– Sĩ, nông, công, thương, trong tứ dân thì kẻ sĩ và nhà nông đứng đầu. Nay mở mang chợ búa, xây lò làm sành sứ, cho giao thương các nơi, thì chẳng những nghề nông và nghề canh cửi mai một mà việc học hành cũng vì thế bị sao nhãng. Đó là chưa kể đồng tiền có thể khiến người ta mờ mắt, kẻ sĩ do vậy dễ bị lung lạc, đất nước mất đi nền nếp. Vậy mong bệ hạ xét kỹ… (Tiếp kì 30)
– Sĩ, nông, công, thương, trong tứ dân thì kẻ sĩ và nhà nông đứng đầu. Nay mở mang chợ búa, xây lò làm sành sứ, cho giao thương các nơi, thì chẳng những nghề nông và nghề canh cửi mai một mà việc học hành cũng vì thế bị sao nhãng. Đó là chưa kể đồng tiền có thể khiến người ta mờ mắt, kẻ sĩ do vậy dễ bị lung lạc, đất nước mất đi nền nếp. Vậy mong bệ hạ xét kỹ. (Tiếp kì 30)
Ở Cổ Trai ngày trước đã phủ Hưng Quốc dành cho Mạc Đăng Dung, phủ Từ cho Mạc Đốc, phủ Tín cho Mạc Quyết. Nay vua Mạc chọn Nghi Dương làm Dương Kinh, coi là kinh đô thứ hai của quốc gia nên sai lập thêm một số cung điện nữa ở Cổ Trai như điện Phúc Hưng, điện Tường Quang, đồng thời sửa sang đường sá, mở mang chợ búa.
Nhà vua cũng không quên tìm về xã Lũng Động, huyện Chí Linh, cho dựng điện Sùng Đức ở nền nhà của của ông tổ bảy đời là Kiến thủy Khâm minh Văn hoàng đế Mạc Đĩnh Chi. Họ Mạc ở Cổ Trai vốn gốc tích tại đấy, bắt đầu hiển đạt từ Mạc Hiển Tích, đỗ Văn học thủ tuyển năm Bính Dần, niên hiệu Quang Hựu triều vua Lý Nhân Tông, làm quan đến chức Thượng thư. Ba năm sau đến lượt em của ông là Mạc Hiển Quan cũng đỗ Văn học thủ tuyển (*). Cả nước lúc bấy giờ đều lấy anh em họ làm tấm gương cho việc học hành và đem tài trị nước. Năm đời sau, họ Mạc ở Lũng Động lại có Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long triều vua Trần Anh Tông. Ông người bé nhỏ, tướng mạo cực xấu nhưng rất thông minh nên người ta cho là Hầu tinh (**) giáng thế. Ông đi sứ Bắc quốc, ứng đối giỏi nên được vua Nguyên phong cho làm Trạng nguyên nước họ, từ đó thành “lưỡng quốc Trạng nguyên”. Nhưng hai con Mạc Đĩnh Chi là Mạc Khán, Mạc Trực đều chỉ đỗ Hương cống, từ đó họ Mạc sa sút dần. Đến đời nhà Hồ trong họ có người theo người Minh nên khi Lê Thái Tổ lên ngôi do sợ hãi mà một chi họ Mạc đã dời khỏi Chí Linh đến làng Lan Khê, huyện Thanh Hà, rồi lại từ đấy di cư về Cổ Trai; đến đời Mạc Đăng Dung, họ Mạc ở Cổ Trai đã trải qua bốn đời, trong đó ba đời chỉ sống bằng nghề đi biển đánh cá…
Một hôm có người từ Cổ Trai ra Đông Kinh tâu với vua việc xây dựng ở Cổ Trai và chở giấy bản về để trộn với mật mía xây tường gạch, nhân đó cho biết gần đây nhiều thuyền buôn nước ngoài vào sông Văn úc, vậy có nên cho họ vào nữa không. Trong một buổi thiết triều, nhà vua mang việc này ra bàn với các đại thần:
– Trẫm đã sai Lâm Quốc công Nguyễn Quốc Hiến cùng mấy vị đại thần căn cứ vào tân chính sách mà chăm lo cải cách chính sự, sửa đổi lại Binh chế, Điền chế, Lộc chế. Các việc đều trôi chảy. Nhưng còn nhiều điều khiến trẫm băn khoăn. Hôm nọ người ở Dương Kinh ra kể, dạo này thuyền buôn nước ngoài hay vào sông Văn úc, ngược sông lên tận Đông Minh và lên bờ để tới chợ. Họ nói những gì không ai hiểu nhưng cứ như điệu bộ thì đoán ra họ từ phía Nam tới. Trẫm biết ở phương Nam nước ta ngoài Chiêm Thành còn có các nước Chân Lạp, Chà Và, Mã Tà, Ma Ní, Xiêm La và mấy nước nữa. Da họ đen, người họ xấu chứ không được như ta nhưng do đi khơi đi lộng quen nên ai trông cũng rắn rỏi khoẻ mạnh. Họ lại là thương nhân vì vậy sành sỏi, giảo hoạt, chứ không như dân ta chân chỉ, thật thà vì chỉ quanh quẩn với công việc đồng áng và ít đi đây đi đó. Họ có vẻ thích bát đĩa và một số sản vật nước ta và hỏi mua. Dân ta thì thích vải vóc, hoa quả của họ, họ có những thứ quả trông rất lạ, có quả bổ ra bên trong toàn nước uống rất ngọt. Thế là hai bên đổi cho nhau. Từ đó thỉnh thoảng họ lại tới, mang theo nhiều hàng hoá rất lạ. _______________
(*) Đỗ đầu về văn học. Nhà Trần chưa đặt ra tam khôi nên Văn học thủ tuyển tương tự như Trạng nguyên sau này.
(**) Hầu: Khỉ.
Sở dĩ họ tới luôn là vì thấy nước ta sản vật phong phú, dân ta mấy năm nay an cư lạc nghiệp, Dương Kinh dạo này mở mang mà lái buôn thì hay đi tìm những nơi giao thương mới. Nhưng quan quân ở đấy lại lấy làm lo lắng, sợ họ có ý gì chăng nên cho người lên tâu với triều đình. Trẫm đem chuyện nói với Hoàng hậu, Hoàng hậu bảo hay là mở cái chợ thật lớn ở Đông Minh, trên bến dưới thuyền, gọi là Minh Thị, chở các đồ bát đĩa và các hàng nông sản từ các nơi tới vừa bán cho người mình vừa giao thương với nước ngoài. Trẫm muốn bàn với các khanh xem nên thế nào? Các khanh cứ nghĩ sao nói vậy, chớ ngại.
Nguyễn Văn Thái tâu:
– Ngoại quốc bụng dạ chẳng biết thế nào nên thần thiển nghĩ không nên mở thêm chợ ở đâu nữa, chỉ cần Kinh Kỳ, Phố Hiến như trước là đủ. Vả lại, chợ búa làm con người ta mất cái thuần phác đi mà sinh ra thói gian giảo để được giàu có, thêm nữa có khi dân chúng vì mê mẩn chợ búa mà bỏ hết công việc đồng áng rồi đua nhau mở lò bát đĩa để bán cho người nước ngoài khiến nghề canh cửi sẽ dần mai một.
Nguyễn Thì Ung nói:
– Sĩ, nông, công, thương, trong tứ dân thì kẻ sĩ và nhà nông đứng đầu. Nay mở mang chợ búa, xây lò làm sành sứ, cho giao thương các nơi, thì chẳng những nghề nông và nghề canh cửi mai một mà việc học hành cũng vì thế bị sao nhãng. Đó là chưa kể đồng tiền có thể khiến người ta mờ mắt, kẻ sĩ do vậy dễ bị lung lạc, đất nước mất đi nền nếp. Vậy mong bệ hạ xét kỹ.
Phạm Gia Mô nói:
– Các ông nói vậy là đúng nhưng chưa đúng hoàn toàn. Sĩ, nông, công, thương trong một nước phải đủ cả. Đành rằng nông vi bản nên sau kẻ sĩ là đến nhà nông nhưng tứ dân với bốn nghề như bốn cái chân của chiếc bàn, thiếu đi một chân phỏng có được không? Kẻ sĩ là cao quý nhưng cũng không ít hạng dài lưng tốn vải, lái thương là hèn hạ nhưng không ít người giỏi giang, có khi còn có tài lương đống. Mọi việc cũng thế, đều có cái hay cái dở, mặt phải mặt trái, mặt trái. Nay mở chợ, giao thương với các nơi cũng như với nước ngoài, tất nhiên hay có mà dở cũng có, phải có mà trái ắt cũng sẽ sinh ra, cái chính là phải làm sao để cái hay át cái dở, mặt phải lấn mặt trái. Tâu bệ hạ, tân chính sách triều đình chẳng bao lâu nữa sẽ ban bố thật đã thể hiện tinh thần pháp trị mà bệ hạ từng tâm huyết từ lâu. Vậy thì việc buôn bán cũng cứ từ đấy mà hành xử, đúng thì cho, không đúng thì ngăn cấm. Việc chợ búa cứ cho mở, kẻ buôn bán thì phải nộp thuế bằng tiền bạc, tuỳ theo mức độ. Có thuế má, kho tàng của triều đình lại càng nhiều thêm thì càng tốt chứ sao.
Nhà vua khen:
– Khanh nói hợp với ý trẫm. Phát triển bách nghệ, giao thương trong ngoài là mong ước từ lâu của trẫm nhưng chưa có dịp. Nay chính là lúc trẫm được sở nguyện. Khanh lại là người vùng ấy nên thông thạo địa dư, phong tục, nay trẫm giao cho khanh và Lê Thời Bật cũng người trong vùng xem xét kỹ việc mở chợ Minh Thị rồi trình bày cho triều đình. Khanh cũng không được bỏ qua những điều xuôi ngược các đại thần khác vừa bàn. Nhân nói đến kẻ sĩ, ta định sang năm mở kỳ thi Hương để kịp năm sau thi Hội và thi Đình, các khanh thấy thế nào?
Trạng nguyên khoa Bính Tuất (1526) Trần Tất Văn tâu:
– Hạ thần và 19 tiến sĩ nữa là những người cuối cùng đỗ đạt ở triều đại trước nên rất hiểu tâm trạng của các sĩ tử. Mười người thì đến chín người mừng cho chúng thần, đồng thời than thở rằng họ không may sinh sau đẻ muộn hoặc học hành chưa đến nơi đến chốn nên chậm bước, chỉ lo vua Minh Đức do bận nhiều việc quan trọng hơn, chưa chắc năm Kỷ Sửu này đã mở khoa thi tiến sĩ. Vậy nên nếu bệ hạ vẫn cho thi đúng kỳ thì thật phúc lớn cho thiên hạ.
Trạng nguyên khoa Quý Mùi (1523) Hoàng Văn Tán tâu:
– Nếu được vậy thì sĩ tử thật náo nức! Nhân đây thần muốn bàn về việc thi cử: Nhiều năm nay sự học được khuyến khích nên kẻ sĩ trong nước đông đảo, mỗi khoa tới năm, sáu nghìn sĩ tử là chuyện thường. Thời vua Thánh Tông quy định số người đi thi xã lớn 20 người, xã trung 15 người, xã nhỏ 10 người. Đông thế nhưng rút cuộc mỗi khoa chỉ chọn được bốn, năm chục tiến sĩ chứ không nhiều, có năm chỉ mươi, mười lăm người. Qua đó đủ thấy nhiều kẻ học như chỉ cốt được làm quan, đỡ phải việc đồng áng vất vả. Cùng từ đấy sinh ra nhiều thói gian trá, như khoa Canh Thìn năm Quang Thiệu, có hai người đang trọng tang nhưng cố giấu để đi thi nên sau khi bị phát giác dù đã đỗ vẫn bị loại. Lại nghe nói ở vùng Hải Đông có người đã đỗ nhưng phải ở nhà một năm, năm sau mới được bổ dụng bởi hôm vinh quy, vợ cả vợ lẽ tranh nhau đi trước không ai chịu nhường ai. Vợ còn không dạy nổi thì sao dạy nổi dân! Chưa kể lắm kẻ sĩ học mà không thông đòi nghĩa sách, hiểu chữ thánh hiền sai lạc đi khiến đạo Nho ngày càng không được xem trọng. Kẻ sĩ đúng là nhân tài của đất nước nhưng cần phải thực chất. Vậy nên bên cạnh việc thi cử nghiêm túc, khoa tới các sĩ tử đi thi cũng không nên nhiều.
Lê Bá Ly nói:
– Bao nhiêu năm nay thiên hạ mỏi mắt mong thay đổi triều đại, nay triều đại đã được thay đổi nhưng ngay từ đầu đã hạn chế sĩ tử, như thế không khỏi làm kẻ sĩ thất vọng, sinh ra bất mãn nên thần thiết nghĩ không nên. Đâu xa, ở ngay chính huyện Vĩnh Lại của Hoàng trạng nguyên, có một danh sĩ tên là Nguyễn Văn Đạt (*), về tuổi đã có thể ứng thí ngay từ thời Tương Dực nhưng vì thấy thời thế điên đảo nên mãi không chịu đi thi. Khoa này Văn Đạt mà đi thi thì thật may cho xã tắc lắm.
Nhà vua gật đầu:
– Cả hai khanh nói đều có ý đúng. Kẻ sĩ cốt thực chất chứ không cốt nhiều. Nhưng vừa nhiều lại vừa thực chất thì càng tốt chứ sao. Việc này Bộ Lễ, Bộ Lại cùng nghĩ và chuẩn bị rồi trình trẫm.
Lễ Bộ Thượng thư Nguyễn Giản Thanh, Lại Bộ Thượng thư Đinh Trinh cùng lạy tạ nhận lệnh.
Nhà vua nói tiếp:
– Trẫm cũng có nghe thiên hạ nói đến Nguyễn Văn Đạt. Người này là con bà Nhữ Thị Thục, cháu ngoại Thượng thư Nhữ Văn Lan của triều trước. Trẫm nghĩ Văn Đạt sẽ còn cân nhắc nữa chứ chưa chịu ứng thí kỳ này đâu. Nghe nói người này sâu sắc và kỹ tính lắm.
Công Bộ Thượng thư là Nguyễn Đốc Tín tâu:
– Trở lại chuyện mở chợ Minh Thị, theo thần nên mở rộng chợ thành thương cảng. Nhưng dựng lò gốm ở đấy thì lại không được vì thổ nhưỡng không hợp mặc dù mở lò ở đó thì tiện cho việc chuyên chở. Hiện nước ta đã có những lò gốm nổi tiếng với nhiều thợ khéo như ở Phù Lãng, Bát Tràng, Chu Đậu thì hãy cho những nơi ấy phát triển thêm lên. Thần lại nghĩ bao nhiêu đồ sành sứ lâu nay ta vẫn dùng, cái của người Ngô thì đã rõ vì có chữ ở trôn nhưng của ta thì không biết đâu là đồ Phù Lãng, Bát Tràng, đâu là đồ Chu Đậu và các nơi khác. Chẳng qua vì không có chữ ở trôn nên hạ thần thiết nghĩ cho phép thợ các nơi ai muốn đóng dấu tên mình ở các đồ mình làm ra đều được.
Nguyễn Bỉnh Đức nói:
– Cái đó nhà nước xưa nay không cấm mà cũng chẳng bảo là cho phép, chẳng qua thợ không muốn hoặc không nghĩ ra mà thôi. Lò gốm Chu Đậu chính là ở trấn Hải Dương, hạ thần nhiều lần đến đấy nên biết rõ như vậy. Nay nên bảo cho lò gốm ấy làm trước, các nơi khác thấy hay ắt sẽ làm theo. Cái chính là họ thấy bát đĩa của mình đẹp thì mới dám đóng dấu tên của mình vào. Việc đóng dấu là điều hay vì từ đó khiến người ta đua nhau làm cho đồ của mình làm ra tốt đẹp hơn lên.
Vua Mạc bảo:
– Nhân nói về sành sứ, hôm nay trẫm sẽ cho các khanh xem các thứ ấy do các triều vua trước để lại, hiện bày trong cung. Dân ta cũng tài giỏi lắm. Nhiều thứ rất đẹp và lạ, từ hình thù đến nước men đều không kém gì của người Ngô.
Nhà vua đi trước, dẫn các quan theo sau vào thâm cung, nơi ngay các quan tam thái hàm nhất phẩm cũng chưa từng biết đến. Từ các đồ gỗ, kim khí, vải vóc cho đến đồ gốm sứ đều tuyệt mỹ. Buổi thiết triều hôm ấy do vậy lâu hơn thường lệ.
(Còn tiếp)
_____________
(*) Tên của Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi trẻ.