Nhưng lần này Mạc Chính Trung chỉ bắn vào trại mũi tên buộc cuốn thư chứ không vào. Nguyễn Nghiêm định xé thư thì Thận Huy ngăn lại. Đã bao nhiêu lần xé thư, ít ra cũng nên biết Đăng Dung nói những gì. Thận Huy giở thư, ngay những dòng đầu tiên đã khiến họ bàng hoàng: Nhà Mạc đã thay thế nhà Lê! Vua Mạc khuyên họ đầu hàng triều đình. Đàm Thận Huy ngồi lặng đi không nói được câu nào…(Tiếp kì 28)
Nhưng lần này Mạc Chính Trung chỉ bắn vào trại mũi tên buộc cuốn thư chứ không vào. Nguyễn Nghiêm định xé thư thì Thận Huy ngăn lại. Đã bao nhiêu lần xé thư, ít ra cũng nên biết Đăng Dung nói những gì. Thận Huy giở thư, ngay những dòng đầu tiên đã khiến họ bàng hoàng: Nhà Mạc đã thay thế nhà Lê! Vua Mạc khuyên họ đầu hàng triều đình. Đàm Thận Huy ngồi lặng đi không nói được câu nào.(Tiếp kì 28)
Khi được đưa lên ngôi, Thống Nguyên mới 16 tuổi, cái tuổi đã biết đến lo nghĩ nên nhà vua chẳng lấy làm vui mừng gì khi thấy mình bỗng nhiên thành người đứng đầu thiên hạ. Ngày tháng trôi đi, ngẫm đến thời thế, vận mệnh, nhà vua lại càng buồn và thường mượn rượu để giải buồn nhưng buồn lại càng buồn nên ngày nào cũng say. Vua chưa lập Hoàng hậu vì tình cảm đối với Nguyễn Quý phi và Đào Quý phi đều như nhau, cả hai lại đều chưa có con; các cung tần mỹ nữ khác cũng vậy. Một phần do buồn nên Cung Hoàng ít nhòm ngó đến họ, ngay cả với hai Quý phi nhà vua cũng chỉ thường lấy họ làm bạn rượu! Bởi thấy Cung Hoàng rượu chè, can không nổi, Nguyễn Quý phi, Đào Quý phi đành chiều vua rồi cũng sa vào thói xấu đó từ lúc nào không biết! Rượu say, cả ba cùng làm thơ hoặc ngêu ngao hát. Vua và họ đều chẳng có việc gì làm.
Quan lại trong triều thì coi nhà vua có cũng như không. Họ chỉ biết đến cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, sau đấy là Mạc Quyết. Mặc dù bên cạnh nhà vua cũng còn một vài kẻ thân tín tuyệt đối trung thành như Trương Phu Duyệt, Nghiêm Bá Kỳ… nhưng nhà vua hiểu họ không giúp được mình gì nhiều, chẳng những vậy mỗi khi trông thấy bộ mặt khó đăm đăm của họ, nhà vua còn thấy buồn hơn, thậm chí còn cáu bẳn với họ.
Mọi sự một tay Thái hậu ngấm ngầm sắp xếp. Bà đã bí mật liên hệ được với một vài đại thần trung thành như Lê Công Uyên, Đàm Thận Huy, nhủ họ hãy vì nhà vua mà gắng sức cần vương. Nhưng thật không may, người liên hệ với Nguyễn Kim lại bị bắt cùng với bức thư! Giá như hắn làm như không có chuyện gì để được tha thì không sao, đằng này lại bỏ trốn khác chi giấu đầu hở đuôi. Mới đây nhất, việc dùng đèn làm hiệu liên lạc với bên ngoài đã bị phát giác, tên bị bắt không chịu nổi tra khảo đã khai rằng anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang đang hẹn ngày đem quân xuống cứu giá.
Việc Mạc Đăng Dung đột ngột trở lại kinh đô làm Thái hậu và nhà vua vô cùng lo lắng và đoán thể nào cũng có chuyện, nhất là được biết Đăng Dung đi đến đâu, dân chúng kinh đô tưng bừng đón rước đến đấy, người hàng phố đổ ra đông chật đường, kẻ đằng trước rạp người cúi lậy, kẻ đằng sau náo nức đi theo, có kẻ còn bạo mồm tung hô vạn tuế!
Y như rằng, một sáng, Mạc Quyết và mấy chục quan văn võ cùng đội thị vệ vào tận thâm cung nói vì nhà vua không đương nổi chính sự lại mưu toan đưa đất nước và trăm họ vào vòng loạn lạc, vì vậy mời vua ra điện Thị Triều để nhường ngôi cho Thái sư An Hưng vương. Vua há hốc mồm không nói được câu nào rồi gật đầu, cứ thế đi theo các quan văn võ, cum cúp như người mất hồn. Hai Quý phi oà khóc. Thái hậu mặt tái đi, bỗng chốc già đến chục tuổi. Ra đến điện, thoáng trông thấy Mạc Đăng Dung, nhà vua bỗng toát hết mồ hôi, không có người đỡ thì đã xỉu xuống đất. Một người nói:
– Nhà vua muốn nhường ngôi thì phải có chiếu! Xin Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt viết chiếu cho vua.
Trương Phu Duyệt run lên vì tức giận, bảo:
– Thế là nghĩa gì?
– Thay vua viết sớ viết chỉ thăng giáng là việc của ông! Chiếu nhường ngôi không ông viết thì còn ai nữa?
– Ta không viết thì sao?
– Vậy xin mời Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo chiếu.
Nguyễn Văn Thái nhận giấy bút và thảo chiếu. Trong khi đó, một bên là Binh bộ Thượng thư Từ Quận công Vũ Hộ, các nguyên Thượng thư Lê Thúc Hựu, Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung, Phạm Gia Mô… chừng hai chục người; một bên là Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt, Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Thiệu Tri, Tham chính sứ Nguyễn Huy Tường, Binh Hồ bá Nghiêm Bá Kỳ, Đô Ngự sử Lại Kim Bảng… tất cả dăm bảy người; hai bên mắng nhiếc nhau ầm ầm. Nhưng khi Nguyễn Văn Thái viết chiếu xong, đưa cho Mạc Đăng Dung xem trước thì tất cả bỗng im bặt. Một không khí thật căng thẳng và nghiêm trọng.
Đêm trước Thái hậu mơ giấc mơ kinh hoàng, bà thấy mình lang thang đi trong sương gió, đang lo không biết sẽ đi đâu đến đâu thì trong màn sương dày đặc một người đàn ông bước ra, người đó trông vừa quen lại vừa lạ, trong khi Thái hậu còn chưa kịp nhận ra ai thì người đó thở dài bảo: “Phu nhân không nhận ra tôi sao? Tôi là Cẩm Giang vương, phu quân của mình đây!”. Thái hậu ngỡ ngàng: “Chả nhẽ mình đấy sao? Trông mình lạ quá!”. “Lạ là lạ thế nào?”. “Mình chẳng già đi tí nào! Đáng lẽ mình phải tóc bạc da mồi rồi mới phải!”. Cẩm Giang vương bảo: “ Tôi còn già làm sao được nữa! Mình đúng là già đi nhiều và còn gầy nữa!”. Thái hậu thở dài: “Gần 50 tuổi rồi sao mà chẳng già! Lại lo nghĩ nhiều nên gầy. Nhưng sao cứ gọi nhau là tôi với mình như ngày trước mãi thế. Ngày trước ăn nói kiểu quê mùa còn được chứ bây giờ tôi đã là Hoàng Thái hậu, mình cũng được con nó phong là Minh Tông Triết hoàng đế cơ mà!”. “Kể ra như thế cũng được đến 12 năm rồi đấy nhỉ, tôi còn được nương nhờ hương khói cùng với các tiên đế.”. Thái hậu ngạc nhiên và kinh sợ hỏi: “Mình bảo sao? Mình nương nhờ hương khói à?”. “Thì tôi có còn sống đâu mà chả vậy! Rồi mình cũng thế thôi! Tôi bị Uy Mục nó giết còn mình và con thì bị…”. Thái hậu hét lên ngắt lời chồng: “Ai dám giết tôi?” và giật mình tỉnh dậy, mới biết mình là mơ, mồ hôi toát ra như tắm. Thái hậu bèn gọi các các cung nữ vào, kể chuyện cho họ nghe. Có người khóc, có người lặng im, có người nói:
– Thế thì nay mai tôi về quê đây, ở mãi bên Thái hậu đã buồn thì chớ lại chẳng ra cái gì.
– Ngươi bảo chẳng ra cái gì là sao?
– Tiếng là Thái hậu mà chẳng có quyền hành gì, cáu gắt lạu bạu như ma với chỉ giỏi sai phái mấy đứa chúng tôi, chứ còn sao nữa!
– Ngươi nói gì? Đừng có hỗn!
– Thì hỗn đấy, bà làm gì tôi nào? Ba ở trong cung không biết chứ ngoài kia ai cũng chỉ mong nhà Mạc thay thế nhà Lê! Bà chẳng còn to họng được bao lâu nữa đâu!
Thái hậu bực quá quát lên:
– Người đâu, sao không lôi con tiện tì này ra ngoài kia đánh chết cho ta?
Không một ai nhúc nhích, có người nói trống không: “Chỉ được cái cả vú lấp miệng em!”.
Đang lúc ấy Thống Nguyên vào, Thái hậu đã định kể cho con nghe mọi chuyện thì Thống Nguyên đã nói:
– Đêm qua con mơ lạ lắm mẹ ạ. Con mơ đang dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm
thì thần Kim Quy hiện lên bảo: “Trả lại quả ấn cho ta!”. Con nói: “Trước đây thần đòi gươm báu thì vua Thái Tổ đã trả ngay, bây giờ còn quả ấn nào nữa?”. Thần Kim Quy nói: “Hồi trước Lê Thận đánh chài ở sông Lam Xuyên có bắt được thanh kiếm quý trên thân kiếm có hàng chữ triện, ít lâu sau Lê Lợi nhặt được cái chuôi kiếm ở gốc đa, chuôi khắc hình rồng và hổ, lại có chữ “thanh thuý”, đem về tra vào lưỡi kiếm dạo trước thì vừa vặn không sai một tí nào. Lê Lợi dùng thanh kiếm ấy đi đánh giặc Ngô, đánh đâu thắng đấy. Thanh kiếm ấy về sau ông ấy đã đem trả ta tại hồ này. Nhưng còn quả ấn thì chưa trả, bởi vì ngay sau hôm Lê Thận đánh chài được thanh kiếm thì bà Phạm Thị Ngọc Trần, chính thất của Lê Lợi ra vườn hái rau, đến chỗ cây rau có hình bàn chân thì thấy một quả ấn dài rộng vuông vắn, khắc mấy chữ lối triện, trên lưng quả ấn khắc đích tên họ Lê Lợi. Lê Lợi giữ quả ấn ấy để làm quốc ấn, nay hãy đem trả lại cho ta!”. Con cười bảo: “Hết giặc thì lau sạch can qua nên trả gươm là đúng, còn đã là quốc ấn thì đời vua trước truyền cho vua đời sau, trả làm sao được.”. “Biết rồi! Nhưng quả ấn ấy khắc chữ “Lê Lợi” tức là chỉ dùng cho nhà Lê thôi, nay nhà Mạc thay thế, quả ấn ấy không còn giá trị nữa, để lại chỉ thêm rắc rối, nên phải giả cho ta!”. Lúc đó con đành phải thú thực là Chiêu Tông lúc chạy vào Thanh Hoa có đem theo đại ấn và ngự ấn, đại ấn chính là quả ấn ấy, sau này Chiêu Tông bị bắt, Mạc Đăng Dung có ý tìm cả hai cái ấn nhưng đều không thấy. Thần Kim Quy quát lớn: “Từ nay về sau ta còn nhiều lần nữa nổi lên đòi quả ấn, đòi kỳ được mới thôi, hãy nhớ lấy!”. Rồi thần nổi giận phun nước hồ vào người con, con thét lên, tỉnh dậy mới biết là mơ!
Thái hậu vẫn chưa kịp kể lại giấc mơ của mình cũng như phàn nàn về đám thị nữ hỗn hào thì Mạc Quyết dẫn thị vệ vào cung nói rõ việc nhường ngôi và mời nhà vua ra điện Thị Triều.
Hôm ấy là ngày 15, ngày canh thân, tháng 6, năm Đinh Hợi (1527), tức là năm Thống Nguyên thứ 6, Cung Hoàng nói xin nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung rồi sai Tư lễ giám Quảng vụ Điển sự Tổng Thái giám Lê Khoái thay mặt mình tuyên chiếu. Lê Khoái giọng run run như đẫm đầy nước mắt, đọc:
“Vua Thái Tổ ta, thừa thời cách mệnh, bèn có bốn phương, các thánh truyền ngôi, đã nhiều lịch số. Đó là lòng người hợp với trời xui nên vậy.
Từ cuối thời Hồng Thuận, gặp lúc quốc gia nhiều nạn, Trần Cảo bắt đầu gây loạn; Trịnh Tuy lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp. Lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà ta vậy.
Ta bạc đức nối ngôi, không thể gánh nổi. Mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung, là người tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước, trăm họ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều quy phục.
Nay theo lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Nên cố sửa đức, lâu giữ mệnh trời, để yên nhân dân. Mong kính theo đó”.
Đám Trương Phu Duyệt nghe tuyên chiếu xong không một ai ở lại, bỏ về hết.
Mạc Đăng Dung nhận chiếu rồi xưng là hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đặt niên hiệu là Minh Đức, phế truất vua cũ xuống làm Cung vương, rồi theo lệ thường, đem giam cùng với Thái hậu và hai Quý phi ở cung Tây Nội.
Nguyễn Quý phi là con gái Thông Quốc công Nguyễn Thời Trung, Đào Quý phi là con gái Lỵ Quốc công Đào Đại La. Khi cả hai bị giam cùng Cung vương, thấy họ khổ cực quá, hai gia đình mới xin với triều đình cho đón hai người về, bảo là cần họ ở bên cha mẹ để chăm sóc tuổi già. Triều đình ưng cho nhưng khi người nhà của họ đến đón, chỉ Đào Quý phi về. Nguyễn Quý phi bảo: “Cha ta trăm tuổi đã có anh em chăm sóc; ta hầu vua thì sống chết với vua, không có lý gì mà bỏ về”, người nhà đành về; lần sau lại được sai đến đón, Nguyễn Quý phi vẫn nhất định ở lại, gia đình phải cho người hầu gái bế lên võng ép về, phi khóc, về nhà không chịu ăn uống gì rồi chết.
Thái hậu và vua Cung Hoàng suốt 7 ngày không được ăn uống gì. Một hôm quân lính mang tới tấm lụa. Thái hậu hiểu lẽ đời vốn thế nên chỉ còn biết nguyền rủa kẻ bất trung thoán nghịch rồi xé tấm lụa, hai mẹ con tự thắt cổ chết. Cung Hoàng ở ngôi được đúng 5 năm, khi mất mới 21 tuổi. Đó là năm Đinh Hợi (1527).
Triều Lê kể từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) đến Cung Hoàng, gồm 10 đời vua, cả thảy đúng 100 năm. Nếu tính cả thời gian Lê Lợi dấy quân khởi nghĩa và xưng là Bình Định vương năm Mậu Tuất (1418) thì là 110 năm.
Một triều đại mới bắt đầu.
***
Đàm Thận Huy và Nguyễn Nghiêm mấy lần đem quân từ Kinh Bắc đánh xuống Gia Lâm nhưng đều bị thua, thậm chí còn bị đánh bật khỏi Thị Cầu, Đình Bảng, phải rút lên Yên Thế. Một hôm tự nhiên Thận Huy thấy rùng mình, Nguyễn Nghiêm cũng cảm thấy trong người khác lạ. Cùng lúc đó quân lính vào báo kẻ công sai dạo nào lại đến dụ hàng. Nguyễn Nghiêm mặt đỏ tía tai:
– Công sai gì nó. Có người nói đấy là Mạc Chính Trung, con thứ hai của Mạc Đăng Dung. Nó đánh lừa chúng ta, nói là công sai để làm nhục chúng ta đây! Lần này xin tướng công cho tôi giết hắn.
– Dẫu có là con của Đăng Dung thì vẫn là đứa vô danh tiểu tốt miệng còn hơi sữa, vậy mà trước bạo lực không hề sợ hãi, ứng đối trôi chảy. Thật đáng nể trọng. Nay ta không giết nó thì nó còn đến dụ hàng, giết thì thiên hạ mất một tuấn kiệt. Có lẽ phải giết thôi!
Nhưng lần này Mạc Chính Trung chỉ bắn vào trại mũi tên buộc cuốn thư chứ không vào. Nguyễn Nghiêm định xé thư thì Thận Huy ngăn lại. Đã bao nhiêu lần xé thư, ít ra cũng nên biết Đăng Dung nói những gì. Thận Huy giở thư, ngay những dòng đầu tiên đã khiến họ bàng hoàng: Nhà Mạc đã thay thế nhà Lê! Vua Mạc khuyên họ đầu hàng triều đình. Đàm Thận Huy ngồi lặng đi không nói được câu nào. Nguyễn Nghiêm thở dài:
– Chúng ta đang cố tìm cách cứu giá, sao nhà vua đã vội nhường ngôi nhanh thế.
– Chúng ta mấy lần xuất trận đều thất bại, trước còn giữ được Thị Cầu, Đình Bảng, Tây Kiều, nay chỉ còn cái xó Yên Thế này thì nhà vua chờ mãi sao được! Sát thân thành nhân, chúng ta chỉ còn biết lấy cái chết để tỏ lòng trung nghĩa làm gương cho người đời mà thôi.
Đàm Thận Huy rũ áo đứng dậy vào nhà trong. Chờ mãi không thấy Thận Huy ra, Nguyễn Nghiêm vào xem thì đã thấy ông ta nằm trên giường, mặt tím lại, máu vẫn còn rỉ bên mép. Bên cạnh là lọ thuốc độc.
L.V.K
(Còn tiếp)