Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của truyền thông và công nghệ. Môi trường số hoá Internet đã tạo cho con người những cơ hội lớn mà trong trao đổi thông tin truyền thống không làm được, như: Khả năng kết nối các nền văn hoá khác nhau, giản lược giới hạn khoảng cách địa lý từ xa thành gần, tính liên kết trong thế giới được đảm bảo, và khả năng trao đổi tri thức trở thành nhu cầu không thể thiếu…
Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của truyền thông và công nghệ. Môi trường số hoá Internet đã tạo cho con người những cơ hội lớn mà trong trao đổi thông tin truyền thống không làm được, như: Khả năng kết nối các nền văn hoá khác nhau, giản lược giới hạn khoảng cách địa lý từ xa thành gần, tính liên kết trong thế giới được đảm bảo, và khả năng trao đổi tri thức trở thành nhu cầu không thể thiếu…
Trong khuynh hướng liên văn hoá, với khả năng xâm nhập, tác động tất yếu giữa các nền văn hoá với nhau, việc xem văn hoá dân tộc mình là duy nhất và độc lập là bất khả. Dù muốn hay không thì văn hoá, tự thân nó đã vượt qua sự kiểm soát về mặt thể chế và lý tính khoa học. Văn hoá, giờ đây, trước hết là một mưu cầu trao đổi các giá trị biểu trưng, mà đặc tính quy định các giá trị biểu trưng ấy luôn là một hành trình sáng tạo không ngừng. Trong đó, sáng tác thơ ca của một dân tộc được xem như là cốt tuỷ giá trị thuộc về ngôn ngữ, bản sắc, tư tưởng, cũng như cách thức giao tiếp của con người trong mỗi nền văn hoá. Thơ ca đã góp phần đưa tiếng nói của Việt Nam tiến gần với tiếng nói của nhân loại trên thế giới, là cái bắt tay tất yếu của chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa quốc tế.
Vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu các trường hợp tác giả dưới cái nhìn nhân học vi mô trong văn hoá – văn học, là cách để chúng ta ngôn thoại với thế giới về các giá trị tinh thần dân tộc thông qua những hình thức biểu hiện của nó như: Ngôn ngữ, tư tưởng và hình tượng nghệ thuật… Khuynh hướng nghiên cứu nhân học vi mô trong văn hoá, văn học Việt Nam đã trở thành phương pháp tiếp cận hữu ích và đặc biệt quan trọng. Chỉ khi các tác gia văn hoá – văn học được người nghiên cứu mổ xẻ một cách chi tiết theo chiều sâu tư tưởng kết hợp với chiều rộng của tư liệu, thì khi ấy, chúng ta mới thực sự có một nền nhân học bền vững. Một dân tộc không có nền nhân học bền vững và xứng tầm, là một dân tộc yếu và giới hạn về hiền tài. Những năm gần đây, một số học giả đã và đang làm công việc nặng nhọc là “góp sỏi” để “xây thành”, họ đi vào nhân học văn hoá – văn học với một tâm thế trân trọng các giá trị thuộc về con người, góp phần thức nhận các giá trị nhân văn dân tộc. Có thể kể đến công lao “xây thành” ấy thông qua một số trường hợp như: Giáo sư Trịnh Văn Thảo với Vietnam: Du confucianisme au communisme. Un essai d’itinéraire intellectual (“Việt Nam: Từ Khổng giáo tới Chủ nghĩa Cộng sản – Một tiểu luận về Hành trình trí thức”)([1]), Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phương Ngọc với À L’origine de L’anthropologie Au Vietnam – Recherche sur les auteurs de la première moitié du XXe siècle (“Nguồn gốc nhân học ở Việt Nam – Nghiên cứu các tác giả nửa đầu thế kỷ XX”)([2]), Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Lai Thuý với Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa([3]), Chân trời có người bay([4]), Vẫy vào vô tận([5])…
Tiếp nối dấu chân của những người “lớn” về tư tưởng và nhân cách ở trên, chúng tôi với một tâm thế quan sát đi sau, muốn thông qua trường hợp cụ thể là Mai Văn Phấn và thơ của anh, thử tìm một lối lý giải theo cách mà các vị thầy, đồng nghiệp đi trước đã làm: Phát triển một khoa nhân học vi mô từ hướng tiếp cận văn hoá và văn học.
Tác phẩm Mai Văn Phấn và Hành trình thơ vào cõi khác ra đời như là kết quả giải đáp những tò mò và khát khao khám phá. Cuốn sách, do vậy, trước hết là cách lý giải về một mẫu hình nhân học cụ thể qua trường hợp Mai Văn Phấn, và sau cùng là tham vọng muốn đi sâu hơn lý giải các mẫu hình nhân học khác trong tương lai gần.
Với ý nghĩa ấy, cuốn sách được chia làm 3 chương:
Chương 1: Chú giải thơ Mai Văn Phấn, như là cách thức giải quyết vấn đề tư liệu cũng như làm thế nào để hiểu đúng tư liệu của một người thơ.
Chương 2: Mai Văn Phấn và sự chuyển dịch văn hóa qua thơ, là chương nghiên cứu trường hợp Mai Văn Phấn dưới cái nhìn nhân học vi mô qua các giai đoạn hiện thực khách quan. Đây là chương mà tác giả đi sâu lý giải hiện tượng Mai Văn Phấn từ góc nhìn quan niệm về sáng tạo và sự diễn giải kinh nghiệm tri thức bằng lời…
Chương 3: Thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại, là chương có ý nghĩa tổng kết một hành trình thơ của một cá nhân cụ thể trong khuynh hướng chung của nền thơ ca Việt Nam; là quá trình vượt qua chính mình của người thơ để đưa thơ tồn tại trong cuộc đời như một thực thể sinh động.
___________________
[1] Tác phẩm Vietnam: Du confucianisme au communisme. Un essai d’itinéraire intellectual của Giáo sư Trịnh Văn Thảo được dịch và xuất bản tại Việt Nam với nhan đề: Ba thế hệ trí thức người Việt. Xin xem: Trịnh Văn Thảo (2013), Ba thế hệ trí thức người Việt. Nxb Thế giới, Hà Nội.
[2] Xin xem: Nguyễn Phương Ngọc (2012), À L’origine de L’anthropologie Au Vietnam – Recherche sur les auteurs de la première moitié du XXe siècle. Nxb Universitaires de Provence, Pháp.
[3] Xin xem: Đỗ Lai Thuý (2005), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa. Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
[4] Xin xem: Đỗ Lai Thuý (2002), Chân trời có người bay. Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
[5] Xin xem: Đỗ Lai Thuý (2014), Vẫy vào vô tận. Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
(Nguồn vanvn.net)