Tháng Giêng năm Đinh dậu, niên hiệu Đại Chính thứ 5 (1537), vua Mạc Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ Thích điện tế tiên thánh tiên sư, cầu cho một khoa thi tốt đẹp, các sĩ tử gặp nhiều may mắn…(Tiếp kì 37)
Tháng Giêng năm Đinh dậu, niên hiệu Đại Chính thứ 5 (1537), vua Mạc Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ Thích điện tế tiên thánh tiên sư, cầu cho một khoa thi tốt đẹp, các sĩ tử gặp nhiều may mắn. (Tiếp kì 37)
6
Dương Kinh những ngày cuối thu năm Giáp ngọ (1534) thật khác thường. Xe ngựa đưa các đại thần từ Đông Kinh tấp nập trên lối vào Cổ Trai, tới đậu san sát trên lối vào điện Tường Quang, điện Phúc Huy, điện Hưng Quốc. Bến đò An Sáp cũng nườm nượp lâu thuyền. Quang cảnh hệt như ngày xưa ở Bình Than vua Trần triệu các tướng tới để bàn việc nước, không muốn bàn ở Đông Kinh để tránh tai mắt của kẻ nghịch tặc.
Thái thượng hoàng và Hoàng đế nhà Mạc ngự trên điện nghe các văn thần võ tướng trình bày kế sách. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung nói:
– Đúng như ta đã đoán trước, Bọn Lê Ninh, Nguyễn Kim, Trịnh Duy Liệu hèn hạ không thắng được ta đã sang Bắc quốc cầu cứu nhà Minh. Cái tội rước voi dày mả tổ ấy hãy để người đời sau phán xét. Nay Cừu Loan là tướng giỏi của nhà Minh, đã từng nhiều lần cầm quân đánh bộ lạc Đạt Đán của người Mông Cổ, Mao Bá Ôn thì vừa được phong làm Thượng thư Bộ Binh, điều đó chứng tỏ vua Minh quyết tâm thôn tính Đại Việt ta. Ta và nhà vua muốn được nghe ý kiến của các khanh.
Liêm Quận công Nguyễn Bỉnh Đức tâu:
– Chúng ta chỉ có hai con đường hoặc là đánh, hoặc là đầu hàng. Theo thần thì quyết đánh. Vua Minh tuy hung hăng thế nhưng không phải không có điều phải e sợ Đại Việt ta. Những thất bại của các triều trước và của chính Minh Thành Tổ còn được họ ghi trong Tổ huấn để truyền dạy cho đời sau. Vì sợ nên đám quan quân biên trấn nước họ mười người thì chín người không muốn Nam chinh, chỉ những kẻ như Cừu Loan là hăng hái. Cũng vì sợ nên vua Minh phải điều đến các tướng giỏi là Cừu Loan và Mao Bá Ôn. Vậy nên nếu ta tỏ rõ quyết chiến thì ắt quân Minh phải chuốc lấy bại vong. Nhưng muốn thế ta phải có thực lực không thì không tránh khỏi thảm hoạ như cha con Hồ Quý Ly. Thực lực đầu tiên là lòng người nhất nhất đều thuận. Ngày trước Hồ Nguyên Trừng có nói với cha mình: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không mà thôi.”. Lòng dân đã thuận thì hào khí Đông A ngày trước sao lại không trở lại với xã tắc hôm nay. Thực lực thứ hai phải có là binh lực đủ mạnh. Do đó cần mau tu sửa trại sách, tuyển thêm binh lính, đóng thuyền luyện tập thuỷ quân, học theo người xưa đóng cọc ở các cửa sông, phép dụnh binh tha hồ nói dối nên có một thì nói thành mười để phô trương thanh thế; đồng thời phải có tướng giỏi dày dạn trận mạc cầm quân, vậy nên cần trưng tập các cựu thần lão tướng đã nghỉ việc quân trở lại bàn chính sự và nắm việc quân. Thứ ba là cách đánh, giặc vào cõi còn như thế nước cường thì ta vừa đánh vừa rút để bảo toàn lực lượng, chờ cho giặc suy kiệt vì không hợp thuỷ thổ và chán nản vì không thẳng nổi dễ dàng, lúc bấy giờ sẽ phản công, chắc sẽ đuổi được giặc khỏi cõi.
Khiêm Quận công Lê Bá Ly nói:
– Liêm Quận công nói rất đúng nhưng tình hình rất gấp, vả lại dẫu sao tránh được binh đao vẫn là hơn, vậy nên một mặt làm như Liêm Quận công đã trình bày, một mặt nên tìm cách hoà hoãn. Để hoà hoãn, ta nên sai người sang nhà Minh trình bày rằng hoàng thất nhà Lê tàn sát lẫn nhau nên không có người nối dõi, nhà Mạc phải tạm trông coi việc nước; còn như Lê Ninh chẳng qua chỉ là mạo danh. Ta hãy dựng chuyện Ninh chính là con của Nguyễn Kim. Vả lại việc Kim tìm ra Lê Ninh vị tất đã đúng. Cùng với đó, đem vàng bạc đút cho đám quan lại biên trấn ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam để chúng ngăn trở bọn Cừu Loan, Mao Bá Ôn. Nhùng nhằng mãi, đủ cho ta chuẩn bị các mặt và làm cho giặc chán nản.
Đang lúc đó, Vũ Huấn đem thư của cha mình là Tĩnh Quốc công Vũ Hộ dâng Thái thượng hoàng và nhà vua. Thượng hoàng xem xong, nói với các quan:
– Tĩnh Quốc công thực trung nghĩa, tuy đã về nghỉ nhưng nghe tin nhà Minh đe doạ biên cương, đã viết thư nguyện trở lại nắm việc quân và hiến kế: Hiện giặc còn ngoài cõi và đang khinh địch, vậy nên học theo cách của Lý Thường Kiệt ngày trước, mang quân đánh sang Quảng Đông, Quảng Tây tiêu huỷ các kho lương và quân nhu của giặc để giặc chưa thể đánh ngay nước ta. Tĩnh Quốc công cũng bàn nên đóng cọc rào các cửa sông, đặc biệt là hai cửa Bạch Đằng và Minh Liễn; cho xây thành ở Cao Bằng, Lạng Sơn, tăng cường các trạm truyền đăng và học theo cách “Quan Công tuần thành”. Tuyển quân, để cho nhanh thì vừa theo cách “Hàn Tín điểm binh” vừa đưa lên Đấu Đong Quân ở núi Voi, An Lão. Cứ một đấu là được hai nghìn người. Núi Voi còn tiện cho việc luyện quân sơn cước.
Tín vương Mạc Quyết tâu:
– Tĩnh Quốc công khẳng khái thế, chúng ta sao lại không dốc lòng. Thần xin cùng Tĩnh Quốc công mang quân chinh Bắc!
Mọi người cùng xôn xao bàn tán, ai cũng muốn đánh. Thấy Thái thượng hoàng vẻ đăm chiêu, nhìn xuống các quan thì Thái sư Hải Quốc công Phạm Gia Mô từ nãy đến giờ trầm ngâm không tham gia vào cuộc bàn tán, vua Mạc hỏi:
– Hải Quốc công, khanh thuộc hàng nhất phẩm của triều đình mà không có ý kiến gì sao?
Phạm Gia Mô đắn đo một lúc rồi tâu:
– Thần nghĩ cái thế của chúng ta bây giờ có khác với thời của Lý Nhân Tông nên dẫu có muốn học theo cách của Lý Thường Kiệt cũng khó. Vả lại ngay Lý Thường Kiệt sau khi công phá đất giặc cũng phải lui về cầm cự ở sông Như Nguyệt. Theo ý thần thì vua Minh và bọn Cừu Loan, Mao Bá Ôn tuy ráo riết thế nhưng nếu quan quân biên trấn của chúng không hăng hái thì việc tiến quân chưa chắc đã được nhanh chóng. Hơn nữa, nếu chúng ta khéo léo thì còn tránh được cả binh đao, mà tránh được binh đao, dân chúng yên hưởng thái bình, lại giữ được bờ cõi thì còn quý hơn cả đầu rơi máu chảy để mà chiến thắng. Vậy nên phải chăng nên theo như cách của Khiêm Quận công là hơn.
Thái thượng hoàng nói:
– Các quan dẫu người bàn thế này người bàn thế khác nhưng đều một lòng tận trung với nước và dâng nhiều kế sách hay. Ta thì có ý chủ hoà chứ không chủ chiến vì dẫu sao để xảy ra can qua với nhà Minh cũng là điều bất lợi. Nhưng nếu hoà không được thì quyết đánh. Vậy nên sẽ vừa hoà vừa sẵn sàng cự địch. Do đó, các quan ai ở đâu, làm việc gì hãy cứ về đấy mà trông coi các việc như cũ, chờ chỉ dụ của triều đình rồi thì hành động. Trong lúc chờ đợi thì lo việc chăn dân và coi sóc mùa màng, từ trên xuống dưới đồng lòng, thực túc binh cường thì giặc mạnh đến mấy cũng không sợ. Bộ Binh, Bộ Công thì làm các việc như các quan đã bàn là xây thành đắp luỹ, đóng cọc ngăn sông, sắm sửa quân trang, tuyển thêm binh lính. Triều đình có cấm quân và lộ quân thì phải tăng cường lộ quân hơn nữa. Lệ trước đây các nhà có 3 đàn ông thì một người đăng ngũ, nếu giặc tràn sang thì gọi thêm người nữa. Lập thêm các Đấu Đong Quân ở các trấn chưa có để sẵn sàng tuyển quân.
Thái thượng hoàng đứng dậy nói tiếp:
– Nay sai Ninh vương Mạc Phúc Tư coi giữ Đông Đạo, cai quản vùng biển, đắp thành trì ở vùng sông Bạch Đằng, lập Đấu Đong ở đó. Khiêm vương Mạc Kính Điển coi giữ Bắc Đạo cùng Mạc Văn Minh giữ đất Cao Bằng, Lạng Sơn. Định vương Mạc Phúc Sơn coi giữ Tây Đạo, chặn ngả Quy Hoá, Tuyên Hoá. Hoằng vương Mạc Chính Trung coi giữ Nam Đạo, Thanh Hoa, Nghệ An. Cho gấp người vào Thuận, Quảng dặn Khang vương Mạc Nhân Phủ, Quảng vương Mạc Quang Khải đừng cậy ở xa mà không đề phòng vì vào thời Trần tướng Nguyên là Toa Đô đã từng theo đường biển vào đánh tận Chiêm Thành rồi từ đấy theo đường bộ quay lên mặt Bắc đánh suốt lên đến tận Sơn Nam và chỉ chịu thua ở Hàm Tử khi còn cách Thăng Long không xa.
Đang lúc ấy, có ngựa lưu tinh từ kinh đô về Cổ Trai phi báo Tĩnh Quốc công Mạc Bang Hộ (Vũ Hộ) mới mất, gọi Mạc Bang Huấn (Vũ Huấn) về ngay chịu tang. Người đưa tin nói: Tĩnh Quốc công vốn mang bệnh đã lâu, nghe tin giặc đến ngoài cõi nên đêm đêm trằn trọc thành ra bệnh thêm nặng, mất thọ được 54 tuổi. Hoàng thái tử giám quốc Mạc Phúc Hải đã thay mặt Thái thượng hoàng và nhà vua ban cho 500 quan tiền tuất. Thượng hoàng Đăng Dung cố nén xúc động nói với các quan:
– Trong các khai quốc công thần thì Tĩnh Quốc công là bậc nhất. Hồi ấy Quốc công mang 3000 quân theo ta, rồi về sau quyết giữ Sơn Tây nắm Tây quân còn ta ở Hải Dương nắm Đông quân, hai bên phối hợp nên mới thắng được Quang Thiệu và có ngày nay. Quốc công mất đi ta khác nào mất đi một cánh tay, nước nhà mất đi rường cột! Quốc công sống lẫm liệt, mất linh thiêng sẽ phù hộ cho triều đình.
Tháng 11 năm ấy vua Mạc Đăng Doanh tặng tên thuỵ cho Mạc Bang Hộ là Đảng Lượng và ban thêm cho 1000 quan tiền để cúng giỗ và xây lăng mộ.
Phạm Chính Nghị được lệnh của triều đình mang thư của Thượng hoàng Mạc Đăng Dung sang Vân Nam trao cho tướng trấn thủ ở đấy là Mộc Triều Phụ cậy nhờ dâng cho vua nhà Minh. Thư viết, vì Quốc vương nhà Lê bị Trần Cảo giết, không có con trai nên phải đưa em là Huệ lên thay. Huệ lại bị gian thần là Đỗ Ôn và Trịnh Tuy đưa vào Thanh Hoa nên triều đình phải dựng em của Huệ là Khoáng lên ngôi rồi vào Thanh Hoa đón Huệ. Sau cả Huệ và Khoáng đều bị bệnh chết, nhà Lê không có người nối dõi vì vậy khi sắp mất Khoáng có nói với triều thần rằng: “Cha con Đăng Dung đều có công với nước, vậy giao ấn tín cho y để giữ nước”. Bởi thế cả nước tôn Mạc Đăng Dung lên ngôi vua. Sở dĩ không dâng biểu xưng thần và nộp cống là bởi bị giặc Trần Thăng chiếm cứ Lạng Sơn, nghẽn đường nên không đi được, về sau thì lại bị quan giữ ải của thượng quốc đóng cửa ải không cho qua. Còn như Lê Ninh thực ra là con của tên loạn thần Nguyễn Kim chứ không phải con trai của Lê Huệ…
Vua Minh Thế Tông đọc thư, so sánh với lời tấu của các quan ở vệ Cẩm Y và của Trịnh Duy Liệu, thấy thư nói không đúng sự thật, lấy làm bực lắm liền đốc thúc Cừu Loan và Mao Bá Ôn mau tiến quân. Hai tướng kéo quân đến biên ải thì được tin Đại Việt đang ráo riết xây thành đắp luỹ, luyện tập thuỷ quân và cho đóng cọc rào các cửa sông, không những thế còn sẵn sàng đánh sang Lưỡng Quảng nên có ý sợ, liền dừng lại, dâng biểu lên vua Minh xin chỉ dụ. Quay đi quay lại, một năm nữa trôi qua đầy những lo âu phấp phỏng nhưng rốt cuộc không có chuyện gì xảy ra.
*
Năm Ất mùi (1535) bắt đầu bằng những ngày đầy lo âu về nạn ngoại xâm, song dẫu có thế nào thì năm hết Tết đến cũng ngập tràn không khí mùa xuân. Không khí ấy ở Trung Am, huyện Vĩnh Lại dường như còn khác thường nữa bởi ai ai cũng nói với nhau rằng Nguyễn Văn Đạt không đi thi thì thôi, đã đi thi là “nhất cử đăng khoa”, chẳng những vậy còn đỗ cao nữa. Năm trước ông đã đổi tên là Bỉnh Khiêm để đi thi Hương và đỗ Giải nguyên, năm nay thể nào cũng đỗ Hội nguyên rồi Đình nguyên – Trạng nguyên. Như vậy sẽ là tam nguyên. Đỗ đầu cả ba kỳ thi đời này hiếm lắm. Mà người đâu lại gan thế không biết, những bốn mươi mấy tuổi mới đi thi. Thiên hạ kẻ bảo cuối cùng thì Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không qua được cái nghĩa lý phải danh chính thì ngôn mới thuận, có xuất thân khoa cử thì mới có vị thế trong cõi đời; người lại nói đó là bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gặp được ông vua tài đức là vua Đại Chính mà ông từng ao ước, đã thấy rõ thời thế đổi thay để mà thể hiện tài năng, còn như nếu vẫn còn những vua quỷ vua lợn như Uy Mục, Tương Dực, hay thời cuộc vẫn đen tối như những năm Quang Thiệu, Thống Nguyên, thì ông thà suốt đời cày nhàn câu vắng chứ không bao giờ xuất thế… Thiên hạ nói gì thì nói, chỉ biết Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đi thi và quả nhiên đỗ đầu cả ba kỳ thi. Kỳ thi Hội thi Đình năm ấy lấy đỗ 32 tiến sĩ. Cùng đỗ kỳ đó còn có Đỗ Tấn, là em Đỗ Tổng trúng Trạng nguyên năm Minh Đức thứ ba. Chuyện này lại càng làm Bỉnh Khiêm tin việc mình ra thi là đúng vì hiếm thấy một triều đại nào lại giàu lòng vị tha đến thế.
Vua Mạc Đăng Doanh cũng dành cho Nguyễn Bỉnh Khiêm ân sủng đặc biệt: sau khi bổ chức Hiệu thư ở Viện Hàn lâm, đã mời vị quan Trạng tân khoa về Cổ Trai dự cuộc hoạ thơ của vua. Tham dự có hầu hết các đại khoa đương triều. Các vị đại khoa đều mang theo người nhà hoặc người hầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm mang theo học trò là Nguyễn Dữ. Tuy từ trước đến nay từng có nhiều học trò giỏi nhưng có tài về văn chương thì Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ thấy có Nguyễn Dữ. Nguyễn Dữ thích viết truyện và có đưa cho thầy mấy truyện xin thầy nhuận sắc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đọc xong, khen: “Viết thế này đáng được gọi là kỳ bút”! Thầy trò còn hợp nhau ở sự thẩm thơ. Một lần Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo Nguyễn Dữ nhận xét thơ của người xưa, Nguyễn Dữ nói: “Thưa thầy, con thấy thơ ông Chuyết Am kỳ lạ mà tiêu tao, thơ ông Vu Liêu tuấn tiễu mà kích thích, thơ ông Tùng Xuyên như chàng trai xông trận, có vẻ sấn sổ, thơ ông Cúc Pha như cô gái chơi xuân, có vẻ mềm yếu. Đến như ông Đỗ ở Kim Hoa, ông Trần ở Ngọc Tái, ông Đàm ở Ông Mặc, ông Vũ ở Đường An không phải là không ngang dọc tung hoành, nhưng cầu lấy lời chín lẽ tới, có thể khiến cho làng phong nhã phải phục thì chỉ duy những bài đầy lời trung ái của ông ức Trai là có thể chen vào môn hộ của Đỗ Thiếu Lăng được”(*). Nguyễn Bỉnh Khiêm khen nhận xét tinh tế.
Gặp hai anh em Nguyễn Chuyên Mỹ, Nguyễn Đốc Tín, Nguyễn Bỉnh Khiêm thân tình tặng họ đôi câu đối: “Đồng thế đồng triều tam tiến sĩ/ Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy”, bởi ông thân sinh ra hai người là Nguyễn Kim cũng đỗ tiến sĩ trước đấy và họ thì đỗ cùng một khoa. Với Trạng nguyên khoa Bính Tuất (1526) Trần Tất Văn, Nguyễn Bỉnh Khiêm càng tay bắt mặt mừng vì họ vốn biết nhau từ trước.
Nhà vua xướng bài Xuân thiên ngự giảng cho các quan cùng hoạ. Bài hoạ của Trạng Trình làm
______________
(*) Chú thích trong bản dịch Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ): Chuyết Am: Lý Tử Tấn, Vu Liêu: Nguyễn Trực, Tùng Xuyên (chưa rõ ai), Cúc Pha: Nguyễn Mộng Tuân, ông Đỗ: Đỗ Nhuận, ông Trần (chưa rõ ai), ông Đàm: Đàm Thận Huy, ông Vũ: Vũ Quỳnh, ức Trai: Nguyễn Trãi. Đỗ Thiếu Lăng: Đỗ Phủ, nhà thơ đời Đường (Trung Quốc).
Thượng hoàng và Hoàng đế rất hài lòng. Nói chung hôm ấy rất vui, chỉ đôi ba người lấn cấn về sự vắng mặt của ông Trạng khoa Mậu thìn Nguyễn Giản Thanh. Ngày trước, khi thầy Đàm Thận Huy ra câu thách đối, câu Nguyễn Giản Thanh đối được thầy khen hay nhưng đoán sau này tất vì sắc dục mà hại lây đến sự nghiệp, giờ mới nghiệm thấy đúng: Giản Thanh đi lằng nhằng với gái có chồng, đã không lấy được người ta, lại bị kiện nên phải rời việc quan, về nhà xấu hổ không dám đi đâu! Chê trách Giản Thanh bao nhiêu, lại thấy Thận Huy thực là bậc kỳ tài trong thiên hạ, đọc văn mà đoán được nết người.
Vua Mạc cho rằng qua ba khoa thi của đương triều, suốt 9 năm trời chỉ lấy đỗ được 86 tiến sĩ: năm Kỷ sửu (1529) chọn được 27 tiến sĩ, khoa Nhâm thìn (1532) cũng 27 người, khoa ất mùi (1535) này 32 người; như vậy là quá ít. Trong khi đó triều Lê số người đỗ từng khoa thường từ 50 đến 60. Tất nhiên sĩ tử miền Thanh Nghệ mấy năm nay không ra thi được cũng là lý do khiến số người đỗ ít đi nhưng đó không phải là lý do chính vì việc học trong đó từ xưa đến nay còn chưa được mở mang và số sĩ tử hai nơi ấy đỗ đạt không nhiều, nhiều nhất là ba trấn Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương. Lý do chính là bởi triều đình mấy năm nay còn phải lo nhiều việc nên sự học đúng là chưa được chăm lo thoả đáng. Nghĩ như vậy nên mùa xuân năm Bính thân (1536), nhân lúc nghỉ thi, vua Mạc Đăng Doanh đã sai Khiêm quận công Mạc Đĩnh Khoa tu sửa lại trường Quốc tử giám để chuẩn bị gọi con em các quan đại thần và một số học trò xuất sắc từ các nơi đến học; đồng thời lệnh cho các trấn sửa sang các trường thi để chuẩn bị đón sĩ tử dự thi Hương khoa tới. Đành rằng trường thi vốn là những cánh đồng sau khi gặt hái không trồng cấy nữa, nhưng phải lưu ý chọn những thửa rộng cao để không ảnh hưởng đến việc sĩ tử dựng lều kê chõng làm bài, vì nghe nói khoa vừa rồi ở trường thi Sơn Nam, nhiều sĩ tử gặp phải chỗ ruộng trũng, đất mềm nên đang làm bài giữa chừng thì chõng lún, lại phải dọn đi chỗ khác khiến không còn đủ thời gian để làm bài. Bộ Lễ và Bộ Công phải đôn đốc sâu sát, có việc gì phải tâu lên triều đình kịp thời. Thái tử Mạc Phúc Hải sẽ đích thân đi kiểm tra các nơi. Một hôm Mạc Phúc Hải đột ngột đến Chí Linh, trấn Hải Dương là nơi được chọn làm trường thi Hương của trấn, thấy mọi việc đều chu tất, liền bảo Bộ Lễ truyền các nơi đến học hỏi.
Tháng Giêng năm Đinh dậu, niên hiệu Đại Chính thứ 5 (1537), vua Mạc Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ Thích điện tế tiên thánh tiên sư, cầu cho một khoa thi tốt đẹp, các sĩ tử gặp nhiều may mắn.
(Còn tiếp)
L.V.K