Ngay hôm đó, Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung xa giá rời Dương Kinh để lên kinh đô, đưa con trưởng Thái Tông Khâm triết Văn hoàng đế Mạc Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải nối ngôi, đổi niên hiệu Đại Chính thành năm Quảng Hoà thứ nhất. Mạc Đăng Doanh lên ngôi ngày mồng 1 tháng Giêng năm Canh dần (1530), mất ngày 25 tháng Giêng năm Canh tí (1540), ở ngôi được 10 năm… Tiếp kì 39
Ngay hôm đó, Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung xa giá rời Dương Kinh để lên kinh đô, đưa con trưởng Thái Tông Khâm triết Văn hoàng đế Mạc Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải nối ngôi, đổi niên hiệu Đại Chính thành năm Quảng Hoà thứ nhất. Mạc Đăng Doanh lên ngôi ngày mồng 1 tháng Giêng năm Canh dần (1530), mất ngày 25 tháng Giêng năm Canh tí (1540), ở ngôi được 10 năm. Tiếp kì 39
7
Người ta bảo “phúc” thường không tới cùng lúc còn cái “hoạ” thì lại không mấy khi xảy đến đơn chiếc!
Tháng 5 năm Canh ngọ (1539) Hoàng thái hậu nhà Mạc mất. Bà mất cũng không có gì quá đột ngột vì đã 82 tuổi, cái tuổi xưa nay rất hiếm. Sùng An vương Mạc Nhân Trí được giao việc hộ tang. Theo tục lệ và phép nước đã có từ lâu, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung để tang mẹ 3 năm, vua Mạc Đăng Doanh và và quần thần để tang 1 năm, người trong kinh thành để tang 100 ngày, toàn dân trong thiên hạ để tang 27 ngày. Bà được đặt tên thuỵ là Chiêu từ Sùng hựu Hiến thành Hoàng thái hậu. Phần mộ gọi là Thuỵ Lăng. Thuỵ Lăng ngay bên cạnh Mả Lăng, nơi phần mộ của Chiêu tổ Quang liệt Cơ mệnh hoàng đế, thân sinh ra Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Mạc Đăng Dung cho xây điện Sùng Đức và đắp một gò đất cao ở bờ sông, gọi là gò Mã Thảo. Quan lại và dân chúng tới Mả Lăng, Thuỵ Lăng dâng hương, trước tiên lên gò đất ở bờ sông để lễ vọng vào điện Sùng Đức. Gò Mã Thảo được đắp nhằm trấn áp phương Bắc nên được dựng ở phía Bắc và trước mặt điện Sùng Đức.
Cái hoạ ập đến sau đó không lâu làm Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, vua Mạc Đăng Doanh và mọi quần thần đều rất buồn, đó là Tín vương Mạc Quyết qua đời! Mạc Quyết lâm bệnh từ khi dẫn quân theo đường Thượng đạo lần thứ hai vào đánh Thanh Hoa. Chính vì vậy, lần ấy đang giữa chừng Mạc Quyết phải dẫn quân trở về khiến quân Mạc bị mất một cánh quân nên cánh còn lại cũng phải rút lui. Người bảo Mạc Quyết bị ngã nước, người bảo bị sốt rét, chỉ biết lúc trở bệnh thì rét từ da thịt rét ra nên bao nhiêu chăn đắp cũng không thấy ấm, hoả lò rừng rực thâu đêm bao nhiêu người xung quanh nóng đến đổ mồ hôi nhưng Mạc Quyết vẫn không làm tan nổi cái rét trong Mạc Quyết. Thuốc thang vào rồi khỏi nhưng da dẻ vàng đi, môi thâm lại và người rộc hẳn, mãi sau mới hồi phục. Nhưng ít lâu sau lại trở bệnh! Cứ thế lúc khỏi lúc ốm và Mạc Quyết suy kiệt dần. Hôm đưa linh cữu Thái hậu tới Thuỵ Lăng, Mạc Quyết còn theo được đến tận nơi nhưng trở về từ đó không thể trở dậy nổi. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung đến Phủ Tín thăm em, Tín vương Mạc Quyết nói:
– Ngày trước nghe tin nhà Minh động binh, Tĩnh Quốc công dâng kế nên học theo cách của Lý Thường Kiệt đánh sang Châu Khâm, Châu Liêm, Châu Ung, Thượng hoàng nhất quyết không theo. Bây giờ Thượng hoàng có muốn trở lại với kế đó thì cũng không còn Tĩnh Quốc công mà em thì khó có thể theo giúp việc quân được.
Thượng hoàng cầm tay em:
– Em hãy nghỉ nơi tĩnh dưỡng. Việc nước rất hệ trọng nên phải suy tính kỹ. Mọi kế sách của các đại thần, anh và Đăng Doanh đều phải nghe và lựa lấy những điều hay lẽ phải. Em thấy đấy, từ lúc Nguyễn Kim cho người sang cầu cứu nhà Minh đến nay và nhà Minh động binh, tính ra đã 6 năm, mặc dù nhà Minh liên tục đe doạ và đòi hỏi đủ điều, chúng ta chỉ mất cho chúng một số đồ cống như các triều đạảctước đây, mà cũng không đủ như chúng đòi hỏi và như ta đã hứa. Đất đai thì vẫn không để mất lấy một tấc. Còn như hai châu Quy, châu Thuận, cũng như đất Vật Dương, Vật ác là do triều Lý làm mất cách đây tới gần 500 năm. Anh nghĩ rút củi đáy nồi làm cho nước trong nồi bớt sôi cũng là một trong kế sách hay nên đã theo, hy vọng đến một lúc nào đó nước sẽ nguội hẳn. Còn như giặc vẫn cứ kéo sang thì ta sẽ đánh. Đầu tiên Cao Bằng, Lạng Sơn sẽ làm giặc nản lòng, sau đó đến lượt Chi Lăng sẽ khiến chúng thất điên bát đảo, giặc tràn xuống nữa thì thành Xương Giang là mồ chôn chúng, bến Bình Than lại thêm một lần máu chảy trôi chày, sông Bạch Đằng sẽ lại một lần nữa máu trôi đỏ nước.
Mạc Quyết xiết chặt tay anh:
– Em chỉ sợ THượng hoàng và nhà vua nao núng, chứ vừa tìm ra kế sách hay cho đất nước được yên, vừa đỡ cho sinh linh khốn khổ thì càng hay chứ sao. THượng hoàng và quần thần lại sẵn lòng quyết tâm như vậy, em dẫu không được theo việc quân đến cùng cũng yên lòng.
Cả hai anh em đều không cầm được nước mắt. Mạc Quyết qua đời đêm ấy. Đó là một ngày đầu thu, mới chớm thu mà trời đất thật lạ lùng: Rét đến mức người già phải tìm áo ấm để mặc. Nhưng chỉ vài ngày sau thời tiết lại trở lại bình thường như mọi thu khác.
Hồi Hoàng thái hậu mất, vì vướng sinh nở nên Kim Thoa không về dự lễ tang được, lần này mang cả con lớn con bé cùng chồng về Cổ Trai để tiễn Tín vương. Sau công việc, nàng cùng các con ở lại Vọng Giang Lâu chơi, hẹn chồng ít tuần nữa đem hàng xuống Minh Thị thì đón nàng về. Kim Thoa đẫy người so với trước và không còn vẻ một nàng công chúa ngây thơ mà đã ra dáng người mẹ một nách hai con, người vợ đảm đang mọi việc. Duy cái tính khiến chồng phải sợ thì không thay đổi. Đã vậy nàng lại có “máu sư tử Hà Đông”. Tuy nhiên đấy là khi ở nhà, khi chỉ có hai vợ chồng với nhau, còn trước mọi người bao giờ nàng cũng tỏ ra biết lễ nghĩa nên không ai nhận ra, trừ một người, đó là Khánh Diệm. Đàn bà với nhau, lại thuộc tính thuộc nết nhau, khó mà qua mắt nổi. Một hôm Khánh Diệm vui vẻ bảo:
– Cháu giỏi thật đấy, làm thế nào mà Đỗ Dự nó sợ cháu một vành thế hả?
– Đâu! – Kim Thoa chối – Cháu có làm gì để anh ấy sợ đâu!
– Lại còn giấu cô nữa! Hôm Đỗ Dự nó xuống thuyền, cô đứng trên lầu vô tình thấy cháu dí ngón tay vào trán nó, vừa như yêu lại vừa như đe ấy!
– Chết thật! Có ai trông thấy nữa không cô?
– Yên chí, không ai cả. Thảo nào ngày trước Chiêu Tông sợ cháu một phép!- Giọng Khánh Diệm bỗng buồn hẳn đi – Còn cô, ngày trước thấy Nguyễn Lĩnh lăng nhăng, cô chỉ biết vào buồng khóc thầm thôi!
– … Thế cô…?
– Cô đang cân nhắc.
– Vậy á? Thôi, cô cân nhắc làm gì nữa!
Hơn một tháng sau Đỗ Dự đưa thuyền xuống đón vợ và các con về. Tất nhiên không thể không chở theo hàng hoá tới Minh Thị. Hai lần trước vì về quê ngoại chịu tang Hoàng thái hậu và Tín vương nên Đỗ Dự không thể mang theo hàng hoá, gặp chàng khách buôn tuy tỏ lòng thông cảm nhưng thực bụng thì họ thất vọng vì không mua được hàng. Đồ gốm Phù Lãng, Chu Đậu, Bát Tràng càng ngày càng được ưa chuộng. Vì thế lần này Đỗ Dự đưa xuống những năm thuyền, thuyền nào cũng đầy ắp đồ gốm. Quả nhiên, chưa đầy một ngày đã bán hết.
Đỗ Dự còn vui vì vô tình học được cách khoe ấm độc đáo từ một trò lạ của một ông lão ở chợ. Lão này bày bán bộ ấm chén đời Hán. Có người bảo đồ của lão không có gì đặc biệt ngoài việc nó được làm cách đây 1500 năm, còn thì kiểu dáng thì thợ gốm của ta ở Phù Lãng, Chu Đậu cũng làm được, thậm chí nhiều cái còn đẹp hơn. Lão chẳng nói chẳng rằng, chỉ lấy trong túi ra mấy cái ấm của ta, thả tất cả vào chậu nước cùng với cái ấm Hán, cái ấm Hán nổi như chiếc thuyền con không hề tròng trành, ấm của ta cái quai nặng hơn vòi, cái vòi nặng hơn quai nên nếu ấm không nghiêng về bên này thì cũng ngả về bên kia, có cái nước còn qua đằng vòi vào trong ấm thế là ấm chìm! Người xem quây quanh lão như xem một trò ảo thuật. Nhiều người trầm trồ khen cái ấm Hán. Chợt có người bảo:
– Ấm không phải là thứ để thả xuống nước chơi nên vòi với quai bên nặng bên nhẹ thì có can hệ gì?
Lão nọ nói nói:
– Đúng vậy đấy, vòi với quai cái nào nhẹ hơn hay nặng hơn cũng không làm cho ấm chè ngon hay không ngon. Nhưng xét kỹ ra, cái ấm Hán vẫn cứ hay hơn!
– Ấm là để pha trà. Muốn giữ được vị chè ngon lâu ấm phải đủ sức nóng. Tôi có cái ấm đời Tống, nhưng chỉ để bày cho đẹp còn như pha trà thì cứ phải ấm ta vì ấm ta giữ nhiệt tốt. Có lẽ vì chất đất để làm ấm ta nó hợp với trà của ta, nước chế của ta. Chả thế mà các cụ có câu: “Ta về ta tắm ao ta”!
Lão bán ấm cự lại. Những người xung quanh cũng mỗi người một ý. Đỗ Dự muốn góp chuyện nhưng nghĩ lại thôi, chỉ mua luôn cái ấm Hán, định bụng sẽ học theo cách làm ấm của người phương Bắc. Lão bán ấm bảo:
– Chú thực tinh đời. Tôi có giắt theo đây ít trà ngon, ta vào cái quán kia, tôi sẽ pha một ấm vào cái ấm Hán này để chú thưởng thức vị trà của nó. Bảo trà của ta chỉ hợp với ấm của ta chứ không hợp với ấm của họ là tôi dứt khoát không chịu, nhưng chả nhẽ lại cãi, mà cãi làm sao được với những người không biết gì, chỉ cả vú lấp miệng em!
Lão nọ lại một lần nữa làm Đỗ Dự phải thán phục về cách pha trà cầu kỳ. Người đang khát nước hay kẻ tham ăn tục uống mà nhìn lão pha trà thì đủ là sốt ruột! Đỗ Dự bỗng cảm thấy ái ngại:
– Bán ấm đi rồi thì ông còn đâu cái thú này nữa?
– Tôi vẫn còn bộ ấm chén khác, đời Tấn, nghĩa là ngay sau đời Hán và thời Tam Quốc. Nó có những hai lần vỏ. Giữa hai lần vỏ trống không. Chỗ quai có một cái miệng nhỏ chỉ đút vừa ngón tay út, cũng có vung đậy hẳn hoi, để rót nước nóng vào khoảng trống giữa hai lớp vỏ, nhờ vậy ấm giữ được nhiệt lâu. Vốn là, tôi có một ông bạn già, sáng nào cũng cùng ông ấy thưởng trà sen ở bộ ấm chén Hán, nay ông ấy mới mất, cứ trông thấy ấm là lại nhớ ông ấy, vậy nên nghĩ phải cho cái ấm nó đi thì may ra mới khuây khoả được. – Lão bỗng cười khà khà – Chả là tôi định học thói của Trần Phồn đời Hậu Hán. Ông này có người bạn rất thân tên là Từ Trĩ và dành riêng cho bạn một cái giường, khi bạn đến thì mời ngồi, lúc bạn về thì treo lên, không cho ai khác ngồi cả. Trước đây có lần tôi nói với ông bạn già của tôi rằng nếu ông ấy mất, không còn ai tri kỷ nữa thì tôi dứt khoát đập bỏ bộ ấm chén này; ông ấy bảo đừng đập, thà đem bán còn được ít tiền để đến ngày giỗ ông ấy có tiền mà mua trà ướp sen đem sang cúng ông ấy! Tôi lại bảo giả sử tôi chết trước ông ấy thì sao? Ông ấy bảo không bao giờ lại thế. Quả nhiên ông ấy đi trước tôi. Nay tôi bán bộ ấm chén này cũng là theo lời ông ấy.
– Thú thực tôi chưa gặp ai lạ lùng như các ông!- Đỗ Dự bảo.
– Tôi cũng chưa gặp một ai sành đồ gốm như chú. Thế chú người đâu ta?
Đỗ Dự thành thật nói về mình. Lão càng nghe càng ngây ra rồi rối rít xin lỗi:
– Người như chú đáng lẽ tôi phải tặng không bộ ấm chén mới đúng, chứ ai lại bán. Cũng tại chú không nói trước. Chả nhẽ bây giờ tôi trả lại tiền chú… à thôi, tôi còn ít trà ướp sen đây, biếu chú để tỏ lòng tri âm, hạnh ngộ vậy. Hoá ra chú là Phò mã nhà Mạc cơ đấy.
– ấy chết, ông đừng nói thế! Vợ tôi là con gái Thái sư Mạc Quốc Trinh, ngày bé được Thái hậu yêu quý và gọi là con nên Thái thượng hoàng cũng coi như con.
– Thái thượng hoàng thật nhân đức!
Lão bán ấm quay sang chuyện thời cuộc một lúc nữa rồi chia tay. Lão là Trịnh Duy Thuận, em Lỵ Quốc công Trịnh Duy Thuân, được lệnh của Lê Trang Tông và Nguyễn Kim bí mật về nước để dò xét tình hình nhà Mạc. Lão đi khắp chốn với nhiều bộ dạng khác nhau nhưng ưa nhất là đóng vai người bán ấm vì lão sành sỏi về đồ cổ và cũng sành thú ẩm thực. Lão luôn tìm cách bán ấm cho những người có vai vế, vừa bán vừa gạ chuyện. Thừa biết Đỗ Dự là ai, nên lão đã nghĩ đến nước tặng người con rể nhà Mạc bộ ấm chén để có cớ chuyện trò nhưng không ngờ vừa đạt được mục đích đó, lại vừa có tiền. Ngoài mục đích dò la tình hình Cổ Trai, Minh Thị lão còn đạt được mục đích thứ hai: dúm “trà tri âm, hạnh ngộ” biếu Đỗ Dự có pha thuốc độc. Được cái ấm quý và dúm trà ngon, Đỗ Dự mang cả ấm cả trà lên lầu pha, cùng vợ và chị dâu uống. Tuy nhiên Khánh Diệm không uống vì chỉ quen uống nước che tươi.
Mấy ngày sau hai vợ chồng Đỗ Dự đều lẩm ngẩm đau bụng và mấy hôm sau nữa lần lượt chết trong cơn đau xé ruột. Trước khi chết Đỗ Dự còn kịp tới lò gốm bảo thợ học theo cách làm ấm của người Hán, sau đó cất bộ ấm chén ở chỗ trang trọng mà không hề biết mình chết chính vì cái ấm đó.
Năm sau nghe theo Thượng hoàng, công chúa Khánh Diệm tái giá với Lương Khê hầu Bùi Đổ.
Vậy là ở cái lầu sang trọng bên sông, gần chợ và bến Minh Thị từ nay không còn bóng người đàn bà bao nhiêu năm nay lúng túng sống trong cảnh hiu quạnh và những ký ức vừa ngọt ngào vừa cay đắng mà mỗi lúc chiều tà thường đứng tựa lan can, mỏi mòn trong ánh hoàng hôn vật vã. Cũng không còn thấy bóng đoàn thuyền quen thuộc chở đầy đồ gốm từ thượng lưu xuôi dòng Văn úc cập bến Minh Thị như những ngày nào. Chuyện vui chuyện buồn cứ thế đan xen. Có điều chợ và bến sông vắng hẳn đi. Nhưng buồn vắng không lâu, khi từng đoàn thuyền ngoại quốc vẫn ngày ngày cập bến thì thuyền từ các nơi trong nước vẫn cứ đổ về Minh Thị. Đỗ Dự mất rồi, đã có những người khác. ở đâu đó, những lò gốm vẫn không ngừng nhả khói, những người thợ bịt bạc vẫn miệt mài trang sức cho những bộ ấm chén, những người thợ khảm trai thì mải miết tô điểm cho những sập gụ, tủ chè… Vọng Giang Lâu cũng không ít khách đi vì thợ mộc tứ xứ vẫn thường đến xem các bức chạm trổ và trầm ngâm với câu chuyện về hai nàng công chúa.
*
Một ngày tháng Giêng năm Canh tí (1540), trên đường dẫn về Cổ Trai có một đoàn kỵ mã phi nước đại, các chiến binh rạp người trên lưng ngựa, lông mày lông mi vàng khè bụi đường, ngọn cờ lông công trên tay người đi đầu oằn oại, tơi tả vì đã trải qua một đoạn đường dài suốt từ kinh đô về đây.
Tới nơi, tất cả dừng lại ngoài điện Tường Quang, chỉ có Phò mã nhà Mạc là Nguyễn Liễn, con trai Tây Quốc công Nguyễn Kính vào điện Hưng Quốc gặp Thái thượng hoàng. Vừa trông thấy Nguyễn Liễn trong dáng điệu buồn bã, mệt mỏi, Thượng hoàng giật mình.
– Muôn tâu Thái thượng hoàng!… Hoàng đế đã băng hà! – Nguyễn Liễn nghẹn giọng.
– … Ngươi… ngươi nói sao?
– Tâu Thái thượng hoàng! Hoàng đế, nhạc phụ của cháu đã băng hà!
Mạc Đăng Dung giơ cả hai tay lên trời:
– Giời hại ta!
Trong chưa đầy nửa năm trời mà bao nhiêu tang tóc đổ xuống nhà Mạc!
Ngay hôm đó, Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung xa giá rời Dương Kinh để lên kinh đô, đưa con trưởng Thái Tông Khâm triết Văn hoàng đế Mạc Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải nối ngôi, đổi niên hiệu Đại Chính thành năm Quảng Hoà thứ nhất. Mạc Đăng Doanh lên ngôi ngày mồng 1 tháng Giêng năm Canh dần (1530), mất ngày 25 tháng Giêng năm Canh tí (1540), ở ngôi được 10 năm.
(Còn tiếp)
L.V.K