Chương 9
GẶP LẠI CHÔM CHỈA
Dù đã từng “xuất hành” lên tận Bắc Cạn, nhưng khi đột ngột gặp Chôm Chỉa ở ngay sân của Trung tâm Ngoại ngữ vào tối hôm thứ sáu, cu Thăng mới thấy rằng thằng Dương rất khôn ngoan khi đi ra “Phía ngoài cổng”, trong khi nó mới chỉ dám thập thò, thập thò hai chiếc râu nhà Dế ra ngoài.
Khi lòng em trông đợi
Lòng bạn cũng đợi trông
Giữa mịt mù cách trở
Cháy lên niềm ước mong
Mong có ngày gặp lại
Để cùng nhau tung tăng
Kể chuyện thời xa cách
Buồn vui cùng ánh trăng…
– Tao tìm mày từ hôm thứ hai cơ, đến hôm nay là thứ sáu mới thấy mày thò cái mũi hếch ra đây – Chôm Chỉa nói ngay khi trông thấy cu Thăng.
– Sao mày biết tao ở đây mà tìm? – Thăng ta vừa mừng, vừa ngạc nhiên vì làm cách nào mà Chôm Chỉa biết nó ở đây. Cu cậu vẫn đinh ninh một điều là tìm đứa trẻ con như nó, thì khác gì tìm một con cún vớ vẩn ở một phố xa tít mù tắp!
– Một lần tao gặp ông… gì, cái ông đi cùng ông Tây ấy. Tao hỏi thì ông ấy bảo nhà mày ở Hải Phòng, có bố làm ở Uỷ ban Khoa học. Thế thôi, từ năm ngoái cơ.
Chôm Chỉa nói vậy rồi len qua cổng vào trong sân. Bác bảo vệ không cản nó nữa mà hấp tấp sang phía đầu kia tuờng rào, “làm việc” với mấy ông lỏi đang leo lên ngồi trên hàng rào thép, chúng nhún nhảy như ngồi trên ngựa gỗ ở vuờn hoa Con Cóc.
– Nhưng tuần truớc ông bác tao ở Hà Nội về chơi, đưa cho tao đồng xu Mỹ của mày. Cái Xuân, em gái tao thích mê tơi vì từ ngày ấy đến giờ tao vẫn chưa kiếm đuợc một cắc tiền đô nào cả. Vậy nên tao quyết định xuống đây tìm bọn dế chúng mày. Có còn đủ càng, đủ râu không? Thằng cu Hoan đâu? Nó là Mèn phải không? – Chôm Chỉa nói một thôi một hồi, hỏi cũng một thôi một hồi.
– Không, tớ mới là Mèn, nó là Trũi – Thăng ta tự dưng thấy ngượng với chuyện mèn mèn, trũi trũi nên nó bảo:
– Thôi đừng nói chuyện ấy nữa. Bố tớ biết là bị đòn đấy. Đằng ấy tài thật, làm sao tìm đuợc đến đây?
– Đuờng ở mồm, ngay cả nhà xí cũng ở mồm! – Ông bác đạp xích lô của tao bảo thế – Mày muốn đi ị, ở chỗ lạ không biết nhà xí ở đâu thì phải há mồm ra hỏi nguời ta, thế không phải nhà xí cũng ở mồm là gì?!
Cái thằng Chôm Chỉa này bao giờ cũng có những ý kiến lạ – Thăng ta nghĩ trong bụng như vậy.
– Sáng thứ hai tao tìm đến đây nhưng không biết tên bố mày. Cũng không muốn hỏi người ta. Nhưng tao nhớ năm ngoái mày nói là buổi tối có đến coi xe và học mót tiếng Anh ở đây – Chôm Chỉa lại kể tiếp – thế nên tối nào tao cũng ghé qua xem có thấy không. Tao vẫn đánh giày ở Ga ngay kia kìa – Nó chỉ tay về phía Ga Hải Phòng chỉ cách đấy ba bốn trăm mét.
– Thế buổi tối đằng ấy ngủ ở đâu?
– Ô ten “Đờ-la-hiên” chứ đâu nữa. Mùa hè thì ngủ ở đâu chả đuợc. Thôi, mày vào coi xe đi. Tao chỉ cần gặp mày thế là đuợc rồi. Tao đi đánh giày đây – nói thế nhưng rồi nó lại hỏi thêm:
– Thằng Trũi đâu ấy nhỉ? Nó không coi xe với mày à?
-T hằng Hoan nó ở lại trên Bắc Cạn rồi. Lần đi ấy tí nữa thì nó chết đuối. Bị nuớc lũ cuốn phải leo lên đảo hoang. Sau rồi bố tớ và mẹ nó lên đón về. Mẹ con nó ở lại trên ấy, bảo là tìm thấy bố nó là ..ông Mán. Lúc tớ về vẫn chưa tìm thấy nó. Bố tớ bắt tớ về nhà ngay. Vậy nên không qua chỗ đằng ấy đuợc – Cu Thăng nói lộn xộn vì cùng một lúc có bao nhiêu chuyện nó muốn kể cho Chôm Chỉa biết.
Đến lúc ấy thì bác Vân dắt xe đạp vào. Bác ấy bảo:
– Cu Thăng ở đây à, vào học đi thôi – Bác ấy nhìn thằng Duơng xách hòm đồ đánh giày rồi lại nhìn nó nhưng không nói gì.
– Thôi đằng ấy đi… làm đi – Cu Thăng bảo thằng bạn nhiều duyên nợ – Ngày mai nếu còn ở đây đằng ấy tìm đến chỗ bác Khoá Buồn, là bác thợ khoá có hòm đồ kê trên giá ba chân ở giữa phố Võ Thị Sáu ấy. Không xa đây lắm đâu. Ai cũng biết bác ấy. Tớ sẽ ra gặp đằng ấy. Nhá! – Nói thế rồi nó ba chân bốn cẳng chạy vào vì thấy “ông Bói Cá” nhà nó đang đi ra.
Đêm hôm ấy cu Thăng nằm mơ. Chả nói gì trẻ con, ngay nguời nhớn khi ban ngày gặp chuyện bất ngờ, hoặc đang có chuyện gì trông ngóng cũng còn nằm mơ nữa là. Nó nằm mơ thấy anh cu Chôm Chỉa đến nhà mình chơi. Rất đàng hoàng nhá! Cổ thắt red tie (cà vạt đỏ), đội mũ phớt – như cái mũ của ông nghị gật trên tàu hoả – tay xách… hòm đánh giày!
Tuy nhiên “ông Bói Cá” nhà nó lại hồ hởi… bắt tay Chôm Chỉa. Bác Vân thì vui vẻ kể chuyện “Bé Đánh giày”, bảo là chuyện của nhà văn gì đấy, bác ấy đọc từ hồi còn nhỏ cơ. Khen xi của Chôm Chỉa tốt lắm. Chỉ có anh Thiên nó là hầm hè, hầm hè, thậm chí nhe răng ra định… cắn anh cu Dương, hệt như con Cun khi thấy thằng Toan “nghiện” chạy tọt vào nhặt quả cầu văng qua cửa sổ nhà nó.
Đến đấy thì thằng bé thức dậy. Suốt buổi sáng hôm ấy nó cứ chạy ra chạy vào. Từ nhà chạy ra chỗ kê “ngai vàng ba chân” của bác thợ khoá, đứng ngóng một lát rồi chạy về nhà. Dăm phút sau lại chạy ra. Sau cùng cu cậu đánh bạo lại gần Khoá Buồn, đợi lúc bác ta rảnh tay mới dám lên tiếng:
– Bác ơi, nếu bác thấy có thằng bé đánh giày, nó mặc chiếc áo thun có in con ngựa hoang màu xanh ở lưng, nó hỏi cháu thì bác gọi cháu bác nhá – Nghĩ một tẹo cu cậu lại bổ sung:
– Cháu dặn nó đến đây tìm bác. Rồi nhờ bác gọi cháu.
– Hê! đã có chuyện hẹn hẹn hò hò đứa nào rồi cơ à! Sao mày không bảo nó vào thẳng nhà mày, lại bảo nó đến đây tìm tớ, hở anh cu kia? – Khoá Buồn căn vặn.
– Cháu… cháu sợ nó không tìm đuợc cháu. Bởi vì… bởi vì bác đã bảo rằng tìm bọn trẻ con chúng cháu khó như …như …
– Như tìm con cún ghẻ chạy lạc sang phố khác chứ gì. – Bác ta biết cục sĩ diện của “nhãi ranh” này nhiều lúc cũng to ra phết nhưng vẫn cứ thích trêu nó. Tuy thế Khoá Buồn đột nhiên lại thay đổi nét mặt, vẫy thằng bé lại gần hơn và hỏi:
– Mày có biết tin tức gì của mẹ con thằng Hoan không? – Bác ta vừa hỏi vừa ngoái cổ nhìn bà Mại Đủ Thứ như ngại bà này nghe thấy.
– Chẳng có tin gì của nó cả, bác ạ. Chỉ có năm ngoái bố cháu nghe ai nói là mẹ nó giờ đuợc làm giáo viên, dạy môn Văn ở trên ấy. Thằng Hoan cũng học ở truờng mẹ nó.
– Hình như nó tìm thấy bố nó hay sao ấy. Là một ông Mán bác ạ! – Cu Thăng nói thêm khi thấy bác thợ khoá có vẻ buồn.
– Bố nó lại là ông Mán? Mày nói ngô nói ngọng gì vậy? – Khoá Buồn vặn nó nhưng vẻ mặt càng buồn hơn.
– Cháu cũng không biết có đúng không. Nhưng rõ ràng cháu trông thấy ông Mán ấy nhảy xuống nuớc lũ, bơi sang hòn đảo để cứu thằng Hoan bác ạ.
– Thôi, không kể chuyện đầu cua tai ếch nữa – Khoá Buồn càng có vẻ bực bội hơn.
Cu Thăng đã định chạy về nhà, nhưng chợt nó trông thấy thằng Dương đang đứng ở phía bên kia đuờng nhìn sang. Nếu nó chạy về thì bác Khoá Buồn làm sao nhận ra nó đuợc. Bởi vì nó không mặc chiếc áo thun có hình con ngựa, cũng chẳng có hòm đánh giày. Chôm chỉa đội chiếc mũ tai bèo thẳng thớm, hơi giống cái mũ phớt. Nó thắt chiếc ..khăn quàng đỏ nho nhỏ (không phải là cà-vạt như cu Thăng nằm mơ thấy đêm qua). Tuy vậy cũng rất giống với giấc mơ, chỉ khác là hòm đánh giày đuợc thay bằng… chiếc cặp học sinh mà thôi.
Cu Thăng tí nữa thì há mồm ra vì ngạc nhiên, nhưng cu cậu vội vàng ngậm lại, vì nhớ ra rằng lần nào gặp thằng Duơng nó cũng đã há hốc mồm ra. Lần đầu tiên là khi thấy nó xốc bao hàng nho nhỏ của tay đàn ông lên vai chạy ra bậc lên xuống, bị tay đó đuổi theo đạp một đạp vào lưng, mà không hề bị ngã sấp mặt xuống đuờng ke. Lần thứ hai khi Chôm Chỉa ở đâu chui ra đột ngột đẩy thằng Hoan buớc lên chiếc xích-lô đã hạ bệ xuống sát đất để cùng đi theo ông Tây với câu nói “Đi! Tao giả tiền cho”. Lần thứ ba khi Mèn và Trũi đang ngơ ngác nhìn vào nhà “bà cô”- không có bà cô mà toàn là bọn trẻ của nhóm Bạch Duơng – nó lấy xi đen bôi râu giả làm “ông chú chúng mày đây!”. Lần nào cũng vậy, kể cả tối hôm qua khi nó đột ngột xuất hiện ở Trung tâm Ngoại ngữ.
Chả nhẽ lần này cũng lại há mồm ra nữa thì… quê lâu quá, nên cu cậu vội ngậm chặt miệng lại. Có điều ngạc nhiên thì vẫn cứ ngạc nhiên. Hoá ra giấc mơ đêm qua của nó chẳng sai mấy tí!
Chôm Chỉa – lúc này trông hệt như đứa học trò lớp bảy, lớp tám – đưa tay ra vẫy cu Thăng. Thăng ta vội vã chạy sang, bỏ mặc Khoá Buồn với bộ mặt khá là đưa đám, do tin tức đáng thất vọng về bà bán bánh rán mà “nhãi ranh” Thăng vừa cho biết.
– Tao mặc như thế này để bố mày khỏi mắng mày, hiểu chưa? – Chôm Chỉa ghé vào tai cu Thăng thầm thì – Bây giờ nếu dẫn tao vào nhà thì mày cứ bảo là tao học lớp tám truờng mày, nghe chửa? Bố mày đang ở nhà đấy à?
– Không, chỉ có tớ với anh Thiên thôi. Anh ấy học lớp mưòi một truờng Lê Quí Đôn.
– Thế truờng mày là truờng gì?
– Lý Tự Trọng.
– Ừ, cứ bảo tao cũng học Lý Tự Trọng, lớp tám rõ chưa? – Chôm Chỉa bỏ mũ ra gãi đầu mấy cái, sau đó nó nói – Nhưng này, không cần vào nhà mày nữa. Tao định ở thêm mấy ngày rồi về Hải Duơng. Tao muốn ra bãi tắm Đồ Sơn xem cho biết nhưng đi ra đấy một mình buồn lắm. Cũng sờ sợ vì tao chưa lần nào ra biển cả. Thôi để lần khác vậy.
– Ra Đồ Sơn? – Cu Thăng chợt nhớ đến chuyện lớp B tiếng Anh của nó ngày mai họ tổ chức ra chơi ngoài Đồ Sơn. Nhưng chỉ những người nhớn thôi. Không biết bác Vân có đi không. Hôm qua nó không hỏi vì nghĩ là bố nó không đi thì nó cũng chẳng đuợc đi đâu. Hay là xin với bác Vân. Nếu bác ấy đi Đồ Sơn thì may ra…
– Đằng ấy đi với tớ! – Thăng ta đột nhiên kéo tay thằng Duơng – Đi đến cơ quan gặp bác Vân. Nếu ngày mai bác ấy cùng với lớp đi Đồ Sơn thì xin cho tụi mình cùng đi. Bác ấy mà nói giúp thì bố tớ cho đi ngay đấy. Đi!
Hai đứa kéo tay nhau vừa đi vừa chạy. Rất may là bác Vân đang ở cơ quan, mọi khi bác ấy hay đi cơ sở lắm. Dọc đuờng, vừa chạy gằn cu Thăng vừa nghĩ việc phải nói thế nào. Bác Vân tinh lắm, nói dối là bác ấy biết ngay. Vậy nên nó nghĩ là sẽ phải nói thật.
Chú bảo vệ chẳng lạ gì cu Thăng nên cho hai đứa vào cơ quan. Bác Vân đang ngồi trong phòng làm việc, nghiên cứu gì đó. Bác tò mò nhìn hai thằng bé rồi hỏi chúng tìm bác có việc gì. Thăng ta ấp úng mãi rồi quyết định nói là có đứa bạn ở Hải Duơng, nó chưa biết biển thế nào nên xin bác cho đi theo lớp tiếng Anh ra chơi ngoài Đồ Sơn.
– Bác nói với bố cháu thì chúng cháu mới được phép đi ra đấy. Cho chúng cháu đi với bác, bác nhá!- Cu Thăng năn nỉ, trong lòng vừa thấp thỏm vừa hy vọng.
– Này, thế anh cu này là thế nào. Hình như… hình như tối qua…- bác Vân nhăn trán.
– Vâng, tối hôm qua nó đến tìm cháu. Nó… nó đánh giày bác ạ! – Cu cậu đành phải dốc hết gan ruột, không dám dấu diếm tí gì, tuy trong bụng cũng sợ nếu bố nó biết thì … mông không đủ chỗ chứa các lằn roi mây.
Nghe nó kể mọi chuyện năm ngoái, chuyện làm quen trên tàu, chuyện thằng Dương nhờ ông chú nó đóng thế để xin đi theo ông Silitoe lên Bắc Cạn, bác Vân càng nhăn trán nhiều hơn. Chỉ khi nghe chuyện để giành đồng xu Mỹ cho cái Xuân, em gái nó, và thằng Duơng xuống đây sau khi đã hoàn thành lời hứa với em gái, trán bác ấy mới dãn ra.
– Cháu muốn đuợc cùng thằng Thăng ra xem biển một lần. Xong rồi cháu lại về Hải Duơng ngay. Ở duới này không quen, bị chúng nó bắt nạt bác ạ. Bác cho cháu đi cùng thằng Thăng ra xem biển bác nhá!- Chôm Chỉa cũng xin như thế.
– Thôi đuợc rồi – Bác quay sang cu Thăng – Bác sẽ nói với bố cháu. Nếu bố cháu đồng ý thì mai cho đi theo lớp. Có thể cho cả chị em Văn, Vi đi cùng cũng đuợc.
Cả hai thằng bé cùng nhảy cẫng lên. Tí nữa thì cu Thăng thốt ra “Sướng ơi là suớng ơi, cực kì là mê tơi!” May là cu cậu ngậm mồm kịp vì nhớ rằng đây là phòng làm việc của bác Vân. Với lại còn phải đợi xem ý của “Ông Bói cá” nhà nó thế nào đã.
May sao mọi chuyện đã diễn ra theo đúng nguyện vọng của chúng, chắc là do bố nó hồi này đã hài lòng với kết quả học tập của thằng cu thứ hai nhà mình. Tháng sau cả Vi và Thăng còn đuợc đặc cách cử đi dự cuộc thi tiếng Anh cấp trung học cơ sở của thành phố nếu không có gì thay đổi.
Về phần mình, cu Thăng thấy rằng nó phần nào đã bắt chước cách hành động của thằng Duơng. Lấy ví dụ việc chạy đến cầu cứu bác Vân chẳng hạn. Truớc kia tuy mang danh là khôn ngoan, nhanh trí hơn thằng Hoan, nhưng động xảy ra việc gì là hai đứa phải lò dò đi hỏi ý bác Khoá Buồn hoặc bà bán bánh rán, mẹ cu Hoan mà thôi.
Quen thằng Duơng đã hơn năm nay, nhưng lần ra Đồ Sơn này Thăng ta mới hiểu đuợc nhiều về tính nết của anh cu Chôm Chỉa. Truớc đó toàn là những gặp gỡ bất ngờ, những sự việc và hành vi làm.. sái cơ hàm cu cậu, vì mồm luôn phải há hốc ra. Rõ ràng là Chôm Chỉa ma lanh, biết tính toán, thông việc.. đời hơn nó. Nó bảo phải moi cái áo thun cũ, có in con ngựa hoang đã lâu không mặc ra để khi xuống Hải Phòng cu Thăng sẽ dễ nhận ra. Nó cũng đã tính sẵn, mang bộ quần áo học trò và mượn chiếc khăn quàng đỏ của em gái nó từ Hải Duơng, để tiện vào cơ quan bố cu Thăng hoặc vào nhà khi có dịp. Cu cậu còn khoe có mấy chiêu võ để giở ra với những kẻ muốn ăn hiếp, tuy nó thú nhận rằng với bọn mạnh hơn nó về mọi mặt thì chiêu.. chạy, tức chiêu võ thứ ba muơi sáu là hữu hiệu nhất!
Ngồi trên xe ô tô nghe nó kể chuyện nhà, cu Thăng thấy rằng Chôm Chỉa rất thương em và thương bố. Nhà chỉ còn bố nó và cái Xuân. Bố nó yếu, chỉ ngồi đan đuợc những chiếc lờ, chiếc nơm bắt cá nên nó phải bỏ học. “Tao dành việc học cho cái Xuân. Nó thích cái gì tao cũng cố kiếm cho nó, nhưng luời học, mải chơi thì tao cốc cho bươu trán lên.” – Chôm Chỉa nói với Thăng thế. Tự dưng Thăng ta nghĩ giá anh Thiên nó biến thành. .. cái Xuân thì thích biết bao, vì nó cũng muốn có một đứa em gái, nó chúa ghét ông anh trai. “Anh Thiên tớ không… hạp với tớ tí nào”- Cu cậu thú thật với thằng Duơng như vậy.
Biển kia rồi! – Hai đứa reo lên khi truớc mặt chúng là một màu xanh bao la, xanh đến vô tận. Cu Thăng đã hai lần ra biển nhưng với Chôm Chỉa thì đây là lần đầu tiên. Truớc kia mỗi khi tưởng tượng về biển, cậu chàng thường nghĩ là nó phải to bằng mười hay hai mươi lần Hồ Tây trên Hà Nội (xem qua phim ảnh mà!). Nhưng không phải vậy, giờ nó mới thấy rằng biển có nghĩa là chỉ thấy bờ bên này mà không thấy bờ bên kia. Là cái gì đó to ghê to gớm, rộng ghê rộng gớm, cũng sâu ghê sâu gớm! Có thế mới có những chỗ không ai lặn tới đuợc, giành cho các loài Thuỷ Quái, Thần Biển cũng như các nàng Tiên Cá. Nhìn thì thích nhưng mà sợ lắm!
Biển là thế đấy bạn ơi
Biển mênh mông
khiến Trời không úp vừa.
Nếu ta đứng một bên bờ
Đừng hòng nhìn thấy ai chờ bên kia…
N C