Mài sắt – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Chương 3

LỚP TIẾNG ANH

               Có bạn nào được học chung môn gì cùng với người lớn không nhỉ? Làm gì có chuyện ấy ở truờng phổ thông vì truờng phổ thông là giành cho trẻ con thôi. Vậy mà cu Thăng lại đuợc ngồi học dự thính ở lớp ngoại ngữ buổi tối của người lớn cơ. Ở đấy có nhiều chuyện hay lắm nhá!

Dự thính lớp  tiếng Anh

Với các chú các bác

Lười, không học từ nhanh

Thì  ù ù cạc cạc

Ây, bi, xi chính xác

Là A, B, C rồi

Nhưng đừng tưởng ngon xơi

Chính tả rõ thật chán

Khiến  thày nhăn mặt  khen

Chữ  Mèo lai chữ Mán!…  

Không ngờ chỉ chưa đầy một tuần mà cu Thăng đã thấy việc bố nó bắt đến học ở nhà bác Vân cũng không  oan ức gì cho lắm. Ít ngày sau cu cậu còn bị tẽn tò khi đã chuẩn bị cặp sách mà không thấy bố dắt xe ra cửa như mọi khi. Hoá ra hôm đó là chủ nhật!

Ban đầu, do bị ức chế nhiều mặt nên cậu chàng tự đặt ra quyết tâm – rất là quyết tâm đấy – Đó là không nói chuyện với cái Vi và cũng không làm một mẩu chì gãy. Nếu “núi” (tức là cái Vi) không chịu đuợc việc phải nhìn cái bản mặt của “Mô-ha-met” (tức là nó) mỗi buổi sáng, thì chỉ cần chịu đựng mấy hôm là có thể sẽ được học một mình ở nhà với con Cun như cũ. Vậy nên cu cậu cứ chúi mũi vào mà học, rồi bỗng phát hiện ra rằng học chương trình lớp sáu hoá ra dễ hơn lớp năm! Thấy nó hí húi học, cái Vi cũng không dám chơi cờ vây với nhảy ô ăn quan nhiều như truớc, nhưng luôn tỏ vẻ đỏng đảnh và trơn chuội như lá khoai dưới trời mưa mỗi khi đi qua chỗ nó ngồi.

Nếu lớn hơn tí nữa có thể cậu chàng sẽ đưa ra đuợc nhận xét, rằng việc thay đổi môi truờng quan trọng ra phết. Việc đến học ở nhà bác Vân đã làm biến đổi không chỉ “Mô-ha-met” mà biến đổi ngay cả “núi” nữa kia. Chả trách lũ nòng nọc đang bơi bằng đuôi như cá duới nuớc, bỗng dưng vứt tọt hết đuôi đi khi mẹ chúng bắt leo lên bờ để săn ruồi và rình bắt giun, khi lũ ngố này  thò đầu ra khỏi lỗ vào các buổi sớm mai!

Chiếc roi mây đâm ra thất nghiệp. Không những thế cu Thăng còn bất ngờ nhận đuợc một phần thưởng vẫn ao uớc suốt từ năm ngoái. Đó là việc bố xin cho cu cậu đuợc ngồi học dự thính ở lớp A tiếng Anh buổi tối. Thằng bé chả lạ gì các lớp tiếng Anh chuyên ngành buổi tối ở cơ quan bố, nó đã từng khóc sắp.. sưng cả mắt vì chuyện không đuợc đi học ở đấy, tị nạnh với một đứa con gái cũng cỡ tuổi nó khi thấy bố bảo “ai người ta cho mày học, con bé ấy là con ông Chủ nhiệm Uỷ ban, ông ấy giỏi ngoại ngữ lắm nên mới xin đuợc đặc cách cho nó đấy!”

Sau đấy bố nó đã phải xoa dịu nỗi đau cho thằng cu nhà mình, bằng cách cho nó đến tham gia coi xe vào tối thứ sáu hàng tuần. Cũng nhờ thằng bé có trí nhớ tốt nên dù chỉ đứng học lỏm qua cửa sổ mà nó biết vô khối từ, cả một số câu đơn giản. Chính vì thế nên mới có chuyện quen biết một cách tình cờ với “ông Tây”, ông Si-li-tau (Silitoe) ở ga Hàng Cỏ, rồi làm “trợ lý” cho đoàn khảo sát dược thảo mãi trên Bắc Cạn. Thật là một chuyến “xuất hành” nhớ đời!

Bố cu Thăng nói năm nay việc học tiếng Anh trở thành “mốt thời đại”, vậy nên lớp ngoại ngữ buổi tối của cơ quan không chỉ dạy tiếng Anh, Nga chuyên ngành mà chuyển sang dạy tiếng Anh là chủ yếu, mở thêm mấy lớp A, B, C theo chương trình “Streamline”.

Cu Thăng được học dự thính ở lớp A2 tiếng Anh, có khoảng hơn hai mươi người nhớn, thêm ba đứa trẻ con trong đó có nó và cái Vi. Cái Vi giỏi tiếng Nga lắm vì bác Vân dạy cho nó từ năm nó mới học lớp ba, ” Hai kỳ hè nó học thuộc hai quyển Tiếng Nga tập 1 và 2″- Bố cu Thăng bảo thế. Ai cũng bảo nó có “bướu ngoại ngữ” vì mới tám tuổi đã đuợc đọc thơ tiếng Nga ở đài Phát Thanh thành phố, trong các chương trình Văn nghệ Thiếu nhi. Có điều bây giờ nó lại thích học tiếng Anh nên cũng bắt đầu “ây, bi, xi…”, ngồi cùng một lớp với cu Thăng và cái Nga. Cái Nga chính là đối tượng ghen tỵ của Thăng ta từ năm ngoái, là con của ông Chủ nhiệm Uỷ ban nhưng năm nay nó vẫn học lại lớp A. “Học lại cho nó chắc” – nó bảo thế, nhưng cu Thăng không dễ tin đâu nhá. Cu cậu nghi rằng cái buớu ngoại ngữ  của con bé này không được to cho lắm!

Học tiếng Anh thích thật đấy. Nhất là được học chung với người nhớn, bởi vì nó thấy học toàn trẻ con với nhau như ở lớp thì chán bỏ xừ. Ở đây chúng nó không bị thày giáo gọi lên bảng, không bị tổ truởng kiểm tra xem đã làm bài tập chưa… Chỉ việc ngồi mà nghe với chép cái gì mình thích. Nhiều lúc lại đuợc phép nói chuyện nữa (tất nhiên thày yêu cầu nói bằng tiếng Anh nhưng đa số lại chỉ nói tiếng Việt). Truờng hợp này giống như…, giống như cái gì nhỉ? Tự dưng cu cậu nhớ lại hồi nghỉ hè về Kiến Thụy, thấy người ta giao việc chăn dắt đàn vịt con vàng hoe lông tơ  cho một con gà mẹ, chỉ ấp nở đuợc có mỗi một con gà con. Gà mẹ cục cục, bới bới, muốn lũ con nuôi bắt chước mình, nhưng bọn chúng chỉ đứng túm vào nhau kêu vít vít và hễ dẫn ra gần ao là bọn nhãi ùa xuống nuớc, khiến gà mẹ cuống cuồng chạy trên bờ, nghĩ là chúng sắp chết đuối đến nơi!

Bao nhiêu là thay đổi. Chóng cả mặt! – Cậu chàng nghĩ thế vì buớc vào lớp sáu này mới đuợc mấy tuần mà các sự kiện đã ùn ùn kéo tới, chồng đống lên nhau nhanh như bọn kiến lửa đùn đất lên khi vừa tìm đuợc nơi ở mới. Nào là phải bỏ học trò Cun ở nhà một mình coi nhà, rồi nó phải đến gặp “núi“, rồi tự dưng nó chúi mũi vào học (điều mà từ ngày thôi mặc quần thủng đít, được cắp chiếc cặp đến truờng tới giờ nó chưa bao giờ làm đuợc), rồi một phát  hiện ghê gớm ngang với việc bác thợ khoá phát hiện rằng các chiếc khoá có thể phì cuời, sau khi bị xoa xoa đập đập tí ti và bị thọc lét bằng một chiếc chìa vớ vẩn, đó là chương trình lớp 6 dễ học hơn lớp 5, bằng chứng là nó đuợc nhiều điểm khá, giỏi hơn cả một học kỳ của năm ngoái. Chưa hết đâu nhé, nó đã buột mồm nói  với cái Vi  mặc dù  đã thề trong bụng là không nói chuyện với con bé này, và cái Vi cũng đã đáp lại nó- may là chúng chỉ nói với nhau bằng tiếng Anh, như vậy thì lời thề coi như chưa bị vi phạm!

Thày dạy lớp nó rất vui tính. Nó thấy thày hay kể chuyện vui, các mẩu đố vui, cả tiếu lâm nữa. Sau thằng bé biết rằng thày dùng những câu chuyện vui của nhà văn Lahil để luyện nghe nói cho học sinh. Thày giáo bảo rằng chuyện vui của người Anh nhiều khi chỉ làm người nghe cười nửa miệng lúc vừa nghe xong, ít khi làm người ta cười hô hố như khi nghe những chuyện của các “danh hề” của ta. Các danh hề làm người ta cuời ồ lên nhưng sẽ quên ngay câu chuyện của họ, còn chuyện của một danh hài chân chính thì làm nguời ta chậm cuời hơn một tí nhưng rồi cứ  nhớ mãi, thậm chí còn trở thành một kinh nghiệm xử thế cho người nghe nữa cơ.

Bác Vân cũng có một bịch bự các chuyện cười, rất chi là thâm thuý như bố cu Thăng ca ngợi. Một lần trong giờ giải lao bác ấy đố mọi người một câu đố tiếng Anh có nghĩa là “hoa gì nở ở giữa mũi và cằm” (What flower shows between chin and nose?). Mọi người bàn tán rôm ran mà chẳng ai  giải được. Cu Thăng thì càng mù tịt, sau buổi học nó cứ nghĩ ngợi mãi. Giữa cằm và mũi thì có cái gì nhỉ? Chắc là râu hay ria, các ông Tây thì râu ria là bộ phận tối quan trọng để nhận dạng nhau. Trong ảnh các lãnh tụ treo ở phòng Hội đồng, nó không thể nào nhầm lẫn ai với cụ Kác-mác đuợc, chỉ vì cụ ấy có bộ râu cực kỳ lắm! Tối về nhà nó liền hì hục mò trong quyển từ điển Việt – Anh, dày gấp đôi chiếc bánh chưng tết, mãi mới thấy “râu” tiếng Anh gọi là  bơ-đơ (beard), còn ria là mơ-sờ-tát-sơ (mustache).

Chả phải hoa cỏ gì cả. Thế có chán đời không chứ!? Giá thứ tìm thấy chỉ là bonghoacutlon (bông hoa cứt lợn) thôi thì nó cũng sướng rơn lên ngay!

Thế là cái gì nhỉ? Thằng bé không chịu thua. Nó sờ sờ lên miệng và chợt nghĩ hay là môi? Đúng là môi rồi! Nó lại tra từ điển. Thấy môi tiếng Anh gọi là lip. Chẳng nhẽ là chiếc líp xe đạp à?

– Có bao giờ mày thấy chiếc líp xe đạp lại nở trên mặt người ta không hở Cun? – Nó chán ngán hỏi con chó đang ngóng cổ lên nhìn cậu chủ.  Đến đây thì nó bỏ cuộc và đi ngủ, quên cả việc đặt lại cuốn từ điển lên giá sách. Hậu quả là hôm sau có hai trang sách bị nhàu, thằng bé vội vàng gấp lại rồi đợi lúc vắng hí hoáy lấy một ca nuớc nóng để là. Cũng đỡ nhàu đuợc đôi chút nhưng lại làm ướt mất mấy trang.

– Thế này thì dễ bị ố lắm – Cu cậu thở dài, đành xếp cẩn thận cuốn sách nặng như đá đeo lên giá, hy vọng là lâu lâu nữa mới có người sờ đến nó, bấy giờ có thể đổ cho những nguyên nhân hoàn toàn không dính líu gì đến “thằng bé vô tội”. “Mày còn phải đợi đến mốc thếch mốc theo lên nhá!” – Nó “hội thoại” với chiếc roi mây treo duới xích-đông như vậy.

Đáp án hiện ra một cách bất ngờ khi cu Thăng ngồi vào bàn học ở lớp tiếng Anh cùng với cái Vi, cái Nga vào buổi học lần sau. Cái Nga chúa láu táu nên hỏi nó ngay:

– Hai! (Hi!- tiếng Anh nghĩa là chào nhé)! Thăng ơi, hoa gì ấy nhỉ?

– Hoa gì cơ? – Còn đang mải lật tìm trang sách nên cu Thăng không hiểu nó hỏi cái gì.

– Hoa gì nở ở giữa mũi và cằm ấy.

– Chán bỏ xừ đi đuợc, tớ chả tìm thấy gì trong từ điển cả. Râu không phải, ria cũng không phải. Còn môi thì gọi là “lip”. Chẳng nhẽ chiếc líp xe đạp lại nở ở trên mặt đằng ấy à? – Nó muốn diễu cái Nga tí tẹo vì biết con bé con ông Chủ nhiệm Uỷ ban này tính tình hoà nhã, không để bụng chuyện gì.

– Líp à? – Cái Vi chợt tham gia vào câu chuyện, thật là hiếm hoi với con bé kênh kiệu này.

– Líp, sao cơ ?

– Líp có hai cái cơ mà, phải là tu lip-sơ (two lips) chứ nhỉ? – Cái Vi vẫn đang nghĩ ngợi.

– Tu-líp-sơ ? Ơ, có phải là bông hoa tuy-líp không nhỉ? Đúng rồi! – Bông hoa tuy-líp đấy – Thăng ta reo lên.

Cả ba đứa cùng nhảy cẫng lên vì phát hiện bất ngờ. Thế là giải đuợc câu đố của thày Vân rồi. A ha! Suớng ơi là suớng ơi, cực kì là mê tơi! – Suốt từ ngày chia tay với thằng Hoan “Trũi” đến giờ, hôm nay Thăng ta mới bật ra câu này, là câu tủ của cu cậu. Hình như chỉ có thốt ra câu này thằng bé mới thể hiện đuợc hết sự sung suớng “không nên trì hoãn lại” như lời một nhân vật của bộ phim gì đấy hay nói.

Mặc dù chưa chạy đuợc sang lớp bên để hỏi thày Vân, xem đáp án của chúng đã hoàn toàn chính xác hay chưa, vì thày giáo lớp chúng đã bắt đầu giảng, nhưng cả ba đều mặt mày hớn hở. Cái Vi hội thoại với hai đứa kia một số câu còn nhiều hơn cả tuần truớc đây. Cu Thăng cũng quên rằng mình đã đặt ra quyết tâm “không thèm nói chuyện với con bé này”.

Nhưng chả lẽ trẻ con lại có thể im lặng đuợc trong truờng hợp như vậy. Bởi vì mồm chúng vốn sinh ra để ăn, để nói chứ có phải để khép vẩy lại, rồi câm như con ốc buơu bị quẳng lên gác bếp đâu nhỉ!

Học tiếng Anh thích thật đấy, tuy rằng thời gian để chơi giảm hẳn đi vì vẫn phải học và làm bài tập ở truờng. Đứa nào chả bị bố mẹ đe rằng nếu học tập ở truờng mà sút đi thì việc học tiếng Anh coi như tự động bị cắt suất, cắt suất ngay lập tức! Bù lại chúng có nhiều chuyện buồn cuời để kể cho bọn ở lớp của mình nghe. Hãnh diện nữa. Trong bụng cu Thăng rất khoái khi thấy mấy đứa cùng lớp bảo nhau: “Thằng Thăng nó đuợc bố cho đi học tiếng Anh buổi tối đấy. Siêu lắm nhá!” Tuy nhiên ngoài mặt cu cậu vẫn cố giữ vẻ khiêm tốn. Thật may là mũi người ta không mỏng như quả te te, nếu không thì làm quái gì còn mũi mà thở trong những truờng hợp tương tự.

Bọn chúng rất thích đến sớm hoặc lảng vảng ở phòng ngoài kho sách trong giờ giải lao, để nghe những câu chuyện vui của các thày cô giáo dạy các môn ngoại ngữ. Đủ cả đông, tây, kim, cổ nhá. Hơn đứt các câu chuyện vui của bác Khoá Buồn thuờng kể. Một lần thày Vân (chính là bố cái Vi) kể câu chuyện về vấn đề dịch thuật bị “tam sao thất bản” ra sao.

Câu chuyện là như thế này:

“Có một anh chàng người Nga, học tiếng Việt ở truờng Đại học Tổng hợp bên nuớc ta. Anh chàng rất thích sưu tầm các câu ca dao, chép kín cả cuốn sổ tay.                 Vớ đuợc những câu thích thú, anh sinh viên này còn cố dịch sang tiếng Nga. Lần về nuớc nghỉ hè, quen một anh bạn người Ba Lan cũng đã học tiếng Việt truớc đây, liền đem khoe các bài dịch của mình. Anh bạn Ba Lan cũng nổi hứng, muốn trổ tài nên chọn một câu ca dao (đã dịch sang tiếng Nga) để dịch thành thơ tiếng Việt.

Nguyên bản của câu ca dao vốn là:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xuơng…”

          – Các anh chị lưu ý nhá – thày Văn tạm dừng câu chuyện để giảng rộng cho học viên – Mỗi một từ tiếng Việt thường có ba bốn từ tiếng Nga hoặc tiếng Anh tuơng ứng, ngược lại cũng vậy, có khi còn có đến hàng chục từ là khác. Ví dụ gặp một từ nuớc ngoài có nghĩa là “chết” thì người Việt mình có thể chọn một trong vô số từ sau đây để dịch nó, như là hy sinh, tận số, lên thiên đuờng, xuống suối vàng, về chầu tiên tổ… Thậm chí còn có thể dùng các từ như  ngủ với giun, ngoẻo củ tỏi, tên ấy toi rồi chẳng hạn. Vấn đề là chọn từ nào cho hợp với văn cảnh. Chúng ta không thể viết cáo phó rằng “Gia đình chúng tôi hết sức đau buồn báo tin rằng Cụ Hoàng Bất Tử, là cụ, ông, cha và chồng chúng tôi đã… ngoẻo củ tỏi vào hồi… tại…” Có đúng không?

Mọi người cười bò ra. Bọn Thăng, Vi, Nga thì khỏi phải nói. Tuy nhiên mặt thày Vân vẫn tỉnh bơ, tiếp tục câu chuyện:

– “Do chữ đà của mình có thể hiều là cây tà vẹt, chữ Thiên có nghĩa là Trời, chữ Mụ ở miền Trung nuớc ta, đặc biệt là miền Thừa Thiên- Huế, có nghĩa là bà mẹ. Canh gà hay súp gà thì cũng như nhau, riêng chữ Thọ có nghĩa là tồn tại lâu, bị mắc vào…, nên “tác phẩm thơ” dịch ngược lại của anh chàng nguời Ba Lan trở thành như sau:

Phong ba lay cành trúc

Rơi xuống tà vẹt đuờng(!)

Mẹ Trời thỉnh một hồi chuông

Súp  gà húp vội hóc xương mấy lần (!?)

Liệu các anh chị có ai dám tưởng tượng rằng đây chính là câu ca dao của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến của chúng ta hay không?” Trở thành một dịch giả không phải dễ dàng và có thể tuỳ tiện đuợc đâu. Sau này mong các anh chị hãy cẩn thận cho!”

Thày Vân kết thúc câu chuyện vui với nét mặt tỉnh bơ, trong khi  có người đã vỡ rốn vì cuời, nếu như quên không mang thắt lưng. “Chúa tể chưa?!- Danh hài phải thế chứ! ” – Cả ba đứa trẻ đều ngộ ra điều ấy, chúng thầm thì với nhau như  vậy sau khi đã cuời xả láng.

Thêm một môn ngoại ngữ

Là thêm một chân trời

Khiến thiên nhiên rộng mở

Cho tuổi thơ  thắm tươi

Thêm một môn ngoại ngữ

Là thêm bạn tươi cười

Nào ta cùng  đi học

Ây, bi, xi  đi thôi…

(Còn tiếp)

 N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder