Mạc Đăng Dung – tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê – Kì 33

Nhân chuyện này, thiên hạ cho rằng sự kiện ứng với câu sấm “Quang dần núi đỏ rừng xanh”, nghĩa là hết dần những thế lực chống lại nhà Mạc, hai chữ “quang dần” là chỉ năm Canh dần! Cũng vì vậy quân của Lê ý nhiều kẻ hoang mang, không ít người bỏ trốn về nhà…(Tiếp kì 33)

Nhân chuyện này, thiên hạ cho rằng sự kiện ứng với câu sấm “Quang dần núi đỏ rừng xanh”, nghĩa là hết dần những thế lực chống lại nhà Mạc, hai chữ “quang dần” là chỉ năm Canh dần! Cũng vì vậy quân của Lê ý nhiều kẻ hoang mang, không ít người bỏ trốn về nhà.

.(Tiếp kì 33)

3

Còn mươi ngày nữa thì mới Tết nhưng không khí vui đón xuân mới đã tràn ngập khắp các phố phường kinh đô, nhất là vùng ven sông Hồng và sông Tô Lịch. Sông Tô chỗ cửa Hà Khẩu thông ra sông Hồng và trên bến sông gần cửa Đông và cửa Đại Khánh lúc nào cũng nườm nượp thuyền bè. Trong khi đó từng đoàn xe ngựa cũng hướng về cửa Đại Hưng của hoàng thành để đưa các quan đại thần vào chầu. Xe dừng ở ngoài cửa Đại Hưng, từ đây họ đi bộ tới điện Thị Triều. Mọi lần, dọc đường tới cửa Đoan Môn và trước sân điện bao giờ cũng diễn ra cảnh tay bắt mặt mừng rồi từng đám từng đám chuyện trò, thường là chuyện vui và những câu nói đùa, tất nhiên cũng cả chuyện buồn, chuyện gia đình, thế sự. Riêng hôm nay không khí khác hẳn, không thấy đám quan võ cười nói ầm ã như mọi khi và cũng chẳng thấy đám quan văn ăn nói đi đứng khẽ khàng đầy vẻ phong lưu nho nhã như trước, thay vào đó là cảnh người này thầm thì với người kia, nét mặt lộ rõ vẻ lo lắng. Nghe nói hôm nay nhà vua sẽ chính thức trình bày việc truyền ngôi cho Thái tử. Trong khi đó tin từ biên cương cho hay một số cựu thần nhà Lê sang cầu cứu nhà Minh đang ra sức xúi bẩy họ mang quân sang giúp khôi phục triều Lê. Cùng lúc ấy Nguyễn Kim ở Ai Lao được vua nước họ cho mượn đất Sầm Châu và cấp cho voi ngựa, hiện cũng đang ráo riết chiêu binh mãi mã để kéo quân về nước. Những chuyện trên không phải mới nghe lần đầu nhưng giờ thì hai năm đã rõ mười và đã thành chuyện nước sôi lửa bỏng nên việc nhà vua truyền ngôi cho Thái tử đúng vào lúc này quả là điều đáng lo.

Với những băn khoăn, lo lắng đó nên khi khai chầu, nhà vua vừa bày tỏ xong ý định ấy, nhiều đại thần đã nhất loạt tâu bày, mong vua hẵng khoan việc chuyển ngôi. Mạc Quốc Trinh nói:

– Lúc này là lúc không những cần người vững tay trị nước mà cần cả người mạnh tay giữ nước. Bệ hạ tuân theo mệnh trời mấy năm nay đảm đương cả hai việc ấy, trước sau đều trọn vẹn, nay mới ở ngôi được có ba năm, bỗng dưng truyền cho Đông cung, thần e dân chúng lại hoang mang.

Vũ Hộ tâu:

– Chúng thần vẫn biết mấy năm nay bệ hạ phải cầm lòng mà bất đắc dĩ vâng mệnh trời thế thiên hành đạo cho hợp với sở nguyện của dân chúng chứ thực bụng là muốn nghỉ ngơi. Nhưng nay dẫu không muốn ở trên muôn người cũng không được. Thần cũng có ý nghĩ như Thái sư rằng giờ bệ hạ định rời ngôi báu, liệu có làm cho dân chúng thất vọng không?

Mạc Quyết nói:

– Hoàng thượng nhường ngôi cho Thái tử chắc đã có chủ trương sâu sắc, nay xin Hoàng thượng cho biết để chúng thần được thấu tỏ.

Nhà vua gật đầu và bảo:

– Hiện nay, có mấy xứ chưa yên. Con công chúa An Thái là Lê ý lấy cớ phục Lê khởi binh tại Châu Gia, Thanh Hoa đồng thời cho người liên lạc với Nguyễn Kim bên Ai Lao. Hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật là người Ba Đông dưới Hải Dương, do phạm tội giết người nên trốn lên Tuyên Quang làm cướp. Anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang ở Thái Nguyên chống lại triều đình không được đã chạy sang Bắc quốc tâu với triều Minh rằng chúng ta chống lại sắc phong của thượng quốc, lấy mất ngôi của nhà Lê và xin họ mang quân sang nước ta. Chính do tình hình như vậy nên các khanh đều cho rằng lúc này là lúc không nên truyền ngôi, trẫm lại nghĩ khác, lúc này là lúc truyền ngôi thích hợp nhất. Thích hợp ở hai điều, thứ nhất cho thiên hạ biết trẫm không phải là người ham muốn ngôi báu, mà chẳng qua thể theo lòng dân, nay dân đã thoả nguyện thì trẫm cũng nên rời chỗ; thứ hai, trẫm muốn Thái tử lo việc nội trị còn trẫm được rảnh tay mà lo việc đối xử với Bắc quốc đồng thời trừ tận gốc những kẻ không muốn cho dân chúng được yên ổn làm ăn. Đấy, chủ trương của trẫm là như vậy. Trẫm sẽ làm Thượng hoàng ngồi bên cạnh để giúp Hoàng đế.

Mọi người xem ra đã vơi rất nhiều lo lắng. Vũ Hộ nói tiếp:

– Ý Hoàng thượng như vậy là đã rõ và rất sâu sắc, có lẽ chúng thần cũng không bàn bạc gì thêm nữa, chỉ nguyện trước sau như một ráng hết sức. Nay thần xin tiến cử các quan Mạc Văn Minh, Phạm Chính Nghị, Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh là những người cứng cỏi và khôn khéo mang theo đồ lễ vật lên biên giới lo lót với đám quan lại nhà Minh trấn thủ Lưỡng Quảng và Vân Nam. Bọn này nhận đồ lễ ắt trễ nải việc hai tên Ngung, Ngang sàm tấu. Vua Minh ở xa không rõ thực hư thế nào, có cho người dò xét thì cũng còn lâu vì riêng việc đi lại cũng mất hàng năm trời. Bản thân thần do biết chút ít địa dư Tuyên Quang, nay xin nguyện cầm quân dánh dẹp bọn Văn Uyên, Văn Mật. Riêng xứ Thanh có lẽ chúng thần… không một ai có đủ năng lực để cáng đáng…

Nhà vua bảo:

– Năm xưa khi vào Thanh Hoa dâng hương các vua Lê ở Lam Kinh trẫm đã nói, sau này nếu thiên hạ có loạn lạc thì ắt từ xứ Thanh mà ra. Trẫm vốn cũng đã có chủ trương sau khi Thái tử đăng quang yên ổn, sẽ đích thân mang quân vào Thanh Hoa lần nữa; nay giao cho Bộ Binh chuẩn bị mọi mặt để khi nào cần thì đáp ứng ngay. Dương Kinh cũng cần củng cố hơn nữa nên trẫm đã sai Phạm Gia Mô lo việc kiến thiết, sau này con trẫm ngự ở Đông Kinh, trẫm thì lui về Cổ Trai giữ nơi căn bản, hai nơi hỗ trợ cho nhau, lo gì thiên hạ không vững cơ chứ.

Các quan đều cho là phải. Đúng vào ngày mồng 1 Tháng Giêng năm mới, tức là năm Canh dần (1530), là ngày Đinh hợi may mắn, vua Minh Đức nhà Mạc ban chiếu truyền ngôi cho Đông cung Thái tử Mạc Đăng Doanh. Vua mới lên ngôi Hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là năm Đại Chính thứ nhất, tôn cha làm Thái thượng hoàng, dựng điện riêng để cha ở, mỗi tháng cứ vào các ngày mồng 8 và 22 lại dẫn quần thần tới đó để triều yết.

Sau khi xem 59 điều Cáo đã được Nguyễn Quốc Hiến chỉnh sửa, thấy đúng theo ý mình, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung truyền cho Hoàng đế ban hành rồi cùng Thái hậu về Cổ Trai.

Lúc qua bến đò An Sáp, Thái hậu bảo Thượng hoàng:

– Xem ra chợ Minh Thị ở Đông Minh vẫn còn sơ sài lắm, nay thiếp định bỏ tiền ra xây hàng quán, nhất là làm bến nước cho khách dưới thuyền lên bờ được dễ dàng, Thượng hoàng thấy thế nào?

– Được vậy thì tốt. Lại nữa, Khánh Diệm và Kim Thoa một đằng là em gái một đằng là con nuôi, cả hai đều vì việc nước mà chịu thiệt thòi, nay cả hai suốt ngày quanh quẩn ở nhà xem ra cũng buồn, chi bằng ta cho hai đứa ra làm tuần ty ở Minh Thị. Công việc khiến chúng nguôi đi phiền muộn, biết đâu gặp được ai mà tái giá cũng tốt.

– Ông lo bao nhiêu việc mà vẫn còn có lúc nghĩ đến chúng nó ư?

– Anh không lo cho em, cha mẹ không lo cho con cái thì lo cho ai.

Thái thượng hoàng không nói gì nữa, mắt đăm đắm nhìn về phía xa, nơi biển chiều đang chìm dần trong sương. Cuối tháng Hai, trời vẫn còn khá lạnh.

*

Trước đây thấy Lê ý đã mấy lần toan khởi binh khôi phục triều Lê, Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim nói:

– Xưa vua Thánh Tông có đến 14 hoàng tử nhưng hầu hết không qua được tứ tuần! Đã thế, các vị con cái không nhiều, thậm chí có người không con, chỉ Hiến Tông được 6 hoàng tử, trong đó Túc Tông, Uy Mục đế thay nhau nối ngôi. Nhưng hai vị này đều không có con hoặc chỉ có con gái. Kiến vương Tân được 5 hoàng tử, trong đó con là Tương Dực đế và cháu là Chiêu Tông, Cung Hoàng thay nhau nối ngôi. Nhưng hai vị Tương Dực và Cung Hoàng cũng chẳng có con hoặc cũng chỉ toàn con gái. Đã thế, Uy Mục, Tương Dực lại giết rất nhiều người trong hoàng gia; Hoàng tử của Chiêu tông thì hiện nay vẫn chưa tìm ra tung tích. Nên hiện giờ Điện hạ chính là vốn quý của nhà Lê. Nay tôi đã hoà giải được với họ Trịnh ở Thuỷ Chú, cùng Lỵ Quốc công Trịnh Duy Thuân, Phúc hưng hầu Trịnh Duy Duyệt, Tả đô đốc Võ Huệ hầu Trịnh Duy Liệu sang bên Ai Lao nhờ vua nước ấy giúp sức, đồng thời cho anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang liên hệ với anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang rồi sang cầu viện nhà Minh. Vậy nên dẫu Điện hạ có nóng lòng diệt Mạc thì cũng không nên manh động, cần biết giấu mình chờ thời và chờ tôi đi Ai Lao về.

– Thế thì ngươi cho ta cùng sang Ai Lao với có phải tiện không?

– Điện hạ cần phải ở lại để còn có chỗ cho thiên hạ hướng về.

Từ đó Lê ý ẩn náu ở Châu Gia. Các tướng cũ của triều Lê như Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường nghe tin tìm tới. Lê ý tung tin nhà Lê sắp trung hưng và sai người nghĩ ra sấm khiến những người từng hưởng nhiều ân huệ của nhà Lê thì náo nức, còn người đang hào hứng với sự thay đổi triều chính thì lo lắng. Câu sấm như sau: “Bây giờ thuyền nổi đá chìm/ Mai kia đá nổi thuyền chìm mới hay/ Mặt trời mà mọc non Tây/ Trái Lê mà chín thì rày sang canh”. ý tứ câu sấm rõ đến nỗi ngay những người ít chữ nghĩa cũng suy ra được: Mạc Đăng Dung vốn là người đánh cá nên được ví như thuyền, Lê Lợi vốn ở Lam Sơn nên được ví như đá, non Tây tức là Tây Kinh, trái Lê thì rõ ràng ám chỉ nhà Lê…

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, nhà Mạc cũng cho người đặt ra sấm: “Thiên số vận mệnh rành rành/ Quang dần núi đỏ rừng xanh mới tài/ Tây tàn Đông đã ban mai/ Sá chi những chuyện dông dài đâu đâu”. Sau đấy lại tung tin Nguyễn Kim đã chết bên Ai Lao, người bảo do bị rắn độc cắn, người nói do bị ngã xuống vực, có người còn kể trước khi chết Nguyễn Kim còn kịp hướng về phía Đông gọi tên vua Thái Tổ nhà Lê ba lần và ứa nước mắt rồi mới nhắm mắt! Lê ý bảo bộ hạ: “An Thanh hầu mất rồi, tự ta phải lo thôi.” và bàn việc khởi nghĩa. Văn Thông bá Nguyễn Ngã can:

– Trước khi sang bên Ai Lao, An Thanh hầu đã dặn dò rất kỹ, nay chuyện An Thanh hầu còn hay mất chưa rõ thế nào, Điện hạ vội vàng khởi sự, tôi e vì manh động mà hỏng mất việc.

Thái Sơn bá Nguyễn Thọ Tường nói:

– An Thanh hầu đi sang đấy từ năm Thống Nguyên thứ 6 cho đến giờ tính đã hơn 4 năm, có về nước một lần rồi lại đi, đi trắng tay về hoàn trắng tay nên tôi đồ rằng việc bên ấy không xong. Vả lại Ai Lao có giúp thì cũng chẳng được bao nhiêu, vậy nên ta tự lực là hơn vì càng để lâu lòng người lại càng sinh ra chán nản. Ví như hòn than hồng vậy, bây giờ chỉ cần thổi một cái là bùng thành lửa ngay, để lâu hơn nữa than thành tro, lúc đó dẫu chỉ muốn lamg cho nóng lên cũng còn khó.

Lê ý nói:

– Thái Sơn bá nói rất đúng. Xưa đức Thái Tổ cho tôn thất nhà Trần làm vua vậy là chiêu tập được ngay hào kiệt bốn phương, bởi vì lòng dân khi ấy vẫn còn nhớ đến nhà Trần. Sau này Trần Cảo học đòi theo cách ấy nhưng chả ai theo vì lòng dân chỉ biết đến nhà Lê mà quên nhà Trần từ lâu. Nay ta không những dựng cờ phục Lê mà còn lấy lại niên hiệu của vua Chiêu Tông vì thấy lòng dân nhất là dân Thanh Hoa vẫn còn nhớ Chiêu Tông lắm.

Lê ý lấy lại niên hiệu Quang Thiệu của vua Chiêu Tông trước đây mà đặt cho mình và kêu gọi dân chúng hai xứ Thanh Hoa, Nghệ An chống lại nhà Mạc.

Tháng Tư năm ấy, tức là năm Canh dần, Thái thượng hoàng nhà Mạc đích thân đốc mấy vạn quân thuỷ bộ chia làm hai đường tiến đánh Thanh Hoa. Thái thượng hoàng thân cầm cánh quân thuỷ. Thuỷ quân của nhà Mạc lúc này rất mạnh nhờ thu được toàn bộ chiến thuyền của Nguyễn Kim bỏ lại khi chạy sang Ai Lao, không kịp tiêu huỷ. Chiến thuyền nhà Mạc đi đến đâu, thấy chỗ nào có địch thì đổ quân lên bờ đánh. Chống cự được ít lâu, Lê ý rút lên Châu Gia cố thủ. Đoàn chiến thuyền ngược sông Mã, lên tới ngang Lang Chánh thì dừng và đổ quân lên bộ vì từ đây thuyền không thể đi được nữa do sông cạn và lắm ghềnh thác. Từ cửa sông đến đây mới được già nửa đường!

Châu Gia là nơi xa xôi hiểm trở nhất của đất Thanh Hoa, còn gọi là châu Quan Gia, giáp với Ai Lao. Sông Mã bắt nguồn từ bên kia biên thuỳ chảy đến đây dòng vẫn không rộng được bao nhiêu do đôi bờ núi đá dựng  đứng, đã vậy lại nhận thêm nước của không biết bao nhiêu sông suối đổ về, nên dòng sông đêm ngày lồng lộn như vó ngựa bất kham. Đường lên Châu Gia chỉ có một lối duy nhất men theo sông Mã. Quân cố thủ chỉ cần mấy trăm người chẹn ở những nơi hiểm yếu là đủ chặn đối phương đông gấp nhiều lần, bị mất chỗ này họ lại ngược lên mạn trên giữ chỗ khác. Biết vậy nên Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung tạm dừng tiến quân, đồng thời để chờ cánh quân bộ của Mạc Quyết.

Nhân chuyện này, thiên hạ cho rằng sự kiện ứng với câu sấm “Quang dần núi đỏ rừng xanh”, nghĩa là hết dần những thế lực chống lại nhà Mạc, hai chữ “quang dần” là chỉ năm Canh dần! Cũng vì vậy quân của Lê ý nhiều kẻ hoang mang, không ít người bỏ trốn về nhà.

Tín vương Mạc Quyết cùng Nguyễn Như Quế dẫn quân bộ đi theo đường Thượng đạo, chỉ khác lần mang quân đánh Chiêu Tông là giữa đường thì bỏ Thượng đạo để theo lối Mai Châu. Đường xuyên rừng băng qua núi non hiểm trở, ngay đoạn đường được quan quân nhà Mạc khai thông cách đây tám năm nay lại đã um tùm cây cối nên đội quân mở đường dường như phải khai phá từ đầu rất vất vả. Cánh quân này nhằm từ phía Bắc đánh xuống sau lưng Lê ý, tuy nhiên chỉ được vài trận thì Lê ý đã rút toàn bộ quân đội lên cố thủ ở Châu Gia nên không tiêu hao được mấy sinh lực địch.

Đường bộ phía trước tuy ngắn nhưng gian nan gấp mấy lần con đường đã qua. Lê ý đóng 3 trại, trại lớn ở Bá Thước nằm giữa, hai trại nhỏ – một cách trại lớn 5 dặm về phía Bắc, một cách 5 về phía Nam, cả ba đều ngay bên sông Mã, trấn giữ hoàn toàn đường lên Châu Gia, giữ mặt cho Châu Gia ở cách đó bốn mươi dặm. Ngoài ra còn một trại nhỏ nữa cách Bá Thước hơn 10 dặm về phía Tây.

(Còn tiếp)

L.V.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder