Mài sắt – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Chương 2

BẠN MỚI

Hình như con gì cũng có bạn, Miu có bạn miu, Cún có bạn cún. Cu Thăng nhớ hồi còn chưa đi học, một hôm bố nó bỗng  cáu kỉnh nói với ông hàng xóm: “Thế có chết không, đến Sư tử Hà Đông cũng biết tìm đến nhau kết bạn!” Chả hiểu sao bố lại nói thế. Nó liền hỏi : Bố ơi, thế những con to tướng ở trong rừng như Voi, Hổ cũng đều kết bạn với nhau cả à?!

Có thêm một người bạn

Như  thêm cuốn sách hay

Muốn đọc mãi, đọc mãi

Tối lúc nào không hay

Nhưng  mũi cũng sẽ cay

Khi đứa bạn nhõng nhẽo

Hay ra  vẻ  đà  điệu

Lại đanh đá cá cày…          

Những đứa ở lớp mình có đứa nào không có bạn không nhỉ? – Cu Thăng ngồi một mình bên cửa sổ và nghĩ ngợi như vậy. Nó điểm trong đầu từng đứa một trong lớp 5B năm ngoái của nó. Hầu như đứa nào cũng có, đứa thì một, đứa thì hai. Có đứa có đến năm bảy bạn. Bạn nhiều nhưng mà đám ấy không thân nhau lắm, rồi chính những đứa bạn ấy lại còn chia nhóm, cãi cọ hoặc bênh nhau chuyện này chuyện nọ. Không khoái chuyện bạn bè hầm bà làng như vậy, nó nghĩ thế.

Nó chỉ có mỗi thằng Hoan. Tuy thằng Hoan học lớp bốn, duới nó một lớp nhưng lại là bạn thân, chẳng phải vì việc hai đứa nó ở sát nhà nhau mà vì..vì.. Vì cái gì nhỉ?  Chẳng có cái “vì” gì đặc biệt nếu đem so sánh nó với những đứa khác trong xóm hoặc trong lớp. Nếu bảo rằng vì hai đứa đã cùng nhau trốn lên Hà Nội chơi duới hai cái tên phịa là “Mèn” và ” Trũi”, bắt chước nhân vật của bác nhà văn Tô Hoài, rồi đuợc đi phiêu lưu cùng ông Si-li-tau (Silitoe) với ông Nam lên mãi Bắc Cạn thì có thế thật, nhưng nó thân với thằng Hoan từ lúc còn chưa có cú “xuất hành” ấy cơ mà. Hay tại vì một lần thằng Hoan xông vào cho Toan “nghiện” một cú thụi tều môi lên khi thằng ấy bắt nạt mình, dẫu rằng sau đấy cả nó và thằng Hoan cũng có khối chỗ bị tều lên, do Toan “nghiện” đẻ truớc chúng vài ba năm, về đẳng cấp nó hơn hai đứa ít nhất cũng.. từ dái tai lên tới chỏm đầu.

Mà cũng chẳng phải vì mỗi chuyện ấy. Hình như thân nhau thì tự dưng là nó thân nhau, cùng thích một trò chơi, cùng nhau giấu giấu diếm diếm một bí mật gì đó. Có cái gì cũng muốn khoe, chuyện gì cũng phải kể cho đứa kia nghe ngay, kể cả chuyện..nhón trộm một con rạm rán còn đang sôi xèo xèo trong chảo và bị mẹ gõ đũa vào đầu.

Có điều sau cú viễn du ấy, đứa bạn thân nhất của cu cậu đã ở lại cùng với mẹ nó trên Bắc Cạn rồi. Thật buồn hết muốn nói. Bây giờ nó thấy cô đơn, cô đơn như, như.. chỉ có mỗi một mình. Thăng thấy bố nói rằng cái ông người Mán đã bơi qua dòng nuớc lũ, sang  hòn đảo ngập nuớc để cứu thằng Hoan, trong khi nó đang cố len qua các bụi mây gai chằng chịt lên chỗ cao khi cơn lũ ập tới bất ngờ, chính là bố nó.

Sao lại  thế đuợc nhỉ? Bao nhiêu năm chẳng thấy bố đâu. Thằng Hoan vẫn chỉ có mỗi bà mẹ hàng ngày xay bột, làm bánh rán rồi đi bán ở ngoài phố. Ngày nào nó chả thấy thế vì hai đứa ở hai căn hộ liền kề nhau, ghé mắt nhìn qua “khe thông tin” do hai đứa hợp lực tạo ra ở bức tuờng muời, xây gạch ba-vanh ngăn giữa hai căn hộ, là thấy ngay hai mẹ con nó đang làm gì. Đùng một cái bố nó hiện ra, mà lại là một ông.. Mán! – Cun ơi, mày có tin đuợc chuyện lạ như vậy không ?- Chẳng có ai để hỏi nên nó quay sang nói chuyện với con chó vậy. Con Cun chỉ khẽ ve vẩy đuôi một cách tiết kiệm, vì thấy cậu chủ tuy hỏi nó nhưng chả có thứ gì hứa hẹn sự ban thưởng cả.

– Nói chuyện với mày thà nói với đầu gối tao còn hơn! – Cu cậu bắt chước cách nói của mẹ với anh Thiên nó, mỗi khi dặn dò công việc gì mà anh nó cứ  ù ù cạc cạc không chịu làm ngay.

Con Cun thấy cậu chủ đã có vẻ cáu suờn nên nó giả bộ đớp hụt một con ruồi, xoay xoay hai ba vòng rồi nằm xuống đất, quay đít lại phía cậu ta, ra vẻ rằng tôi chả thể góp ý đuợc gì cho cậu đâu. Tuy vậy tên “gâu” ranh ma này vẫn khẽ liếc mắt quan sát hiện truờng, đề phòng một cú đạp vào đuôi. Chuyện nhận một “cước” vào những chỗ nhạy cảm của cu cậu, thay cho cục xuơng hoặc một mẩu khoai lang ban thưởng, vốn không phải là hiếm hoi trong các truờng hợp tuơng tự.

Thăng ta càng cáu kỉnh hơn khi nó nghĩ đến việc tuần sau sẽ phải sang học nhóm vào các buổi sáng ở nhà bác Vân. Sau lần bố mẹ nó đứng tim vì vụ “xuất hành” của nó với thằng Hoan, bố nó đến cơ quan than thở mãi. Một buổi tối theo bố đến ngồi coi xe ở lớp tiếng Anh chuyên ngành của Ban Khoa học kỹ thuật, nơi bố  làm việc, tình cờ nó nghe lỏm đuợc câu chuyện giữa bố nó với mấy thày giáo,  trong đó có bác Vân, người hay cho nó mượn những cuốn truyện tranh nâm-bơ-oăn (nghĩa là hạng nhất ấy), đang ngồi nghỉ ở kho sách trong giờ giải lao.

– Tôi không biết làm thế nào với cái thằng Thăng – đấy là tiếng bố nó – Khóa cửa nhốt nó trong nhà một mình như năm ngoái cũng không ổn. Năm ngoái còn có thằng Hoan con bà bánh rán ở ngay bên cạnh, đôi lúc chúng nó còn có thể trò chuyện hoặc ghé mắt trông sang nhau khi có chuyện gì đó. Xung quanh thì không phải nhà nào cũng là nhà lành. Đẻ ra hai ông tướng con thật chẳng suớng gì, cứ như nhà ông Vân, hai “cách cách” lại hóa ra nhàn.

– Sao truớc nay ông vẫn chê tôi với ông Vân là.. không biết đẻ, là chuyên viên đoạt giải Nô-ben về công nghệ ấp vịt nhà đẻ ra vịt giời! Đổi cho hắn  một đứa đi, ông Vân ạ! – Đấy là tiếng bác gì nó chưa nhớ tên, kỹ sư bên Chi Cục.

– Năm nay thằng Thăng có cần phải coi nhà buổi sáng không?- Bác Vân bỗng hỏi bố nó.

– Cũng không cần lắm. Tôi vừa phải làm thêm chiếc cửa sắt xếp. Lại đưa một chìa khóa nhờ tay Khóa Buồn cách đấy mấy gian giữ hộ, khi có việc gì khẩn cấp hắn có thể mở cửa vào trợ giúp. Lão thợ khóa này tính tình tếu táo nhưng cũng dễ chịu, nịnh hắn ta một tí thì hắn chẳng ngại việc gì.

– Thế thì đuợc. Buổi sáng ông cứ đưa nó đến học với chị em con Văn con Vi . Nó cũng lớp sáu, cùng trường với cái Vi nhà tôi, tuy một đứa  6A, một đứa 6B nhưng chương trình chắc cũng khớp nhau. Cái Văn hơn chúng ba lớp nên có thể chỉ bảo cho cả hai khi cần…

– Thế thì tốt quá còn gì – bố cu Thăng phấn khởi ra mặt – tôi chỉ sợ hai đứa nhà ông chê thằng con tôi dốt, không chịu cho học chung thôi. Nếu chúng không cãi nhau thì buổi sáng tôi sẽ lai nó đến nhà ông rồi mới đến cơ quan, trưa lại qua đón nó về ăn cơm rồi đi học.

– Được rồi, cứ thử ít hôm xem sao. Xuôi xuôi rồi sẽ xin nhà truờng cho hai đứa về một lớp. Thôi, hết giờ giải lao rồi. – Bác Vân nói vậy.

Thế là “số phận” nó đã đuợc định đoạt. Định đoạt mà chẳng ai hỏi han gì xem nó có muốn thế hay không. Cu cậu thấy cay cay ở mũi, mắt bỗng dưng đỏ hoe. Bố nó lúc nào chả vậy, chả bao giờ hỏi xem nó có thích hay không thích chuyện gì bao giờ. “Tao đã bàn tính kĩ rồi, mày có nghe lời không thì bảo!”- Đó là “dự lệnh”, bảo là bàn kỹ rồi nhưng nó có đuợc bàn bạc gì đâu, còn “động lệnh” thì giành phần cho chiếc roi mây vẫn treo ở giá chiếc xích-đông, ngay trên bàn học của nó.

Học với chị em cái Vi thì thà nó ngồi ở nhà học với… con Cun còn hơn! – Cu Thăng tấm tức – Ở nhà mình chí ít nó cũng có con Cun là học trò, có thể dạy nó mấy môn, như chui vào gầm giuờng nhặt dép ra ngoài, hay đứng trên hai chân sau đi mấy buớc về phía cậu chủ chẳng hạn. Còn ở nhà bác Vân nó là cái gì? Một con gián đất không hơn không kém. Không phải nhà mình, lại học dốt hơn thì bọn chúng coi nó còn kém giá hơn mẩu chì gãy.

Công bằng mà nói thì chị Văn – nó phải gọi là chị vì rõ ràng Thăng ta nhỏ hơn ba tuổi – cũng không đến nỗi nào. Những lần bác Vân gọi đến cho muợn truyện, nó thấy chị ấy chỉ cắm cúi học hành hoặc đọc truyện, chẳng để ý gì đến nó. Nhưng có  đôi mắt dõi theo khi tay nó sờ vào các cuốn truyện (giá không có bác Vân đứng cạnh chắc nó cũng không dám rút ra khỏi giá), có tiếng nói ở sau lưng nó “Bố ơi, cuốn ấy con đang đọc” làm cu cậu phải rụt tay lại, mặc dù đang thích một cuốn nào đó. Đôi mắt và tiếng nói đó là của cái Vi.

Cái Vi kém cu Thăng một tuổi nhưng năm nay cũng học lớp sáu vì nó học vỡ lòng rất sớm ngay ở nhà. Bố cu Thăng thường tấm tắc khen là hai “cách cách” nhà bác Vân học giỏi lắm, thông minh lắm, với chúng đều ngoan lắm. Còn hai đứa nhà mình thì… Nghe bố nói thế cu Thăng thấy tức tức trong bụng. Con gái đứa nào chả ngoan, bọn chúng chúa học vẹt nên nếu đuợc điểm tốt thì hiển nhiên rồi. Chúng nó cứ thử mỗi ngày cũng đá cầu một tiếng, bơi với câu cá hai tiếng nữa như nó với thằng Hoan xem. Chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào nhé!

Cu cậu nghĩ thế vì chưa bao giờ chơi với bọn con gái. Thực ra con gái cũng mải chơi chẳng kém gì lũ con trai. Ngay như cái Vi chẳng hạn, nếu bố mẹ mà không nhắc nhở thì mỗi ngày nó cũng chơi chuyền hoặc nhảy ô ăn quan một tiếng muời lăm phút, đọc truyện, chơi cờ vây hoặc hí hoáy xếp hộp gỗ “Bảy miếng nghìn hình” – còn gọi là trò “Trí uẩn” – mấy lần, cộng lại hai tiếng muời lăm phút nữa (nhiều khi nó chỉ chơi một mình). Nghĩa là môn chơi nào cũng nhiều hơn cu Thăng mười lăm phút là khác!

Tuy nhiên có một điểm khác nhau cơ bản, là khi đã ngồi vào bàn học cái Vi sẽ học một lèo xong một hai môn mới nghỉ giải lao, còn cu cậu thì tuy ngồi vào bàn rồi nhưng thỉnh thoảng lại ghé mắt qua “khe thông tin”, cuời hăng hắc với thằng Hoan vì trò gì đó, hoặc thí nghiệm huấn luyện một “chiêu” mới nghĩ ra cho con Cun.

Hôm  thứ hai sau đấy, ngồi lên boóc-ba-ga chiếc xe Phượng Hoàng của bố mà cu cậu nhăn nhó như phải ngồi lên quả mít xanh. Nhăn là phải vì vừa rồi phần mông dùng để ngồi đã bị bố nó phết vào một  roi mây. Cũng còn là nhẹ so với những lần khác vì mẹ can thiệp kịp thời, vả lại bố nó cũng đang vội  đến cơ quan cho kịp giờ.

Chả là cậu chàng đã tìm cách trốn trong chiếc kho nhỏ đựng trăm thứ bà rằn cần dùng cho việc nuôi ba con lợn mỗi lứa. Cu cậu tính toán rằng chỉ cần im hơi lặng tiếng ở trong đó khoảng muời lăm phút, đúng vào “giờ G” thì bố sẽ phải rời nhà đi làm, và thế là sẽ không có việc đưa “Mô-ha-mét đến gặp núi” khi mà “núi không chịu đến gặp Mô-ha-mét” như  lời bố nó nói với bác Vân. Thằng bé không biết “Mô-ha-mét” là người thế nào hay có thể là cái gì đó, nhưng rõ ràng câu nói giữa hai người lớn là ám chỉ vào nó, còn “núi” chắc ám chỉ bọn Văn, Vi nhà bác Vân.

Chỉ cần trốn thoát đuợc vài hôm thì bố sẽ bỏ ý định đưa sang nhà bác Vân để học cùng với cái Vi. Rồi bỗng nó nghĩ ra rằng nếu mình ở nhà mà chúi mũi vào học, có đuợc mấy điểm 9, 10 thì có khi sẽ chẳng phải đi đâu nữa. Tuy nhiên kế hoạch đã thất bại ngay từ đầu chính vì con Cun. Thế mới điên chứ!

Nó nghe thấy tiếng bố nói ở ngoài cửa: “Ơ, thằng Thăng đâu rồi nhỉ?” Tiếp theo là tiếng chiếc xe đạp lăn kềnh ra đất, thay cho việc phải tựa vào tuờng do bố nó quá vội vàng. Cu cậu vừa nín thở, lẩn vào sau chiếc thùng phi nhựa đuờng đựng cám ngô, nhanh như một con thạch sùng chợt nhìn thấy cụ mèo muớp, thì con Cun – học trò của nó – đã ló mũi vào, gâu mấy tiếng ra vẻ rất khoái chí với trò chơi trốn tìm của cậu chủ!

Thế là sau khi nhận một roi quắn đít, cu cậu đành phải leo lên ngồi phía sau lưng bố. “Nu, pagadi!” Cậu chàng còn cố quay lại đưa nắm đấm ra đe con Cun, không biết rằng trông mình lúc ấy cũng nhếch nhác hệt như con Sói, vừa bị chú Thỏ chơi trò ngoạn mục trong bộ phim hoạt hình “Hãy đợi đấy!”

Tuy nhiên “con ma nhìn thấy không đáng sợ như con ma nghe người ta kể”- Khoá Buồn đã nói thế sau khi chui ra từ chiếc xe con của Ngân hàng Kiến thiết. Lần ấy không biết do ai giới thiệu, mà tự dưng có một ông cán bộ ngân hàng đưa xe con đến đón bác ta đi mở gấp một chiếc két bạc, bị trục trặc kỹ thuật gì đấy. Từ chối cũng không đuợc, mà buớc lên xe thì run trong bụng – về sau bác ta thú nhận với bà Mại Đủ Thứ như vậy. Cũng do đó mà “các nhãi ranh” như Thăng và thằng Hoan mới biết rằng truớc đây Khoá Buồn đã từng là lính đặc công, sau khi giải phóng miền Nam đã tham gia vào việc mở khoá một số kho tàng không có chìa, “chứa toàn pa-tê với pho-mát của quân Mỹ để lại” – Nghe bác kể việc lính ta khui đồ hộp ra nếm thử  mà bọn chúng thèm nhỏ rãi.

Mọi việc tiếp theo ở nhà bác Vân cũng không quá chán như cu Thăng nghĩ. Đúng là chị em Văn, Vi cộng lại cũng không bằng một nửa thằng Hoan của nó, dứt khoát là như thế, nhưng hôm sau thì thằng bé đã không trốn khi bố nó dắt xe ra cửa như hôm thứ hai vừa qua. Có thể là bác Vân đã dặn dò hai chị em về việc phải hiếu khách và không đuợc bắt nạt cu Thăng. Chị Văn thì vẫn như mọi khi, nghĩa là chăm chú vào công việc của chị ấy. Cái Vi thỉnh thoảng có nhăn mũi hoặc đi qua lại đỏng đảnh như thể coi nó chỉ ngang.. con Bim nhà chị em nó  nhưng cũng không nói gì. Đã thế cu cậu cũng không thèm nói, cứ hí húi vào việc học thuộc hai bài Sử, Địa và làm các bài tập toán ở nhà.

Sử và Địa thì chẳng nói làm gì, xưa nay những môn học thuộc lòng nó vẫn nhá ngon như chào mào ăn ớt tuơi. Điểm lạ là mấy bài toán sao lại không khó như mọi khi, chỉ cần giở các bài mẫu xem một lúc là tự dưng cu cậu làm đuợc hết. Hay tại vì hôm nọ nó đã đọc lại hai chương toán lớp năm vì lo sẽ thò cái đuôi dốt truớc mặt chị em Văn, Vi?

Thăng ta thấy cái Vi có vẻ tò mò khi nó viết hí hoáy một lúc trong vở tập toán rồi đặt bút xuống với vẻ khoan khoái. Con bé  giả vờ đi qua phía sau lưng đến chỗ chị Văn nó, chắc chắn là để liếc xem kết quả giải ra là bao nhiêu. Cậu chàng định đóng sập vở lại, nhưng chợt nghĩ làm thế sẽ bị chê là kém.. tắm nên lại thôi, có điều hai tai tự dưng đỏ lên như quả cà chua ương.

“Nhỡ mình làm sai thì sao?” Ý nghĩ này chợt đến chỉ vì có buớc chân đứa con gái đi ở sau lưng. Giá là buớc chân của thằng Hoan, hay một ông lỏi nào khác thì chả bao giờ nó phải nghĩ ngợi như vậy. Đấy thực sự là chiêm nghiệm đầu tiên khi cậu chàng bắt buộc phải “chung sống hoà bình” với lũ con gái – hai chị em Văn, Vi nhà bác Vân…

Để  cho em chọn bạn

Thì sẽ chẳng bao giờ

Chơi với lũ con gái

Toàn những đứa… phất phơ.

Em mà đã chọn bạn

Phải “chiến” như thằng Hoan

Với một bồ bí mật

Sẽ cùng nhau lo toan…

N.C

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder