Mạc Đăng Dung – tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê – Kì 26

Đăng Dung lập tức cho người chặn các lối ra vào kinh đô để bắt Phạm hoàng hậu và Nguyễn Lĩnh. Nhưng chỉ bắt được Nguyễn Lĩnh. Mạc Đăng Dung nổi giận liền đem Nguyễn Lĩnh ra chém nhưng không nhờ thế mà yên tâm bởi nếu Gia Khánh sau này sinh con trai thì đó quả là mối lo lớn. Đấy là chưa kể hoàng tử trưởng của Chiêu Tông và Gia Khánh mất tích bấy lâu, còn sống hay đã chết không ai biết… (Tiếp kì 26)

Đăng Dung lập tức cho người chặn các lối ra vào kinh đô để bắt Phạm hoàng hậu và Nguyễn Lĩnh. Nhưng chỉ bắt được Nguyễn Lĩnh. Mạc Đăng Dung nổi giận liền đem Nguyễn Lĩnh ra chém nhưng không nhờ thế mà yên tâm bởi nếu Gia Khánh sau này sinh con trai thì đó quả là mối lo lớn. Đấy là chưa kể hoàng tử trưởng của Chiêu Tông và Gia Khánh mất tích bấy lâu, còn sống hay đã chết không ai biết. (Tiếp kì 26)

19

Một hôm vào sáng sớm Ngọc Huệ khóc lóc hớt hải chạy tới kể với Đăng Dung rằng chồng mình là Nguyễn Lĩnh lập đảng phái mưu toan làm phản. Đăng Dung mắng em:

– Hay là em thấy nó lắm thê thiếp nên mày ghen, vu cho nó như thế?

– Quả là em có ghen thật. Đàn bà ai chả thế. Từ khi lấy thêm người thiếp thứ mười, em như người sống trong lãnh cung. Nhưng em cũng hiểu đàn ông năm thê bảy thiếp, có mới nới cũ là chuyện thường. Song em lại nghĩ trung, hiếu, tiết, nghĩa thì trung, hiếu đặt lên hàng đầu, tiết, nghĩa là thứ, nay chồng em mưu phản, chả nhẽ em lại chỉ biết đến chồng mà để cho sự nghiệp anh mình gây dựng bao năm bỗng chốc có thể đổ vỡ chăng?

– Sao em biết nó mưu phản?

– Em vô tình mà biết thôi. Cũng do cái tính ghen của em. Đêm ấy đã khuya, vì vẫn còn tức cái chuyện Lĩnh lấy thêm dì Mười nên em không ngủ được và mới tha thẩn ra hành lang, thì thấy người trong nhà đưa một người đàn bà vào chỗ Lĩnh. Chả nhẽ đã có những mười vợ mà Lĩnh còn vụng trộm ăn chả ăn nem sao? Em nghĩ thế nên mới lẻn tới nghe trộm họ chuyện trò. Vừa trông thấy người đàn bà ấy Lĩnh đã sụp lậy, người đàn bà ấy cũng quỳ xuống lậy Lĩnh. Hoá ra đấy là Gia Khánh hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Quỳnh của Chiêu Tông đến cầu cứu Lĩnh! Bà ấy đang có mang, bụng trông đã rõ lắm. Ngay đó Lĩnh đưa bà ta đi đâu em cũng không biết nữa. Đấy, nếu vì ghen tuông mà đi vu cáo chồng thì em được gì, ngoài mang thân goá bụa đến già?

Đăng Dung bảo em:

– Em vì họ ta mà không nghĩ đến mình, thật đáng khen. Nguyễn Lĩnh được hưởng sung sướng thế này, không hiểu còn đòi hỏi gì nữa? Hay hắn ta họ hàng gì với nhà Nguyễn Kim mà ta chưa rõ?

Nguyễn Lĩnh mang ơn sâu nặng với Chiêu Tông. Ngày trước sau khi cùng Nguyễn Khắc Hài mưu giết Tương Dực không thành, Lĩnh phải trốn lên Đà Giang, từ đấy ngầm liên hệ với Cẩm Giang vương nên sau khi lên ngôi Chiêu Tông đã vời Lĩnh ra nắm lại triều chính và phong tước cự hậu. Lĩnh làm đến tước Tiến Quận công, địa vị ngang hàng với Đông Quận công Mạc Quyết và chỉ kém có Mạc Đăng Dung, lại lấy em gái Đăng Dung nên không ai ngờ bấy lâu nay Lĩnh vẫn bí mật liên hệ với Nguyễn Kim ở Thanh Hoa, do vậy hết Mạc Quyết lại đích thân Mạc Đăng Dung tiến đánh Tây Đô đến mấy lần đều không lần được tung tích Nguyễn Kim là vì vậy.

Đăng Dung lập tức cho người chặn các lối ra vào kinh đô để bắt Phạm hoàng hậu và Nguyễn Lĩnh. Nhưng chỉ bắt được Nguyễn Lĩnh. Mạc Đăng Dung nổi giận liền đem Nguyễn Lĩnh ra chém nhưng không nhờ thế mà yên tâm bởi nếu Gia Khánh sau này sinh con trai thì đó quả là mối lo lớn. Đấy là chưa kể hoàng tử trưởng của Chiêu Tông và Gia Khánh mất tích bấy lâu, còn sống hay đã chết không ai biết.

Vì quá nghĩ ngợi chuyện Gia Khánh và thương em gái nên Mạc Đăng Dung cảm thấy mệt mỏi và thấy cần phải nghỉ ngơi, do vậy mấy tháng sau giao lại việc ở kinh đô cho Mạc Quyết và Mạc Đăng Doanh, còn mình cùng phu nhân Ngọc Toản về Cổ Trai an dưỡng.

Khung cảnh yên bình của những làng quê đi qua quả có làm Mạc Đăng Dung cảm thấy thư thái. Đã sang tháng Chạp nhưng gặp mấy hôm trời trở ấm và nắng nhẹ nên thời tiết rất dễ chịu, đất trời bớt đi vẻ u ám bấy nay khiến các cây vườn như xanh trở lại. Khi nắng tắt cũng là lúc đó đây phơ phất những sợi khói lam chiều cất lên từ các mái rạ và trên những cánh đồng do bọn trẻ con đốt nghịch hoặc nướng khoai. Trời lúc này có lạnh hơn lúc trưa nhưng trong những căn nhà không khí tưởng chừng lại ấm áp hơn bao giờ hết khi người lớn, trẻ con quây quần bên nồi cơm bốc thơm mùi gạo mới. Một cái gì đó thật bình yên và thấm thía khiến Mạc Đăng Dung cảm thấy như tìm lại được cái gì đó gần gũi bấy lâu nay xa vắng. Đám quân theo hầu còn lâng lâng hơn nữa, cứ nhìn vẻ mặt họ thì biết. Kẻ say sưa ngắm cảnh vật bên đường, căng ngực như muốn hít thật sâu hương vị của đồng quê.

Qua bến đò Sáu, Mạc Đăng Dung bảo phu nhân lên ngồi cùng xe với mình. Từ đây trở đi đã là đất Nghi Dương, ông thấy có nhiều điều muốn tâm sự cùng bà. Tưởng vậy nhưng ông chỉ nói được mỗi câu: “Sắp về tới quê rồi đấy!” rồi lại im lặng, bà cũng vậy, một cái gì đó khiến họ muốn dành hết cho cảnh vật bên đường và những điều thầm kín.

Quê hương không thay đổi bao nhiêu. Chỉ có con người là không thể như cũ: Ông lão lái đò ngày xưa không còn, người lái đò mới còn khá trẻ, chẳng hiểu có phải là con cháu của ông lão không, lúc định hỏi thì xe đi đã xa. Ngày  nào anh em Đăng Dung trúng Đô lực sĩ trở về, dân chúng hàng huyện đón rước vậy mà tới nay đã hơn 20 năm, tóc trên đầu Đăng Dung đã có sợi bạc. Những ngày đã qua đầy những sóng gió, gian nan! Vinh quang đổi bằng xương máu, vết thương ở chân bây giờ đã lên sẹo, mỗi khi tắm rửa trông thấy lại nhớ ngày đánh giặc Trần Thăng ở Lạng Nguyên, nhớ lúc tìm thấy  xác Mạc Đốc trong đám hàng nghìn cái xác chất đống rải suốt một đoạn đường dài và khắp cả dòng suối bên đường đến nỗi nước không chảy nổi; nhớ khi bị vây ba mặt ở luỹ Cẩm Giang, nếu không có con Cát mã thì hẳn đã xanh cỏ. Cũng ở Cẩm Giang ngày ấy có một đêm đi tuần sau trận đánh kéo dài gần một ngày, mới biết người còn sống mệt quá nằm ngủ ngay bên những xác chết, thỉnh thoảng có người chợt tỉnh ngủ khua tay xua đuổi bày quạ ăn đêm rồi lại ngủ tiếp, gió đồng đưa lại thoảng mùi máu và mùi của da thịt thối rữa; nhớ cảnh đưa Đà Dương vương ra khỏi động An Nhân núi Cao Trĩ, vị cựu hoàng lúc đó đói rách không khác gì kẻ hành khất, nhìn thấy mà nhớ những lúc y khoác hoàng bào nhởn nhơ vui thú bên bày cung nữ ai cũng đẹp như tiên… Cuộc đời con người ta là cả một sự đánh đổi, giành giật.

Thấy quân lính tiền hô hậu ủng, ngựa xe rầm rộ, dân chúng biết là Mạc Đăng Dung về quê. Không ai bảo ai, bỏ hết các việc chạy ra đường cái đón, tung hô “thiên tuế”. Nhiều người bỗng nhiên bật khóc. Tới lối rẽ vào nhà nhạc phụ, hai vợ chồng Đăng Dung cùng xuống xe đi bộ một đoạn rồi mới trở lại xe. Phải về quê nội trước rồi mới trở lại thăm quê ngoại.

*

Từ khi trở lại kinh đô không đêm nào Đà Dương vương ngon giấc. Từ chỗ là một ông vua nay làm kẻ bày tôi, Đà Dương vương thấy nhục vô cùng, nhất là những khi lâm triều, nhìn lên thấy thằng em mình mới ngày nào một điều bệ hạ, hai điều hoàng huynh nay cứ mở miệng là xưng trẫm; còn Đăng Dung, khi đối diện với Đà Dương vương vẫn cứ thản nhiên, coi như mọi chuyện không phải do ông ta gây ra! Trở về phủ Đà Dương vương có khuây khoả đôi chút nhưng đêm đến lại trằn trọc, nhất là lúc vô tình quờ tay sang bên cạch theo thói quen lại thấy không có ai mà ngày trước thể nào cũng có phi tần, không người này thì người khác.

Đà Dương vương nhất định không vào triều nữa, yêu cầu được giam ở lãnh điện. Một hôm tự nhiên có viên giấy không hiểu ở đâu bắn vào đúng người Đà Dương vương. Giở ra mới biết là mật thư của Nguyễn Kim báo tin Hoàng hậu đã ra Đông Kinh và được Nguyễn Lĩnh đem đi trốn an toàn nhưng Lĩnh bị phát giác và đã bị hại. Còn Thái tử Duy Ninh, nghe nói có người đem được vào Thanh Hoa nhưng chưa rõ ở đâu, hiện đang tìm gấp…

Đọc xong, Đà Dương vương thở dài, tự nhủ: “Thôi, vậy là ta nhắm mắt được rồi”, sau đó bảo lính gác đem cho mình rượu độc.

Tháng Chạp năm ấy, niên hiệu Thống Nguyên thứ 6 (1526), Bái Khê bá Phạm Kim Bảng mang rượu độc tới, nói với Đà Dương vương:

– Vua Thống Nguyên sai tôi đem ngự tửu ban cho đại vương.

Đà Dương vương cười:

– Em ta không làm thế, đây chỉ là cách của Đăng Dung thôi!

Phạm Kim Bảng nói:

– Nghĩ thế cũng đúng nhưng không có gì là thâm thuý bởi từ cổ chí kim xưa nay đều đối xử như thế này. Vả lại đây chính là ý nguyện của đại vương. Đại vương cũng đừng trách ai vì suy cho cùng chuyện này từ chính hoàng tộc mà nên và do chính đại vương gây ra! Giá như đại vương chịu làm một kẻ bày tôi thì đâu đến nỗi cùng đường thế này!

– Ta mà chịu cúi đầu như vậy ư? Ta chờ ngày này đã lâu, tận từ hôm ở Lang Chánh. Sở dĩ ta không muốn chết ở Lang Chánh mà ra đây là cốt gặp mẹ ta, xin mẹ ta tha thứ cho đứa con bất tài bất hiếu này. Thật thương cho mẹ ta già yếu đi rất nhiều. Còn em ta, bấy lâu nay ra sao?

– Vua Thống Nguyên vẫn vậy.

– Nhưng nó chẳng được như ta có phải không? ít ra ta còn có chút quyền hành, nó thì buông tay áo ngồi như một ông phỗng để Đăng Dung điều hành mọi sự chứ gì?

– Nhân Quốc công đã về quê an trí nhiều tháng nay, lánh mọi quyền hành!

Chiêu Tông cười chua chát rồi điềm nhiên uống hết chỗ rượu và ngả lưng xuống giường nằm, cắn răng chịu đau mà chết, năm ấy mới 21 tuổi, ở ngôi được 7 năm.

*

Đầu năm Thống Nguyên thứ 6 (1527), các quan đại thần cùng nhau ký vào tờ bảo cử do Bộ Lại thảo, dâng vua xin thăng cho Mạc Đăng Dung lên tước Thái sư An Hưng vương và ban cho cửu tích, gồm: 1. dùng xe ngựa, kiệu và lọng tía, quạt vẽ rồng; 2. áo mão thêu rồng đen, dai dát ngọc; 3. được dùng nhạc khí ở nơi phủ đường và khi đi đường; 4. cửa phủ được sơn son; 5. cho nạp bệ đặt riêng trên điện và cho được ngồi khi chầu vua hoặc cùng các quan thị triều; 6. có quân hổ bôn hộ vệ và được Hổ bôn Trung lang tướng theo hầu; 7. quân hổ bôn được mang phủ việt; 8. được dùng cung tên mũi bịt bạc hoặc tra ngà voi; 9. được dùng rượu cửu xưởng.

Nhà vua nói:

– Từ đời vua Đoan Khánh đến Quang Thiệu, suốt gần 20 năm thiên hạ không lúc nào yên, chuyện phế lập xảy ra liên miên, hôm qua thế này hôm nay đã thế khác. Nhân Quốc công ra tay chỉ trong vòng mấy năm thôi mà bốn cõi đều yên, năm sáu năm nay thiên hạ an hưởng thái bình, công lao ấy xưa nay dễ ai sánh nổi, vậy nên phong cho là An Hưng vương, ban cửu tích là xứng đáng lắm. Các quan dâng bảo cử thật đúng lúc và hợp ý trẫm. Nay Nhân Quốc công đang ở Nghi Dương, vậy nên cho đại thần mang chỉ của trẫm và các thứ về đấy.

Vua bèn sai Tùng Dương hầu Vũ Hữu, Lan Xuyên bá Phan Đình Tá, Trung sứ Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ tiết, đem kim sách và các thứ kể trên cùng chiếc quạt lụa có thơ của vua đến tận Cổ Trai tuyên bố mệnh vua ban cho Đăng Dung. Đăng Dung được báo trước nên đón tiếp đoàn sứ giả tại bến đò An Sáp bên phía hạt Tiên Minh.

Chiếc quạt vua ban một mặt vẽ rồng, một mặt tự tay vua viết tặng Đăng Dung một bài thơ, ví Đăng Dung như Chu Công ngày xưa phò giúp nhà Chu:

Giúp vận nhà Chu thực tự trời

Chăm lo công việc dụng nhiều tài

Gièm pha mặc kẻ bày mưu kế

Trung hiếu bền lòng chẳng chút sai

Lễ đủ Nhạc hoà ngày thịnh trị

Chính ngay Hình ít buổi bình thời

Tiếng hay Đức tốt nghìn thu rạng

Đạo hạnh người xưa hãy cố noi

Nhân ngày tết Đoan ngọ, Mạc Đăng Dung tới kinh đô bái tạ nhà vua đã thăng tước và ban cho cửu tích rồi lại về ngay Cổ Trai.

(Còn tiếp)

L.V.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder