Thế là hết, tôi phải vĩnh biệt chị Du, mãi mãi chẳng bao giờ gặp được con người mình đáng kính, đáng yêu!…Có lẽ không thước nào đo nổi tình cảm chúng tôi, tuy thời gian ăn ở bên nhau chưa nhiều lắm nhưng đối với tôi…dài vô tận! Điều ân hận nhất chưa biết làng quê chị nơi đâu, tôi thật đáng trách! Giờ chị đang ở đâu, trên giường bệnh hay đã về với tổ tiên?…Chị Du ơi! Tôi cứ gọi mãi, gọi mãi…..
Thế là hết, tôi phải vĩnh biệt chị Du, mãi mãi chẳng bao giờ gặp được con người mình đáng kính, đáng yêu!…Có lẽ không thước nào đo nổi tình cảm chúng tôi, tuy thời gian ăn ở bên nhau chưa nhiều lắm nhưng đối với tôi…dài vô tận! Điều ân hận nhất chưa biết làng quê chị nơi đâu, tôi thật đáng trách! Giờ chị đang ở đâu, trên giường bệnh hay đã về với tổ tiên?…Chị Du ơi! Tôi cứ gọi mãi, gọi mãi…
Một lời vĩnh biệt đã đánh thức tôi, không thể nào quên, cả những lúc trên nương rẫy hay đêm khuya lạnh giá: Mai chị về…Tôi với chị Du khác quê, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Tôi chạy tiền cho con ăn học xa, chị lo chữa bệnh cho chồng đang nằm liệt giường đã ba tháng. Lần ấy, tôi kiếm việc làm tại nhà một cán bộ lớn. Ông đã có vợ con, nhưng cả hai con học kém, lại thêm vợ không hợp ý tình nên không khí trong nhà chẳng mấy lúc yên…
Những ngày cuối cuộc tiến công giải phóng miền Nam, người sỹ quan nổi tiếng mang tên Điền dẫn quân xuống đột phá Xuân Lộc, chẳng may ông bị thương, lập tức hai binh sĩ đưa ông về trạm xá trung đoàn. Người ở lại chăm sóc ông tên Hợi. Lành vết thương ông về tiếp quản thành phố, dùng Hợi làm cần vụ từ đó. Ông đã có vợ con, chẳng may năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu một mảnh đạn pháo xuyên trúng ngực bà, chị gái phải rời đơn vị đưa cháu nhỏ về chăm. Sau này ông được ủy ban thành phố phân cho biệt thự của viên trung tá giặc bỏ chạy ra nước ngoài. Ông phải thuê người chăm con để mình yên tâm công tác.
Đến năm 1983, thấy Hợi ở văn phòng ủy ban làm việc khá linh hoạt ông tận tâm giúp cậu ta tiến lên. Nay con gái đã lớn, sắc bình thường, tính trung thực, nhưng không nhanh nhẹn nên ông rất lo, chẳng biết chọn ai làm bạn đời với nó. Nghĩ mãi mới tìm ra Hợi, cứ mỗi lần đi công tác Hà Nội ông bảo cậu ta tối đến coi nhà, ngày hai bữa về ăn cơm với Thủy. Hợi mừng lắm: được cơm ngon canh ngọt, trong nhà chẳng thiếu gì…Rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, ban đầu cậu chỉ chơi bời cho vui, tuy không muốn lấy Thủy nhưng có lúc thấy Thủy như miếng thịt mỡ tươi sốt, còn mình chẳng khác con mèo đã lớn thèm chút đồ tươi…Một hôm vừa ngồi vào bàn ăn, Thủy thổ lộ làm Hợi giật thót:
– Anh ơi! Hình như em đã…Mấy ngày qua em thấy lờm lợm, nôn chẳng được. Cứ muốn ăn tro bếp nhưng sợ lắm.
– Chả lẽ…mới vài lần mà đã…
– Sáng nay bác sỹ bảo đã có…Ta tổ chức đi anh, giờ không thể giấu ai được.
– Phá ngay!- Hợi bỏ mâm đứng dậy.
– Không, em sợ lắm. Làm gì cũng phải hỏi ý ba…
Suy tính mãi Hợi vẫn không tìm được lối thoát, nghĩ tới ông Điền anh rất nể và sợ, đành liều, sau này có điều kiện bỏ Thủy lấy vợ khác chưa muộn, chả lẽ ông ta cứ sống mãi theo chân mình cả đời. Tuy học chưa đến nơi đến chốn nhưng mơ ước của anh phải chọn những đối tượng như cô giáo dạy giỏi, cán bộ ngân hàng hoặc bét ra cũng là kỹ sư gì đó…
Cưới Thủy xong, vài tháng sau Hợi được giữ chức phó chủ tịch thành phố, ai cũng biết có công của bố vợ. Năm sau anh xây căn biệt thự to đẹp hơn nhà ông Điền. Thủy đẻ dày, ba năm sinh được một trai một gái, nhưng cả hai đứa đều giống bố, học chẳng ra gì. Hợi khá vất vả: hết chạy lo lót cho con có bằng tốt nghiệp trung học, đến cao đẳng, rồi đại học, tất cả đều hàm thụ. Ý đồ anh chưa dừng tại đó: bắt chúng phải vừa làm vừa học, hàm thụ tiếp có bằng cao học như mình mới nghe. Anh có kinh nghiệm: có tiền là xong tất…Thời buổi chưa có học vị bằng cấp cao chớ nên mong chức vụ lớn, anh thấy cả nên luôn miệng nhắc con, rồi mỗi khi chúng cần tiền lại có bố…Còn anh, nay cũng được phong chức cao hơn. Thiên hạ bàn tán: “Chẳng rõ trình độ anh ta ở mức nào mà leo nhanh thế? Có người ca tụng: Đại học kinh tế đâu phải thường, lại thêm cả bằng chính trị nữa ấy chứ, thế mới tài!”…Lúc này tôi đã làm Osin cho gia đình anh gần hai năm. Chị Thủy tính hiền có tiếng, ít đua chen, mấy người chê chị hèn kém, nhưng thỉnh thoảng vẫn có xe đưa đi du lịch hoặc chơi với mấy bạn là vợ các vị lãnh đạo trong tỉnh. Những bà bạn hay dựa uy tín chồng để buôn bán, tìm cách kiếm lời nhưng chị khác hẳn, một lần tâm sự với tôi: “Mình ghét lối tham lam thời buổi này…Ông ngoại thường nhắc: Đói cho sạch…Cuộc sống ngày nay còn thiếu những chi mà tham cho lắm? Cẩn thận kẻo tham quá hóa thâm!” Bởi vậy Hợi đâm ghét chị, nhưng chưa dám bỏ, chính thế nên quay sang làm tôi “ngã” mấy lần. Ban đầu tôi quyết chống đỡ vì lúc nào cũng nghĩ tới chồng đang suốt ngày tối mặt trên nương rẫy, ăn uống kham khổ, thiếu thốn mọi bề. Nhưng rồi phái yếu…các bạn thấy đấy…nhất giai đoạn chị Thủy đi xa dài ngày, nhà lại kín cổng cao tường giữa đêm khuya…Định bỏ về mấy lần nhưng lại nghĩ các con đang cần tiền…tôi thật đáng nguyền rủa! May mà đầu xuân năm hai ngàn linh năm anh dắt về một phụ nữ gần bốn mươi tuổi đẹp như tranh. Chính chị Du, cao độ mét sáu, son trẻ, môi má tươi hồng như gái đôi mươi.
– Thiện ơi – anh nói với tôi – hôm nay có thêm người về làm đấy. Khả năng công việc tới khá nhiều. Từ giờ cô chỉ lo cơm nước, giặt giũ, vệ sinh. Việc lau nhà, bàn ghế, tiếp khách có Du, hôm nào nhiều quá cả hai cùng làm. Sướng nhé, hai người làm quen nhau đi…
– Khách quan trọng không anh?- Chị Du hỏi.
– Cán bộ lớn có, nhỏ có. Hôm nay tôi đưa tiền để cô mua bộ áo quần thật sang. Nhớ không được mặc đồ nhà quê nữa nhé!
Tôi bỗng ghen, nhưng mấy ngày sau lại thấy mình đã sai. Không ngờ chị đẹp cả người, cả nết, giỏi nhiều mặt. Những lúc rỗi chị lao xuống bếp nấu hộ tôi, lần nữa tôi phục tài nấu ăn của chị. Vì học được cách này nên các đám xá ở quê hiện nay nhiều nhà đến mượn pha chế các món, họ cứ tưởng tôi học được cách nấu nướng của người Tàu. Có hai thứ chị làm tôi phục nhất: cách làm nem chua, đặc sản quê chị và món nhựa mận thịt chó. Đặc biệt thịt chó, chưa người nào trong này làm ngon được thế. Mắm tôm thuộc đặc sản Tĩnh Gia, mẻ chua chị đem từ quê vào gây giống. Cách pha chế thật đơn giản: mẻ, mắm tôm, giềng ướp thịt độ vài giờ mới đặt lên bếp, đun nhỏ lửa. Khách ăn luôn mồm khen, có người cứ đến nhà lại nhắc tới thịt chó. Riêng khoản nem chua Hợi chuyên làm quà biếu, đôi khi đưa vào mãi thành phố Hồ Chí Minh, một loại hàng kinh doanh quý hiếm. Có tháng anh lãi hàng trăm triệu nên cứ giục chị tranh thủ làm cả ngày cả đêm. Nói về kiểu tiếp khách của chị, nhiều lúc tôi phát ghen. Những vị khách quý mỗi lần tới đây công tác ít khi Hợi để họ nghỉ đêm ở khách sạn, đưa hẳn về nhà, họ lại được thưởng thức những đặc sản, tôi với chị Du khá vất vả, còn anh càng được tiếng và lợi nhiều mặt. Chị Du có cái hay ai gặp cũng mến, nhưng cái khổ luôn kề, lắm người nhìn cứ như xoáy vào mắt và bộ ngực hấp dẫn của chị. Đêm đến chị phải rỉ tai tôi chạy ra phố thuê người “sạch nước cản” vào hầu các vị thay mình. Hợi biết nhưng không ngăn, đôi khi còn mừng. Thật không ngờ tai họa bỗng ập đến…
Hôm ấy trời tối đen, hàng ngàn ngôi sao biến đâu hết, lũ dế kia cũng câm lặng, mãi quá nửa đêm Hợi mới về, toàn thân nặc mùi rượu làm tôi phát nôn nhưng phải gắng chịu. Anh hỏi: Du đâu? Tôi bảo: khẽ thôi, hôm nay chị mệt vừa đi nằm. Không nói gì nữa, anh tủm tỉm cười, mặt đỏ, tay xua xua ra hiệu tôi về phòng. Tôi có linh cảm khác thường, được lúc bỗng nghe chị Du van:
– Em đang tức ngực, bụng dưới đau quá. Anh xuống tầng trệt với chị… Lúc nãy chị dặn khi nào anh về bảo đến gặp ngay. Đừng, đừng mà…Em van anh! Đau quá…anh!
– Chuyện gì?- Anh tức bực phải rời khỏi người chị Du.
– Nghe chị nói có một người muốn xin dự án gì đó.- Chị Du dùng lời lẽ thật khéo xoa bớt giận dữ trong anh:- Sáng mai ông ta mang tiền đến “làm tin”…
– Thế à!- Anh vui quá, có lẽ đã hết giận- Còn khách nào nữa không?
– Một người gửi phong bì cảm ơn, không dán, em mạn phép mở xem thấy hai trăm triệu. Người thứ hai đưa tập hồ sơ xin việc, nói rằng anh chịu khó làm khẩn trương kẻo cháu cứ thẩn thờ với cái bằng đại học trong tay rồi lêu lổng sinh tiêu cực. Dù ba, bốn hoặc năm trăm triệu anh cứ nói, mấy hôm nữa ông ta sẽ mang tới ba trăm đặt cọc… Người nữa gần tối mới đến dặn anh ba ngày sau sẽ cho ô tô bịt kín nhốt con hổ hơn một tạ vào tận nhà. Anh ấy bảo anh phải “làm việc” với kiểm lâm ngay, kể cả công an giao thông, nếu không họ sẽ bắt. Rồi anh tỏ lời cảm ơn: “Đầu năm nay không có xếp Hợi giúp nhất định mất toi ba khối gỗ quý!” Trước khi về anh còn hứa, lần này trả công “đẹp” hơn…
– Chị có biết không?
– Chị đi từ sáng, bảo em ở nhà cứ chủ động mọi việc…
– Còn cậu Hải nhà báo?
– Xin lỗi em quên: cậu ấy nói bài đã gửi đi rồi, anh mở mạng xem hoặc vài ngày nữa báo sẽ lên. Trong đó đáng chú ý: nhiều mặt hoạt động đang phát mạnh như bão, nhất phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
– Tốt, em đã hoàn thành xuất sắc! Giờ anh hỏi em phải nói thật: ốm hay giả vờ, có biết vì sao anh đưa em về đây?… Ốm thật hả, từ lúc nào?
– Mờ tối em đã thấy lâm râm…
– Lừa anh sao được, khuôn mặt tươi thế, đẹp thế… em khờ quá! Cố giữ cũng chẳng được cái gì, không giữ sẽ lợi cho cả hai ta, em chọn đi! Anh hứa sẽ bù đắp những thứ mà em đang cần. Em ạ, thời gian qua anh biết công sức, nhất khả năng của em đã giúp anh quá nhiều nên chẳng để em thiệt đâu. Anh có ý định “ gần em mãi…” Thôi, đừng đắn đo nữa, chiều anh đi!…
Có lẽ chị nghĩ nếu bị “ngã” lần này, sau thành thói hư, khó thoát nên gắng sức gồng lên, dãy dụa, cố đẩy Hợi ra ngoài, miệng gọi rõ to như hét: “Thiện ơi! Đưa chị đi viện, mau lên!”
Không ngờ bệnh chưa đến nỗi ghê gớm mà trở nên nặng, bởi chị quá uất ức dẫn đến sốc, đã thế từ nhà đến bệnh viện còn gặp trận mưa rất to, gió cực lớn…Sang ngày thứ ba bác sỹ kết luận: chị bị viêm đường tiết niệu mãn tính, có thể do kích động mạnh nên biến chứng, đến hôm nay trở thành khối u. U lành hay u ác thì chưa rõ, nhưng họ bảo tốt nhất ra Hà Nội hoặc vào thành phố Hồ Chí Minh…
Tôi cảm thấy rất lạ, mấy ngày qua Hợi không thèm đến thăm, chỉ cần hỏi tôi xem bệnh chị thế nào cũng không nốt, tôi bắt đầu coi thường anh ta, rồi quyết định rời nơi này. Tuy thế tôi vẫn hỏi: Bác sỹ bảo nên chuyển chị ra viện trung ương còn có cơ may, càng nhanh càng tốt…ý anh thế nào? Anh cười bằng cái giọng thật khó nghe: “Ai đưa, tôi hay cô? Nếu cô có lòng thì cứ đi, cả hai được đấy! Còn tiền nong nữa chứ, đến viện trung ương cứ tưởng như ra đường mua bó rau không bằng!- Anh đang cười bỗng vụt tắt, môi thâm má tím quay ra cửa, lớn tiếng: – Tốt nhất cho về quê, chưa đến nỗi cô ấy không ngồi nổi xe ca. Lâu nay cứ tưởng người nhà quê nhu mì dễ bảo! Không dài dòng nữa, bảo cô ấy…về!” Tôi bực mình gắt lên:
– Nghĩa là đuổi chị ấy? Anh cứ cấp tiền ngay tôi sẽ đưa chị ấy ra Hà Nội! Còn việc đuổi chị Du…tội đấy!
– Cô lệnh tôi hả, ba triệu một tháng lương chưa đủ sao? Chuyện chữa bệnh hay muốn làm gì các cô phải tự lo, thử hỏi các đại gia vùng này xem, chẳng ai hơi đâu ôm rơm cho nhám bụng… Hừm, đòi cả đưa ra viện trung ương, anh em ruột chẳng phải! Được, tôi sẽ cấp cho cô ấy hai trăm ngàn để sáng mai về, đi bằng phương tiện gì, tùy!
– Nên nhớ bọn tôi làm việc có hợp đồng tử tế. Trong hợp đồng ghi rõ: chủ nhà phải quan tâm đến sức khỏe, môi trường làm việc…Toàn văn không thiếu một từ, chữ anh viết chứ còn ai, nếu cần giở mà xem. Nay chị Du ốm nặng thế, anh nghĩ sao?… Đúng, chị Du có tiền thật, nhưng vừa qua chị phải gửi về quê cho chồng, nên lần này xin anh thương chị ấy, một lấn thôi!
– Thương à, hừm! Nói cho cô biết, hợp đồng ai chứng kiến! Lâu nay người ta vẽ ra hợp đồng cho có cớ, ai quan tâm! Các đơn vị thi công đến đây cũng thế, ai quan tâm! Chủ với khách nay khác xưa nhiều lắm. Chủ bao giờ cũng là tôi, khách bao giờ cũng toàn những chủ thầu có máu mặt, đáng tin. Hôm nay dứt khoát không cần đến các cô nữa, vậy chớ lên mặt ở đây! Có giỏi cứ kiện ra tòa án, viện kiểm sát…thời buổi này họ không khờ như mấy cái tay luật pháp cổ lỗ ngày trước! Họ biết tỏng chủ thế nào, khách ra sao, khách bao giờ cũng tìm đến chủ xin việc. Các công ty muốn xin việc trước mắt phải tung tiền ra lót đường hàng trăm triệu chưa chắc đã đến phần, huống gì các cô vào đây chỉ hai bàn tay trắng…Hiểu chưa? Nên khuyên các cô chớ lên cái giọng gái Đa Nê ở đây…nhẹ chẳng ưa lại thích nặng, nghe chưa!
Tôi căm Hợi quá mức bởi anh ta dám động tới Đa Nê, chính nơi chôn nhau cắt rốn của tôi đã có hàng trăm người ra đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc! Hôm nay tôi bênh chị Du phải lắm, bởi chị, người đã làm lợi cho lão nhiều nhất. Nhưng bụng dạ lão quái quỷ, chỉ mỗi chuyện ép người ta vào đường tình dục không được mà ghét bỏ, đến mức đuổi người ta đi…còn gì là tính người! Lúc này chẳng nể nang nữa, nhân có mặt chị Thủy tôi nhìn thẳng vào mắt lão, nói đến cùng: Cần gì tôi phải kiện! Muốn nhắc anh giữ tính người, chưa thấy ai lật mặt nhanh thế! Cứ tưởng ba triệu một tháng to lắm, chưa bằng một phần trăm chị ấy làm ra. Tôi tạm tính mấy tháng qua khoản nem chua chị ấy làm cho anh lãi hơn nửa tỷ đồng, chưa nói đến công tiếp khách, nhận tiền lo lót thay anh.- Thấy chị Thủy chăm chú dõi theo, được thể tôi nói luôn:- Chị Du đi, mấy ngày nữa thanh toán xong tôi cũng đi! Lâu nay cứ tưởng anh quân tử, không ngờ lừa cả gái nhà quê nghèo hèn, còn hơn lũ đế quốc thực dân trước đây đối xử người làm thuê tàn nhẫn tới mức: nay thấy khỏe dùng ngay, mai ốm yếu lại phụ rẫy người ta, giống hệt vắt quả chanh!… Đó là lời kết thúc những năm tháng làm thuê cho Hợi, vào phòng được lúc tôi nghe anh ta léo nhéo như phân bua với chị Thủy:
– Cô khen nó nữa đi! Con này láo thật, kiếp làm thuê mà còn được voi đòi tiên! Rời khỏi đây chúng mày sẽ chết đói!…Hừm, tức quá, mai tao sẽ cho bọn đầu gấu nghiền nát ngay giữa đường!
– Này này…tôi cấm!- Chị Thủy lên tiếng: – Cỡ cán bộ to thế mà dám mở mồm vậy à! Cô ấy không nói ra…làm sao tôi biết lòng dạ của anh! Người ta đã làm lợi cho mình, anh nở mặt nở mày trên ghế lãnh đạo cũng đã nhờ đến họ không ít. Thảo nào thi thoảng tôi nghe người ta xì xào…Không ngờ anh lại tham dâm đến thế, mình chưa chán còn đưa cả gái mại dâm vào tiếp khách. Hóa ra căn nhà này trở thành nơi chứa chấp, làm hỏng không ít cán bộ: rượu chè gái gú bê tha, để có nhà lầu xe hơi ăn chơi thoải mái thì kéo dây nhợ đục khoét!…Tôi là vợ, biết nói ra điều này cũng thấy nhục nhã, hổ thẹn. Nhưng không còn cách nào khác, mai ba về tôi phải nói hết, cho anh xuống cấp rồi lên miền núi “rèn” mấy năm để biết thế nào là vinh sang cao quý!
– Láo! Vào hùa với bọn khố rách áo ôm hả! Tao sẽ tống cổ mày cùng với chúng, cho đi làm thuê để biết thế nào là lễ độ!
– Giỏi! Chưa biết kẻ nào bị tống cổ, trích lục đất căn nhà này ai đang nắm, trả lời đi! Anh có thể chỉ huy được số người cùng hùa, nhưng nếu anh cứ làm trái đạo…pháp luật quyết không tha! Nên đừng có bô bô rằng ở đây mình nhất, cái nhất hôm nay báo hiệu cho cái bét của ngày mai đấy, lại còn mang tiếng xấu để đời nữa chứ. Nghe chưa! Gái này không dọa đâu…cho hết léng phéng…khỏi ô danh công dìu dắt của ba!- Nói xong chị chạy vào an ủi tôi, bấy giờ tôi đã chuồn ra cửa sau, một mạch tới bệnh viện.
Trên đường, tôi chạy bán sống bán chết, lúc nào cũng đề phòng có kẻ đuổi theo, nên cứ dựa chỗ đông người mà chạy… Bón cơm cho chị Du mới được nửa bát, thấy chị lắc đầu tôi định chờ đến nửa đêm động viên chị ăn tiếp bỗng chị Thủy bước vào. Chị gắt: “Sợ chi, dân ở đây ai cũng tốt!…Mấy người phát hiện cô chạy ghê quá tưởng có việc chi liền báo tôi. Thôi, đã đến nước này cô chịu khó sáng mai đưa bạn ra bến xe.- Rồi chị quay sang đặt tay lên vai chị Du, nói khẽ: – Chịu khó nghen, chị gửi em vài triệu về bồi dưỡng…Khỏi bệnh vào với chị…nghen!”
Thế là hết, tôi phải vĩnh biệt chị Du, mãi mãi chẳng bao giờ gặp được con người mình đáng kính, đáng yêu!…Có lẽ không thước nào đo nổi tình cảm chúng tôi, tuy thời gian ăn ở bên nhau chưa nhiều lắm nhưng đối với tôi…dài vô tận! Điều ân hận nhất chưa biết làng quê chị nơi đâu, tôi thật đáng trách! Giờ chị đang ở đâu, trên giường bệnh hay đã về với tổ tiên?…Chị Du ơi! Tôi cứ gọi mãi, gọi mãi…
Nhớ cái đêm đen buồn thảm ấy, dìu rõ lâu mới đưa chị ra tới nhà vệ sinh, dáng chị khô gầy, đi cứ như cò gặp bão mà lòng tôi đau xé. Chị gắng lắm mới quay lại để nắm tay tôi, cố nói thành lời:
– Khóc làm gì…- Bỗng mắt chị trào tuôn những giọt nước, lăn xuống hai gò má đã cao nhọn, xạm đen. Chị cố nén nhưng tiếng nấc cứ bật ra: – Không ở lại với em được nữa! Mai chị về…
Tháng 4 – 2014
T.N