Mài sắt – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Chương 6

CHUYỆN  KỂ  TRÊN  TÀU

            Có nhiều điều không biết, đã xảy ra trên từng mảnh đất hàng ngày em vẫn đi qua. Sao chẳng mấy  ai kể cho chúng em nghe. Để một lần hai đứa đã ghè nhân bàng làm gãy một mẩu đá, sau mới biết đó là tai con chó đá. Hòn Chó – đá đó đã từng bao năm canh giữ miếu của một vị phúc thần, giờ đây đã trở thành tan hoang…

Bước ra PHÍA NGOÀI CỔNG

Gặp khung  trời bao la

Có chim bay buớm lượn

Rộn ràng những bài ca

Buớc ra PHÍA NGOÀI CỔNG

Như vào giấc mơ hoa

Chào cuộc đời rộng mở!

Mang cánh  diều bay xa…

Đối với nhiều đứa, Hà Nội luôn là một điều mơ uớc. Thứ nhất là đuợc đi chơi xa, sau nữa là lên thăm Kinh đô (Cu Thăng thích cái tên “Kinh đô” như bà Mại Đủ Thứ  vẫn gọi, cái tên “Thủ đô” nghe nó xoàng xoàng thế nào ấy). Nước nào cũng chỉ có một kinh đô thôi nhá, thế nên phải hơn hẳn các tỉnh khác chứ lại!

Mà chẳng phải chỉ trẻ con mới thích đuợc đi chơi xa, được lên kinh đô. Lần nó về quê Kiến Thụy, có một cụ bà tám mươi ba tuổi rồi,  cụ bảo chưa bao giờ đuợc đi ra Hải Phòng, trong bụng thì ao ước mà chẳng dám nói với con cháu. Suốt đời quanh quẩn ở làng, chỉ hồi thanh niên mới có vài lần đi chợ xa đến tận… thị trấn Kiến Thụy. Sao đời xưa ở miền quê của bố nó lại vất vả, khó khăn đến thế nhỉ?- Tuy đến lúc đó cu Thăng cũng chưa đuợc đi đâu xa, uớc ao đuợc một lần đi lên Hà Nội, nhưng thằng bé lơ mơ nghĩ rằng chúng nó sau này rồi sẽ khác đi, không như các cụ ngày xưa. Mà dẫu có phải đi lang thang, làm con nuôi người ta để kiếm sống như thằng bé Remi trong truyện “KHÔNG GIA ĐÌNH” của ông… ông Hecto-Malot thì rồi nó và thằng Hoan cũng sẽ thử đi đâu đó một phen.

Chẳng lẽ đó lại là tính cách mà một trong muời hai bà Mụ đã ban cho thằng bé hay sao? Ai mà biết đuợc. Có những con chim béo hú cả đời chỉ quanh quẩn ở một khu đồi, nhưng cũng có những con nhẹ như quả mướp khô, mà thày giáo bảo nếu năm nào chúng không bay đuợc từ Bắc cực xuống Xích đạo, rồi lại trở về thì nghĩa là đến lúc chúng muốn.. viết cáo phó để ra nghĩa địa chim rồi đấy.

Thế nên mặc dù năm ngoái Thăng ta đã cùng thằng Hoan trốn nhà lên Hà Nội, rồi một sự tình cờ khiến chúng đuợc đi theo ông Si-li-tau (Silitoe) lên tận Bắc Cạn, nhưng vào cuối năm học lớp sáu, khi bố mẹ bảo hè này có chương trình lên thủ đô thăm chú nó thì thằng bé đúng là mở cờ trong bụng.

Nhưng vẫn lo vì vụ “xuất hành” năm ngoái, không biết bố nó đã forgot (nghĩa là quên) đi chưa. Quên thì bố nó chả quên đâu, chỉ hy vọng là daddy (bố) đã forgiven (tha thứ) cho nó rồi. Niềm hy vọng có vẻ lơn lớn đấy, vì nó nhớ rằng mấy năm truớc, khi bà nội còn sống, bà vẫn thường khuyên mẹ nó mỗi khi bố mẹ có chuyện cãi cọ gì đó: “Mẹ thằng Thiên này, nghĩ ngợi làm gì! Tính bố nó phổi bò ấy mà, chả để bụng chuyện gì đâu” hoặc “Cái thằng bố nó giống như ông Ba mươi. Hùng hùng, hổ hổ nhưng chạm vào chiếc lá cỏ gianh là quên tịt ngay đấy mà!”

Đúng là bố nó vừa mang phổi bò vừa giống ông Ba mươi như lời bà nội nó nhận xét. Vào năm ngoái, khi lên Bắc Cạn đón nó về, bố nó tuy không cho một trận  roi mây, nhưng đe rằng nếu nó không sửa đổi thì “sẽ xích cổ mày vào chân giuờng” và “đừng hòng tao cho mày đi đâu nữa!” Thế nhưng vào ngày mồng một tháng sáu, ngày nghỉ hè đầu tiên, cũng là ngày Quốc tế Thiếu nhi, cả nhà nó và nhà bác Vân (trừ mẹ cái Vi có việc, phải ở lại nhà) đều lên chơi trên Hà Nội.

Chỉ mỗi con Cun là phải ở nhà trông nhà, dù rằng năm ngoái nó chẳng hề đuợc đi du ngoạn ở đâu cả! Tuy mừng vì bố nó đã quên chuyện năm ngoái, nhưng cu cậu cũng thấy mắt hoe hoe vì thương.. con chó. Cái đói cái no của đứa học trò bốn chân này chỉ trông mong vào sự hảo tâm của bác Khoá Buồn, bác ấy sẽ đổ cơm, rót nuớc qua lỗ khoá hình vuông ở cửa vào cho nó ăn. Nhưng không cần phải là thày bói cũng biết đuợc rằng khi về “thày giáo” của nó sẽ phải lập một kỳ tích không kém gì của Hec-quyn khi dọn sạch chuồng bò cho thần Zớt.

Lúc buớc lên tàu, tự dưng thằng bé nghĩ rằng giá lúc này có cả thằng Hoan, cả bà mẹ bán bánh rán và ông bố. . Mán của nó thì sướng ơi là suớng ơi, cực kỳ là mê tơi! Tuy nhiên nó cũng nhanh xếp thằng bạn cánh hẩu sang một bên vì thấy bác Văn bắt đầu nói câu chuyện gì đó.

Đầu tiên là do cái Vi hỏi bố nó về việc sẽ đến những đâu trên Hà Nội, với lại chúng sẽ làm gì trong khi bác ấy phải đi họp ở Hội Kiến trúc sư. Bác Vân bảo rằng có mấy người bạn thân trên Hà Nội, đã nhiều lần họ mời lên chơi, đến nhà ai cũng đuợc nhưng ngày hôm nay hai đứa sẽ đến ở nhà bác Hường, là chị cả của mẹ Vân, Vi. Chiều nay và sáng mai hai chị em sẽ chơi với các anh chị ở đấy. Trưa mai họp xong nếu không có gì thay đổi, bác ấy sẽ đón hai đứa sang nhà ông chú của Thăng, tất cả sẽ đi chơi Hồ Tây và Bách Thảo rồi đáp chuyến tầu tối về Hải Phòng.

– Nhà bác Hường ở phố Trúc Bạch, là đất của Trúc Lâm viện ngày xưa – Bác Vân nói với chị em Văn, Vi –  Ngày bố mới quen mẹ chúng mày, bố đang học ở truờng Kiến Trúc, hay về đấy lắm. Ông ngoại hồi ấy trên bảy muơi rồi, trông dáng vẻ tiên phong đạo cốt, thích đuợc bố pha trà, ngồi hầu chuyện. Ông kể nhiều câu chuyện về thôn Trúc Bạch ngày xưa, có thời đổi là Trúc Yên, thuộc tổng An Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Vào thế kỷ 18, cách đây vài trăm năm rồi, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng lên Trúc Lâm viện ở giữa rừng trúc để làm nơi nghỉ ngơi giải trí. Có một câu chuyện cảm động lắm về nơi này, bố nghe ông ngoại kể mà mãi không thể nào quên, có hôm còn nằm mơ thấy những nhận vật mà ông đã kể nữa cơ.

– Bố kể đi bố ơi! – Cả Văn lẫn Vi  đều nài nỉ. Cu Thăng tuy không nói gì nhưng mắt cũng sáng lên như con Cun, khi thấy “thày giáo” của nó dứ cho miếng gân bò, “thày” nhai mãi mà cục gân vẫn toàn vẹn lãnh thổ, quyết không chịu rơi vào… tình trạng bị chia cắt.

Thời Chúa Trịnh Giang nơi đấy là một rừng trúc đẹp tuyệt vời. Con suối nhỏ uốn quanh Thiền viện, nuớc trong xanh như chỉ có trong các Miền Thần tiên của chuyện cổ tích – Bác Vân bắt đầu kể và cả bố mẹ cu Thăng, anh Thiên của nó đều để ý lắng nghe vì biết bác Vân kể chuyện rất hay – Hàng đàn các cô cậu sáo nâu và vành khuyên bay luợn, cần mẫn nhặt những chiếc lá vàng ưng ý để dệt nên những chiếc tổ xinh xinh, như những chiếc kén vàng uơm, tô điểm cho rừng trúc thêm phần tuyệt mỹ.

Một ngày kia Thiền viện trở nên hoang tàn, vì rằng các vua chúa bao giờ cũng chóng chán người, chán cảnh. Khi đã lên ngôi Thái thuợng Vuơng, chúa Trịnh Giang biến nơi đó thành khu giam giữ các cung nữ. Họ chẳng có tội lỗi gì, chỉ đơn giản là Chúa không thích họ nữa. Có những người vào cung đã muời năm mà Chúa chưa một lần gặp mặt. Có những cô bé mười hai,  mười ba tuổi mà đã vào cung bốn năm năm vì Nhà Chúa tuyển chọn họ từ khi mới lên tám tuổi, như ngày nay người ta chọn những vũ nữ múa ba-lê. Nhưng ngày nay nếu các bé lớn lên mà sự phát triển cơ thể không phù hợp với môn Queen-dance (Vũ điệu Nữ hoàng) này, thì  còn có những lựa chọn khác cho việc phát triển tài năng,  hợp với sở thích của mỗi bé.

Thời ấy thì khác. May  mắn lắm mới có một số người đuợc vị  Vua Chúa nào đó có lòng nhân từ trả về quê hương. Đại đa số phải theo sự quản thúc, phân phó của các quan Thái giám trong triều. Thiền viện Trúc Lâm là nơi các cung nữ đó bị giam lỏng, hàng ngày phải dệt vải, lụa cho triều đình để đuợc nuôi hai bữa cơm mà thôi. Cuộc đời của người ta cứ thế trôi đi theo năm tháng, không uớc mơ, không hy vọng, chẳng đuợc học hành, còn nói gì đến chuyện đi lên Bắc Cạn chơi như cậu Thăng “Mèn” nhà chúng ta…

– Thôi bố, bố kể tiếp đi, kệ cái lũ Mèn với Trũi gãy càng, trụi râu ấy bố ạ!- Cái Vi giục bố nó kể tiếp, nhưng vẫn không bỏ lỡ cơ hội đá xéo cu Thăng nhà ta. Thăng tuy ức nhưng xưa nay nó vẫn tránh việc tranh cãi trực tiếp với con bé này, vì biết rằng môn võ… mồm thì bao giờ nó cũng thua. Tuy vậy cậu chàng cũng chẳng vừa, nếu có dịp thì nó cũng trả đũa, bằng chiếc đũa cỡ… ngoáy cám  lợn, như lần biết tỏng bài đại số kiểm tra của cái Vi kết quả -8,3 là sai, cái Vi hỏi nhưng nó giả vờ lơ đãng đáp rằng “tớ cũng 8,3”, phớt lờ chuyện dấu má. Thế là con bé xơi ngỗng. Có lẽ do chuyện đó nên “sổ thù vặt” của cái Vi không bao giờ trắng đuợc trong những trang giành cho nó!

– “Nhưng sống trong thời nhiễu nhương loạn lạc, những cung nữ ấy còn phải gánh chịu bao nhiêu khổ đau, mất má t- bác Văn tiếp tục kể – Khi tên vua bán nuớc Lê Chiêu Thống đón quân nhà Thanh sang dày xéo Thăng Long, hắn đã hùng hổ trả thù, cho quân đốt trụi nhiều lâu đài cung điện do chúa Trịnh dựng lên. Thiền viện Trúc Lâm đã cháy rụi trong một đêm cùng với khá nhiều cung nữ còn chưa đến tuổi thành niên. Cái chết oan khiên khiến linh hồn của họ không thể siêu thoát, người dân thôn Trúc Yên xưa thường nhìn thấy hình ảnh những cô bé cùng với chiếc khung cửi là là bay trên ngọn trúc vào những đêm mù suơng…

Tự nhiên mọi người lặng cả đi, ngay cả những hành khách không quen biết ngồi trên mấy băng ghế quanh đó. Chị em Văn, Vi cũng không giục bố kể tiếp mặc dù mọi người vẫn đang lắng nghe. Tiếng va đập đều đều của bánh xe hoả vào đuờng ray như vang to hẳn lên.

– “Một tối ba muơi tết ông ngoại nhà mình ngồi bên nồi bánh chưng – vài phút sau bác Văn lại tiếp tục kể chuyện vì thấy sự trông đợi của mọi người – Ông đã mấy lần tiếp củi, chỉ còn lại một thanh củi đã từng cháy dở đen xì, hình dáng kỳ cục như thể truớc đó nó là một phần của vật dụng gì bằng gỗ. Bánh có lẽ đã rền, trời cũng sắp sáng rồi thì phải – ông ngoại nghĩ vậy và định dập củi để vào chiếc chõng  ngả lưng.

Ông ngoại đứng dậy, hé nắp chiếc nồi ba mươi rồi quay lưng tìm cái mỏ móc để nhấc thử một chiếc bánh ra khỏi nồi luộc đang bốc hơi nghi ngút. Lúc quay lại ông chợt bàng hoàng vì hơi khói trên chiếc nồi như đang tụ lại thành hình người, phảng phất hình một bé gái như những bóng là là bay qua rừng trúc cùng khung cửi mà người ta thường kể.

 Làn hơi phảng phất hình cô bé chợt nghiêng về phía ông ngoại như bị gió tạt, rồi ông như nghe thấy qua gió thoảng có tiếng nói: “Ông ơi, xin ông đốt nốt thanh củi duới chân ông đi. Ngày mai ông hót lấy tro thả xuống chiếc giếng kia ông nhá. Nhà Chúa bắt chúng con không đuợc rời xa khung cửi, cái khung cửi ấy còn thì con không thể đầu thai đuợc. Con xin kết cỏ ngậm vành để đền ơn ông, ông ơi!…”

Ông ngoại không nhớ rõ những việc sau đó vì ông như mê đi trong cơn buồn ngủ chợt đến. Hình như sau đó ông đã đẩy thanh củi cuối cùng có hình thù kỳ lạ đó  vào bếp vì sáng hôm sau, lúc thức dậy quanh nồi bánh chưng không còn một đoạn củi nào. Bên  ấm trà buổi sáng, ông ngoại ngồi nghĩ lại chuyện đêm qua, không biết là  mơ hay thực, nhưng rồi ông quyết định xúc hết tro trong bếp – số tro còn lại không nhiều vì than đã hồng cháy suốt đêm – đổ xuống cái giếng ở đầu hồi…”

– Bác ơi, thế rồi sao hở bác, có đúng cái khúc gỗ cháy dở ấy là của chiếc khung cửi không hở bác? – Không phải bọn Văn, Vi, cũng không phải cu Thăng mà là một phụ nữ  xinh đẹp khoảng non bốn chục tuổi lên tiếng hỏi. Cô ấy ngồi phía sau lưng anh Thiên của Thăng, cùng với một thằng bé quãng sáu tuổi, tay cầm cây que tre có rất nhiều những con tò he xanh đỏ tỏa ra các huớng. Cả hai mẹ con nãy giờ cùng chăm chú lắng nghe câu chuyện của bác Vân.

– Cũng không rõ chị ạ – bác Vân trả lời mẹ thằng bé – Ông ngoại các cháu nói rằng cụ không hiểu đêm hôm ấy cụ đã nằm mơ thấy thế hay đó là chuyện thật.

– Nhưng có điều lạ là sau đó nuớc giếng trở nên rất trong, lại ngọt nữa. – Bố cái Vi nói thêm –  Hồi ấy, mỗi lần về “trồng cây si” ở nhà các cụ, tôi thường ngồi hầu trà ông ngoại tương lai, vẫn dùng nuớc ở chiếc giếng thơi ấy hãm trà. Trà đuợc ông ngoại chọn kỹ lắm nên nuớc xanh, ngan ngát mùi huơng huyền ảo. Có lần tôi tuởng như nhìn thấy hình bóng cô bé cung nữ hiện lên, long lanh trong chiếc chén sứ trắng như ngọc thạch, nhưng không phải. Đó chính là bóng của mẹ cái Vi đây đang xách ấm nước sôi lại sát sau lưng tôi để chàng rể tuơng lai hầu trà bố vợ.

– Bác thật là… – người đàn bà xinh đẹp cuời rất tươi và hơi đỏ mặt lên. Chắc mẹ hai cháu đây xinh gái lắm. Có khi… có khi chị ấy chính là cô bé cung nữ đã đầu thai vào làm con cái trong nhà để trả ơn cụ ngoại và trả ơn… anh, người đã khéo kể câu chuyện cảm động đến vậy về những cô bé bất hạnh ngày xưa.

– Tôi làm gì có cái may mắn ấy. Con bé này với mẹ nó là cùng một khuôn mẫu – Bác Vân chỉ vào cái Vi – Đanh đá, cá cày, nhiều lúc tôi cũng muốn tuởng tuợng ra cô cung nữ ngồi bên khung cửi, nhưng chỉ như nghe thấy tiếng mọt nghiến gỗ ken két, hoặc tiếng rít của bản lề chiếc khung cửi lười bị rỉ hoen mà thôi!

– Ứ, bố nói xấu mẹ nhá! – Con về con mách mẹ cho – Cái Vi ngúng nguẩy lườm bố nó trong khi mọi nguời quanh đấy cuời ầm cả lên.

– Nhưng còn một chuyện cũng hơi lạ nữa – bố cái Vi nói tiếp khi mọi người đã thôi cuời – Sau cái tết ấy hai năm thì ông ngoại có thêm dì Hân, trong khi mẹ hai đứa này khi ấy đã mười tám tuổi. Ông bà ngoại đã tưởng là không có thêm cô cậu nào nữa. Hồi tôi quen mẹ hai đứa thì dì ấy mới sáu bảy tuổi, cả hai ông bà đều quý và khen là dì ngoan ngoãn lắm. Bây giờ dì ấy đang bảo vệ luận án Phó tiến sỹ về đề tài gì đó trong lĩnh vực dệt may của Bộ Công Nghiệp Nhẹ bên Tiệp Khắc…

Chuyện này chắc là do bác Vân viết ra đấy – Cu Thăng nghĩ trong bụng – nhưng bác ấy kể  như thật ấy. Mà có khi là chuyện thật, nó làm sao biết đuợc. Có làng, có xóm, có ông ngoại và dì  Hân của cái Vi cơ mà. Bác ấy giỏi văn nên mới đặt tên con gái đầu là Văn. Chị cái Vi có vẻ cũng giỏi văn. Cứ thấy chị ấy hí hoáy đọc ghi gì đó suốt ngày.

Còn mình thì giỏi cái gì nhỉ? – Thằng bé lại tự hỏi nó – Cóc có cái gì giỏi cả, điểm số cứ thất thường. Kể ra cũng có đứa bắt đầu khen nó giỏi toán hay giỏi tiếng Anh, nhưng bọn ấy hình như toàn là những đứa… dốt. Phải là ai cũng khen như bác Vân mới đúng là giỏi.

Nó lại nhớ đến chuyện mấy đứa ở xóm, ít tuổi hơn nên Thăng ta vẫn coi là đám… vịt hoi, khen nó dậy con Cun nhà nó khôn lắm, trong khi bác Khoá Buồn bảo học trò của nó chỉ đáng cho lên học tiếp ở truờng… “Liên hiệp Mộc tồn” ở Máy Nuớc hai vòi!

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder