Mạc Đăng Dung – Tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê Kì cuối

Như vậy, sau khi bị lật đổ, nhà Mạc còn kháng cự được hơn 85 năm nữa (từ 1592 đến 1677), mà Cao Bằng chính là kinh đô của cuộc kháng chiến, đúng như  ngày trước Trạng Trình có nói: “Cao Bằng tuy tiểu khả dung sổ thế”. Nhưng trên thực tế, mãi đến năm Mậu thân (1688) những dư đảng cuối cùng của nhà Mạc mới chịu khuất phục hoàn toàn. Một cuộc kháng cự bền bỉ chưa từng thấy trong lịch sử Đại Việt…(Kì cuối)

Như vậy, sau khi bị lật đổ, nhà Mạc còn kháng cự được hơn 85 năm nữa (từ 1592 đến 1677), mà Cao Bằng chính là kinh đô của cuộc kháng chiến, đúng như  ngày trước Trạng Trình có nói: “Cao Bằng tuy tiểu khả dung sổ thế”. Nhưng trên thực tế, mãi đến năm Mậu thân (1688) những dư đảng cuối cùng của nhà Mạc mới chịu khuất phục hoàn toàn. Một cuộc kháng cự bền bỉ chưa từng thấy trong lịch sử Đại Việt. (Kì cuối)

Năm sau, vào tháng 2 vua Mạc ở trong cung mà vẫn bị sét đánh liệt nửa người, chữa mãi mới khỏi.

Tháng 10 năm Canh thìn (1580), Mạc Kính Điển chết. Kính Điển tước vị gồm cả tướng văn, tướng võ, giữ binh quyền tới 26 năm là người có uy vọng, đối đãi với quan lại chân thành, kính trọng, với quân sĩ có ân nghĩa; trước sau đích thân cầm quân vào đánh Nam triều tới 15 lần, trải qua không biết bao nhiêu nguy hiểm vẫn bền bỉ, trung thành. Kính Điển chết, cả Bắc triều xao động, người người hoang mang.

Vua Mạc dùng ứng vương Mạc Đôn Nhượng làm Trung doanh tổng suý, thống lĩnh binh quyền. Giáp Hải (Giáp Trưng), Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện cũng được thăng lên địa vị cao chỉ sau có Mạc Đôn Nhượng. Nhận trọng trách nhưng Đôn Nhượng không đủ tài để cáng đáng việc lớn. Thấy mọi sự đều xuống dốc nhưng nhà vua vẫn điềm nhiên như không, nhiều đại thần dâng sớ lên vua bày tỏ nỗi lo lắng về việc kỷ cương rối loạn, chính sự hững hờ, hình ngục oan uổng, pháp lệnh sai lầm, thiên tai lại luôn xảy ra; vua tôi trên dưới vui chơi ngạo nghễ, tự cho là thái bình vô sự. Thực ra rất đáng lo vì Bắc triều giỏi về thuỷ quân nhưng Nam triều đã trồng cọc gỗ ở các lòng sông, cửa sông nên có vào đánh cũng khó; Nam triều vốn chỉ mạnh về bộ binh, nay đã tập cả thuỷ chiến để có thể tiến ra Bắc. Bao nhiêu năm mải mê Nam chinh nên Bắc triều không có kế hoạch trong việc phòng thủ nếu bị địch tấn công, tướng chưa hoà hợp, binh chưa chỉnh tề. ứng vương giữ quyền phụ chính và nắm tổng soái nhưng trể nải công việc, không chăm lo đến việc binh và thường về Dương Kinh sống. Vua Mạc xem, khen là lời lẽ thích đáng. Nhưng rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy.

Quan đại thần hết người nọ đến người kia xin từ chức nhưng vua Mạc  không cho một ai về. Có người đã 70 tuổi vẫn phải ở lại làm việc.

Tháng 9 năm Nhâm ngọ (1582), do bị thúc ép, cuối cùng Mạc Đôn Nhượng cũng phải cầm quân vào đánh Thanh Hoa nhưng lại bị thua to, mất rất nhiều tướng sĩ. Năm sau quân Mạc lại cho chiến thuyền vào đánh Thanh Hoa và lại thua trận. Cuối năm đó bỗng nhiên vua Mạc Mậu Hợp bị chứng thong manh, mắt nhìn không rõ, các thầy thuốc giỏi trong nước đến chữa trong vài năm mới khỏi. Cũng năm ấy điện Giảng Học vừa mới hoàn thành lúc sáng đã bị cháy ngay tối hôm ấy do bữa dạ tiệc thắp đèn thắp đuốc. Các quan đại thần lại dâng sớ bày tỏ nỗi lo rằng đó là ý trời răn bảo vậy nên phải chú ý đề phòng. Mạc Mậu Hợp chỉ khen là lời nói phải.

Sau 15 năm không tiến ra Bắc, năm Quí mùi (1583) do mạn trong mất mùa, quân Nam triều ra Sơn Nam, cướp thóc lúa rồi về.

Năm Giáp thân (1584), Trịnh Cối chết, vua Mạc cho người hộ tống lĩnh cữu về Thanh Hoa. Vua Lê cũng tha tội cho Cối, truy tặng cho chức Thái phó và an táng tử tế.

Đầu năm Ất dậu (1585) quân Lê – Trịnh bí mật theo đường núi luồn ra đánh tận Mỹ Lương, Thạch Thất, An Sơn, tới Sài Sơn trấn Sơn Tây rồi trở về.

Tiến và thoái như vào chỗ không người. Cuối năm ấy Nguyễn Bỉnh Khiêm ốm nặng, được tin, vua Mạc sai người về Vĩnh Lại hỏi chuyện mai sau, Trạng Trình nói: “Cao Bằng tuy tiểu khả dung sổ thế” (Cao Bằng tuy nhỏ cũng dung được vài đời). Trạng Trình mất, thọ 95 tuổi. ứng vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan về dự tang lễ và thay mặt vua truy tặng Trạng Trình tước Thái phó Trình Quốc công.

Đến lượt Mạc Đôn Nhượng dâng sớ nói rằng mình bất tài và xin được về nghỉ. Vua Mạc không cho Đôn Nhượng về. Giáp Hải mấy lần dâng biểu xin về hưu trí không được, lần này dâng sớ lời lẽ rất thiết tha, khuyên vua lo việc trị an, gạt bỏ ham muốn, chăm chú việc binh; những nơi trọng yếu thì đắp luỹ cao đào hào sâu, đặc biệt là nơi kinh thành, phòng vệ trong ngoài chu đáo, chiến cụ đầy đủ… Sau đó Giáp Hải lấy cớ đã 70 tuổi nên khẩn thiết xin nghỉ. Vua Mạc đành cho nghỉ, được khoảng một tháng, lại gọi ra triều, Giáp Hải tạm đến rồi về ngay, mấy ngày sau thì qua đời.

Nhận thấy lời khuyên của Giáp Hải có lý, vua Mạc cho tu bổ hoàng thành, đắp 3 luỹ đất bên ngoài thành Đại La và cắm chông gai bên ngoài; đắp luỹ đất ở Sơn Tây, Sơn Nam; trồng tre gai suốt từ sông Hát xuống sông Hoa Dinh dài chừng mây trăm dặm để lo việc phòng thủ.

Lần ra Bắc cướp lương vào năm Quí mùi và cuộc tiến binh năm ất dậu của quân đội Nam triều chỉ là màn dạo đầu. Từ đó Nam triều liên tục tiến quân ra Bắc. Quân đội Bắc triều tuy đông hơn Nam triều nhưng không tinh nhuệ bằng, nhất là quân bộ, thế và lực kém hẳn nên chỉ lo phòng thủ. Cuối năm Tân mão (1591) 6 vạn quân Lê – Trịnh tấn công ra Bắc, quân Mạc huy động đến 10 vạn chống lại nhưng không nổi. Quân Lê – Trịnh đánh tới tận Đông Kinh, Nguyễn Quyện bị bắt sống, Mạc Mậu Hợp phải rút sang bên kia sông Hồng. Cho rằng đất căn bản của nhà Mạc là ở phía Đông Bắc, quân đội các nơi còn nhiều, nên sau 4 tháng chinh chiến, Trịnh Tùng quyết định rút về Thanh Hoa cho quân sĩ được nghỉ ngơi, chờ thời cơ. Trước khi rút, Trịnh Tùng cho san bằng luỹ đất xung quanh thành Đại La và lấp các hào rãnh khiến lúc quay lại kinh đô, quân Mạc lại phải mất công đào dắp lại!

Khốn đốn vậy nhưng Mạc Mậu Hợp không những không biết lo xa mà còn ăn chơi hơn trước. Mồng 1 tháng 8 năm Nhâm thìn (1592) điềm xấu đã báo trước: sao sa xuống đất Bắc, sắc đỏ, dài chừng năm trượng, loè sáng như tia chớp, chiếu sáng rực cả nóc nhà, rơi xuống đất nổ to như sấm!

Nguyễn Quyện có hai con gái: người chị là Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp, người em tên là Nguyễn Thị Niên lấy Tổng trấn Sơn Nam là Sơn Quận công Bùi Văn Khuê. Nguyễn Thị Niên thường vào cung thăm chị, thấy Niên xinh đẹp, Mậu Hợp đem lòng yêu và muốn lấy nên nghĩ cách giết Bùi Văn Khuê để cướp vợ! Nguyễn Thị Niên là người chung thuỷ nên báo cho chồng việc ấy. Bùi Văn Khuê bèn đem quân bản bộ lui về giữ Gia Viễn, mấy lần Mậu Hợp gọi về kinh không về. Mậu Hợp liền sai tướng cất quân hỏi tội Văn Khuê. Văn Khuê đem binh chống giữ và sai con trai là Văn Nguyên vào Thanh Hoa dâng thư đầu hàng và xin quân cứu viện. Trịnh Tùng rất mừng vì Văn Khuê nắm giữ tới hơn một nửa số chiến thuyền và lực lượng thuỷ quân tinh nhuệ của Bắc triều! Tùng nói với các tướng: “Bắc triều đóng đồn ở Gia Viễn, mấy lần đánh không được. Trước đây do theo đường Thiên Quan (Thượng đạo) nên ra tới tận Đông Kinh nhưng sau đó phải kéo quân về vì sợ thuỷ quân đạo Đông và Nam của giặc lẻn vào đánh Tây Đô. Quân ta vốn chỉ mạnh về bộ binh và tượng binh, nay lại được thuỷ quân của Văn Khuê thì sao không thắng được”!

Trịnh Tùng liền mở cuộc tiến công bằng đường thuỷ vào sông Đáy, sông Hồng, đánh tan quân Mạc phòng thủ ở  ý Yên, thu 70 chiến thuyền rồi đánh lên Ninh Giang. Mạc Ngọc Liễn dàn thuyền chiến, trồng cọc gỗ dưới sông, đắp luỹ đất trên bờ chống cự không nổi phải bỏ chạy. Mạc Mậu Hợp bỏ kinh thành chạy về Kim Thành. Bùi Văn Khuê đem 300 thuyền chiến đánh Kim Thành. Mậu Hợp lại bỏ chạy. Nam triều thu được rất nhiều vàng bạc, đồ dùng và… con gái (!) Thái hậu nhà Mạc bị bắt sống đem giải về kinh, đến sông Bồ Đề thí nhảy xuống sông tự vẫn.

Mạc Mậu Hợp dựng con trai là Mạc Toàn lên ngôi rồi chạy trốn. Thừa thắng, quân đội Nam triều toả ra đánh các vùng xung quanh. Các phủ Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn lửa cháy rực trời, quân Mạc kéo đến doanh trại Nam triều đầu hàng không biết bao nhiêu mà kể.

Dân chúng cho quân Trịnh biết Mậu Hợp giả làm nhà sư đến ẩn ở chùa Mô Khuê, huyện Phượng Nhãn, Kinh Bắc đã 11 ngày nay. Quân Nam triều đến nơi thì thấy một sư ông điềm nhiên ngồi tụng kinh gõ mõ, ăn nói hoạt bát nên đoán là Mậu Hợp liền bắt lấy. Mậu Hợp đành thú thực và nói: “Mấy ngày nay tôi ẩn nấp trong rừng rậm, quá đói khát, dám xin một bình rượu uống cho đã”. Quân nhà Lê đem rượu cho Mậu Hợp uống rồi bắt đưa lên voi cùng hai kỹ nữ, đem về kinh đô. Sau đó vua nhà Mạc đáng lẽ bị xử lăng trì nhưng giảm xuống là treo sống 3 ngày rồi đem chém đầu tại bãi cát Bồ Đề bên kia kinh thành, thủ cấp đem về Thanh Hoa hiến vua Lê, đóng đinh vào hai mắt rồi đem bêu ở chợ. Mậu Hợp lên ngôi lúc 2 tuổi, tuy chết mới có 31 tuổi nhưng lại là người ở ngôi lâu nhất: 29 năm!

Mạc Toàn đóng quân ở Kim Thành, nghe tin vua cha bị thua ở Yên Dũng, vội mang quân đi tiếp ứng và đánh nhau với quân Trịnh một trận lớn ở Đồ Sơn nhưng bị thua phải tìm đường chạy lên Yên Tử. Sau Mạc Toàn cũng bị bắt và chết chém ngày 27/1 năm Quí tị (1593) tại bãi Thảo Tân (Bến Cỏ), nay là Bến tắm bãi Thảo ở Chí Linh, làm vua được 3 tháng.

Sau, con cháu nhà Mạc tôn Mạc Mậu Hợp làm Hồng Minh hoàng đế, miếu hiệu là Mục Tông; Mạc Toàn làm Vũ An hoàng đế.

Như vậy nhà Mạc từ vua Thái Tổ Đăng Dung đến vua Mục Tông Mậu Hợp, truyền ngôi được 5 đời thì mất, kể đến Mạc Toàn thì coi như 6 đời, tổng cộng được 65 năm, từ năm Đinh Hợi (1527) đến năm Nhâm thìn (1592). Suốt cả thời gian đó rất ít năm được yên ổn bởi ngay từ đầu đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của thế lực phù Lê, thế lực này thực sự mạnh từ khi có Trịnh Kiểm, nhất là khi Trịnh Kiểm nắm binh quyền. Nhà Mạc không phải không có cơ hội chiến thắng, ngay cả khi Mạc Kính Điển mất, nhà Mạc xuống dốc, quan đội Lê – Trịnh cũng chỉ chớp nhoáng đánh ra Bắc rồi phải kéo về. Nhưng cuối cùng, chỉ vì vua Mạc Mậu Hợp ham muốn một người đàn bà mà bỗng chốc mất hẳn chỗ dựa về thuỷ quân và mất nước chỉ trong vòng có ba tháng, từ tháng 10 đến tháng 12. Cái hoạ do việc đam mê sắc dục, bỏ bễ việc nước việc quân đã được Mạc Đăng Dung dặn dò và quần thần can gián nhưng nó vẫn đến như đã từng đến với Lê Uy Mục, Lê Tương Dực. Nó góp phần đưa Mạc Đăng Dung đến cơ hội lập nên nhà Mạc và sau đó cũng đưa nhà Mạc đến chỗ sụp đổ!

Bao nhiêu cung điện đền đài nhà Mạc ở Cổ Trai, Trịnh Tùng cho quân về phá sạch.

2

Vì bị săn lùng ráo riết, các hoàng thân quốc thích nhà Mạc và nhiều quan đại thần triều Mạc thấy phải cầm vũ khí mới có thể tồn tại nên nghe tin Đường An vương Mạc Kính Chỉ thu thập tàn quân và xưng vua ở vùng Chí Linh, đặt niên hiệu là Bảo Định, năm sau đổi là Khang Hựu, nhiều người đã tìm đến, đông tới 7 vạn người, riêng người trong họ trai gái lớn nhỏ cũng đã vài trăm. Mạc Kính Điển có 9 con trai và 9 con gái, Mạc Kính Chỉ là con trưởng. Nhưng Mạc Kính Chỉ chỉ cầm cự được có 3 tháng thì bị đánh bại, phải chạy ra Hoành Bồ và bị bắt ở đấy cùng với 60 người nữa, trong đó có rất nhiều thân vương. Tất cả đều bị đem về bãi Thảo Tân hành quyết, ngày 27 tháng Giêng năm Quý tị (1593). Năm sau thêm 3000 người nữa bị bắt và bị giết.

Ninh vương Mạc Phúc Tư  thoát khỏi cuộc truy đuổi ở Hoành Bồ, trở về Thành Dền, trước tình thế không thể cứu vãn nổi đã cùng hai thân vương rủ nhau ra cánh đồng ven sông tự sát. Lúc này Ninh vương đã 69 tuổi. Dân chúng thương xót đem đi chôn và gọi phần mộ là “Mả Ba Vua Mạc”.

Ứng vương Mạc Đôn Nhượng chạy lên Lạng Sơn và ốm chết ở đó.

*

Trong khi ấy các thân vương còn lại của nhà Mạc, chủ yếu là con cháu Mạc Kính Điển vẫn giữ được khá nhiều nơi: Uy vương Mạc Kính Dụng giữ Thái Nguyên, Trang vương Mạc Kính Chương giữ An Quảng, Đôn hậu vương Mạc Kính Cung giữ Lạng Sơn, Cao Bằng, Mạc Kính Luân giữ Lục Ngạn, Khánh vương Mạc Kính Khoan giữ Đại Từ, Võ Nhai…

Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn vốn họ Nguyễn, là con của Tây Quốc công Nguyễn Kính, vừa là Phò mã nhà Mạc vừa được ban quốc tính. Sau khi Mạc  Mậu Hợp bị giết và Mạc Kính Chỉ thất bại, Ngọc Liễn tìm được người con thứ bảy của Mạc Kính Điển là Đôn Hậu vương Mạc Kính Cung. Tháng 3 năm Quý tị (1593) Mạc Kính Cung xưng vua, đặt niên hiệu là Càn Thống. Tôn thất nhà Mạc vài mươi người, năm anh em Nguyễn Quyện, các con của Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, văn thần võ tướng nhà Mạc đã đầu hàng nhà Lê nhiều người phản lại nhà Lê tìm đến với Mạc Kính Cung. Dân chúng vùng Đông Bắc theo rất đông. Họ chia thành từng nhóm nhỏ, chiếm cứ nhiều nơi, như Kiến Xương, Tân Hưng, Cẩm Giang, Khoái Châu, Tứ Kỳ, Sơn Dương, Thanh Ba, Thái Nguyên, Phổ Yên, Hữu Lũng… Lúc này quân Trịnh khoảng 12 vạn, quân Mạc khoảng 10 vạn, lực lượng chênh lệch nhau không nhiều nhưng quân Mạc tản mát khắp nơi nên không thể tập trung cho những trận đánh lớn.

Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng đã được 35 năm. Do chú trọng khai hoang lập ấp, lại không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên dân chúng trong đó nhanh chóng giàu có. Từ năm Qúy dậu (1573) vua Lê giao cho Nguyễn Hoàng hàng năm nộp thuế 400 cân vàng, 500 tấn thóc, Nguyễn Hoàng thường tìm cách để không nộp đủ nên lương thực tích luỹ ngày một nhiều, có năm còn đem tiền thóc ra giúp vua Lê. Tháng 5 năm Quý tị (1593), biết tin nhà Lê đã lấy được Đông Đô, Nguyễn Hoàng ra bái kiến vua Lê và ở lại miền Bắc tới 7 năm giúp vua Lê đánh Mạc Kính Cung. Con thứ hai là Nguyễn Hán tử trận ở Sơn Nam.

Tháng 7 năm sau, Giáp ngọ (1594) Mạc Ngọc Liễn ốm nặng, trước khi mất viết thư cho Mạc Kính Cung dặn hãy lánh sang nước khác, nuôi dưỡng sức lực, chịu khuất chờ thời, đợi khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi được với đá; giặc tới thì cố thủ, chớ nên nhờ người Minh vào nước ta, để cho dân phải lầm than đó là cái tội không gì lớn hơn.

Từ năm Giáp mùi (1595) đến năm Mậu tuất (1598), lần lượt Mạc Kính Dụng, Kính Chương, Kính Luân bị bắt.

Nhà Minh nghe tin Đại Việt có biến, đòi vua tôi nhà Lê phải đến Trấn Nam Quan. Tháng 2 năm Đinh dậu (1597) vua Lê Thế Tông cùng Nguyễn Hoàng lên Nam Quan nhưng người Minh không mở cửa ải nên phải quay về, một năm sau vua Lê lại thân chinh lên lần nữa, mang theo 5 vạn quân, có cả voi ngựa để đề phòng bất trắc, sau đó sai Phùng Khắc Khoan đi sứ, Khắc Khoan đi về mất hai năm trời, mang theo sắc phong của vua Minh.

Năm Canh tí (1600) Lê Thế Tông mất. Lê Kính Tông lên ngôi. Trịnh Tùng làm Đô nguyên soái tổng đốc chính, Thượng phụ Bình An vương. Tùng cho lập phủ chúa gồm đủ các bộ của triều vua, toàn quyền trong mọi việc, vua Lê chỉ còn làm vì.

Các hàng tướng nhà Mạc là Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga bất bình với Trịnh Tùng bèn phản lại họ Trịnh. Thấy tình hình đã khác, Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho con trưởng Trịnh Tùng là Trịnh Tráng, để con trai thứ năm là Nguyễn Hải ở lại làm con tin rồi giả cách xin đem quân đi đánh Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga, xuống thuyền trốn về Thuận Hoá, từ đấy không ra Bắc nữa, chính thức xây dựng giang sơn riêng cho họ Nguyễn. Dân chúng ngoài Bắc bị nạn binh đao và mất mùa đói kém vào Nam theo chúa Nguyễn khá đông. Trước việc Nguyễn Hoàng bỏ trốn và thế lực phù Mạc vẫn còn mạnh, Trịnh Tùng phải đem vua về Thanh Hoa.

Bọn Phan Ngạn trở lại với nhà Mạc nhưng Phan Ngạn ngờ Bùi Văn Khuê có ý khác nên sai người giết chết. Vợ Văn Khuê kích động các tướng bắn chết Phan Ngạn báo thù cho chồng.

Thấy Đông Kinh bỏ trống, mẹ của Mạc Mậu Hợp xưng là Quốc mẫu và trở về kinh đô đồng thời sai người đi đón Mạc Kính Cung. Quân Mạc lúc này đông tới vài vạn.

Sau khi cho người mang chiếu thư vào Thuận, Quảng phủ dụ Nguyễn Hoàng để yên mặt Nam, Trịnh Tùng mới tiến quân ra Bắc. Mẹ Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết chết, Mạc Kính Cung chạy sang Kim Thành. Đông Kinh lại thuộc về nhà Lê. Quân Trịnh đánh sang Kim Thành. Mạc Kính Cung bỏ Hải Dương lên giữ Lạng Sơn, Cao Bằng, xây thành quách để phòng thủ.

Năm  Quý sửu (1613) Nguyễn Hoàng chết, thọ 89 tuổi. Tuy có 10 con trai nhưng 4 người đầu đã chết, người thứ năm ở ngoài Bắc làm con tin nên con thứ sáu Nguyễn Kim là Nguyễn Nguyên nối ngôi, xưng quốc tính là Nguyễn Phúc. Năm Kỷ mùi (1619) Trịnh Tùng đem quân vào đánh chúa Nguyễn. Từ đấy chúa Nguyễn không nộp cống nữa và chính thức cuộc chiến Đàng Trong – Đàng Ngoài.

Lê Kính Tông và con thứ Trịnh Tùng là Trịnh Xuân mưu giết Trịnh Tùng không thành; Trịnh Xuân bị giam vào nội cung, Kính Tông bị bức thắt cổ  chết ngày 12 tháng 5 năm Kỷ mùi (1619). Năm Quý hợi (1623) Trịnh Tùng ốm nặng, triều thần đều tâu lấy Trịnh Tráng kế vị, Trịnh Xuân làm phó. Trịnh Xuân không bằng lòng, lại nổi loạn, đốt phá kinh thành, cùng em là Trịnh Khải đem vua mới chạy ra ngoài. Trịnh Tùng phải giả cách cho người gọi Trịnh Xuân về để trao quyền rồi bắt lấy, chặt chân cho chết. Tình hình không yên nên Trịnh Tráng phải rước vua về Thanh Hoa.

Tháng 5 năm ất sửu (1625) quân Lê – Trịnh tiến đánh Cao Bằng, bắt được Mạc Kính Cung đem về kinh. Kính Cung xưng vua được 34 năm.

Tại Cao Bằng, nhà Mạc nhiều năm tổ chức khoa cử và lần đầu tiên cũng là duy nhất một phụ nữ nước ta đã đỗ Trạng nguyên, đó là bà Nguyễn Thị Du. Thầy dậy bà chỉ đỗ thứ hai! Bà giả trai đi thi, sau bị phát hiện, không những không bị tội mà còn được Mạc Kính Cung (?) lấy làm phi, gọi là Tinh phi (Sao Sa). Mạc Kính Cung thất trận chạy vào rừng, bà bị quân Trịnh bắt nộp cho Trịnh Tráng và lại được Trịnh Tráng lấy làm vợ, sau này Trịnh Tráng lên ngôi chúa, phong cho là Chiêu nghi.

*

Mạc Kính Khoan là con Kính Chỉ, gọi Kính Cung là chú nhưng không phụ thuộc vào Kính Cung. Kính Khoan giấu kín tung tích đến 20 năm, lúc đánh lúc rút vào rừng. Quân Lê – Trịnh khi đó cũng chỉ chú ý đến Kính Cung. Sau khi bắt được Mạc Kính Cung, quân Trịnh rút khỏi Cao Bằng, lập tức Mạc Kính Khoan chiếm lấy. Thấy tình hình nhà Lê không yên, Kính Khoan kéo quân xuống đánh tới tận Gia Lâm, sau đó lại rút lên Cao Bằng, tiếp tục xây dắp thành trì để phòng thủ, án ngữ những ngả đường đánh lên. Thành thường được xây nối hai sườn núi, tạo nên khu vực phòng thủ khá rộng bên trong. Người đời sau gọi là Thành nhà Mạc. Năm Quý hợi (1623) Kính Khoan xưng vua, đặt niên hiệu là Long Thái, lập cung điện bằng tranh lá ở xã Vu Toàn. Quân Trịnh nhiều lần tiến đánh Cao Bằng lúc được lúc thua, cứ rút về thì Mạc Kính Khoan lại từ trong rừng ra chiếm lại.

Khi Mạc Kính Cung bị bắt, Mạc Kính Khoan trốn vào rừng, quân Lê – Trịnh săn lùng mãi không được, hết lương thảo nên phải trở về. Kính Khoan thu thập tàn quân rồi nghĩ không thể chống lại nổi Lê – Trịnh nên sai người mang biểu về kinh đô xin hàng. Vua Lê phong cho Kính Khoan làm Thái uý Thông Quốc công. Thành nhà Mạc ở một số nơi do vậy còn được gọi là thành Quốc công.

Mạn Bắc yên ổn, quân Trịnh được rảnh tay nên tiến đánh Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong. Nhưng chúa Nguyễn có Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến nên quân Trịnh không thể nào thắng nổi. Đào Duy Từ vốn người Đàng Ngoài nhưng vì là con nhà hát xướng nên không được đi thi, uất ức, Duy Từ chạy vào Đàng Trong bày cho chúa Nguyễn trả lại sắc phong của vua Lê, không nộp thuế cống, đắp luỹ Trường Dục, luỹ Thầy để chống lại Đàng Ngoài, lại bày cho chúa Nguyễn phép tuyển quân, thu thuế theo ngạch bậc khác nhau, nhờ vậy tiềm lực quân sự và kinh tế chúa Nguyễn ngày một mạnh.

Năm Mậu dần (1638) Mạc Kính Khoan chết ở Cao Bằng.

*

Con Kính Khoan là Mạc Kính Vũ không thuần phục nhà Lê và lại xưng vua, đặt niên hiệu là Thuận Đức. Tháng 3 chúa Trịnh Tráng đích thân cầm quân lên đánh dẹp, sau đó gặp thời tiết không thuận lợi nên phải rút về; tháng 11 lại sai Thái uý Trịnh Kiều lên đánh, sang tháng Giêng lại rút về. Chúa Trịnh mấy lần viết thư hẹn với tướng nhà Minh ở Quảng Tây cùng tiến đánh Mạc Kính Vũ nhưng lúc này chính nhà Minh cũng đang lâm nguy nên không thể động binh. Có lúc, nhân quân Trịnh mải vào đánh Đàng Trong, Mạc Kính Vũ tiến quân xuống tận Tây Cạn, Thái Nguyên. Năm Đinh mùi (1667) Trịnh Tạc đem đại quân lên đánh Cao Bằng, Mạc Kính Vũ chạy sang Trung Quốc, sau đó quay về chiếm lại đất. 10 năm sau, năm Đinh tị (1677) quân Trịnh phải lên đánh Cao Bằng lần nữa, Kính Vũ lại chạy sang Trung Quốc. Cuộc kháng cự của Kính Vũ đến đây là chấm dứt sau 39 năm dai dẳng. Lúc này nhà Thanh đã thay thế nhà Minh, do Kính Vũ theo Ngô Tam Quế chống lại nhà Thanh nên Kính Vũ bị nhà Thanh bắt cùng với 350 con cháu nhà Mạc, giao cho chúa Trịnh với giá tiền để đánh đổi là 5.500 lạng bạc. Đó là năm Quý hợi (1683). Để con cháu nhà Mạc không còn nghĩ đến chuyện chống đối nữa, những người này đều được tha tội, đưa về Lạng Sơn cho yên ổn làm ăn, một số thì đưa về kinh đô và cũng tha cho cả.

Như vậy, sau khi bị lật đổ, nhà Mạc còn kháng cự được hơn 85 năm nữa (từ 1592 đến 1677), mà Cao Bằng chính là kinh đô của cuộc kháng chiến, đúng như  ngày trước Trạng Trình có nói: “Cao Bằng tuy tiểu khả dung sổ thế”. Nhưng trên thực tế, mãi đến năm Mậu thân (1688) những dư đảng cuối cùng của nhà Mạc mới chịu khuất phục hoàn toàn. Một cuộc kháng cự bền bỉ chưa từng thấy trong lịch sử Đại Việt.

(Hết)

L.V.K

Mời độc giả tiếp tục đón đọc truyện lich sử ĐẤT VIỆT TRỜI NAM của tác giả ĐAN THÀNH.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder