Vua Ai Lao thương nỗi vất vả của Nguyễn Kim, lại cấp cho voi, ngựa và lương thực. Lực lượng phục Lê ở Thanh Hoa chẳng mấy chốc lại mạnh lên. Từ Châu Gia, Nguyễn Kim tiến xuống xuôi chiếm được gần hết Thanh Hoa. Mạc Quốc Trinh chỉ còn giữ được vùng ven biển… (Tiếp kì 34)
Vua Ai Lao thương nỗi vất vả của Nguyễn Kim, lại cấp cho voi, ngựa và lương thực. Lực lượng phục Lê ở Thanh Hoa chẳng mấy chốc lại mạnh lên. Từ Châu Gia, Nguyễn Kim tiến xuống xuôi chiếm được gần hết Thanh Hoa. Mạc Quốc Trinh chỉ còn giữ được vùng ven biển. (Tiếp kì 34)
Thượng hoàng Mạc Đăng Dung cho đóng quân ở ngã ba cách Bá Thước hai mươi dặm để chờ tin cánh quân của Mạc Quyết. Núi Chí Linh ở phía Nam và núi Pha Phong ở phía Bắc cũng như muôn ngàn ngọn núi trùng điệp xung quanh đêm ngày mây phủ, nhiều khi không còn trông thấy ngọn. Đang tháng Tư nên trời vẫn rét, khoảng đầu giờ ngọ nắng lên, có ấm áp hơn một chút nhưng chỉ được hơn hai canh giờ thì nắng tắt, từ đó trở đi trời tối rất nhanh và buốt giá đến xương cho tới tận giờ ngọ hôm sau. Nhìn trời, Thái sư Mạc Quốc Trinh nói:
– Cứ bảo đường Thục bên Bắc quốc khó đi như đường lên trời, thần đồ rằng cũng không khó hơn đường lên châu Quan Gia bao nhiêu.
Thượng hoàng nhà Mạc nói:
– Đường Thục khó hơn nhiều, ở những nơi vách núi dựng đứng người ta phải làm đường sàn bằng gỗ treo lưng chừng vách đá, gọi là sạn đạo. Nên nếu hai Xuyên làm phản, họ thường đốt sạn đạo để quân triều đình có muốn tới đánh cũng phải bỏ ra hàng năm trời chỉ để làm lại đường. Nay ta chưa phải làm một tấc đường nào thì sao bảo khó như đường Thục được. Có điều cách đóng 4 trại như thế kia của Lê ý thực là khéo. Chẳng hiểu ai bày cho hắn hay hắn tự nghĩ ra.
– Thần nghe nói trước khi sang Ai Lao, Nguyễn Kim đã bày vẽ mọi điều cho Lê ý.
– Nguyễn Kim là tướng giỏi, không thể xem thường. Cánh quân của Tín vương không kịp đến phối hợp thì ta ở đây khó mà vượt qua mấy cái trại này để đánh lên Châu Gia được. Trẫm rất lo cho Tín vương. Đành rằng có dựa một phần vào Thượng đạo nhưng đường đâu có còn được như trước, từ Mai Châu trở xuống lại hoàn toàn chưa có đường.
Mạc Quốc Trinh nín lặng, từ khi theo Mạc Đăng Dung đến nay, chưa khi nào lại thấy Thái thượng hoàng có vẻ lo lắng như bây giờ.
Một đêm, khoảng canh ba, lưng chừng núi bỗng xuất hiện những đuốc lửa chạy vòng quanh và nối nhau uốn lượn như rồng như rắn, lúc đầu còn ở xa sau dần dần quây tròn lấy trại. Tả đô đốc Mạc Đĩnh Khoa vừa định tới ngự doanh để tâu với Thượng hoàng thì những đuốc lửa bỗng tiến lại rất nhanh và biến thành những mũi tên lửa thi nhau bay về phía vào trại Mạc. Đang mùa hanh khô nên lều trại bén lửa rất nhanh, chỉ một lúc sau cả một vùng lửa đã rừng rực, ngun ngút tận trời. Đến sáng lửa mới tắt. Quân Mạc thương vong không đáng kể nhưng lều trại và lương thực bị cháy rất nhiều, làm tướng sĩ hoang mang. Các tướng người bàn tiến quân, không cần chờ cánh quân của Mạc Quyết; người bàn lui xuống mạn dưới, hạ trại cách xa giặc thêm mấy dặm nữa cho an toàn.
Đúng lúc đó có người mang thư của Mạc Quyết tới, thư viết vì đường đất gian nan nên bây giờ quân mới tới được chỗ sông Luông đổ vào sông Mã, hẹn mờ sáng ngày 28 thì hai ngả cùng đánh. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung mừng lắm, liền sai Mạc Quốc Trinh và Mạc Đĩnh Khoa chuẩn bị tiến quân. Thực ra, lá thư là thật nhưng người đưa thư thì giả, do Lê ý vô tình bắt được người đưa thư của Mạc Quyết, đã thay người của mình vào sau khi tra hỏi cặn kẽ mọi điều, đồng thời theo nội dung của thư mà tìm cách đối phó.
Đúng ngày hẹn, Mạc Quốc Trinh tiến đánh trại phía Nam, Mạc Đĩnh Khoa đánh trại phía Tây Bá Thước. Mạc Đăng Dung chờ đánh xong hai trại sẽ cùng hai tướng hội quân tiến đánh trại lớn ở Bá Thước. Bỗng có tên kỵ mã từ phía Bắc chạy đến báo: Trại không một bóng tên địch nào, biết là mắc mưu nên Quốc Trinh vội rút quân thì bị phục binh đổ ra đánh, xin tiếp ứng ngay cho. Ngay đó tên kỵ mã khác từ phía Tây phóng ngựa đến cũng xin được tiếp ứng. Đang lúc ấy, phía núi Đen sau lưng có tiếng hò reo, kỵ mã đến nói quân Lê ý đang bất ngờ đánh sau lưng. Quân Mạc bị vây chặt ở giữa! Thượng hoàng Đăng Dung vội cho người phi báo tới hai cánh quân phía trước hãy cố chống cự còn mình thì quay lại đánh quân giặc phía sau.
Hai bên đánh nhau đến trưa thì cùng lui binh. Quân Mạc phải lui đến hơn mười dặm.
Mạc Đăng Dung cho người bí mật lên Châu Gia dò xét, người ấy về nói cánh quân của Mạc Quyết quả có tới được chỗ cửa sông Luông nhưng đã bị quân Lê ý chặn đánh và phải rút về Mai Châu từ hai hôm trước, người đưa thư hôm nọ bị bắt, Lê ý đã dựa vào nội dung trong thư để đối phó.
Sau đấy hai bên còn đánh nhau mấy trận nữa trên sông Mã. Địa thế hiểm yếu nên quân Mạc không thể tiến lên được. Thấy quân đội thiệt hại, lương thực lại cạn kiệt, Thượng hoàng Đăng Dung quyết định không tiến quân nữa và sai người về Đông Kinh điều viện binh.
Tháng 8, vua Đại Chính nhà Mạc là Mạc Đăng Doanh đích thân dẫn quân vào Thanh Hoa tiếp ứng, cùng Thượng hoàng Mạc Đăng Dung hội quân ở sông Hoằng Hoá rồi chia làm hai đạo, sai Mạc Quốc Trinh lĩnh đạo chiến thuyền tiến đánh Lê ý ở Động Bàng. Đang mùa lũ, các sông suối ở Thanh Hoa ngập nước, ngày đêm cuồn cuộn dồn vào sông Mã để đổ ra biển. Chiến thuyền nhà Mạc ngược sông rất khó khăn. Lê ý cho hạ cây, vót nhọn cả hai đầu rồi thả xuôi dòng, chiến thuyền nhà Mạc bị cây đâm thủng đắm rất nhiều. Lúc bấy giờ Lê ý mới xuất quân. Quân Mạc thua to.
Đang khi ấy người từ Đông Kinh vào báo Tín vương Mạc Quyết bị bệnh ngã nước từ khi đi đánh Thanh Hoa trở về, tưởng nghỉ ngơi thuốc thang bệnh sẽ khỏi, ai ngờ mỗi lúc một nặng thêm. Thượng hoàng và Hoàng đế nhà Mạc thấy vậy lưu Thái sư Mạc Quốc Trinh và Đô đốc Mạc Đĩnh Khoa ở lại cự nhau với Lê ý, còn thì ra Bắc. Trước khi đi Thượng hoàng giao cho hai người một phong thư đựng trong túi gấm, dặn khi nào thấy không thể thắng nổi Lê ý thì hãy mở cẩm nang đó ra xem.
Hai tướng nhà Mạc tiến quân đánh nhau với Lê ý ba trận liền, trận nào cũng thua, phải lui dần xuống tận ngã ba sông Chu sông Mã. Quân Mạc chia quân đóng làm 3 trại, ở ngã ba sông, ở núi Đọ và ở Đông Sơn định cố thủ lâu dài. Mấy lần quân Lê ý khiêu chiến, quân Mạc nhất quyết đóng kín cổng trại không ra đánh.
Mạc Quốc Trinh bảo:
– Quân ta thua hết trận này đến trận khác, thế của giặc thì mỗi ngày một mạnh vì người Tam phủ cũ của nhà Lê nhiều kẻ theo chúng. Chỉ mấy trận nữa là chúng ta mất hết Thanh Hoa, Nghệ An, vậy hãy mở cẩm nang ra xem Thượng hoàng viết gì.
Hai người mở cẩm nang, xem thư, thấy là phải, tối ấy liền cho thổi cơm dư ra, khoảng nửa đêm cho quân sĩ ăn rồi gần sáng bất ngờ từ ba ngả đồng loạt đánh úp trại giặc. Lê ý cậy thắng luôn, không phòng bị nên thua to, chạy được mấy dặm thì bị bắt, Nguyễn Thọ Tường bị giết. Thừa thắng, quân Mạc tiến đánh chiếm được Châu Gia. Mạc Quốc Trinh bảo Mạc Đĩnh Khoa:
– Hoàng thượng ở xa nghìn dặm mà như đi guốc vào bụng quân giặc, biết khi nào đánh thì thắng. Phép dụng binh quả là khó lường, chúng ta cứ như quân Hán của Lưu Bang ngày xưa, đánh quân Sở của Hạng Vũ trăm trận thua cả trăm, chỉ cần trận cuối cùng thắng mà được cả thiên hạ!
Lê Ý bị đóng cũi giải về kinh sư hỏi tội, sau đó bị giết trong ngục, kể từ lúc khởi binh đến lúc bị bắt, tồn tại đượng khoảng hơn một năm.
Lúc này, ở Sầm Châu bên Ai Lao, An Thanh hầu Nguyễn Kim đã chiêu tập được mấy nghìn người, hầu hết là các cựu thần nhà Lê và con em họ cùng quân Tam phủ cũ. Nước Ai Lao hồi Lê Lợi khởi nghĩa đã giúp đỡ rất nhiều nên quan hệ với nhà Lê rất thân thiết, giờ đây không những cho Nguyễn Kim mượn đất mà còn cấp cho lương thực, khí giới rất nhiều, nhất là voi vì Ai Lao là đất nước vạn tượng. Một hôm vua Sạ Đẩu cho người đem đến tặng Nguyễn Kim một con voi trắng, đứng ở chỗ tối thì xung quanh sáng ra. Nguyễn Kim nói:
– Xưa vua Chiêm Thành tặng vua Lý Nhân Tông con voi lạ, nó đứng ở đâu chỗ ấy ánh sáng hiện ra. Giống voi trắng cũng rất hiếm, vua Lý Cao Tông đi săn bắt được con voi trắng nên đã đặt tên cho nó là Thiên Tư, có nghĩa là “của trời”. Con voi này vừa là giống voi trắng, vừa toả ánh sáng, đúng là quí gấp đôi hai con ta vừa kể! Ta đặt tên cho nó là Thiên Tư Bạch Tượng.
Suốt ba năm Nguyễn Kim đêm ngày luyện quân chờ ngày về nước, trong rừng già Sầm Thượng, Sầm Hạ hay trên Cánh Đồng Chum miền Trấn Ninh dường như không ngày nào ngớt tiếng voi gầm, ngựa hí, tiếng quân lính hò hét.
Tàn quân của Lê ý nhiều người chạy được sang Ai Lao, tìm đến Nguyễn Kim báo tin dữ, các tướng thấy vậy nóng lòng muốn báo thù và tha thiết thỉnh cầu Nguyễn Kim dẫn quân về nước. Nguyễn Kim thấy binh lực của mình cũng đã đủ mạnh bèn đem hơn 4000 quân, 30 voi chiến và 300 ngựa chiến về nước.
Nguyễn Ngã cùng mấy trăm tàn quân đóng ở núi Hóc liền tới ra mắt Nguyễn Kim. Lúc đó đang là tháng Chạp, trời rất lạnh, đám tàn quân của Nguyễn Ngã lại ăn đói mặc rét lâu ngày nên ai cũng trông không còn ra người. Nguyễn Ngã khóc lóc kể Lê ý, Nguyễn Thọ Tường tin vào tin đồn, mắc mưu địch, lại cậy thắng luôn không phòng bị nên bị giết. Nguyễn Kim thở dài nói:
– Cũng tại ta quá chậm trễ khiến điện hạ không còn cách nào khác!
Nguyễn Kim lệnh cho tướng sĩ xé vải trắng làm khăn để tang Lê ý và hạ lệnh men theo bờ sông Mã tiến gấp xuống Lôi Dương, tiếng voi gầm ngựa hí rung chuyển cả một góc rừng, tiến đến đâu quân Mạc lui tới đó. Đến Lôi Dương, Nguyễn Kim cho dừng lại để chuẩn bị đánh trận lớn với quân Mạc, sai Đinh Công Lương đóng trại bên tả, Đinh Công Đống đóng trại bên hữu, Nguyễn Ngã đóng trại phía trước, mình cùng Trịnh Duy Thuân, Trịnh Duy Liệu đóng trại giữa. Nguyễn Ngã nói:
– Quân ta từ xa tới vô cùng mệt mỏi nên đêm nay cần đề phòng quân giặc tập kích.
Nguyễn Kim bảo:
– Ta đã lo liệu đâu vào đấy cả rồi.
Trong khi đó, phía quân Mạc, Mạc Quốc Trinh bàn với các tướng:
– Binh pháp dạy “lấy người nghỉ ngơi đánh kẻ mệt mỏi”. Nguyễn Kim bấy nay liên tục hành quân không được nghỉ ngơi lấy một ngày, lại thấy tiến đến đâu quân ta lui đến đấy ắt hẳn sinh ra lơi lỏng, đêm nay ta nên chia quân cướp trại.
Quốc Trinh chia quân làm bốn hướng. Ngọc Trục hầu Phạm Đỗ Quảng được sai bí mật vòng ra sau trại chính của giặc để làm một hướng, hẹn đầu canh tư thì Quốc Trinh sẽ cho nổ ba tiếng pháo làm hiệu lệnh và tất cả cùng đánh.
Những cánh quân phải đi xa thì vào chập tối, gần thì khoảng canh hai, quân Mạc người ngậm tăm ngựa tháo nhạc theo các hướng lặng lẽ tiến về phía trại giặc. Thấy phía trại giặc im lìm, Mạc Quốc Trinh yên trí rằng sau bao nhiêu ngày hành quân ròng rã, quân Nguyễn Kim chắc ai cũng ngủ say như chết, đang lúc ấy, bất đồ một tiếng pháo nổ vang rồi bốn phía lửa đuốc sáng trưng, tên bắn tới như mưa. Lúc đó mới khoảng canh ba. Biết mưu kế đã hỏng vì các cánh quân khác còn chưa tới được trại giặc, Mạc Quốc Trinh vội cho lui quân. Quả nhiên, sáng ra thì hay tin hai cánh quân tả, hữu đêm ấy đều bị đánh bại. Riêng cánh quân của Phạm Đỗ Quảng thì không rõ thế nào.
Phạm Đỗ Quảng phải hành quân xa nhất nên mới đi được già nửa đường thì nghe thấy tiếng pháo. Không phải ba tiếng pháo như giao ước và cũng còn lâu mới đến canh tư. Đỗ Quảng sinh nghi, liền cho người quay lại nghe ngóng. Người ấy trở về cho hay ba cánh quân kia đã rơi vào trận địa phục kích của giặc. Đỗ Quảng vội biến hậu quân thành tiền quân để quay về cứu Mạc Quốc Trinh, nhờ vậy quân Mạc mới tránh được trận thua lớn.
Mạc Quốc Trinh bàn với các tướng:
– Nguyễn Kim quả là một tướng giỏi, thảo nào Thượng hoàng luôn dặn chúng ta khi đối địch với hắn phải thận trọng. Nhưng ta đã có cách thắng được hắn. Cách đây bốn dặm có một con đèo gọi là đèo Mã Phục vì xưa có con ngựa lên được tới đỉnh đèo thì mệt quá gục xuống chết. Nay Ngọc Trục hầu cho ngay quân phục ở đấy, giặc tới đỉnh đèo thì đổ xuống đánh, chắc sẽ thắng.
Lúc đó đã gần trưa, từ trên cao Nguyễn Kim trông thấy quân Mạc rối rít bỏ chạy liền thúc quân đuổi theo. Tượng binh đi đầu, sau đó tới kỵ binh, cuối cùng là quân bộ. Mạc Quốc Trinh quay lại đánh nhưng gặp đám tượng binh hùng hổ liền quay đầy chạy. Nguyễn Kim truyền dọc hàng quân: “Người mặc áo vóc đại hồng là Thái sư Quốc công nhà Mạc, ai bắt hay giết được thì thưởng nghìn lạng bạc!” nên các tướng sĩ ai cũng hăng hái.
Quân Mạc sang bên kia đèo. Đoàn voi chiến nhà Lê đuổi rát sau lưng. Voi khoẻ nên qua được đỉnh đèo thì đoàn ngựa chiến mới lên được lưng chừng dốc, con nào con ấy gục đầu bước. Tới khi ngựa lên tới đỉnh đèo thì đám quân bộ còn đang ì ạch leo dốc. Đúng lúc đó một tiếng pháo nổ vang rồi đá từ trên đỉnh núi lở xuống ầm ầm, tên bắn như mưa. Quân Nguyễn Kim phía trước thì voi đang xuống dốc bị hoảng loạn nên nhiều con trượt chân, con nọ ngã dúi dụi vào con kia, trên đỉnh đèo thì ngựa rũ bờm, chồn vó, nhiều con chẳng bị tên đạn gì cũng gục xuống chết, lưng chừng đèo quân sĩ quay đầu chạy, nhiều người trúng tên lăn lông lốc như những súc gỗ, cuốn theo không biết bao nhiêu người lăn theo.
Mạc Quốc Trinh cho quân đánh quật lại.
Nguyễn Kim cưỡi con Thiên Tư Bạch Tượng chạy, được một đoạn thì người quản tượng trúng tên chết, tì tướng thay làm quản tượng chỉ được một lúc rồi cũng bị bắn chết. Nguyễn Kim phải tự làm quản tượng, thúc voi chạy vào rừng. Khốn nỗi, vì con voi trắng nên không thể trà trộn lẫn với lá rừng, đã vậy trốn vào chỗ tối nó cứ sáng lên thành thử quân Mạc nhận ra, cứ thế mà đuổi. Cuối cùng Nguyễn Kim phải xuống đất chạy bộ, mũ vướng cành cây rơi mất. Ngọc Trục hầu Phạm Đỗ Quảng thấy phía trước có mái đầu bạc, đoán là Nguyễn Kim, liền thúc ngựa đuổi theo. Nguyễn Ngã vội nhường ngựa cho Nguyễn Kim, còn mình lếch thếch chạy bộ theo. Thấy Phạm Đỗ Quang đuổi đã quá gần, Nguyễn Ngã nói:
– Tiền đồ trung hưng nhà Lê trông cậy cả vào tướng quân, vậy tướng quân mau trở lại Ai Lao để sớm quay về phục quốc. Còn tôi, xin được liều chết cản giặc.
Nguyễn Ngã quay lại ngăn Phạm Đỗ Quảng, bị Đỗ Quảng chém chết. Đỗ Quảng thúc quân tiếp tục đuổi Nguyễn Kim. Bỗng phía trước có một toán chừng một chục kỵ sĩ, phía sau đám kỵ sĩ, qua lớp bụi mù mịt và lấp ló trong rừng có rất nhiều cờ xí. Viên tướng đi đầu mở lối cho Nguyễn Kim chạy thoát rồi ngăn Phạm Đỗ Quảng lại.
– Kẻ kia, không được hỗn với nhạc phụ ta! – Viên tướng quát to.
Đó là con rể của Nguyễn Kim, tên là Trịnh Kiểm.
Phạm Đỗ Quảng thấy mình chỉ có hơn ba chục kỵ sĩ, không đủ đánh địch nên đành phải lui. Trịnh Kiểm cũng không đuổi theo. Thực ra Kiểm chỉ có đúng 15 tên lính, định đi đón đoàn xe lương thì thấy có đánh nhau, đoán rằng quân Mạc đang tới, bèn có bao nhiêu cờ đều đem cắm hết ở mé rừng và chặt cành cây cho mấy con ngựa kéo lê trên đường cho mù lên. Đỗ Quảng tưởng quân Trịnh Kiểm nhiều nên lui binh.
Trịnh Kiểm người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, trấn Thanh Hoa, mồ côi cha từ thuở nhỏ. Nhà nghèo nhưng mẹ Kiểm lại có sở thích oái oăm và rất nghịch cảnh: chỉ thích ăn thịt gà mà lại chỉ ăn hai cái đùi và lườn gà. Kiểm rất có hiếu với mẹ nhưng không biết làm thế nào để có gà cho mẹ ăn, đành phải đi ăn trộm. Làng bị mất rất nhiều gà nên quyết tìm ra kẻ ăn trộm và phục bắt được Kiểm, liền bắt giải lên huyện. Tại cửa quan, Trịnh Kiểm trần tình bằng một bài thơ rất thống thiết khiến quan huyện thương tình mà tha cho. Nhưng làng thì không thể thương cho kẻ bao nhiêu năm nay đi ăn trộm gà của họ. Họ nghĩ chỉ tại mẹ Kiểm nên nhân một hôm y vắng nhà, liền cùng nhau bắt bà ta vứt xuống cái vực gần nhà cho chết. Kiểm về không thấy mẹ đâu, bổ đi tìm thì thấy chỗ vực mối đã đùn lên thành gò đống. Kiểm buồn quá, bỏ làng đi, vào làm gia nhân nhà Nguyễn Kim. Chuyện xảy ra đã lâu, từ năm Chiêu Tông còn trị vì và Nguyễn Kim còn là quan đương triều. Sau này chạy sang Ai Lao, Nguyễn Kim cho Trịnh Kiểm đi theo. Năm ấy Kiểm 26 tuổi và thể hiện rõ là một người thông minh, can đảm và mưu lược nên được Nguyễn Kim cho con gái là Ngọc Bảo làm vợ lẽ.
Nguyễn Kim muộn con và chỉ có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, đều là em Ngọc Bảo. Khi Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao, Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, Nguyễn Uông cũng còn nhỏ nên từ việc nhà đến việc quân đều qua tay Trịnh Kiểm.
Nguyễn Kim thua to, mười phần chết tới ba, bốn, tướng sĩ tan tác mỗi người một ngả rồi tự tìm đường về Sầm Châu. Voi, ngựa bị chết và bị lạc rất nhiều, voi trở thành voi rừng, ngựa bị hổ ăn thịt, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Nguyễn Kim rút khỏi Lôi Dương nhưng vẫn giữ Châu Gia và những vùng rừng núi dọc theo biên giới giáp với Sầm Châu để dễ bề tiến thoái. Biết Nguyễn Kim vẫn còn ở Châu Gia, bao nhiêu tướng sĩ bên Ai Lao lại trở về đấy quy tụ. Nguyễn Kim sai Trịnh Duy Liệu là người giỏi văn Nôm đặt ra sấm, đồng thời tung tin rằng vì Châu ái (Thanh Hoa) không khuất phục nhà Mạc nên nhà Mạc cũng quyết không dung người Châu ái và chẳng bao lâu nữa sẽ cho đại quân vào giết hết họ, trước nhất là triệt hạ ba huyện Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia để không còn người Tam phủ nào chống lại họ. Bằng chứng là có câu sấm rằng: “Bao giờ Mã Phục đá lăn/ Tượng Sơn đất lở, mười phần còn ba/ Muốn không chết hết cả nhà/Hướng Tây tìm đến để mà lê la”. Câu sấm ấy tiên tri hai việc thì cả hai đã nghiệm thấy đúng, đó là quân Mạc phục kích đánh Nguyễn Kim đại bại ở đèo Mã Phục, là trận động đất sau đó ít lâu làm sạt một góc núi Voi ở Tĩnh Gia. “Chết hết cả nhà” hẳn ám chỉ việc nhà Mạc sẽ đàn áp dân chúng xứ Thanh. Hướng Tây thì chắc chắn là Châu Gia và Sầm Châu, còn “lê la” chỉ nhà Lê trung hưng ở đấy… Do vậy, khắp Thanh Hoa, Nghệ An nam giới không biết bao nhiêu người bỏ nhà bỏ cửa, vượt rừng vượt núi tìm đến Châu Gia; người Tống Sơn thì cả đàn bà trẻ con cũng bồng bế nhau lên Châu Gia chỉ vì Tống Sơn là quê Nguyễn Kim! Lúc đó đang mùa đông tháng giá, nhiều người không chịu được đói rét đã bỏ xác dọc đường. Tuy vậy, cũng hàng vạn người tới được Châu Gia. Nguyễn Kim đặt ra câu sấm để dân chúng thù ghét nhà Mạc đồng thời thu hút thanh niên trai tráng nhưng chẳng ngờ lại đông đến như vậy, nhà cửa không có cho họ ở, cơm không có cho họ ăn, trộm cắp cướp bóc xảy ra, khắp Châu Gia đâu đâu cũng thấy cảnh ăn xin nên từ chỗ háo hức lên miền Tây nhiều người đâm ra ai oán, không ít người lại bỏ Châu Gia tìm đường trở về quê. Nguyễn Kim bảo Trịnh Duy Liệu:
– Ông đặt sấm đặt vè hay thật đấy! Dân chúng bảo vua Lê chả thấy đâu chỉ thấy ăn mày ăn xin “lê la” khắp chốn!
Duy Liệu xấu hổ đỏ mặt, chữa thẹn:
– Người ta bảo thơ có những chữ những câu không phải người làm thơ làm ra mà do trời cho vì vậy chúng mới được gọi là nhãn tự, là thần cú. Câu chữ của trời nên bây giờ cái chữ “lê la” mới thấy nghiệm!
– Thôi, ông đừng có khéo nói nữa! – Nguyễn Kim đang buồn bực cũng phải bật cười – Nhãn tự với thần cú gì cái chữ “lê la”! Tôi cũng chỉ muốn cùng ông than thở vậy thôi chứ không có ý trách. Từ khi họ Nguyễn, họ Trịnh hai nhà trở lại hoà hợp, cùng gánh vác công việc trung hưng xã tắc, tôi rất mừng, lại càng mừng khi có được Lê ý điện hạ. Không ngờ lòng giời chưa thuận nên chúng ta chỉ làm được đến thế này mà thôi. Việc dân chúng thất vọng vì không thấy vua Lê đâu và nhiều người đến lại đi làm tôi suy nghĩ mãi. Có lẽ, không có vua Lê không được! Chúng ta phải cố tìm con cháu nhà Lê mà đưa lên ngôi mới xong.
Mặc dù nhiều người bỏ Châu Gia, trở về quê cũ nhưng những người ở lại vẫn còn đông vì Nguyễn Kim tìm hết cách giữ họ lại, nhất là những thanh niên trai tráng. Vua Ai Lao thương nỗi vất vả của Nguyễn Kim, lại cấp cho voi, ngựa và lương thực. Lực lượng phục Lê ở Thanh Hoa chẳng mấy chốc lại mạnh lên. Từ Châu Gia, Nguyễn Kim tiến xuống xuôi chiếm được gần hết Thanh Hoa. Mạc Quốc Trinh chỉ còn giữ được vùng ven biển.
(Còn tiêp)
L.V.K