
Chương 5
TRÒ TRẺ
Trẻ con có bao nhiêu chuyện để nghịch ngợm. Khôn có, dại có. Có chuyện rồi sau bị ăn roi. Có chuyện khá nguy hiểm mà thoát qua một cách an toàn, đó là nhờ các bà Mụ nâng đỡ. Cũng có lần là do chính chúng thấy nhận thấy đã sai lầm và sửa chữa kịp thời. May thật đấy!
Nhất học trò, nhì ma
Thấy cá ao người ta
Là có đứa rủ bạn
Ta…
Vườn hàng xóm có na
Mới rạn mắt hôm qua
Tuần nữa mới chén đuợc
Mà…
Tính cu Thăng là rất hay thắc mắc như mẹ nó vẫn bảo. Nếu phải rửa bát hai ngày liền là cu cậu tỵ với anh Thiên nó ngay. Quét nhà cũng thế, duy có mỗi việc dọn phân con Cun thì cậu chàng không thể nói năng gì vì từ lúc mua về mẹ đã bảo giao cho nó, còn nó thấy khoái chí vì đuợc làm thày, đuợc toàn quyền dạy dỗ nên từ đầu đã chót nhận mất rồi. Cũng may là sang năm nay con chó của nó đã đạt chứng chỉ về môn.. ị đúng chỗ, chỉ trong truờng hợp bất khả kháng nào đó “thày” mới phải ra tay mà thôi.
Không chỉ hay thắc mắc về quyền lợi hay nghĩa vụ.. tiểu công dân đối với anh Thiên nó, cu cậu cũng hay thắc mắc về những gì đã nghe đuợc mà không hiểu. Thỉnh thoảng thằng bé đem vấn đề ra hỏi bố, nhưng bố nó ít khi trả lời cho ra nhẽ, đáp án thuờng chỉ là “lớn lên rồi khắc biết, bây giờ đã học đến đâu mà hỏi” hoặc “Cái thằng này hay hỏi vặt như đứa lên ba. Sốt cả ruột, bố ai mà trả lời kịp cho mày..”
Lần bác Vân kể chuyện vui về việc dịch thuật dễ bị “tam sao thất bản“, ai cũng buồn cuời. Cu Thăng cùng hai đứa kia cũng cười phải biết, nhưng cậu chàng còn chưa hiểu lắm về cụm từ “tam sao thất bản”. Đợi mãi mới có dịp hỏi bác Vân và đuợc giải thích rằng “tam sao” là ba lần chép lại, “thất bản” là làm sai lạc bản gốc đi. “Tam” và “thất” là chữ Nôm ngày xưa các cụ vẫn dùng, “tam” có nghĩa là “số ba”, còn “thất” là “mất” hoặc “thất lạc”. Tuy nhiên còn có chữ “thất” khác có nghĩa là “số bảy”. Nói chung học chữ nôm với chữ nho ngày xưa có khi rắc rối hơn học ngoại ngữ bây giờ, tuy rằng dân mình đã sử dụng những từ ấy từ mấy trăm năm đến vài nghìn năm rồi – Bác Văn nói với nó như vậy.
Giải thích thế rồi mà thằng cu nhà mình mặt mũi vẫn còn ngay đuỗn, nên bố nó đưa thêm ví dụ:
Giả dụ như đầu năm học, cô giáo yêu cầu mỗi tổ truởng trong lớp lập một bản danh sách học sinh của lớp, để tiện việc theo dõi và phân công trực nhật. Do thằng nào cũng ngại việc phải điểm tên họ của những đứa khác, nên khi thấy có đứa chép đuợc một bản từ quyển danh bạ học sinh ở phòng Giáo Vụ, liền muợn nhau để sao lại. Chép lần thứ nhất đã có chuyện thằng Vũ biến thành thằng Vĩ, cái Vân biến thành cái Văn… do viết ngoáy mà không chịu soát lại chứ sao. Đứa sau mượn bản sai ấy để chép, lại làm sai thêm mấy tên nữa. Cuối cùng thì có đứa viết lên bảng phân công trực nhật : “Trực quét lớp ngày thứ hai tuần tới : Bạn Hồ Văn Tén”!
Đấy là do nó dựa vào bản chép lại cuối cùng. Đứa chép bản này tính nết nhanh nhảu đoảng, lại nhờ một đứa khác đọc cho. Vậy nên có hàng bị chép tụt xuống, chữ “n” bị ngoáy thêm vào. Hậu quả là dòng tiêu đề “Họ Và Tên” mới trở thành đứa đầu tiên trong danh sách chứ sao!
Giờ thì cu Thăng đã hiểu hết nhẽ và thằng bé ngạc nhiên khi thấy bố mình hồi này cũng trở nên vui tính. Truớc kia chỉ toàn thấy bố nó ra “dự lệnh” với “động lệnh” và dùng cây roi mây làm giáo cụ trực quan!
Hôm nay là chủ nhật, cu Thăng ở nhà một mình với con Cun. Đứa học trò bốn chân của nó thế là đã hai tuổi, trở nên.. mất dạy rồi. Vì lẽ nó chẳng chịu học thêm một trò gì mới nữa, chỉ thích đuợc tháo xích ra chạy nhông ngoài đuờng, hệt như.. nó với thằng Hoan vào hồi năm ngoái. Thăng ta rất thất vọng với tên học trò khi bác Khoá Buồn bảo rằng, so với con béc-giê của chú công an ở trại Cảnh khuyển thì con Cun nhà nó chỉ đáng.. cho nhập truờng Máy Nước hai vòi (đó là tên mà bà Mại Đủ Thứ vẫn gọi một con phố dẫn ra ngã Sáu, nơi bây giờ đuợc Khoá Buồn đặt biệt danh là Khu Liên hợp Cầy tơ, vì mỗi buổi chiều muộn phải có đến mấy chục chiếc mẹt bán món “mộc tồn”).
Gì thì gì, thực lòng Thăng ta vẫn quí con chó nhà mình. Nó sẽ không để cho ai giết hoặc bán con Cun của nó. Có nhiều người kể cũng lạ – thằng bé nghĩ bụng- Sao họ lại có thể đem trói giật cánh khuỷu con chó nhà mình lại, mặc cho nó kêu ăng ẳng, xúm vào cắt tiết, làm lông. Rồi chính ông chủ của nó mặt đỏ môi nhẫy ngồi chén chú chén anh với bạn bè mình. Nó cảm thấy thế thì chẳng khác gì bè lũ… Pôn-pốt. Khi đã nuôi chó, nuôi mèo nó sẽ không bao giờ để cho ai giết chúng – thằng bé cả quyết như vậy dù rằng nó cũng đã từng… ăn thịt chó và thấy món mà bác Khoá Buồn gọi là “mộc tồn” ngon tê cả lưỡi.
Nhìn con Cun nó lại nhớ thằng Hoan da diết. Không biết Hoan “Trũi” giờ đang làm gì. Tuy rằng bây giờ buổi sáng hàng ngày nó đã đến học ở nhà bác Văn, ở đó có cái Vi, chị Vân, có nhiều chuyện để bàn bạc, cãi nhau nhưng thỉnh thoảng nỗi nhớ thằng Hoan lại dội lên trong bụng. Nó nhớ những lúc hai đứa đá cầu, mặt mũi đỏ bừng, hăng đến nỗi rách cả áo vì cố cứu quả cầu bay vào sát hàng rào của hố vôi mới tôi. Cứu đuợc trái cầu nhưng nếu không có sợi dây thép gai ngoặc vào lưng giữ lại thì hôm ấy cu Hoan có khi đã “bông nhê” xuống hố nuớc nóng. Sau đấy hai đứa phải ra “kho ngoại quan” cạo rỉ mấy chiếc bếp dầu cho bà Mại Đủ Thứ, nhờ bà ta vá áo đổi công cho, mới thoát đuợc “vị thần Trừng Phạt” mang hình dáng chiếc roi mây.
Nhớ lần hai thằng câu trộm cá rô phi ở ao Đình. Cái ao ấy có những con cá rô to bằng bàn tay, háu ăn phải biết, nhưng nếu mang cần câu thì chưa mon men được tới bậc cầu ao thứ nhất, đã bị ông Từ coi đình đuổi cho chạy mất dép. Chẳng hiểu Hoan “Trũi” đuợc ai mách nuớc mà lần đó nó lễ mễ bê một rổ sề rau muống, lẫn cả bèo tây, sang rủ cu Thăng:
– Đi câu, mày ơi!
– Câu cái gì, ở đâu? Mày không nhớ hôm nọ còn một chiếc cần bố tao cũng bẻ nốt rồi à?
– Không cần cần câu. Có cách này cực kỳ lắm – Nó ghé tai thì thầm với Thăng về một ngón câu trộm không biết học đuợc ở đâu.
Nghe có lý lắm nên nó cùng thằng bạn lom khom khiêng rổ rau to, đủ cho con lợn sề chén hai ngày, ra ao Đình. Ông Từ trông thấy hai thằng bé bị đuổi chạy gãy cần câu hôm nọ, nhưng hôm nay không có “chiến cụ” gì nên để mặc cho chúng xuống cầu ao rửa rau. Cu Hoan quấn đoạn dây cuớc dài chỉ độ ba gang vào một ngón tay, thả đầu có lưỡi câu mắc mồi giun xuống nuớc ngay sát mép ngoài rổ, tay kia ngoáy rau loạn lên, ra vẻ kĩ càng chăm chú lắm.
Lũ rô phi là bọn tham ăn nhất trên thế gian, nên chưa đuợc nửa phút đã có một con mắc vào lưỡi câu của thằng Hoan. Nó liếc xem ông Từ đang ở đâu rồi khéo léo nhấc tay lên thả con cá chui xuống rau ở trong rổ để cu Thăng mò mẫm tháo lưỡi câu ra, mắc mồi khác vào. Vừa thả mồi mới xuống đã có con mắc luôn, như thể bọn chúng xếp hàng sẵn ở duới đáy rổ, chờ ăn bỏng cháo thí hôm cúng “xá tội vong nhân” tháng bảy!- Không ngờ cái thằng “đầu đất” này cũng học ai đuợc chiêu này nhỉ? – Hiếm khi cu Thăng phải thầm phục nó như lần ấy.
Ông Từ vẫn đang hái chè tuơi ở gần đấy nhưng chẳng hề nghi ngờ. Thấy đã đuợc bốn con rô bự, cu Thăng nói khẽ “về thôi mày ạ!”. Nhưng Hoan ta còn đang ham, cứ giục nó phải tháo cá ra và mắc mồi mới thật nhanh vào, mãi đến khi ông cụ coi đình hỏi “Rau lợn hay rau người mà chúng mày rửa kĩ thế, rửa thế thì nát hết còn gì”, hai đứa mới vội vàng khọm lưng khiêng rổ xề đầy rau nặng như chiếc cùm lên bờ.
Lúc ông Từ mang chè xuống rửa dưới cầu ao, ông cụ nhìn vào rổ rau làm hai thằng sợ thót cả tim. May là không có tang vật nào đội rau nhảy vọt ra ngoài rổ. Hú vía!
“Chiến công anh tình báo” lần ấy gồm tới sáu con rô phi to như bàn tay người nhớn, đấy là không kể một tên đòng đong cân cấn chỉ lớn gấp hai mẩu giun mắc làm mồi. Hai thằng bé không hiểu bằng cách nào mà nó cũng tranh đuợc với “các cụ” rô phi, ngậm chặt mẩu giun ở trong mồm. Không hề bị lưỡi câu xuyên qua mép, tên nhãi ranh này chỉ bị mắc kẹt cục mồi ở trong mồm khi thằng Hoan nhấc nó lên mà thôi!
Bỏ hết rau muống ra sân, nhìn những con cá nhảy tâng tâng, hai đứa suớng run cả chân. Hôm ấy mẹ cu Hoan đi đong gạo nên chúng lúi húi nướng cá trên lò than, phía trên là chảo cám sôi sùng sục. Nướng cả con, mỡ cá chảy xèo xèo, điếc mũi. Khi ăn chỉ việc bóc lớp vẩy, bỏ lòng và xương cho con Cun, loáng một cái cả sáu con rô phi đã chui vào kho của các ông anh.. ruột. Tất nhiên là ruột của nó và thằng Hoan, anh Thiên nó làm gì có suất. Mới đầu chúng cũng định để phần cho mẹ thằng Hoan một hai con, nhưng nghĩ đến việc phải giải thích cá ở đâu ra thì cả hai đưa ra quyết nghị “cứ phi tang đi là hơn!”.
Không ngờ chiều hôm ấy cả hai đứa đều bị đau bụng, té re. Thằng Hoan nhăn nhó nói:
– Chết rồi, Thăng ơi! – Taị tao với mày câu trộm cá của ao đình. Cá ấy là của thần đấy. Làm thế nào bây giờ hở mày?
– Tao quên đi mất, không bảo với mày là không đuợc câu trộm ở ao đình. Bà Mại Đủ Thứ đã nói rồi. – Cu Thăng cũng đang ôm bụng – Bà ấy bảo có lần sang xin cụ Từ mấy quả na xiêm ở hàng cây mọc quanh ao, cụ Từ phải thắp huơng xin Thần Phật rồi mới dám cho bà ấy hái cơ mà. Thế… thế ai bảo mày cách câu trộm như vậy?
– Bác Khoá Buồn! – Ban đầu chắc cu Hoan không muốn nói việc học quái chiêu này của ai, nhưng bây giờ đành phải lộ “bem”.
– Thế thì tao với mày ra gặp bác ấy xem có cách gì tạ tội không. Đi nhanh mày ơi, tau đau bụng quá!
Từ hôm bị ăn trứng bìm bịp trong vụ kể chuyện “cổ tích” đến nay Thăng ta không hứng mon men lại gần chỗ đặt “ngai vàng ba chân “, nhưng hôm nay nó đành phải ra gặp bác Khoá Buồn Mà Vui Tính này. Đang phởn vì vừa hoàn thành vài phi vụ sửa khoá tại gia, bác ta đưa tay vẫy hai thằng bé.
– Nhãi ranh bay đi đâu đấy? Có nghe chuyện “cổ tích” Bát Tràng mới ra lò không? – Thấy hai “nhãi ranh bay” đều đang nhăn nhó, biết là có chuyện nên bác thợ khoá hỏi với vẻ quan tâm:
– Vừa ăn roi mây à? Nhưng sao lại ôm bụng thế kia?!
– Bị hành ạ. Thần ở đình hành bác ạ. Tại bác xui chúng cháu. – Cu Hoan mếu máo – Đau bụng lắm, té re nữa!
– Chúng cháu nướng ăn cá rô phi câu trộm đuợc ở ao đình. Bây giờ bị thần Miếu đình hành ạ. Làm thế nào bây giờ hả bác?! – Cu Thăng cũng rên rỉ theo.
Khoá Buồn nheo mắt nhìn hai thằng bé đang khẩn khoản cầu cứu. Biết là chúng nói thật nên bác ta cười hê hê.
– Đợi mỗ một tí. – Coi đồ nghề cẩn thận vào! – Nói xong bác ta phóng chiếc xe khung dựng ra phía Ngã Sáu.
Lần ấy Khoá Buồn mang về mấy viên gì màu nâu nâu, bảo bà Mại Đủ Thứ cho chúng cốc nuớc, bắt hai đứa nhai rồi chiêu mấy ngụm, nuốt thật nhanh.
– Tiên duợc đấy. Đưa bàn tay phải đây, mỗ phù phép vào cho. Sau đó về nhà cứ dùng bàn tay phù phép này xoa thật mạnh vào rốn cho nó nóng lên, nghe chửa? “Úm ba la, một chỗ xoa, ba chỗ khỏi” – bác ta lầm bầm mấy câu như thế trong khi lần lượt hà hơi vào lòng bàn tay mỗi đứa – Bận sau câu trộm được cá phải mang ra đây để mỗ phù phép xong, chia bôi cẩn thận mới đuợc ăn nhá. “Tham thực cực thân, cổ nhân bảo vậy” cơ mà.
– Chúng mày đừng có nghe cái lão báng bổ ấy – Bà Mại Đủ Thứ nói với chúng – “Của Phật trộm một đền muời, Phật vẫn còn cuời Phật chẳng lấy cho” nữa là. Bận sau thì cấm chỉ nhá! Về bảo mẹ chúng mày đem vàng hương sang miếu đình lễ tạ đi, không thì còn khốn đấy con ạ!
Hai đứa lò dò về nhà. Không biết có phải Tiên duợc thật không nhưng bụng không đau quặn nữa, té re cũng hết. Cái nhà bác Khoá Buồn tài thật đấy! – Hai đứa vừa xoa rốn bằng bàn tay được phù phép vừa bảo nhau như vậy.
Chúng chưa dám nói với mẹ sang đình lễ tạ, một phần cũng vì đã khỏi đau bụng. Tuy nhiên lo vẫn hoàn lo.
Thăng ta nói với cu Hoan:
– Mày ạ! Không thể bảo mẹ mày với mẹ tao sang lễ tạ đuợc đâu. Bố tao biết thì bét đít đấy.
– Nhưng không lễ tạ nhỡ còn bị gì nữa thì sao? Biết thế cóc thèm vào câu trộm.
Hai đứa bàn nhau mãi rồi sau quyết định tạ tội bằng cách sáng nào cũng chạy sang rắc cho bọn rô phi ít rau và cám, vì cu Thăng thấy là bọn rô phi đói lắm. Chúng đói đến mức ăn thịt cả lũ rô phi con. Rõ ràng có lần hai đứa nhìn thấy một con rô to há mồm nuốt tùn tụt đàn rô phi con vào bụng.
Phải đến mười ngày liền, hết đứa nọ đến đứa kia thay nhau mang bịch cháo cám, bớt của con lợn xề, sang đền cho bọn rô phi. Làm thế trong bụng chúng thanh thản hẳn lên, tin rằng đã cứu đói đuợc cho hàng trăm con rô phi con, cũng không lo ông Thần ở Miếu đình ghi tội hai đứa vào…”Sổ thù vặt” nữa.
Khoá Buồn biết việc ấy nhưng bác ta tỉnh bơ, cũng ngậm tăm không cho chúng biết rằng rô phi mẹ chẳng ăn thịt lũ rô con đâu. Đó chỉ là mỗi lần thấy có nguy hiểm hoặc muốn di chuyển lũ con đi nhanh chỗ khác, mẹ nó thường đóng vai chiếc tàu há mồm để bảo vệ và chuyên chở, sau đó bọn nhãi lại chui ra ngoài tung tăng như cũ.
Có không biết bao nhiêu kỷ niệm như vậy với Hoan “Trũi” nên làm sao Thăng ta có thể dễ dàng quên đuợc. Có cái Vi với cái Nga, cu cậu cũng đỡ buồn hơn, chăm học hơn vì sợ bọn con gái cuời là “đầu trâu” nếu bị điểm xấu. Nhưng cộng cả hai đứa kia lại cũng không bằng một nửa thằng Hoan của nó. Cái Vi là chúa đỏng đảnh, hay thù vặt. Tức tối cái gì thì con bé ấy tìm cách trả đũa ngay, có điều Thăng ta không chấp mà thôi. Chí ít nó cũng ngộ ra rằng chơi với con gái thì đầu tiên là phải quen với chuyện cãi nhau. Bọn con gái thích hành động bằng.. mồm, trong khi bọn con trai như nó với thằng Hoan, hành động nào chủ yếu cũng bằng tay chân.
Tay để chộp, để ném, để bám vào cành cây đu người qua hàng rào, vào vuờn rau phía sau truờng hôm đi học muộn (cổng truờng đã bị bác gác khóa lại bằng xích với chiếc khoá to đùng ngã ngửa), để… thụi nhau khi cần. Chân để chạy, để đá cầu, để phốc vào đít con Cun khi nó tè ị không đúng nơi qui định. Có ai thống kê xem trong một ngày một cánh tay phải của nó thôi, giả dụ vậy, đã thực hiện bao nhiêu hành động không nhỉ?
Nó đang định lấy bút chì vạch trên tờ giấy nháp để nhớ lại và đếm xem từ sáng đến giờ tay phải của mình đã thực hiện những hành động gì, nhưng chợt trông thấy mẹ đi chợ về. Mấy quả ổi chín vàng lấp ló trên mớ rau cải soong rõ ràng hấp dẫn hơn chuyện vạch đếm kia nhiều.
A ha! Mẹ về chợ
Quả ổi này của tớ
Quả này phần anh Thiên
Còn một chiếc bánh dậm
Chia làm sao, thật phiền!…
N.C