cả không ai trả lời. Chiêu Tông quát:
– Không tìm thấy Thái tử thì ta giết các ngươi!
Các quan phải khuyên giải mãi Chiêu Tông mới nguôi. Một lúc sau nghĩ đến Kim Thoa, Chiêu Tông lại đùng đùng nổi giận, thề phải giết, mọi người lại khuyên giải lần nữa, lúc bấy giờ Chiêu Tông mới yên để bàn việc chinh phạt.
Nguyễn Hiến tâu:
– Nay binh lực hiện tuy nhiều nhưng chưa đủ đánh quân Hải Dương, đã thế lại phải chia ra phòng quân Sơn Tây. Vậy nên hãy khoan tiến quân, chỉ cốt giữ không cho giặc sang sông, chờ Nguyễn Kim, Trịnh Tuy ở Thanh Hoa ra, lúc đó hãy hay.
Hà Phi Chuẩn bảo:
– Thực là ý kiến của một ông quan văn! Đông Kinh với Sơn Tây ví như tay chân của con người ta, nếu Đăng Dung ở lại Đông Kinh thì y sẽ mạnh vô cùng nhưng lại dời sang Hải Dương, khác nào làm cho tay chân rời nhau. Qua đó đủ biết người này hữu dũng vô mưu. Hiện Đăng Dung còn chưa vững chân ở Hải Dương, không đánh lúc này còn đánh lúc nào nữa. Thần tuy bất tài cũng xin được sang sông quyết chiến với Đăng Dung.
Một tướng võ đứng tận cuối hàng quan võ tiến ra, đó là Nguyễn Kính. Nguyễn Kính chưa kịp nói gì thì Hà Phi Chuẩn đã quát lớn:
– Tên tì tướng của Đăng Dung kia! Sao ngươi lại ở đây?
– Tôi là tướng của triều đình, sao lại bảo là người của Đăng Dung được?
– Nhà ngươi muốn nói gì? – Chiêu Tông hỏi.
Nguyễn Kính tâu:
– Hạ thần từng theo Đăng Dung đi đánh nhiều nơi, thấy Hà tướng quân nói như vậy là chưa đúng với con người của y. Đăng Dung không chỉ giỏi võ nghệ mà còn tinh thông binh pháp, cầm quân nhiều năm, chinh chiến khắp nơi, tắm gió gội sương, vào sinh ra tử đều trải nên am hiểu từ trận đánh đến cả chiến cuộc, từ địa hình chiến trường đến lòng dạ tướng sĩ. Hải Dương lại là đất cũ của y, giao cho Nguyễn Bỉnh Đức giữ, Đức vừa là tướng dưới quyền, vừa là bạn chí cốt, nay y trở về khác chi hổ thêm móng vuốt. Để Vũ Hộ ở Sơn Tây còn y sang Hải Dương đó là kế liên hoàn, hai bên ứng cứu đỡ cho nhau. Vì vậy trong khi đánh Hải Dương ta vẫn cần người tài giỏi và lực lượng mạnh để chống mạn Sơn Tây. Còn để đánh Hải Dương, chỉ đối diện một mặt là không thắng nổi. Nay nên dùng bốn đạo quân mà đánh từ bốn mặt: Đạo thứ nhất, hướng Bắc, từ Bắc Giang, Kinh Bắc đánh xuống, giao cho các tướng Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí, Phạm Tại đảm nhiệm. Đạo thứ hai, hướng Tây, từ Đông Kinh, vượt Nhị Hà đánh sang, giao cho Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan đảm nhiệm, đây là đạo quân trung ương vậy nên xin bệ hạ tiếp ứng cho đạo này để thêm khí thế. Đạo thứ ba, cũng hướng Tây vượt sông Hồng ở mạn Sơn Nam Thượng, lội qua bãi Tự Nhiên đánh sang Khoái Châu, giao cho Đàm Khắc Nhượng, Nguyễn Định đảm nhiệm. Đạo thứ tư, hướng Nam, vượt sông Hồng ở mạn Sơn Nam Hạ, cho quân thuỷ đánh sang Phố Hiến, giao cho Nguyễn Xí đảm nhiệm. Nếu quân An Thanh hầu Nguyễn Kim, Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy từ Thanh Hoa ra kịp thì thêm đạo thứ năm, cho quân thuỷ theo đường biển đánh thẳng vào Cổ Trai, Đồ Sơn là sào huyệt của Đăng Dung. Đăng Dung không thể có mặt được khắp, thể nào cũng thua!
Hà Phi Chuẩn cười:
– Ta thấy ngươi bày cách đánh bốn mặt rồi năm mặt khá rành mạch nên cố lắng nghe, nhưng nghe từ đầu đến cuối không thấy chính ngươi đi đạo nào là cớ làm sao? Nay triều đình định tập trung lực lượng, ví như bó đũa lớn không thể bẻ gãy được, ngươi lại định xé lẻ ra như tách từng chiếc đũa một để Đăng Dung dễ bề bẻ gẫy phải không? Ngươi thật là tiếp tay cho giặc. Tâu bệ hạ! Nguyễn Kính theo Đăng Dung chinh chiến nhiều phen, ăn lộc của y hẳn đã nhiều, không giết đi thì thôi, y bàn gì chớ nên theo!
Nguyễn Kính bực quá quát lên:
– Không theo kế của ta thì thôi, ngươi chớ có ngậm máu phun người! Ta mới bàn việc đánh Hải Dương chứ đã nói hết đâu. Ta vốn không lạ gì Sơn Tây, Hưng Hoá, ý ta là nhận đánh Sơn Tây. – Quay về phía Chiêu Tông, Nguyễn Kính nói – Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần ngày trước đã trót theo Trần Chân, sau đó lại a tòng với Trịnh Tuy chống lại triều đình, tuy đúng là được Đăng Dung đứng ra xin tha cho tội chết nhưng có được tha hay không lại do bệ hạ. Với Đăng Dung hạ thần đã vì y mà quyết chiến với quân Trần Thăng, giúp y lập công lớn đánh Trần Thăng thu lại xứ Bắc về cho triều đình, như vậy là đã trả hết cái nợ ân nghĩa với y, giờ không còn nợ nần gì nữa, thần chỉ một lòng vì triều đình mà thôi!
Hà Phi Chuẩn tự ái nói dỗi với Chiêu Tông:
– Thần đã nghĩ lại, thấy kế của Nguyễn Kính tướng quân rất hay. Thần bất tài, vậy nên xin được trở về ngay Bắc Giang chăm lo cho mấy vườn vải để sắp tới có ngự lệ dâng bệ hạ.
Chiêu Tông thấy Nguyễn Kính tính toán mưu lược, rất muốn nghe theo, nhưng lại không muốn làm mếch lòng Hà Phi Chuẩn vì y vừa có công cứu giá đánh lui Vũ Hộ nên quyết định sai Hà Phi Chuẩn tiến quân.
Hà Phi Chuẩn một mình dẫn quân bản bộ vượt sông Nhị Hà. Đăng Dung giấu thuỷ quân ở ngã ba Nhị Hà và sông Đuống, cứ để mặc cho quân Phi Chuẩn sang sông, chờ khi chúng sang được một nửa mới lệnh cho nhổ sào, từ thượng lưu thuận theo dòng nước đánh xuống, chia cắt quân Phi Chuẩn làm đôi khiến đám quân đang ở giữa sông phải quay lại bờ còn đám đã sang được Gia Lâm bị đánh tan tác, kẻ chạy trở lại được thuyền thì bị đánh lộn xuống sông chết đuối, kẻ còn trên bờ thì bị bắt sống. Phi Chuẩn cùng với mấy tên lính phải xuống thuyền nhỏ, cố sống cố chết mở đường máu mà chạy mới thoát chết.
Nguyễn Kính xin Chiêu Tông chém đầu Hà Phi Chuẩn vì làm mất nhuệ khí ba quân. Chiêu Tông gọi Hà Phi Chuẩn đến trách mắng, sai y lo mặt Sơn Tây rồi theo kế của Nguyễn Kính, cử Kính làm tham mưu chia quân thành bốn đường tiến đánh Hải Dương. Dò biết như vậy, Mạc Đăng Dung triệu các tướng lại bàn:
– Lúc này ba mặt Tây, Nam, Bắc đều đã thuộc về Lê Y, ta chỉ có xứ Đông là Hải Dương này mà thôi. Hiện quân Đông Kinh lại chia làm bốn ngả tiến đánh. Ta tình thực thú nhận như vậy chứ không che giấu. Nhưng ta rời Đông Kinh sang đây là đã tính toán rất kỹ. Vả lại quân cốt tinh chứ không cốt đông, đất cốt hiểm yếu chứ không cốt rộng. Ta lo nhất mặt biển thì may sao cả bốn ngả của địch đều là mặt bộ. Sở dĩ mặt biển được yên vì Nguyễn Kim, Trịnh Tuy nghi kỵ, đề phòng lẫn nhau nên chưa bên nào ra quân. Quân Thanh Hoa quen sóng gió, thực lực mạnh, Nguyễn Kim, Trịnh Tuy đều là tướng giỏi, chỉ cần một trong hai bên kéo quân ra Bắc là chúng ta đã bất lợi. Vậy nên ta đã cho người bí mật vào Thanh tung tin để gieo thêm mối bất hoà giữa chúng. Mặc dù vậy vẫn cứ phải đề phòng nên đã sai Nguyễn Như Quế giữ từ cửa sông Đáy cho tới cửa Trà Lý, Phạm Gia Mô giữ từ cửa Văn úc tới cửa Nam Triệu. Lại sai Lê Bá Ly đóng quân ở Vĩnh Lại để sẵn sàng tiếp ứng cho cả hai. Về mặt bộ: Để chống lại hai đạo quân từ Sơn Nam sang, ta giao cho Nguyễn Quốc Hiến dàn quân dọc tả ngạn sông Hồng, chỉ cốt giữ những nơi hiểm yếu chứ không cốt đánh vì Sơn Nam là đất cũ của ta, binh lính phần lớn đã từng dưới quyền cai quản của ta, sau đó chiến thuyền lại do chính Quốc Hiến nắm giữ nên tình cảm đôi bên vẫn còn; tướng giặc là Đàm Khắc Nhượng, Nguyễn Định, Nguyễn Xí đều là các tướng trẻ, khoẻ mà không khôn nên chắc chắn quân ta chống được. Địch lại đạo quân Bắc Giang ta giao cho Mạc Đĩnh Khoa và Mạc Quốc Trinh. Đĩnh Khoa lâu nay đã được giao đóng quân ở Lục Đầu Giang, Côn Sơn, Chí Linh, ba nơi này tạo thành thế chân vạc vững chắc nhưng cũng chỉ cốt giữ chứ không cốt đánh, chờ ta đánh xong đạo Đông Kinh, bấy giờ hãy tiến quân. Đạo từ Đông Kinh đánh sang là đạo chủ lực của địch, Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan đều là các tướng giỏi, lại có chính Lê Y đứng sau, ta sẽ trực tiếp cầm quân mặt này cùng với Mạc Quyết và đã có kế sách. Nghe nói kế vây đánh Hải Dương bốn mặt là do Nguyễn Kính bày ra. Người này thực sự có tài, ta đã biết từ lâu và đã có kế ứng phó, lúc này chưa nói ra được. Để tuần tra, tiếp ứng các mặt ta đã giao cho Vũ Cán, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Bỉnh Đức làm Đề sát thuỷ bộ quân vụ. Lo việc quân lương thì giao cho Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung, Khuất Quỳnh Cửu. Mạc ích Trưng lo bảo vệ Thái hậu và nhà vua.
Mạc Quyết bàn:
– Quân Lê Y đông, nóng lòng muốn đánh nhanh nên để chống lại đạo chủ lực của địch, theo tôi ban đầu hãy cố thủ tại luỹ Cẩm Giang, vừa đánh vừa nghỉ, chờ cho chúng giảm dần nhuệ khí, chán nản và mệt mỏi, lúc đó ta sẽ bất ngờ tung hết lực lượng thì có thể thắng được. Đó là kế “lấy kẻ nghỉ ngơi đánh người mệt mỏi”.
– Ta cũng có chủ trương như vậy. – Đăng Dung nói – Nhưng dẫu sao khi quân Lê Y vượt sông, cũng phải đánh cho chúng một trận để nhớ và cho tướng sĩ tin vào các chủ trương.
Các tướng nhận lệnh lần lượt cầm quân lên đường, ai nấy đều nghĩ Đăng Dung cầm quân như thần, thảo nào ngày trước đánh đâu được đấy, thật danh bất hư truyền!
Tháng Tám năm ấy Chiêu Tông tự mình cầm quân vượt sông Nhị Hà. Quân Đăng Dung phục trên mặt đê, cung thủ chờ địch đến gần mới bắn. Vừa dứt thì Đăng Dung đi mặt phải, Mạc Quyết mặt hữu cùng đánh lại, hất bật quân Lê Y trở lại sông. Chợt Mạc Đĩnh Khoa cho người cấp báo: Vì không chống nổi quân Kinh Bắc từ Gia Lương, Thuận Thành đánh xuống nên Mạc Quốc Trinh đã phải rút về giữ luỹ Cẩm Giang. Thấy bất lợi, Đăng Dung cũng rút về Cẩm Giang. Nhờ thế quân Lê Y chiếm được các huyện Gia Lâm, Văn Giang, Đường Hào, Cẩm Giang, Lương Tài, Gia Định, nhưng tới luỹ Cẩm Giang thì phải dừng bước.
Chiêu Tông thấy cũng cần cho quân nghỉ ngơi để đợi thêm quân thì hay tin Hà Phi Chuẩn không chống nổi quân Sơn Tây của Vũ Hộ, hiện quân Sơn Tây đã đánh tới Từ Liêm, kinh đô rất nguy ngập, xin quân tiếp viện. Chiêu Tông nổi giận:
– Ta đang muốn có thêm quân để sống mái với Đăng Dung một trận, lấy đâu ra người mà chi viện cho mạn Sơn Tây?
Đang lúc ấy quân lại báo Vũ Hộ đã đánh tới sông Tô Lịch. Chiêu Tông thở dài:
– Đăng Dung ngày nay dám làm càn cũng là do Vũ Hộ tiếp tay! Nếu ngày nọ Hộ không đem mấy nghìn quân theo Đăng Dung, Dung chỉ có cái xó Hải Dương, vị tất đã làm gì được ta?
Nguyễn Kính tâu:
– Mất Đông Kinh thì triều đình lại hoá ra bị chẹt gữa hai mặt Đông Tây nên không thể không tiếp ứng cho Sơn Tây được!
– Vậy thì cấp cho ngươi 1000 quân, ngươi hãy vì ta mà sang sông một chuyến.
Nguyễn Kính về cứu kinh đô, quân chưa tới sông Tô Lịch thì Vũ Hộ đã rút về Thạch Thất. Nguyễn Kính, Hà Phi Chuẩn đem quân tiến đánh Sơn Tây, đang lúc ấy lại có chỉ gọi Nguyễn Kính về cứu vua vì Đăng Dung đánh rất mạnh ở Hải Dương. Nguyễn Kính bàn với Hà Phi Chuẩn lui về kinh đô, sau đó Kính sang sông trở về bên Chiêu Tông.
Hai bên cầm cự nhau đến hơn một tháng, đánh nhau dăm trận không phân được thua. Thấy quân Sơn Nam dường như án binh bất động, Chiêu Tông liền sai người đến đó để điều mấy nghìn quân tới Gia Lâm định bụng đánh một trận lớn trận thì lại có tin cấp báo của Hà Phi Chuẩn: Quân Vũ Hộ lại đánh tới sông Tô Lịch, có lúc còn qua được sông đánh tới tận cửa Đại Hưng. Chiêu Tông bực lắm, bảo:
– Không diệt được Vũ Hộ thì không thể thắng nổi Đăng Dung. Hà Phi Chuẩn do may mắn mà cứu được trẫm chứ chỉ là kẻ bất tài.
Chiêu Tông bèn cử Nguyễn Kính thay thế Phi Chuẩn, điều Phi Chuẩn lên Bắc Giang hỗ trợ bọn Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí, Phạm Tại lúc này cũng đang gặp trở ngại ở Lục Đầu Giang.
Quân Chiêu Tông thấy đánh mãi không được đâm ra mệt mỏi và lơi lỏng dần. Thì một đêm, Đăng Dung cho quân thuỷ từ sông Đuống vào sông Hồng, lặng lẽ xuôi dòng đánh thẳng vào doanh thuỷ quân của Chiêu Tông ở cả hai bên bờ sông Hồng. Cùng lúc quân bộ rời chiến lũy đánh bật quân bộ của Chiêu Tông về phía bờ sông. Quân Chiêu Tông quá bất ngờ, kẻ chạy lên bờ, kẻ trốn xuống thuyền, kẻ rơi xuống sông, riêng ôm nhau chết đuối cũng không biết bao nhiêu mà kể. Quân Đăng Dung sang sông, tràn lên bờ, chiếm phường Đông Hà. Chiêu Tông chạy vào Hoàng thành. Quân Đăng Dung tiến đánh Hoàng thành. Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan chống cự không nổi phải bỏ chạy. Quân Hải Dương xông vào điện Thuỵ Quang lùng bắt Chiêu Tông. May có lính hộ vệ cản được địch Chiêu Tông mới thoát được.
Chiêu Tông chạy bộ về phía Nhân Mục Cựu, xung quanh không còn một ai, lại gặp ngay bốn tên lính Hải Dương từ phường Phục Cổ xông tới, lúc đó đã sáng, chúng nhận ra Chiêu Tông bởi áo hoàng bào mặc trên người. Chiêu Tông kêu lên: “Ai cứu ta?”, Nguyễn Dư Hoan đang quanh quẩn tìm vua nghe thấy vội tới, giết được hai tên, hai tên kia bỏ chạy, cứu được Chiêu Tông. Chiêu Tông phải vứt hoàng bào cải trang như thường dân mới chạy thoát được tới đình làng Nhân Mục.
Mấy ngày sau quan quân nghe tin lục tục tới làng Nhân Mục phò giá. Đang lúc ấy lại có tin từ Sơn Nam: Đang đêm quân Đăng Dung từ bên tả ngạn cho thuyền sang đánh Sơn Nam Hạ, Nguyễn Xí chết trận. Giặc lại dùng tinh kỳ và binh phù của Xí lên Sơn Nam Thượng đánh lừa được Đàm Khắc Nhượng và Nguyễn Định. Nguyễn Định bị giết. Đàm Khắc Nhượng chạy được, sợ bị Chiêu Tông hỏi tội, hiện trốn ở chỗ Giang Văn Dụ, phủ Thanh Oai. Vũ Hộ nhân lúc rối loạn lại đem quân xuống đánh rát một trận, rồi đóng trại bên kia sông Tô Lịch, có ý chiếm giữ lâu dài chứ không rút về Sơn Tây như mọi lần nữa.
Chiêu Tông trách Nguyễn Kính:
– Ta nghe theo ngươi chia quân làm bốn ngả cùng đánh Đăng Dung vậy mà cũng không xong, thế là thế nào?
– Trên đời này nhiều việc lực bất tòng tâm nữa là việc dùng binh vốn thiên biến vạn hoá và không chỉ do mình mà còn phụ thuộc vào đối phương. Xưa Hán Sở tranh hùng, quân Lưu Bang lúc đầu yếu mà cuối cùng theo kế của Hàn Tín chia quân làm ba đạo, mai phục mười mặt vây được Hạng Võ ở Cai Hạ, chấm dứt sự nghiệp của Hạng vương. Nhưng vào đời Tam quốc lại khác, quân Tào mạnh, Tư Mã ý bày kế chia quân 50 vạn thành năm đường đánh Thục, vậy mà lại không thắng nổi Gia Cát Khổng Minh; lạ nhất là Gia Cát không ra quân, chỉ ngồi chơi mà yên được cả năm đường ấy. Không phải Tư Mã Ý bất tài, chẳng qua bởi Khổng Minh tài hơn. Đăng Dung tài hơn chúng ta một bậc vậy thì biết làm sao! Vả lại thần đã nói ngay từ đầu, y ở Hải Dương để Vũ Hộ ở Sơn Tây là có ý cả, hai mặt dương đông kích tây ứng cứu cho nhau khiến quan quân xoay xở không xuể, được mặt nọ lại hỏng mặt kia.
– Ngươi đề cao Đăng Dung, hạ thấp quân triều đình là có ý làm sao?
– Tâu bệ hạ, nhưng sự thật là thế!
Chiêu Tông tím mặt lại nhưng không nói sao.
Trong khi, Đăng Dung đang mừng vì tin thắng trận liên tiếp báo về thì quân do thám cho hay quân địch ở mạn Bắc Giang, Kinh Bắc đang yếu bỗng mạnh lên nhờ đám bại quân của Chiêu Tông chạy tới đông đến gần một vạn tên nên đang tăng sức đánh Lục Đầu Giang, Côn Sơn, Chí Linh, tình hình rất nguy ngập. Quân Trịnh Tuy cũng đang trên đường kéo ra Bắc, hiện đã tới Hoa Lư. Thấy bất lợi, Đăng Dung một lần nữa quyết định bỏ kinh thành, kéo sang bên tả ngạn vừa giữ Hải Dương vừa tập trung sức đánh Kinh Bắc, Bắc Giang. Chiêu Tông và quần thần trở lại kinh đô.
sở dĩ mãi lúc này Trịnh Tuy mới đem quân ra Bắc cũng vì nghi kỵ phía Nguyễn Kim. Thấy vậy Nguyễn Kim phải cho người vợ lẽ tới Thuỷ Chú làm con tin, điều đình với Trịnh Tuy để y xuất quân và xin góp quân Hà Trung, còn mình sang bên Ai Lao nhờ vua nước đó giúp. Bấy giờ Trịnh Tuy mới gom được quân ba phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia từ Thanh Hoa tiến ra Bắc. Lúc đó đã sang mùa đông và cuộc chiến ở Bắc Hà đã trải qua ba tháng.
Tới Đông Kinh, Trịnh Tuy nghĩ chưa thể đánh bại Đăng Dung được ngay, nên quyết định đưa Chiêu Tông về Tây Kinh để tính kế lâu dài. Nguyễn Kính ra sức can:
– Triều đình mong quân Tam phủ mỏi mắt, nay quân đã ra tới đây, nhẽ nào lại không đánh mà chỉ để đem vua về Tây Đô?
Trịnh Tuy nói:
– Ngươi nói là hiểu rõ con người Đăng Dung, lại tiếng là người Sơn Tây, được Hoàng thượng cho làm Tham quân vậy mà chống lại Đăng Dung đã không nổi, đánh cái xó Sơn Tây cũng không xong, làm sao mà bàn việc lớn được! Quân Tam phủ là quân tâm phúc, một người bằng ngàn vàng, không thể để phí xương máu trong lúc bất lợi như thế này.
Nguyễn Kính đâm ra buồn bực và không muốn Thanh Hoa. Đang khi ấy, vào khoảng chập tối có người tới chỗ Nguyễn Kính. Kính nhận ra là quan nội phủ Nguyễn Thế An.
– Tướng quân có biết ba điều nguy đối với mình không? – Thế An hỏi.
– Ta làm sao mà nguy? Lại những ba điều là thế nào?
– Ngày trước tướng quân làm cho Hà Phi Chuẩn giận vì nhà vua nghe theo kế của tướng quân chứ không nghe theo y nhưng rốt cuộc kế của tướng quân cũng không thành khiến Phi Chuẩn lấy làm hả hê. Đó là cái nguy thứ nhất. Kế ấy không thành chẳng những khiến triều đình đại bại mà còn làm nhà vua xấu hổ với Phi Chuẩn. Đó là cái nguy thứ hai. Nhưng cả hai điều ấy cũng chả sao nếu như Trịnh Tuy không kéo quân ra Bắc, nay nhà vua có chỗ dựa mới, nhà vua sẽ không cần tướng quân nữa. Đó là cái nguy lớn nhất.
– Ta hiểu rồi nhưng biết làm sao bây giờ?
– Nhưng lại có một người đang rất cần tướng quân, tướng quân có biết không? – Nguyễn Thế An chấm tay vào chén nước rồi viết ra bàn chữ “Mạc” và nói – Bỏ chỗ hẹp hòi đến nơi rộng lượng đó mới là kẻ sĩ.
– Ta có ý thế đã lâu.
– Vậy thì tướng quân còn chần chừ gì nữa!
(Còn tiếp)
L.V.K