Mạc Đăng Dung – Tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê Kì 38

– Khốn nỗi quan quân Lưỡng Quảng cứ kiếm hết cớ nọ đến cớ kia mà trì hoãn việc binh thì biết làm sao được! Ngày trước là Tuần án ngự sử Quảng Đông Dư Quang, bây giờ lại đến lượt Phan Đán. Cha Đán là Phan Trân trước đây chính vì tội can Hoàng thượng không nên cất quân Nam chinh mà bị đuổi về, thế mà Đán vẫn không kinh, kể cũng lạ!.(Tiếp kì 38).

– Khốn nỗi quan quân Lưỡng Quảng cứ kiếm hết cớ nọ đến cớ kia mà trì hoãn việc binh thì biết làm sao được! Ngày trước là Tuần án ngự sử Quảng Đông Dư Quang, bây giờ lại đến lượt Phan Đán. Cha Đán là Phan Trân trước đây chính vì tội can Hoàng thượng không nên cất quân Nam chinh mà bị đuổi về, thế mà Đán vẫn không kinh, kể cũng lạ! (Tiếp kì 38).

Cuối năm ấy, sau bao lần trì hoãn, nhà Minh tiến quân áp sát biên giới. Năm đó là năm Gia Tĩnh thứ 15 nhà Minh, Minh Thế Tông vừa sinh Hoàng tử. Việc này được thông báo tới các nước phụ thuộc để họ đến mừng. Các nước đều đến đủ, lễ vật rất nhiều, duy

Đại Việt không thấy đâu! Thượng thư Bộ Lễ là Hạ Ngôn nhân đó lại dâng biểu xin vua thúc Cừu Loan và Mao Bá Ôn sớm hỏi tội Mạc Đăng Dung. Minh Thế Tông nghĩ mình là vua nước lớn mà lại bị nguỵ vương nước nhỏ khinh nhờn thì không thể được, liền sai người cấp tốc truyền chỉ xuống phương Nam lệnh xuất quân không được trì hoãn. Chỉ dụ có nhắc đến việc khi tiễn Mao Bá Ôn lên đường, Minh Thế Tông còn tặng một bài thơ để khích lệ. Cừu Loan bảo:

– Hoàng thượng không tặng thơ tôi mà lại tặng ông, qua đó đủ biết Hoàng thượng thật ưu ái ông!

Biết Cừu Loan có ý ghen, Mao Bá Ôn đáp:

– Đấy là Hoàng thượng thấy tôi có ý ngại Nam chinh nên dùng thơ để khích lệ. Ông thì Nam chinh Bắc chiến không nơi nào không có mặt, đến như Phục ba Mã Viện có sống lại cũng không bì nổi nên Hoàng thượng chỉ cần trao cho chức Đô đốc thế là đủ, còn hơn hàng nghìn câu thơ câu phú.

– Bài thơ thế nào, tôi chưa biết.

Mao Bá Ôn đọc bài thơ (*) rồi nói:

– Hoàng thượng gửi gắm lòng tin đến vậy, nên nếu lần này chúng ta vẫn không tiến quân thì sao tránh khỏi tội lớn!

_____________

(*) Bài thơ bằng chữ Hán, được dịch như sau: “Đại tướng Nam chinh khảng khái sao/ Lưng đeo sáng quắc nhạn linh đao/ Gió lay trống trận sơn hà động/ Chớp nhoáng cờ đồn nhật nguyệt cao/ Trời thẳm kỳ lân sinh giống sẵn/ Hang sâu kiến cỏ trốn đằng nào/ Thái bình khi chiếu đòi về nước/ Trẫm cởi dùm ông chiếc chiến bào.

– Khốn nỗi quan quân Lưỡng Quảng cứ kiếm hết cớ nọ đến cớ kia mà trì hoãn việc binh thì biết làm sao được! Ngày trước là Tuần án ngự sử Quảng Đông Dư Quang, bây giờ lại đến lượt Phan Đán. Cha Đán là Phan Trân trước đây chính vì tội can Hoàng thượng không nên cất quân Nam chinh mà bị đuổi về, thế mà Đán vẫn không kinh, kể cũng lạ!

Cừu Loan nhắc đến chuyện Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phan Đán thấy việc Nam chinh không có lợi, kiên quyết dâng sớ lên vua Minh. Sớ viết: “Dấy quân tức là cần lương thực, binh sĩ. Hiện nay Tứ Xuyên lo việc thái mộc, Lưỡng Quảng tuy có trừ bị vài mươi vạn quân nhưng đã bị hao về việc Sầm Mãnh ở Điền Châu, lại thêm phải khởi công xây dựng nhiều việc lớn lao, số quân này đang bị trưng dụng vào các việc đó, nay hưng binh thì đâu cung cấp người và của? Vả lại, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê thì cũng như họ Lê cướp ngôi họ Trần vậy; nếu Đăng Dung chịu dâng biểu nộp cống thì đối với quốc thể cũng đủ vậy. Thần liều chết dâng sớ, mong Hoàng thượng xem xét”. Nội dung của sớ trươvs khi mang đi Yên Kinh có được Phan Đán nói cho Cừu Loan và Mao Bá Ôn. Không riêng gì Phan Đán mà ngay Cừu Loan cũng tin thể nào nhà vua cũng chuẩn y kế sách đó nên giờ đây, nhận được chỉ thúc giục tiến quân, Cừu Loan nói với Mao Bá Ôn:

– Sớ của Phan Đán chưa tới được Hoàng thượng nhưng khi đã tới có khi Hoàng thượng lại có chỉ khác ban tới cho mà xem. Vì vậy chúng ta hãy chờ ít ngày nữa xem thế rồi hãy tiến hẵng tiến quân cũng chưa muộn.

Lưỡng Quảng cách Yên Kinh muôn vạn dặm đường, sớ từ Lưỡng Quảng lên tới Yên Kinh rồi chỉ dụ lại từ Yên Kinh xuống Lưỡng Quảng, thời gian mất hàng năm trời. Vì vậy dọc sớ của Phan .Đán, Minh Thế Tông bực lắm, bảo quần thần:

– Trẫm vừa ban chỉ thúc dục tiến quân cách đây chưa đầy một năm thì lại nhận được sớ Phan Đán tâu lên! Cứ thế này thì đến bao giờ mới xong được việc trừng trị Đăng Dung! Cha Đán là Trân đã bị đuổi về quê vì tội can gián   không nên Nam chinh vậy mà mà Đán vẫn không sợ sao?

Trương Toản tâu:

– Phan Đán liều chết mà dâng sớ như vậy hẳn đã suy nghĩ rất kỹ nên suy ra y không phải không có cơ sở. Ngày trước, vào năm Hồng Vũ thứ 8, quan Trung thư có nói: An Nam là một nước văn hiến vậy nên lấy lễ độ mà dẫn dắt. Nay Phan Đán cũng nói vậy, thế nên bước đầu ta hãy viết thư quở trách, nếu Đăng Dung chịu dâng biểu nộp cống thì coi như đã chịu thần phục, nếu y vẫn tỏ ra khinh nhờn, lúc đó mang quân hỏi tội cũng chưa muộn. Nay rợ Đạt Đán và tộc Nữ Chân ở phương Bắc mỗi ngày một mạnh mới chính là mối lo lớn cho triều đình, xin Hoàng thượng cân nhắc. Thần còn nghĩ có khi phải gọi Cừu Loan trở về Yên Kinh để cùng với Nghiêm Tung trấn giữ Trường Thành ngừa cáI hoạ Đạt Đán, Nữ Chân mới xong.

Minh Thế Tông lặng im không nói gì. Rợ Đạt Đán là một bộ lạc Mông Cổ. Nhà Nguyên không còn nhưng những bộ lạc của người Mông Cổ thì vẫn còn và vẫn là mối lo lớn đối với Trung Quốc. Vua Đạt Đán là Yểm Đáp đã mấy lần cho quân đánh tới tận Trường Thành và còn doạ sẽ đánh xuống Yên Kinh! Cũng như vậy, nước Kim tuy đã mất nhưng tộc Nữ Chân thì không chịu cảnh phụ thuộc nên đang tìm cách đánh đuổi người Minh, thành lập nhà Hậu Kim.ổTương Toản nói có lý, phương Bắc quả mới là mối lo lớn của nhà Minh.

Mấy tháng sau tháng sau, Cừu Loan và Mao Bá Ôn nhận được chỉ dụ mới của Thế Tông. Điều này Cừu Loan đã đoán trước nhưng y không ngờ mình lại bị gọi về kinh. Cừu Loan bảo Mao Bá Ôn:

– Phen này có khi nhà vua lại điều tôi lên mạn Bắc cự nhau với quân Đạt Đán đây!

– Lần này có khi Hoàng thượng có thơ tặng ông cũng nên.

Cừu Loan không nói sao, lặng lẽ rót rượu và thở dài.

Cừu Loan đi rồi, dựa vào ý của chỉ dụ, Mao Bá Ôn viết thư và cho người đem sang Đại Việt, đe doạ đem quân sang đánh và đòi nếu đích thân Mạc Đăng Dung tới Nam Quan nộp sổ sách ruộng đất, hàng năm cống nạp và chịu tội thì được tha tội chết. Mao Bá Ôn nhắc lại việc ngày trước vua khai quốc nhà Lê chịu nhận hàng năm đúc người vàng thế thân vì đã trót giết Liễu Thăng, gọi là “nợ Liễu Thăng”, sau đó thực hiện nhưng hai chục năm nay không thấy, vậy từ đây phải tiếp tục.

Mạc Đăng Dung đọc thư nhưng rồi chỉ sai Nguyễn Văn Thái lên Nam Quan thương thuyết và trao biểu gửi vua Minh. Biểu trần tình lý do trễ nải việc triều cống và xin chiếu theo việc cũ của triều trước, đúc hai người vàng để thế thân. Phần lớn văn thư trao đổi với nhà Minh đều do Thượng thư Hàn Xuyên bá Trần Tất Văn soạn. Lần này cũng vậy. Đọc đến câu: “Cho nước tôi võ nhân ít học, thì lễ nghĩa sao đáng trách móc. Bảo thương dân An Nam vô tội, nỡ nào đem gươm giáo đâm chém?” Mao Bá Ôn không khỏi ngẫm nghĩ nên không tiến quân nữa. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung khen một bài biểu mà lui được vạn binh!

Tình hình lại yên.

*

Thời gian qua, ngoài trường Quốc Tử Giám rộng cửa đón con em các vị đại thần và những học trò giỏi từ các nơi đến học, nhà vua còn khuyến khích các vị đại khoa đương triều tối về dạy học ở nhà để đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước nên chưa bao giờ kỳ thi Hương lại nô nức như kỳ thi năm Đinh dậu (1537). Nguyễn Bỉnh Khiêm lần này có hai học trò xuất sắc là Lương Hữu Khánh và Giáp Hải, còn có tên là Giáp Trưng.

Lương Hữu Khánh là con Bảng nhãn khoa Kỷ mùi (1499) Lương Đắc Bằng, triều vua Lê Hiến Tông. Lương Đắc Bằng chính là người ngày trước đã thảo hịch kể tội Lê Uy Mục, giúp Thái sư Nguyễn Văn Lang lật đổ Uy Mục vào cuối năm Kỷ tị (1509), đưa Tương Dực lên ngôi. Tuy nhiên ngay sau đó, lấy cớ có tang thân phụ, Lương Đắc Bằng về Thanh Hoa rồi không lên kinh nữa, ở nhà mở trường dạy học, năm sau nhà vua gọi trở về triều, ông quyết không về, chỉ dâng vua “Sách lược trị bình” gồm 14 điều, như: chân chính, hiếu thảo, xa thanh sắc, tránh gian nịnh, khen thưởng đúng mức, chú ý pháp độ, lo cho dân yên ổn… Nghe tiếng Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từ Vĩnh Lại, Hải Dương vào tận Thanh Hoa theo học. Hơn 20 năm sau lại đến lượt Lương Đắc Bằng cho con mình từ Thanh Hoa ra theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Kỳ thi Hương ấy Lương Hữu Khánh đỗ giải nguyên,  Giáp Hải đỗ á nguyên, trường thi Hải Dương. Sĩ tử ai cũng tin với tài học của họ, vào thi Hội, thi Đình, ngôi Trạng nguyên, Bảng nhãn nhất định không tuột khỏi tay họ.

Quả nhiên, năm sau, năm Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (1538), vào thi Hội, Lương Hữu Khánh trúng Hội nguyên, Giáp Hải đỗ thứ hai. Đến khi giáp phách, lúc này các giám khảo mới biết Lương Hữu Khánh là người Thanh Hoa mà Thanh Hoa lại là nơi suốt bao nhiêu năm nay nhiều người theo Nguyễn Kim chống lại nhà Mạc, vì vậy họ quyết định đưa Giáp Hải lên đỗ Hội nguyên, đánh tụt Lương Hữu Khánh xuống thứ hai. Quá bất bình, Hữu Khánh bỏ thi Đình, trở về Thanh Hoa. Đoán thể nào Hữu Khánh cũng theo Nguyễn Kim, quân Mạc ráo riết tầm nã và chặn đường vào Thanh Hoa của Hữu Khánh nhưng Hữu Khánh khôn ngoan đi bằng đường biển nên thoát được.

Thi Đình, Giáp Hải không còn “đối thủ” nên đỗ Trạng nguyên. Khoa này lấy được 36 người trúng tiến sĩ. Huyện Nghi Dương những bốn người trúng tuyển, đó là Hoàng Thuyên và Nguyễn Huệ Trạch ở Lê Xá, Bùi Văn Tảo ở Cổ Trai, Bùi Tổ Trứ ở Xuân La. Chuyện ấy tuy làm có xôn xao dư luận nhưng không bằng đề văn thi Đình, đại ý: Hiện nay giặc đang ở ngoài cõi, sĩ tử có kế sách gì hay thì đem ra bàn. Bài cốt lấy ý nên không những cho phép các sĩ tử viết chữ thảo, sau đó sẽ có những người viết chữ đẹp chép lại dâng lên vua đọc, như lệ vẫy vậy mà còn bớt những huý nhẹ để sĩ tử trình bày được nhiều ý kiến.

Giáp Hải có nhiều ý kiến sâu sắc nên đỗ Trạng, chẳng những thế còn được nhà vua chỉ định ngay lập tức dùng những kế sách ấy lên biên giới thương thuyết với Mao Bá Ôn vì mới đây y lại có thư hạch sách rằng Mạc Đăng Dung không làm đúng như những gì y đã nói với Nguyễn Văn Thái: Không thấy dâng sổ sách ruộng đất, không lên Nam Quan chịu tội, bảo đúc người vàng thế thân nhưng không thấy người vàng đâu, chỉ thấy sứ thần Nguyễn Chiêu Huấn mang sang cống lư hương, bình hương, mâm và rùa bằng vàng bạc cùng với 60 cân trầm hương, 148 cân tốc hương! Cùng với thư, Mao Bá Ôn còn thúc quân tiến sát biên cương. Trước khi Giáp Hải lên đường, Thái thượng hoàng dặn thêm:

– Thư trả lời đã viết rõ, nhưng khi lên đấy thương thuyết thể nào Bá Ôn cũng căn vặn, vậy thì thì khanh hãy dùng lý lẽ nói cho y biết: Việc giết Liễu Thăng là do họ Lê chứ họ Mạc không làm việc ấy nên không thể coi là mắc nợ và phải trả nợ. Vả lại ngay từ thời Quang Thiệu, Thống Nguyên, 11 năm liền họ Lê đã không cống người vàng nên coi như lệ ấy chính họ Lê cũng đã bỏ không theo. Họ Mạc là giám quốc nên chỉ xin cống nộp vàng bạc và các thứ theo định số.

Giáp Hải và đoàn sứ giả tới Nam Quan. Viên quan giữ ải không mở cửa cho qua ải, từ trên cao nói xuống rằng quốc vương An Nam không giữ đúng lời hứa nên hai nước chỉ còn cách đánh nhau chứ không còn cách nào khác.

Giáp Hải nói:

– Nếu quý quốc quả muốn vậy thì để tôi về nói với vua nước tôi chuẩn bị binh khí để tiếp đón.

Hai bên đối đáp một hồi lâu, Giáp Hải tỏ ra cứng cỏi nên viên quan giữ ải phải mở cửa cho vào. Giáp Hải tới dinh của Mao Bá Ôn, xưng danh và chào theo đúng lễ nghi. Bá Ôn không nói sao. Giáp Hải giả bộ ngơ ngác nhìn quanh:

– Ở đây không có người à?

– Ngươi không có mắt sao?

– À, bây giờ thì có người rồi nhưng toàn người chậm mồm chậm miệng!

– Quan giữ ải nói nếu quân đội thượng quốc tiến đánh thì quốc vương nước ngươi cũng sẵn sàng binh khí để tiếp đón phải không?

– Đấy là tôi nói chứ không phải vua nước tôi nói. Vua nước tôi bao giờ cũng muốn hai bên giao hảo, không bao giờ xảy ra can qua. Bởi can qua thì sinh linh của cả hai bên đều khốn khổ chứ chẳng riêng gì người nước tôi.

– Nước ngươi nhỏ yếu như phận cánh bèo, sao chống nổi với giông bão mà dám ngông cuồng vậy?

– Nước tôi không ngông cuồng nhưng vì thượng quốc dồn ép nên buộc phải ráng sức. Cây bèo tuy nhỏ nhưng khi đã kết thành bè thành mảng thì không giông bão nào làm tan nổi. Lúc đó ngay cả ánh mặt trời cũng không dọi xuống nước được. Giông bão nổi lên bèo tuy có lúc tan nhưng rồi lại hợp. Giông bão cũng vậy thôi, có lúc mạnh lấn lướt nhưng cũng có lúc chỉ còn như gió thoảng chưa chắc đã làm rung nổi ngọn cỏ.

Mao Bá Ôn bỗng cười ha hả:

– Ông là Trạng nước Nam, chữ nghĩa chắc cũng đủ, nhân đang nói chuyện về cây bèo với gió bão, tôi có bài thơ vịnh cây bèo, nay xin đọc để ông hoạ chơi.

Mao Bá Ôn đọc đến đâu, quan thư lại chép đến đấy rồi đưa cho Giáp Hải; Giáp Hải đưa mắt lướt qua rồi đặt bút viết một mạch, không cần nghĩ ngợi nhiều và trao cho người thư lại để đưa cho Mao Bá Ôn(*). Mao Bá Ôn đọc xong, không nói gì, mặt hơi biến sắc, gạt bài thơ sang một bên và bảo:

– Nhà Lê đã được thượng quốc sắc phong có nghĩa là đã danh chính ngôn thuận. Nay quốc vương nước ngươi làm chuyện thoán đoạt, đã không biết tội lại còn không cả triều cống suốt 20 năm trời. Sau đó nhận lỗi, xin được cống nạp thì lại dối trá, chỉ dâng mấy thứ vặt vãnh, không thấy người vàng như đã hứa là thế nào? Sổ sách ruộng đất cũng không thấy nộp là làm sao?

– Việc nộp sổ sách là việc lớn, không thể vội vàng được. Lại càng không thể đem nộp tất cả. Vua Tống ngày trước có nói với vua nước tôi: “Những đất mà nhà Tống chiếm đóng thì sẽ trả cho Giao Chỉ, nhưng những đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được”. Trấn Hưng Hoá nước tôi vốn có hai châu Quy, Thuận. Châu Quy tức là Quy Hoá và Châu Thuận tức là Thuận An. Hai năm Đinh Dậu (1057) và Quý sửu (1073) nhà Tống đánh chiếm hai châu này, gộp châu Quy với đất Vật Dương vốn do Nùng Trí Cao nộp, gộp  châu Thuận với đất ác Vật vốn do Nùng Tông Đản nộp. Như vậy vua Tống nói một đằng làm một nẻo, vừa giữ những đất thủ lĩnh chúng tôi tự nộp vừa không trả những đất đã chiếm. Vậy việc đó tính sao? Có phải ép nước tôi quá không? Nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê nước tôi thỉnh thoảng vẫn còn nhắc đến chuyện ấy nhưng không thấy đòi, vậy nên giờ đây vua nước tôi cũng không đòi nữa, cho được danh chính ngôn thuận.

Mao Bá Ôn bảo:

– Quốc vương nước ông thật khôn ngoan. Không chịu mất một tấc đất nào mà lại như là dâng đất. Nhưng dẫu có thế nào thì tôi cũng không có quyền quyết định. Việc này

phải được tâu lên triều đình. Nhưng muốn thế thì phải có sổ sách ruộng đất kèm theo. Ông định bắt ta phải làm sổ sách sao?

___________

(*) Nguyên văn hai bài thơ bằng chữ Hán, được dịch như sau:

– Bài xướng của Mao Bá Ôn: “Ruộng nước lênh đênh nhỏ tựa kim/ Nơi nơi trông thấy mọc nông mèm/ Đã không cành cỗi còn không gốc/ Dám có rễ mầm lại có tim/ Nào biết nơi tan duy biết tụ/ Chỉ hay khi nổi nọ hay chìm/ Giữa trời giông tố thình lình nổi/ Quét bạt ra khơi hết kế tìm”.

– Bài hoạ của Giáp Hải: “Vẩy gấm ken dày chẳng lọt kim/ Lá liền rễ mọc kệ nông mèm/ Mây bạc không cho soi thuỷ diện/ ánh hồng đâu dễ dọi ba tâm/ Sóng dồn ngàn lớp xô không vỡ/ Gió dập muôn cơn khó đánh chìm/ Rồng cá ít nhiều nương dưới đó/ Cần câu Lã Vọng hết mong tìm”.

– Ngài không phải làm gì cả. Tôi có mang theo sổ sách hai châu đó đây.  Chúng được giữ rất cẩn thận bao nhiêu năm nay. Để cho cẩn thận, chúng tôi còn sao lại một bản để giữ làm bằng cứ, chỉ phiền ngài ký vào đó một chữ làm chứng.

– Hừ, cứ như hai châu ấy đang thuộc về nước ngươi không bằng! Thế còn đúc người vàng thế thân trả nợ thì sao?

– Biết ngài có tài, được vua nước ngài rất trân trọng, tôi hỏi ngài, xin ngài thực bụng trả lời cho: Theo ngài thì Liễu Thăng có phải là tướng giỏi không?

– Giỏi gì hắn! Trong tay có 10 vạn quân mà chỉ một trận đánh đã thua và bị chết chém!

– Ngài nói rất đúng, Vả lại hồi đó Liễu Thăng có còn sống thì cũng đã chết già từ lâu rồi. Chính vì thấy vô lý nên vua Quang Thiệu và Thống Nguyên nước tôi quyết bỏ việc đó. Nay họ Mạc chỉ là giám quốc nên cứ thế mà theo.

Giáp Hải vẻ nhún nhường, khẽ đưa mắt về phía người theo hầu:

– Nghe tiếng ngài là danh nho Bắc quốc, nay mới được gặp, thật là hạnh  ngộ. Nay tôi có ít lễ vật để tỏ lòng ngưỡng mộ.

Mao Bá Ôn thấy Giáp Hải bày ra những đồ vàng bạc quý giá cùng trầm hương và hoa quả phương Nam liền hoa cả mắt. Y nhìn vào đám hoa quả, cốt làm như không để ý đến những đồ quý giá:

– Quả này là quả gì vậy?

– Nước tôi gọi là vải còn tên chữ của nó là “lệ chi”. Ngày xưa vua Đường Huyền Tông của quý quốc rất thích thứ quả này để chiều lòng Dương Quý phi. Mùa vải năm Giáp ngọ (722), đoàn phu gánh vải nước tôi dọc đường vì khát nước có người vặt lấy một quả, chưa kịp ăn thì đã bị lính Đường đi áp tải đánh trọng thương, lúc khác lại một ông già bị đánh đến chết. Trong đoàn có Mai Thúc Loan, ông này thấy vậy phẫn nộ quá liền đánh trả, chuyện nhỏ thành lớn, sau thành cuộc khởi nghĩa, Mai Thúc Loan xưng vua, gọi là Mai Hắc đế vì ông ấy người đen lắm. Nhà Đường phải mang đại quân sang mới dẹp nổi. Tôi nghĩ, một người gánh vải mà còn làm được chuyện như vậy, kể cũng đáng nghĩ ngợi.

Mao Bá Ôn không nói sao, biết là Giáp Hải nói xa xôi, liền giả cách như không để ý, bóc một quả ăn, khen ngon. Được một lúc, Giáp Hải xin cáo từ, bảo đã sang đến đây mà không đến chào Tổng trấn Lưỡng Quảng không được.

Mao Bá Ôn dâng sớ lên vua Minh, kèm theo sổ sách hai châu Quy, Thuận.

Minh Thế Tông hỏi Thượng thư Bộ Hộ:

– Hai châu ấy là thế nào?

Thượng thư Bộ Hộ nói:

– Xin bệ hạ cho thần được vào thư viện xem bản đồ, sổ sách và đọc các cuốn sử của triều trước thì mới trả lời chính xác được. Nhưng thần nhớ mang máng hình như hai châu này đã thuộc về nước ta từ 500 năm trước rồi thì phải.

Minh Thế Tông bực tức đập bàn:

– Khanh cứ về tra xét cho kỹ rồi tâu đúng sự thật. Nếu quả hai châu ấy đã thuộc nước ta từ lâu thì lại một lần nữa Đăng Dung dối trá, không thể tha được.

(còn tiếp)

L.V.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder